Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – khai mạc vào ngày 11-11-2022 vừa qua ở Phnom Penh – đã không mời Miến Điện/Myanmar tham dự, nên chiếc ghế dành riêng cho vị nguyên thủ đất nước này, vẫn tiếp tục bị bỏ trống. Đây là biện pháp phản ứng mang tính ngoại giao của ASEAN, sau cuộc binh biến tháng 2-2021, quân đội quốc gia này đảo chính, lật đổ chính phủ hợp hiến do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Là quốc gia rộng lớn nhất thuộc khu vực Đông Nam Á, Miến Điện có đường biên giới chung với Ấn Độ, Bangladesh, Lào, Thái Lan và Trung quốc. Diện tích lãnh thổ đất nước này chừng 678 ngàn cây số vuông, nhưng mức độ dân số tương đối thấp chỉ 55 triệu. Như vậy so với Việt Nam, Miến Điện tuy rộng hơn gấp đôi, nhưng thua xa về mặt dân số. Mật độ dân số trung bình tại Myanmar là 85 người/cây số vuông, trong khi con số tương đương tại Việt Nam là 320 người/cây số vuông.
Thương mại và đầu tư từ Việt Nam vào Miến Điện đã gia tăng khá nhanh trong vòng 10 năm qua. Trước khi quân đội đảo chính, trao đổi thương mại từ 536 triệu USD năm 2016, đã vọt lên 943 triệu USD năm 2019. Với tổng số vốn đầu tư khoảng 2,2 tỉ USD năm 2020, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 7 vào Miến Điện. Thế nhưng theo tin đài Á Châu Tự Do ngày 19-07-2021, “Việt Nam, cũng như những nhà đầu tư khác trong ASEAN, đang bị bế tắc từ sau cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự Miến Điện.” Trong số những chủ đầu tư “khủng” từ Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai (được người ta biết đến qua ông bầu Đức) và Tổng Công ty viễn thông Viettel, thuộc bộ Quốc Phòng Việt Nam, là 2 cái tên nổi trội. Đặc biệt Viettel từng bị nhiều nhóm hoạt động bảo vệ nhân quyền Miến Điện lên án gián tiếp giúp đỡ chính quyền quân phiệt gây tội ác. Tuy nhiên chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong tương lai.
Miến Điện là xứ sở đa dạng, thậm chí rất phức tạp về mặt sắc tộc. Chúng ta thử so sánh với Việt Nam để hiểu rõ hơn. Trong khi văn kiện chính thức Việt Nam xác nhận có 54 dân tộc đang sinh sống trên vùng lãnh thổ, với người Kinh hay Việt chiếm gần 87% tổng dân số, 53 nhóm người dân tộc khác chỉ chiếm tổng cộng 13% tổng dân số. Nhưng tại Miến Điện, người sắc tộc “Miến” chỉ chiếm chưa đến 70% tổng dân số, 134 nhóm sắc tộc thiểu số còn lại, chiếm đến hơn 1/3 tổng dân số. Các nhóm này lại “bị” sắp xếp vào 8 nhóm sắc tộc chính yếu, nhưng không dựa vào tiêu chuẩn về ngôn ngữ, văn hóa v.v. mà chỉ dựa vào yếu tố địa lý, nơi sinh sống. Con số 135 vì thế chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, vì nhiều nhóm dân tộc thiểu số của Miến Điện từ lâu đã cảm thấy bị gạt ra bên lề, bị phân biệt đối xử, khi Miến Điện đứng trước những quyết định quan trọng về chính sách dân tộc.
Thí dụ rõ rệt nhất là chính sách đối xử với người sắc tộc Rohingya. Chừng 1 triệu người Rohingya từng sống tại Miến Điện (con số dự đoán đầu năm 2017), đa số theo Hồi giáo, trong một đất nước mà đại đa số người dân là tín đồ Phật giáo. Họ bị tước quyền công dân căn bản, bị đẩy vào tình trạng tạm cư như người đang tị nạn, trên vùng đất mà họ đã sống từ nhiều thế hệ qua. Chính sách đàn áp đã bùng lên tột đỉnh với biến cố quân sự vào tháng 8-2017, khi quân đội chính quy Miến Điện bắt đầu cuộc hành quân quy mô vào bang Rakhine, nơi sinh sống của nhóm người thuộc sắc tộc Rohingya, lấy cớ phải đáp trả lại nhiều vụ tấn công của các nhóm du kích hoạt động lẻ tẻ tại đây. Hậu quả là lại có thêm làn sóng người mới, bỏ quê bỏ làng trốn chạy sang Bangladesh trong năm 2017, nâng tổng số người tị nạn tại trại Kutupalong lên đến hơn 600.000. Nhưng chúng tôi xin được phép trở lại đề tài này trong bài viết sắp tới, để bây giờ quay về chuyện người dân tộc Intha.
Hình 2: Lối chèo thuyền độc đáo của người Intha,chỉ đứng trên một chân.
Chừng 70 ngàn người thuộc sắc tộc Intha (hay còn được gọi là Insa, Naung Ma) đang sinh sống quanh hay ngay tại hồ Inle, hồ nước ngọt lớn thứ 2 Miến Điện, với diện tích chừng 116 cây số vuông, thuộc bang Shan. Ngoài sắc tộc Intha, còn ít nhất 32 nhóm sắc tộc khác cũng đang định cư tại đây. Đa số các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học xếp người Intha vào nhóm Ngữ tộc Tạng-Miến. Theo Từ Điển Bách Khoa Britannica, Ngữ tộc Tạng-Miến hiện là tiếng nói của chừng 57 triệu người sống khắp Á châu, bao gồm 29 triệu ở Miến Điện, Trung quốc trên 17 triệu, Việt Nam chừng 40 ngàn, và vài triệu người ở rải rác tại Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Lào v.v.
Người Intha hoàn toàn sống bám vào hồ, chết cũng về hồ, nên cuộc đời của họ cũng như bèo bọt. Cả một vùng mênh mông chỉ thấy nhà chòi, vườn tược, thuyền bè nổi trôi theo nước. Đặc biệt lối chèo thuyền, 1 chân đứng 1 chân khoắn của dân chài đánh cá (chỉ nam giới, phụ nữ ngồi chèo bình thường) là “đặc sản” thu hút khách du lịch. Người chèo đứng trên 1 chân, như thế võ “Kim Kê Độc Lập”, chân kia quấn lấy mái chèo, khuấy 1 vòng thì thì thuyền trôi tới 1 bước. Đứng cao, người chèo có thể nhìn rõ rong rêu để tránh, hay thấy bong bóng do cá phun ra mà quăng lưới, thả câu. Xin kính mời quý bạn đọc xem youtube video sau đây, để tận mắt chứng kiến cuộc sống hằng ngày, lối chèo thuyền có một không hai nói trên của người dân Intha.