Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Nguồn gốc người Bách Việt

Nhân loại, dù sống ở bất cứ  không gian và thời gian nào, cũng đều có chung một yếu tính làm người, cao cả vượt trên muôn loài. Hoàn cảnh sống với những điều kiện khác biệt đã khiến cho phong tục tập quán của mỗi xã hội có những nét riêng tư độc lập, nhưng tựu trung, cốt lõi của đạo đức nhân bản vẫn đồng nhất với nền tảng là đức nhân. Đi vào đáy cùng giáo lý của những tôn giáo chính đáng sẽ chỉ còn tấm yêu sáng rực.

Trong cuộc đời thực tế, gian lao đối đầu với những khó khăn, xử trí dụng mưu nhiều khi thái quá, uể oải, lu mờ dần đức nhân, tình người rạn nứt, đưa đến những tranh đua đố kỵ, đến cả chiến đấu hận thù. Người bi quan nhìn dòng lịch sử nhân loại như lịch sử chiến tranh nối tiếp không thôi, qua từng thế hệ. Kẻ đi xâm chiếm, gây việc binh đao, dù có đeo mặt nạ với hình thức giá trị nào, thực chất chỉ là tranh quyền cướp lợi, tồi tàn đê hạ.

Phương Đông, học thuyết Đại Đồng nhân bản, lấy Nhân làm nền tảng, lấy Nghĩa làm chất liệu, lấy Lễ làm trật tự, lấy Trí làm ánh sáng soi đường, lấy Tín làm quy ước xử thế, nhằm đưa nhân loại đến một xã hội hài hóa lẽ sống tình người, không đấu tranh sân hận, không phân ly giai cấp, không giành giật lợi quyền. Học thuyết này được đề xướng hơn 2.500 năm nay, xã hội Đại Đồng nhân bản vẫn chưa một lần thành tựu. Dọc 2.500 năm ấy, nhân loại có tiến hóa về văn minh vật chất, nhưng tuyệt nhiên không một bước tiến hóa về văn hóa nhân tính. Nhân loại nếu không níu vào cái phao đạo đức hoặc tôn giáo đã có từ thời xa xưa xa thẳm để tâm hồn được sống thì hẳn đã chết đuối trong bể vật chất phi nhân.

Các thế lực quản trị Trung Hoa, qua nhiều triều đại, đã nhân danh học thuyết Đại Đồng nhân bản, gian ngoan với mặt nạ “tình bốn bể là nhà”, “nghĩa bốn bể là anh em”, dùng bạo lực xâm lược đem ách đô hộ đè lên các nước nhược tiểu. Dân các nước ấy, phần bị tàn sát, phần bị đồng hóa để cho Trung Hoa mở rộng biên cương. Bách Việt cũng không tránh khỏi dòng cuồng lưu tham tàn ấy. Cho đến bây giờ, dân vùng Mân Việt, Âu Việt, Tây Việt, tuy có biết tổ tiên xa xưa thuộc dòng Bách Việt, nhưng thân phận đã chìm lẫn vào Tầu. Nay tuy có những nhóm nhỏ nhoi, được lập thành Bách Việt Dân Tộc Sử Nghiên Cứu Hội, tác phẩm giá trị ấn hành ít ỏi nghèo nàn. Chúng tôi được thân bằng vì tình tri ngộ gửi tặng hai bộ: “Bách Việt Dân Tộc Sử Lận Tập” và “Bách Việt Dân Tộc Sử”, mỗi bộ được Trung Quốc Xã Hội Khoa Học Xuất Bản Xã in 1.000 cuốn. 1.000 cuốn sách phát hành trong một nước có dân số bằng 1/3 tổng số người trên thế giới, khác gì đem một thìa muối để đổ xuống biển khơi! Công trình nghiên cứu của Hội này chỉ như một cung tơ nức nghẹn giữa vùng muôn ngàn chiên trống. Chỉ duy Lạc Việt tức Việt Văn Lang vượt thắng những ba đào lịch sử, tồn tại làm một nước độc lập, giữ được nguyên vẹn dân tộc tính như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo: “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác.” (Bắc chỉ Trung Hoa, Nam chỉ Việt Nam).

BÁCH VIỆT CHUNG MỘT GỐC NGUỒN

Chữ Việt, có hai cách viết bằng chữ Nho: một thuộc bộ “tẩu” và một thuộc bộ “mễ”.

Chữ Việt bộ tẩu, biểu tượng cho ý nghĩa cao quí dấn thân, khai phá những nơi còn thâm u tăm tối bằng ánh sáng văn hóa tình người, dựng nên xã hội định cư ấm cúng với nền văn minh tồn trữ, khác biệt với nền văn minh du mục của người phương Bắc.

Chữ Việt bộ mễ, biểu tượng ý nghĩa định cư, khai khẩn đất hoang be bờ dẫn nước, cấy cày lúa nước, làm thành một nền văn minh nông nghiệp, có tính cách tồn trữ, cao cả vượt trên các bộ tộc còn lang thang đó đây để mưu việc sinh nhai.

Vì chữ Việt có hai cách viết khác nhau, đã có người lầm tưởng Việt bộ tẩu là Việt Nam ta, Việt bộ mễ là dân Việt ở vùng Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang v.v…

Theo Bách Việt Tiên Hiền Chí, một bộ Lĩnh Nam Di Thư quí báu, được sử quán nhà Minh khắc in trọn bộ, góp vào Văn Nghệ Chí, làm sử liệu chính xác, các nhà viết sử nương tựa vào để trích dẫn hoặc dẫn chứng: Việt bộ tẩu và Việt bộ mễ là một.

Theo Khang Hy Tự Điển, bộ tự điển nghiêm túc được văn học Trung Hoa tin tưởng, Việt bộ tẩu và Việt bộ mễ là một.

Theo Từ Hải, bộ bách khoa tự điển của Trung Hoa, Việt bộ tẩu và Việt bộ mễ là một.

Vậy, phân biệt hai cách viết của chữ Việt và gán cho mỗi cách viết mang một ý nghĩa khác  nhau chỉ là tưởng tượng mơ hồ của người hay chữ lỏng, nếu không phải là chủ trương phân ly Bách Việt của kẻ có ý đồ đen tối.

Về thủy tổ Bách Việt, truyền khẩu cũng như sử sách Việt Nam đều đồng nhất:

“Cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh, gặp nàng vụ tiên (nàng tiên đẹp, cần mẫn, nết na), lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục có thánh đức, Đế Minh muốn truyền ngôi. Lộc Tục cung khiêm, không dám nhận. Đế Minh bèn truyền ngôi cho con trưởng là Đế Lai làm vua phương Bắc, phong Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương vương (vua châu Kinh và châu Dương), đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. Nước Xích Quỷ bắc giáp Động Đình hồ, nam giáp nước Hồ Tôn, tây giáp Ba Thục, đông giáp bể Nam Hải. Vua lên ngôi năm Nhâm Tuất (2879 trước kỷ nguyên Tây lịch).

Kinh Dương vương kết hôn với nàng Long Nữ con gái vua xứ Động Đình sinh ra Sùng Lãm.

Sùng Lãm nối ngôi, xưng Lạc Long Quân, kết hôn cùng nàng Âu Cơ, con gái vua Đế Lai, sinh được trăm trứng, nở thành trăm con trai. Một hôm Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là dòng dõi rồng, nàng là dòng dõi tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm trai, nàng hãy dẫn 50 con lên núi, ta dẫn 50 con xuống miền Nam Hải. Dù ở đâu cũng không được bỏ nhau.”

Con trưởng được dựng làm vua, đổi quốc hiệu là Văn Lang, xưng là Hùng vương, đóng đô ỡ Châu Phong (nay là huyện Bạch Hạc thuộc tỉnh Vĩnh Yên). Các vua nối tiếp đều xưng là Hùng vương, truyền được 18 đời, đến năm Quý Mão (258 trước kỷ nguyên Tây lịch) thì mất về nhà Thục.

Một trăm con trai của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ là tổ của Bách Việt.”

Đoạn sử trên hàm chứa nhiều ẩn dụ mang sắc thái huyền thoại. Đó là điều thường gặp nơi cổ sử của các dân tộc Á cũng như Âu. Lý giải theo nghĩa của ngôn từ ngày nay sẽ đưa đến nhiều kết luận khác biệt. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ thích nghĩa hai quốc hiệu Xích Quỷ và Văn Lang.

Xích Quỷ: Xích là màu đỏ, màu của lửa, cũng là màu được dùng để chỉ phương Nam, biểu tượng cho lòng nhân ấm áp tình người. Thành ngữ xưa có câu “Nam phương hỏa đức thịnh”, nghĩa đen là: phương Nam thịnh về đức lửa. Nghĩa bóng là: phương Nam giàu lòng nhân. Thần sao Nam Tào được giữ sổ sinh (sổ ghi về sự sống, tuổi thọ của mọi người trên mặt đất) là một vị văn quan mặt đỏ.

Đoạn Trung Dung sau đây nói minh bạch về lòng nhân của phương Nam: “Tử Lộ vấn cường. Tử viết: Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? Ức nhi cường dư? Khoan dung dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường giã, quân tử cư di. Nhậm kim cách, tử nhi bất yếm, bắc phương chi cường giã, nhi cường giả cư chi.” nghĩa là: “Thầy Tử Lộ hỏi về sức mạnh. Khổng Tử nói: “Sức mạnh của phương Nam ư? Sức mạnh của phương Bắc ư? Anh muốn biết về sức mạnh ư? Đem lòng rộng lượng hiền hòa để giáo hóa người, dẫu đối với kẻ vô đạo cũng không báo thù báo oán, đó là sức mạnh của phương Nam. Người quân tử ở đấy. Mặc giám cầm gươm, xông pha đánh giết, đến chết cũng không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Người cường bạo ở đấy.” (Trung Dung – bài thứ 10 Tử Lộ Vấn Cường).

Quỷ: thiên Lễ Vận nơi Lễ Ký có ghi câu: “Trình bày dâng lên quỷ thần”, lại  chú giải “quỷ là nơi linh hồn tinh anh trở về.”

Thiên Đoan Thiên nơi sách Liệt Tử có viết “Các tinh thần lìa hình thể đều trở về nơi chân thực nên gọi là quỷ. Nơi quỷ trở về là nơi cư ngụ chân thực của mình.”

Quỷ còn là tên vị sao sắc trắng, một sao trong nhị thập bát tú.

Như vậy, Xích Quỷ có nghĩa là “Khi sống lấy đức nhân mà hành xử việc đời. Khi chết, tinh thần trở về nơi cư ngụ chân thực, vĩnh cửu.” Đồng thời cũng hàm chứa ý nghĩa về địa dư: nước ở phương Nam, sao Quỷ xác định địa giới.

Văn Lang: chữ văn có nhiều ý nghĩa phức tạp và khác biệt. Chúng tôi chọn nghĩa chữ “văn” nơi sách Sử Ký và sách Luận Ngữ.

Theo Sử Ký thụy pháp (Sử Ký của Tư Mã Thiên, chương viết về phép đặt tên thụy, tức tên mà người sống xét phẩm cách của người chết mà đặt cho) có ghi: “Kinh vĩ thiên địa viết văn. Đạo đức bác văn viết văn. Cần học, hiếu vấn viết văn. Từ huệ ái dân viết văn. Mẫn dân huệ lễ viết văn. Tích dân tước vị viết văn.” nghĩa là: “Dọc ngang trời đất gọi là văn. Đạo đức, nghe rộng gọi là văn. Chăm học, ưa hỏi gọi là văn. Hiền từ, thương xót, yêu dân gọi là văn. Thương yêu, giữ lễ với dân gọi là văn. Ban thưởng tước vị cho dân gọi là văn.”

Sách Luận Ngữ, chương Tử Hãn có ghi lời Khổng Tử khi ngài bị người ấp Khuông, một ấp thuộc nước Vệ đời Xuân Thu, vây khốn vì ngộ nhận ngài là ác nhân Dương Hổ: “Văn vương ký một, văn bất tại tư hồ? Thiên chi tương tán tư văn giã, hậu tử giả bất đắc dự ư tư văn giã, hậu tử giả bất đắc dự ư tư văn giã. Thiên chi vị táng tư văn giã, Khuông nhân kỳ như dư hà?” nghĩa là: “Văn vương đã chết, “văn” không do ta gánh vác hay sao? Nếu trời muốn chôn vùi “tư văn” thì kẻ chết sau Văn vương là ta không được tham dự vào “tư văn”. Nếu trời chưa muốn chôn vùi “tư văn” thì người ấp Khuông làm gì được ta?” Tư văn theo Nho học là đạo trời. Chu Hy, học giả đời Tống chú thích: “Đạo chi hiển giả vị chi văn” nghĩa là: “Đạo trời sáng tỏ gọi là văn.”

Lang. Chữ “lang” gồm chữ “lương” là lương thiện bên bộ “ấp” là vùng đất. Do vậy, “lang” là vùng đất của người lương thiện hay đất nước của người lương thiện.

Văn Lang, quốc hiệu thời các vua Hùng, hàm chứa ý nghĩa: Vua mở tấm lòng giữa vùng trời đất, là bậc đạo đức cao, nghe nhiều biết rộng. Đối với mình thì cố gắng học hỏi, mở mang tri thức. Đối với dân thì hiền từ, yêu thương và biết giữ lễ với dân, lại có lòng xót xa nỗi vất vả mà người dân gánh chịu nên sáng suốt ban thưởng cho người có công. Do vậy, đã tạo nên đất nước trong đó người dân sống đời lương thiện.

Sử là bộ môn khoa học nhân văn, đòi hỏi phải trung thực khách quan, ghi chép sử kiện của từng giai đoạn một cách đầy đủ. Oái ăm, khi viết sử nước nhà, không ai có thể gạt bỏ hoàn toàn tình cảm yêu ghét. Càng oái ăm hơn, sự kiện lịch sử không thể tái thiết để thí nghiệm kiểm chứng. Hậu thế đọc sử, không ít thì nhiều, có những điều thắc mắc hoài nghi. Do vậy, sử luận cần phải có. Nhưng, những bộ óc luận bàn lịch sử lại cũng không thể tuyệt đối khách quan. Và, cái vòng “luẩn quẩn” không có điểm ngừng ấy hẳn nhiên làm nảy sinh những quan điểm, những kết luận dị biệt, đôi khi mâu thuẫn. Nơi đây, chúng tôi đặt nặng về sử kiện hơn là sử luận, nhằm mục đích đóng góp cùng độc giả những tài liệu quý giá có liên quan hệ trọng đến gốc nguồn xa xưa của dân tộc Việt. Đặc biệt, những tài liệu này được lưu trữ tại Trung Hoa, một nước truyền kiếp tìm cách thôn tính, đồng hóa dân nước ta. Mong độc giả đối chiếu và suy ngẫm.

Tác phẩm Bách Việt Tiên Hiền Chí, soạn giả Âu Đại Nhậm người huyện Thuận Đức, nay thuộc địa phận tỉnh Quảng Đông, được sử quán nhà Minh xác nhận là chính xác, in toàn bộ bản thảo vào Nghệ Văn Chí, dùng làm tài liệu cho các nhà viết sử tra cứu, trích dẫn. Âu Đại Nhậm đã tự viết bài tựa như sau:

Việt (bộ tẩu – xem chữ Nho ở trên) và Việt (bộ mễ – xem chữ Nho ở trên) là một vậy. Theo Vũ Cống, ngoại cảnh châu Dương, từ Ngũ Lĩnh đến biển, đều là biên giới phương Nam nước Việt. Vua Vũ đi khắp thiên hạ, nhận định địa lý hình thể, địa lý nhân văn, rồi trở về nước Việt, họp chư hầu bàn định kế hoạch hưng quốc an dân. Thiếu Khang (vua thứ sáu nhà Hạ) phong cho con thứ là Vô Dư giữ đất Cối Kê, lo việc phụng thờ tế tự vua Vũ. Vô Dư ở Cối Kê, giữ tục truyền thống: xâm mình cắt tóc ngắn, phát cỏ khẩn hoang, định cư lập ấp, sống theo phong hóa nông nghiệp.

Hơn 20 đời sau Vô Dư, đến con của Doãn Thường là Câu Tiễn, diệt Ngô mà xưng vương, đóng đô ở Lang Gia, uy hùng xây dựng nước nông nghiệp vậy.

Cháu 6 đời của Câu Tiễn là Vô Cương cất quân đánh Sở, bị vua Sở là Hùng Thích đánh bại. Vô Cương bỏ Lang Gia, đi đến ở Đông Vũ. Nước Việt tan. Các con của Vô Cương định cư ở duyên hải Giang Nam, chia nhau kẻ làm quân trưởng, người làm vương, tất cả đều thần phục Sở, gọi là Bách Việt. Châu Dương từ đấy bị phân chia. Cối Kê lấy các sao phương Nam là sao Thuần, sao Vỹ để định cương giới, đất Cối Kê thuộc vào Nam Hải.

Khi Tần diệt Sở, Vương Tiễn cai trị Dương Việt, chia cắt thành 3 quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng (quận). Con cháu Úy Đà (tức Triệu Đà) thần phục nhà Hán. Họ Triệu cai trị cả ba quận ấy, lại kiêm thêm các quận Hợp Phố, Thương  Ngô, Uất Lâm, Giao Chỉ, Cửu Chân, Châu Nhai, tổng cộng là 9 quận vậy. Nay vùng Nam Việt, bắc giáp Cô Tư đến tận Cối Kê là đất của Việt vậy. Phía đông, Vô Chư, đóng đô ở Đông Trị đến Chương Tuyền là Mân Việt. Đông Hải vương là Diêu, đóng đô ở Vĩnh Gia là Âu Việt. Lãnh thổ xưa của Dịch Hu Tống, chạy từ sông Tương, sông Ly về phía nam là Tây Việt vậy. Các đất Tang Ca, Tây Hạ, Ung, Dung, Tuy, Kiến là Lạc Việt vậy.

Người Hán bảo Việt gần biển, nhiều sừng tê, đồi mồi, ngọc, trai, bạc, đồng, trái cây, vải vóc.

Ôi! Vùng đất có những thứ quý báu ấy, há chẳng phải do dương đức thịnh hay sao? Vì dương đức thịnh đã chung đúc nên nhân văn, áo mũ, lễ nhạc chẳng thua kém gì thanh giáo Đường Ngu. Như thế nào có phải Nam Giao buổi ban sơ là tà đâu?

Ta được biết Thái Sử Công (Sử gia Tư Mã Thiên) có viết rằng: “Việt tuy bị gọi là man di, nhưng tiên khởi đã có đại công đức đối với muôn dân vậy”. Nơi sách Xuân Thu có ghi chép việc Câu Tiễn từ Việt tiến vào Ngô. Man di mà làm được việc ấy ư? Thủa ấy Việt đã có văn hiến cao, cho nên người Việt đã biết bền gan sống cảnh khổ thân, mệt sức, với mưu sâu thần kế, rửa sạch cái nhục bị ngoại nhân trói buộc, kiểm soát ăn nằm. Việt đã có quyền uy, hiệu lệnh cả Trung quốc phải tuân theo răm rắp), vậy mà vẫn tôn thờ nhà Chu, giữ trọn điều trung điều lễ.

Từ Tần, Hán trở về sau, Việt có họ Sô với Vô Chư, với Diêu, họ Triệu với Đà với Quang, đều là những bậc sự nghiệp lẫy lừng, kẻ tả hữu là người Việt tài ba xuất chúng không ít. Xem như họ Lưu với Đông, Tây hai kinh, bày tôi công nghiệp lớn lao, văn chương lỗi lạc, kẻ bắc người nam nước Việt, bảy tám ngàn dặm xa xôi, đến từ Bạc Hải, Giao châu càng nhiều lắm vậy…”

Từ Hải – bộ bách khoa của Trung Hoa về Bách Việt có ghi 2 cách viết chữ Bách Việt, tên chủng tộc. Theo sách Thông Khảo Dư Địa Khảo, chương Cổ Nam Việt viết: “Đương thời Đường Ngu, Tam Đại, từ Ngũ Lĩnh về phía Nam là nước của người Man di, ấy là đất của Bách Việt.” Sách này lại ghi chú: “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, chủng tộc Bách Việt sống lẫn với các sắc dân khác, nhưng luôn luôn giữ được cá tính của chủng tộc.”

Tứ Khố Toàn Thư, mục Bách Việt Tiên Hiền Chí Đề Yếu viết: “Việt là nước phương Nam. Cháu 6 đời của Câu Tiễn là Vô Chư bị Sở đánh bại, các con phân tán, đến ở duyên hải. Những người nổi danh là Vô Cương cai trị một giải đất từ Đông Việt đến Chương Tuyền, đóng đô ở Đông Giã, dựng nên Mân Việt; Đông Hải vương tên Diêu, đóng đô ở Vĩnh Gia, dựng nên nước Âu Việt; từ sông Tương, sông Ly về phía Nam là nước Tây Việt; từ Tang Ca xuống phía Tây, các đất Ung, Ung (Bách Việt Tiên Hiền Chí, Việt Sử Lược ghi là đất Dung), Tuy, Kiến là Lạc Việt; gọi chung là Bách Việt.”

Cũng theo Từ Hải, Hán Thư có ghi: “Người Lạc Việt, cha và con trai tắm cùng sông, cùng tập cho nhau uống nước bằng mũi.”

Về chữ “chỉ” trong từ ghép “Giao Chỉ”: Khang Hy Tự Điển, Từ Hải ấn hành từ 1947 về trước, Hán Việt Tự Điển của Thùy Chửu đều giảng nghĩa “chỉ” là cái chân. Riêng Hán Việt Tự Điển của Thùy Chửu và Từ Hải ấn hành sau 1950 có ghi chú thêm: sau này cũng gọi “chỉ” là ngón chân.

Về Giao Chỉ, Từ Hải ghi: Theo sách Lễ Vương chế, người Man ở phương Nam, xâm trán, giao chỉ. Lại giảng rõ thêm: chỉ là chân vậy. Người Man khi nằm, đầu hướng vào trong, chân hướng ra ngoài, hai chân gác tréo lên nhau nên gọi là giao chỉ.

Qua phần trình bày trên, nhận thấy những sử kiện tồn lưu trong truyền khẩu cũng như sử sách của ta, đối chiếu với những sử kiện được tồn lưu ở Tàu, ở thời khởi nguyên dựng nước, tương đồng về địa giới và phong hóa. Điểm khác biệt duy nhất: theo sử liệu ta, tổ nguyên thủy là Kinh Dương vương, trăm con trai của Lạc Long Quân là tổ của Bách Việt. Theo sử liệu còn lưu trữ bên Tàu, vua Vũ trị nạn hồng thủy là tổ nguyên thủy, các con của Vô Chư (cháu 6 đời của Câu Tiễn) là tổ của Bách Việt.

Tư kiến cá nhân người biên soạn bài này, không quyết đoán khẳng định, chỉ suy đoán có lẽ: 50 con trai theo Lạc Long Quân xuống khai phá miền duyên hải, hậu duệ lâu ngày sống xa đất tổ Kinh Dương, nên về tộc phả gốc nguồn chỉ còn biết đến vua Vũ (vua Vũ lên ngôi năm 2205 trước kỷ nguyên Tây lịch).

Theo Đại Việt Sử Lược do sử gia ẩn danh đời Trần biên soạn, bị nhà Minh tịch thu đem về Tàu, tàng trữ vào kho sử thì: “Việt vương Câu Tiễn nhiều lần sai sứ sang dụ, vua Hùng vương cự tuyệt không nghe theo.” (Bộ Đại Việt Sử Lược này bị nhà Minh tịch thu đem về Tàu, tàng trữ trong kho sử của Tứ Khố Toàn Thư – Bốn kho sách của triều đình, gồm Kinh, Sử, Tử, Tập – Sau, vua Càn Long nhà Thanh mở Tứ Khố, cho ấn hành. Nhờ vậy người Việt Nam mới có pho sách này của tiền nhân. Chúng tôi có một bản).

°°°

Văn hiến chủng tộc Bách Việt, nơi Việt Văn Lang đã hiển nhiên với chúng ta. Các chi Việt khác, xa xôi cách trở, tài liệu chuyển đến ta thật khó khăn nên hiếm hoi. Thêm vào đó, người Hoa tự xưng là Trung quốc, vua là con trời, bao nhiêu người sống dưới gầm trời đều là con dân của “thiên tử”. Các hiền nhân lỗi lạc của Bách Việt họ đều nhận là người của họ.

Dưới đây, chúng tôi trích dịch một vài hiền tài lỗi lạc của chủng Bách Việt để biểu trưng phần nào cho nền văn hiến Việt, một nền văn hiến do chính người Việt tạo dựng thành, không vay mượn của bất cứ ngoại tộc nào, không nhờ cậy bất cứ ngoại tộc nào dạy dỗ.

KHUẤT NGUYÊN: hiền triết thi nhân, kiêm cả tài kinh bang tế thế, học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn. Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khuất Nguyên liệt truyện có viết: ông vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, ra thì tiếp đãi tân khách, ứng đối với chư hầu. Nhà vua (Sở Hoài vương) rất tin dùng. Sau đại phu Thượng Quan vì đố kỵ mà dèm pha. Vua Sở bỏ rơi Khuất Nguyên. Khuất Nguyên buồn giận mà làm ra Ly Tao.

Về Ly Tao, Tư Mã Thiên viết: “Ly Tao là lòng buồn trong chia ly. Trời là khởi thủy của loài người. Cha mẹ là gốc của con người. Người ta gặp lúc khốn cùng thì quay về gốc. Cho nên hễ khó nhọc mỏi mệt, ốm đau, không ai không kêu trời! Khi đau xót, thương cảm, không ai không kêu cha mẹ. Khuất Bình theo đạo ngay, đi đường thẳng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua, nhưng lại bị kẻ dèm pha ly gián, có thể gọi là ở vào hoàn cảnh khốn cùng vậy. Mình tín mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán! Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy! Thơ Quốc Phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu Nhã oán trách mà không loạn. Như Ly Tao thực là gồm được cả hai…” (Phan Ngọc dịch)

Tư Mã Thiên không viết về quê quán của Khuất Nguyên. Từ Hải, bản đầu tiên ấn hành vào tháng 3 năm 1947, tái bản tháng 2 năm 2003, về quê quán ông có ghi: “Theo Hậu Hán Thư, kỷ Hòa Đế, mục Tỷ Quy sơn băng (núi Tử Quy đổ) có ghi chú: Tỷ Quy huyện thuộc Nam Quận, nay là Quy Châu. Viên Tung nói: Khuất Nguyên người huyện này, đã bị nước cuốn trôi đi.  Khi chi đến tìm, hốt nhiên xác ông trôi ngược trở về. Nhân việc ấy, lấy chữ Tỷ (nghĩa là chị) chắp với chữ Quy (về) mà đặt tên huyện ấy.”

Theo Từ Hải, Quy Châu là phủ Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc.

Cũng theo Từ Hải (bộ bách khoa được học giới Trung Hoa tin cậy), châu Kinh cổ xưa, nay là địa giới toàn tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, cộng thêm đông bộ tỉnh Tứ Xuyên, đông bắc tỉnh Quý Châu, bắc bộ tỉnh Quảng Đông, huyện Liên, huyện Liên Sơn và toàn huyện Quảng Tây (thuộc tỉnh Quảng Tây). Châu Dương nay là các tỉnh Giang Tô, An Huy, Giang Tây, Triết Giang, Phúc Kiến.

Khuất Nguyên người huyện Tỷ Quy ở tỉnh Hồ Bắc, tỉnh Hồ Bắc thuộc châu Kinh, đất gốc của Bách Việt. Như vậy, Khuất Nguyên người Bách Việt.

Những bậc hiền giả tiếp theo đây, trích dịch từ Bách Việt Tiên Hiền Chí, do Âu Đại Nhậm, người huyện Thuận Đức, tự là Trinh Bá biên soạn năm Gia Tĩnh thứ 33.

ÂU DÃ TỬ: người rèn kiếp bậc nhất, tức người đưa nền văn minh kim loại của người Việt thời bấy giờ lên hàng đầu, vượt trên các nước chư hầu nhà Chu.

Âu Dã Tử người nước Việt và Can Tương người nước Ngô học chung một thầy, có tài luyện kiếm quý. Vua Doãn Thường của nước Việt khiến họ rèn 4 thanh kiếm quí bằng tinh anh của ngũ kim, hấp thụ tinh khí của thái dương. Tuốt kiếm có thần, đeo kiếm có  uy, chém đứt trở vật, đâm chết đối phương.
Vua nước Sở mời Phong Hồ Tử đến hỏi:
– Ta nghe nước Ngô có Can Tương, nước Việt có Âu Dã Tử. Hai người ấy rèn kiếm bậc nhất trên đời, quả nhân nguyện lòng bái kính. Nay nhờ vua Ngô nói dùm, xin làm bảo kiếm, được chăng?
Phong Hồ Tử đáp:
– Muôn tâu, được lắm. Thần đã từng thấy Âu Dã Tử cùng với Can Tương, hớn hở lên ngọn núi cao, lợp túp lều tranh, đào sắt rèn ba bảo kiếm: một là Long Uyên, hai là Thái A, ba là Công Bố vậy.
Nghe Phong Hồ Tử minh bạch tấu trình, vua Sở cả mừng mà hỏi tiếp rằng:
– Ba thanh kiếm ấy, khí tượng thế nào? Quả nhân xin được lắng nghe.
Phong Hồ Tử đáp:
– Nhìn vào lưỡi kiếm Long Uyên, cảm như đến bờ vực thẳm, lên đỉnh núi cao. Nhìn vào lưỡi kiếm Thái A, lấp loáng rờn rợn, như sóng gợn nước trôi. Nhìn vào văn kiếm Công Bố, từ mũi đến cán, đẹp như ngọc báu mà không thể đeo, miên man như nước biếc, sóng lớp lăn tăn, triền miên bất tuyệt.
Nước Tấn, nước Trịnh, nghe danh kiếm báu, muốn mà không được, bèn cùng nhau xuất quân, vây Sở ba năm liền. Vua Sở đeo kiếm Thái A đi lên trên thành, tuốt kiếm mà chỉ huy ba quân, cả thắng, đánh phá quân địch tan tành, máu chảy ngàn dặm, thây ngã đầy đồng. Mái đầu vua Tấn, vua Trịnh, tóc đen đổi thành màu bạc trắng phau phau.
Vua Sở hỏi:
– Uy của kiếm chăng? Sức của ta chăng?
Phong Hồ Tử đáp:
– Uy của kiếm vậy. Kiếm nhờ thần khí đại vương mà phát uy vậy. Thời Hiên Viên, Thần Nông, Xích Tử  lấy đá làm binh khí. Thời Hoàng Đế lấy ngọc làm binh khí. Mỗi thời đều có cách xử dụng thích ứng. Thời nay, sắt thép là thần binh vậy. Đại vương là bậc thánh đức vậy.
Vua Sở đáp:
– Chỉ vì người Sở nghe mệnh của ta mà thôi.

(Tham khảo và tu chính, căn cứ vào sách Ngô Việt Xuân Thu, Việt Tuyệt Thư)

BAO HÀM: người Bách Việt làm thầy vua nhà Hán.

Bao Hàm tự là Tử Lương, người đất Khúc A ở Cối Kê. Thiếu thời theo nghiệp sách đèn ở thành Trường An, thờ bác sĩ Tế Quân làm thầy, chăm lo học tập Lỗ Thi và Luận Ngữ.

Năm vua Quang Vũ nhà Đông Hán mới lên ngôi, thái thú Hoàng Đảng gặp Hàm ở nhà viên quan tào sử, cử làm hiếu liêm, được giữ chức quan lang trung.

Khoảng giữa niên hiệu Kiến Vũ, vào cung dạy hoàng thái tử học sách Luận Ngữ, vua phong làm gián nghị đại phu, hàm thị trung hữu trung lang tướng.

Năm Vĩnh Bình thứ năm, Minh đế nhà Đông Hán phong làm đại hồng lô. Mỗi khi Hàm đến yết kiến, vua đều đỡ gậy, mời ngồi lên ghế. Về kinh truyện, có điều gì vua chưa thấu đáo, không dám vời đến mà hỏi, chỉ dám khiến viên tiểu hoàng môn đến tận nhà Hàm xin chỉ dẫn.

Vua coi Hàm là bậc ân sư, thấy thầy sống quá thanh bần, thường ban châu ngọc, vải lụa và thóc gạo. Nhận được lộc vua ban, Hàm đem chia hết cho các học trò nghèo.

Khi Hàm bịnh nặng, vua thân đến thăm. Hàm chết tại chức quan. Con là Phúc được phong làm lang trung, cũng lấy sách Luận Ngữ dạy cho Hòa đế.

(Căn cứ vào Viên Tung, Tạ Thừa, Hậu Hán Thư để tham khảo và tu chính)

THÁI LUÂN: người đầu tiên làm ra giấy để viết.

Thái Luân tự là Kính Trọng, người ở Quế Dương, cuối niên hiệu Vĩnh Bình, làm cấp sự quan dịch, một chức quan nhỏ, chờ chực khi có việc, nhà vua sai khiến. Đến niên hiệu Kiến Sơ làm tiểu hoàng môn, coi việc canh gác cửa cho nhà vua. Hòa đế lên ngôi, được thăng làm trung thường thị, ra vào trong triều, hầu cận bên vua để bảo vệ, giúp đỡ, góp ý luận bàn, mưu tính.

Luân học rộng, hiểu biết cao sâu, tính tình đôn hậu, việc làm thận trọng, thành thật tận tâm. Những khi phạm điều sai lầm, nghiêm chỉnh tự mình sửa đổi, cho đến trở nên chính đáng. Mỗi khi tắm gội, đóng cửa cài then, tạ từ không tiếp khách. Tắm xong, ra ngoài đồng nội phơi nắng hóng gió.

Sau, được thăng làm thượng phương lệnh. Năm Vĩnh Nguyên thứ 9, được giao trọng trách coi việc rèn bí kiếm cùng các loại khí giới khác. Bí kiếm là loại kiếm báu, rất sắc bén, được coi là kiếm thần của nhà Hán. Cách rèn khí giới của Luân, không thứ nào không bền và sắc, làm thành phương pháp cho đời sau noi theo.

Luân lại còn là người đầu tiên làm ra giấy để viết.

Vốn xưa chưa có giấy, viết chữ lên thẻ tre hoặc lụa viền trắng. Lụa đắt tiền, thẻ tre nặng, cả hai đều không tiện dụng. Luân bèn nghĩ ra cách lấy vỏ cây, đay gai, vải nát, lưới cá rách mà chế ra giấy. Như vậy vừa đỡ tốn kém, vừa nhẹ, tiện dùng cho tất cả mọi hạng người giàu cũng như nghèo. Thiên hạ ai cũng cảm phục, gọi Luân là Thái Hầu Chỉ, nghĩa là tước hầu họ Thái làm ra giấy để viết chữ.

Năm Nguyên Sơ thứ nhất, Đặng thái hậu thấy Luân làm túc vệ đã lâu, bèn phong làm Long Đình hầu, được ăn lộc 1 ấp 500 nhà. Sau, làm thái bộc ở cung Trường Lạc. Thái bộc là một chức quan coi việc xe ngựa cho nhà vua. Bấy giờ vua nhận thấy lời văn trong kinh truyện, nhiều câu không chính đáng, bèn tuyển chọn những người giỏi về Nho học, cùng bác sĩ, sử quan, đến đài Đông Quán, họp nhau, đối chiếu mà sửa lại kinh truyện cho đúng với pháp lệnh nhà Hán. Luân làm thái bộc đã 4 năm, được vua chọn làm giám sát điều hành, coi sóc việc hiệu đính kinh truyện ấy.

(Căn cứ vào các sách sau đây để tham khảo và tu chính: Đông Quán Hán Ký, Hậu Hán Thư, Thủy Kinh Chú)

VƯƠNG SUNG: triết gia.

Vương Sung tự là Trọng Nhiệm, người làng Thượng Ngu ở Cối Kê, thờ Ban Bưu làm thầy, học rộng biết sâu, không câu nệ vào chương cú. Nhà nghèo, không có sách. Sung thường đến tiệm sách ở Lạc Dương đọc nhờ, nhìn qua một lần là nhớ trọn bộ. Có chiếu vời ra làm quan, vì bịnh không đến nhận chức. Ở nhà viết sách Luận Hành gồm 85 thiên, hơn 20 vạn chữ, phân chia vật thể thành những loại giống và khác nhau. Người đương thời hiềm nghi sách ấy không phải là chánh phái.

Cuối thời Đông Hán, Thái Ung vào đất Ngô, được sách Luận Hành trọng tướng, mê say đọc, dùng làm tài liệu để biện bác. Sau lại có Vương Lãng, coi đất Cối Kê, nghiềm ngẫm sách ấy mà được coi là bậc kỳ tài xuất chúng.

Năm Sung gần 70 tuổi, ý chí và thể lực hao mòn suy yếu, viết Dưỡng Tính Thư gồm 16 thiên, chủ trương thuyết hạn chế dục vọng, di dưỡng tinh thần. Ông qua đời trong niên hiệu Vĩnh Nguyên.

(Căn cứ vào Viên Tung, Tạ Thừa, Hậu Hán Thư, Bão Phát Tử để tham khảo và tu chính)

TRƯƠNG TRỌNG: người cương trực bất khuất trước uy võ.

Trương Trọng, tự Trọng Đốc, người ở Hợp Phố; học cao, hùng biện; là kẻ sĩ được trọng vọng. Thứ sử chọn làm làm tòng sự tại quận Nhật Nam, giúp việc bàn định kế hoạch cai trị người dân trong quận.

Trọng được cử đi sứ Lạc Dương, Minh đế nhà Đông Hán thấy thân hình sứ giả quá nhỏ bé, lấy làm lạ, hỏi bỡn rằng:

– Tiểu sứ, từ quận nào đến vậy?

Trọng lớn tiếng đáp rằng:

– Thần là Kế sứ Nhật Nam, không phải là tiểu sứ. Bệ hạ muốn được nhân tài, nên đối xử như xương với thịt gắn bó lấy nhau.

Nhà vua ưa cách đối đáp ấy.

Ngày mồng một tết, đại hội các quan. Vua hỏi Trọng:

– Người quận Nhật Nam hướng về phương Bắc nhìn mặt trời, có phải vậy không?

Trọng đáp rằng:

– Tên các quận, có quận Vân Trung, có quận Kim Thành. Chẳng phải thực sự quận Vân Trung ở trong mây, quận Kim Thành có thành bằng vàng. Ở quận Nhật Nam, mặt trời cũng mọc hướng Đông, phong khí ấm áp, ánh dương chan hòa, quan cũng như dân, sống đời thoải mái, tùy thích hướng mặt, quay lưng về Đông, Tây, Nam, Bắc, không có gì bắt buộc được. Nhật Nam nghĩa là vùng đất ấm áp dưới ánh mặt trời, ở phương Nam vậy.

Vua nghe rất thích, thưởng cho vàng lụa. Từ đấy, mỗi  lần Trọng dâng kế sách hoặc là đối đáp, đều được ban thưởng.

(Căn cứ vào các sách sau để tu chính tham khảo: Phạm Thái Cổ Kim Thiện Ngôn, Thái Bình Ngự Lãm, Thủy Kinh Chú)


DƯỠNG PHẤN

Dưỡng Phấn tự là Thúc Cao, người ở Uất Lâm, tài học uyên bác, tinh thông sách cổ, áo vải xuất thân, được cử làm hiếu liêm.

Hòa đế hỏi rằng:

– Âm dương bất hòa, hoặc có thủy tai, hoặc có hạn hán, là tại làm sao?

Phấn thưa:

– Trời có âm dương. Âm dương có bốn mùa. Bốn mùa có chính lệnh. Chính lệnh xuân hạ, ban cho  ân huệ, bố thí khoan nhân. Chính lệng thu đông, cứng rắn sắt đá, uy nghiêm mạnh mẽ, thưởng phạt sát sinh. Nếu như chính lệnh triều đình, ứng với chính lệnh bốn mùa, thì âm dương hòa. Âm dương hòa thì bốn mùa điều hòa. Bốn mùa điều hòa thì gió mưa đúng mùa, gặt hái ngũ cốc dồi dào kho lẫm. Nay thì  không thế. Quan lại phần đông, cai trị người dân không theo thời lệnh, việc làm ngược với thiên khí. Trên không đoái thương dưới. Dưới không trung với trên. Trăm họ khốn đốn mỏi mệt, quan lại chẳng chút xót xa. Lòng dân oán hận, uất ức ngập trời. Vì thế cho  nên âm dương bất hòa, gió mưa không đúng mùa vậy.

Nói về duyên cớ thiên tai, kìa như thủy tai, là do âm thịnh. Tiểu nhân có quyền, lấy công làm tư, tâu lời xàm bậy, trời đổ mưa xuống, ngập lụt ruộng nương, ngũ cốc mất mùa. Đã vậy, sưu thuế không giảm, trăm họ khánh kiệt, ai ai cũng buồn khổ trong lòng.

Phấn một thời nức tiếng là bậc danh Nho.

(Căn cứ vào các sách sau để tham khảo và tu chính: Tính Toản, Phong Tục Thông, Thị Tộc Bác Thảo, Thông Chí Lược)

Dưới đây chúng tôi trích dịch một phần của bài Phàm Lệ sách Bách Việt Tiên Hiền Chí để thay cho kết luận:

BÁCH VIỆT TIÊN HIỀN CHÍ PHÀM LỆ

Theo sách Nhất Lưỡng Hán Dư Địa Chí, Cối Kê bị chia thành hai phần: Đan Dương và Dự Chương. Một phần thuộc cảnh giới Ngô, một phần thuộc cảnh giới Việt.

Vốn xưa Cối Kê chỉ là đất của Việt, miêu duệ vua Hạ Vũ cai trị đất này. Từ sau biến cố lìa tan, đến định cư trên miền duyên hải Giang Nam, kẻ làm vương người làm quân trưởng, dòng dõi Bách Việt sinh sôi đông đảo, sống đời hạnh phúc, nức danh tươi tốt ở đây.

Đất nước của các quân trưởng, xa, đến tận Nam Hải, Quế Lâm. Từ Hán về sau, để tiện việc cất quân đánh chiếm, đã vẽ họa đồ phân chia Việt thành châu, thành quận lấy lệ mà thôi. Tên đất cũng là tự ý đặt, sai khác khá nhiều với tên đích thực. Nay muốn viết cho được đúng đắn, phải dùng sử sách của người bản xứ. Đơn cử thí dụ, chẳng hạn như đất Lư Phượng, Hoài Dương, nhà Hán gọi bừa là quận Đông Hải, quận Hoài Lâm. Tuy sách Hán Chí có vẽ bản đồ, phân định biên cương của Ngô Thục; cũng vẫn chỉ là: vẽ cho có vẽ, không đúng sự thực.

Kìa xem một xứ Cối Kê, đất mặn đồng chua, mênh mông rộng lớn, Tần gọi là quận; Hán lại cắt chia, một phần gọi là Ngô quận. Rồi đặt chức quan thái bá, chăn dắt giáo hóa dân ở quận này! Hành vi ấy giả nhân giả nghĩa! Vốn từ trước khi Hán thuộc, tinh hoa đạo học phương Nam đã dung chứa nền Khổng học. Xét trong sử sách, còn giữ đến nay, khi Hán đến đất Cối Kê, Nam Hải, nhân sĩ ở đây đã nhiều, theo về với Hán có các vị: Thiệu Bình, Từ Cầu ở Quảng Lăng; Hàn Tín, Mai Thừa ở Hoài Âm; Anh Bố, Văn Ông ở Thư Lục; Tiêu Hà, Tào Tham ở Bái Thượng…”

Tài liệu của Thư Viện Việt Nam thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam – Nhân Ái Foundation, Little Saigon, California, Hoa Kỳ

Trống Đọi Tam – Tiếng vọng ngàn đời

Đã từ lâu, tiếng trống luôn gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân ở thành thị cũng như nông thôn: tiếng...

Đám cưới ở Quảng Trị năm 1969

Hình ảnh đặc sắc về một đám cưới ở Quảng Trị năm 1969 do Jim Ritter, một sĩ quan thuỷ quân lục chiến Mỹ ghi lại. Những bức ảnh tôi còn...

Tượng đài có số phận đặc biệt nhất xứ Huế

Được đúc từ thập niên 1970, phải đến năm 2012 tượng đài nhà yêu nước Phan Bội Châu ở Huế mới chính thức được khánh thành. Vì sao lại như...

Kể Chuyện Kinh, Cầu Xưa Vùng Sài Gòn Chợ Lớn Trước 1975 (P2)

Phần 2 3- Cầu trên rạch phiá Nam - rạch Bến Nghé, Kinh Bãi Sậy, Kinh Đôi, Kinh Tẽ Sông Sài Gòn (Bến Nghé) chạy qua  quận 1 thành phố Sài Gòn...

Những hình ảnh ít người biết về Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1938 – 1939

Dinh Xã Tây, bến xe ngựa bên chợ Bến Thành, Cầu Xóm Chỉ… là những hình ảnh đặc sắc về Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1938 – 1939 do...

Các công trình ở Sài Gòn sau trăm năm vẫn còn sử dụng

Sau một thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, Hồ Con Rùa vẫn tồn tại và phục vụ nhiều công năng khác nhau. Chợ Bến Thành Chợ...

Đình xưa làng cũ

Từ rất lâu, khi nói đến văn hóa làng - nét văn hóa của nông thôn người Việt, ai cũng liên tưởng đến những hình ảnh rất đặc trưng làm...

Vì sao thời xưa con gái bị gọi là ‘nha đầu’?

Trong một số truyện cổ, ta thường bắt gặp cách xưng hô với con gái là “Nha đầu”, hai chữ “Nha đầu” này từ đâu mà có? Trong một số...

Ngày Tết của người Nha Trang

Từ hồi ký của một người Âu châu đã từng sống ở Nha Trang đầu thế kỷ 20, chúng ta có thể hình dung được không khí vui Tết của...

Ảnh tư liệu quý về Hà Nội xưa

Ga Hà Nội năm 1898, chợ Đồng Xuân 1931, Hồ Hoàn Kiếm 1938… là loạt ảnh tư liệu quý về Hà Nội xưa của các nhiếp ảnh gia Pháp. Loạt...

“Cửu Long Giang” – Ai đã đặt tên cho dòng sông nầy?

Diện mạo Cửu Long Giang Sông Cửu Long, mà quốc tế gọi là sông Mekong, là con sông lớn vào hàng thứ 7 của châu Á, hàng thứ 12 của...

Lễ phép là giá trị cốt lõi của con người

Một nhà giáo dục từng nói: Nếu như, ở ngay hiện tại muốn biết rõ 30 năm sau con của bạn là người như thế nào, làm công việc gì và kết...

Exit mobile version