Có thể coi thẻ bài trong hoàng cung nhà Nguyễn là một hình thức quản lý nhân sự tương tự thẻ nhân viên thời hiện đại. Điều khác biệt lớn nhất là tính chất phong kiến, thể hiện ở sự phân cấp rõ ràng về địa vị của người đeo thẻ.
Thẻ bài là hiện vật đặc thù gắn với bộ máy hành chính của các triều đại phong phong kiến Á Đông. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi đang lưu giữ khá nhiều thẻ bài của triều đình nhà Nguyễn. Ảnh: Thẻ bài bằng ngà của các quan thị vệ trong Hoàng cung nhà Nguyễn.
Theo sử sách, từ năm Minh Mạng thứ 14 (năm 1833), để quản lý nhân sự, những người ra vào Hoàng cung bắt buộc phải đeo thẻ bài. Ảnh: Thẻ bài bằng sừng của lính các cổng trong Tử Cấm Thành Huế.
Nội dung thẻ ghi tên, chức vụ và nơi làm việc của người đeo. Thẻ bài trong ảnh này có nội dung: Tôn Thất Bối, Ngũ Đẳng Thị Vệ (thị vệ tên Tôn Thất Bối, cấp bậc 5).
Thẻ bài được làm bằng ngọc, vàng, bạc, ngà hoặc sừng… tùy theo địa vị của mỗi người. Ảnh: Thẻ bài bằng sừng của Thư lại hàm Bát phẩm thuộc Nha Thông Bảo.
Có thể coi đây là một hình thức quản lý tương tự thẻ nhân viên thời hiện đại. Điều khác biệt lớn nhất là tính chất phong kiến, thể hiện ở sự phân cấp rõ ràng về địa vị của người đeo thẻ.
Do những biến động của lịch sử, các loại thẻ bài bằng chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc… đã mất mát rất nhiều. Những thẻ bài còn được lưu giữ chủ yếu là bằng sừng hoặc ngà.
Bên cạnh thẻ bài, bộ máy hành chính của triều đình nhà Nguyễn còn sử dụng một loại thẻ khác là thẻ lục đầu (trong ảnh).
Theo đó, từ thời vua Minh Mạng, văn bản trình tấu của các quan sau khi hoàng đế ngự phê bằng bút son gọi là châu bản, được lưu giữ tại Nội Các…
Đi kèm với châu bản là lời tấu trình của các Bộ, Nha, Tự, Viện… được viết trên tấm thẻ bằng gỗ, sơn màu lục phía trên, gọi là thẻ lục đầu.
Sau khi vua phê duyệt, thẻ lục đầu được chuyển về Nội Các để lưu giữ bản gốc, sao chép bản phó, đóng dấu quan phòng và trả về sở tại.
Có thể coi, đây là một hình thức sơ khai của nghiệp vụ văn thư lưu trữ trong bộ máy công quyền…