Home/Đời sống/Suy ngẫm - Nghệ thuật sống/Chữ “Nhẫn” của người Việt

Chữ “Nhẫn” của người Việt

2021-12-16T13:28:16-05:00

Một trong những đức tính truyền thống giúp cho dân tộc Việt Nam tồn tại cho đến ngày nay, dầu trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đó là sự NHẪN NHỤC, CHỊU ĐỰNG mọi gian khổ. Ca dao có câu:

Chữ NHẪN là chữ tương vàng
Ai mà NHẪN được thì càng sống lâu

Trong đoạn này, chỉ có thể bộc lộ một phần nào sức “CHỊU ĐỰNG” (patient endurance) vô bờ bến của dân tộc Việt, qua những cuộc chinh chiến liên miên suốt chiều dài lịch sử, qua cảnh nghèo đói, vật lộn trong cuộc sống vật chất, qua những bất công, tàn nhẫn trong đời sống gia đình, xã hội. Nếu muốn tìm hiểu những động lực tiềm ẩn nào làm nền tảng kiên cố cho sức chịu đựng đó, ta cần đào sâu vào triết lí cố hữu của dân tộc như triết lí ÂM DƯƠNG, và những quan niệm về Số Mệnh, Thiên Mệnh, Nghiệp Báo, Nhân Quả.

I. CHỮ NHẪN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

A. Chinh chiến triền miên.

Những chứng liệu lịch sử và di tích văn hóa do những công cuộc khảo cổ gần đây chứng minh, dân Bách Việt đã sinh sống rải rác khắp miền Nam Dương Tử Giang, cho đến tận miền Sông Mã, tỉnh Thanh Hóa… Tổ tiên người Trung Hoa thời thượng cổ, từ phía Tây sông Hoàng Hà tiến về phía Đông, rồi tràn xuống xâm chiếm, và đồng hóa dân Bách Việt vào lãnh thổ Trung Hoa. Trong khối cư dân Nam-Á Bách Việt, chỉ còn dân LẠC VIỆT là không chịu khuất phục đồng hóa,và sau này lập ra Họ Hồng Bàng, tên vua là Hùng Vương, tên Nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc (Việt Trì, Vĩnh Phú). Ngày nay, mỗi năm, vào mùa Xuân, dân Việt vẫn còn giỗ Tổ Hùng Vương theo câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

– Theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư  (Ngô Sĩ Liên), Việt Sử Tiêu Án (Ngô Thời Sĩ), đời vua Hùng Vương 18, An Dương Vương tên là Thục Phán đã chiếm nước Văn Lang và lập ra nước Âu Lạc (257 BC?). Triệu Đà, (207-137 BC), lại sáp nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải của mình, để lập nên quốc gia tự trị với quốc hiệu là Nam Việt. Vào năm 111 BC, Nam Việt bị nhà Tây Hán (Tiền Hán) xâm chiếm và đổi Nam Việt thành Giao Chỉ BộTừ đấy trở đi, dân tộc Việt đã mất chủ quyền hoàn toàn, chịu kiếp sống đô hộ, phải cống hiến cho vua Hán những vật quí giá như: đồi mồi, ngọc trai, sừng tê giác, ngà voi, lông trĩ và các thứ thuế muối, thuế sắt… Vì không chịu nổi cảnh nô lệ bóc lột, vào đời Đông Hán (Hậu Hán), năm 40 AD. hai Bà Trưng, là con gái Lạc Tướng quận Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương, đã khởi nghĩa, dành lại chủ quyền độc lập.

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Năm 42, nhà Hán sai Mã Viện, đem hai vạn quân tràn sang xâm lược nước Việt. Hai Bà cầm cự được gần một năm, thì bị bại trận, và chạy về Hát Môn gieo mình xuống sông Hát tự tận, năm 43. Hàng năm, lấy ngày 6, tháng 2, âm lịch làm ngày kỉ niệm hai Bà Trưng. Mã Viện lại đem đất Giao Chỉ trở lại lệ thuộc nhà Đông Hán. Để thi hành chính sách diệt chủng dã man, hắn cho dựng một cây trụ đồng có khắc sáu chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nếu cây trụ đồng gẫy, dân Giao Chỉ sẽ bị tiêu diệt). Bắt đầu từ đó, dân Việt sống kiếp nô lệ suốt một ngàn năm, với chính sách cai trị dã man, hà khắc, tham nhũng, tàn bạo, diệt chủng. Tính chung, suốt chiều dài lịch sử của dân Việt, kể từ khi nước Văn Lang của Vua Hùng bị nhà Thục cướp ngôi năm năm 257 BC cho đến cuộc di cư vĩ đại năm 1975 AD, ta có hơn hai ngàn năm trăm năm chính sử (có những tài liệu ghi chép), thì chỉ có khoảng năm trăm năm là “tương đối” có bình an, độc lập, còn lại hai ngàn năm kia là bị đọa đầy, ngoại xâm, đô hộ, loạn lạc.

Ngày nay, nhờ những cuộc khai quật tại miền ĐÔNG SƠN, Thanh Hóa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số trống đồng, và các vật dụng bằng đồng và sắt vùi sâu dưới các ngôi mộ để chôn dấu, vì quân của tên Mã Viện được lệnh tịch thu hết các Trống đồng, đồ kim khí, khí giới, đem về Trung Hoa, để tiêu hủy hết các di tích văn hóa của dân Lạc Việt. Chúng dùng đồ đồng đã vơ vét để đúc “cột đồng trụ”. Nhà Hán chủ trương đồng hóa dân Việt vào dân Trung Hoa, nên cho dân Tầu sang lập nghiệp, và cưới vợ Việt. Ngày nay, dân Việt không lưu trữ được nhiều những công trình văn hóa, nghệ thuật, vì những cuộc tàn phá của quân xâm lăng. Năm 1407-1427, sau khi thắng được nhà Hồ, quân Minh đã bắt phụ nữ, danh y và các thợ giỏi về Tầu. Chúng tịch thu các sách quí như: Binh Gia Yếu Lược và Vạn kiếp Bí Truyền của Trần Hưng Đạo, Đại Việt Sử Ký (30 quyển) của Lê Văn Hưu, và còn vô số sách quí khác mà ta không được biết đến… Chúng phá hủy những công trình văn hóa như chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh…

–  Từ khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết năm 43 cho đến đầu thế kỉ thứ 10, năm 906 Ngô Quyền mới đánh tan quân Nam Hán, và giành lại chủ quyền, độc lập, nhưng vẫn phải triều cống vua Trung hoa. Tiếp theo nhà Ngô là nhà Đinh với Đinh Bộ Lĩnh, rồi nhà Tiền Lê với Lê Hoàn, chấm dứt với Lê ngọa triều, tức Lê Long Đĩnh; sau đó là nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ với Hồ quí Ly. Nhà Hậu Lê với vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, giành lại chủ quyền độc lập. Trong đời Lê mạt làthời Trịnh-Nguyễn phân tranh, rồi nhà Tây Sơn, và tiếp theo là nhà Nguyễn thống nhất đất nước, cai trị được 80 năm thì nước Việt nam mất chủ quyền vào tay người Pháp đô hộ trong sáu mươi năm. Từ năm 1945 là chiến tranh ý thức hệ giữa hai phe Quốc gia Tự Do, và phe kia là Cộng sản quốc tế; năm 1975, kết thúc chiến tranh bằng một cuộc tị nạn, di cư hơn triệu người dân Việt bỏ nước ra đi, phiêu bạt khắp nơi trên thế giới. Điều ước mong thiết tha nhất của dân Việt là được“AN CƯ LẠC NGHIỆP”, nhưng suốt dòng lịch sử, nguyện vọng đó chưa bao giờ được thực hiện.

Trong những giai đoạn độc lập, hòa bình “tương đối” này, dân chúng luôn vẫn phải chịu cảnh loạn lạc nhiễu nhương, cướp bóc của dân Chiêm Thành, quân Tàu, hoặc các cuộc nội chiến, nổi loạn để cướp ngôi vua chúa. Trong triều đại nhà Lý, nhà Tống sai Quách Quỳ đem 30 vạn quân sang xâm lược Đại Việt, nhưng danh tướng Lý Thường Kiệt văn võ kiêm toàn, đã phá tan quân Tống, năm 1077, với bài thơ bất hủ:

Nam quốc sơn hà, nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Trong đời nhà Trần, vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, nhờ Hội Nghị Diên Hồng, toàn dân nam, phụ, lão, ấu đoàn kết, ba lần đánh bại quân Nguyên Mông đã kéo quân tới Thăng Long, nhưng đã chết chìm trong dòng sông Bạch Đằng, năm 1288.

Sự tàn phá khốc liệt của chinh chiến liên miên đã phản ánh trong các tác phẩm văn chương như Chinh phụ ngâm, trong truyện cổ tích Hòn Vọng Phu, trong ca dao như bài Lính Thủ:

Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ, phàn nàn cùng ai?
Miệng ăn măng trúc, măng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng?
Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng….
Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai,
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa.

B. Đàn Áp, Bất Công đối với Nữ giới.

Theo truyền thống của dân Lạc Việt, từ đời Hùng Vương vốn trọng tình nghĩa gia tộc, (lớn hơn gia đình vì gồm cả dòng họ, bên nội, bên ngoại). Vì là văn hóa nông nghiệp, nên cần đông con nhiều cháu, cần họ hàng quây quần giúp đỡ lẫn nhau, qui tụ thành một cộng đồng mạnh, mới đủ sức chống lại những bất trắc, rủi ro, thiên tai bão lụt… Đặc biệt vai trò của người phụ nữ được đề cao, vì tài quán xuyến mọi công việc đồng ruộng, cấy hái, trồng tỉa, chăn nuôi gia súc. Đó là Văn Hóa theo Mẫu Hệ, thiên về Âm tính, Nữ tính. Từ khi nước ta bị Hán thuộc, Văn Hóa Bắc phương đã áp đặt luật lệ khắt khe đối với nữ giới như: “trọng nam khinh nữ”, “thập nữ viết vô” (mười người nữ cũng kể bằng không). Chế độ “Tam Tòng”, đã đàn áp, và giam hãm người đàn bà luôn phải lệ thuộc: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con (trai). Vì những tư tưởng kỳ thị của Trung Hoa, nên đã phát sinh những hủ tục như đa thê, vợ lớn, vợ bé, “gả bán” con gái trong hôn nhân. Ca dao nhan nhản những lời than thân trách phận:

Chồng vũ phu:

Chồng em nó chẳng ra gì,
Tổ tôm, xóc đĩa, nó thì chơi hoang!
Nói ra xấu thiếp hổ chàng,
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà….
Tục đa thê: Lấy chồng làm lẽ, khổ thay!
Đi cấy, đi cầy, chị chẳng kể công.
Đến tối chị giữ lấy chồng,
Chị cho manh chiếu, nằm không nhà ngoài….

Tục gả bán:

Mẹ em tham gạo tham gà,

Bắt em đem gả cho nhà cao sang

Chồng em thì thấp một gang,

Vắt mũi chưa sạch, ra đàng đánh nhau!

Nghĩ mình càng tủi càng đau,

Trách cha, trách mẹ, tham giàu bán con!

Kiếm ăn vất vả:

Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ đàn con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng.
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ thôi đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
(Tú Xương)

Nhờ truyền thống cố hữu của dân Việt từ đời Âu-Lạc, Hùng Vương, nên người đàn bà Việt Nam còn được quí trọng và nhiều quyền lợi hơn người đàn bà Trung Hoa, như bộ “Luật Hồng Đức” của vua Lê Thánh Tôn, đã đối xử tương đối công bằng với giới phụ nữ. Dầu sao, cũng phải nhìn nhận: vì luật lệ bất công, vì hủ tục của ngoại bang đàn áp nữ giới, nên các Bà Mẹ, cam chịu kiếp sống hẩm hiu, bần cùng, khô héo cả về tình cảm lẫn nhan sắc. Khi chồng chết, dầu còn trẻ, người đàn bà góa không được tái giá, phải “ở vậy”, gọi là “thủ tiết” để thờ chồng nuôi con. Vấn đề này đã gây tranh luận gắt gao trong cơ quan ngôn luận của “Tự Lực Văn Đoàn”, trong các tiểu thuyết của Nhất Linh như: “Tối Tăm”“Lạnh Lùng”… Văn Đoàn đã công kích hủ tục này, vì bắt buộc người đàn bà phải sống cảnh lạnh lùng, lẻ loi suốt đời. Nhưng cũng có nhà bình luận văn học như Dương Quảng Hàm cho rằng: nhờ sự hy sinh hạnh phúc cá nhân, cam chịu số phận cô đơn, mà nhiều Bà Mẹ đã tận tâm, xả thân nuôi dưỡng con cái nên thân nên người, tránh cho cảnh gia đình tan nát: “vỡ đàn tan nghé”. Dầu sao, ta cũng phải cảm phục đức tính cao cả, “Nhẫn Nhục Chịu Đựng” của các Bà Mẹ Việt Nam. Nhìn khuôn mặt vui tươi, hồng hào, dáng điệu lanh lẹ, hồn nhiên không khép nép, e dè, ngượng ngùng của một đứa con gái 15 tuổi, sinh trưởng ở Hoa kỳ, so sánh với bà ngoại nó mới từ Việt Nam qua chơi, nét mặt nhăn nheo, dúm dó bởi những đường hằn sâu chạy dài từ khóe mắt xuống cằm, ta sẽ thấy sự tương phản giữa hai thế hệ.

C. Không có Tội Nào Bằng Cái Tội Nghèo

Theo các nhà kinh tế, chính trị, thì sự hưng thịnh, hay phát triển của một quốc gia lệ thuộc vào nhiều yếu tố như: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.Thiên thời ở đây được hiểu là khí hậu tốt không nóng quá, lạnh quá, mưa thuận gió hòa, tránh được hạn hán, bão lụt; địa lợi, tức là đất đai phì nhiêu, rộng lớn, nhiều tài nguyên như hầm mỏ; nhân hòa, hiểu là “an cư lạc nghiệp”, không có chiến tranh, mọi phần tử trong nước cùng nhau theo đuổi một chính sách kinh tế công bằng, và một kế hoạch phát triển hợp lý và tân tiến. Sở dĩ nước Việt Nam cho đến ngày bị xếp hạng là “một trong những nước nghèo nhất trên thế giới”, vì thua kém cả ba điều kiện ở trên, nhất là thiếu Nhân Hòa”  là điều kiện “tiên quyết, tất yếu” (sine qua non) như câu châm ngôn:

“Thiên thời bất như Địa lợi,
Địa lợi bất như Nhân Hòa”

Xét về mặt địa lý, diện tích nước ta có khoảng 330.000 cây số vuông; vào năm 2002 với 70 triệu dân, nên mật độ là: 237 người trong một cây số vuông; núi đồi chiếm ¾ đất đai, đất có thể canh tác chỉ chừng 25% diện tích; cứ 10 người mới được 1 hécta để canh tác, hay trồng tỉa; do đó, dầu tăng năng xuất, hay mưa nắng điều hòa, dân chúng vẫn không đủ ăn, vì dân số càng tăng thì phần đất ruộng công điền chia cho mỗi đầu người càng nhỏ lại. Vả lại, muốn mua một chiếc tủ lạnh, một máy cầy, một chiếc xe hơi, phải bán biết bao nhiêu tấn lúa gạo! Bởi vậy, dầu có xuất cảng được lúa gạo, thì dân ta vẫn nghèo, thiếu tiện nghi, nếu công nghệ không được mở mang. Ngoài ra, vì thiếu chính sách bảo vệ môi sinh, nên các rừng gỗ quí bị thiêu hủy bừa bãi, làm đất đai cằn cỗi, và gây ra nạn lụt. Nước ta có mỏ than đá (anthracite), mỏ sắt, mỏ nickel, mỏ chrome, mỏ apathite, mỏ dầu khí.., theo các chuyên viên kỹ sư hầm mỏ, thì trữ lượng và sản lượng của các mỏ đó không lớn lao, dồi dào, nếu so sánh với số lượng sản xuất trên thế giới. Do đó, theo một số chuyên viên kinh tế, nước ta khó có thể đặt triển vọng phát triển vào các tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn của mình được. Muốn phát triển cần phải tìm ở những tiềm năng khác, nhưng chưa được khai thác đúng mức. Ngoài canh nông “vi bản”, với những kỹ thuật tối tân để tăng năng xuất, ta cần công nghiệp hóa quốc gia, và khuếch trương thương nghiệp, đặc biệt về HÀNG HẢI, như kỹ nghệ đóng tầu, ngư nghiệp, và du lịch.

Nhìn lên bản đồ, ta thấy nước ta chiếm một vị thế tiện lợi như cửa sổ nhìn ra Thái Bình Dương. Bờ biển dài hơn 3200km2, chạy dài từ Tiên Yên, Móng Cáy tới Hà Tiên, lại nằm trong miền “Gió Mùa”, nên lưu thông trên đường biển rất thuận lợi. Nước ta cũng có hai con sông lớn, dài phát nguyên từ Himãlạp sơn, chở theo phù sa, và cá, tôm vô kể. Những nước Lào, Campuchia, và miền Vân Nam, cần nhờ bờ biển Việt Nam để xây hải cảng, để vận tải hàng hóa thoát ra đường biển. Bờ biển có nhiều hải cảng thiên nhiên thuận lợi cho việc quân sự như Cam Ranh, Ba Ngòi, Đà Nẵng… và rất nhiều thương cảng danh tiếng như Hòn gay, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An, Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Hà Tiên… Nhờ bờ biển dài, không hiểm trở, nước biển êm đềm ít bão táp sóng lớn, mặt nước trong xanh, lại có đất phù sa từ hai con sông Hồng Hà và Cửu Long chảy ra biển, nên hải sản rất nhiều như tôm, cua, cá… Nếu có một chính sách ngư nghiệp hợp lý, tiến bộ, ta sẽ có một nguồn thủy sản phong phú, trong sông ngòi, ngoài biển khơi, để mở kỹ nghệ đóng đồ hộp, sản xuất nước mắm.

Theo các nhà khảo cổ và các sử gia, ngày xưa dân Lạc Việt đã thông thạo về nghề đóng tầu thuyền vượt biển, hay lưu thông trên sông ngòi. Những di tích cho biết: từ khoảng 4000 BC, dân Lạc Việt đã biết đóng thuyền để lưu thông với các hải đảo vùng Thái Bình Dương như: Indonesia, Philipin… Hình “Thuyền Rồng” khắc trên Trống Đồng Đông Sơn, sức vận tải lớn, có thể chuyên chở tới 600 người. Thuyền nhà Lê, hạng nặng dài khoảng 26-30 m, rộng 4-5 m, có 34-50 mái chèo, trọng tải 35-50 tấn. Vào thế kỉ 17, 18 các nhà truyền giáo như Cha Đắc Lộ, các nhà thám hiểm người Anh như John Barrow (sách “Nam Kỳ du hành ký”), đại tá hải quân Mỹ tên là White (năm 1820), cũng đã miêu tả con thuyền của xứ Đàng Ngoài và cách thức chèo thuyền khác với Tây phương.

Từ ngàn xưa, dân tộc Việt sống nhờ sông nước,biển khơi, nên đời Hùng Vương, đặt tên“Nước” là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc, (Việt trì, Vĩnh phú), trên bờ sông Hồng (có thể thời bấy giờ đất Phong Châu còn gần bờ biển, vì vào thời Lê-Trịnh, Phố Hiến, tức Hưng Yên ngày nay, còn là bến tầu để các tầu thuyền ngoại quốc lui tới). Khu vực Văn Hóa Đông Sơn cũng nằm trên lưu vực Sông Mã gần bờ biển để dễ giao lưu với các miền Hải Đảo của Nam-Thái Bình Dương. Sách “Lĩnh Nam chích Quái”, viết: ”người Việt cổ, lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền”. Trong văn thơ, ca dao, tục ngữ, hình ảnh biển, sông, nước, con thuyền, bến bờ, con đò.. đã gắn liền với tiềm thức của con người Việt Nam:

“Đố ai lặn xuống vực sâu,
Mà đo miệng cá uốn câu cho vừa”

Thuyền về có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền“

Khí Hậu nước ta thuộc xứ nóng, nhưng nhiệt độ trung bình dọc theo bờ biển là 25 C, quanh năm lại có gió biển mát, nên thích hợp cho việc mở mang kỹ nghệ du lịch. Suốt từ Móng cáy đến bãi Dâu tỉnh Hà Tiên, rất nhiều bãi biển cát trắng, nước trong xanh, nhiều thắng cảnh, hang động như Vịnh Hạ Long, Non Nước, Sơn trà, Mỹ khê (Đà Nẵng), Nha trang, Vũng Tàu… Đây cũng là tài sản, và nguồn lợi quí báu của non sông, nhưng vì thiếu điều kiện Nhân Hòa, và Công Bằng Xã Hội, nên chưa được khai thác, phát triển mạnh. Sau đây, thử tìm hiểu tâm trạng, hay triết lý nào đã giúp cho dân Việt biết nhẫn nhục, chịu đựng, dầu trải qua bao gian khổ? Và những thống trị đàn áp đó đã ảnh hưởng đến tính tình người dân Việt như thế nào?

II. TRIẾT LÝ CỦA DÂN VIỆT: “KHÔN CHẾT, DẠI CHẾT, BIẾT SỐNG”.

Con người sống lệ thuộc Không gian tức là chịu ảnh hưởng của khí hậu, địa lý, cảnh vực sinh sống, và Thời gian, tức là dòng Lịch sử của gia đình, dân tộc, quốc gia. Vì con người “linh ư vạn vật”, nên phải suy nghĩ để tìm cách đối phó, thích nghi với mọi biến chuyển của cảnh ngộ thì mới tồn tại lâu bền được. Do đó, những quan niệm triết lý về nhân sinh, về ý nghĩa của cuộc đời, về cách thức ứng xử với hoàn cảnh, đã đào tạo nên cá tính, căn tính của một con người, hay của một dân tộc. Trong đoạn trên, đã miêu tả những ngàn năm chinh chiến, loạn lạc, chế độ áp bức giới phụ nữ, và sự nghèo khó. Dầu vậy, dân tộc Việt đã không bị tiêu diệt, lụn bại như nhiều dân khác, mà vẫn tồn tại cho đến ngày nay, thì chắc hẳn đã phải ấp ủ một triết lý “BIẾT SỐNG”, khá linh động để có thể thích ứng, đối phó với mọi thăng trầm, bất trắc của đời sống.

Triết Lý Âm-Dương. Theo các nhà khảo cổ, và nghiên cứu về văn hóa, dân Bách Việt, Lạc Việt, Âu Lạc Văn lang, tức thủy tổ của dân tộc Việt Nam, thuộc Văn Hóa Nông Nghiệp, miền Đông Nam Á, khí hậu nóng ấm, gió mùa, mưa nhiều, thích hợp với nghề trồng “LÚA NƯỚC”. Cách suy luận là dùng “Trực Giác”, “ Thiên Lương”, tức là sự nhìn ngắm, cảm nghiệm xem các hiện tượng củaThiên Nhiên như trời, đất, sông biển, cỏ cây… biến dịch thế nào để con người bắt chước noi theo. Cảm nghiệm nổi bật nhất là Thiên Nhiên luôn biến đổi, chuyển vận, điều hòa như bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; ngày và đêm nối tiếp nhau; đất và nước hòa hợp giúp cho lúa mọc xanh tươi; nam và nữ phối hợp để sinh con cháu… Cách tư duy, suy nghĩ đó cũng có tính cách “TỔNG HỢP”, bao quát các sự kiện khác nhau, không loại bỏ sót một yếu tố nào, và tìm hiểu mối TƯƠNG QUAN, liên hệ, đối đáp giữa các hiện tượng với nhau một cách “ĐIỀU HÒA”, chứ không đối chọi, xung khắc, tiêu diệt lẫn nhau. Đó là nguồn gốc của triết lý: ÂM- DƯƠNG điều hòa. Triết lý này đã thâm nhập, thấm nhuần trong tâm hồn, tình cảm và mọi sinh hoạt của cá nhân, gia đình, xã hội, đạo giáo của dân Việt. Khởi đầu từ những nhận xét, và kinh nghiệm về sự sinh sản của con người, cầm thú, cỏ cây.., “Có Âm-Dương, có vợ-chồng”, nên phân biệt có Nam có Nữ: Nam là Dương, Nữ là Âm, rồi trừu tượng hóa bằng những con số chẵn 2, 4, 6, 8 là Aâm, các số lẻ 1, 3, 5, 7, 9, là Dương. Từ nguyên lý Âm-Dương này, đặt nền tảng cho ý niệm về cấu trúc của vũ trụ, do năm thế lực tác động, hành động, ảnh hưởng lẫn nhau, gọi là NGŨ-HÀNH: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Đây không có ý chỉ năm chất như: nước, lửa, gỗ, sắt, hay đồng.., nhưng có ý nói đến năm tác nhân (agents) chính hoạt động trong vũ trụ, tức là những thế lực phát sinh tạo nên sức sống. Mây mưa, tuyết, biển, sông ngòi… thì thuộc Hành Thủy; những hiện tượng trong trời đất gây nên sức nóng, thiêu đốt, cháy… thì thuộc Hành Hỏa. Ngày nay, ta phải ngưỡng mộ trí óc thông minh, biết “trừu tượng hóa” các hiện tượng vật chất để đặt thành những công thức, những nguyên lý, có thể áp dụng để cắt nghĩa nhiều trường hợp tương tự khác, đặc biệt để giải nghĩa về sự VẬN CHUYỂN ĐIỀU HÒA củ vũ trụ. Nguyên lý Dương là gạch liền: (___), nguyên lý Âm bằng gạch đứt: (_ _). Cách phối hợp điều hòa những gạch Âm-Dương, đã tạo nên Bát Quái. Hình vẽ trong Hà Đồ, Lạc Thư, chấm đen chỉ Âm, chấm trắng chỉ Dương, nếu đổi thành các con số (giải mã), ta sẽ được một bức họa đồ về cấu trúc của vũ trụ, năm “Hành”, được phân phối đều đặn ra các phương hướng Nam, Bắc, Đông, Tây, và Trung Tâm (Hành Thổ). Vũ trụ xoay vần Quân Bình, Điều Hòa, theo nguyên tắc: “Dương cùng tắc biến”, nghĩa là khi Dương đến chỗ cùng cực, thì đổi sang Âm, như thế hoài, hết ngày, thì sang đêm, hết đêm chuyển sang ngày, bốn mùa xoay vần: Xuân, Hạ, Thu, Đông… Trong Dương có Âm (chấm đen), trong Âm có Dương (chấm trắng), không vật nàotuyệt đối là Âm hay tuyệt đối là Dương, nhưng luôn biến đổi từ Âm sang Dương hay từ Dương sang Âm, tùy cơ sở so sánh, tùy mối tương quan, liên hệ: chẳng hạn, Mẹ, (hay Vợ) là Âm sánh với Cha, ( hay Chồng), nhưng Mẹ lại là Dương, trong mối liên hệ sánh với con cái. Do đó, vạn sự vạn vật đều là “tương đối” cả, vì chúng luôn luôn biến dịch.

Nói tóm lại, ngày nay nhiều nhà khảo cổ và văn hóa nhận xét rằng: dân Bách Việt, Lạc Việt, Âu Lạc, sinh sống ở miền Nam Sông Dương Tử, chuyên về nông nghiệp, đã sáng tạo ra triết lý ÂM-DƯƠNG, HÀ ĐỒ, LẠC THƯ, NGŨ HÀNH, TAM TÀI (Thiên-Địa-Nhân). Có thể minh chứng cho giả thuyết này bằng những di tích như hình vẽ trên Trống Đồng, trong cách tổ chức các cơ cấu gia đình, làng nước, và trong văn hóa, đặc biệt các câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, được truyền khẩu từ đời này sang đời khác để dạy dỗ con cháu noi theo.

Theo Triết Lý Âm-Dương, “Bĩ cực thái lai”, “Hết cơn mưa, trời lại nắng”, cho nên nếu có lâm vào cảnh túng cực, làm ăn thất bại, chiến tranh tàn phá, mất mùa.., người ta vẫn bền lòng chịu đựng chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn. Tin vào Số Mệnh, Định Mệnh khắc nghiệt, hay thuyết Nghiệp-Báo, Nhân-Quả do kiếp trước để lại những ác quả cho kiếp này. Đã là Nghiệp báo thì gồm có “tự Nghiệp”, do mỗi cá nhân tự tạo cho mình; có “Cộng Nghiệp”, là Nghiệp chung của gia đình, hay của một nước, mọi phần tử cùng chia vui sẻ buồn với nhau, như câu tục ngữ: “Quít làm, cam chịu”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Trong ca dao, tục ngữ, ta thấy nhan nhản, những lời khuyên răn, hoặc than thở, kêu gọi hãy nhẫn nại, chịn đựng những đau khổ, khó khăn hiện tại, vì mọi khó khăn sẽ qua đi theo luật “Tuần Hoàn”:

“Không ai giầu ba họ, Không ai khó ba đời”.

“Số giầu tay trắng cũng giầu,
Số nghèo chín đụn, mười trâu, vẫn nghèo.”

Cây khô, xuống nước cũng khô,
Phận nghèo đi tới chỗ mô cũng nghèo!

Triết lý Âm-Dương tạo ra cách suy luận “Tổng Hợp”, bao quát, nên đặt Cộng Đồng, nước, gia tộc, trên cá nhân. Do đó, ta hiểu được tại sao, trong ngàn năm chinh chiến, Bắc thuộc, đô hộ, nội chiến… dân Việt vẫn nhẫn nại, hy sinh chịu đựng gian khổ để bảo vệ lấy nòi giống. Tinh thần hy sinh hạnh phúc cá nhân vì đại nghĩa, vì tương lai của con cháu được biểu lộ mãnh liệt. Sau khi chiến tranh ý thức hệ kết thúc, năm 1975, biết bao bậc ông bà, cha mẹ, anh chị đã liều mạng chạy trốn, dầu phải chết chìm trong dòng nước biển, miễn là hy vọng xây dựng tương lai sáng lạn cho con cháu:

“Con cò mà đi ăn đêm,
Ðậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.

Ông ơi! Ông vớt tôi nao.
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

Hình ảnh “Con Cò”, ám chỉ sự nhẫn nhục chịu đựng của người Mẹ, hy sinh đời sống riêng vì tương lai hạnh phúc của con cái:

Cái cò lận lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.

Giờ nàng trở lại cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Quan niệm “Chờ Thời”, hay “An Bần Lạc Đạo” cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của giới sĩ phu. Vì luật Biến Dịch, luật Tuần Hoàn của trời đất vận chuyển luôn, nên khi gặp cảnh loạn lạc, quốc gia bị ngoại xâm..các nho sĩ thường đóng vai trò thụ động, làm “ẩn sĩ”, cốt để bảo toàn danh tiết, và chờ thời cơ thuận lợi. Trong lịch sử ta thấy nhiều nho sĩ danh tiếng, đóng vai ẩn sĩ như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, và Nguyễn Du.

“Làm trai, quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo!

Khi nên Trời giúp công cho,
Làm trai trăm liệu bảy lo mới hào!

Trời sinh,Trời chẳng phụ nào,
Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.

Trí khôn rắp để dạ này,
Có công mài sắt, có ngày nên kim…”

Người đời thường nói: Biết mình, biết người, trăm trận đánh, trăm trận đều thắng (tri kỉ,tri bỉ, bách chiến bách thắng). Nhưng thế nào là biết thật, biết cho “đáo lý” ? Biết thật là biết cái lẽ biến hóa của hoàn cảnh và của con người nữa, phải tùy thời, tùy nơi mà thích ứng, để có thể luôn luôn làm chủ được thời thế. Đó là cái biết uyển chuyển, khi làm ra mặt khôn, khi giả bộ ngây ngô, mặt dại, biết tiến biết thoái cho kịp thời… Chính cái biết đó mới là biết để sống, để khỏi bị cường bạo tiêu diệt, để dòng giống được trường tồn.

Để tạm kết luận, xin trích những lời bình phẩm về những tính tốt cũng như tính xấu của người Việt, trong cuốn: ”Việt Nam Sử Lược” của Lệ Thần Trần Trọng Kim. Ông là một học giả danh tiếng đã viết những bộ sách giá trị như: Việt Nam sử lược” ( 1925), Nho Giáo, 3 q.(1930-33), Việt Nam Văn Phạm (1941). Ông cũng là nhà giáo lỗi lạc, và là Vị Thủ Tướng đầu tiên được vua Bảo Đại chỉ định khi nước nhà mới dành lại quyền độc lập, năm 1945. Ông được mọi người kính trọng về tinh thần ái quốc và đức liêm chính. Vào năm 1925, Ông là người Việt Nam đầu tiên đã dùng phương pháp viết sử của Tây phương để viết lại bộ Sử Ký Việt nam. Những lời phê phán công minh, không thiên vị, nhưng chính xác, để giúp hậu sinh học hỏi được những kinh nghiệm của quá khứ, hầu xây dựng một tương lai tươi sáng, tiến bộ cho đất nước. Sau đây là một đoạn, ông viết về tính tình, tư cách của người Việt Nam:

“Về đàng trí tuệ và tính tình thì người Việt nam có cả tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, làm năm Đạo Thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỉ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà khi đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỉ luật.

Tâm địa nông nổi hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng Nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.”

Những nhận xét trên đã được viết ra gần một thế kỉ nay, nhưng không thấy ai phản đối, hay chỉ trích cho là lệch lạc, sai lầm; hơn nữa, nhiều người ngoại quốc cũng có những nhận định tương tự như vậy đối với người Việt. Như đã trình bày ở trên, tâm lý, tính tình hay Văn hóa của một dân tộc phần lớn chịu ảnh hưởng của khí hậu, địa lý, nhất là những biến cố lịch sử của dân tộc đó. Bởi vậy, trong trường hợp của nước Việt, vì nạn chinh chiến, loạn lạc quá lâu dài suốt dòng lịch sử, người dân bị chèn ép liên miên, nên đã rèn luyện nên những đức tính như sự Nhẫn Nhục, Chịu Đựng, để bảo tồn nòi giống khỏi bị tiêu diệt, nhưng cũng nẩy sinh những tính xấu như: tính trí trá, quỉ quyệt, tinh vặt, hay chế nhạo. Do đó, dân chúng thích nghe những chuyện “tiếu lâm” kiểu văn Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Tú Xương, Tú Mỡ… nhạo báng các “cố vấn vĩ đại”, “lý toét”, “xã xệ”, “cán ngố”… Những bài thơ châm biếm kiểu “thơ Hồ Xuân Hương”, để phản kháng chế độ áp bức giới phụ nữ. Chế nhạo, châm biếm là khí giới của kẻ yếu chống lại sức mạnh đàn áp. Điều đáng tiếc là: từ ngàn xưa tới ngày nay, người dân Việt đã dùng trí óc thông minh để sáng tạo ra triết lý Âm-Dương điều hòa, quân bình, biến dịch, để chờ thời cơ, biết nhẫn nhục chịu đựng hầu tránh khỏi họa diệt vong, nhưng chúng ta còn thiếu một tâm lý hùng mạnh, hay một Văn Hóa trọng sự Tiến Bộ, Dân Chủ, Tự Do, Thịnh Vượng. Ngày nay, nếu muốn cạnh tranh trên trường quốc tế, ta không thể có thái độ tiêu cực, ù lì:

“Trời nắng thì trời lại mưa,
Chứng nào tật nấy có chừa được đâu?”

Giữ thế quân bình trong đời sống, hòa hợp với mọi người, nhẫn nhục là tốt, nhưng ta cũng cần một tâm lý hùng mạnh, một triết lý hành động quả cảm, bất khuất, dứt khoát, tiến bộ, không thỏa hiệp trước những bất công, đàn áp và bạo lực.

LM Cao Phương Kỷ

Dành cho quý vị