Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Chuyện về giao thông ở nước Mỹ: Lạ mà không kỳ

Xứ Mỹ “tự do”, điều này ai cũng biết. Có những cái tự do, thoải mái tưởng chừng tới vô lý, nhưng rồi ngẫm kỹ lại thì thấy cũng chẳng vô lý tí nào.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân tới nước Mỹ không phải là những toà nhà chọc trời ngửa mỏi hết cả cổ mà chưa thấy đỉnh, cái này xem mãi trên tivi rồi, hay cảnh quan “xanh, sạch, đẹp” tìm mãi chả thấy cọng rác nào,… mà là chuyện đi lại. Đang ngày nào cũng nhích từng bước, thoi thóp trong khói bụi giờ tan tầm, tự nhiên được đi hẳn hơn trăm cây số giờ, loáng cái đã vượt gần 50km từ sân bay về tới nhà, làm gì chẳng khoái.
Ở cái nơi có tới hơn 250 triệu ô tô, trung bình gần như mỗi người một xe, mà đi lại cứ trôi tuồn tuột. Tìm hiểu kỹ mới vỡ ra nhiều lẽ. Vẫn biết luật Mỹ mỗi bang mỗi khác, nhưng thôi cứ thấy gì nói vậy. Chuyện giao thông ở thủ đô Washington DC.

Không học, vẫn có bằng lái như thường
Nghe nói luật Mỹ nghiêm lắm. Mà cái sự nghe nói này lại càng có lý để mà tôi tin khi kênh Discovery một dạo cứ miệt mài chiếu các video đuổi bắt người vi phạm luật giao thông lấy từ camera hành trình của cảnh sát, chả khác phim hành động. Thế nên trước khi sang Mỹ, tôi hốt lắm. Mà công việc lại buộc phải chạy xe. 18 năm bằng lái chưa lúc nào rời ví nhưng duy nhất chỉ một lần ngồi sau vô lăng, xe của ông anh họ. Đen đủi hôm đó, vào năm 1993 thì phải, lốp trước lại nổ, húc luôn vào một bác xích lô. May mà 2 bên đều vô sự. Thế là từ đấy cạch cái thằng ô tô. Mà vì chả dùng đến bằng bao giờ nên thế là quên, để quá hạn, phải thi lại cả luật lẫn lái.
Thôi thì cái số nó vất vả về đường bằng lái nên lần này phải chuẩn bị thật kỹ, luật Mỹ chứ có phải chuyện chơi đâu. Động tí là mất cả tháng lương, sống bằng niềm tin ngay, mà có khi lại còn kiện tụng lôi thôi. Thi lái xe chắc khó lắm. Thế là mất mấy tuần giời thuê thày, thuê xe ôn luyện, lăn lộn, nào tiến nào lùi, nào chữ chi, nào chuồng, đủ cả. “Trình” nghe chừng đã kha khá nhưng vẫn run, định bụng sang bên kia thế nào cũng phải kiếm ông thày bổ túc thêm, thi cho nó chắc ăn.
Ngày đầu tiên sang đến nơi, hỏi chuyện bằng lái mới ngã ngửa người. Thế có công toi không. Chả ai cần học, mà cũng chả thấy có chỗ nào dạy. Cứ thiên nhiên mà lấy bằng thôi. Đủ 16 tuổi rưỡi (16 cũng được, nhưng khi lái phải có người kèm), ra Sở quản lý xe cơ giới xếp hàng thi luật, không phải đăng ký gì cả, nhớ mang giấy tờ tuỳ thân và chứng nhận chỗ ở. Lý thuyết thì cũng chả có mấy trăm câu hỏi, cố mà thuộc đi, đề thi trong đó cả như ở ta (không thuộc được thì biết phải làm gì rồi đấy). Bên này chỉ có mỗi cuốn cẩm nang lái xe, dày hơn 70 trang, download về mà đọc, đỡ tốn giấy mực. Trong đó đủ cả, từ luật giao thông, biển báo, hình thức xử phạt vi phạm cho đến kỹ năng lái xe và xử lý các tình huống thường gặp.
Thi luật 25 câu, 20 câu đúng là máy báo tèn ten chúc mừng. Nếu đỗ, cầm cái chứng chỉ về rồi mượn xe, xem có anh em, họ hàng hay bạn bè nào có bằng lái thì nhờ họ ngồi cạnh, cứ thế mà tập, đủ 72 tiếng thì xin họ viết cho cái chứng nhận rồi đăng ký thi lái. Đến ngày hẹn, mang xe lên, nhưng nhớ là xe phải có phanh tay. Lên xe, có ông hay bà giám khảo ngồi cạnh, bảo mình đi thế nào thì đi thế ấy.

Quan trọng nhất không phải lái giỏi mà “an toàn là bạn”. Nhiều anh/chị có khi chưa kịp đạp ga đã bị đuổi thẳng cổ vì quên không thắt dây an toàn hay bật xi nhan xin đường khi khởi hành. Còn có chuyện một anh bạn Việt Nam bị đánh trượt vì lý do chả giống ai. Chả là anh này hồi ở nhà cũng “có điều kiện”, sắm xe, đi quen rồi, nên khi thi cứ đánh vô lăng bằng 1 tay. Giám khảo phán: “Tao biết mày lái giỏi rồi. Nhưng lái 1 tay thì xử lý sao mà chuẩn được. Về, 3 ngày nữa lên thi lại!”.
Thi cử đơn giản thế này à! Nhẹ cả người. May, đỡ tốn tiền lại khỏi mất công. Sau mấy ngày đóng cửa đánh vật với cuốn cẩm nang lái xe, tôi chọn ngày đẹp ra Sở quản lý xe cơ giới Washington DC xin thi luật. Cha mẹ ơi, có mỗi cái sở chả liên quan gì đến an ninh quốc phòng mà kiểm tra chẳng khác đi máy bay. Ai vào cũng phải qua máy dò kim loại, bỏ hết đồ tuỳ thân để kiểm tra, máy tính thì bắt bật lên xem có phải bom hay không. Chưa thi đã khủng bố tinh thần thế này!

Một chi nhánh của Sở quản lý xe cơ giới DC (DMV)

Đăng ký xong, ngồi đợi khoảng 5 phút thì được gọi vào thi, nộp lệ phí 10 đô. Buồng thi luật có khoảng chục máy tính, nằm ở góc phòng làm thủ tục, ngăn bằng kính cách âm. Mỗi người có 40 phút làm bài, cứ thế xếp hàng, ai xong thì ra, người khác vào. Thôi thì chịu khó học tí cũng có khác, làm đến câu 22 (sai mất 2 câu) thì anh máy tính không cho làm nữa, tấu nhạc chúc mừng. Bước ra ngoài, cô nhân viên giám sát hỏi đỗ hay trượt, tôi nói đỗ, cô bảo đi sang phòng bên cạnh làm thủ tục tiếp theo. Hôm mới sang, nghe anh bạn tiền nhiệm nói là phải thi lái, trong bụng đã hậm hực về sự quan liêu của mấy anh Mỹ. Sao mà không bực cho được. Đã lái được xe ở Việt Nam thì chả đâu mà không lái được. Sang mà xem. Nhưng thôi, bực thì cũng chả giải quyết việc gì. Thoát luật là tạm yên tâm cái đã.
Tới phòng bên cạnh, người phụ trách là một bà chắc ngoài 50, to lớn, đường bệ. Hỏi han một lúc, bà bảo tôi đưa cho bà cái bằng của Việt Nam để xem có được đổi ngang hay vẫn phải thi. Đưa thì đưa nhưng tôi chả tin là được đổi ngang, anh bạn tiền nhiệm sang trước có hơn 3 năm cũng có thoát thi đâu. Bà phụ trách mở quyển sổ dày cộp ra, dò một lúc lâu, bỏ kính ra rồi lại tra kính vào. Sau một hồi mò mẫm, bà bảo chả thấy ghi Việt Nam trong này, để đi hỏi sếp. Bắt đầu nửa mừng nửa lo, cơ hội 50-50. Mấy phút sau, vừa trở lại, bà buông gọn lỏn: “Cậu nộp thêm 44 đô nữa làm bằng lái xe”. Có thế chứ!!! Chắc có anh lãnh đạo nào của sở này vừa đi thực địa ở Việt Nam về. Thế mà mình cứ bảo Mỹ cũng quan liêu. Tự nhiên chợt nghĩ, ờ, mà trong quá trình hội nhập, Việt Nam mình cứ phải tuân thủ các quy chuẩn quốc tế, sao không thấy ai đặt ra chuẩn Việt Nam cho quốc tế nhỉ. Có mấy anh Tây dám đi ô tô trên đường Việt Nam, trong khi người Việt mình phóng ầm ầm, có sao đâu. Vậy thì cứ có bằng lái xe ở Việt Nam là có thể lái khắp thế giới, bằng toàn cầu luôn. Sao không chứ.
Cầm hoá đơn nộp tiền, ra chụp ảnh, chờ thêm 2 phút, cái máy in đánh xoẹt ra cái bằng. Xong. Tổng thời gian từ lúc thi luật đến lúc cầm bằng lái trong tay nhiều lắm chắc chỉ tiếng đồng hồ. Thi bằng dễ vậy, nhưng ra đường ai nấy cứ răm rắp. Mà không răm rắp không được.

Phòng thi luật giao thông

Không có chuyện cãi lý với cảnh sát
Anh bạn tôi vừa bị phạt khá nặng. Đang lướt trên đường cao tốc, tự nhiên thấy đằng sau có chiếc xe cảnh sát bám đuôi, nháy đèn tít mù. Có chuyện rồi, đánh xe vào lề đường cái đã. Cảnh sát đỗ theo ngay. Lỗi: không đảm bảo khoảng cách an toàn với xe phía trước. Phạt: 120 USD. Đấy là cảnh sát mới chỉ cảnh cáo chứ chưa phạt thêm tội không chuyển làn theo đúng thứ tự.
Đã vi phạm thì không bao giờ có chuyện “gọi điện thoại cho người thân” hay “50-50”, dù bạn là ai, thân thế ra sao. Cảnh sát cứ chiếu luật mà làm. Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, John Bryson đã mất chức sau khi gây tai nạn giao thông. Ông này lái xe thế nào húc vào đuôi một chiếc xe đang dừng trước chắn tàu, sau đó lại đâm tiếp vào một chiếc xe khác cách đó khoảng 3 km. Dù 2 cú va chạm đều nhẹ và Bộ trưởng Bryson được xác định là bị co giật cấp tính nhưng ông vẫn bị cảnh sát bắt với cáo buộc gây tai nạn rồi bỏ chạy. 3 ngày sau, ông Bryson nộp đơn từ chức. Ngay đầu tháng này, một quan chức phụ trách an ninh trật tự và một sỹ quan cảnh sát đặc nhiệm Texas cũng bị bắt do lái xe sau khi uống rượu.
Bên này đi đường phải nắm rõ quy trình xử lý của cảnh sát, không sẽ lôi thôi to. Nếu phát hiện xe vi phạm luật giao thông, cảnh sát sẽ bám theo và bật đèn nháy. Nếu lái xe không chú ý, họ sẽ kéo còi ủ. Biết điều thì ngoan ngoãn đỗ lại, ngồi yên và để tay vào vị trí cảnh sát có thể nhìn thấy. Nhỡ ra có hành động bất thường là dễ ăn đạn như chơi. Tuyệt không có chuyện cãi lý với cảnh sát. Lằng nhằng là bị buộc tội chống người thi hành công vụ ngay. Đúng sai đã có camera trong xe cảnh sát ghi lại, lúc đấy ra toà mà cãi. Tự nhiên lại nghĩ đến các clip nhật ký 141 Hà Nội trên mạng. Không ít người vi phạm, già có, trẻ có, say có, tỉnh có, con cháu quan chức có mà mạo danh cũng có, lớn tiếng nạt nộ, doạ dẫm, thậm chí còn hành hung cả lực lượng chức năng. Xem mà không thể chịu được. Bên này cứ thử thế xem. Ăn vài cái dùi cui điện, lưỡi cứng đơ ra, muốn nói cũng không cất lời được chứ đừng nói chuyện cãi.
Cách đây không lâu, có một chuyện cũng khá lùm xùm. Một bà cụ vi phạm luật giao thông, bị cảnh sát chặn lại. Bà cụ này chắc cũng không phải tay vừa, chẳng biết thế nào mà cứ xông vào định ăn thua với anh cảnh sát. Hậu quả là dính một dùi cui điện. Hình ảnh này bị một người đi đường chộp được, tung lên mạng. Thế là kiện tụng om sòm. Người cảnh sát trắng án. Lý do: trong lúc  nổi nóng, bà cụ này đã lao ra làn cao tốc và cảnh sát buộc phải sử dụng công cụ hỗ trợ để cứu tính mạng bà. Tất cả đều được camera ghi lại. Cái anh camera này hữu ích thật, vừa hỗ trợ cho công việc lại vừa có thể ngăn chặn cảnh sát lạm quyền hoặc tiêu cực.

Xe cảnh sát tuần tra

Sợ camera hơn sợ cảnh sát
“Ra đường sợ nhất công nông”, bên này công nông không có thì ra đường sợ nhất camera giao thông. Cảnh sát cũng sợ, nhưng năm thì mười hoạ mới gặp. Mà chẳng may có vi phạm tí chút thì nhiều khi họ cũng cho qua. Nhưng ông camera chẳng biết phân biệt thân sơ. Đang đi tự nhiên thấy loé sáng lên là thôi xong. Chạy quá tốc độ: 92 USD đến 200 USD, tuỳ theo tỷ lệ. Vượt đèn đỏ 75 USD. Gần 100 camera đèn đỏ và tốc độ mai phục khắp nơi trong thành phố đóng góp hơn một nửa trong tổng số 180 triệu USD tiền phạt vi phạm giao thông, tương đương hơn 3.600 tỷ tiền Việt, mà chính quyền DC thu được trong năm tài khoá 2012. Báo chí làm ầm lên, bảo chính quyền mưu mô vơ vét tiền dân.

Chiếc camera tốc độ “sát thủ” tại đại lộ New York: thu về 6,5 triệu USD trong năm tài khóa 2012

Kêu vậy nhưng theo kết quả khảo sát gần đây thì có tới 87% người dân ủng hộ camera đèn đỏ và 76% ủng hộ camera tốc độ. Theo tính toán, nếu một người đi bộ bị một chiếc xe chạy với tốc độ 30 dặm (48km) đâm phải, cơ hội sống sót là 80%, nhưng nếu tốc độ của xe tăng thêm 10 dặm nữa thì con số 80% nói trên chính là khả năng tử vong của nạn nhân. Mà camera giao thông ở Mỹ có hiệu quả thật. Cứ đánh vào túi tiền là sợ hết. Số người thiệt mạng tại DC do tai nạn giao thông trong năm 2012 giảm tới 43% so với năm trước. Lạ cái là phần lớn người chạy quá tốc độ hoặc vượt đèn đỏ lại không phải mấy cô cậu choai choai mắt xanh mỏ đỏ phóng xe bạt mạng như người ta hay định kiến, mà chính là các bà nội trợ mải việc, sát giờ mới sấp ngửa đi đón con, mấy anh thợ điện nước vừa nhận cuộc gọi của khách hàng, hay những nhân viên văn phòng áo trắng cổ cồn đang cuống lên vì muộn làm.
Mà đã dính phạt rồi thì rắc rối lắm, không những mất tiền mà lại còn bị đánh dấu vào hồ sơ xe, chả khác gì tiền sự. Lúc này thì lại chết với ông bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm cứ căn cứ vào hồ sơ xe mà tính tiền. Càng nhiều lỗi thì chứng tỏ khả năng gây tai nạn càng cao, tiền mua bảo hiểm cứ thế mà leo thang.
Đến đây thì nảy sinh chuyện nếu người bị phạt không chịu đóng tiền thì sao? Cái này liên quan đến xe chính chủ đây… (còn tiếp)

Những hình ảnh về cuộc di dân từ lục địa Trung Hoa sang Việt Nam

Tại miền Bắc, không có tài liệu nào ghi nhận sự di cư của người Hoa bằng đường bộ qua các ngõ biên giới, chỉ một số di dân các...

Bức tranh toàn cảnh về lịch sử chữ viết của người Việt

Chữ viết biểu thị cho nền văn minh của một nước. Ở Việt-Nam, chữ Hán chiếm địa vị chính thức suốt thời Bắc thuộc và tự trị, là thứ chữ...

Chuyện tình buồn và sự ra đời của ca khúc “Ai về sông Tương”

Nhạc sĩ Văn Giảng nghe xong không nói gì, chỉ về nhà và âm thầm lấy giấy bút viết bài Ai về sông Tương, không ghi tác giả là Văn...

Nguồn gốc Dầu cháo quẩy (giò cháo quẩy)

Quẩy hay còn được gọi là bánh quẩy, giò cháo quẩy hay dầu cháo quẩy, là một loại thực phẩm phổ biến ở châu Á. Chúng được làm từ bột...

Nguồn gốc ra đời của đôi đũa

Đũa là một phát minh lớn của người Trung Quốc, hình thành cách đây khoảng 3.000 đến 5.000 năm trước (1). Theo thống kê, trên thế giới có 03 cách chính để...

Tục đưa, rước ông bà ngày tết ở Miền Nam

Đối với người Việt Nam, chữ hiếu được xem là một trong những đức tính quan trọng hàng đầu, là thước đo phẩm chất của con người. Và một trong...

Hà Nội trong tôi

Tôi gọi Hà Nội là thành phố đến từ kiếp trước của mình, bởi chỉ có thể gắn bó với nhau từ hàng nghìn, hàng vạn năm trước rồi thì...

Toàn cảnh Hà Nội một thế kỷ trước nhìn từ máy bay

Những hình ảnh này được thực hiện ở Hà Nội trong khoảng năm 1926 – 1951 từ máy bay quan trắc của Pháp. Cầu Long Biên năm 1951. Phố Paul...

Những hình ảnh màu quý giá người Việt 100 năm trước

Trong những năm 1914-1917, nhiếp ảnh gia người Pháp Leon Busy đã thực hiện nhiều bức chân dung màu đặc sắc về người Việt. Ngày nay, các bức ảnh của...

Lịch sử tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho

…Mười giờ tàu lại Bến Thành xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao… Đó là câu vè được người dân Nam bộ truyền miệng lại đã phác thảo cảnh...

Ảnh độc về nội thất Dinh Độc Lập đầu thế kỷ 20

Khám phá nội thất tráng lệ của Dinh Độc Lập thập niên 1920 qua loạt ảnh tư liệu của người Pháp. Dinh Toàn quyền hay Dinh Norodom tại Sài Gòn...

Xe xưa trên lối cũ – Phần 2: Xe hơi cổ điển không xuất xứ từ Pháp ở Miền Nam trước 1975

Sau hiệp định Geneve 20/7/1954, miền Nam trở thành Việt Nam Cộng Hoà. Trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng Cộng Sản từ phương Bắc, Người Mỹ thay Pháp hỗ...

Exit mobile version