Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Gửi “em”- tôi của những mùa Tết đã xa

Tết này, mưa có về không em? Tôi nhớ da diết cái se lạnh của miền Trung ngày ấy, lất phất sắc đào tím biếc rụng rơi một góc sân nho nhỏ và những đám mây lững lờ rơi trong đôi mắt em ngây ngô, thuần khiết. Cơn mưa giăng trắng lối đi vào làng thoang thoảng hương cau, mưa không nặng hạt, chỉ mơn man như những màn sương mỏng. Vậy mà mưa ấy làm lòng người như lắng xuống, nhen nhóm cái dư âm dai dẳng của hoài niệm, hoang hoải, đầy vơi.

Tôi nhớ như in mỗi sớm mai thức dậy với tiếng gà gáy sáng, nghe mùi quê hương đung đưa nơi cánh mũi, cảm thấu nguyên vẹn cái lạnh đang ve vuốt trên da thịt và cố hít thật sâu không khí thơm mát đầu ngày; nhớ cả mùi khói bếp nhà ai vấn vương trên từng mái ngói đỏ phủ kín rêu xanh. Em có còn tung tăng về nhà trên con đường đá đất chen nhau ấy để nghe lòng hân hoan niềm vui Tết đến đang nhen dày trong từng nghĩ suy vô tư như đám cúc dại ken lên thành những thảm hoa xanh trắng bên đường. Con đường ấy ngày em hai buổi đến trường, con đường in vết chân trâu lững thững ra sông ra bãi, con đường lép nhép mùa mưa ngâu em đi bắt cá, con đường rải đá cho đôi chân em cứng cáp qua mười bảy mùa đào mai rụng nở.

Nhớ Tết, nhớ quê, nhớ em lên tám lên chín năm ấy, tôi nhớ cả mái nhà nhỏ lấp ló sau giàn gấc lúc lỉu quả xanh quả đỏ. Nhà nghèo là thế mà yêu biết bao. Mẹ còng lưng trên nương bãi trong cái giá lạnh buốt của đất miền Trung, cha thì oằn vai lầm lũi trong cát bụi, xi măng với đồng lương ít ỏi. Nhưng tuổi thơ tôi có thiệt thòi bao giờ. Mâm cơm đón Tết vẫn ắp đầy nồi thịt kho trứng, bát canh khổ qua và cả món bánh chưng cổ truyền. Tôi vẫn có lì xì, dép đẹp, quần áo mới nô nức cả một hôm chợ phiên. Tháng năm dần qua, chị em tôi lớn lên trên vết chân chim hằn sâu mới khoé mắt mẹ, trên mái tóc lơ thơ điểm bạc và những giọt mồ hôi mặn đắng trên chiếc lưng còng khói sương mỗi ngày làm bạn của cha. Và này em ơi, ở quê nhà giờ mẹ cấy xong chưa? Nắng gió quê hương cho hai mùa vụ mẹ vác cuốc ra nương. Luống ngô, bờ khoai có non xanh như mùa em mơn mởn tuổi mười bảy bây giờ. Thương thay cho đôi chân mòn gót của mẹ lại ngập trong bùn nước, mặc cái rét cắt thấu vào tim gan. Lại thương cho người đàn bà có đôi bàn tay chưa bao giờ thôi nứt nẻ ấy bao giờ cũng cố cho xong từng thửa đất cuối cùng để về cùng con dọn nhà đón Tết. Chao ôi là nhớ, bóng mẹ về trên chiếc xe cọc cạch tróc sơn, chầm chậm chở hương Tết về nhà, qua lũy tre già đầu xóm, qua bờ ao nước xanh in bóng cờ xanh đỏ liêu xiêu trong tiếng gió. Tết về trong vòng quay chiếc lốp xe bạc màu, trên đôi quang gánh của bà hàng hoa và lẫn trong cả tiếng nô đùa của lũ mục đồng cỡi lưng trâu về.

Em còn nhớ không hương khói bếp nung chén rượu nồng say mẹ dành đón khách. Em co mình nép cạnh người mẹ, lắng nghe tí tách đám rơm khô bén lửa bập bùng và đôi mắt em sáng ấm như hai ngọn đèn dầu. Cái hơi khói bếp cay xè sống mũi em nhưng lạ thay lòng ấm lên như đêm dài chợt bừng nắng mới. Xuân lấp ló ngoài ô cửa và hồn em rong ruổi trên đôi cánh bướm nghiêng đầy hương thơm. Khói ấy làm trắng xoá cả những đám mây lãng đãng giữa không trung, tô đậm hơn sắc xanh thanh bình của bầu trời những ngày năm mới.

Kể tôi nghe đi chuyện Tết ở quê nhà? Có vui không hay vui hơn lúc ta lần đầu cùng mẹ làm mứt dừa, mứt gừng hay mứt cà chua… Đứa con gái mới lớn mẹ thương làm vỡ chiếc bát sứ trắng tinh rồi nhăn răng cười nghe tiếng mẹ cằn nhằn cái vụng về tuổi nhỏ. Món mứt ngọt đắng vì lửa cháy quá đà, làm đen hết cả chiếc chảo mới mua. Nhưng em ơi, tôi thấy cái vị ngọt len lỏi trong cả tâm can và xúc cảm tôi ngày ấy, ngọt khắm cả một miền ký ức tuổi thơ những năm tôi chưa rời vòng tay của mẹ.

Còn nhớ không em, lon ton thuở ấy, Tết ghé lại ríu rít nắm chặt ngón tay mẹ háo hức ra chợ. Ngôi chợ làng với những tấm bạt cũ kĩ, xập xệ những ngày giáp Tết bao giờ cũng đầy ắp người. Chợ quê nhỏ bé nép mình sau cây đa cổ thụ đầu ngõ, lép nhép bùn nước của ngày mưa lất phất, tôi theo chân mẹ bằng đôi dép tổ ong đã đi mòn cả đế và cười típ mắt thử bộ đồ hồng tím mẹ mua, lòng tôi sống dậy niềm hân hoan tột cùng và cảm tưởng như quãng đời về sau sẽ chẳng bao.giờ có niềm vui nào lớn lao hơn thế nữa.

Chợ quê gần sát với một ngôi đình cổ kính. Trong tiềm thức ban sơ của tôi, ấy là một nơi thanh tĩnh và trang nghiêm vô cùng. Những bậc thềm gạch đỏ lấm tấm vết nhám của thời gian, cả cánh cửa gỗ mun nhẵn bóng từng đường vân rõ nét hay cả chiếc lư hương lúc nào cũng nghi ngút khói, tất cả đã khơi dậy trong đất trời hơi ấm tàn dư của hoài niệm, của dĩ vãng và của cả xúc cảm biết bao đời người.

Còn đó không em, gửi cho tôi chút ánh sáng rực màu của pháo xuân, cho tôi ngửi lại cái mùi khói pháo khen khét nghi ngút một góc trời, để được cảm lại lần nữa mâm cơm quen thuộc phút sang năm và nghe lại một lần thôi tiếng nhạc ai vang da diết cả cõi lòng. Cũng là phút giây giao hoà giữa dương âm, trời đất, cũng là ngày ấy, tích tắc ấy nhưng cảnh thật lạ và lòng người cũng chẳng quen thuộc là bao. Em ơi, bao lâu rồi tôi chưa trở lại để thêm lần nữa sà vào lòng cha sưởi ấm đôi chân trần lạnh buốt bằng ánh lửa bập bùng dậy mùi chưng xanh, để lặng xiết đôi bàn tay mẹ nứt nẻ- đôi bàn tay em đã thương tha thiết bao năm dài. Tết nay, Tết ở đây là Tết của những ánh đèn màu rực sáng, Tết của những nhịp đời ồn ã, Tết của những bon chen, vật vã, tổn thương chưa từng, Tết của cả những phố xá, thành thị xa hoa không có giờ đi ngủ, không có giờ để yêu…

Em nhớ hết phải không? Dẫu không có máy ảnh, điện thoại để tí tách lưu giữ tất thảy mọi biến chuyển tinh vi nhỏ nhặt nhất? Và có phải chính bởi vậy mà những khoảnh khắc tuyệt diệu ấy lúc nào cũng ắp đầy trong tâm trí, bởi em lưu nó bằng bộ nhớ của tình thương, bằng dung lượng của nỗi nhớ. Tết vẫn đến, dẫu cho tiếng gọi “đợi chút” của riêng tôi, em dần lớn để lại những mùa Tết xa xăm lặng lẽ hoà vào vang bóng, em lớn lên để thành một “tôi” với những mảnh kí ức khắc khoải và nỗi xuyến xao quặn lòng trước nỗi mênh mang mơ hồ của niềm nhớ.

Tết nay, xin lần nữa một cuộc hẹn với thời gian, cho tôi về thăm lại Tết xưa, nơi nắng mai hồng gõ đầu trẻ đến lớp, nơi đôi chân trần băng băng mải miết theo bóng mẹ bên bãi ngô khoai, nơi nụ tầm xuân lần đầu thắm sắc chín trời chiều và nơi tôi phút đầu biết yêu những điều nhỏ bé nhất… Và nay, xuân ghé bên nhành đào phơn phớt sắc hồng, xin mượn tạm nhành gió thân gửi tới em nỗi lòng tôi mười bảy- kẻ đang mơ giấc mộng ngày về….

Dương Vân

Phẩm trật ông quan, phẩm giá con người

Phẩm trật (1) ông quan là phẩm trật có một đời, phận (2) có, khắc có. Phẩm giá con người là phẩm giá lưu truyền trăm đời, tự mình không cố...

Khoa cử ở Việt Nam: Công hay tội?

Xã hội ta xưa đại để chia ra làm hai loại người: quan và dân. Quan là người giúp vua điều khiển guồng máy chính trị để đem lại trật...

Những chuyện lạ quanh ca khúc “Chủ nhật buồn”

Trong lịch sử âm nhạc thế giới, một tác phẩm âm nhạc một thời đã gây chấn động mạnh trong một bộ phận thanh niên châu Âu; đó là ca...

Nói lại cho đúng một số vấn đề lịch sử trong quyển Hình Ảnh Bảo Đại

Tôi muốn nói về cuốn Hình Ảnh Bảo Đại, Các Chính Khách Quốc Gia Và Hội Nghị Hương Cảng 1947 (HABĐ) của Nguyễn Khắc Ngữ, do Nhóm Nghiên Cứu Sử...

Tây Du Ký và 4 bài học về thói khoe khoang kiêu ngạo

Trương Triều thời nhà Thanh từng viết trong “U Mộng Ảnh” rằng Tây Du Ký là một cuốn ngộ thư, một cuốn kỳ thư. Bề ngoài là kể về hành...

Chịu đói giúp người

Dương Tự Trừng là người huyện Ninh Ba, tỉnh Triết Giang, làm chức giám ngục trong nha huyện. Lúc nào tâm ý của tiên sinh cũng hết sức nhân từ,...

Xứ Đàng Trong thế kỷ 17 – Phần 1 – Quốc hiệu và diện tích của xứ nầy

Vào đầu thế kỷ 17, nghĩa là trước đây gần 400 năm, đã có một người Ý tới Đàng Trong. Trong gần năm năm trời, ông đã xem xét và...

Thắc mắc cùng Táo Quân

Con thấy người miền Bắc cúng cá chép, người miền Trung cúng cỗ ngựa giấy, còn người miền Nam cúng “cò bay ngựa chạy”, cho con hỏi vậy Táo Quân...

Xôi ngộ – xôi trẻ

Ăn chơi hay ăn thiệt, ăn nhanh hoặc chậm, vò xôi đều tiện lợi.Và thật bất công khi những vụn thịt gà công nghiệp nhạt phèo, choàng chiếc áo hào...

Phút cuối – Núi đồi lồng lộng, chiều mưa nhớ ai…

… Núi đồi lồng lộng, chiều mưa nhớ ai…(1) Âm nhạc ảnh hưởng đến cảm xúc của con người là chuyện thường, nhưng cảm xúc đến độ rơi nước mắt...

Me Sài Gòn

Me Sài Gòn và me Sài Gòn rất khác nhau. Me Sài Gòn gây nuối nhớ là những hàng me được trồng hai bên đường trong thành phố. Me Sài...

Nước càng sâu thì chảy càng chậm, người càng trí huệ thì tâm càng tĩnh

“Nước càng sâu thì chảy càng chậm” là có ý nói rằng, nước sâu đều chảy phi thường thong thả. Trên mặt nước cho dù gió thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn...

Exit mobile version