Cái khôn ranh chỉ là bản năng sống rình mồi kiếm ăn của các loài thú. Chỉ có cái khôn của hiểu biết mới biến con người thành công trình sư cho số phận của mình.
Một cây đàn không làm nên dàn nhạc?
Tri thức của người ta quan trọng đến mức, người Việt có một danh từ là “Lương – Tri”, có nghĩa là: con người ta chỉ có lương tâm – khi đi kèm tri thức. Đấy là một danh từ được gọi ra từ sâu thẳm nội dung của nó. Từ Lương tri, theo gốc Latin là Conscience – cũng có nghĩa là Ý thức, nó được các triết gia từ cổ đại đến hiện đại bàn rốt ráo rằng: người ta chỉ có thể có lương tâm khi có ý thức và hiểu biết để phân biệt được cái hay – cái dở, cái tốt – cái xấu, cái phải – cái trái. Trình độ trí thức , khôn hay dại, vì thế vô cùng quan trọng, bởi vì nó chính là trình độ của lương tâm, cái sẽ xây nên tầm vóc của xã hội.
Người Việt có thông minh không, hay chỉ khôn lỏi thôi?
Mới đây, chúng ta có giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải Field toán học, vậy thì ai dám nói là người Việt không thông minh sao? Vài chuyên gia đã chứng minh về cái gọi là “tâm lý đại biểu”. Chẳng hạn, khi người phụ nữ cãi nhau với đàn ông, họ sẽ khoe khôn bằng “tâm lý đại biểu”, rằng có ối người phụ nữ tài ba, nào ở phố kia, làng nọ, hay nước khác có các bà tổng giám đốc, thủ tướng, hay tổng thống chẳng kém gì đàn ông. Nhưng khi đàn ông cãi nhau, họ thấy tự tôn hay tự ti như đang là chính bản thân mình chứ không đem đại biểu nào ra cả. Tóm lại, người đàn ông thấy thành công hay thất bại đều căn cứ vào bản thân mình. Còn phụ nữ thì thường dùng tâm lý đại biểu để nâng mình lên, xuê xoa cái gọi là mặc cảm phái yếu.
Xét về người Việt ta cũng tương tự, nếu cả nước ta lấy Ngô Bảo Châu ra để tự hào là dùng tâm lý đại biểu để bao biện cho mình, lấy cái cố gắng, cái thông minh, cái thành công cao nhất của một con người bao phủ cho sự thiếu cố gắng, thiếu tư duy, và thiếu thành công cho bản thân mình, hay là cả dân tộc, sẽ là một niềm kiêu hãnh nguy hiểm, vì một bông hoa không làm nên vườn hoa, một người không làm nên dân tộc, và như nhạc sĩ thiên tài Shuman (1810-1853) nói : “Cái hay của âm nhạc nằm trong dàn nhạc”. Nếu chúng ta chỉ cậy vào một cá nhân để tự hào, thì thay vì chúng ta có một dàn nhạc đại toàn tấu thì chúng ta chỉ có mỗi một cây đàn đang độc tấu.
Dân tộc 100 triệu người vẫn có thể là dân tộc… bé
Trước hết chúng ta hãy đưa ra một khung cảnh chung về một sự so sánh. Dân tộc Thụy Sĩ giờ đây có khoảng dăm triệu dân, cách đây gần hai thế kỷ, lúc chỉ có khoảng vài chục vạn dân nhưng họ đã nổi tiếng về loại hình quốc hội mở ngoài trời, và có bộ não yêu chính xác đến mức tạo ra những chiếc đồng hồ nổi tiếng hoàn cầu. Dân tộc Bồ Đào Nha, cách đây vài thế kỷ, cũng chỉ có khoảng vài chục vạn dân, vậy mà họ đã đóng những đoàn thuyền buồm lớn, chạy đua với Tây Ban Nha, sang tận châu Mỹ để đăng ký những thuộc địa mới. Lần ngược lịch sử, các dân tộc Bắc Âu cũng vậy, vào lúc chỉ có một nhúm dân số, họ đã từng trở thành những kẻ khét tiếng chinh phục trên biển. Còn nước Anh , cách nhiều thế kỷ, vào lúc dân số cũng lèo tèo một vài triệu, nhưng đã dong buồm đi chinh phục khắp thế giới với một khẩu hiệu ngạo nghễ rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên vương quốc Anh”.
Ở ngay cạnh nước Việt, có Căm Pu Chia, dân số bằng 1/10 nước ta, nhưng lại có công trình Ăng-co-vát, một quần thể kiến trúc kỳ vĩ và đồ sộ hàng đầu thế giới. Công trình này có lẽ được xây dựng vào lúc dân số của họ chi là một nhúm người đếm hàng vạn. Còn Việt Nam thì sao, niềm tự hào kiến trúc của một dân tộc đông người có mười thế kỷ văn hiến lại chỉ là chiếc chùa Một Cột rộng hơn chiếc chiếu một tẹo? Mới đây có cây bút vẫn viết “Việt Nam là một nước nhỏ”, nói thế là không thức thời một tí nào. Theo số liệu mới nhất, nước Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 về dân số, như vậy là sắp lọt vào top ten. Rõ ràng chúng ta không nhỏ, trái lại còn là một cường quốc về dân số. Nhưng phẩm chất dân số thì sao? Hiện theo các đánh giá về tri thức, giáo dục, nhân bản, xã hội, pháp luật, hay kinh tế … chúng ta còn nằm ở mức rất thấp, gần sát đáy của nửa cuối trong các bảng xếp hạng. Tại sao nước ta lớn vậy, mà nhìn chung vẫn thấy vô vàn các điều bất cập, nhếch nhác, nghèo hèn, lộn xộn ? Tất cả điều đó chắc chắn là sản phẩm của bộ não, tức ý thức, tức trí khôn; chứ không phải sản phẩm của cơ thể – tức da thịt.
Điều này, chính thức đã được triết gia Aristote xác định, ông nói: “Một con người không có bộ não biết sắp xếp trật tự sẽ điên, một xã hội không biết sắp xếp trật tự sẽ lộn xộn, hỗn loạn”. Người Việt vẫn nói về những kẻ tâm thần là “chập mạch”, tức các mạch thần kinh của nó giống mạch điện đã chập rồi, làm sao còn hành xử bình thường được. Mỗi cá nhân là tế bào dựng xây xã hội, nhưng các cá nhân đó lại không rèn luyện một bộ não mạch lạc có trật tự tất dẫn đến sự hỗn loạn vô trật tự trên bình diện xã hội. Hiện chúng ta đang kêu gọi sự minh bạch trong vận hành đời sống kinh tế và xã hội, đó hẳn là bằng chứng cho một thứ lộn xộn không có khả năng ngăn nắp của tâm trí.
Tại sao dân số nước Việt ngót trăm triệu người vẫn là dân tộc bé ? Chúng ta hãy tham khảo cái nhìn hết sức chính xác của lãnh tụ Tôn Trung Sơn, trong cuốn “Chủ nghĩa tam dân”. Ông nói: Trung Quốc là một nước hơn 400 triệu dân (thời đầu thế kỷ 20) nhưng mà như một bãi cát rời rạc, bởi vì ở Trung Quốc chỉ có gia tộc và tông tộc mà không có quốc tộc.
Tại sao một quốc gia đông dân vẫn bị xé lẻ, rời rạc và yếu ớt? Bởi vì họ không có công lý! Không có công lý, mọi quốc gia chỉ là thứ gia đình được trải rộng dài , kéo dài ra, nó là một đơn vị gia đình phồng lên, với các “gia quy”, chứ không phải là một quốc thể với hệ thống lập hiến của mình. Muốn lập hiến ư? Làm sao không có công lý mà lập hiến được?! Con người ta tiến bộ và lớn lên được nhờ cái gì? Không có trí tuệ thì chỉ là em bé to xác, không thể nào trưởng thành. Thân xác là thứ càng lớn càng giật lùi, như Lão Tử ở Trung Quốc đã ví: đứa bé mới đẻ nắm tay chặt đến mức ngay cả người lớn cũng không kéo ra được, nhưng càng lớn đứa bé càng già và yếu. Bản năng không bao giờ tiến bộ! Chỉ có lý trí và trí tuệ mới tiến bộ được. Một con người không phát triển trí tuệ không lớn lên, một dân tộc không dựa trên trí tuệ thì mãi mãi còn bé nhỏ. Triết gia Hegel , ông tổ của môn biện chứng pháp đã xác định: “Những tư tưởng dẫn dắt thế giới”. Một dân tộc không có những tư tưởng thì sẽ như những toa tầu không có đầu tầu.
Tư duy bé nên làm ăn cò con
Mà tư tưởng của người ta lớn lên như thế nào? Triết học phương Tây chắc chắn xác định rằng: trí tuệ chỉ có mỗi một con đường thể hiện, đó là ngôn ngữ. Anh muốn khoe khéo khoe khôn ư? Muốn trình bày lý thuyết hay phát minh của mình ư? Anh phải có công trình được viết ra, đọc lên, hay công bố. Người ta dứt khoát rằng: cái gì không nói ra miệng được thì không phải là trí tuệ. Đừng ấp úng, gật gật, rồi bảo mình khôn hơn hay có nhiều công trình trong đầu hơn người khác. Làm gì có thứ nhạc sĩ không có bản nhạc! Họa sĩ không có tranh! Nhà giầu không có tiền! Nhà chế tạo không có phát minh?!
Nhưng ngôn ngữ lớn lên bằng cái gì? Bằng cách cọ sát bằng đối thoại. Một cầu thủ không thể tiến bộ nếu không trải qua thi đấu! Ngôn ngữ cũng như trí tuệ của người ta cũng không thể tiến bộ nếu không được đối thoại. Trong Kinh Thánh có câu “Ở đâu không có bàn định thì không có mưu sâu”. Đó là điều chắc chắn, vì tất cả những ban tham mưu trên đời hình thành là để người ta bàn định tìm kiếm những giải pháp tốt nhất.
Người Việt cũng xác định đẳng cấp cao nhất phải hướng đến công lý của ngôn ngữ như “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Nhưng trong đời sống, vì hám theo đuổi tính vụ lợi hơn chân lý, người Việt thường áp dụng:
Người khôn ăn nói nửa chừng
Làm cho kẻ dại nửa mừng nửa lo
Rồi người ta hướng đến sự khôn ranh: “Khôn ăn người , dại người ăn”, hoặc tìm cách nói nước đôi để bảo toàn lấy mình : “Làm trai cứ nước hai mà nói”. Dẫn đến “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”. Tại sao người Việt lại có lối sống , lối thể hiện, cũng là tìm cách che dấu nước đôi như vậy? Đó là sự khiếp nhược vì sống quá lâu trong chế độ phong kiến. Sợ nói không đúng thì không phải đầu cũng phải tai, nên thà nói nước đôi để chuồn bề nào cũng tiện. Đó cũng là lối nói của mặc cảm “nô tài”.
Nói nước đôi thì có thể bảo toàn mình, nhưng không cách gì tiến bộ được, vì nói nước đôi là cách chưa nói gì.
Tư tưởng bao giờ cũng dẫn đến hành động. Tư tưởng chưa trau dồi lớn, làm sao có hành động lớn?! Đó rõ ràng là bằng chứng về việc chúng ta là nước đông dân mà không phải là nước lớn. Bởi vì người lớn, nước lớn thì phải có suy nghĩ lớn, những dự định lớn, những chương trình vĩ mô, nhưng ngay từ trong tư tưởng chúng ta chưa lớn, nên không thể nào sản sinh cái lớn được. Xem cây biết quả! Cây còi, lại còi từ hệ điều hành làm sao ra quả lớn?
Cụ thể hơn, người Việt có mấy đặc điểm sau đây. Nước chúng ta là tam nông: nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Vì tư duy bé nên chúng ta làm ăn cò con. Vì ít thực phẩm nên chúng ta thường ăn vặt, dẫn đến khôn vặt, rồi có cả dâm vặt (nhiều chuyên gia nhân chủng phát hiện, người châu Á và châu Phi thường ngâm bộ phận sinh dục của các con vật vào trong rượu, mong mình cải thiện khả năng sinh dục), còn có cả gian vặt nữa. Từ đặc điểm tam nông, chúng ta còn mắc các chứng: tiểu nông, tiểu trí, và tiểu xảo.
Có một mệnh đề là, nếu người Việt thông minh thì chắc hẳn chúng ta đã có tầm vóc của một quốc gia hùng cường, nhưng rõ ràng chúng ta còn đang yếu về rất nhiều mặt ( chưa nói chúng ta kém cỏi, nguyên một chuyện chúng ta cứ làm đường, rồi mới đào bới lên để làm cống, là cách cố tình ngu), rõ ràng đa sô chúng ta mới khôn vặt, khôn trốn việc, khôn láu cá ăn người, chứ không phải cái khôn ngoan di sơn đảo hải như người Việt mong muốn và ao ước “có cứng mới đứng đầu gió”, trái lại đa số chúng ta chỉ muốn làm cỏ giả để tìm nơi khuất gió.
Cái khôn ranh chỉ là bản năng sống rình mồi kiếm ăn của các loài thú. Chỉ có cái khôn của hiểu biết mới biến con người thành công trình sư cho số phận của mình. Mong rằng tất cả chúng ta trong đó có tôi biết yêu mến cái khôn hiểu biết.
Tôi thích nhất đoạn này :
“Nước chúng ta là tam nông: nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Vì tư duy bé nên chúng ta làm ăn cò con. Vì ít thực phẩm nên chúng ta thường ăn vặt, dẫn đến khôn vặt, rồi có cả dâm vặt (nhiều chuyên gia nhân chủng phát hiện, người châu Á và châu Phi thường ngâm bộ phận sinh dục của các con vật vào trong rượu, mong mình cải thiện khả năng sinh dục), còn có cả gian vặt nữa. Từ đặc điểm tam nông, chúng ta còn mắc các chứng: tiểu nông, tiểu trí, và tiểu xảo.
Có một mệnh đề là, nếu người Việt thông minh thì chắc hẳn chúng ta đã có tầm vóc của một quốc gia hùng cường, nhưng rõ ràng chúng ta còn đang yếu về rất nhiều mặt (chưa nói chúng ta kém cỏi, nguyên một chuyện chúng ta cứ làm đường, rồi mới đào bới lên để làm cống, là cách cố tình ngu), rõ ràng đa sô chúng ta mới khôn vặt, khôn trốn việc, khôn láu cá ăn người, chứ không phải cái khôn ngoan di sơn đảo hải như người Việt mong muốn và ao ước “có cứng mới đứng đầu gió”, trái lại đa số chúng ta chỉ muốn làm cỏ giả để tìm nơi khuất gió”
Nguồn: Vietnamnet