Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo tiếng Việt thứ tư ra đời tại Sài Gòn (sau Gia Định Báo 1865; Thông Loại Khóa Trinh 1888; Phan Yên Báo 1898). Có thể nói rằng đây là tờ báo chuyên về kinh tế đầu tiên của Việt Nam. Tên tờ báo được giải nghĩa bằng dòng chữ Pháp ở đầu trang nhất “Causeries sur l’Agriculture et le merce”, nghĩa là bàn chuyện canh nông và thương mãi. Báo  ra đời theo một nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14 tháng 2 năm 1901. Ban đầu, trụ sở của tòa soạn đặt ở số 84 đường La Grandière, Sài Gòn. Một thời gian sau, trụ sở thay đổi liên tục, cuối cùng tọa lạc tại số 12 đường Cap St–Jacques, Sài Gòn.

Mục đích của việc xuất bản tờ báo được viết ở lời “tự tự’ số 1. Xin được chép nguyên văn về lối hành văn quốc ngữ thời kỳ đó:

Tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam có nội dung gì?

“Hai mươi năm chẳng ở miền Nam thổ, nay đã tiệm thành cơ chỉ qui mô. Đường thiên lý lục tỉnh dẫu khác đạo cang thường lễ nghĩa như nhau, nơi nơi cũng “Tạo doan hồ phu phu”. Việc hiếu sự nay đà rang rảnh tình thê nhi thêm lại rịch ràng. Vậy nên công sự từ hưu, vui theo thú thê trì nông-cổ. Thương Nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bằng Tây nhơn, muốn sao cho nông-cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cọng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông tình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự.

Trong Đông cảnh Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại-thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há Lục tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi.

Nay nhờ lượng quan trên nghị chuẩn, cho ấn hành Nông-cổ mín-đàm. Vậy xin lục dịch lảm tàng, mà gắn sức giúp nhau nên việc.

Canavaggio cẩn tự

Số đầu tiên ra ngày 1-8-1901, các số tiếp theo ra vào thứ năm hàng tuần. Số cuối cùng ra ngày 4-11-1924. Người sáng lập tờ báo là ông Paul Canavaggie, hội viên Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ. Chủ bút lần lượt là các ông Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt. Chủ trương chính của tờ báo là hô hào người bản xứ hùn vốn kinh doanh thương mãi. Báo bao gồm các tin về kinh tế, nông nghiệp, dạy cách trồng trọt, chăn nuôi mẹo kinh doanh, quảng cáo, ngoài ra cũng có những bài có tính văn chươnmg thư phú hay luân lý. Ở trang đầu của tờ báo thường xuyên có mục “Thương Cổ luận” bàn chuyện buôn bán. Báo có loạt bài Thương Cổ Thiệt Luận đăng từ số 168 (ngày 1-12-1904) đến số 183.

Dưới đây là một trích trong bài viết cổ động các nhà buôn nên lập sở thu mua lúa gạo giúp nông dân khỏi bị ngoại kiều chi phối:

“Cách lập thế đặng đua chen về sự hùn hiệp bán buôn cho kịp người Khách, thì phải làm như vầy: lập một hùn của người bổn quốc chừng một triệu, trong một triệu chia ra làm năm ngàn phần hùn, mỗi phần là 200 ngươn bạc, rồi hiệp với người Lang sa hoặc 1 triệu, hoặc 2 triệu. Nhà hùn lập tại Mỹ Tho, lựa chỗ nào có thể rộng, đặng ngày sau mở thành thị cho trù mật. Hãng ấy để cho bạc lúa, mua lúa của mấy tỉnh trong chở ra. Mấy tỉnh trong là Rạch Giá, Long Xuyên, Biên Hòa, Bảy Xàu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh…Hãng cất vựa cho lớn rộng, sắm ghe chài cho nhiều, tàu kéo hai ba chiếc, thì mấy tay bán lúa đi không dài ngày, ghé Mỹ Tho chằng là gần đáng hơn là lên Chợ Lớn. Người bán đặng bớt sở phí, cho người mua y giá thường, mua sẵn rồi bán lại cho nhà máy xay tại Chợ Lớn. Hãng mình cứ tính vốn lời phân phải mà bán lại cho nhà máy, chẳng phải chấp đoạn thăng giá làm chi, cứ có lợi thì là đủ. Mua bán như vậy thì mình đặng gồm mối chánh. Nhiều lúa hơn ắt là bán không khi nào lỗ, vì bởi đủ giá mới bán, nếu không thì để đó. Xem xe có vững bền mạnh mẽ không? Làm đặng như vậy thì số lúa nội Nam Kỳ về hãng mình trữ, có ít lắm cũng đặng phân nửa hay là hai phần là ít.

 Anh em lớn nhỏ hãy xét một điều này: vì cớ chi mà tại Chợ Lớn, kinh hẹp rạch cạn, ở xa mấy tỉnh trong mà ai ai đều phải chở lúa đến đó mà bán? Nhiều khi ghe chài bị cạn một đôi ngày mới ra khỏi tại nước kém ghe đông, chật ra không khỏi. Ấy đó thất lợi nhiều mà con nhà buôn phải tùy theo chỗ đô hội mà đến. Xem ra chịu thiệt hại cũng nhiều mà phải đến đó, vì sao mà phải vậy? Thứ nhất, chỗ đó mới bán đặng, bởi có đông người mua. Thứ hai là các sắc hóa hạng vật cần dùng cho người bổn quốc, thì tại Chợ Lớn trữ; nên phải đến đó, trước là bán đặng lúa, sau là bổ đặng hàng hóa. Dầu cồn cạn ngăn trở, bối, ăn cướp làm hại cũng ráng mà đến đó. Xét cho kỹ thiệt cũng khổ và chịu thiệt hại cũng nhiều. Nhưng vậy mà người bổn quốc cứ chuyên một nghề làm lúa, bán lúa mà mua đồ vật khác mà xài, ấy là đều chỗ huyết mạch của nhân dân. Mạch máu mình mà mình không cần đến, không ngó đến, để cho người Khách nắm, thì khổ cho mình dường nào. Người Khách nếu nắm riết lại, thì mình ắt khốn nạn; vì sao? Mạch máu bị ngăn thì người khó sống.

 Vậy hãng lớn của bổn quốc lập để mua bán lúa, thì phải giúp cho người bổn quốc. Người thông đạt, kẻ lịch lãm, lãnh bạc trước lập tào khậu trữ hàng hóa cho lớn, chu đủ, cho đông, tại Mỹ Tho như tại Chợ Lớn vậy. Ấy đó mới có chỗ mà đua chen cuộc buôn so sánh với kẻ Khách đặng, chớ như để làm theo thành thị sẵn như chỗ Chợ Lớn thì là chỗ người thành khoãnh đã lâu, mình chen bàn tay đã chẳng lọt, thế chi mà sánh kịp.

Lương Dũ Thức – Bến Tre.”

Ngoài ra báo cũng thường xuyên đăng những bài phổ biến cách trồng trọt, chăn nuôi; giới thiệu các cửa hàng và các hoạt động thương mãi, công nghệ của người bản xứ.

Dưới đây là đoạn trích trong mục nói về cách trồng trọt ở số 155 ra ngày 1-9-1904:

“…Chừng gòn thành cây sởn sơ, mình coi chỗ nào thưa thớt lai rai, thì nhổ chừa khoảng ấy bề ngang chừng vài thước Lang sa, chỗ ấy làm một cái cửa cũng dùng mà làm cửa mã. Gòn nhờ vài mùa thì đx cao lớn đẫy đà, lại loại cây này càng cao càng xóng, không có tàn nhánh sum sê như các loại khác vậy. Chừng cây tàn lớn rồi, thì nhánh lá lai rai, không tàn bóng che cỏ trên nấm đất cùng dưới thềm. Hễ không có bóng cây che, thì cỏ ắt mọc lan tràn trên đất.

 Cách giữ cỏ cho khỏi mọc rậm, thì chúng hết mưa đem đậu trắng mà vãi gieo phía trong. Ngày nào mình có đi đến mà thăm viếng thì sẽ mở cửa; bằng cách không đi đến thì đóng cửa rào lại, không ai đến lui phá phách cho đặng. Khi đậu khô rồi, cầm bỏ cũng có ít nhiều, hương khói cho kẻ thân khuất rồi.

Tuy chỗ này luận sơ, chớ mấy ông nghĩ kỹ, thì có ích cho đời…

Bản giang, Phan công võ lão phu.”

Ra đời vào đầu thế lỷ XX và qua hơn 100 số báo, Nông Cổ Mín Đàm đã góp phần thúc đẩy việc phát triển nền báo chí và văn học chữ quốc ngữ tại Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời quyết liệt bác bỏ  tư tưởng “tứ dânsĩ, nông, công, thương đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt bằng lời khẳng định: Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường, qua đó báo đã hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán và khuyến khích, kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều. Vì thế có thể nói rằng đây là tờ báo chuyên về kinh tế đầu tiên của Việt Nam.

Nhân đây, liên quan đến tên gọi của tờ báo, chúng tôi xin đượ ghi lại ý kiến của học giả An Chi trên trang trithucbachkhoa.net để bạn đọc tham khảo:

Mín là dạng viết sai chính tả của chữ mính. Hán tự là 茗mà một số người đã đọc thành danh. Mính là lá trà non. Nhưng có ý kiến lại cho răng mính là loại trà hái muộn. Trà kinh của Lục Vũ đã phân thành năm loại sau: một là trà, hai là giả, ba là thiết, bốn là mính, năm là xuyển. Do hái sớm hoặc hái muộn mà phân loại và gọi tên như trên, trong đó mínhxuyển là hai loại hái muộn nhất. Về sau, người ta dùng chữ mính theo nghĩa rộng để chỉ trà nói chung. Vậy mính là trà và mính (mín) đàm có nghĩa là nói chuyện, bàn chuyện trong lúc uống trà, còn Nông Cổ Mín Đàm (tên báo) là uống trà mà bàn chuyện làm ruộng và chuyện buôn bán (Cổ 賈 là buôn bán; vì vậy mà “sĩ, nông, công, thương” cũng nói thành “sĩ, nông, công, cổ).