Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Nước Xiêm đã giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn như thế nào? (1780-1788)

Năm Canh Tý (1780), Nguyễn Ánh lên ngôi vương ở Gia Định. Bửu khắc chín chữ “ĐẠI VIỆT QUỐC NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẤN CHI BỬU”.

Chúa lấy niên hiệu là Gia Long. (Ở đây tác giả nhầm. Đến năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế mới đặt niên hiệu là Gia Long. (BT) Nguyễn Ánh căn cứ vào đất Đồng Nai – Gia Định để chống cự với nhà Tây Sơn. Đồng Nai – Gia Định là đất mà ta đã chiếm được của Cao Miên và đã đặt thành phủ, huyện từ năm 1697.

Trước Nguyễn Ánh, nước Cao Miên từ năm 1697 đã chịu thần phục nước ta, nhưng muốn giữ vững Gia Định ta đã phải bảo hộ Cao Miên, biết bao nhiêu lần đánh nhau với Xiêm vì Xiêm bao giờ cũng dòm ngó Cao Miên. Vậy cứ lý mà suy Nguyễn Ảnh sau năm 1780 một mặt phải chống với Tây Sơn ở phía Trung kỳ đánh vào Gia Định, một mặt phải chống nhau quân Xiêm ở Cao Miên đánh sang. Nhưng lịch sử cho ta biết Xiêm giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn.

Tại sao Xiêm lại giúp Nguyễn Ánh?

Xiêm đã giúp Nguyễn Ánh như thế nào?

Năm 1781 vua Xiêm là Trịnh Quốc Anh sai tướng là Chất Trị và Sô Si sang đánh Nặc Ấn vua Cao Miên.

Nặc Ấn cầu cứu Nguyễn Ánh. Tướng Nguyễn Hữu Thụy và Hồ Văn Lân bèn đem quân sang Cao Miên chống tướng Xiêm.

Nhưng Chất Tri và Sô Si, vợ con bị Trịnh Quốc Anh đem giết, xin hàng với quân ta để trở về Vọng Các (kinh đô Xiêm) trả thù.

Trịnh Quốc Anh bị giết. Chất Tri và Sô Si lên làm vua Xiêm

Sử ta chép tóm tắt trong Quốc triều chánh biên toát yếu như sau:

“Năm Nhâm Dần thứ 3 (1782) tháng giêng sai Trưởng cơ Nguyễn Hữu Thụy cùng với Hồ Văn Lân đem thuyền binh vào cứu Chân Lạp.

Khi ấy vua Xiêm La là Trịnh Quốc Anh có bệnh điên giam vợ con Chất Tri và Sô Si. Bọn Chất Tri và Sô Si giận quá sai người hội ước với ông Thụy để đánh vua Xiêm La.

Thụy nghe lời. Hôm sau, Thụy đi với 10 tên lính hầu vào trong trại quân Xiêm.

Bọn Chất Tri tiếp đãi rất hậu, uống rượu đã say bỏ cung tên mà thề. Thụy cho Chất Tri 3 cái đồ quý là đao, cờ và gươm rồi về.

Gặp lúc nước Xiêm nổi giặc, Trịnh Quốc Anh nghe việc có biến vào chùa trốn.

Chất Tri trở về Vọng Các. Sai người giết Trịnh Quốc Anh, tự lập làm vua gọi là vua Phật, phong cho em làm vua thứ hai, cháu là ma lặc (ma lặc là một chức quan ở Xiêm) làm vua thứ ba. Mấy người dân nước ta khi trước bị Trịnh Quốc Anh đày, bây giờ tha cho về thành cấp tiền gạo mà tiêu dùng.

Thụy tâu việc ấy với ngài, ngài khiến đem quân về.

Vì thế nước ta và Xiêm từ trước đến giờ kình địch lẫn nhau nay đã thành ra thân thiện trong khoảng ba mươi năm. Cho đến 1812 trở về sau tới khi Pháp đánh nước ta, ta và Xiêm bao giờ cũng tranh giành Cao Miên.

Tháng ba năm Nhâm Dần (1782) Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vào đánh Sài Gòn và Cần Thơ: Nguyễn Ánh trốn ra Hà Tiên, tháng tám năm ấy nhờ có Châu Văn Tiếp đem binh lấy lại Sài Gòn. Nguyễn Ánh trở lại Sài Gòn vì sợ Tây Sơn hằng năm vào đánh, Nguyễn Ánh sai đem lễ vật tặng vua Xiêm để giao hiếu.

Năm Quý Mão (1783) Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại vào đánh Sài Gòn.

Nguyễn Ánh và gia quyến trốn ra đảo Phú Quốc.

Tháng bảy, Nguyễn Huệ đem thủy quân vây 3 vòng đảo Phú Quốc, nhờ có bão to làm đắm thuyền, Nguyễn Ánh trốn được. Bèn sai người mời Bá Đa Lộc, lúc đó ở Xiêm, nhờ nước Pháp cho quân cứu viện. Bá Đa Lộc đi Pháp cùng hoàng tử Cảnh.

Cho đến cuối năm Quý Mão, Nguyễn Ánh trốn tránh trong vịnh Xiêm La từ đảo này sang đảo khác. Năm Giáp Thìn tháng hai (1784) Nguyễn Ánh thế cùng phải sang Xiêm. Sử ta chép như sau:

“Nguyên khi trước bị thua tại sông Ngưu Chữ, Châu Văn Tiếp sang Xiêm xin binh, vua Xiêm nhận lời bảo Tiếp đi đàng núi về, rồi sai tướng Xiêm là Thái Sĩ Đa đem binh thủy qua Hà Tiên, tiếng là sang cứu, kỳ thiệt ám chúc rước ngài qua Xiêm. Tiếp cũng có mật biểu sai người đi theo binh Xiêm về tâu; ngài được biểu mừng lắm liền vào Long Xuyên hội với tướng Xiêm. Tướng Xiêm có xin ngài sang Xiêm, bất đắc dĩ phải theo nhưng trước sai Chánh cơ Ngô Công Quý hầu bà Quốc mẫu và cung quyến dời qua ở Thổ Châu (cù lao Giêng ở giữa sông Cửu Long)”.

Tin Tháng ba, ngài qua đến thành Vọng Các. Vua Xiêm đón rước ngài cực kỳ lễ phép. Ngài tự nghĩ buồn bực không biết là nhường nào. Vua Xiêm nói rằng: “Chiêu Nam cốc (vua nhà trời nước Việt) sợ hay sao?”.

Ngài nói rằng: “Không phải sợ. Nhà nước tôi trải đời truyền nối hơn hai trăm năm, bây giờ quốc vận trung suy, tôi thì ít đức không tài, không gìn giữ cơ nghiệp được, vì thế mà buồn. Nghĩ muốn trả thù, bắt giặc Tây Sơn làm thịt mà ăn, trải da mà nằm, dẫu chết cũng cam tâm có sợ gì đâu”.

Vua Xiêm nghe nói cho là khảng khái, nhân hỏi việc nước, đầu gối mà khóc mãi. Vua Xiêm cảm động nói với quần thần rằng: “Chiêu Nam cốc có người tôi như vậy thời biết ý trời”. Bèn chịu giúp binh để lo việc khôi phục.

Vua Xiêm thứ hai nhân nói: “Năm trước có giảng hòa với ông Nguyễn Hữu Thụy đã ước thệ rằng hoạn nạn phải giúp nhau. Bây giờ xin giúp sức”. Rồi đem ra có gươm, cờ, đao của ông Thụy cho lúc trước đó làm tin hẹn ngày cử hành.

Tháng sau, ngài từ Xiêm đem binh về Gia Định. Vua Xiêm sai cháu là Chiêu Sương, Chiêu Tăng đem 20.000 lính thủy và 300 chiến thuyền giúp ngài. Tháng bảy quan quân lấy được đạo Kiến Giang lại phá quân đô đốc giặc (Tây Sơn) là Nguyễn Hóa ở Trấn Giang, kéo thẳng đến các xứ Ba Thắc, Tri Tôn, Mẫn Thiếc, Sa Đéc chia quân đồng giữ.

Vậy Nguyễn Anh nhờ quân Xiêm đã luôn luôn thắng quân Tây Sơn. Các tướng tá hồi trước tản mát mọi nơi nay đều dần dần tìm tới như Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn K. Thắng trận luôn đến tháng chạp năm ấy nhưng sử cho ta biết thêm rằng: ngài nghĩ binh Xiêm tàn bạo quá nên dân ta đều ta oán muốn lui quân về.

Quân Tây Sơn, vào tháng chạp năm ấy không để cho Nguyễn Ánh rút lui, liền tới đánh. “Tháng mười hai, Nhạc nghe báo tin nguy cấp sai Huệ đem thuyền binh vào Sài Gòn, Nhạc thời đem binh mạnh phục tại sông Sầm Giang và sông Suy Miệt (Tức sông Rạch Gầm và sông Xoài Mút.) mà dụ binh Xiêm ra đánh.

Tướng Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương không biết địa lý lại quen thắng trận luôn, lại kéo quân xuống thẳng Mỹ Tho gặp quân phục binh của Tây Sơn chặn đánh, quân Xiêm thua theo đường lối Chân Lạp chạy về. Ngài sai Mạc Tử Sanh (con Mạc Thiên Tử) và Chánh cơ Trung sang Xiêm báo tin”.

Nguyễn Ánh thua trận phải trốn ra Thổ Châu rồi sang Xiêm. Tháng tư năm Ất Tỵ 1785, ngài qua Xiêm đến thành Vọng Các. Vua Xiêm hỏi sự trạng bị thua, ngài nói hết chuyện Tăng Sương tàn bạo, dân đều ta oán nên thua. Vua Xiêm giận muốn chém Tăng, Sương, ngài lại hòa giải rằng: hai tướng vẫn có tội nhưng việc nên hay không cũng là tại trời, nên chờ cơ hội thôi, xin tha cho bọn ấy. Vua Xiêm mới nguôi giận.

Nguyễn Ánh ở lại Vọng Các thu thập tướng tá chờ thời vận, cũng không muốn nhờ vua Xiêm giúp nữa. Trái lại Nguyễn Ánh giúp vua Xiêm đánh quân Diến Điện. Tháng hai năm Bính Ngọ (1786) có 3 toán quân Diến Điện xâm đất Sài Mặt nước Xiêm.

Xiêm vương đi đánh xin ngài bày mưu định kế cho. Ngài nói:

“Từ Diến Điện đến đây, đàng đi ngàn dặm, vận tải quân lương, công trình cũng đã khó nhọc, tôi giúp sức cho, đánh cho gấp thời được”. Xiêm vương lập tức tấn binh. Ngài đem quân giúp Xiêm sai Lê Văn Duân, Nguyễn Văn Thành đi trước, lấy ống hỏa xô lửa ra đánh. Binh Diến Điện sợ chạy chết nhiều lắm, bắt sống đến 800 người.

Khi trở về vua Xiêm làm lễ tạ, lại muốn giúp binh để thâu phục Gia Định. Ngài bàn với các tướng. Nguyễn Văn Thành tâu rằng:

“Xưa vua Thiếu Khương chỉ có một toán binh mà khôi phục được nhà Hạ, ta nên dưỡng sức chờ thời, việc còn làm được chớ nên đem giặc vào trong nước”. Tin Ngài cho là phải không dùng binh Xiêm nữa. Như Nguyễn Văn Thành đã dự đoán, thời gian đã giúp Nguyễn Ánh.

Khi Nguyễn Ánh ở Xiêm, nhiều việc quan trọng đã xảy ra ở nước ta và đã giúp Nguyễn Ánh một cách gián tiếp. Tháng năm năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ đánh đuổi quân chúa Trịnh chiếm cứ Phú Xuân từ năm 1774, đánh đuổi đến tận Quảng Bình.

Tháng sáu, Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân Tây Sơn đi đàng thủy ra thắng An Nam đô thành (Hà Nội). Tháng bảy, vua Lê băng hà, con là Duy Kỳ nối ngôi niên hiệu là Chiêu Thống.

Thế lực Nguyễn Huệ rất mạnh từ Phú Xuân ra Bắc Hà. Nguyễn Huệ muốn tự lập làm vua bèn kể tội Nguyễn Nhạc, đem quân về vây thành Quy Nhơn. Anh em sau lại giảng hòa với nhau nhưng Nguyễn Huệ chiếm giữ từ Quảng Nam trở ra, đóng đô ở Phú Xuân tự xưng là Bắc Bình vương. Nguyễn Nhạc lấy từ Quảng Ngãi trở vào cho tới Bình Thuận, còn Nguyễn Lữ thời giữ Gia Định.

Tháng hai năm Đinh Vị (1787), Tống Phúc Đảm sang Xiêm kể tình trạng anh em Tây Sơn chia rẽ cho Nguyễn Ánh biết: “Anh em Tây Sơn tự làm hại nhau. Đặng Văn Trấn (tướng của Nguyễn Lữ) đã đem hết quân (ở Gia Định) về cứu Quy Nhơn (?) Bây giờ Gia Định đơn nhược có thể lấy được”.

Nguyễn Ánh, tháng bảy năm ấy bèn ở Xiêm về: “Từ Giáp Thìn (1784) bị thua về sau, biết Xiêm không giúp nổi, nếu giúp cũng vô ích nên ngài quyết kế trở về. Liền nhân ban đêm để thư tạ ở chỗ hành tại, rước bà Quốc mẫu và cung quyến xuống thuyền sai quân chèo đi gấp lắm. Thuyền ngự về đến hòn Cổ Cốt”.

KẾT LUẬN

1. Nguyễn Ánh đã lưu trú ở Xiêm hai lần: lần thứ nhất bốn tháng (từ tháng hai năm Giáp Thìn (1784) đến tháng sáu năm ấy); lần thứ hai hai mươi sáu tháng (từ tháng tư năm Ất Tỵ, 1785 đến tháng bảy năm Đinh Vị, 1787).

2. Quân Xiêm (Chiêu Tăng, Chiêu Sương) đã giúp Nguyễn Ánh đánh quân Tây Sơn về tháng bảy năm Giáp Thìn (1784) nhưng đến tháng chạp năm ấy, quân Xiêm bị Nguyễn Nhạc (Tức quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy và đốc chiến của Nguyễn Huệ.) phục đánh trước khi rút lui. Nguyễn Ánh tự nhận là quân Xiêm tàn bạo, cướp phá lương dân, nên không muốn nhờ Xiêm giúp binh nữa.

Chính tháng hai năm Bính Ngọ (1786), trong khi ở Xiêm – lần thứ hai – Nguyễn Ánh đã giúp Xiêm đánh lui quân Diến Diện.

3. Vì anh em Tây Sơn không đồng lòng với nhau đã chia nước ta ra làm 3 để mỗi người làm bá chủ mỗi phần, lại còn đánh lẫn nhau thành Nguyễn Ánh có dịp đem quân ở Xiêm về thu phục đất cũ. Tháng tám năm Đinh Vị (1787), Nguyễn Ánh đem quân về đến Long Xuyên, tháng chín đến Cần Thơ. Nguyễn Lữ trốn Biên Hòa chạy về Quy Nhơn rồi chết.

Có nghĩa binh các nơi tới theo Nguyễn Ánh dần dần lấy lại được đất Gia Định, Đồng Nai. Khi Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh về – tháng bảy dương lịch năm 1788 – căn bản của Nguyễn Ánh đã vững vàng: có thể tự chống cự với quân Tây Sơn được, thứ nhất là quân Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ chết càng ngày càng yếu thế.

Từ Chữ Nôm Đến Chữ Quốc Ngữ

Hàng ngàn năm chúng ta phải dùng Hán tự coi như văn tự nước nhà. Từ ấu thơ người xưa đã phải học Tam Thiên Tự, Tam Tự Kinh, Ấu...

Vụ trộm bức tranh Mona Lisa đã được giải mã như thế nào?

Đã có nhiều đánh giá cho rằng, nhờ vụ trộm nổi tiếng này mà bức họa Mona Lisa được cả thế giới biết đến. Ngày 21/8/1911, bức họa Mona Lisa...

Thành phố du lịch kiêm bãi thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên

Dù không phải thủ đô nhưng thành phố Wonsan vẫn đóng một vai trò quan trọng ở CHDCND Triều Tiên, bởi đây vừa là nơi nghỉ dưỡng sang trọng của...

Ảnh hiếm về tục chơi cờ người ở Việt Nam xưa

Cờ người là một trò chơi dân gian thường được tổ chức vào các dịp lễ hội cổ truyền ở Việt Nam. Về bản chất, đây là môn cờ tướng...

Luật ngã , hỏi

Trong khi viết quốc ngữ, người Đàng Trong hay lẫn lộn về dấu ngã dấu hỏi cũng như người Đàng Ngoài hay lẫn lộn về x với s, ch với...

Môn Hạ Sảnh ấn – Chiếc ấn cổ vô giá của nhà Trần

Cho tới nay, không có nhiều phát hiện về ấn đồng của các triều đại phong kiến Việt Nam. “Môn Hạ Sảnh ấn” là chiếc ấn hiếm hoi có nội...

Đức Phật đã thọ thực món chi?

Sūkara-maddava là tên bằng tiếng Pali của món ăn mà Cunda (Thuần Đà) đã mời Đức Phật dùng trong bữa ăn cuối cùng của ngài trước khi nhập Niết Bàn....

Đi tìm sự thực lịch sử về vua Gia Long

Một ngày mùa xuân năm 2014, tôi lên khu La Tinh, vào hàng sách quen, xuống hầm tìm sách cũ, tình cờ thấy một bộ sách quý, nhưng có lẽ...

Bức tranh tổng quan về tục thờ Thần Nông ở Nam bộ

Thần Nông là vị vua trong huyền thoại, có công dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vị thần này được thờ cúng...

Bình Phước năm 1963 qua ống kính người Mỹ

Cùng xem những hình ảnh quý giá về tỉnh Bình Phước năm 1963, khi đó là hai tỉnh Bình Long và Phước Long, do bác sĩ quân đội Mỹ Marv...

Cần kiệm thành đại sự

Trong cuốn Chu Tử Gia Huấn thời Minh nói rằng: “Dù là ăn một bát cơm hay một bát cháo, hãy nghĩ tới việc có được nó không dễ; Dù...

Thời báo Hoàn Cầu viết về tình cảm yêu – ghét của Việt Nam với Trung Quốc

Ngày 28/11/2017, thời báo Hoàn Cầu đăng bài của nhà báo Bạch Vân Dy viết về quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc với tựa đề “Thật khó tin!...

Exit mobile version