Trong thời gian gần đây, khi xác định về nguồn gốc của người Hoa Hạ, thì giả thuyết có độ phổ biến cao nhất trong giới nghiên cứu Việt Nam, đó là người Hoa Hạ có nguồn gốc từ người du mục, nhìn chung, giả thuyết này được nhiều người Việt đồng tình và chấp nhận, nhưng nó cũng đã nhận được không ít sự phản đối, bởi hệ thống quan điểm của giả thuyết này có phần chủ quan và thiếu cơ sở vững chãi trong nhìn nhận về lịch sử và nguồn gốc của người Hoa Hạ, khi có nhiều tác giả đã cho rằng người Hoa Hạ gốc du mục đã xâm lược và chiếm đoạt những di sản của người Việt ở vùng bắc Đông Á, khiến người Việt phải di cư về phía Nam mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể để chứng minh quan điểm của mình, hay thậm chí còn có tác giả đề xuất rằng các triều đại Hạ, Thương, Chu là của người Việt, người Hoa Hạ đã chiếm đoạt, đổi trắng thay đen lịch sử và biến các triều đại đó thành của mình. Cách nhìn nhận này đã có những ảnh hưởng khá tiêu cực tới việc nhận định về các vấn đề liên quan tới nguồn gốc của người Việt.
Nhìn chung, thì câu chuyện nguồn gốc của người Hoa Hạ chưa thực sự được quan tâm, tìm hiểu và làm rõ một cách khách quan và khoa học, mà phần nhiều mới chỉ dựa trên huyền sử của hai quốc gia, và phần nào đó là sự suy đoán chủ quan trong tiếp cận từ các tác giả của các giả thuyết. Chúng tôi sẽ dựa vào những nghiên cứu di truyền, khảo cổ, là những phương tiện khoa học có độ tin cậy cao nhất, để thử tìm hiểu về nguồn gốc của người Hoa Hạ với tinh thần khách quan, trung thực, từ đó kỳ vọng đóng góp một phần nào đó vào sự nhìn nhận chân thực và có cơ sở hơn về những tương quan lịch sử giữa người Việt và người Hoa Hạ.
I. Các nghiên cứu di truyền về nguồn gốc người Hoa Hạ:
Các nghiên cứu di truyền đã được công bố cho tới nay cho thấy một bức tranh khá tổng quan về nguồn gốc của tộc người Hoa Hạ, từng vấn đề liên quan tới sự hình thành của tộc người này sẽ được chúng tôi tìm hiểu thông qua các nghiên cứu di truyền ở phần sau đây. Đa phần các nghiên cứu đều do người Hán thực hiện, nhìn chung đều rất khách quan và khoa học, không bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc, giúp chúng ta có được một góc nhìn khá toàn diện về nguồn gốc của tộc người này.
Các nghiên cứu di truyền đã cho thấy sự khác biệt di truyền của người Hán phía Bắc và người Hán phía Nam [1][2][3], khoảng cách di truyền thấp dần từ phía Bắc xuống phía Nam, cư dân Hán phía Bắc có sự thống nhất cao và gần với các dân tộc phía Bắc, người Hán phía Nam gần với người Việt và các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á. Sự thay đổi gen của người Hán tại các vùng như Giang Tô hay Dương Tử trở về tới vùng Phúc Kiến có nguồn gốc từ các dòng di cư và đồng hóa về chủng tộc của người Hán tại phía Bắc với cư dân tộc Việt vùng này trong các giai đoạn lịch sử. Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi sẽ tìm hiểu về nguồn gốc của người Hán phía Bắc, ở thời điểm trước khi diễn ra sự xâm lược, chiếm đóng và đồng hóa của các triều đại Hoa Hạ xuống phía Nam. Chúng tôi gọi người Hán là tộc người Hoa Hạ, để chính xác và khách quan hơn với thực tế lịch sử, bởi tên gọi Hán mới bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Hán, sự xuất hiện của tên Hán cũng là lúc bắt đầu diễn ra quá trình đồng hóa của người Hoa Hạ với tộc Việt phía Nam, gọi chung cho người trước Hán là người Hán sẽ không thực sự chính xác với thực tế lịch sử thời kỳ khởi nguyên của tộc người này.
Theo nghiên cứu của Zhao et al. 2010 [4], thì người Hán có một phần nguồn gốc từ người Khương, một nhóm các cư dân sống theo lối sống du mục ở vùng thượng nguồn sông Hoàng Hà, họ di cư vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước. Người Khương cũng là nguồn gốc của các cư dân ngữ hệ Tạng-Miến với những cuộc di cư về phía Tây diễn ra khoảng 4000-5000 năm trước.
Nghiên cứu của Wang et al. 2014 [5] cho thấy người Hán được hình thành từ cuộc di cư của người Khương vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước, theo dấu vết của haplogroup O3a1c-002611, họ đã di cư vào đây và dần dần hòa nhập với người bản địa (có thể là những quần thể có haplogroup C-M130 hoặc D-M174) để hình thành tộc người Hoa Hạ. Tổ tiên của người Hoa Hạ cũng di cư về phía Đông hình thành người Đông Di với dòng gen O3a1c-002611. Nghiên cứu này cũng cho thấy người Khương đã tiếp nhận nguồn di truyền rộng rãi từ người Bắc Á.
Nghiên cứu của Liu et al. 2021 [6] cho thấy sự thay đổi di truyền của vùng Sơn Đông bắt đầu vào đầu thời văn hóa Long Sơn, vào khoảng 4600 năm trước. Dựa vào mốc thay đổi của văn hóa Long Sơn, thì có thể suy đoán rằng sự hình thành của người Hoa Hạ bắt nguồn vào khoảng trước 5000 năm, họ xâm chiếm vùng trung lưu Hoàng Hà trước, sau đó mới mở rộng sang vùng phía Đông và phía Bắc.
Nghiên cứu của Wang et al. 2021 [7] cũng tương đồng với các kết quả nghiên cứu này, cho thấy ngữ hệ Hán Tạng có nguồn gốc trong vùng trung và thượng lưu sông Hoàng Hà, sau đó phân tán sang phía Tây. Nghiên cứu này cũng cho chúng ta thấy sự gần gũi của di truyền người Hán hiện đại với mẫu của văn hóa Ngưỡng Thiều, nó cho thấy được về số lượng dân cư, thì khi xâm nhập vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, số ít người Khương đã cai trị số đông cư dân văn hóa Đông Á cổ để hình thành người Hoa Hạ.
Mô hình qpWave / qpAdm trong nghiên cứu của Chen et al. 2019 [8] cho thấy người Hán miền Bắc hiện đại mang 74,8% tổ tiên họ hàng She và 25,2% tổ tiên liên quan đến Yakut. Cả dòng dõi cha và mẹ liên quan tới mẫu di truyền tại di chỉ Hengbei và liên quan tới Tây Tạng (D haplogroup) cũng quan sát thấy ở người Hán phía Bắc hiện đại. Bên cạnh đó, thì khoảng 45% tổ tiên tới từ hang Devil’s Gate trong vùng Siberia và một quần thể đồ đá mới liên quan đến ngữ hệ Tungusic.
Như vậy thì người Hán phía Bắc được hình thành từ các dòng di cư từ phía Tây và phía Bắc qua nhiều giai đoạn lịch sử, về cơ bản, họ chỉ mới xâm nhập vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước. Các nghiên cứu cũng cho thấy thêm một số những dòng di cư góp phần nên sự hình thành của tộc người Hoa Hạ.
Nghiên cứu của Li et al. 2011 [9], thực hiện nghiên cứu trên mẫu di truyền tại di chỉ Dadianzi của văn hóa Hạ Xiajiadian (4500 – 3500) tại vùng sông Tây Liêu vùng Đông Bắc Trung Quốc, đã cho thấy trong thời kỳ văn hóa này tồn tại, đã có một dòng di cư từ vùng đồng bằng sông Hoàng Hà lên phía Bắc, tức là sau cuộc di cư của người Khương vào Hoàng Hà. Tới thời kỳ nhà Thương, (3600 – 3050 cách ngày nay), đã có một dòng di cư từ văn hóa này trở về vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, có nguyên nhân từ vấn đề khí hậu. Các bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy một lượng các hiện vật có ảnh hưởng văn hóa phương Bắc đã được xác định. [10]. Như vậy thì cư dân vùng Tây Liêu (sau 4500 năm) là một trong những nguồn gốc chính hình thành nên nhà Thương.
Nghiên cứu của Wen et al. 2013 [11] cho thấy mẫu gen tại di chỉ Hengbei (thời nhà Chu) gần nhất với mẫu gen tại Dadianzi trong vùng Tây Liêu, và mẫu gen tại Hengbei cũng gần nhất với người Hán hiện đại. Nghiên cứu của Zhao et al. 2015 [12] cũng cho thấy những người cổ đại ở Hengbei mang đặc điểm di truyền giống với người Hán miền bắc ngày nay.
Các nghiên cứu này đã cho thấy tiến trình phát triển khá rõ ràng của tộc người Hoa Hạ, họ có nguồn gốc chính từ người Khương trong vùng thượng nguồn sông Hoàng Hà, xâm nhập vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước. Xem xét thời điểm di cư dựa trên các nghiên cứu di truyền, thì nhiều khả năng họ bắt đầu hình thành vào thời văn hóa Long Sơn, nhưng đã di cư vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà từ trước đó. Di truyền của họ bắt đầu ổn định từ thời nhà Chu, với các nguồn gốc chính là từ người Khương, cư dân cổ Đông Á, và cư dân tại Tây Liêu của văn hóa Hạ Xiajiadian.
Xét rộng hơn, thì chúng ta thấy được cư dân văn hóa Ngưỡng Thiều, là nền văn hóa của vùng Hoàng Hà trước khi tổ tiên người Hoa Hạ xâm nhập, có thể một bộ phận đã di cư sang phía Tây, hình thành nên văn hóa Mã Gia Diêu, nền văn hóa được các nhà khảo cổ xem như là một thành phần của văn hóa Ngưỡng Thiều [13][14]. Cư dân cổ ở lại là nền tảng chính hình thành nên văn hóa của người Hoa Hạ, với văn hóa Long Sơn kế thừa những đặc trưng của văn hóa Ngưỡng Thiều hay văn hóa Đông Á cổ đại.
Cũng từ đây, có thể kết luận rằng nguồn gốc của ngữ hệ Hán-Tạng là từ người Khương, không phải gốc là từ cư dân cổ Đông Á tại văn hóa Ngưỡng Thiều, sự tương đồng về di truyền của người Hán hiện đại với cư dân Ngưỡng Thiều có nguồn gốc từ vấn đề số ít người Khương đã cai trị số đông cư dân cổ Đông Á, đồng hóa ngôn ngữ của cư dân văn hóa Ngưỡng Thiều để hình thành tộc người Hoa Hạ.
Lịch sử của vùng bắc Đông Á vì vậy sau thời điểm 5000 năm hoàn toàn không còn nằm trong tiến trình phát triển của tộc Việt ở phía Nam, các di sản tại vùng bắc Đông Á sau thời điểm 5000 năm là do tổ tiên người Hoa Hạ xây dựng nên, các triều đại Hạ, Thương, Chu cũng là nguồn gốc trực tiếp của người Hoa Hạ, không phải là các triều đại do người Việt xây dựng nên. Cội nguồn các triều đại của người Việt là nước Xích Quỷ tương ứng với văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà trong vùng Dương Tử, văn hóa Thạch Gia Hà đồng niên đại với triều Hạ trong truyền thuyết của người Hoa Hạ, và sau thời điểm 4000 năm là nước Văn Lang trong địa bàn từ vùng Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam. Lịch sử và những cơ sở về quốc gia Xích Quỷ và Văn Lang đã được chúng tôi tìm hiểu trong bài viết khác, tất cả các bằng chứng di truyền, khảo cổ, lịch sử đều chứng minh về sự tồn tại của các quốc gia này. [15]
II. Nguồn gốc của kỹ thuật luyện đồng và chiến xa:
Kỹ thuật luyện đồng và chiến xa là hai trong số những đặc trưng quan trọng của nền văn minh Hoa Hạ trong giai đoạn đầu hình thành, các nghiên cứu khảo cổ đã cho thấy được nguồn gốc từ Tây Á và Trung Á của các yếu tố văn hóa này. Các nghiên cứu này đã cho thấy được một phần nguồn gốc của người Hoa Hạ, họ cũng có những sự tương tác và tiếp nhận văn hóa liên tục từ các tộc người du mục phía Bắc và phía Tây địa bàn sinh sống của họ.
1. Nguồn gốc của kỹ thuật luyện đồng :
Kỹ thuật luyện đồng của người Hoa Hạ có nguồn gốc từ Tây Á, với đồng asen với các đặc điểm của đồng Tây Á đã xuất hiện ở Nhị Lý Đầu (Erlitou, 1900 – 1500 TCN), (đây được xem là thời kỳ nhà Hạ trong huyền sử Trung Quốc) và các địa điểm phía bắc khác. [16]. Về cơ bản, nguồn gốc Tây Á của kỹ thuật luyện đồng của người Hoa Hạ, và cả người Ba Thục, tộc người có nguồn gốc gần gũi với người Hoa Hạ đã được đa số các học giả quốc tế và Trung Quốc chấp nhận [17].
Nguồn gốc luyện đồng của người Hoa Hạ có nguồn gốc từ vùng Tây Á, du nhập vào văn hóa Hoa Hạ vào thời Nhị Lý Đầu, nhưng kỹ thuật luyện kim của cộng đồng tộc Việt được phát triển hoàn toàn độc lập. Các bằng chứng về khảo cổ đã cho thấy, văn hóa Khuất Gia Lĩnh là nơi xuất hiện kỹ thuật luyện đồng sớm nhất Đông Á, nhiều quặng đồng đã được tìm thấy trong các ngôi mộ văn hóa Khuất Gia Lĩnh, sau đó được kế thừa ở văn hóa Thạch Gia Hà [16]. Tại văn hóa Khuất Gia Lĩnh, cũng, qua quá trình dài phát triển như vậy, thì kỹ thuật luyện đồng của người Việt trong thời kỳ văn hóa Thạch Gia Hà đã tiến tới một trình độ cao trong tinh chế và sản xuất đồ đồng [18]. Việc xuất hiện kỹ thuật luyện đồng cũng đã nâng cao năng suất lên cao hơn nhiều so với các dụng cụ bằng đá. [16]
Nguồn gốc khác nhau của kỹ thuật luyện đồng của tộc Việt và người Hoa Hạ đã tạo nên những khác biệt lớn trong kỹ thuật luyện đồng, chất liệu, cũng như hình dáng của hai nền văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ.
2. Nguồn gốc của chiến xa:
Chiến xa trong truyền thuyết của người Hoa Hạ được gán cho Vũ Trọng (奚仲) của nhà Hạ, được sử dụng trong trận chiến đất Cam (甘之战) trong khoảng 2100 năm TCN, nhưng về bằng chứng khảo cổ, thì chiến xa của người Hoa Hạ xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Thương, với xe ngựa đã được tìm thấy trong lăng mộ của quốc gia này vào khoảng 1200 năm TCN. [19] Nguồn gốc của chiến xa là từ vùng Trung Á, sau đó lan tỏa sang phía Bắc và xuống tới nhà Thương. [20]
Dấu tích khảo cổ chiến xa nhà Thương. [Nguồn]
Sự xuất hiện của chiến xa vào thời nhà Thương đã góp phần tăng cường sức mạnh chiến tranh của tộc người này, trực tiếp góp phần vào sự mở rộng lãnh thổ một cách nhanh chóng của nhà Thương về bốn phía, khởi đầu cho chủ nghĩa bành trướng về lãnh thổ của tộc người này trong xuyên suốt lịch sử.
III. Kết luận:
Như vậy thì nguồn gốc của người Hoa Hạ đã trở nên khá rõ ràng với những nghiên cứu mà chúng tôi đã tổng hợp và phân tích trong bài viết này, người Hoa Hạ có nguồn gốc chủ yếu là từ người Khương, một nhóm các tộc người du mục ở phía thượng nguồn sông Hoàng Hà, người Khương cũng tiếp nhận nguồn di truyền rộng rãi từ cư dân Bắc Á. Họ bắt đầu xâm nhập vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước, hòa nhập với người bản địa để hình thành tộc người Hoa Hạ. Nguồn gốc của họ chủ yếu là từ sự mở rộng của nhóm người gốc Khương sang phía Bắc và phía Đông, dần dần hình thành nên một lịch sử dân tộc khá phức tạp. Từ đây, có thể thấy rằng giả thuyết cho rằng người Hoa Hạ có nguồn gốc từ người du mục của nhiều tác giả trước đây là chính xác với các nghiên cứu khoa học.
Người Hoa Hạ có nguồn gốc từ người Khương, nhưng sau đó thì họ đã chối bỏ nguồn gốc này của mình, tự đặt mình vào vị trí trung tâm với chủ thuyết Hoa Di, gọi người Khương ở phía thượng nguồn sông Hoàng Hà là Tây Nhung (西戎), sau đó, thì họ cũng đã học nhiều thứ từ người Việt, như việc học các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà của tộc Việt [21], hay mượn mười hai con giáp của người Việt [22][23][24][25], nhưng sau đó lại gọi người Việt là Nam Man, chép lại về lịch sử của người Việt với một thái độ rất khinh miệt. Chủ thuyết văn hóa đã được họ đề ra tự đặt mình vào trung tâm, cùng với công cụ lịch sử mà họ đã nắm giữ và sử dụng rất hiệu quả, đã xóa nhòa nguồn gốc thực sự của người Hoa Hạ, xóa nhòa đi những di sản mà họ đã “mượn” của người Việt, của cư dân văn hóa Đông Á cổ hay bất cứ tộc người nào mà họ đã hấp thụ.
Những nghiên cứu về nguồn gốc của người Hoa Hạ đã góp phần giúp chúng ta nhận diện được rõ hơn về nguồn gốc của dân tộc mình. Người Việt không phải có nguồn gốc từ người Hoa Hạ, họ phát triển hoàn toàn độc lập, có một tiến trình phát triển liên tục trong vài chục nghìn năm lịch sử, được hình thành nên từ những dòng di cư, sau đó hình thành nên cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử. [26]. Trong quá trình phát triển đó, cư dân cổ Đông Á, hay tộc Việt đã xây dựng những di sản lớn, khi người Hoa Hạ hình thành, thì không ít đặc trưng và thành tựu văn hóa của người Việt đã bị họ hấp thụ, tiêu biểu nhất là những di sản như chúng tôi đã đề cập tới ở trên. Chúng tôi tin tưởng rằng, dần dần qua thời gian, các vấn đề liên quan tới mối tương quan giữa văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ sẽ ngày càng rõ ràng hơn, giúp người Việt nhận thức rõ ràng hơn về nguồn gốc của mình, từ đó làm nền tảng cho sự phát triển trong tương lai của người Việt.
Tài liệu tham khảo:
[1] Charleston W K Chiang, Serghei Mangul, Christopher Robles, Sriram Sankararaman, A Comprehensive Map of Genetic Variation in the World’s Largest Ethnic Group—Han Chinese, Molecular Biology and Evolution, Volume 35, Issue 11, November 2018, Pages 2736–2750, https://doi.org/10.1093/molbev/msy170
[2] Liu S, Huang S, Chen F, Zhao L, Yuan Y, Francis SS, Fang L, Li Z, Lin L, Liu R, Zhang Y, Xu H, Li S, Zhou Y, Davies RW, Liu Q, Walters RG, Lin K, Ju J, Korneliussen T, Yang MA, Fu Q, Wang J, Zhou L, Krogh A, Zhang H, Wang W, Chen Z, Cai Z, Yin Y, Yang H, Mao M, Shendure J, Wang J, Albrechtsen A, Jin X, Nielsen R, Xu X. Genomic Analyses from Non-invasive Prenatal Testing Reveal Genetic Associations, Patterns of Viral Infections, and Chinese Population History. Cell. 2018 Oct 4;175(2):347-359.e14. doi: 10.1016/j.cell.2018.08.016. PMID: 30290141.
[3] Cao, Y., Li, L., Xu, M. et al. The ChinaMAP analytics of deep whole genome sequences in 10,588 individuals. Cell Res 30, 717–731 (2020). https://doi.org/10.1038/s41422-020-0322-9
[4] Zhao YB, Li HJ, Li SN, Yu CC, Gao SZ, Xu Z, Jin L, Zhu H, Zhou H. Ancient DNA evidence supports the contribution of Di-Qiang people to the han Chinese gene pool. Am J Phys Anthropol. 2011 Feb;144(2):258-68. doi: 10.1002/ajpa.21399. Epub 2010 Sep 24. PMID: 20872743.
[5] Wang, C. C., Wang, L. X., Shrestha, R., Zhang, M., Huang, X. Y., Hu, K., Jin, L., & Li, H. (2014). Genetic structure of Qiangic populations residing in the western Sichuan corridor. PloS one, 9(8), e103772. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0103772
[6] Juncen Liu, Wen Zeng, Bo Sun, Xiaowei Mao, Yongsheng Zhao, Fen Wang, Zhenguang Li, Fengshi Luan, Junfeng Guo, Chao Zhu, Zimeng Wang, Chengmin Wei, Ming Zhang, Peng Cao, Feng Liu, Qingyan Dai, Xiaotian Feng, Ruowei Yang, Weihong Hou, Wanjing Ping, Xiaohong Wu, E. Andrew Bennett, Yichen Liu, Qiaomei Fu, Maternal genetic structure in ancient Shandong between 9500 and 1800 years ago, Science Bulletin, Volume 66, Issue 11, 2021, Pages 1129-1135, ISSN 2095-9273, https://doi.org/10.1016/j.scib.2021.01.029.
[7] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2
[8] Chen, P., Wu, J., Luo, L., Gao, H., Wang, M., Zou, X., Li, Y., Chen, G., Luo, H., Yu, L., Han, Y., Jia, F., & He, G. (2019). Population Genetic Analysis of Modern and Ancient DNA Variations Yields New Insights Into the Formation, Genetic Structure, and Phylogenetic Relationship of Northern Han Chinese. Frontiers in genetics, 10, 1045. https://doi.org/10.3389/fgene.2019.01045
[9] Li, H., Zhao, X., Zhao, Y. et al. Genetic characteristics and migration history of a bronze culture population in the West Liao-River valley revealed by ancient DNA. J Hum Genet 56, 815–822 (2011). https://doi.org/10.1038/jhg.2011.102
[10] Derenko, M., Malyarchuk, B., Grzybowski, T., Denisova, G., Dambueva, I., Perkova, M. et al. Phylogeographic analysis of mitochondrial DNA in northern Asian populations. Am. J. Hum. Genet. 81, 1025–1041 (2007).
[11] Zeng Wen, Li Jiawei, Yue Hongbin, Zhou Hui,Zhu Hong, Preliminary Research on Hereditary Features of Yinxu Population.
https://www.academia.edu/5297877/2013_AAPA_poster-_Preliminary_Research_on_Hereditary_Features_of_Yinxu_Population
[12] Zhao YB, Zhang Y, Zhang QC, Li HJ, Cui YQ, Xu Z, Jin L, Zhou H, Zhu H. Ancient DNA reveals that the genetic structure of the northern Han Chinese was shaped prior to 3,000 years ago. PLoS One. 2015 May 4;10(5):e0125676. doi: 10.1371/journal.pone.0125676. PMID: 25938511; PMCID: PMC4418768.
[13] Liu, Li; Chen, Xingcan (2012), The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age, Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-64310-8.
[14] Andersson, Johan Gunnar (1943). Researches into the prehistory of the Chinese. Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities. 15.
[15] Lang Linh (2021), Lịch sử hình thành và tan rã của cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/10/21/565-lich-su-hinh-thanh-va-tan-ra-cua-cong-dong-toc-viet/
[16] Liu Junnan 刘俊男. Sự hình thành của thành phố núi Chengtou – Dựa trên quan điểm về các đặc điểm cơ bản của đất nước 城头山城邦的形成-基于国家本质特征的视角[J]. Tìm kiếm 求索, 2018(05):162-171.
[17] Mei, Jianjun & Chen, Kunlong. (2017). The Appropriation of Early Bronze Technology in China.
[18] Gorodetsyaka, Olga & Shiying, Qiu & Guo, Li-Xin. (2019). Shijiahe Culture: Original Bronze Civilization of East Asia 石家河文化 东亚自创的青铜文明 (上) . 2019. 67-82.
[19] Beckwith, Christopher I. (2009): Empires of the Silk Road: A History of Central Eurasia from the Bronze Age to the Present. Princeton: Princeton University Press. ISBN 978-0-691-13589-2.
[20] Shaughnessy, Edward L. (1988). “Historical Perspectives on The Introduction of The Chariot Into China”. Harvard Journal of Asiatic Studies. 48 (1): 189–237. JSTOR 2719276.
[21] Lang Linh (2021), Những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/544-nhung-anh-huong-cua-van-hoa-toc-viet-toi-van-hoa-hoa-ha/
[22] Norman, Jerry (1985). A Note on the Origin of the Chinese Duodenary Cycle. In: Graham Thurgood; James A. Matisoff; David Bradley (editors), Linguistics of the Sino-Tibetan Area: The State of the Art: 85–89. Pacific Linguistics, Series C 87.
[23] Mei, Tsu-lin (梅祖麟) (1980). “Chinese and the languages of Southeast Asia”. Association for Asian Studies Conference.
[24] Ferlus, Michel (2013). “The sexagesimal cycle, from China to Southeast Asia”. 23rd Annual Conference of the Southeast Asian Linguistics Society, Bangkok, Thailand.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00922842/document
[25] Nguyễn Cung Thông, Loạt bài nghiên cứu: “Nguồn gốc Việt (Nam) của 12 con giáp)”.
Full PDF: https://drive.google.com/file/d/1PTmCRbHEymW9BDodwalqfFTYLR9HVHAv/view?usp=sharing
[26] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/