Qua nhiều vài biết của tôi, chúng ta đã biết Đại Tộc Việt là Người Mặt Trời thái dương rạng ngời. Như thế hiển nhiên Bách Việt thờ phượng mặt trời. Xin tóm tắt nhắc lại vài điểm chính về Đại Tộc Việt Người Mặt Trời và đạo thờ mặt trời của Bách Việt đã viết.
-Về ngôn ngữ học:
Từ Việt biến âm với vọt (roi, nọc, que). Vọt có nghĩa phụ là vượt qua (dùng roi vọt đánh cho con vật đi nhanh vượt qua ‘qua mặt’ nên có từ vọt nhanh, vọt lẹ, dọt nhanh, dọt lẹ, máy xe rất vọt…), vượt qua chướng ngại vật, vượt hơn lên (siêu Việt). Ta thấy nghĩa vọt, vượt của Hán Việt Việt chỉ là nghĩa phụ có gốc từ Việt-vọt (roi, nọc).
Việt có một nghĩa là rìu. Với nghĩa này Việt biến âm với vớt, con dào dài dùng làm khí giới. Vớt ruột thịt với vọt vì khí giới khởi thủy là một vật nhọn.
Tóm lại Việt có gốc ở từ thuần Việt vọt, vớt chỉ chung nọc, vật nhọn. Như thế Việt là Nọc mang trọn vẹn tất cả ý nghĩa của chữ Nọc Que (I), một trong hai chữ cái của chữ viết nòng nọc vòng tròn-que. Nọc có gốc nguyên thủy từ bộ phận sinh dục nam (Việt Là Gì?).
Vì thế Việt là vọt, vớt có tất cả các nghĩa của chữ nọc que hay liên hệ với chữ nọc que phát gốc từ bộ phận sinh dục nam bao gồm các nghĩa: đực, dương, nam giới, vật nhọn, nọc, cọc, que, vọt, roi, cột, trụ, chầy, lao, giáo, mác, đòng nhọn, dao, búa, rìu, sừng, trống (nghĩa tổng quát), đường thẳng hay có góc cạnh, (ngành) nội, nét nhỏ, tinh tế, góc nhọn, đỉnh nhọn, góc vuông, chấm đặc, đôi khi là chấm hay vòng tròn trắng (với nghĩa trắng là ánh sánh, dương), số 1, số lẻ, mặt trời rạng sáng, mặt trời có nọc tia sáng, sáng (ngược với tối), chim có dương tính (cắt, cò, công, ó, ưng, diều hâu…), thú có dương tính, thú có sừng, núi đỉnh nhọn (nổng, lĩnh), mầu đỏ, lửa, mặt trời (dương)…
Vì từ Việt dùng chỉ một đại tộc, một đất nước, một quốc gia, một liên bang thì bắt buộc phải có nghĩa theo triết thuyết vũ trụ quan, nhân sinh quan, tín ngưỡng nghĩa là Việt phải có nghĩa là mặt trời hay liên hệ với mặt trời. Đại Tộc Việt là Người Mặt Trời.
Điểm này cũng được tác giả Đỗ Ngọc Thành, trong bài viết giải thích về ý nghĩa của từ Việt, cũng chứng minh cho thấy có rất nhiều từ Việt trong Hán Việt. Tất cả các từ Việt này đều có nghĩa là mặt trời hay liên hệ với mặt trời (nhannamphi.com).
-Về văn hóa
Truyền thuyết và cổ sử Việt ghi rõ:
.Viêm Việt là dòng thần mặt trời Viêm Đế.
.Lang (Hùng) là con trai, trai tráng mặt trời.
.Hùng Vương là vua mặt trời dòng thần mặt trời Viêm Đế tương tự như các vua Pharaohs Ai Cập cổ.
.Vật tổ của Đại Tộc Việt đều có nghĩa là nọc, Việt, mặt trời như chim mỏ rìu, chim cắt, chim khướng (chim mũ sừng hornbill), chim chàng, chim lang (mling, mlang, Mê Linh) chim Việt; hươu sừng (Lộc Tục, Kì Dương), hươu Việt; rắn sừng, rắn Việt; cá cọc (cá sấu), cá Việt….
-Trang phục: nón thúng mặt trời cổ truyền của phụ nữ Việt và Ao-Naga, hình hoa thị, hoa cúc mặt trời nữ trên trang phục của Hai Bà Trưng, bà Triệu.
Hoa thị, hoa cúc biểu tượng cho mặt trời thái dương nữ thấy ở các nữ vương, nữ thần dòng mặt trời cũng thấy ở Cận Đông, Ai Cập cổ, Nhật Bản… ví dụ:
Hình hoa cúc 16 cánh biểu tượng cho thái dương thần nữ Amaterasu Nhật Bản.
Lưu ý số 16 cánh hoa tương ứng với 16 tia sáng đầu tròn mang âm tính của dòng nòng nữ. Đây là biểu tượng của mặt trời nữ thái dương (hoa biểu tượng cho cho nữ). Số 16 là số Khôn OOO tầng 3 ( 0,8,16) tức tầng nước thế gian có một khuôn mặt là Nòng O thái âm OO Nước, theo duy dương là mặt trời Nàng Nước. Mặt trời Nàng Nước ứng với Vụ Tiên, Chim Le Le Nàng Nước, Mặt Trời Nữ Nước, mẹ tổ cõi trời thế gian của người Việt Nam. Thái dương thần nữ Ameraterasu của Nhật có một khuôn mặt mẹ tổ cõi trời thế gian của Nhật Bản tương tự Vụ Tiên. Đây là lý do hoa thị hoa cúc cũng là biểu tượng cho thái dương thần nữ, mẹ tổ Âu Cơ, nữ vương (Bà Trưng), nữ tướng (Triệu Ẩu) dòng mặt trời Hùng Vương, Viêm Đế.
-Tế thực
Những tế thực liên hệ với sự thờ phượng mặt trời của người Việt như tiết canh, xôi gấc, bánh dầy, bánh đa… (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).
-Về khảo cổ học
Đồ đồng Đông Sơn có rất nhiều chứng tích của đạo mặt trời, thờ phượng mặt trời của Đại Tộc Việt:
.Trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn luôn luôn có hình mặt trời nọc tia sáng rạng ngời ở tâm mặt trống có một khuôn mặt là trống biểu của ngành Viêm Việt Viêm Đế, của họ Hồng Bàng mặt trời, của Hùng Vương mặt trời…
.Người mặt trời ở trống Quảng Xương xem hình ở dưới).
.Lang (sói) mặt trời trống Miếu Môn I.
.Nhà mặt trời trên trống Quảng Xương.
.Những người thể hiện sự thờ phượng mặt trời trong những ngôi nhà nọc mặt trời trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I và các trống họ hàng.
Rõ hơn là ở thạp đồng Hợp Minh chỉ có một người ngồi đưa hai tay ra phía trước tôn vinh, cầu nguyện mặt trời, vũ trụ (nên không thể nói như một số tác giả cho rằng hai người trong ngôi nhà ở trên đang chơi trò “trồng hoa trồng nụ”).
.Chim Việt chim cắt biểu tượng cho mặt trời trên trống Duy Tiên và Ngọc Lũ I, trên vật đựng vỏ sò Điền Việt.
.Rìu Việt của Điền Việt (Nghệ Thuật Đồ Đồng Cổ của Vương quốc Điền).
Và còn nhiều nữa…
Bài viết này xác thực vững chắc thêm một lần nữa Đại Tộc Việt là Người Mặt Trời, thờ phượng mặt trời, theo đạo mặt trời. Cảnh thờ phượng mặt trời của Lạc Việt cổ còn vẽ lại rành rành trên vách đá Hoa Sơn (Huashan) ở Quảng Tây, Trung Quốc cách đây hơn 2.500 năm cùng thời với trống đồng nòng nọc, âm dương Ngọc Lũ I.
Phần đất nam Trung Hoa thuộc địa bàn cũ của Bách Việt có rất nhiều những hình vẽ trên đá (rock painting). Những hình vẽ này có từ Thời Tân Thạch ví dụ như ở Vân Nam tại hai tỉnh Mengsheng và Menglai, quận Canyuan, tỉnh Lincang có những hình vẽ cổ từ khoảng 3.000 năm trước đây. Hình vẽ thường diễn tả cảnh săn bắn, gặt hái cũng như những hình người nhẩy múa và đánh nhau…
Lưu ý trong hình nhỏ ở góc trên trái có một hình người ở góc phải phía trên tay giơ cao mang hình ảnh đang tôn vinh mặt trời (xem dưới).
Nhưng hình vẽ được các học giả Trung Quốc cho là phần quan trọng nhất trong nghệ thuật vẽ trên đá của Trung Hoa (sic) và cả thế giới là ở trên vách đá Hoa Sơn bên bờ tây sông Mingjiang, tỉnh Yaoda, quận Ningming. Hình vẽ ở Hoa Sơn là hình vẽ trên đá lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới.
Những hình vẽ này của người Lạc Việt cổ thuộc tộc Tráng (Zhuang), hiện ở vùng đất tự trị của tộc Tráng ở Quảng Tây. Vùng nổi tiếng nhất là khu vách đá ở nhánh sông Zuo. Nổi tiếng về tính cách vĩ đại và có nhiều hình ảnh đầy nghệ thuật. Đây là tác phẩm bất tử về hội họa của tộc Lạc Việt Tráng cổ.
Hoa Sơn còn được gọi là núi Thiên Nhân (Xianren) và người Tráng gọi là Laiz với nghĩa là núi với mầu sắc đẹp tuyệt vời. Cũng cần phân biệt Hoa Sơn ở đây khác với Hoa Sơn trong Ngũ Nhạc của Trung Hoa. Có giả thuyết cho rằng Hoa Sơn ở đây vốn gốc là Họa Sơn (núi có hình vẽ) về sau nói sai thành Hoa Sơn.
Từ Nam Ninh, chúng tôi dùng xe hơi tới Tuolong cách Nam Ninh khoảng 110km rồi từ đó phải dùng thuyền đi ngược dòng sông Zuo lên Hoa Sơn.
Hình vẽ ở khu vực bên sông Zuo này rộng hơn 170 mét, cao hơn 40 mét trên vách đá dựng đứng bên dòng sông.
Có hơn 1800 hình vẽ nhìn thấy rõ và được chia ra 110 nhóm.
Hình vẽ bằng quặng đất có sắt hematite trộn với chất giao và máu có mầu đỏ máu. Hình phần lớn được nhìn từ một bên. Đa số người ở tư thế đầu gối khuỵu xuống, chân bẹt ra như đang ở tư thế đứng tấn trong võ thuật, hai tay giơ cao, hay đưa ra trước mặt (giống các người ngồi trong nhà mặt trời ở trống Ngọc Lũ I đã thấy ở trên đang tôn vinh, cầu xin mặt trời), bàn tay thường xòe ra thấy rõ năm ngón, chân đi đất, đeo gậy, đeo dao dài hay ngắn, rìu hay kiếm cùng với những hình thú vật như ngựa, chó, thuyền, chập chõa (timbales) và nhất là mặt trời.
Ở giữa hay phía trên mỗi nhóm có một người to lớn đeo dao hay kiếm, rìu ở ngang thắt lưng và có cả yên ngựa, mang vóc dáng của người lãnh đạo. Đám đông nhẩy múa, vui chơi, hội hè tưng bừng…
Những hình vẽ cao trên vách đá cheo leo, hiểm trở này còn là một thắc mắc, một câu hỏi chưa tìm ra câu trả lời của các nhà khảo cứu là người Lạc Việt cổ làm cách nào mà họ có thể thể hiện được những hình vẽ này. Để vẽ, họ đã dùng dây đu tòng teng xuống vách đá? Họ làm giàn dưới sông? hay trên thuyền? Hay thuở đó con sông còn cách xa vách đá? vân vân…
Hình vẽ ở núi Hoa Sơn và vách núi bên sông Zuo do nhiều thời đại tích tụ lại, kể từ thời Chiến Quốc qua Tây Hán, Đông Hán (1.800-2.500 năm). Hình vẽ mỗi thời có một nét đặc trưng khác nhau. Những hình này ghi lại lịch sử của các tộc Bách Việt ở Nam Trung Hoa. Nhìn lên những hình vẽ trên đá vĩ đại này con cháu Lạc Việt không những chỉ cảm nhận thấy được đời sống xã hội sống động của người Lạc Việt cổ mà còn đánh giá được đời sống tâm linh và quan niệm nghệ thuật của Lạc Việt Tráng cổ.
Những hình vẽ nầy cung cấp những chứng cứ rõ ràng và xác thực về lịch sử của Lạc Việt cổ đã biến mất. Bách Việt và Lạc Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh đã tạo dựng nên một nền văn hóa huy hoàng và trở thành một phần quan trọng của văn minh Trung Hoa.
Hình vẽ trên đá ở Hoa Sơn đã ảnh hưởng quan trọng lên sự hình thành và phát triển đức tin, tín ngưỡng dân gian Trung Hoa. Chúng vẽ lại một cách sống động cảnh hiến tế của người Lạc Việt, diễn tả sự thờ phượng, lòng tin và ước vọng ….
(http://whc.unesco.org/en/tentativelists/5340/)
Phong thái các hình vẽ giống như các hình trang trí trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn. Có hình mặt trời trống giống trống đồng. Nếu đúng thì có sự hiện diện của trống đồng, của văn hóa của đại tộc Đông Sơn.
Chắc chắn không còn gì nghi ngờ nữa chúng được sáng tác bởi cùng một nền văn hóa của người Lạc Việt trong đó có tộc Tráng. Một vài khí giới Thời Đồ Đồng cũng đã đào tìm được ở đây. Người Tráng có rất nhiều trống đồng (sẽ có bài viết riêng về tộc Lạc Việt Tráng này).
Những hình vẽ này diễn tả lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa mà các học giả Trung Quốc hiện nay cho là lễ hiến tế (sacrificial activity) nhưng họ không nói rõ là hiến tế người hay thú vật. Có lẽ họ không hiểu hay cố ý né tránh, không dám nói ra sự thật đây là cảnh tế lễ mặt trời của Đại Tộc Việt, Người Mặt Trời.
Theo tôi, đây đích thực là lễ thờ phượng mặt trời. Dù cho rằng đây là lễ hiến tế, kể cả hiến tế người đi nữa, thì lễ hiến tế cũng vẫn là một khuôn mặt chủ yếu của sự thờ phượng mặt trời. Ví dụ điển hình thấy rất rõ ở người Aztec Mỹ châu chẳng hạn. Đây là một chứng tích hùng hồn và kiên cố cho thấy người Lạc Việt thờ mặt trời và nói cho biết rõ Đại Tộc Việt thờ mặt trời.
Tôi xin giải đọc (decipher) cảnh tế lễ thờ mặt trời trên vách đá Hoa Sơn này của Lạc Việt Tráng.
-Mặt trời
Hiển nhiên trong các hình vẽ này ta thấy rõ có sự hiện diện của mặt trời riêng lẻ hay một nhóm mặt trời. Các hình mặt trời này có vòng tròn bao quanh mang sắc thái của hình mặt trời trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn.
Thường có những nhóm người nhẩy múa bao quanh một hình mặt trời. Có khi nhóm người nhẩy quanh hình một mặt trời:
hay quanh một nhóm nhiều mặt trời.
Lưu ý
.Dựa vào dáng của những người ở phía trước xoay ngang hướng về phía bên tay phải cho thấy nhóm người di chuyển theo chiều dương tức theo chiều ngược với kim đồng hồ, theo chiều mặt trời. Họ đang nhẩy vũ điệu mặt trời. Cảnh này giống như những nhóm người nhẩy múa quanh mặt trời, theo chiều mặt trời trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn. Có tác giả cho rằng trong các hình mặt trời này có hình là mặt trống đồng, tức có sự hiện diện của trống đồng.
.Nhóm mặt trời có hình mặt trời lớn chủ yếu nằm ở giữa. Mặt trời này có tia sáng nằm trong vòng tròn và lại được bao quanh bởi một vòng tròn lớn ở ngoài. Ta thấy rõ vòng tròn lớn là không gian. Mặt trời lớn là mặt trời-không gian, vũ trụ, tạo sinh, tạo hóa, nòng nọc, âm dương. Các mặt trời nhỏ gồm các tia sáng tỏa rạng mang tính nọc thái dương nằm trong vòng tròn cho thấy đây là loại mặt trời thái dương thuộc ngành nòng, không gian ứng với ngành nòng, khôn, Thần Nông. Mặt trời nòng âm thái dương này ăn khớp với tộc Lạc Việt (trong đó có tộc Tráng) thuộc ngành nòng Khôn Thần Nông, Lạc Long Quân. Mặt trời vũ trụ và các mặt trời nhỏ (8 mặt trời nhỏ) xung quanh diễn tả một họ, một ngành mặt trời gồm mặt trời tổ và các mặt trời con cháu ứng với thần tổ mặt trời Viêm Đế, với Tổ Hùng đội lốt thần tổ mặt trời Viêm Đế và các Hùng Vương truyền thuyết hay lịch sử (xem dưới).
Hiển nhiên không còn chối cãi gì được nữa với sự hiện diện của nhiều mặt trời này trong lễ hiến tế thì bắt buộc đây là một lễ hội hiến tế của người Lạc Việt cổ. Sự thờ phượng mặt trời này ăn khớp trăm phần trăm với sự thờ phượng trống đồng nòng nọc, âm dương có chủ thể mặt trời ở tâm trống của đại tộc Đông Sơn. Ngày nay một tộc cũng có trống đồng là tộc Yi ở Vân Nam vẫn còn giữ tục thờ mặt trời.
Mặt trời thái cực, vũ trụ của người Yi này diễn tả đúng trăm phần trăm chủ thể mặt trời (trụ) nằm trong vỏ không gian (vũ) ở tâm mặt trống nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn.
-Người mặt trời
Người mặt trời rạng ngời như đã thấy ở trên trống Quảng Xương:
Người mặt trời cũng được ghi khắc lại trên đá ở bãi đá có khắc chữ cổ ở Sapa:
Người mặt trời nòng âm ở giữa hai chân có hình nòng hai vòng tròn có một khuôn mặt biểu tượng cho bộ phận sinh dục nữ. Nhìn dưới diện Vũ Trụ Tạo Sinh thì đây là thần mặt trời nòng âm, nữ (nguồn: Lê Trọng Khánh, Phát Hiện Hệ Thống Chữ Khoa Đẩu Thuộc Văn Hóa Đông Sơn).
Người mặt trời nọc dương ở giữa hai chân có hình nọc cong mang hình ảnh một thứ rìu Việt biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam. Nhìn dưới diện Vũ Trụ Tạo Sinh thì đây là thần mặt trời nọc dương, nam (nguồn: Lê Trọng Khánh).
Hai hình người hay thần mặt trời này cho thấy họ mặt trời trong văn hóa Bách Việt chia ra làm hai ngành nòng nọc, âm dương. Vì thế khi nghiên cứu về văn hóa Bách Việt lúc nào ta cũng phải nhìn dưới lăng kính nòng nọc, âm dương tức Dịch lý. Ngoài ra ở đây cũng cho thấy rõ hai chữ cái vòng tròn Nòng và que Nọc trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que phát gốc từ bộ phận sinh dục nữ và nam.
Người hay thần mặt trời có mặt trời ba vòng tròn Khôn ở giữa háng liên hệ tới sinh tạo, mắn sinh ở Mường Hoa.
Những chứng tích này cho thấy Đại Tộc Việt là Người Mặt Trời, thờ phương mặt trời nên người Lạc Việt cổ Tráng thờ mặt trời là chuyện tất nhiên. Những hình người đứng ở tư thế đứng tấn trong võ thuật giơ hai tay lên cao mang hình ảnh cung nghinh, chào đón, tôn vinh, cầu nguyện mặt trời, thần mặt trời (xem dưới).
.Cung nghinh mặt trời.
Người cổ xưa khi tế lễ hay tôn vinh mặt trời thường đứng thẳng người hay đứng khuỵu hai chân xuống như ở thế đứng tấn, giơ hai tay khỏi đầu, thường xòe hai bàn tay hay đưa hai tay ra trước mặt hướng về phía mặt trời.
Ta hãy so sánh những hình người trên vách đá này với những hình người đang cung nghinh, tế lễ mặt trời ở các nơi khác. Xin đưa ra vài ví dụ:
-Đưa hai tay cao lên trời.
.Nam Dương
Trong hang Metanduno ở Nam Dương có hình vẽ trên đá thời tiền sử cho thấy cảnh người cung nghinh, thờ phương mặt trời đưa hai tay cao lên trời hướng về phía mặt trời.
.Thổ dân Mỹ Châu
Tại rừng cây hóa thạch ở Arizona, Hoa Kỳ có những hình người cung nghinh, thờ phượng mặt trời đưa hai tay cao lên trời với bàn tay thấy rõ các ngón tay.
.Kyrgyzstan
Người khắc trên đá ở Kyrgyzstan được cho là pháp sư ‘shaman’ giơ hai tay lên trời với bàn tay xoe ra đủ năm ngón, biểu tượng cho tôn vinh mặt trời, tạo hóa.
.Ấn Độ ngày nay.
Các tín đồ theo đạo mặt trời ở Ấn Độ, vào rạng đông mỗi ngày họ lội xuống sông Hằng đứng giơ hai tay cao lên trời cung nghinh mặt trời mọc ở chân trời.
Các tín đồ theo đạo mặt trời ở Benares Ấn Độ, đang cung nghinh mặt trời mọc ở bờ sông Hằng (Madanjeet Singh).
Tác giả đang cung nghinh mặt trời hướng về thần mặt trời Viêm Đế, thần tổ của Bách Việt, Người Mặt Trời ở bờ sông Hằng ở Varanasi, Ấn Độ.
…
Hãy so sánh những hình cung nghinh, tôn vinh mặt trời của các văn hóa, tín người thờ mặt trời này với hình trên vách đá Hoa Sơn của Lạc Việt cổ ta thấy giống trăm phần trăm.
Người Lạc Việt cổ cung nghinh mặt trời với hai tay giơ cao lên trời hướng về mặt trời vẽ trên vách đá Hoa Sơn.
-Đưa hai tay ra trước mặt.
Đôi khi ở tư thế ngồi hay đứng đưa hai tay ra phía trước mặt
.Ai Cập cổ
.Thiên Chúa giáo Ái Nhĩ Lan.
Người Ái Nhĩ Lan cổ thờ mặt trời, khi du nhập Thiên Chúa giáo vào, họ lồng đạo mặt trời vào Thiên Chúa giáo. Vì thế cây thánh giá của họ có vòng tròn mặt trời và các tu sĩ vẫn cung nghinh mặt trời theo đạo gốc.
.Văn Hóa Đông Sơn
-Trống đồng âm dương Hoàng Hạ, Ngọc Lũ I…
(Ta thấy rõ đây không phải là trò chơi “trồng hoa trồng nụ” như một số nhà khảo cổ học Việt Nam cho là vậy).
-Thạp đồng Hợp Minh.
Một người búi tóc có dáng dấp phụ nữ (bà đồng, nữ pháp sư) đưa hai tay ra phía trước mặt cung nghinh, tôn vinh hay cầu xin mặt trời, vũ trụ trên thạp đồng Hợp Minh (Khảo Cổ Học).
…
Hãy so sánh những hình cung nghinh, tôn vinh bằng cách đưa hai tay ra phía trước mặt của Ai Cập cổ, Thiên Chúa giáo Ái Nhĩ Lan và của văn hóa Đông Sơn này với hình trên vách đá Hoa Sơn của Lạc Việt cổ ta thấy giống trăm phần trăm.
Hình người đang cung nhinh, tôn vinh mặt trời đưa tay ra phía trước mặt trên vách đá Hoa Sơn của Lạc Việt cổ.
Như thế các người tổ tiên Lạc Việt nhẩy múa ở đây là những người đang ở tư thế tế lễ mặt trời trăm phần trăm.
Những người đứng hay ngồi ở tư thế cung nghinh mặt trời này ăn khớp và cho thấy vững chắc đây là cảnh hiến tế mặt trời trăm phần trăm.
.Mặt trời là nọc, dương, đực, nam. bộ phận sinh dục nam.
Chữ NỌC trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que có nghĩa là đực, dương, mặt trời có gốc từ bộ phận sinh dục nam vì thế mặt trời thường đi với phái nam (giống hệt một trăm phần trăm bọc trứng vũ trụ của Mẹ Tổ Âu Cơ sinh ra toàn là con trai, các mặt trời Lang) và mặt trời thường đi với bộ giống phái nam đang cương cứng. Ví dụ như thấy ở:
.Kyrgyzstan
Người thờ mặt trời có bộ giống nam cương cứng cường điệu Thời Đồ Đồng-Tiền Đồ Sắt (hình a, Saimaly Tash, Kyrgyzstan, Madanjeet Singh).
.Thụy Điển
Hình vẽ người hay thần mặt trời có dương vật cường điệu, cương cứng trên đá ở Vitlycke, Bohuslan, Thụy Điển.
.Ý
Hình khắc trên đá ở Val Camonica trên rặng Alps của Ý có hình mặt trời ở giữa hai chân dính vào bộ phận sinh dục nam. Có tác giả giải thích cho là có mang biểu tượng cho mắn sinh.
Hãy so sánh những người mặt trời, thờ phương mặt trời có bộ phận sinh dục nam cường điệu đang cương cứng đầy hùng tính này với hình người đang cung nghinh mặt trời vẽ trên vách đá Hoa Sơn với bộ giống nam đang cương cứng dưới đây ta thấy giống trăm phần trăm.
Những người nam với bộ phận sinh dục nam cương cứng đứng ở tư thế cung nghinh mặt trời vẽ trên đá này ăn khớp với các nơi khác cho thấy vững chắc trăm phần trăm đây là cảnh hiến tế mặt trời.
.Vũ khí, tế khí (ceremonial weapon), linh trượng (scepter).
Mặt trời là dương, đực, nọc vì thế khí biểu, tế khí của mặt trời nguyên thủy là một nọc nhọn, gậy, cây lao về sau là linh trượng, rìu, búa, vũ khí nhọn. Những vật này đầu thường có hình vật biểu tượng mặt trời như rìu Việt đầu chim cắt của Điền Việt. Vì thế những người tế lễ mặt trời, thờ phượng mặt trời thường cầm hay mang những khí biểu, tế khí, linh trượng có gốc từ nọc, vọt nhọn biểu tượng cho mặt trời.
Ở trên, ta thấy rất rõ những hình người mặt trời hay thờ phượng mặt trời khắc trên đá đều cầm hay mang các khí biểu, tế khí, khí giới (ở Thụy Điển tay cầm rìu, đeo gậy, kiếm hay linh trượng bên hông và ở Ý tay cầm lao).
Những người Lạc Việt cổ vẽ trên vách đá Hoa Sơn này cũng thường đeo gậy, lao, kiếm hay linh trượng.
Đặc biệt nhất là những người cao to có dáng dấp lãnh tụ đeo một linh trượng rất đặc biệt, một đầu có hình vòng tròn và một đầu theo các nhà khảo cổ học Trung Quốc có hình thú vật.
Một lãnh tụ Lạc Việt cổ đeo linh trượng một đầu có hình vòng tròn và một đầu có hình thú vật.
Rất tiếc tôi không có hình chi tiết vẽ hình các đầu thú vật nên không biết rõ là đầu con thú gì.
Bây giờ ta hãy giải đọc cây linh trượng đặc biệt này theo cốt lõi văn hóa Bách Việt dựa trên lưỡng hợp chim-rắn, Tiên Rồng tức theo chữ viết nòng nọc vòng tròn-que.
Đầu gậy hình vòng tròn là nòng (O), âm, theo duy âm là không gian và theo duy dương là mặt trời đĩa tròn của ngành nòng âm. Còn đầu gậy hình con thú mặc dù không biết rõ là con thú gì nhưng theo trực giác, tôi biết phải là đầu một con thú mang dương tính Nọc (I) đi đôi với vòng tròn Nòng. Tôi gọi linh trượng này là linh trượng lưỡng hợp, nòng nọc, âm dương, Tiên-Rồng.
Ta hãy so sánh linh trượng, tế khí, hay khí giới nòng nọc Tiên Rồng này của người Lạc Việt cổ với chiếc rìu ở từ Việt ‘yue’ trong giáp cốt văn đời nhà Thương.
Lưu ý ta thấy chiếc rìu Việt yue ở đây có một đầu hình vòng tròn nòng O mang âm tính, nòng O ứng với Khôn và một đầu hình cây chĩa ba mang dương tính, ba nọc nhọn là ba dương ứng với quẻ Càn. Cây rìu Việt này là một thứ rìu Việt thờ mang ý nghĩa nòng nọc, âm dương, càn khôn, sinh tạo, tạo hóa.
Như thế linh trượng nòng nọc Tiên Rồng của người lãnh tụ Lạc Việt cổ giống rìu Việt yue này và cũng phải mang ý nghĩa đó.
Để hiểu và thấy rõ hơn nữa hãy so sánh linh trượng nòng nọc Tiền Rồng có đầu hình vòng tròn và một đầu thú vật của người Lạc Việt cổ với linh trượng was của Ai Cập cổ.
Các nhà Ai Cập học ngày nay cũng chưa biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của gậy was ra sao, chỉ phỏng đoán có nghĩa là “power” (sức mạnh) và “dominion” (quyền thế). Giải thích theo hình ngữ nòng nọc, ta thấy gậy was có đầu con thú có sừng hình nọc, hình búa chim mang dương tính biểu tượng cho nọc, đực, mặt trời, vũ trụ dương, bộ phận sinh dục nam, lửa, Càn và đầu dưới chẻ hẻ hình vòm omega (vòng tròn nòng O mở ra), hình chuông úp biểu tượng cho âm, vòm vũ trụ, bầu trời, tử cung hay âm đạo biểu tượng cho nòng, âm, Khôn, vòm không gian (xin nhắc lại hình khắc trên đá hình omega, hình chuông úp, chữ U lật ngược của thổ dân Úc châu có nghĩa là đàn bà).
Gậy was là gậy âm-dương, sinh tạo, tao hóa, vũ trụ-mặt trời hiển nhiên có một nghĩa là “power” là “dominion” (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á).
Linh trượng was biểu tượng cho nòng nọc, âm dương, sinh tạo, tạo hóa. Linh trượng nòng nọc Tiên Rồng của người Lạc Việt cổ ở đây giống linh trượng was nòng nọc, âm dương của Ai Cập cổ thờ mặt trời. Hơn thế nữa linh trượng của Lạc Việt cổ có đầu nòng O vẫn giữ nguyên dạng nòng vòng tròn nguyên thủy (dạ con) trong khi đầu gậy omega (âm đạo) của Ai Cập cổ đã là biến dạng của nòng O.
Hiển nhiên linh trượng hay khí biểu nòng nọc, âm dương, Tiên Rồng của người Lạc Việt cổ là một gậy biểu trong Vũ Trụ giáo, đạo Mặt Trời, cốt lõi của văn hóa Bách Việt. Người Lạc Việt cổ cầm linh trượng nòng nọc, âm dương có đầu vòng tròn nòng âm và đầu hình đầu thú nọc dương bắt buộc phải mang hình bóng thần mặt trời hay đội lốt các vị thần mặt trời giống như các vị thần mặt trời Ai Cập cổ cầm gậy was.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, linh trượng nòng nọc, âm dương của người Lạc Việt cổ này là gậy biểu, khí biểu của Viêm Đế-Thần Nông (mặt trời-không gian, trụ- vũ) ở cõi tạo hóa, vũ trụ và biểu tượng cho hai ngành Lửa Mẹ Âu Cơ và ngành Nước Cha Lạc Long Quân, cho Tiên Rồng ở cõi thế gian.
Những tế vật, khí giới gốc nọc nọn này của người Lạc Việt cổ ăn khớp với các tế khí, khí giới của các tộc Người Mặt Trời khác nhất là cây linh trượng nòng nọc, âm dương, sinh tạo của Lạc Việt cổ giống cây linh trượng nòng nọc, âm dương was của Ai Cập cổ cho thấy vững chắc đây là cảnh hiến tế mặt trời.
Lưu ý
Hình vẽ người hay thần mặt trời ở Vitlycke, Bohuslan Thụy Điển ở trên mang hình bóng Người Việt Mặt Trời theo đúng nghĩa chữ Nọc trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que trăm phần trăm.
.Nọc là Vọt là roi (nọc ra đánh mấy chục roi). Vượt ruột thịt với Vọt (dùng vọt đánh cho con thú chạy vọt nhanh lên, vượt qua mặt, vượt qua chướng ngại vật; máy xe vọt là máy xe mạnh chậy nhanh, những bước nhẩy vọt). Hán Việt Việt với nghĩa là Vượt có gốc từ Việt ngữ Vọt roi này. Người này đeo gậy hay linh trượng ngang hông.
.Nọc là vọt, roi sau thành vật nhọn, khí giới như lao, vớt (dao lớn dùng làm khí giới) ăn khớp với Hán Việt Việt với nghĩa là rìu, búa. Người này tay cầm rìu búa hay dao vớt, rìu Việt.
.Nọc là cọc, cược, bộ phận sinh dục nam. Hình người này có bộ phận sinh dục nam cương cứng như cái nõ (ăn khớp với từ cổ c…c nõ, với từ hiện kim c…c lõ).
.Việt là nọc, bộ phận sinh dục nam, dương, mặt trời. Người này có hình mặt trời trên người.
Rõ như dưới ánh sáng mặt trời người hay thần mặt trời khắc trên đá ở Thụy Điển diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa của chữ Nọc trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que, diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của Hán Việt Việt.
Người mặt trời ở Vitlycke, Bohuslan này là hình bóng của Người Việt Người Mặt Trời dòng thần mặt trời Viêm Đế trăm phần trăm.
Những người Lạc Việt cổ trên vách đá Hoa Sơn đang tế lễ mặt trời trăm phần trăm.
.Phái nữ
Khác với các cảnh tế lễ mặt trời ở trong các nền văn hóa cổ khác của thế giới, đặc biệt ở đây có sự hiện diện của phái nữ. Trong các hình người ở khu vực này thấy có hai người tóc dài bện thành dải hình con rắn, dài quá lưng được cho là hai người nữ.
Hai người nữ tóc bện thành dải dài quá lưng.
Mặt trời là dương, đực, phái nam nên trong xã hội phụ quyền nhất là phụ quyền cực đoan rất muộn về sau, tế lễ mặt trời chỉ dành cho phái nam tuyệt nhiên không có bóng dáng đàn bà (giống như nhà đình của Việt Nam là di duệ của nhà thờ mặt trời như thấy trên trống Quảng Xương, ngày xưa cấm đàn bà con gái bước vào đình). Ở đây với sự hiện diện của phái nữ cho thấy người Lạc Việt cổ, thứ nhất nếu là hai người nữ thường dân, thì người Lạc Việt còn trọng nữ, họ theo mẫu hệ. Họ cũng có thể thờ phượng mặt trời âm nữ đĩa tròn không có tia sáng, thờ nữ thần mặt trời như thái dương thần nữ Âu Cơ, như Ameraterasu của Nhật Bản. Thật vậy ta thấy rõ ngoài mặt trời có nọc tia sáng tỏa rạng mang dương tính còn có các hình đĩa tròn.
Theo duy dương, vì ở đây là cảnh tế lễ mặt trời, thì các hình đĩa tròn này có độ cao biểu tượng cho mặt trời nữ đĩa tròn không có tia sáng (như hình mặt trời đĩa tròn trên lá cờ Nhật Bản, con cháu của thái dương thần nữ Ameraterasu).
Thứ hai, trong lễ hội nhẩy quanh hình mặt trời này thì đây có độ cao hai người nữ này là hai nữ pháp sư, hai bà đồng.
Bà đồng ăn khớp với văn hóa Việt cổ trăm phần trăm. Tín ngưỡng đồng bóng là một tín ngưỡng đặc thù của Bách Việt mà Trung Hoa không có. Đồng bóng còn thịnh hành ở Việt Nam gần đây.
Mapuche một tộc thổ dân ở Chile, Nam Mỹ vốn gốc từ Đông Nam Á qua Mỹ châu thờ mặt trời cũng có đồng bóng và bà đồng là nét chủ yếu của văn hóa của họ (Rìu Việt ở Nam Mỹ Châu).
Sự hiện diện của hai phái nam nữ trong cảnh tế lễ mặt trời, thờ phượng mặt trời cho thấy xã hội Lạc Việt cổ còn giữ nguyên lý nòng nọc, âm dương đề huề, Tiên và Rồng hòa hợp.
Ngoài ra một trong hai người nữ này đang mang thai.
Người nữ đang mang thai.
Nếu hình này diễn tả một người trần tục thì đây cho thấy người Lạc Việt cổ tôn vinh người có thai, tôn vinh sự sinh sản, mắn sinh nằm trong tín ngưỡng sinh tạo của Vũ Trụ giáo. Nếu người mang thai này mang ý nghĩa biểu tượng tín ngưỡng tức bà đồng đang mang thai thì đây là hình ảnh của Mẹ Đời, Mẹ Sinh Tạo, Thần Nữ Mắn Sinh. Hình ảnh này cũng thấy ở văn hóa Việt Nam trong các hình khắc trên bãi đá cổ ở Sapa, Bắc Việt. Trong các hình khắc ở Sapa thấy hình một người mang thai:
Người mang thai ở Sapa này đi chung với hình người mặt trời nam nữ đã thấy ở trên, ăn khớp với hình người có thai đi chung với những người nam nữ tế thần mặt trời ở Huashan này.
Cũng nên nói ngược lại là cảnh người Lạc Việt cổ tế lễ mặt trời ở Hoashan chứng thực là trong các hình khắc ở bãi đá cổ Sapa cũng có cảnh tế lễ mặt trời, nói một cách khác những hình khắc trên đá ở Sapa thuộc Người Bách Việt, Người Mặt Trời. Hy vọng có dịp tôi được nhìn thấy tận mắt những hình khắc trên đá ở Sapa và hy vọng có thể giải đọc thêm được nhiều chi tiết nữa.
Ngoài ra cũng thấy hình một người nữ đẻ bọc ruột thịt với hình người có thai, mang hình ảnh Mẹ Đời Sống, Mẹ Sinh Tạo ở hòn gạch nung đời nhà Lê hiện để tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử, Hà Nội .
Cảnh thai nghén, sinh đẻ này ăn khớp với đức tin sinh tạo, mắn sinh của mặt trời trong Vũ Trụ giáo cho thấy vững chắc đây là cảnh hiến tế mặt trời, một khuôn mặt dương của Vũ Trụ giáo.
.Cảnh phồn thực
Người lái đò cho chúng tôi biết sau chùm cây, trên vách đá có hình hai người đang làm tình.
Đây là tín ngưỡng phồn thực, sinh tạo nằm trong đạo mặt trời, Vũ Trụ giáo. Cảnh giao hợp này cũng thấy trên nắp thạp đồng Đào Thịnh của văn hóa Đông Sơn.
Làm tình trong lễ hiến tế cũng là một khuôn mặt đặc biệt thấy trong các cuộc lên đồng tế lễ vũ trụ, mặt trời ở Đông Nam Á và hải đảo. Một số ông mo bà đồng làm tình trong khi lên đồng mang chủ đích, cầu mắn sinh, sinh sản, sản xuất, được mùa. Có tác giả còn giải thích dùng sự giao hợp trong lúc tế lễ là để gợi ý, kích thích thượng đế, thần linh giao hòa âm dương với nhau để trời đất, càn khôn hòa hợp, tương hòa với nhau, không đối nghịch tạo ra những ảnh hưởng xấu lên con người.
Cảnh giao hoan, phồn thực này ăn khớp với đức tin đại vũ trụ và con người tiểu vũ trụ cần phải có tương hòa, giao hòa với nhau ngoài ý nghĩa duy tục là nòng nọc, âm dương, sinh tạo, mắn sinh, cho thấy vững chắc đây là cảnh hiến tế mặt trời trong Vũ Trụ giáo.
.Thuyền rồng
Theo tài liệu còn cho biết hình vẽ trên vách đá Hoa Sơn này có cả hình thuyền và cho là thuyền rồng dùng làm thuyền đua trong lễ hội nước (dẫn). Rất tiếc tôi chưa được thấy hình vẽ trên vách đá. Tuy nhiên tôi đã thấy chiếc tầu đưa du khách đi xem nghệ thuật vẽ trên đá này có đầu và đuôi thuyền đã được làm phỏng theo hình chiếc thuyền được gọi là thuyền rồng đã nói.
Hy vọng các nghệ sĩ làm thuyền mô phỏng theo hình vẽ không lệch lạc nhiều với hình gốc. Ta thấy đầu và đuôi thuyền hình rắn mỏ chim lớn mang dương tính (chim rìu, chim cắt, chim Việt), có bờm gió dưới dạng chim-rắn riêng rẽ hay nhất thể. Rõ như ban ngày đây chưa phải là rồng long của Trung Hoa.
So sánh đầu và đuôi các con thuyền ở hình vẽ trên vách đá Hoa Sơn này (qua con thuyền chở du khách này) với các con thuyền trên trống đồng nòng nọc, âm dương ta thấy rất rõ chúng giống hình thuyền trên trống đồng của đại tộc Đông Sơn ở dạng chim-rắn riêng rẽ trên Ngọc Lũ I hay ở dạng kết hợp nhất thể trên trống Quảng Xương, Hữu Chung.
Qua sự so sánh này ta thấy rõ thuyền mới chỉ là thuyền đầu rắn mới bắt đầu thần thoại hóa, chỉ là một thứ rắn có sừng, rắn Việt, một thứ thuồng luồng chưa hẳn là thuyền rồng long Trung Hoa (xin nhắc lại Bách Việt, Người Mặt Trời dòng thần mặt trời Viêm Đế họ Khương, Sừng nên các vật tổ đều là loài có sừng: Chim Việt mỏ cắt có mũ Sừng, Hươu Việt có sừng muông gạc, Kì Dương, Lộc Tục và Rắn Việt có sừng, một thứ ‘thuồng luồng’). Rắn Việt là vật tổ biểu tượng cho khuôn mặt nước dương, mặt trời Nước Lạc Long Quân của Lạc Việt.
Cũng nên biết là người Lạc Việt Tráng cũng tự nhận mình là con cháu của Rồng. Đúng ra họ phải nhận là con cháu của Rắn Việt, nhận là Rồng là theo văn hóa muộn và đã bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa giống như Lạc Long Quân của Việt Nam chúng ta. Bằng chứng là hình thuyền vẽ trên vách đá 2.500 trước giống hình các thuyền đầu rắn hay rắn-chim trên các trống đồng của đại tộc Đông Sơn có niên đại cũng vào khoảng thời gian đó.
Ngược lại nhìn theo góc cạnh khác khi nhận là thuyền rồng thì mặc nhiên phải chấp nhận con rồng long Trung Hoa có gốc từ Rắn Việt thuồng luồng Việt (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á).
Sự hiện diện của thuyền Rắn Việt ở dạng khởi đầu thần thoại của Đại Tộc Việt, Người mặt trời cho thấy cảnh lễ hội, hiến tế vẽ trên vách đá Hoa Sơn chắc chắn là lễ hội tế lễ mặt trời nghiêng về ngành mặt trời Nước Lạc Việt. Ta đã biết người Tráng là một tộc Lạc Việt.
.Mầu máu, mầu mặt trời.
Hình vẽ mầu đỏ do quặng sắt đỏ và máu liên hệ với mầu đỏ biểu tượng cho mặt trời (mầu đỏ là mầu hỏa).
Máu là một tế thực của thờ phương mặt trời, biểu tượng cho mặt trời cho thấy cảnh lễ hội, hiến tế vẽ trên vách đá Hoa Sơn chắc chắn là lễ hội tế lễ mặt trời.
Kết Luận
Hình vẽ ở Hoa Sơn là một tác phẩm vẽ trên đá cổ thời vĩ đại, lớn nhất thế giới, là một tuyệt tác phẩm của nghệ thuật trên đá có một không hai của nhân loại, của Lạc Việt cổ nói riêng và của Bách Việt nói chung nếu không muốn nói là của tổ tiên của Việt Nam chúng ta, bởi vì Việt Nam có một gốc, một ngành Lạc Việt, con cháu Lạc Long Quân. Việt Nam là tộc Bách Việt duy nhất của Bách Việt còn tồn tại ngày nay. Việt Nam là di duệ hiện hữu đại diện cho Lạc Việt, cho Bách Việt. Dầu cho Hoa Sơn ở Quảng Tây bây giờ tuy thuộc đất Trung Quốc nhưng văn hóa Hoa Sơn vẫn là văn hóa Lạc Việt, Bách Việt mà Việt Nam là di duệ còn hiện hữu ngày nay. Người Việt chiếm đất Champa nhưng văn hóa hóa Champa như tháp Champa không thể nào nói là văn hóa Việt. Văn hóa Hoa Sơn không thể nào là văn hóa Trung Hoa.
Hình vẽ ở Hoa sơn là một trang sử đá quí giá vô cùng viết lại cái cốt lõi, bản sắc Việt, viết về vũ trụ quan, nhân sinh quan, đời sống tâm linh, tín ngưỡng đạo Mặt Trời, Vũ Trụ giáo, xã hội Lạc Việt cổ… dựa trên nguyên lý nòng nọc, âm dương Tiên Rồng.
Những hình vẽ cách đây 2.500 năm mang phong thái nghệ thuật Đông Sơn cho thấy trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn phải cổ hơn rất nhiều. Như thế trống loại Vạn Gia Bá (Thời Xuân Thu 770-474 BC) khai quật được ở miền tây tỉnh Vân Nam được các nhà khảo cổ Trung Quốc cho là loại cổ nhất, họ khoa trương cho rằng nguồn gốc trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn có nguồn gốc ở Vân Nam với ngụ ý là của Trung Hoa (!) chưa hoàn toàn thuyết phục được. Biết đâu một ngày nào đào tìm được một trống của đại tộc Đông Sơn cổ hơn ở phần đất Việt Nam.
Hình vẽ trên vách đá bên bờ sông Zuo của người Lạc Việt mà các học giả Trung Quốc hiện nay cho là cảnh hiến tế. Theo sự giải đọc của tôi như đã thấy mọi chi tiết đều mang nghĩa liên hệ với cảnh lễ hội, hiến tế, tế lễ mặt trời. Đây đích thực là cảnh hiến tế mặt trời trăm phần trăm của người Lạc Việt cổ, một tộc của Bách Việt Người Mặt Trời dòng dõi thần mặt trời Viêm Đế.
Trong nhóm mặt trên vách đá Hoa Sơn như đã nói ở trên, ta đếm được một mặt trời lớn và 8 mặt trời nhỏ. Mặt trời lớn ở trọng tâm gồm mặt trời có nọc tia sáng nằm trong đĩa tròn không gian mang nghĩa mặt trời nòng nọc, âm dương, sinh tạo, tạo hóa, vũ trụ ứng với thần mặt trời tạo hóa Viêm Đế và những mặt trời nhỏ con cháu ứng với thần mặt trời con theo duy dương là bốn thần mặt trời ở cõi tạo hóa đại vũ trụ và bốn thần mặt trời ở cõi sinh tạo thế gian ứng với bốn tổ phụ mặt trời của chúng ta là Đế Minh, Mặt Trời Ánh Sáng (Lửa), Kì Dương Vương, mặt trời Đất, Lạc Long Quân mặt trời, Mặt Trời và Hùng Vương (khuôn mặt sinh tạo) Mặt Trời Gió vị chi tổng cộng là chín mặt trời.
Chúng ta có một nhánh Lạc Việt và 9 mặt trời của Lạc Việt cổ Hoa Sơn giống hệt như truyền thuyết Cửu Thần chín mặt trời Ennead của Ai Cập cổ. Xin nhắc lại truyền thuyết Cửu Thần ở Helipolis là của dòng thần Atum-Ra, dòng mặt trời Chiều, Hoàng Hôn, mặt trời Nước ứng với truyền thuyết Lạc Việt mặt trời Nước, mặt trời Chiều, mặt trời Hoàng Hôn Lạc Long Quân (Sự tương Đồng Giữa Cổ Sử Việt và Ai Cập 3). Như thế Lạc Việt Việt Nam, Lạc Việt Tráng, “Lạc” Ai Cập cổ đều có truyền thuyết 9 vị thần tổ mặt trời.
Quan niệm về Vũ Trụ Tạo Sinh và các tộc mặt trời ứng với các mặt trời khác nhau trong Vũ Trụ giáo đã được ghi lại ở trang sử đá này đã có vào thời Quốc Chiến và Đông Hán.
Điểm này cũng được ghi rõ trong sử đồng của đại tộc Đông Sơn qua các trống đồng nòng nọc, âm dương có những hình mặt trời khác nhau biểu tượng cho các tộc mặt trời, thờ phượng mặt trời khác nhau của Bách Việt và theo các giai đoạn khác nhau của Vũ Trụ Tạo Sinh, của Vũ Trụ Tạo Sinh.
Không còn gì để nghi ngờ nữa. Đại Tộc Việt, Bách Việt là Người Mặt Trời thuộc họ mặt trời Hồng Bàng, ngành Viêm Việt, thần mặt trời Viêm Đế, có tổ Hùng mặt trời, các Lang Hùng mặt trời, các Hùng Vương mặt trời, có chim biểu tượng cho mặt trời là chim Việt, chim rìu, chim cắt mũ sừng, có thú biểu hươu Việt là hươu sừng mang gạc, có Rắn Việt là rắn có sừng… Một lần nữa những trang sử đá này chứng thực và xác quyết như vậy.Các nhà làm văn hóa Việt nếu còn chưa tin những điều tôi viết là Đại Tộc Việt, Bách Việt là Người Mặt Trời, các Hùng Vương là vua mặt trời, trống đồng của đại tộc Đông Sơn có hình mặt trời là trống biểu của Hùng Vương mặt trời… thì xin hãy tìm đến trang sử đá này ‘nhìn tường’ (diện bích) mà suy nghiệm. Hãy ngồi dưới vách đá này nhắm mắt lại để hồn Lạc Việt cổ khai tâm cho biết rõ.