Thường thì các nhà nho ta đọc Quan Thoại sai đến 40 phần trăm. Chỉ có vài tiếng hiếm hoi như QUÍ họ mới đọc đúng được.
Nhưng cái sai của các cụ thì thường không sai nhiều: Hài (Sông) = Hà.
Nhưng có một số danh từ, các cụ đọc khác hẳn, khác như Trắng với Đen, khiến ta phải thắc mắc.
Chúng tôi đã tìm cách giải thích về hai tiếng PÍN bị đọc là TÂN và TU bị đọc là ĐỘC thay vì TỦ (cái tủ). Nhưng không lấy gì làm chắc.
Một lối giải thích nữa của chúng tôi thì chắc đúng 100% DIỄN là MÂY bị đọc là VÂN. Vân là Awan vốn tiếng Mã Lai có nghĩa là Mây. Đó là Mandi Quảng Đông và Việt để kháng Tàu.
Mỗi ngày chúng tôi mỗi tìm tòi, và chúng tôi tìm được thêm một sự thật nữa về
Xửa = Thiệt (cái lưỡi)
Tại sao Xửa không bị đọc sai là XƯA, là XỬA là XỪA là SƠ, v.v. mà bị đọc là THIỆT?
Không có gì lạ cả. Người Việt cổ gọi cái lưỡi là PIÊT. Tổ tiên ta đọc XỬA là THIỆT là tiêu cực để kháng Trung Hoa, chớ không phải là đọc sai.
Vậy lối giải thích của chúng tôi trong quyển sử, chưa chắc đã đúng. Chúng tôi cho rằng các cụ đọc PÍN của Quan Thoại, là Tân, có lẽ vì kiêng tên một người trong hoàng tộc Việt Nam, sau này ta thu hồi độc lập, chớ không thể nào mà các cụ nhà Nho lại đọc sai quá xa như vậy. XỨA đọc là THỰC tức chỉ sai chút ít mà thôi, luôn luôn như vậy, nhưng có một số danh từ bị đọc sai một trời một vực, như Xửa = Thiệt.
Ta đã biết rằng vua Hùng Vương nói khá giống người Khả Lá Vàng hiện nay:
Ai = Tôi
Aka = Cá
Và hiện nay thì:
Khả Lá Vàng: Piêt = Lưỡi
Mạ: Lapiết = Lưỡi
Jêh: Alpiat = Lưỡi
Sơ Đăng: Rpê = Lưỡi
Đó là các nhóm thuộc chi Trãi. LƯỠI chỉ là danh từ của chi Mã, vì ở Việt Nam có ba chi Lạc sống hỗn hợp với nhau, danh từ riêng của ba chi cạnh tranh nhau, chi Trãi đa số, nhưng đôi khi danh từ của họ cũng bị danh từ của hai chi khác lấn lướt.
XỬA là LƯỠI bị đọc là THIỆT là vì thế, còn tại sao XƯA là ĐẦU GỐI lại bị đọc là TẤT? Cũng cứ vì tiêu cực để kháng vì danh từ Mã Lai là LUTÚT mà chắc hồi cổ thời ta nói là LUTẤT nên ta mới để kháng bằng cách đọc XUA là TẤT. Vậy BÍT TẤT là danh từ kép gồm toàn tiếng Việt, chớ không phải là một tiếng Việt và một tiếng Tàu.
Ngộ nghĩnh lắm là người Nam Dương sáng tác tên cho món vật dụng đó thì không nói là BÍT LUTÚT mà lại nói là QUẦN CỦA CẲNG. Tuy nhiên thấy rõ là họ đồng tâm hồn với ta, mặc dầu sáng tác khác. Quần của cẳng vẫn bít cái TẤT (Bít tất đời xưa lên khỏi gối, mà cho cả đến nay, bít tất phụ nữ cũng thế).
Người Tàu chánh gốc, nói máu là XẸ. Nhưng tại sao Quảng Đông và Việt không đọc sai là XÉ là XÈ, là XẺ mà lại đọc là HUỴT là HUYẾT. Cũng cứ là vì tiêu cực để kháng vì tiếng Thái, máu, nói là LƠÁD. Đó là Thái ngày nay chớ Thái đời Tần thì gọi là HƠAD, thế nên họ mới đọc xỏ lá XẸ là HUỴT. Ta là Việt, ta cũng để kháng, nhưng không đọc là MAU mà đọc là HUYẾT và đọc theo Thái chơi cho vui vì đó là lân bang bà con mà ta thạo ngôn ngữ.
Cứ cái đà đó mà tìm, ta sẽ biết các nhà nho ta đọc nhiều tiếng Tàu sai quá sức tưởng tượng HÙNG bị đọc là HỒNG thì quá dễ hiểu vì nó chỉ sai tí ti thôi. DÍL bị đọc là YÊN tuy hơi xa nhưng còn nối kết được, chứ như TU mà đọc là ĐỘC thì hẳn phải có lý do như THIỆT và TẤT.
Ta có thể bạo gan nói rằng ta đã biết chế tạo cái TỦ và ta gọi CÁI TỦ bằng tiếng Việt là ĐỘC, và ta đọc chữ TU của Tàu là ĐỘC vì lý do tiêu cực để kháng.
Trong cổ vật Đông Sơn không hề có cái tủ, nhưng tủ bằng gỗ thì làm thế nào mà còn được để cho các nhà khai quật tìm thấy.
Nếu không cắt nghĩa như vậy thì không sao hiểu được sự kiện các nhà nho ta viết chữ TU mà lại đọc là ĐỘC.
Chúng tôi nói Khả Lá Vàng gọi cái lưỡi là PIÈT, nhưng Việt Nam hẳn phải đọc khác hơn một chút là THIỆT, vì đã có bằng chứng ta đọc khác Khả Lá Vàng.
Việt Nam Khả Lá Vàng
Trai Trùi
Gái Guôi
Mắt Mat
Bắp vế Bốk
Óc H’tóc
Uống Óc
Ăn An
Bố Bo
Mẹ, Mợ Mơ
Có những danh từ, không phải là tiếng Tàu chút xíu nào hết. Thí dụ BẤT của Nam Kỳ có nghĩa tương đương với BÁC của miền Bắc. Đó là động từ của Lạc bộ Mã: Batal.
Nhưng chỉ riêng người Nam lầm tưởng của Tàu, vì người Bắc không có dùng động từ BẤT đó.
Trạng từ sau đây thì toàn quốc đều lầm: TẤT
TẤT là HẾT là XONG là tiếng Tàu
TẤT là ẮT HẲN là tiếng Tàu
Nhưng TẤT CẢ là tiếng Lạc bộ Mã
TẤT TẢ, TẤT TƯỞI là tiếng Lạc bộ Trãi
THỎA không là tiếng Tàu như ai cũng tưởng mà là tiếng Lạc bộ Mã. Đó là trùng hợp ngẫu nhiên với Tàu.
Nhiều học giả Việt Nam, hễ thấy tiếng ta hơi hơi giống tiếng Tàu, liền quả quyết rằng là ta học của Tàu.
Trong quyển sử, chúng tôi đã đưa ra một lối phủ nhận có chứng tích là tĩnh từ XA bị nhiều ông cho rằng do HÀ của Tàu mà Quan Thoại đọc là XÁ có nghĩa là XA. Quả đúng là Quan Thoại có XÁ bị các nhà nho ta đọc là HÀ.
Nhưng Lạc bộ Chuy có CHXANGAI là Xa, mà chắc một trăm phần trăm không phải học của Tàu vì âm X của Tàu len vào ngôn ngữ Lạc bộ Chuy đều biến thành Tàu hết, không có ngoại lệ. Thí dụ XÉ của Quan Thoại bị biến thành TE của Cao Miên thì XÁ của Quan Thoại phải bị biến thành TANGAI, chớ không thể thành CHXANGAI được.
Nam Dương lại có SANGAT, đồng gốc với CHXANGAI. Chàm thì có HATAH, Sơ Đăng có Sak, Rôgai có ATA, Khả Tu có Atagh.
Các ông lại cứ quả quyết rằng GẦN do CẬN của Tàu mà ra, nhưng Nam Dương lại có ĐƠNGAN mà tiền sử học thì quả quyết rằng Lạc bộ Mã không có chịu ảnh hưởng của Tàu. ĐƠNGAN bị toàn thể đồng bào Thượng bỏ âm sau, chỉ nói ĐƠN. Việt Nam rủi ro bỏ âm đầu, nói GẦN hóa ra bị tình nghi là ăn cắp của Tàu. Nhưng cái âm sau đó, bị Chàm biến thành GEK thành thử Chàm không bị tình nghi. Nhưng GẦN của Rađê là GĂM khiến các ông rất tức giận mà không lôi kéo Rađê vào Tàu và Việt được vì họ ở cách xa Tàu và Việt và các dân tộc sống giữa họ và Việt lại không nói GĂM, GAN gì cả để mà cho rằng Việt làm trung gian giữa Tàu và Rađê.
Các ông lại quả quyết rằng ĐÈN của Việt do ĐĂNG của Tàu. Nhưng Tàu đọc Đăng là TẨN chớ không có đọc là Đăng như các cụ nhà nho. Vả lại đèn La Mã đầu Tây lịch đã tìm thấy ở Cao Miên, đèn Trung Hoa đời Hán đã tìm thấy ở bên Tàu đều 10 lần xấu xí hơn đèn Đông Sơn thì có lý nào ta lại học với kẻ kém hơn ta.
Các ông lại lôi kéo CHU của Tàu vào CHUA của Việt, nhưng CHU của Tàu thì Tàu đọc là XỦ mà không có nghĩa là Chua mà là GIẤM, trong khi đó thì:
Việt Nam: Chu = Chua
Cao Miên: Môchu = Chua
Sơ Đăng: Chôu = Chua
Nam Dương: Chuka = Chua Cay (chỉ vẻ mặt)
Các ông bảo RƯỢU do TỬU của Tàu mà ra, nhưng trên Cao Nguyên các nhóm Lạc bộ Trãi chưa hề thấy mặt người Tàu đều có rượu và gọi món đó là :
Sơ Đăng: Trôu (giống rượu ở âm sau)
Mạ: Rơnơm (giống rượu ở âm trước)
HÀM của Tàu chỉ là Ngậm trong miệng còn Hàm là cái Hàm là tiếng Mã Lai:
Nam Dương: Robang = Hàm
Nam Dương: Keng = Càm
Mạ và các phụ chi: Cang
Các ông bảo TRÀ là tiếng Tàu, nhưng TRÀ lại là tiếng Thái của dân Tây Âu, CHÈ là tiếng Lạc của dân Thất Mân.
TÀM cũng là tiếng Lạc của dân Thất Mân. TÂN LANG là cây cau của Tàu, viết thành chữ thì hoàn toàn vô nghĩa, mà họ đọc là Pấn lạn, mà tiếng Mã Lai là Pin nang, Chàm nói là Nâng, Việt là Nang (Mo nang= Mo cau)
Tóm lại:
Đồ bên Tàu các chú đem qua
Mì bên Tàu các chú bày ra
(Bài ca Nam Kỳ điệu Khổng Minh tọa lầu, có tánh cách đùa cợt bọn mê Tàu rất thạnh hành từ năm 1900 đến 1930)