Một nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần đó, chiếm đến một phần tư dân số toàn cầu, lại là một vùng cát chảy của sự đói nghèo, ngu muội, đấu tố, tắm máu mà không tự thoát được.
Những nhận định về bản chất thật của người Trung Quốc thông qua bình luận, phân tích của một người Trung Quốc – nhà văn, nhà thơ, nhà báo kiêm sử gia Bá Dương.
Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng ta có phẩm chất cao quý. Nhưng tại sao cả trăm năm rồi, cái phẩm chất ấy vẫn không làm cho người Trung Quốc thoát khỏi khổ nạn? Nguyên do vì sao?
Tôi muốn mạo muội đề xuất một câu trả lời có tính cách tổng hợp : Đó là vì văn hóa truyền thống Trung Quốc có một loại siêu vi trùng, truyền nhiễm, làm cho con cháu chúng ta từ đời này sang đời nọ không khỏi được bệnh.
Có người sẽ bảo: “Tự mình không xứng đáng, lại đi trách tổ tiên!”. Xét cho kỹ câu nói này có một sơ hở lớn. Trong vở kịch nổi tiếng “Quần ma” (Những con ma) của Ibsen có kể chuyện hai vợ chồng mắc bệnh giang mai sinh ra một đứa trẻ mắc bệnh di truyền. Mỗi lần phát bệnh nó lại phải uống thuốc. Có lần tức quá nó kêu lên: “Con không uống thuốc này đâu! Con thà chết đi thôi! Bố mẹ đã cho con cái thân thể như thế này à!?”.
Trường hợp này thì nên trách đứa bé hay trách bố mẹ nó? Chúng ta không phải trách bố mẹ, cũng không phải trách tổ tiên chúng ta, nhưng nhất quyết phải trách cái thứ văn hóa họ đã truyền lại cho chúng ta.
Một nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần đó, chiếm đến một phần tư dân số toàn cầu, lại là một vùng cát chảy của sự đói nghèo, ngu muội, đấu tố, tắm máu mà không tự thoát được.
Tôi nhìn cách cư xử giữa con người với nhau ở những nước khác mà lại càng thèm. Cái văn hóa truyền thống kiểu nào để sinh ra hiện tượng này? Nó đã khiến cho người Trung Quốc chúng ta mang sẵn trong mình nhiều đặc tính rất đáng sợ!
Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. Có nhiều nơi hễ người Trung Quốc đến ở là những người khác phải dọn đi.
Tôi có một cô bạn trẻ tốt nghiệp một trường đại học về chính trị. Cô này lấy một người Pháp rồi sang Paris sinh sống. Rất nhiều bạn bè đi du lịch Âu châu đều ghé nhà cô trú chân. Cô ta bảo với tôi: “Trong tòa nhà tôi ở, người Pháp đều dọn đi cả, bây giờ toàn người Á đông nhảy vào!” (Người Á đông có khi chỉ người châu Á nói chung, có khi lại chỉ người Trung Quốc).
Tôi nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi, trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi ẩm mốc. Tôi hỏi : “Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao?” Cô ta đáp: “Làm sao nổi!”
Không những người nước ngoài thấy chúng ta là bẩn, loạn, mà qua những điều họ nhắc nhở chúng ta cũng tự thấy mình là bẩn, loạn.
Còn như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân.
Ở bên Mỹ có một câu chuyện tiếu lâm như sau: Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau, người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới, hỏi họ đang làm gì, họ bảo: “Chúng tôi đang thì thầm với nhau”.
Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to? Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như thế?
Tôi nghĩ những điểm này cũng đủ để làm cho hình ảnh của người Trung Quốc bị tàn phá và làm cho nội tâm mình không yên ổn. Vì ồn ào, dơ bẩn, hỗn loạn dĩ nhiên có thể ảnh hưởng tới nội tâm, cũng như sáng sủa, sạch sẽ với lộn xộn, dơ bẩn là hai thế giới hoàn toàn khác xa nhau.
Còn về việc xâu xé nhau thì mọi người đều cho đó là một đặc tính nổi bật của người Trung Quốc.
Một người Nhật đơn độc trông chẳng khác nào một con lợn, nhưng ba người Nhật hợp lại lại thành một con rồng.
Tinh thần đoàn kết của người Nhật làm cho họ trở thành vô địch. Bởi vậy trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật.
Ngay tại Đài Loan, ba người Nhật cùng buôn bán thì lần này phiên anh, lần sau đến lượt tôi. Người Trung Quốc mà buôn bán thì tính cách xấu xa tức thì lộ ra bên ngoài theo kiểu: Nếu anh bán 50 tôi sẽ bán 40. Anh bán 30 tôi chỉ bán 20.
Cho nên, có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư.
Người Trung Quốc ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi – nơi không cần quan hệ với người khác – thì lại có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng cả một con giòi nữa. Bởi vì người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau.