Ngày xưa, cách đây 60 năm, ở đường Duy Tân Huế từ cầu Trường Tiền đi xuống, qua khỏi Morin (cũ), đi một đoạn, có một địa điểm mang cái tên nghe là lạ ” Ngọ Phạn Điếm “. Càng lạ và đặc biệt hơn nữa, Ngọ Phạn Điếm chỉ đón khách vào ăn một bữa trưa (demi-pension ) trong ngày là học sinh của trường Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế mà thôi.
Tìm hiểu, tôi được biết, năm 1954, hiệp định Geneve được ký kết, quân Pháp về nước. Sau chiến tranh, cuộc sống của người dân cố đô Huế vẫn còn vất vả, khó khăn. Trường Đồng Khánh lúc này cũng xuống cấp nặng, các lớp học bị mưa dột, bàn ghế hư hao, điều kiện ăn ở và học tập của học sinh thiếu thốn, nhân sự không đủ nên trường đã bãi bỏ bậc tiểu học và không còn tổ chức nội trú và bán trú cho học sinh như trước đây nữa.
Năm 1960, mặc dù ngân sách của nhà nước lúc này còn khó khăn nhưng chính quyền cũng cố gắng giải quyết cho trường Nữ Trung Học Đồng Khánh đại trùng tu (vì đây là ngôi trường nữ trung học duy nhất và lớn nhất miền trung lúc bấy giờ). Thời điểm này, cô Đặng Tống Tịnh Nhơn được Bộ Giáo Dục bổ nhiệm chức vụ Hiệu Trưởng của trường Đồng Khánh (1959 – 1964 ), đây là nữ Hiệu Trưởng thứ 6 trong số 10 nữ Hiệu Trưởng của trường Đồng Khánh kể từ năm 1945 đến năm 1975.
Cô Tịnh Nhơn là giáo sư Việt Văn và Sử Địa được nữ sinh Đồng Khánh kính yêu. Lúc nhận chức vụ Hiệu Trưởng cô mới trên 30 tuổi. Trường Đồng Khánh lại đang thực hiện kế hoạch sửa chữa, xây dựng, cô rất lo lắng nhưng nhờ nhanh trí cô đã liên hệ và nhận được sự tiếp tay của phụ huynh học sinh có chuyên môn trong ngành xây dựng tận tình giúp đở, cho ý kiến, bàn bạc về các phương án kiến trúc, sửa chữa, xây dựng…
Thế là trường Nữ Trung Học Đồng Khánh được trùng tu, xây dựng thêm một số công trình nên khang trang, chắc chắn và rất đẹp. Lúc này, trường vẫn còn nhiều học sinh có hoàn cảnh nghèo, đa số tập trung ở vùng ven thành phố Huế, nhà ở rất xa trường. Mỗi ngày học hai buổi, phải đi bộ đến trường . Khổ nhất là những ngày Huế mưa to, gió lớn và lụt lội. Đã thế, nữ sinh đi học còn phải bới cơm theo, nguội lạnh để ở lại ăn trưa trong lớp. Số học sinh có nhu cầu ở lại trưa tại trường ngày càng đông nên việc quản lý học sinh vô cùng khó khăn. Nhân sự lại không có để theo dõi học sinh ở lại trưa , ngoài bà Trần Thi và bà Vương Quang vừa phải lo công việc ở văn phòng , vừa phải đến các lớp nhắc nhở học sinh giữ vệ sinh , giữ gìn trật tự, nghỉ ngơi để vào học buổi chiều.
Trước tình hình này , thấy hai bà quá vất vả, cô Hiệu Trưởng và cô Giám Học Nguyễn Thị Thu lo lắng, trăn trở. Nếu áp dụng giải pháp cấm học sinh ở lại ăn trưa tại trường, học sinh sẽ lang thang ngoài vườn hoa trước trường Đồng Khánh hay dừng chân trong vườn cây trước Tòa Tỉnh trên đường Lê Lợi gần trường để ăn và nghỉ chân thì rất “khó coi” vì là con gái mà lại là nữ sinh của trường Đồng Khánh. Không thể được. Thế là, sau khi bàn bạc trong nôi bộ lãnh đạo, nhà trường đã chính thức có văn bản và cô Tịnh Nhơn là người đã trực tiếp làm việc với Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên , xin giúp đở cho nữ sinh có một nơi để ăn trưa, có nhân sự quản lý.
Sau nhiều lần đi thỉnh ý, với cách trình bày sự việc có tình, có lý của cô Hiệu trưởng, Tòa Tỉnh đã quyết định và có kế hoạch giúp đở trọn gói từ địa điểm tổ chức cho học sinh nghèo ăn bữa trưa miễn phí cho đến kinh phí xây dựng, trang thiết bị cũng như nhân lực phục vụ. Trường Đồng Khánh chỉ việc lâp danh sách chính xác số học sinh thật sự nghèo và nhà ở xa trường ( khoảng 40 h/s ) và phải dặn dò kỹ học sinh giữ gìn trật tự, kỷ luật thật tốt. Để giữ uy tín với Tỉnh, cô Đặng Tống Tịnh Nhơn và cô Nguyễn Thị Thu đảm trách công việc này. Và… ” Ngọ Phạn Điếm ” miễn phí dành cho nữ sinh trường Đồng Khánh ăn bữa trưa ra đời. Theo lời cô Nguyễn Thị Thu ( chứng nhân còn lại ), Ngọ Phạn Điếm có cơ sở đặt tại đường Duy Tân ( nay là Hùng Vương ), khoảng ở Khách sạn Duy Tân hiện nay.
Ngọ Phạn Điếm là tên do cô Tịnh Nhơn đặt, tuy nhỏ nhưng khang trang, cảnh quan đẹp, tiện nghi. Phòng ăn dành cho học sinh là hai dãy nhà lục giác, các mặt toàn bằng kính. Bếp là căn nhà bên cạnh, cao ráo, sạch sẽ. Tòa Tỉnh đã cử hai nữ nhân viên thay phiên nhau đến Ngọ Phạn Điếm trông coi, theo dõi việc nấu nướng của nhà bếp nhằm bảo đảm vệ sinh và đủ chất dinh dưỡng cho từng khẩu phần . Sau khi tan học buổi trưa, học sinh có trong danh sách của trường trong tà áo trắng, đầu đội nón lá, cặp sách trên tay xếp hàng trật tự đi từ trường Đồng Khánh đến Ngọ Phạn Điếm , nhận phiếu ăn. Nữ sinh sắp hàng trước cửa nhà bếp, lần lượt nhận phần ăn trong yên lặng và trật tự.
Mỗi người có một chiếc khay inox nhiều ngăn đựng cơm và thức ăn. Khi ăn xong, nghỉ ngơi một lúc, học sinh sẽ xếp hàng ngay ngắn trở về trường và chuẩn bị cho buổi học chiều. Thỉnh thoảng cô Tịnh Nhơn và cô Thu đến Ngọ Phạn Điếm, vừa để thăm học sinh, vừa để xem cách thức tổ chức bữa ăn của nhân viên phụ trách. Có hôm, hai cô lại vào tận nhà bếp mở soong, nồi để tận mắt nhìn thấy thức ăn đã được chế biến và cách làm việc của nhân viên phục vụ. Hai cô đã rất hài lòng về cách thức tổ chức cũng như chất lượng bữa ăn trưa dành cho nữ sinh Đồng Khánh ở Ngọ Phạn Điếm. Tận tình. Chu đáo. Tiếc rằng , sau vụ tranh đấu Phật giáo ở Huế vào năm 1963 đã dẫn đến nhiều thay đổi và thế là Ngọ Phạn Điếm cũng không còn tồn tại nữa… Buồn. Tiếc.
Tôi ngỡ ngàng khi biết ở Huế có một ” Ngọ Phạn Điếm ” miễn phí dành cho học sinh nghèo của trường Nữ Trung Học Đồng Khánh cùng cảm giác thích thú với cái tên Ngọ Phạn Điếm. Quán ăn trưa , nghe bình thường ; nhưng đặt thành tên ” Ngọ Phạn Điếm ” thì nghe lạ và hay hay. Tôi phục ý tưởng đặt tên “lạ” của cô Hiệu Trưởng Đặng Tống Tịnh Nhơn. Vô cùng biết ơn những người đã có công đề xuất, thực hiện kế hoạch xây dựng để hình thành Ngọ Phạn Điếm; trong đó, có công sức đóng góp của hai cô giáo tôi. Cô Hiệu Trưởng Đặng Tống Tịnh Nhơn và cô Giám Học Nguyễn Thị Thu, hai vị giáo sư có năng lực chuyên môn, có năng lực quản lý và nhất là có “tâm”, có “đức”. Cô Tịnh Nhơn đã giã từ ngôi trường hồng ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại. Nhớ cô, hằng năm cựu nữ sinh Đồng Khánh ở Huế đều có tổ chức húy kỵ cô ở chùa Trúc Lâm, nơi có mộ phần an nghỉ của cô. Riêng cô Nguyễn Thị Thu, hiện nay ở Thủ Đức. Cô có cuộc sống an nhiên, tính tình hiền hòa, phong thái điềm đạm, linh hoạt và trí nhớ thì tuyệt vời mặc dù tuổi của cô đã cao – 86 năm song hành cùng thời gian với đời. Cô vẫn hát cho học trò nghe. Cô hát như ngày xưa cô vẫn hát vào dịp học sinh ăn tất niên, chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên Đán. Thi thoảng cô có về Huế, gặp lại nữ sinh Đồng Khánh của nhiều thế hệ, cô xúc động và mừng vui. Thế là cô trò cùng nhau đến Cung Đàn Xưa và “hát cho nhau nghe”. Cô và trò Đồng Khánh vẫn thích hát và yêu đời. Ngày xưa, cứ đầu và giữa giờ học, trường Đồng Khánh đều có mở nhạc cho học sinh nghe nhẹ nhàng để thư giản… Những dĩa nhạc này đươc cô Đặng Tống Tịnh Nhơn và thầy Đặng Ngọc Ấn đặc biệt chọn lọc.
Nữ sinh Đồng Khánh dù ở thế hệ nào, ở trong hay nước ngoài vẫn luôn luôn nhớ đến công ơn các thầy cô của mình với tấm lòng ngưỡng mộ, thương yêu và kính trọng vì các thầy cô luôn tận tình chăm lo và rất mực thương yêu học trò. Ngọ Phạn Điếm ngày xưa mà chúng ta được biết hôm nay chính là cái “tâm”, là ý thức trách nhiệm của thầy cô Đồng Khánh mình. Đây chính là truyền thống đạo lý cao đẹp của người thầy giáo Việt nam. Huế ơi, Đồng Khánh ơi, thầy cô ơi, bạn bè thân yêu ơi! . “Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi… Cho tôi tìm lại… cho tôi tìm lại…” . Tôi muốn tìm lại một thưở yêu thương bên cạnh thầy cô và bạn bè trong ngôi trường hồng con gái ngày xưa ấy…