Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Một số quận huyện trên đất Lĩnh Nam thời Hán – Căn nguyên của một số ngộ nhận lịch sử

Những nghi ngờ về vị trí các quận huyện của Giao Châu đời Hán và Lục triều

Hiện nay, dù muốn hay không thì người ta vẫn phải thừa nhận là lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề mâu thuẫn và bí ẩn.

Ngay việc coi lịch sử Lĩnh Nam là của Việt Nam đã là một sự mơ hồ.

Địa bàn Quảng Đông và Quảng Tây nước Trung Quốc ngày nay vốn là khu vực độc lập của nhiều bộ lạc, phân biệt với đất của Trung Quốc phía bắc bởi một miền núi non gọi là Ngũ Lĩnh. Xưa họ gọi Lĩnh Nam là vì thế.

Sau khi nhà Tần cho quân vượt Ngũ Lĩnh tiến xuống Lĩnh Nam, mở được ba quận, rồi Triệu Đà và con cháu tiếp tục mở rộng, cho đến khi nhà Hán diệt nhà Triệu năm 111 TCN, thiết lập các quận huyện, thì toàn bộ khu vực này mới thuộc về Trung Quốc.

Lĩnh Nam được đặt tên chính thức là Giao Chỉ bộ, sau đổi là Giao Châu, thời Đông Ngô lại tách thành Giao Châu và Quảng Châu. Từ lúc này Giao Châu gồm ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.

Sử sách Việt Nam và Trung Quốc từ thời Đường trở về sau phần lớn đều coi Giao Châu, gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thời trước đều ở trên địa bàn Việt Nam ngày nay, trải theo thứ tự Giao Chỉ ở miền bắc, Cửu Chân ở bắc trung bộ, Nhật Nam ở trung trung bộ hoặc kéo dài đến nam trung bộ.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ các bộ sử, nhất là soạn trước thời Đường, chúng ta có thể nhận ra sự thật không phải như vậy.

Xin đưa ra vài căn cứ.

– Theo Hậu Hán thư, quyển 76, phần Nhâm Diên truyện thì Thái thú Cửu Chân là Nhâm Diên cùng với Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang có công giáo hóa dân Di dần theo lễ nghĩa. “Phong tục Hoa Hạ ở Lĩnh Nam bắt đầu từ hai viên quận thú này“.

Các quận Giao Chỉ và Cửu Chân nếu ở ở địa bàn Việt Nam thì vừa quá xa về phía nam Ngũ Lĩnh, diện tích lại nhỏ hơn hẳn khu vực Lưỡng Quảng, thì dẫu có miễn cưỡng xếp vào cõi Lĩnh Nam cũng không thể coi là đại diện cho Lĩnh Nam như thế được.

–  Theo Hậu Hán thư, quyển 23, phần Quận quốc chí – ngũ:

Quận Giao Chỉ thành lập thời Hán Vũ đế (143tr.CN-87tr.CN), tức là nước của An Dương Vương, cách Lạc Dương 1 vạn 1 ngàn dặm về phía Nam, gồm 12 thành: Long Biên, Liên Lâu, Yên Định, Câu Lậu, Mi Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Chu Diên, Phong Khê, đặt ra vào năm thứ 19 niên hiệu Kiến Vũ [43]; Vọng Hải, được lập vào năm thứ 19 niên hiệu Kiến Vũ [43].

Quận Cửu Chân lập thời Vũ đế, cách Lạc Dương 11.050 dặm, gồm 5 thành (46.513 hộ, 209.914 khẩu): Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công, Vô Biên.”

Khoảng cách dù được tính theo cách nào thì cũng không thể có con số chênh lệch giữa Giao Chỉ và Cửu Chân nhỏ như thế, nếu hai quận này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam.

–  Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, phần Nam Việt Úy Đà Liệt truyện, và theo Hậu Hán thư, quyển 83, phần Nam man truyện, ban đầu nhà Hán chia Nam Việt làm chín quận. Trong đó quận Châu Nhai tức là khu vực đảo Hải Nam. Về sau nhà Hán phải bỏ quận này vì không quản được. Hải Nam chỉ cách đất liền Quảng Đông qua một eo biển rộng khoảng 20km, đứng trong bờ có thể nhìn thấy, nếu không quản được trong khi lại quản được đến đến miền nam Trung Bộ Việt Nam thì rất vô lý.

– Theo Hậu Hán thư, quyển 86, phần Nam man truyện: “Năm Vĩnh sơ nguyên niên (107) đời An đế, người man di Dạ Lang ở ngoài biên Cửu Chân đem đất xin nội thuộc“. Cũng theo sách này, phần Nhâm Diên truyện, có đoạn chép lúc Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân: “Bởi vậy, những nơi man di ngoài cõi như nước Dạ Lang cùng mộ nghĩa mà giữ yên quan ải“. Theo đó Cửu Chân có biên giới với Dạ Lang, một xứ mà người ta xác định là ở phía tây tỉnh Quý Châu Trung Quốc ngày nay. Như vậy thì Cửu Chân làm sao lại có thể vừa ở tận phía tây bắc Quảng Tây lại vừa ở bắc trung bộ Việt Nam được.

– Theo Hậu Hán thư, quyển 86, phần Nam man truyện, năm 137 ở Nhật Nam và Cửu Chân có loạn Khu Liên. Nhà Hán tính cử binh đánh dẹp, nhưng có viên quan là Lý Cố dâng kế sách chiêu dụ. Nội dung thư có đề cập: “Hiện giờ Nhật Nam quân mỏng lương hết, thủ còn không đủ, chiến càng chẳng nên. Khá cho dời tất cả lại dân lên phía bắc dựa vào Giao Chỉ, sau khi việc yên ắng lại quay về bản quán“. Cứ theo nội dung này thì Nhật Nam không chỉ tiếp giáp Cửu Chân mà còn phải tiếp giáp phía nam của Giao Chỉ, tức là không có một quận Cửu Chân dài hàng trăm km xen vào giữa. Lại một cơ sở ngược với nhận thức ngày nay về vị trí ba quận này ở Việt Nam.

– Theo Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên: “Năm Kiến An thứ 16, nhà Ngô sai Bộ Chất người ở Lâm Hoài làm Thứ sử Giao Châu, đem 400 vũ lại đi Giao Châu, đường sá không thông. Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự, người quận Trường Sa, có 5000 quân. Chất có ý nghi ngờ Cự, trước sai sứ đến truyền bảo Cự. Cự đón Chất ở Linh Lăng, Chất vào được châu. Cự đã tiếp nhận Chất, sau đó lại hối. Chất nghĩ mình ít quân, e không tồn tại được. Cự có Đô đốc là Khu Cảnh, dũng cảm mưu lược ngang với Cự, được kẻ sĩ nghe theo. Chất ghét, ngầm sai người mời Cự. Cự đến nói với Cảnh, chớ có tới chỗ Chất. Chất mời mãi, Cảnh lại đi, liền bị Chất chém chết cả hai ở sân giữa trước nhà làm việc, đem đầu bêu cho mọi người biết“.

Vị trí của quận Thương Ngô đã được biết tương đối rõ, là phần đất Quảng Tây giáp giới với Quảng Đông, và có một phần nay là đất Quảng Đông. Nếu Bộ Chất vào trị sở Giao Châu phải đi qua địa bàn Thương Ngô của Cự, rồi hai bên qua lại được với nhau như thế chứng tỏ khá gần. Vậy thì trị sở Liên Lâu của Giao Châu không thể ở xuống phía nam đến đất Việt Nam.

–  Theo Tam Quốc Chí của Trần Thọ, phần Sĩ Nhiếp truyện, thì khi Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Chỉ đã từng được nhà Hán phong làm “Tuy Nam Trung lang tướng, cai quản bảy quận”. Đến khi có cục diện Tam Quốc, Sĩ Nhiếp dẫn dụ các họ lớn ở Ích Châu là bọn Ung Khải đem cả dân chúng trong quận sang quy phục phía Đông Ngô.

Nếu địa bàn Giao Chỉ ở khu vực Việt Nam ngày nay thì Sĩ Nhiếp không thể có khả năng can thiệp được xa về phía bắc như thế.

– Luy Lâu, nơi Sĩ Nhiếp đóng từng là trị sở chung của Giao Châu, gồm cả 7 quận Lĩnh Nam. Xét về lý lẽ tự nhiên, nhà Hán và nhà Đông Ngô không thể đặt trị sở ở phía đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam để quản lý toàn bộ khu vực Lưỡng Quảng. Ngoài ra, như thế thì trị sở lại rất xa kinh đô liên lạc bất tiện, hoàn toàn không hợp lý.

Như vậy, rõ ràng đã có hai hệ thống chứng cứ mâu thuẫn với nhau.

Tức là chúng ta buộc phải thừa nhận rằng một trong hai hệ thống chứng cứ nói trên sẽ phải là chứng cứ giả.

Xét về mặt logic thì hệ thống chứng cứ ủng hộ cho nhận định Giao Châu ở thời Hán ở trên đất Lưỡng Quảng là không thể làm giả được. Vậy thì các chứng cứ Giao Châu thời Hán ở trên đất nay là Việt Nam phải là các chứng cứ giả. Rồi từ đó nảy sinh một sự ngộ nhận có hệ thống.

Một điều may mắn là nhờ các công trình Địa lí học lịch sử ngày xưa, mà trong trường hợp này tôi chủ yếu dùng cuốn Thủy kinh chú, kết hợp với những phương tiện của thời đại ngày nay, vấn đề này sẽ lại càng trở nên rõ ràng, qua đó vén lên nhiều bí ẩn của lịch sử.

Tác giả Thủy Kinh chú là Lịch Đạo Nguyên (466 hoặc 472-527). Ông làm quan cho nhà Bắc Ngụy ở phía bắc Trung Quốc. Ông biên soạn sách này vào khoảng năm 515-527. Lịch Đạo Nguyên dựa vào một tác phẩm có từ trước là Thủy Kinh, mô tả sơ lược 137 con sông, và tham khảo rất nhiều tài liệu để nâng cấp toàn diện, dung lượng gấp 20 lần sách gốc, trình bày 1252 con sông lớn nhỏ.

Lịch Đạo Nguyên mô tả hướng chảy của các con sông từ đầu đến cuối nguồn, đồng thời kết hợp cung cấp các thông tin về văn hóa và lịch sử ở những địa phương chúng chảy qua. Thông tin trong Thủy Kinh chú vì vậy rất phong phú và đặc biệt.

Nội dung Thủy Kinh chú mà tôi đang sử dụng nằm cuốn Thủy kinh chú sớ, Nguyễn Bá Mão dịch, Nxb Thuận Hóa & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, xb2005. Thủy kinh chú là phần in chữ đậm nằm rời rạc trong cuốn sách này, phần còn lại gọi là phần sớ, do Dương Thủ Kính và Hùng Hội Trinh mới viết vào khoảng cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20. Trường hợp dẫn Thủy Kinh chú, tôi sẽ ghi chú ngay bên cạnh, thí dụ [Thủy Kinh chú, trang 432]. Bản điện tử sách này có sẵn trên internet, các bạn có thể dùng để tham khảo, đối chiếu.

Trong Thủy kinh chú, có một điều tưởng như không thể mơ hồ, là phần hạ nguồn của hệ thống sông Tây Giang, gọi là Uất Thủy, thì người ta vẫn tranh cãi là sông này chảy ra biển thì hết, hay người xưa từng có quan niệm ven biển từ Quảng Đông men xuống miền trung Việt Nam cũng là Uất Thủy.

Nhận thức về phạm vi sông Uất Thủy là cơ sở quan trọng giúp định vị các quận huyện xưa trên bản đồ ngày nay, dựa vào mô tả về dòng chảy qua nhiều quận huyện ven sông, trong cuốn sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên.

Sở dĩ có quan niệm lạ lùng rằng dọc bờ biển hàng ngàn cây số từ quận Nam Hải xuống phía nam cũng là sông Uất Thủy, là vì các con sông ở quận Giao Chỉ và Nhật Nam đổ vào sông này. Quả thực, nếu không nghi ngờ gì về vị trí của các quận trên thì người ta chỉ có duy nhất một cách là chấp nhận quan điểm đó.

Thế nhưng thậm chí khi chấp nhận như vậy thì sự lần tìm vị trí các huyện thành vẫn nhiều chỗ mâu thuẫn và bế tắc. Điều đó thể hiện qua ghi nhận của Đào Duy Anh sách Đất nước Việt Nam qua các đời, về kết quả của ông và của một số người đi trước như Đặng Xuân Bảng, C.L.Madrolle, H.Maspéro, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh. Trong phần dưới đây tôi cũng chỉ ra một số điểm cho thấy trường phái “ven biển” này là không thể chấp nhận được.

Sự bế tắc là do người ta ngộ nhận về vị trí các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Thực ra các quận này vốn ở phía Lưỡng Quảng chứ không phải ở phía Việt Nam.

Trong Thủy Kinh chú, vài phần nằm trong các chương 36 và 37, 40 chứa đầy mâu thuẫn và thiếu sót. Nhiều chỗ đã bị cắt ghép sửa chữa để củng cố cho sự ngộ nhận nói trên. Như vậy, họ đã lợi dụng vài phần trong công trình địa lý học lịch sử này để phục vụ một vụ nhào nặn lịch sử vô tiền khoáng hậu.

Ở bài này tôi sẽ chắp nối lại các mảnh thông tin bị cắt nhỏ trong Thủy Kinh chú, kết hợp với một số nguồn khác, để xác định vị trí nhiều huyện thành. Quá trình này tất yếu sẽ bác bỏ trường phái “ven biển”, đồng thời chứng minh được nhận định của tôi về vấn đề Thủy Kinh chú đã bị sửa chữa. Kết hợp, tôi xử lý vài vấn đề khác, như đã nêu ở tiêu đề bài viết.

I. Thử xác định vị trí một số quận huyện trên đất Lĩnh Nam thời Hán

Hình 1:  Bản đồ sơ lược hệ thống sông Tây Giang, còn gọi là sông Uất Thủy

 Chúng ta hãy xem xét ghi chép trên Thủy Kinh chú về hai con chảy qua quận Giao Chỉ: sông Ôn Thủy và sông Diệp Du.

Sông Ôn Thủy

Sông Ôn Thủy ra từ huyện Dạ Lang, quận Tường Kha. Huyện là nước hầu quốc Dạ Lang xưa”…”Lại chảy đến huyện Quảng Uất, quận Uất Lâm, làm sông Uất Thủy” …”Sông Uất Thủy lại chảy về phía đông, đi qua huyện Cao Yếu”…”Sông Uất Thủy lại chảy về phía nam đi qua phía tây quận Nam Hải. Lại đi về phía nam, bên phải nạp nước của ba con sông Tây Tùy“.

Vị trí của nước Dạ Lang xưa ở về phía tây vùng Quý Châu ngày nay. Quận Uất Lâm, huyện Cao Yếu thuộc quận Thương Ngô, và quận Nam Hải đều nằm trên đất Lưỡng Quảng. Vậy dựa vào bản đồ ngày nay (xem hình 1), chúng ta thấy Ôn Thủy chính là sông Beipan. Dòng chảy sẽ được mô tả như sau: Beipan – Hongshui – Quian – Xun – Xi – Zhu.
Đoạn gần của biển, sông Zhu thông với hệ thống sông Tan Jiang bằng vài nhánh nhỏ. Sông Tan Jiang đúng là ở phía tây chảy tới, lại gồm nhiều nhánh hợp lại, nên có thể gọi đó là ba con sông Tây Tùy.

Chúng ta hãy xem xét những đoạn tiếp theo:

Sông Uất Thủy lại chảy về phía nam đi qua sông Tứ Hội Phố, sông này ở trên tiếp với sông Cổ Lang Cứu Phố ở phía tây huyện Lô (Lư) Dung, quận Nhật Nam, cửa Nội Tào Khẩu là nơi Mã Viện vận chuyển lương thực bằng đường thủy. Sông chảy vòng vèo về phía đông nam, thông với hồ Lang, hồ nhận nước của khe Kim Sơn Lang Cứu. Nước khe chảy về phía bắc, ở bên trái hội với hai con sông Lô Dung và Thọ Linh. Sông Lô Dung gom nước ở núi Ẩn Sơn đi vòng quanh phía tây, bao qua phía bắc, rồi lại chảy về phía đông đi qua phía bắc thành Khu Túc, lại chảy về phía đông, hợp với sông Thọ Linh ở bên phải, sông ra từ biên giới huyện Thọ Linh.”…”Huyện ở phía nam thành Khu Túc, phía đông núi Trường Lĩnh, huyện Thọ Linh, vì nước tụ ở đây”…”Núi Ẩn Sơn đi vòng phía đông, đi qua phía nam thành Khu Túc cũ”…”‘Lâm Ấp ký” nói, thành ấy đóng ở khoảng giữa hai con sông, ba phía gần núi, phía nam và phía bắc trông xuống sông, phía để và phía tây có khe suối chảy tụ lại ở dưới chân thành”…”Sông Thọ Linh từ phía nam thành, chảy về phía đông, hợp với sông Lô Dung, lại đi về phía đông chảy vào khe Lang Cứu, nước khe tích lại ở đầm dưới làm thành hồ, gọi là cửa sông ngách Lang Hồ Phố Khẩu.” …”Từ hồ trông về phía nam, thì ngoài thông với huyện Thọ Linh, từ hồ Lang Hồ vào sông ngách Tứ Hội Phố”…”Thứ sử Giao Châu Đàn Hòa Chi dàn quân ở Nhật Nam, sửa văn trị để thu phục người xa. Năm thứ 23 (năm Nguyên Gia thứ 23 tức là năm 447), dương cờ theo sông ngách Tứ Hội Phố vào Lang Hồ, đóng quân ở Khu Túc, tiến sát vây thành”.

Nếu theo thuyết “ven biển” và quan niệm vị trí quận Nhật Nam kéo dài đến Nam Trung Bộ Việt Nam thì đoạn ven biển này dài đến hàng ngàn cây số, vậy nhưng chỉ có sông Tứ Hội Phố ở phía nam đổ vào, các sông ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ không được nhắc đến, đó là một điểm vô lý.
Điểm vô lý thứ hai, nếu tin vào thuyết “ven biển”, là không thể có con sông nào phù hợp với mô tả về sông Lô Dung. Sông này chảy sang phía tây, bao qua phía bắc, rồi lại quành sang phía đông. Địa hình vùng Trung Bộ Việt Nam không thể có con sông như vậy được.

Con sông như được mô tả như trên thì phải là một con sông khá lớn. Trong các sông đổ vào Uất Thủy từ phía nam chúng ta thấy hệ thống sông Yu là lớn, vậy nhưng lại đổ vào khúc phía trên chứ không phải phía ngoài biển. Liệu có khả năng đó đúng là sông Yu, nhưng trong Thủy Kinh chú nó đã bị đặt sai chỗ? Chúng ta thử gắn với các mô tả trong Thủy Kinh chú để xem có phù hợp không.

Trên hình số 2 có thêm con sông Ming Jiang vào số các nhánh tạo thành sông Yu. Con sông này trên thực tế là lớn hơn hẳn hai con sông xuất phát từ phía bắc Việt Nam là sông Bằng và sông Kỳ Cùng, thế nhưng trên bản đồ số 1, đăng trên Wikipedia, thì lại không có.

 

Hình 2: Sông Ming Jiang phía bắc biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Các bạn cũng có thể xem hình số 12 trên bài viết này để rõ hơn.

 

 

Nghĩa là nếu chúng ta tạm coi sông Tứ Hội Phố là sông You – Young – Yu, thì sông Cổ Lang Cứu Phố là sông Zuo (Tả Giang).

Ngược sông Zuo chúng ta sẽ thấy con sông Ming Jiang phù hợp mô tả về sông Lô Dung. Đoạn sông sau khi Ming Jiang hợp với Lijiang chảy qua phía bắc một cái hồ khá lớn là hồ Shuikou, xem hình 3. Có một vị trí phù hợp với các mô tả về vị trí thành Khu Túc, được khoanh màu đỏ trên hình 3. Một là có sông chạy ở phía nam, từ phía đông sang tây ở phía nam, rồi hướng lên phía bắc và quành sang phía đông, đi qua phía bắc điểm đó. Hai là có hồ bên cạnh. Nếu xem trên bản đồ vệ tinh thì sẽ thấy vài con suối quanh đó, đổ vào hồ, rồi từ hồ có suối chảy lên phía bắc đổ vào sông Zuo. Ba là quanh điểm đó có ba mặt là núi. Bốn là bên trái chỗ cửa khe chảy vào sông Zuo thì có hai con sông là Ming jiang và Lijiang hội nhau tạo thành sông Zuo. Năm là dãy núi Thập Vạn Đại Sơn (Shiwan Dashan), nếu xem xét trên bản đồ vệ tinh, cũng phù hợp với mô tả về dãy núi Ẩn Sơn.

Hình 3. Vị trí thành Khu Túc được khoanh màu đỏ

Bỏ qua chỗ khác nhau về vị trí chảy vào sông Uất Thủy, các chi tiết còn lại đều khớp giữa thực tế và mô tả trong Thủy Kinh chú.

Chúng ta sẽ là nhận ra ngay rằng đoạn Thủy Kinh chú trên đã mô tả dựa trên thực tế chứ không hề tưởng tượng, và không thể có một nơi nào khác có thể trùng hợp.
Vấn đề chỉ là ai đó đã sửa văn bản Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên để hướng đến nhận định sai lạc về vị trí của Nhật Nam.

Như vậy, nhờ đã xác định được các con sông Lô Dung và Thọ Linh trên quận Nhật Nam, chúng ta đã biết được một phần của quận Nhật Nam là ở phía nam của Quảng Tây.
Do đó vị trí của quận Giao Chỉ thời Hán, là quận phía bắc của Nhật Nam, sẽ chỉ có thể ở phía Quảng Tây chứ không thể ở miền bắc Việt Nam.

Chúng ta hãy xác định vị trí của Giao Chỉ và Cửu Chân qua mô tả về sông Diệp Du và một số tư liệu khác trước khi xác định vị trí một số huyện thành của cả ba quận này.

Diệp Du Hà

Thủy Kinh chú, chương 37, phần Diệp Du Hà chép:
Sông Diệp Du Hà ở Ích Châu ra từ phía bắc biên giới của huyện ấy, cong theo huyện chảy về phía đông bắc. Huyện là nước Diệp Du Điền Trì xưa. Năm Nguyên Phong thứ 2, Hán Vũ Đế sai Đường Mông mở đất ấy, lấy làm quận Ích Châu. Quận có huyện Diệp Du ở phía tây bắc huyện 80 dặm có núi Điểu Điểu Sơn”…”Sông Diệp Du đi vào phía bắc huyện Tây Tùy quận Tường Kha làm sông Tây Tùy Thủy, lại chảy về phía đông đi qua cửa Tiến Tang Quan. Huyện Tiến Tang là lị sở của Đô úy miền nam quận Tường Kha. Trên sông có cửa quan nên gọi là Tiến Tang Quan. Cho nên Mã Viện nói: theo đường sông Mi Linh ra vương quốc Tiến Tang đến huyện Bôn Cổ Ích Châu, việc vận chuyển thông suốt tiện lợi, có lẽ là con đường mà binh xa vận chuyển phải đi qua”…”Sông Diệp Du lại chảy về phía đông nam vượt qua sông Ôn Thủy, rồi đi về phía đông nam chảy vào quận Giao Chỉ
Sử ký của Tư Mã Thiên, quyển 116: Tây nam di liệt truyện cho biết rằng khi Điền Vương đem cả nước xin hàng thì nhà Hán đặt nước này thành quận Ích Châu. Đây là khu vực quanh Điền Trì, tức là Côn Minh ngày nay. Phân biệt với Ích Châu ở vùng Tứ Xuyên, đó là một châu gồm nhiều quận.
Vậy chúng ta có thể thấy con sông Diệp Du chảy vòng trong địa phận quận Ích Châu rồi chảy lên phía đông bắc và gặp sông Ôn Thủy (như đã chỉ ra ở trên thì Ôn Thủy là Beipan), thì đó phải là sông Nanpan. Có một đoạn ngắn, sông Nanpan ngoặt lên phía bắc trước khi gặp Beipan, đã không được nhắc đến.

Qua phía bắc huyện Mi Linh quận Giao Chỉ chia làm 5 con sông, chằng chịt trong quận Giao Chỉ, đến địa giới phía đông thì hợp trở lại làm 3 con sông, chảy về phía đông ra biển” …
Hai con sông phía bắc thì Tả Thủy chảy về phía đông bắc, đi qua phía nam huyện Vọng Hải. Năm Kiến Vũ thứ 19, Mã Viện đánh Trưng Trắc, lập huyện này. Lại chảy về phía đông đi qua phía bắc huyện Long Uyên, lại chảy về phía đông, hợp với sông Nam Thủy. Sông đi từ phía đông huyện Mi Linh, đi qua phía bắc huyện Phong Khê”…”Sông Nam Thủy lại chảy về phía đông đi qua hồ Lãng Bạc, Mã Viện cho rằng chỗ đất này cao, từ Tây Lý tiến về đóng đồn ở đây. Lại chảy về phía đông, đi qua phía nam thành cũ huyện Long Uyên, lại chảy về phía đông hợp với sông Bắc Thủy ở bên trái. Năm Kiến An thứ 23, lúc mới lập châu, thuồng luồng cuộn khúc ở hai bờ nam, bắc, vì vậy đổi tên, gọi là Long Biên“.

Xem xét từ chi tiết sông Diệp Du vượt qua sông Ôn Thủy chúng ta sẽ thấy dấu hiệu bất thường. Đó thực chất là hai sông gặp nhau, như vậy thì dòng chảy sau đó phải là một, tuy nhiên ghi chép ở trên cho thấy đó lại là hai dòng chảy khác nhau. Dòng chảy của sông Diệp Du đi qua Giao Chỉ rồi ra biển, không thấy liên quan gì đến phía Thương Ngô và Nam Hải.

Vì cho rằng Giao Chỉ ở phía Bắc Bộ Việt Nam nên người ta tìm cách giải thích phần hạ du Diệp Du Hà là sông Hồng, và tìm cách áp các con sông được mô tả trong phần này vào các con sông ở Bắc Bộ. Tuy rằng điều đó tỏ ra rất khiên cưỡng, lại còn phần đầu nguồn sông Hồng không giống như mô tả về sông Diệp Du.

Với việc chỉ ra Giao Chỉ không phải ở Bắc Bộ Việt Nam thì có thể kết luận rằng nội dung phần đó cũng bị làm sai lệch, với mục đích củng cố cho sự ngộ nhận về vị trí Giao Chỉ mà thôi.

Trên dòng chảy sông Diệp Du không cho thấy có chỗ nào sông này chia làm năm con sông cả. Vậy thì nó chỉ có thể là một trong số đó.

Theo mô tả ở trên thì thấy có hai con sông phía bắc là Tả Thủy và Bắc Thủy. Đã có Tả Thủy ắt có Hữu Thủy. Theo quan niệm về tả hữu theo chiều từ phía đông đi vào thì Hữu Thủy ở phía bắc Tả Thủy, như vậy hóa ra phải có ba con sông phía bắc chứ không phải hai. Trường hợp này chỉ có thể giải thích là Tả Thủy gặp Hữu Thủy thành Bắc Thủy, rồi sang phía đông thì gặp Nam Thủy.

Đến đây thì có vẻ giống đoạn từ sông Hongshui đi về phía đông bắc gặp sông Liu thành sông Qian, rồi chảy hướng đông nam gặp sông Yu. Tức là Nam Thủy có thể là sông Yu, mà đoạn phía trên là Yong.

Ở trên có chi tiết đáng chú ý về sông Nam Thủy, là Mã Viện từng tiến quân đánh Trưng Trắc bằng con đường ngược theo sông này và đánh nhau ở hồ Lãng Bạc trên sông, nơi này đã gần huyện Mi Linh của Trưng Trắc. Trên sông Yu, đoạn phía trên Hoành Châu cũng có một vùng hồ lớn, hướng sông chảy qua cũng giống mô tả của Thủy Kinh chú. Nếu chúng ta tìm thấy thông tin Mã Viện cũng ngược sông Yu để tiến quân, thì Nam Thủy là sông Yu và vùng hồ nói trên chính là hồ Lãng Bạc.

Theo Lê Quý Đôn chép trong sách Bắc sứ thông lụcquyển hạ, thì trên đường đi sứ về bằng đường sông đến đoạn Hoành Châu sứ đoàn có dừng lại thăm miếu Mã Viện: “Giờ Mùi đi qua thác Ngũ Hiểm ở đê Long Môn, đến bái yết miếu Phục Ba“. Người dịch sách này còn trích sách Hoành Châu chí để chú thích như sau: “Miếu Phục Ba ở bến Ô Man. Khi Phục Ba tướng quân Mã Viện đời Hán đem quân tiến đánh Giao Chỉ đã trú binh ở đây, người đời sau lập miếu thờ tự ông“.

Hình 4: Khu vực hồ phía trên Hoành Châu. Đây là hồ Lãng Bạc, nơi quân của Trưng Vương và Mã Viện đã chiến đấu trong một năm trời

 

Như vậy thì đúng Nam Thủy là sông Yu, Bắc Thủy là sông Qian, Tả Thủy chính là sông Hongshui, là dòng chảy của sông Diệp Du.

Từ đây chúng ta xác định được vị trí của Long Biên, là ngã ba sông ở Quế Bình. Huyện này nằm giữa hai con sông.

Quận Giao Chỉ quanh khu vực này.

Hậu Hán thư, quyển 86 – Nam man, tây nam di liệt truyện, cho biết một chi tiết liên quan đến quan hệ vị trí giữa Giao Chỉ và Nhật Nam. Năm 137 có loạn Khu Liên ở Nhật Nam và Cửu Chân, viên quan nhà Hán là Lý Cố đề nghị tạm thời di dời tất cả lại dân ở Nhật Nam lên phía bắc để dựa vào Giao Chỉ, sau khi việc yên ắng lại quay về. Vậy thì Giao Chỉ không chỉ ở về phía nam mà có liền kề với Nhật Nam.

Tam Quốc Chí – Sĩ Nhiếp truyện, có chép bức thư vua Hán gửi Sĩ Nhiếp, có đoạn: “Giao Chỉ là cõi xa xôi cách tuyệt, phía nam liền tới sông bể…”. Như vậy quận Giao Chỉ phía nam tới phía biển.

Quận Nhật Nam ở phía tây nam Giao Chỉ. Ở gần cửa sông Zuo, có một dãy núi và hồ khá dài, phù hợp làm ranh giới. Tôi sẽ làm rõ hơn chi tiết này ở phần xác định vị trí huyện Lô Dung

Quận Cửu Chân cũng ở về phía bắc Nhật Nam. Hậu Hán thư, quyển 86, phần Nam man truyện cho biết năm Vĩnh Sơ nguyên niên (năm 107), người man di Dạ Lang ở ngoài biên Cửu Chân đem đất xin nội thuộc. Mà Dạ Lang là miền phía tây nam Quý Châu, vậy thì Cửu Chân phải ở về phía tây bắc Quảng Tây. Một chứng cứ khác củng cố cho nhận định này là trong Tấn thư – Đào Hoàng truyện, cho biết quân nhà Tấn từ đất Thục mà họ mới chiếm được, ở vùng Tứ Xuyên và Quý Châu, đã dựa vào quân của Thái thú Cửu Chân là Đổng Nguyên để đánh xuống Giao Chỉ. Tức là Cửu Chân nằm giữa Giao Chỉ và đất Thục.

Nam Hải là quận phía đông bắc, bao gồm thành Phiên Ngung, tức là thành phố Quảng Châu ngày nay.

Hợp Phố là quận phía nam của Nam Hải. Mà ranh giới hợp lý nhất chính là sông Châu Giang, hay là sông Uất Thủy. Nhiều sử liệu cho biết quân triều đình Trung Quốc thường tiến xuống Hợp Phố rồi vào Giao Chỉ. Thời Lưu Tống, quân của Lư Tuần chiếm Quảng Châu, đột kích phá Hợp Phố rồi tiến thẳng vào Giao Châu bằng đường sông, thì sông đó phải là Uất Thủy. Tức là đúng Hợp Phố ở phía hạ du sông này, ra phía biển.

Uất Lâm là quận mà sông Ôn Thủy đi qua trước khi đến Thương Ngô, rồi đến Nam Hải. Vậy Uất Lâm nằm giữa Cửu Chân và Thương Ngô, nằm ở phía bắc quận Giao Chỉ.

Trường phái “ven biển” căn cứ vào một đoạn trong Thủy Kinh chú [trang 794] chép rằng: “Sông Cân Giang từ huyện Long Biên của quận Giao Chỉ, chảy về phía đông bắc đến phía đông huyện Lĩnh Phương quận Uất Lâm, vào sông Uất” để nhận định rằng đó là sông Lijiang. Tức là huyện Long Biên không chỉ ở phía sông Hồng mà còn kéo dài đến phía Lạng Sơn, còn quận Uất Lâm chiếm gần hết Quảng Tây.

Xem trên hình số 2, với khu vực Long Biên chúng ta đã xác định được, thì thấy đó là con sông chảy về phía đông bắc vào sông Qian. Huyện Lĩnh Phương đối diện với cửa sông đó, cho nên gọi là sông đổ vào huyện Lĩnh Phương. Vậy thì sông Qian chính là ranh giới giữ hai quận Giao Chỉ và Uất Lâm. Có thể cả đoạn từ phần dưới của sông Hongshui đến sông Qian và sông Xun là ranh giới hai quận này.

Thương Ngô kề bên Nam Hải và Uất Lâm. Vậy địa bàn quận này ở mé đông bắc Quảng Tây và phía tây của Quảng Đông. Xét quận Uất Lâm có đến 12 huyện, trong đó có huyện Quế Lâm, mà quận Nam Hải chỉ có 7 huyện, thì địa bàn Thương Ngô hẳn phải lệch sang phía Quảng Đông nhiều hơn.

Hình 5: Vị trí các quận trên bản đồ

 

Xác định vị trí một số huyện thành của Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.

Vì các chi tiết trong sử liệu Trung Quốc thường thiếu thống nhất và nhiều chi tiết bị làm sai lệch, mà trường hợp Thủy Kinh chú là một điển hình, nên việc dựa vào trực giác và suy luận hợp lý để chọn những mảnh chi tiết, trong khi lại bỏ các chi tiết khác, là điều bắt buộc.

1. Quận Giao Chỉ.

Quận Giao Chỉ thời Đông Hán có 12 thành, tức là 12 huyện, là: Long Biên, Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mi Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Chu Diên, Phong Khê, Vọng Hải.

– Huyện Long Biên
Vị trí huyện Long Biên đã được xác định. Huyện này nằm ngay phía tây chỗ giao nhau của sông Qian và sông Yu.

– Huyện Mi Linh
Huyện Mi Linh cách Long Biên bằng một huyện ở giữa, mà theo đoạn Thủy Kinh chú ở trên thì đó là huyện Phong Khê. Hồ Lãng Bạc thì chúng ta đã xác định được là ở đoạn Hoành Châu. Ngược sông, cùng bên mé sông với huyện Long Biên, có một khu vực bằng phẳng và rộng, là thủ phủ Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây ngày nay, từ đây ngược sông You để vào Cửu Chân, ngược sông Zuo để vào Nhật Nam đều tiện, rõ ràng là nơi thích hợp nhất để Trưng Vương đóng đô. Lại xét về lộ trình từ Mi Linh qua một huyện thì đến đến hồ Lãng Bạc, cũng phù hợp để kết luận Mi Linh ở quanh khu vực Nam Ninh.

– Huyện Tây Vu, huyện Phong Khê, huyện Vọng Hải.
Tây Vu cùng với Phong Khê và Vọng Hải vốn cùng một khối, là huyện Tây Vu cũ, do rộng quá nên nhà Đông Hán tách làm ba huyện.
Do sông Hongshui đi qua phía nam Vọng Hải, sông Yu đi qua phía bắc Phong Khê, vậy thì Tây Vu phải là huyện ở giữa hai sông này.
Tuy nhiên ở đây chút bất hợp lý. Đó là khu đất giữa hai con sông Tả Thủy (Hongshui) và Nam Thủy (Yu) rất lớn, nếu như chỗ đất này là huyện Tây Vu còn lại thì có vẻ không đáp ứng được mục đích chia nhỏ để dễ quản.

Một đoạn Thủy Kinh chú [trang 431, 432] chép: “Con sông thứ ấy chảy về phía đông đi qua phía nam huyện Phong Khê, lại chảy về phía tây nam đi qua phía nam huyện Tây Vu“. Theo trích dẫn Thủy Kinh chú của Đặng Xuân Bảng (Sử học bị khảo, xb1997, trang 307) thì: “con sông nhánh của nó chảy thẳng qua huyện Phong Khê, lại chảy về phía tậy nam, đi qua huyện Tây Vu“. Mà hướng chảy tây nam thì lại không thể là sông Hongshui hay Yu, như vậy thì Tây Vu và Phong Khê và cả con sông ấy phải cùng nằm giữa sông Hongshui và sông Yu mới hợp lý.
Xem trên bản đồ khu vực Tây Vu, xem hình 6, thì quả có con sông Wuming đoạn dưới có hướng chảy về phía tây nam, vậy đó chính là con sông nói trên. Huyện Phong Khê vì gần huyện Long Biên nên chếch về phía đông, huyện Tây Vu ở về phía tây. Như vậy phù hợp với bản Thủy Kinh chú mà Đặng Xuân Bảng trích dẫn, theo đó thì phần chảy qua Phong Khê là nhánh phía đông, hợp với nhánh phía tây tại Vũ Minh (Wuming)

Tức là đã có sự chép lẫn giữa Phong Khê và Vọng Hải.
Lẽ ra phải là: Sông Tả Thủy đi qua phía bắc huyện Phong Khê, sông Nam Thủy đi qua phía nam huyện Vọng Hải. Tên Vọng Hải được đặt cho huyện phía ngoài rõ ràng hợp lý hơn.

Vậy thì cả huyện Tây Vu cũ đều nằm ở vùng đất giữa sông Hongshui và sông Yu. Sau khi chia tách thì Phong Khê lệch về phía bắc, Vọng Hải lệnh về phía nam, còn Tây Vu, như tên gọi, vẫn lệch về phía tây của hai huyện trên.

Hình 6: Sông Wuming, chảy từ phía nam huyện Phong Khê

 

– Huyện Khúc Dương

Thủy Kinh chú cho biết sau khi sông Bắc Thủy và Nam Thủy hợp nhau ở Long Biên thì “Sông ấy lại chảy về phía đông, đi qua huyện Khúc Dương“. Vậy thì huyện này ở ngay phía ngoài Long Biên.

– Huyện An Định

Xét một đoạn Thủy Kinh chú [trang 432,433] trong mục Diệp Du Hà như sau: “”Lâm Ấp ký” nói: từ Giao Chỉ đi về phía nam có sông ngách Đô Quan Tái Phố chảy ra. Con sông này từ phía đông huyện đi qua huyện An Định, phía bắc kèm sông Trường Giang, ở trong sông Trường Giang có chiếc thuyền đồng do Việt Vương đúc, lúc nước triều xuống người ta có thấy chiếc thuyền ấy. Con sông Trường Giang ấy lại chảy về phía đông, cách sông có thành Nê Lê, nói thành này do A Dục Vương xây”.

Phía nam quận Giao Chỉ sát biển, có một con sông là Nanliu từ phía đông chảy sang. Con sông Nanliu này đúng là phía bắc cạnh một sông khác, sông Beiliu. Vậy thì đúng sông Nanliu là Đô Quan Tái Phố, mà Beiliu là sông Trường Giang. Lưu ý, Đô Quan Tái Phố nghĩa là một cảng sông lớn biên viễn, còn Trường Giang nghĩa là sông dài, việc coi đó là danh từ riêng thuộc về quan điểm của người dịch. Sông Nanliu khá rộng và độ dốc thấp, phù hợp làm đường thông ra biên giới ven biển phía nam, nên họ gọi Đô Quan Tái Phố là hợp lý.

Sông chảy Nanliu chảy từ mé đông và đi qua huyện và đổ vào biển ở phía nam, tức là huyện hơi lệch về phía tây nam sông. Khu vực An Định quanh Bắc Hải và Khâm Châu ngày nay.

Truyền thuyết thành Nê Lê do A Dục Vương (TK3 TCN) xây, ít nhất cũng cho thấy ảnh hưởng của người Ấn Độ đến phía nam Trung Quốc theo con đường qua cửa khẩu này là rất sớm.

 

Hình 7: Sông Nanliu được tô màu xanh, đoạn nối gần nhất giữa Nanliu và Beiliu được tô màu đỏ.



– Huyện Câu Lậu

Lê Quý Đôn trên đường đi sứ về đến Quảng Tây thì có gặp và đàm đạo với viên Khâm mệnh đề đốc học chính Chu Bội Liên. Nội dung này được chép trong sách Bắc sứ thông lục, có đoạn như sau: “Về núi Câu Lậu, các ghi chép cổ có chỗ nói ở huyện Dung, có chỗ nói ở bản quốc, chưa biết ai đúng ai sai, nhưng [đều thuộc đất] Giao Chỉ xưa. Cát Hồng nhà Hán nghe nói Giao Chỉ có vị thuốc chu sa nên xin làm huyện lệnh ở đó. Chuyện này không phương hại đến thuyết đoán rằng núi Câu Lậu ở huyện Dung. Nhưng hiện nay bản quốc có núi Câu Lậu. Bởi vậy việc này nên để tồn nghi“.

Có thể thấy Giao Chỉ cho đến thời kỳ Lịch Đạo Nguyên, đầu thế kỷ 6, không ở phía Việt Nam, do đó tên núi Câu Lậu ở Việt Nam chỉ là đặt sau.
Phía bắc thành phố Bắc Lưu (Beiliu) có thôn Câu Lậu, động Câu Lậu, núi Câu Lậu. Huyện Dung vẫn còn đó, nằm trong địa cấp thị Ngọc Lâm (Yulin).

Vậy thì huyện Câu Lậu thuộc khu vực Ngọc Lâm ngày nay.

Hình 8: Các khu vực thuộc Quảng Tây ngày nay.

– Huyện Liên Lâu

Liên Lâu thời Hán từng là trị sở của miền Lĩnh Nam, tức là cả bảy quận của Giao Châu cũ, thời đó chưa chia tách thành Giao Châu và Quảng Châu.
Trị sở Giao Châu từng xê dịch giữa Phiên Ngung, Quảng Tín và Liên Lâu. Phiên Ngung và Quảng Tín khá gần nhau, vậy thì khu vực đó phù hợp để quản lý Lĩnh Nam, vậy rất ít khả năng Liên Lâu cách quá xa. Khi Bộ Chất được bổ làm Thứ sử Giao Châu, y đã vào châu nhưng vẫn e ngại thế lực của viên Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự, nên mời Cự đến chơi rồi bắt lấy [Thủy Kinh chú, tr487]. Chứng tỏ Liên Lâu rất gần Thương Ngô. Thành Liên Lâu dĩ nhiên phải nằm bên sông Uất Thủy.
Khoảng giữa thành phố Ngô Châu thuộc Thương Ngô xưa đến ngã ba sông ở Quế Bình, tức là Long Biên xưa, có một điểm tụ cư khá lớn phía bờ nam sông, đó là lị sở huyện Đằng (Tangxien), trước gọi là Đằng Châu, cũng thuộc địa cấp thị Ngô Châu.
Vị trí này rất tiện lợi về giao thông. Đây là một ngã ba sông, nơi con sông Beiliu (Bắc Lưu) từ phía nam quận chảy lên.

Ngược sông Beiliu xuống phía nam, đến khu vực nay là thành phố Beiliu (Bắc Lưu), thì đã đến gần một con sông khác là sông Nanliu (Nam Lưu), cũng tức là sông Đô Quan Tái Phố. Có thể nói rằng hai con sông này bên cạnh nhau, nên ở đoạn trên mới có mô tả sông Đô Quan Tái Phố phía bắc kèm sông Trường Giang, tuy vậy hướng chảy lại ngược nhau. Sông Nanliu đổ vào vịnh Bắc Bộ.

Trên hình minh họa số 7 cho thấy con đường từ phía tây và nam ven vịnh Bắc Bộ đi lên nếu ngược Nanliu thì chỉ cần chuyển qua một quãng đường bộ rất ngắn, chừng hơn 10km, ở hai đầu nay là thành phố Ngọc Lâm (Yulin) và thành phố Bắc Lưu (Beiliu) là có thể theo sông Beiliu lên Đằng Châu bên sông Uất Thủy. Đây cũng tức là con đường từ biển vào, đi qua An Định và Câu Lậu. Ngay cả lên Quảng Châu thì đi con đường này với các bến sông hai bên sẽ còn tiện hơn việc vòng biển qua bán đảo Lôi Châu.

Với vị trí này thì có thể Đằng Châu chính là Liên Lâu xưa.

Thủy Kinh chú [trang 432] chép: “Sông Kinh Thủy ra từ núi cao huyện Long Biên, chảy về phía đông nam vào huyện Kê Từ

Hình 9: Vị trí được tô màu đỏ thuộc huyện Kê Từ, đối diện cửa sông Kinh Thủy


Xem trên bản đồ số 2 và 9, với huyện Long Biên đã được xác định là góc giữa hai con sông Qian và Yu, thì sông Kinh Thủy là con sông chảy qua vị trí Yunbiao rồi đổ vào sông Yu, vùng đất trực diện với cửa sông chính là huyện Kê Từ.

– Huyện Bắc Đái

Thủy Kinh chú chép một đoạn như sau [trang 432, 433]: “Con sông thứ ấy chảy về phía đông đi qua phía nam huyện Phong Khê, lại chảy về phía tây nam đi qua phía nam huyện Tây Vu, lại chảy về phía đông đi qua phía bắc huyện Liên Lâu, lại chảy về phía đông đi qua phía nam huyện Bắc Đới, lại chảy về phía đông đi qua huyện Kê Từ, có sông Kinh Thủy chảy vào sông ấy. Sông Kinh Thủy ra từ núi cao huyện Long Biên, chảy về phía đông nam vào huyện Kê Từ, chảy vào sông Trung Thủy. Sông Trung Thủy lại chảy về phía đông, đi qua phía nam huyện Liên Lâu“.
Ý đầu tiên là về “con sông thứ ấy”, như chúng ta đã thấy ở phần về huyện Tây Vu, Phong Khê và Vọng Hải. Đó là con sông Wuminh. Tác giả gán vào luôn đoạn sau là dòng chảy mà nó nhập vào, là You, Young…

Sông Trung Thủy và huyện Kê Từ chúng ta tạm xác định ở phần trên.
Bờ phía bắc đã được tiếp nối Mi Linh, Vọng Hải, Long Biên. Mặt khác, việc mô tả dòng chảy thông nhất theo một bờ thì hợp lý hơn.Tức là theo bờ nam thì sông đi qua huyện Bắc Đới rồi đến huyện Kê Từ. Như vậy huyện Bắc Đới có thể nằm ngay phía dưới hồ Lãng Bạc. Sông thực tế đi qua phía bắc huyện Bắc Đới chứ không phải phía nam.

– Huyện Chu Diên

Ở đoạn mô tả trên, huyện Liên Lâu được nhắc tới hai lần gián đoạn trên dòng chảy của con sông này, là điều vô lý. Mặt khác, chúng ta đã chỉ ra là huyện Liên Lâu ở phía ngoài mới hợp lý. Vậy thì chỗ đầu tiên chép là Liên Lâu đó có thể là một huyện khác, nhưng bị tráo tên. Đó có thể là huyện còn lại chưa được xác định, huyện Chu Diên. Vị trí này phía trên huyện Bắc Đới, như vậy thì đối diện với huyện Mi Linh qua sông Young.

Thủy Kinh chú [trang 424] còn cho biết con trai Lạc tướng Chu Diên tên là Thi Sách lấy con gái Lạc tướng Mi Linh tên là Trưng Trắc.

Trưng Trắc là một người đàn bà mạnh mẽ bà và có vị thế lớn ở Mi Linh, không giống một người con gái cam phận lấy chồng xa. Có lẽ hai vợ chồng ở cùng một chỗ và quản cả hai huyện.

Vậy thì có thể cho rằng Chu Diên ở kề về phía nam của Mi Linh, cách con sông Yuong.

Như vậy tôi đã tạm xác định được vị trí 12 huyện của quận Giao Chỉ.

2. Quận Cửu Chân

Theo Hậu Hán thư thì quận Cửu Chân thời Đông Hán có 5 huyện là: Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công, Vô Biên.

Khá ít thông tin về các con sông đi qua quận Cửu Chân, mặc dù nhìn trên bản đồ thì sự thật không phải như vậy. Ví dụ phần về sông Diệp Du, Thủy Kinh chú chép [trang 421]: “Sông Diệp Du lại chảy về phía đông nam, vượt qua sông Ôn Thủy, rồi đi về phía đông nam chảy vào quận Giao Chỉ“.
Đoạn này không những bỏ qua khúc ngoặt phía trước khi Diệp Du [Nanpan] gặp Ôn Thủy [Beipan], mà phần tiếp theo là sông Hongshui rất dài thì phần chảy qua Cửu Chân đã bị cắt hết. Dĩ nhiên mục đích cắt bỏ là che giấu việc quận Cửu Chân ở đó.

Một đoạn Thủy Kinh chú [trang 434, 435] cho biết: Tháng 10 Viện đem binh lính và xe thuyền đi về phía nam, tiến vào quận Cửu Chân, trước thu huyện Vô Công, rồi tiến vào Dư Phát, thủ lĩnh Chu Bá bỏ quận, chạy trốn vào rừng sâu chằm lớn. Viện lại chia quân vào huyện Vô Biên, tức Cửu Chân đình thời Vương Mãng, thủ lĩnh ở đây không hàng, Viện chém đầu vài ngàn cái, quận Cửu Chân mới yên.

Đoạn này, ngay câu đầu tiên, nói là Mã Viện đi về phía nam. Ở trang 418 thì chép: “Năm Kiến Vũ thứ 19 [năm 43], Phục ba tướng quân Mã Viện dâng thư nói: từ Mi Linh ra Bôn Cổ, đánh Ích Châu, thần đem một vạn người Lạc Việt, quân lính chiến đấu trên 2000 người, cung khỏe tên sắc, bắn mấy phát, tên bay ra như mưa, người bị trúng tên nhất định chết, ngu thần cho rằng hành quân bằng con đường này là tiện nhất, vì dùng lợi thế về đường thủy mà nhanh chóng như thần vậy“. Câu này nói đến một khu vực được xác định, là quận Ích Châu, từ Cửu Chân ngược sông You. Con đường Mã Viện di chuyển là ngược sông You, đi về phía tây bắc. Người ta chỉ sửa thành đi về phía nam là làm lạc hướng hết.

– Huyện Tư Phố

Theo thứ tự tên huyện thì có thể cho rằng thành Tư Phố là quận trị của Cửu Chân.

Quận Cửu Chân ở chếch về phía tây bắc, như vậy ở khu vực Hà Trì và Bách Sắc ngày nay. Khu vực Hà Trì gần Quế Lâm và Nam Hải hơn, phải là nơi được chinh phục trước, rồi mới mở rộng dần sang phía tây.

Cả Tiền Hán thư và Hậu Hán thư đều chép tên Tư Phố đầu danh sách các huyện, theo lẽ thường thì quận trị ở đó, và ngay từ đầu. Vậy thì rất có thể thành này ở bên phía Hà Trì. Liệu có khả năng Tư Phố ở quanh thành phố thủ phủ Hà Trì (Hechi) ngày nay?

Theo Hậu Hán thư, phần Quận quốc chí – ngũ, thì khoảng cách từ kinh thành đến quận Giao Chỉ là 11.000 dặm, đến quận Cửu Chân là 11.050 dặm. Khoảng cách suýt soát nhau cho thấy con đường vào Cửu Chân trên tính toán này không phải là ngược Tây Giang đi qua Long Biên trước, rồi lên Cửu Chân, mà đó là con đường từ Quế Lâm (Guilin) sang phía tây, khu vực Liễu Châu (Liuzhou). Từ đây theo đường sông Longjiang thì vào được Hà Trì, mà theo sông Liu xuống được Long Biên, quãng đường sông dài tương đương.

Nếu thành Tư Phố ở sông Hongshui, phía trên huyện Phong Khê thì không hợp lý vì đi bằng con đường nào cũng xa hơn Long Biên khá nhiều.

Vậy có thể huyện Tư Phố là khu vực quanh thành phố Hà Trì thuộc địa cấp thị Hà Trì ngày nay.

– Huyện Vô Công và huyện Dư Phát.
Con đường Mã Viện đưa binh lính xe thuyền từ Mi Linh vào thu phục Cửu Chân là ngược theo sông You, như vừa nói trên. Họ đi thẳng qua huyện Vô Công ở dọc sông, và huyện Dư Phát có lẽ cũng nằm dọc sông You vì lúc này Mã Viện chưa phải chia quân.
Huyện Dư Phát không được nhắc đến trong Hậu Hán thư, vì đã bị bỏ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đây phải là một trung tâm, vì đoạn Thủy Kinh chú ở trên cho biết thủ lĩnh ở Cửu Chân là Chu Bá đóng ở đó.

Xét trên sông You thì phía trên huyện Tây Vu của Giao Chỉ sẽ là huyện Vô Công. Huyện Dư Phát ở phía trên huyện Vô Công. Xét thêm về khoảng cách và địa thế tự nhiên thì khả năng Dư Phát ở quanh thành phố Bách Sắc (Baise), trung tâm vùng Bách Sắc ngày nay.

– Huyện Vô Biên

Huyện Vô Biên là Cửu Chân đình, tức là quận trị thời Vương Mãng, vậy thì khó có thể từ phía thành phố Bách Sắc ngược sông You đi lên.
Thực tế để quản lý chung cả hai khu Hà Trì và Bách Sắc thì đặt quận trị ở bên sông Hongshui là hợp lý nhất.
Nhà cải cách Vương Mãng đã bỏ quận trị ngoài khu vực Tư Phố trên sông Long. Mà quận Vô Biên, như vừa phân tích, thì cũng không nằm trên sông You. Vậy thì sẽ ở bên sông Hongshui. Xét về địa hình thì đặt vào đoạn phía nam khu vực Cửu Chân là hợp lý hơn.

– Huyện Cư Phong
Hậu Hán thư – Mã Viện truyện, cho biết Mã Viện cuối cùng đuổi đến Cư Phong thì hàng phục được Đô Dương, kết thúc cuộc đàn áp, chứng tỏ đây là miền xa xôi tận cùng. Ở phía tây bắc Hà Trì có dãy núi Đô Dương Sơn (Duyang Shan), xem trên bản đồ số 2. Có thể huyện Cư Phong ở quanh khu vực này.

– Huyện Hàm Hoan
Thủy Kinh chú [trang 368, 369] chép:
Kỷ Túc ra từ Phố Dương, sang đò Tiện Châu đến Điển Do, sang đò Cố Huyện đến huyện Hàm Hoan […] Qua đò Trị Khẩu là đến Cửu Đức. […]. “Giao Châu ngoại vực ký” nói: huyện Cửu Đức thuộc quận Cửu Chân, ở phía nam của quận tiếp với Nhật Nam“.
Đây là lộ trình từ phía quận trị Cửu Chân đi về phía giáp Nhật Nam, tức là về phía nam.

Chỗ từ Điển Do qua đò để sang Hàm Hoan có lẽ là trên con đường chính đi qua Dư Phát hoặc Điền Dương (Tianyang) ở khá gần về phía nam. Phía đông bắc sông You đã có các huyện Dư Phát, Vô Công, Tây Vu, Mi Linh, nên phía tây nam sẽ là các huyện Hàm Hoan, Cửu Đức.
Cửu Đức vốn là một lãnh thổ tự trị, theo Thủy Kinh chú [trang 369]. Vì là huyện được đặt sau đời Hán, nên Hậu Hán thư không chép. Khu vực phía tây nam sông You khá rộng, về sau họ mở thêm rồi lập thành quận Cửu Đức.

Xem trên hình số 2 thì đò Trị Khẩu, ranh giới giữa Hàm Hoan và Cửu Đức có thể nằm trên sông Longxu.

3. Quận Nhật Nam

Nhật Nam từ đời Hán đến đời Tấn có 5 huyện là: Tây Quyển, Chu Ngô, Lô Dung, Tượng Lâm, Tỷ Ảnh.
Thời Lưu Tống (420-479), theo Lưu Tống châu quận chí thì Nhật Nam gồm có 7 huyện là: Tây Quyển, Lô Dung, Tượng Lâm, Thọ Linh, Chu Ngô, Vô Lao, Tỷ Ảnh.

Huyện Thọ Linh được tách ra từ huyện Tây Quyển, còn huyện Vô Lao được tách ra từ huyện Tỷ Ảnh.

– Huyện Lô Dung

Theo ghi nhận của Thủy Kinh chú mà chúng ta đã biết, thì sông Lô Dung vừa được chỉ sông Ming Jiang, lại vừa được chỉ đoạn chảy qua Sùng Tả, tức là sông Zuo. Sở dĩ như vậy vì nó là nhánh lớn nhất của sông Zuo.

Thủy Kinh chú [trang 372, 373, 375] cho biết: Đi đò sang huyện Lô Dung, là huyện thuộc quận Nhật Nam, rồi đi qua các huyện ở Nhật Nam. Như vậy huyện Lô Dung là huyện ở đầu quận, nghĩa là huyện này bên sông Zuo chứ không phải bên sông Ming Jiang.

Con đường vào Nhật Nam phải là một lộ tuyến chính, qua đò ở Mi Linh. Vậy huyện Lô Dung ở khúc cuối sông Zuo, giáp với huyện Chu Diên của Giao Chỉ và giáp huyện Mi Linh bên kia sông.

– Huyện Tây Quyển

Thủy Kinh chú [trang 361] chép về thành Khu Túc: “”Lâm Ấp ký” nói rằng: thành cách nước Lâm Ấp hơn 400 dặm đường bộ. “Giao Châu ngoại vực ký” nói: xét đường đi phù hợp với nhau, thế thì thành là huyện Tây Quyển cũ vậy“.
Vậy thì huyện Tây Quyển là quanh thành Khu Túc, tức là khu vực thành phố Sùng Tả bây giờ.
Sở dĩ tác giả Giao Châu ngoại vực ký gọi là huyện Tây Quyển cũ, là vì thời điểm đó khu vực này đã thuộc về nước Lâm Ấp.

– Huyện Tượng Lâm

Thủy Kinh chú [trang 366] chép: “Từ Tứ Hội chảy vào phía nam, gặp cửa sông ngách Lô Dung. Năm Thái Khang thứ 3 thời Tấn (năm 282), bớt Đô úy thuộc quốc quận Nhật Nam, lấy huyện Lô Dung mà nó quản lý đặt quận Nhật Nam và lị sở cũ của huyện Tượng Lâm. “Tấn thư địa đạo ký” nói: quận cách cửa sông Lô Dung 200 dặm, là lị sở của huyện Tượng Lâm, Tượng Quận thời Tần ngày trước“.

Như phần đầu bài viết, thì Lịch Đạo Nguyên coi sông You, Yuong, Yu là Tứ Hội Phố. Vậy thì chỗ cửa sông Lô Dung phải là nơi nó hợp với sông You. Vậy lị sở huyện Tượng Lâm cách cửa sông 200 dặm đường sông sẽ nằm ở quãng giữa cửa sông Lô Dung và thành Tây Quyển. Trên hình số 10, khoảng cách đường sông từ cửa sông Zuo đến Touluzhen (thị trấn Toulu), tọa độ 22.66000065007608, 107.63779828567837, vị trí mà tôi cho là lị sở huyện Tượng Lâm, khoảng 100km, tức là khoảng 200 dặm thời xưa.

Hình 10: Vị trí mà tác giả cho rằng là lị sở huyện Tượng Lâm đời Hán

Lị sở Tượng Lâm đến năm 282 vẫn còn, để nhà Tấn đặt làm lị sở quận Nhật Nam, nên đó không thể là nước Lâm Ấp, được tách ra từ cuối thời Hán.

Trong đoạn trích trên còn có một chi tiết sai, là gắn huyện Tượng Lâm vào Tượng Quận thời Tần. Ở cuối bài tôi sẽ phân tích thêm chi tiết này.

– Huyện Thọ Linh

Như đã phân tích ở phần sông Ôn Thủy, sông Thọ Linh chính là sông Lijiang. Vậy thì huyện Thọ Linh sẽ ở quanh khu vực này và vùng núi phía bắc Việt Nam ngày nay. Lị sở Thọ Linh có thể là thành phố Long Châu, nơi sông Bằng và sông Kỳ Cùng gặp nhau tạo nên sông Lijiang.

– Huyện Chu Ngô

Thủy Kinh chú [trang 372, 373, 374] chép: “Đi đò sang huyện Lô Dung, là huyện thuộc quận Nhật Nam. Từ huyện Lô Dung đến huyện Vô Biến. Đi qua huyện Phong Hỏa đến huyện Tỉ Cảnh. […] “Lâm Ấp ký” nói: sang đò Tỉ Cảnh đi đến huyện Chu Ngô, sông ngách huyện Chu Ngô là biên giới ngày nay. Ở phía nam huyện Chu Ngô có người Văn Lang, […] “Tấn thư địa đạo ký” nói: huyện Chu Ngô thuộc quận Nhật Nam, cách quận 200 dặm. Thời nhà Hán, dân huyện này không chịu nổi sự trưng thu thuế má của quan trưởng lại Nhị Thiên Thạch, dẫn Khuất Đô Kiền ra lập nước. “Lâm Ấp ký” nói: Khuất Đô Kiền là dân Di vậy. Sông ngách Chu Ngô ở trong thông với hồ Vô Lao. Suối Vô Lao cứu thông với sông ngách Thọ Linh“.

Lộ trình vào Nhật Nam như trên thì chỗ sang đò đến Lô Dung phải là khúc sông ở Mi Linh (Nan Ninh), con đường bộ đi qua Lô Dung, Tượng Lâm, Tây Quyển, Tỷ Ảnh. Thế nhưng hai huyện Tượng Lâm và Tây Quyển đã bị thay bằng hai cái tên huyện không hề được ghi nhận từng tồn tại ở Giao Châu.

Ý của đoạn trích trên là khá rõ. Huyện Chu Ngô trên thực tế phía Trung Quốc không còn quản được, họ đã độc lập vào cuối đời Hán với tên là nước Lâm Ấp. Biên giới, theo thời điểm ghi nhận của Lâm Ấp ký, là con sông ngách Chu Ngô mà phía trên thông với hồ Vô Lao còn phía dưới thông với sông Thọ Linh (Lijiang).
Dễ dàng nhận thấy con sông ngách đó chính là sông Ming Jiang, cũng tức là sông Lô Dung. Chỗ bắt nguồn là vùng hồ ở Thượng Tư. Phần đầu nguồn thì gọi là suối Vô Lao cứu.
Từ đây chúng ta xác định được huyện Vô Lao ở phía đông ,tức là khu vực Thượng Tư, huyện Tỉ Cảnh ở phía bắc sông, huyện Chu Ngô, tức là nước Lâm Ấp, ở phía nam sông, huyện Thọ Linh ở về phía tây.

Theo chú giải của Lê Quý Đôn, trong sách Vân Đài loại ngữ, thì dân huyện Chu Ngô nương theo bờ biển mà sống. Theo Nguyễn Văn Siêu, sách Phương Đình dư địa chí, thì người huyện Chu Ngô ở dựa bờ biển, không ăn gạo mà chỉ ăn cá. Hẳn là đều dựa vào nguồn sử liệu Trung Quốc. Thủy Kinh chú cho biết Lâm Ấp cách Quảng Châu 2500 dặm đường biển, lại cho biết thành (Khu Túc) cách nước Lâm Ấp hơn 400 dặm đường bộ, vậy thì đúng là kinh thành Lâm Ấp ở phía bờ biển Bắc Bộ Việt Nam.

Theo Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử, sau khi Mã Viện dẹp được khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì đi đánh nước Lâm Ấp. Chứng tỏ nước Lâm Ấp đã tồn tại đến thời điểm này thì mới bị chiếm đóng.
Vậy nhưng Tiền Hán thư lại có ghi nhận nhà Hán, tức là nhà Tây Hán, trước Mã Viện, đã có huyện Chu Ngô. Vậy thì cũng có khả năng là họ đã có huyện Chu Ngô phía bờ nam sông Ming Jiang, còn phía Việt Nam thì đến thời Mã Viện chiếm được đã ghép vào huyện này.
Phạm vi chiếm đóng của nhà Đông Hán đến đâu thì khó mà làm rõ được, tuy nhiên một chứng cứ rõ ràng là họ đã xây thành ở khu vực nay là di chỉ Cổ Loa, dựa trên kết quả khảo cổ cho thấy những viên gạch niên hiệu nhà Hán được làm năm 99 và 111.

Sau khi Lâm Ấp dành lại độc lập vào cuối đời Hán thì quốc gia này phát triển rất mạnh. Theo Tấn thư – Tứ di – Lâm Ấp, thì đến đời vua Phạm Văn (nửa đầu thế kỷ 4), Lâm Ấp đã chinh phục các nước lân cận là: Đại kỳ giới, Tiểu kỳ giới, Thức Bộc, Từ Lang, Khuất Đô, Càn Lỗ, Phù Đan, có quân tới bốn, năm vạn người.

Thủy Kinh chú [trang 376,377] chép về cương vực Lâm Ấp: “Phía đông kề biển xanh, phía tây bên cạnh nước Từ Lang, phía nam giáp nước Phù Nam, phía bắc liền với Cửu Đức“. Như vậy có thời điểm lãnh thổ Lâm Ấp đã bao gần hết quận Nhật Nam, phía Trung Quốc chỉ còn trên sổ sách mà thôi.

Vậy thì Lâm Ấp không phải là từ huyện Tượng Lâm tách ra, mà Tượng Lâm chỉ có thể là vùng cực bắc Lâm Ấp thời kỳ hùng mạnh, mở rộng lên quá thành Khu Túc. Có thể vì lý do này mà dân phía bắc gọi Lâm Ấp là Tượng Lâm. Rồi người ta tạo ra  thuyết Lâm Ấp vốn từ Tượng Lâm, và gán với cuộc nổi dậy rất lớn của Khu Liên, để cho rằng người này là vua đầu tiên của Lâm Ấp. Họ cũng biến Khu Liên từ một người bản địa, Hậu Hán thư ghi nhận như thế, thành con của một viên Công tào nhà Hán, chiếm đất và ly khai.
Vì việc gán ghép thành Lâm Ấp mà người ta phải đẩy Tượng Lâm về phía cực nam. Trên lộ trình từ Lô Dung đi về phía nam vốn phải là Lô Dung – Tượng Lâm – Tây Quyển – Tỷ Ảnh – Chu Ngô, thì cái tên Tượng Lâm và Tây Quyển bị thay bằng hai cái tên huyện ảo là Vô Biến và Phong Hỏa.

Trong sách Tùy thư người ta đã chép việc Lưu Phương đánh Lâm Ấp, nhưng rồi dẫn quân về, tức là che giấu việc chiếm đóng và cai trị Lâm Ấp. Tuy nhiên các bộ Tùy địa lý chí và Đường thư địa lý chí lại lộ ra, là Lâm Ấp bị nhà Tùy chiếm vào năm 604-605, rồi nhà Đường tiếp tục cai trị. Dĩ nhiên đó chính là An Nam Đô hộ phủ.

Như vậy, tôi đã tạm xác định vị trí các quận huyện của Giao Châu thời Hán.

   Hình 11: Vị trí các huyện của Giao Châu

II. Xác định khu vực Đồng Cổ

Một đoạn Thủy Kinh chú [trang 367,368] chép như sau: “Sông Uất Thủy ở phía nam thông với sông Thọ Linh, tức là một sông ngách vậy, sông này phía trên tiếp với sông Đô Quan Tái ở phía nam quận Giao Chỉ. “Lâm Ấp ký” nói: sông này thông với phía ngoài xứ Đồng Cổ là cửa Hoàng Cương Tâm Khẩu huyện An Định, nước Việt, có lẽ nhờ sông ấy mà sang đất Đồng Cổ tức là Việt Lạc vậy. Mã Viện lấy đồng của trống ấy để đúc ngựa đồng“.

Ý của người viết là sông Uất Thủy chảy ven biển, gặp sông Đô Quan Tái, rồi chảy tiếp thì gặp sông Thọ Linh. Đây cũng là một chi tiết làm cơ sở cho thuyết “ven biển”, tức là chi tiết ngụy tạo chứ không phải văn bản gốc Thủy Kinh chú. Tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng đến ghi nhận là nhờ cửa sông Đô Quan Tái, tức là cửa Hoàng Cương Tâm Khẩu huyện An Định, mà sang xứ Đồng Cổ. Vậy xứ Đồng Cổ là một xứ bên ngoài Giao Chỉ, dĩ nhiên là về phía nam của sông Đô Quan Tái (Nanliu). Đó chính là khu vực ven biển phía bắc Việt Nam. Tại sao Lâm Ấp ký lại chép đoạn này, là vì khu vực phía bắc Việt Nam cũng tức là nước Lâm Ấp, như chúng ta đã biết.

Đoạn chép trên cho thấy trống mà Mã Viện thu để nấu thành ngựa đồng là của xứ Đồng Cổ, tức là xứ trống đồng, chứ không phải của xứ Giao Chỉ. Xứ Đồng Cổ bị Mã Viện đánh chiếm nhập vào huyện Chu Ngô, quận Nhật Nam.

Nhà thơ nổi tiếng Mạnh Hạo Nhiên, thời Đường, có câu: “Đồng trụ Nhật Nam đoan”, nghĩa là cột đồng ở đầu đất Nhật Nam. Theo đường phía ngoài bờ biển thì Chu Ngô lại tiếp với huyện An Định, vậy thì khu vực tiếp giáp đó, ở phía tây nam Khâm Châu xưa, nay là Phòng Thành Cảng, gọi là đầu đất Nhật Nam là đúng. Khá nhiều sử sách ghi nhận thuyết cột đồng ở Khâm Châu, là phù hợp với lý giải này. Có lẽ Mã Viện thu trống đồng để đúc thành cột đồng, chứ không phải đúc ngựa đồng. Việc làm của Mã Viện vừa là phá hủy một biểu tượng văn hóa của người bản địa, lại dựng nên một biểu tượng sức mạnh răn đe của người Hán.

Thực tế thì sau thời điểm này cả Lâm Ấp cũng bị nhập vào lãnh thổ nhà Hán, nên dựng cột ở đó không có ý nghĩa xác định lãnh thổ. Vậy việc gán ý nghĩa đó chỉ là dụng ý của các sử quan Trung Quốc về sau. Vì dụng ý này mà họ đẩy cột đồng xuống cuối quận, thậm chí rất xa về phía nam, và tạo nên một hệ thống mập mờ nửa chứng cứ, nửa giai thoại. Đỗ Hựu, nhà sử học và là chính khách đời Đường, chép: “Về phía nam Lâm Ấp, vừa thủy vừa bộ, đi hơn 2000 dặm, có nước Tây Đồ Di là nơi Mã Viện dựng cột đồng để nêu rõ địa giới”.

Việc thu trống đồng thể coi là nguyên nhân khiến sản phẩm này cho đến nay ít được tìm thấy ở ven biển Đông Bắc Bộ Việt Nam.

Khái niệm Việt Lạc trong đoạn dẫn “Lâm Ấp ký”: “đất Đồng Cổ tức là Việt Lạc vậy”, chưa hề được ghi nhận, khác với Lạc Việt vẫn được ghi nhận là Giao Chỉ. Trường hợp này có thể cho rằng người ta sửa Thủy Kinh chú, dùng cái tên ảo đó để tránh chữ Lâm Ấp, vì phải để Lâm Ấp xuống thật xa phía nam. Cách xử lý này đã có tiền lệ mà chúng ta đã biết trong phần về huyện Tượng Lâm.

Nam Tề thư, mục về Lâm Ấp, ghi nhận rằng vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại khi biết tin sắp bị Đàn Hòa Chi tiến đánh, vào năm 445, đã đem nộp một vạn cân vàng, mười vạn cân bạc, ba mươi vạn cân đồng để xin bãi chiến. Quả thực Lâm Ấp có rất nhiều đồng. Sở dĩ Lâm Ấp giàu có là nhờ nằm trên một đầu mối giao thương đặc biệt quan trọng.

Hình 12: Vành đai nơi tập trung của Lâm Ấp

 

Trên hình vẽ 12, khu vực tập trung của Lâm Ấp nằm quanh vành đai màu vàng. Đoạn ở giữa vành đai này là nút quan trọng, từ đó tỏa ra theo nhiều con đường. Ven biển xuống phía nam; đi vào nội địa và sang phía Vân Nam; men biển đi lên phía đông bắc; lên phía bắc vào sông Ming Jiang và theo hệ thống này đi khắp nội địa Lĩnh Nam. Con đường sông từ Minh Jiang rất thông dụng, thường được các sứ đoàn Việt Nam thời xưa sử dụng để đi lại với phía Trung Quốc.

Vị trí này hoàn toàn phù hợp để sớm phát triển nền kinh tế hàng hóa. Đó là đầu mối sản xuất trống đồng và bán hay trao đổi khắp xung quanh. Điều này giúp giải thích việc trống đồng vừa hiện diện khá rộng ở khu vực Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc, lại vừa ít có sự khác biệt.

Tôi cho rằng đây là chứng cứ để giải quyết sự tranh cãi hiện nay về vấn đề khu vực sản xuất trống đồng, giữa giới học giả, không chỉ của Việt Nam và Trung Quốc,.

Những năm gần đây, người Trung Quốc đang có chính sách nhận lại Lạc Việt là Quảng Tây, lại nhận luôn cả nền văn hóa trống đồng, và xây dựng khái niệm gọi là Phương quốc Lạc Việt bao trùm lên đó. Họ dựa một phần vào sự thực khó có thể bác bỏ để xây dựng nên một không gian tưởng tượng, nhằm mục đích phục vụ những toan tính về lãnh thổ.

 

 

III. Thử tìm căn nguyên gây ra sự ngộ nhận về Cổ sử Việt Nam.

Lần ngược theo các ghi chép biên niên thì chúng ta thấy rằng đến thời nhà Tống đã có nhận thức An Nam vốn là Giao Chỉ. Vậy thì việc ngụy tạo vấn đề lịch sử này phải xảy ra vào khoảng thời gian trước đó, mà chủ yếu thuộc thời nhà Đường.

Người ta còn tạo ra nhận thức rằng cả ba quận trên đất An Nam và thậm chí cả phần đất của Chiêm Thành, cũng thuộc Tượng quận. Tức là cho rằng thời nhà Tần người Trung Quốc đã mở rộng đến khu vực nay là Nam Trung Bộ Việt Nam. Sử sách dưới các triều đại phong kiến Việt Nam đều nhìn nhận như thế.

Đến thời cận đại, vấn đề Tượng quận đã gây ra nhiều tranh luận.

Trong bài viết “Tượng Quận có phải là đất nước ta không?” của Nguyễn Văn Tố, ông đưa ra nhiều lập luận bảo vệ quan điểm truyền thống, Tượng quận bao hàm đến phía Việt Nam, để phản biện bài viết của H. Maspero đăng trong tập kỷ yếu trường Viễn Đông Bác Cổ, quyển XVI, số 1, trang 49-55, cho rằng Tượng quận chỉ ở phía Quảng Tây, nghĩa là những chứng cứ Tượng quận bao hàm đến Việt Nam là chứng cứ giả.

Nguyễn Văn Tố dịch lại một số lập luận của H. Maspero và đặt trong bài phản biện của mình, như sau:
Xem như thế thì biết rằng: Phần nhiều những người làm sách về đời Hán và đời Tam Quốc cho Tượng quận ở vào hai miền rất xa nhau, tức là một đàng vào phía giữa Trung kỳ và một đàng ở Quảng Tây. Nhưng không quyển nào chép cả hai miền ấy”.
“Về thế kỷ thứ sáu không ai để ý đến chỗ ấy, nên Lịch Đạo Nguyên làm bộ Thủy Kinh chú (quyển 38, tờ 30b) muốn cho sách nói sông Uất ở Tượng quận và những sách nói Tượng quận là Nhật Nam không trái nhau, mới tự ý đặt ra rằng sông Uất dài từ bờ biển Trung Hoa qua Hải Nam và vịnh Bắc Kỳ, để cho sông Uất đến tận Nhật Nam”.
“Mãi đến đời Đường người ta mới nghĩ cách làm cho hai thuyết nhận địa giới khác nhau, từ nay được hợp với nhau, là làm cho hai nơi đó, một chỗ cực Nam, một chỗ cực Tây được liền với nhau, thế là cõi đất Tượng quận lan rộng ra không phải ở một vùng mà thôi, khắp cả hai vùng, có cả những xứ ngăn cách nhau”.
“Đỗ Hựu làm quyển Thông điển có chú thích rằng: “Quận Tượng nay là những quận Chiêu Nghĩa, Nam Phan, Phố Ninh, Lăng Thủy, Nam Xương, Định Xuyên, Ninh Việt, An Nam, Vũ Nga, Long Thủy, Hân Thành, Cửu Chân, Phúc Lộc, Văn Dương, Nhật Nam, Thừa Hóa, Ngọc Sơn, Hợp Phố, An Lạc, Hải Khang, Ôn Thủy, Thang Tuyền…(Thông điển, quyển 184, tờ 5b). Đến chữ Tượng quận (của đời Đường) lại chú thích rằng “Tượng quận của đời Tần là Hợp Phố ngày nay, chứ không phải Tượng quận ngày nay” (Thông điển, quyển 184, tờ 17b)”.
“Lời cắt nghĩa ấy được hoan nghênh nên về sau những người Tàu làm sử và địa dư đều theo cả; truyền sang đến người Nam”.

Như vậy, qua việc tìm tòi nghiên cứu nguồn sử sách cổ Trung Quốc, H. Maspero nhận thấy sự ngộ nhận về địa bàn bao trùm của Tượng quận được bắt đầu từ Đỗ Hựu, đời Đường. Nói cách khác, Đỗ Hựu là người đã hợp lý hóa các chứng cứ giả.

Thế nhưng H. Maspero không giải thích được vì sao có các chứng cứ giả đó. Ông còn cho rằng chúng có trước thời đại của Lịch Đạo Nguyên.

Khi chúng ta xác định được là sử gia thời Đường đã mạo cả văn bản của Lịch Đạo Nguyên thì chúng ta sẽ hình dung ra một kịch bản. Sử gia nhà Đường đã tạo ra chứng cứ Tượng quận bao gồm cả Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, rồi lại tạo ra chứng cứ để gán ba quận này xuống phía An Nam, thậm chí đến cả Chiêm Thành. Lớp gán bên dưới thì H.Maspero không nhận thấy.
Kể chủ mưu tạo nên các chứng cứ giả rất có thể là kẻ đầu tiên giải thích chúng.

Đỗ Hựu (735-812) là một nhân vật lớn của thời đại nhà Đường và là một tác gia lịch sử lớn. Bộ Thông điển gồm 200 quyển, được Đỗ Hựu dành đến 35 năm để biên soạn, rất có ảnh hưởng về sau.

Ông từng làm chức Tiết độ sứ ở các đạo Lĩnh Nam và Hoài Nam. Lĩnh Nam đạo là một địa bàn rộng lớn, bao gồm Quảng Châu và An Nam. Điều này hẳn cho Đỗ Hựu những hiểu biết về cả hệ thống sông Tây Giang và sông Hồng.
Ý tưởng gán ghép cũng như sự thành công của việc này chỉ có thể đến từ người khá am hiểu về cả hai khu vực.
Theo khảo cứu của Đoàn Hy Trọng, in trong sách Thủy Kinh chú sớ [trang 872, 874] thì Đỗ Hựu đã từng nghiên cứu, bàn luận, chú giải, thăm dò ý kiến về sách Thủy Kinh.

Thời gian Đỗ Hựu làm quan ở Lĩnh Nam sau thời điểm quốc gia Lâm Ấp bị xóa bỏ gần 2 thế kỷ. Dưới chính sách đồng hóa mạnh mẽ của nhà cai trị thì độ lùi này là khá đủ để tước đi đáng kể ký ức của một cộng đồng.
Sau đó Đỗ Hựu còn làm đến Tể tướng. Vị trí này là điều kiện hiếm có để một sử gia thiết lập được ý chí và tập trung được nguồn lực của hệ thống nhằm thực hiện kế hoạch viết lại lịch sử.

Theo Lê Quý Đôn [Vân đài loại ngữKhu vũ, điều 52] thì chính Đỗ Hựu là người chép rằng: “Về phía nam Lâm Ấp, vừa thủy vừa bộ, đi hơn 2000 dặm, có nước Tây Đồ Di là nơi Mã Viện dựng cột đồng để nêu rõ địa giới”. Giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc đã bị đẩy rất xa về phía nam. Đây là thuyết có tính chất bành trướng nhất. Vì phải sử dụng tình tiết cột đồng ở đây như một cột mốc lãnh thổ, nên chỗ nói đến giữa huyện An Định xứ Giao Chỉ và xứ Đồng Cổ, họ đổi cột đồng thành ngựa đồng.

Những điều kiện như vậy đủ cho chúng ta nhận thấy chính Đỗ Hựu là người tạo nên hệ thống chứng cứ giả, gán lịch sử của vùng đất Giao Châu ở lưu vực sông Tây Giang thành lịch sử của An Nam. Việc này vừa giúp họ xóa bỏ ký ức của một cộng đồng, lại vừa giúp ngụy tạo chứng cứ về lãnh thổ.

Việc tạo ra một hệ thống chứng cứ giả là không hề đơn giản, vì phải can thiệp vào rất nhiều tài liệu thời trước.

Chúng ta hãy tìm hiểu một chút về vấn đề chép sử dưới thời nhà Đường (618-906).

Ngay từ giai đoạn đầu, nhà Đường đã quan tâm đến việc chép sử. Họ tổ chức biên soạn sử của các triều đại Tấn, Lương, Tùy, và cho hiệu đính nhiều bộ sử khác. Công việc này được đảm nhiệm bởi những nhân vật có địa vị rất cao, như Ngụy Trưng, Phòng Huyền Linh. Mức độ quan tâm chưa có tiền lệ này cho thấy việc chép sử đã bị chi phối mạnh bởi lợi ích chính trị. Trường hợp mạo văn bản Thủy Kinh chú, như chúng ta đã thấy, là một ví dụ.

Sự kiện đổi tên Long Uyên thành Long Biên, theo Thủy Kinh chú, là do lúc mới lập châu, vào năm Kiến An thứ 23, người ta thấy thuồng luồng lượn qua hai bến phía nam và bắc. Thế nhưng trong lời chú thích ở Tiền Hán thư và Hậu Hán thư, do Nhan Sư Cổ và Chương Hoài làm ở đầu thời Đường, thì việc đổi tên là do kỵ húy Đường Cao Tổ Lý Uyên. Trong sách Vân Đài loại ngữ, phần Khu vũ, Lê Quý Đôn chép cả hai thuyết. Chúng ta có thể hiểu được lý do ông phải chép cả hai thuyết là vì đều có vẻ có căn cứ. Chữ Long Biên không chỉ được Thủy Kinh chú giải thích trước thời nhà Đường cả trăm năm, mà còn xuất hiện trong nhiều sách vở trước thời Đường, thế nhưng Nhan Sư Cổ là người đương thời với giai đoạn mở đầu của nhà Đường, thì khó mà cho là hiểu sai hay chép bậy việc này được.

Với việc chỉ ra sự mạo văn đầy rẫy trong Thủy Kinh chú và những chứng cứ lịch sử ngược nhau trong nhiều sách vở, như đã đề cập, thì vấn đề này đã rõ ràng. Tức là việc đổi tên chỉ được thực hiện đầu thời Đường, do kỵ húy Lý Uyên. Trong sách của các triều đại trước lại không có chữ Long Uyên là do đều đi qua khâu biên tập dưới thời Đường.

Nhiều cuốn sách vốn được lưu truyền trước đó trong những thế kỷ chia cách và loạn lạc, như Giao Châu ngoại vực ký, Tấn thư địa đạo ký, Lâm Ấp ký …đã biến mất.

Nếu liên kết các chi tiết được đưa ra trong bài viết này thì không khó để nhận ra rằng lịch sử vùng đất phía nam đã được nhà Đường tổ chức viết lại, tinh vi và triệt để. Vì vậy, dù lịch sử cổ Việt Nam vẫn chứa đầy những mâu thuẫn và hồ nghi nhưng không cách nào giải tỏa được.

Dù sao thì chúng ta vẫn phải xem xét thêm về trách nhiệm của các nhà chép sử, mà đứng sau đó là chính thể các triều đại Việt Nam thời kỳ tự chủ. Dấu ấn lịch sử rất khó bị xóa hết dưới bàn tay của chế độ cai trị nhà Đường.

Nhờ những công cụ mạnh mẽ của thời đại ngày nay, những bí mật của lịch sử đang lần lượt ra ánh sáng, chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi

Không chiến mà thắng mới là cảnh giới cao nhất

Thời kỳ Chiến Quốc cách đây khoảng 2500 năm trước, danh tướng Tôn Tử (545 TCN – 470 TCN) đã để lại một bộ binh thư “Binh pháp Tôn Tử” có ảnh hưởng sâu...

Sài Gòn có bến Chương Dương, rồi gì nữa?

Sài Gòn có bến Chương Dương, Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do Có Chợ Quán, có Cầu Kho, Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm Có ôtô...

Lột trần Việt ngữ – Kỳ 18/25 – Việt = Rìu

Xin nhắc rằng trong lúc đang in quyển sử của chúng tôi thì có tin giấy sắp lên giá, nên hai biện pháp được thi hành ngay: I) Xén bớt,...

Một trời Thái Thanh

25  tháng Ba năm 2020 tang lễ Thái Thanh. California đang mùa đại dịch Covid-19. Không thể ra khỏi nhà. Tôi ngồi lặng lẽ cầu nguyện và nhớ chị. Từ...

Hà Nội có diện mạo như thế nào trong các bản vẽ xưa?

Cuối năm 2018, Trung tâm Lữu trữ Quốc gia I (số 18 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức triển lãm Hoài niệm phố Hà Nội, giới...

Sài Gòn Tạp Pín Lù – Buổi đầu Pháp thuộc

Ngày 7-9-83, tôi đang đọc quyển “La Cochinchine Contemporaine nhưng đọc vừa được độ ba mươi trang, bỗng tôi phải dẹp cuốn sách xuất bản năm 1884 nầy qua một...

Cần Thơ – Gạo trắng nước trong

“Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về” – Những địa danh nổi tiếng như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, cùng hệ thông sông ngòi...

Chùm ảnh: Khám phá Vườn Bách Thảo – công viên lâu đời nhất Hà Nội

Với tuổi đời hơn 100 năm, Vườn Bách thảo Hà Nội vẫn lưu giữ được những cây cổ thụ rất lớn, đã tồn tại qua nhiều biến cố trong lịch...

Thất Phúc Thần – 7 vị thần may mắn của Nhật Bản

Nhật Bản có nhiều vị thần ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân nước này, trong đó có Thất phúc thần tượng trưng cho sự may mắn...

Thư Viện Quốc Gia ngày xưa

Thư viện Quốc gia khánh thành vào cuối năm 1971 ở số 34 đường Gia Long (nay là Thư viện Tổng hợp số 69 Lý Tự Trọng). Thư viện có...

Tự điển tiếng Việt Đổi Đời – Kỳ 5 – Từ Vần T-X

T. - Tác động qua lại trở thành tương tác. Ngay chính bản thân tôi, nghe hai chữ “tương tác” tôi vẫn không hiểu nghĩa là gì. - Tài liệu trở thành tư liệu (tư liệu là tài liệu...

Lý Thường Kiệt và trận đại thắng trên sông Như Nguyệt

Lý Thường Kiệt vốn có họ và tên thật là Ngô Tuấn, người làng Bắc Biên, xã Phúc Xá (nay thuộc xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội), sau...

Exit mobile version