Quốc Triều Hình Luật thời Lê (hay còn được gọi là Bộ Luật Hồng Đức) là bộ luật được nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao về nhiều phương diện trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Luật pháp thời này nghiêm đến mức “của rơi ngoài đường không ai nhặt, nhà nhà đêm ngủ mở cửa không phải lo trộm cướp”. Đây là Bộ luật chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, là Bộ luật ra đời trong thời điểm Nho giáo có mức độ, điều kiện và phạm vi ảnh hưởng rộng rãi, sâu sắc nhất. Có thể khẳng định rằng Nho giáo cũng như nhiều hệ tư tưởng khác luôn chứa đựng những giá trị tích cực và hạn chế. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu những ảnh hưởng tích cực cơ bản của Nho giáo trong Bộ luật Hồng Đức.
Quốc Triều Hình Luật là công cụ quan trọng để xây dựng và củng cố nhà nước quân chủ trung ương tập quyền
Các vua nhà Lê, kể từ vua Lê Thái Tổ (1428-1433) sau khi lên ngôi đều đề cao Nho học. Thời Lê các bộ kinh điển và sách vở liên quan tới Nho giáo được du nhập từ Trung Hoa và được phổ biến rộng rãi, vì vậy Nho giáo có điều kiện để trở thành cơ sở lý luận cho các nhà soạn thảo luật pháp thời Lê.
Sở dĩ thời Lê đặc biệt là dưới thời cai trị của vua Lê Thánh Tông được đánh giá là thời kỳ hưng thịnh nhất trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam vì thoả mãn 3 yếu tố: có một vị minh quân; hệ thống quan lại có tài và có đức; và có một hệ thống pháp luật nghiêm minh. Đây là một thời kỳ dài nhà nước rất mạnh, về lợi ích dân tộc duy trì một khoảng thời gian rất dài vắng bóng xâm lược, từ năm 1427 – 1789 không có chiến tranh, đủ sức để mở rộng cương vực về phía Nam.
Có thể nhận thấy luật pháp thời kỳ nào cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, song với Quốc Triều Hình luật, bảo vệ chủ quyền quốc gia là xuất phát từ yêu cầu bảo vệ chế độ vương quyền của Nho giáo. Quốc Triều Hình Luật đã thể chế quan điểm chính danh của Nho giáo nhằm buộc quan lại thực hiện đúng chức năng chỉ là tư vấn, phụ tá và thực thi quyền lực của nhà vua theo đúng cương vị của mình. Về lĩnh vực hành chính, những điều khoản về chế độ công vụ, quản lý hộ khẩu, đất đai được tập trung chủ yếu trong chương Vi chế, chương Hộ hôn, chương Điền sản, chương Tạp luật. Điều 103 qui định quan lại có nghĩa vụ tuyệt đối trung thành với nhà vua ở cương vị bề tôi như: nghĩa vụ tôn kính nhà vua (Điều 102, 125, 126…); Nghĩa vụ thực hiện mệnh lệnh của nhà vua một cách nhanh chóng, cẩn trọng (Điều 119, 122, 123); Nghĩa vụ phải làm tròn bổn phận ở cương vị được giao và không vượt quá chức phận (Điều 121, 124, 174, 326, 521).
Quốc Triều Hình Luật qui định nghiêm ngặt các nghi thức tế lễ trong triều ở Điều 104, 105, 106, 108, 109 và trừng phạt những hành vi bất kính với nhà vua ở Điều 118, 125, 126, 136; trừng phạt những hành vi tiếm lễ xâm hại đến đặc quyền chỉ thuộc về nhà vua ở Điều 114, 135 nhằm bảo vệ và đề cao lễ vua tôi.
Vượt lên những hạn chế về tính giai cấp, căn cứ vào hiệu quả thực tế của việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước lúc bấy giờ cho thấy nhà Lê, đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông đã xây dựng được một bộ máy hoàn bị nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, phát huy được sức mạnh tập thể – một bộ máy mà trên dưới đồng lòng, vua ra vua – bề tôi ra bề tôi.
Bộ Luật Hồng Đức bảo vệ những giá trị đạo đức Nho giáo, đặc biệt là đạo đức trong gia đình
Khổng Tử đã đưa ra một nhận định nổi tiếng khi luận bàn về vai trò của pháp luật trong mối liên hệ với đạo đức, ông cho rằng: “ luật pháp chỉ là công cụ dẫn dắt bằng chính, chấn chỉnh bằng hình, dân chịu mà vô sỉ. Dẫn dắt bằng đức, chấn chỉnh bằng lễ, biết sỉ lại tiêu chuẩn, dân mới biết tự trọng và vào nề nếp… Pháp luật chỉ khiến người ta sợ mà không dám làm điều ác, còn dùng đức trị thì người ta xúc động tận trong lòng và tự nguyện thực hiện, không phải vì sợ pháp luật mà là vì sợ xấu hổ trước người khác, sợ lương tâm cắn rứt đến chết dần, chết mòn”[1]. Ở Việt Nam và một số nước Á Đông, trong luân lý và đạo đức truyền thống đều hướng tới việc xây dựng gia đình bền vững, lâu dài, một trách nhiệm, một luân lý và đạo đức mà tình cảm cá nhân phải phụ thuộc vào đó. “Con người vừa mới sinh ra đã phải là người con có hiếu và thuận hoà – cả cuộc đời đều hiến thân cho gia đình, lấy công việc xây dựng gia đình làm hạnh phúc cho chính bản thân mình. Hạnh phúc và danh dự cá nhân được gắn chặt với hạnh phúc và danh dự gia đình.”[2]. Triều Lê đặc biệt chú trọng đến vấn đề gia đình, coi gia đình là cơ sở quan trọng bậc nhất để tạo lập kỉ cương và ổn định xã hội.
Cũng giống như vấn đề chủ quyền quốc gia, luật pháp thời kỳ nào cũng điều chỉnh vấn đề hôn nhân và gia đình, nhưng mục đích của việc điều chỉnh vấn đề hôn nhân gia đình trong Quốc Triều Hình Luật là nhằm bảo vệ chế độ tông pháp của Nho giáo. Những chuẩn mực đạo đức ấy được tập trung vào các mối quan hệ cơ bản (Tam cương) với năm đức chủ yếu (Ngũ thường). Quốc Triều Hình Luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về kết hôn, ly hôn, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái nhằm bảo vệ chế độ tông pháp và cũng là bảo vệ thuần phong mĩ tục của dân tộc.
Pháp luật hình sự thời kỳ nhà Lê cho phép người trong gia đình được che chở lẫn nhau, nghiêm cấm sự tố cáo ông bà, cha mẹ – đó là đạo hiếu truyền thống của người Việt từ ngàn đời nay được thể chế hoá vào trong luật. Trong tâm hồn của mỗi người Việt nam, ngay từ thủa lọt lòng đã được giáo dục và ứng xử theo nguyên tắc hiếu – kính, con cái trong gia đình phải kính trọng, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, biết “kính trên nhường dưới”, người Việt quan niệm rằng “hiếu là nhân cách con người, là gốc của nhân luân, là một giá trị xã hội cao quí”[2; tr.151]. Điều 504 qui định: “Con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ, nô tỳ tố cáo chủ có tội lỗi gì đều xử tội lưu đi châu xa, vợ tố cáo chồng cũng bị tội trên. Tố cáo ông bà ngoại, cha mẹ và ông bà cha mẹ về bậc tôn trưởng và hàng cơ thân của chồng, cùng là nô tỳ tố cáo người bậc cơ thân của chủ, dẫu việc có thật cũng phải tội biếm hay tội đồ.”; Điều 485: “Ông bà cha mẹ bị người ta đánh, con cháu đánh lại mà không bị què gẫy, bị thương thì không phải tội.” Đây là đặc điểm rất đặc sắc của Quốc Triều Hình Luật, thể hiện rõ ưu thế của đạo đức, ngay cả trong trường hợp có sự xung đột giữa pháp luật và đạo đức thì đạo đức vẫn được coi là cái gốc để điều chỉnh hành vi của con người.
Quốc Triều Hình Luật qui định về thất xuất (bảy trường hợp người chồng được phép bỏ vợ), đây là những căn cứ mà người vợ rất dễ mắc phải. Cũng trong bộ luật này nhà làm luật cũng qui định 3 trường hợp đặc biệt (tam bất khứ) buộc người chồng không được phép bỏ vợ: Đã để tang nhà chồng được 3 năm; Trước khi lấy chồng thì nghèo, sau đó trở nên giàu có; Trước khi lập gia đình có họ hàng thân thích sau đó không còn bà con để trở về. Về mặt kĩ thuật lập pháp, hai điều luật này tưởng chừng như ở rất xa nhau, nhưng chỉ với một điều luật qui định “tam bất khứ” nhà làm luật đã hoàn thành xuất sắc việc bảo vệ sự ổn định của gia đình, bảo vệ chế độ tông pháp, hạn chế việc phá vỡ trật tự gia đình của Nho giáo vì thế mà lưu giữ được những giá trị đạo đức trong gia đình, cũng là những giá trị đạo đức của Nho giáo.
Sự kết hợp giữa Lễ và Hình là một đặc trưng nổi bật của Quốc Triều Hình Luật
Quốc Triều Hình Luật là bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nhà làm luật thời kỳ này chưa có ý thức phân chia thành các ngành luật cụ thể theo cách phân loại của tư duy pháp lý hiện đại, các điều luật điều chỉnh chủ yếu được thể hiện dưới dạng luật hình sự khi điều chỉnh các lĩnh vực pháp luật (nói như GS. Vũ Văn Mẫu thì Bộ luật Hồng Đức là bộ luật mang “tính hàm hỗn”[3]. Quốc Triều Hình Luật ra đời trên cơ sở của đạo Nho, nên trong những qui định của Quốc Triều Hình Luật thể hiện sự tiếp thu các quan điểm của lễ giáo phong kiến, phù hợp với các hình phạt được qui định trong bộ luật. Khổng Tử khẳng định Lễ là phạm trù văn hoá, là cái có sau do bản tính của con người qui định. Vì vậy Lễ trước hết được hiểu là những nghi lễ, những qui phạm đạo đức qui định quan hệ giữa người với người theo trật tự danh vị xã hội chặt chẽ thời nhà Chu. Lễ được xem là lẽ phải, là bổn phận mà mọi người có nghĩa vụ phải tuân theo. Ví như việc hiếu thảo với cha mẹ, việc hoà thuận anh em, việc thuỷ chung cùng chồng vợ, việc tín nghĩa giữa bạn bè, cao hơn Lễ được hiểu đó là kỉ cương phép nước, là trật tự xã hội qui định hành vi của mỗi con người. “Nhờ có Lễ mà mỗi người có cơ sở bền vững để tiết chế nhân tình, thực hiện nhân nghĩa ở đời… Nhờ có Lễ, con người có thể tự mình nuôi dưỡng tính tình thành tập quán, thói quen đạo đức truyền thống“.[4]
Tiếp thu quan điểm Lễ của Nho giáo, các nhà làm luật triều Lê đã đưa ra những qui định và hình phạt chặt chẽ nhằm bảo vệ lễ giáo phong kiến. Trong gia đình, những hành vi vi phạm đạo lý của Nho giáo cũng bị qui định phải chịu hình phạt theo hệ thống hình phạt ngũ hình ở Điều 1, đó là hình phạt từ nhẹ đến nặng như: Suy, trượng, đồ, lưu, tử. Để cho giáo lý của đạo Nho được mọi người tuân theo một cách triệt để, nhà làm luật đã dùng đến những hình phạt rất nặng để trừng trị những hành vi trái với đạo lý Nho giáo. Ngoài xã hội, chịu ảnh hưởng tư tưởng trung quân của Nho giáo, Quốc Triều Hình Luật đưa ra các hình phạt cho những người phạm vào kỉ cương phép nước và trật tự xã hội, mưu mô làm việc đại nghịch, mưu mô theo giặc phản nước phải chịu hình phạt cao nhất là xử tử ở Điều 411, 412.
Việc qui định chặt chẽ những lễ nghi trong gia đình, ngoài xã hội và trừng phạt nghiêm khắc những người xâm hại lễ nghi thì Quốc Triều Hình Luật đã thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa Lễ và Hình. Qua đó, Bộ luật đã bảo vệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc như lòng hiếu thảo, sự tôn kính ông bà, cha mẹ của con cháu; sự hoà thuận chung thuỷ giữa vợ chồng; sự kính nhường hoà thuận giữa anh chị em, truyền thống tôn sư trọng đạo. Đồng thời các qui định nghiêm khắc áp dụng trong mỗi vi phạm lễ nghi gia đình của Quốc Triều Hình Luật có tác động rất lớn đến sự tự điều chỉnh hành vi trong gia đình khiến họ sớm có ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân và làm tròn bổn phận ở từng vị trí cụ thể với gia đình mình. Như vậy, bộ luật đã hỗ trợ đắc lực cho sự giáo dục đạo đức trong gia đình, trong xã hội, đã dùng pháp luật để xây dựng, củng cố những chuẩn mực và giá trị đạo đức truyền thống.
Bộ luật Hồng Đức quan tâm đến lợi ích của con người trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội
Cách đây 2500 năm, Khổng Tử đã đề cập đến vấn đề con người. Học thuyết nhân của ông là học thuyết về con người. Khổng Tử là người đã rất chú trọng đến vai trò của con người. Ông đã coi con người là con người cho dù người đó là nô lệ. Đây là quan điểm hết sức tiến bộ, vì cho đến hơn 200 năm sau này, Aritstot vẫn xem nô lệ chỉ là công cụ biết nói (voiced instrument). Như vậy, có thể thấy triết lý của phương Đông nói chung và triết lý của Việt Nam nói riêng là triết lý nhân sinh, là triết lý của chính trị đạo đức, mà hệ tư tưởng của Nho giáo là một trong những hệ tư tưởng tiêu biểu của Phương Đông. Mặc dù không tránh được những ảnh hưởng về giai cấp, nhưng tiến bộ hơn cả là những nhà làm luật triều Lê đã đưa ra nhiều qui định bảo vệ các lợi ích cơ bản của con người trong xã hội đặc biệt là tầng lớp dưới. Những qui định này giúp ta thấy rõ được tính xã hội sâu sắc của nhà nước phong kiến Việt Nam. Thí dụ: Quốc Triều Hình Luật có những điều luật bảo vệ quyền làm dân tự do của dân đinh, và những hình phạt cụ thể nhằm chống lại sự vô lý đối với dân đinh và những thường dân nói chung (Điều 165: Điều 453; Điều 365…); Các điều luật trong bộ luật triều Lê còn xử phạt rất nghiêm khắc đối với những kẻ xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác mà không phân cấp theo địa vị xã hội đối với những kẻ phạm tội (Điều 467; Điều 470…). Bên cạnh đó, Quốc Triều Hình Luật cũng bảo vệ danh dự và nhân phẩm của con người trong xã hội. Đặc biệt là những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của quan lại, những người thuộc hoàng tộc và họ hàng ruột thịt đều bị áp dụng những hình phạt rất nghiêm khắc (Điều 473). Quốc Triều Hình Luật chịu ảnh hưởng lớn tư tưởng của Khổng – Mạnh, đặc biệt là tư tưởng về trách nhiệm của nhà cầm quyền với dân, vì mục tiêu trị quốc và thái bình thiên hạ. Những điều luật trong Quốc Triều Hình Luật đã xác định trách nhiệm của nhà nước thông qua trách nhiệm của hệ thống quan lại nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người nghèo khổ trong xã hội (Điều 294; Điều 295).
Quốc Triều Hình Luật mang đậm tính chất nhân đạo:
Chủ nghĩa nhân đạo của Khổng Tử – nhân học, mà hạt nhân là chữ hiếu – là quan hệ huyết thống tự nhiên của con người, quan hệ huyết thống tự nhiên này là cơ sở cho chủ nghĩa nhân đạo của Khổng Tử, đã có ảnh hưởng mạnh mẽ vào Việt Nam. Nó có tính hợp lý khi Khổng Tử đã kết hợp nhân ái (đạo đức), huyết thống (quan hệ tự nhiên) và chế độ đẳng cấp (chính trị) lại với nhau; và nhân ái là chất keo để gắn chặt mối quan hệ ngang dọc của xã hội [5; tr.215-218]. “Nhân” là phạm trù trung tâm của toàn bộ học thuyết Khổng giáo. Khổng Tử nói nhiều đến chữ “Nhân” và coi “Nhân” là cao ngất, là rộng đến sâu thẳm của đạo đức con người. Tư tưởng nhân đạo thể hiện trong Quốc Triều Hình Luật trước tiên ở các qui định phản ánh chính sách hình sự khoan hồng đối với người phạm tội là người già, người tàn tật và trẻ em cũng như đối với người phạm tội tuy chưa bị phát giác đã tự thú. Thí dụ: Điều 16 Quốc Triều Hình Luật không qui định mức độ khoan hồng chung cho các độ tuổi, mà qui định các mức độ khoan hồng khác nhau tuỳ theo độ tuổi và mức độ tàn tật của họ; Điều 17 Quốc Triều Hình Luật còn qui định: “Khi phạm tội chưa già cả tàn tật, đến khi già cả tàn tật mới bị phát giác thì xử theo luật già cả tàn tật.Khi ở nơi bị đồ thì già cả tàn tật cũng thế. Khi còn bé nhỏ phạm tội đến khi lớn mới phát giác thì xử tội theo luật lúc còn nhỏ“. Quốc Triều Hình Luật còn thể hiện chính sách khoan hồng đối với người phạm tội tuy chưa bị phát giác và tự thú trước (trừ phạm tội thập ác hoặc giết người ). Điều 18 và điều 19: “Phàm ăn trộm tài vặt của người sau lại tự thú với người mất của thì cũng coi như là thú ở cửa quan”. Điều21, 22, 23, 24 của Quốc Triều Hình Luật qui định cho chuộc tội bằng tiền (trừ hình phạt đánh roi vì cho rằng đánh roi có tính chất răn bảo dạy dỗ nên không phải cho chuộc). Biện pháp này mang tính chất nhân đạo, lần đầu tiên được qui định trong Quốc Triều Hình Luật để áp dụng cho những đối tượng được ưu đãi và được khoan hồng.
Đặc biệt hơn nữa trong Quốc Triều Hình Luật đặt ra mức hình phạt dành cho người phạm tội là phụ nữ và hình phạt đối với phụ nữ có thai cũng phản ánh tính chất nhân đạo. Điều 1 qui định trượng hình chỉ đàn ông phải chịu: “Từ 60 cho đến 100 trượng, chia làm 5 bậc: 60 trượng, 70 trượng, 80 trượng, 90 trượng, 100 trượng, tuỳ theo tội mà thêm bớt. Xử tội này có thể cùng với tội lưu, tội đồ, biếm chức, hoặc xử riêng chỉ đàn ông phải chịu.” Qui định này được đánh giá rất cao về sự tiến bộ của nó, nếu đặt nó trong mối liên hệ với quan niệm phong kiến (chịu ảnh hưởng lớn của tưởng Nho giáo) về địa vị thấp kém của người phụ nữ so với người chồng trong gia đình. Tính nhân đạo còn được thể hiện ở chỗ cho phép hoãn hình phạt đối với phụ nữ đang có thai và 100 ngày sau khi sinh con. Điều 680: “Đàn bà phải tội tử hình trở xuống nếu đang có thai, thì phải để sinh đẻ sau 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị xử biếm hai tư; ngục quản bị đồ làm bản cục đinh. Dù đã sinh rồi , nhưng chưa đủ hạn một trăm ngày mà đem hành hình, thì ngục quan và ngục lại bị tội nhẹ hơn tội trên hai bậc. Nếu đã đủ 100 ngày mà không đem hành hình, thì ngục quan hay ngục lại bị tội biếm hay tội phạt”..
Quốc Triều Hình Luật thể hiện “tính phản ánh” sâu sắc và tinh tế mà tiêu biểu là ở sự kết hợp chặt chẽ giữa Nho giáo và phong tục tập quán, giữa luật và tục lệ
Sở dĩ Bộ Luật Hồng Đức có được sức sống lâu dài, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao vì bộ luật này mang tính phản ánh rất sâu sắc. Bộ Luật Hồng Đức đã thể hiện được đặc trưng văn hoá của dân tộc, nhiều qui định trong Bộ luật thể hiện tính sáng tạo cao của nhà làm luật. Mặc dù chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của Bộ Đường Luật sớ nghị thời nhà Đường, nhưng trong số 722 Điều của Quốc Triều Hình Luật thì có đến 315 điều (chiếm gần một nửa tổng số điều luật) là không tìm thấy trong Bộ luật của nhà Đường.
Quốc Triều Hình Luật vừa tiếp thu có chọn lọc tư tưởng của Nho giáo vừa phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Thí dụ: Điều 40: “Những người miền thượng du (miền núi, miền đồng bào dân tộc ít người cư trú) cùng phạm tội với nhau thì theo phong tục xứ ấy mà định tội. Những người thượng du phạm tội với người trung châu (miền trung du và miền đồng bằng) thì theo luật mà định tội.”. Có thể nói đây là điều luật thể hiện rõ nhất tính sáng tạo của nhà làm luật, luật pháp dù có hoàn bị đến đâu cũng không thể phủ nhận hoặc thay thế hoàn toàn vai trò của phong tục tập quán vốn dĩ đã tồn tại trước cả khi có luật. Một vấn đề nữa cần phải khẳng định là nhà làm luật thời kỳ này đã nhận thức rõ được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nho giáo đánh giá cao vai trò của dân với việc cai trị và địa vị của nhà vua, của việc củng cố và duy trì địa vị xã hội theo giai cấp phong kiến. Khổng Tử trong sách Luận ngữ đề cao vai trò của lòng dân – đó là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thịnh suy của triều đại trong ba yếu tố lương thực, binh lực, và lòng tin của dân chúng, thì Khổng Tử quan niệm lòng tin của dân chúng là yếu tố quan trọng nhất[5]. Việc coi trọng sức mạnh của quần chúng nhân dân thông qua việc bảo vệ thuần phong mĩ tục của đất nước cũng là một cách để nhà Lê ổn định xã hội và làm cho “dân cường, nước thịnh”, ở một khía cạnh khác ta cũng thấy nhà cầm quyền cũng không dại gì thay đổi hoặc phủ nhận những tập tục đó vì nếu làm vậy tự khắc triều đình sẽ vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía dân chúng.
Ngay khi làm thủ tục kết hôn, nhà làm luật rất tôn trọng và thừa nhận những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, các nghi lễ kết hôn gồm: Lễ nghị hôn: Lễ chạm mặt (dạm hỏi); Lễ định thân: Vấn danh; Lễ nạp trưng: Lễ dẫn đồ cưới; Lễ thân nghinh: Lễ đón dâu.Các nghi lễ này dần trở thành phong tục cưới hỏi của người dân Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với tập quán người Việt và vừa hợp với lễ nghĩa. Quốc Triều Hình Luật tiếp thu những phong tục tập quán của dân tộc đã phản ánh khá trung thực và điều chỉnh mối quan hệ giữa vợ – chồng phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam được biểu hiện thông qua quyền bình đẳng về tài sản (Điều 374, 375, 376) và quyền sở hữu với tài sản riêng (Điều 374, 377, 375 ,376) quyền sở hữu với tài sản chung (Điều 375) ; bộ luật còn qui định sự ràng buộc trách nhiệm của người chồng với gia đình, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ (Điều 308, 309 , 482, 405)…
Lần đầu tiên trong lịch sử người phụ nữ được pháp luật qui định một loại quyền đặc biệt: quyền bỏ chồng: Điều 308 qui định: “Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng ) thì mất vợ”. Tại sao luật qui định rõ quyền này nhưng thực tế số lượng ly hôn trong xã hội phong kiến rất ít. Chúng tôi cho rằng có thể chưa chắc người phụ nữ đã sử dụng những quyền này nhiều, nhưng qui định như vậy quyền lợi của người phụ nữ đã được bảo đảm và quan trọng hơn nó cũng trở thành cơ sở để người chồng phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với vợ, với gia đình. Đây là qui định nổi bật phản ánh tính sáng tạo của nhà làm luật nhằm duy trì trật tự ổn định trong gia đình.
Rõ ràng Nho giáo du nhập vào Việt Nam đã trở thành Nho giáo Việt Nam, mang sắc thái của người Việt chứ không còn là thứ Nho giáo nguyên bản nữa. Đúng như một nhà nghiên cứu đã nhận xét Nho giáo ở nước ta như những lớp trầm tích đan xen, bện chặt lấy nhau, gần như một khu rừng nhiệt đới rậm rạp”[6]. Điều đó được chứng minh bằng việc triều Lê đã vận dụng một cách hợp tình, hợp lý những giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các giá trị của Nho giáo và thể hiện được tinh thần độc lập và sáng tạo của triều đình trong việc xây dựng Quốc Triều Hình Luật đáp ứng được lòng tự tôn dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân.
KẾT LUẬN
Quốc Triều Hình Luật là bộ luật có những thành tựu to lớn, có những nét riêng biệt, thể hiện độc đáo bản sắc dân tộc và tính độc lập của một quốc gia có chủ quyền. Đây là bộ luật đã khẳng định được giá trị và vị thế của mình trong lịch sử hệ thống pháp lụât của dân tộc và trên thế giới bởi những giá trị tiến bộ của nó vượt trước thời đại bấy giờ, và mang tính nhân đạo nhân văn sâu sắc của người Việt. Những giá trị trong Quốc Triều Hình Luật thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Sự ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo được in đậm trong nhiều quy phạm pháp luật được ghi nhận trong Quốc Triều Hình Luật, không chỉ dưới khía cạnh như gia đình và xã hội mà nó còn được trải rộng ra dưới khía cạnh kinh tế bằng những chính sách trong nông nghiệp, chính sách quân điền, chính sách an dân, chính sách ổn định sản xuất nông nghiệp. Việc nghiên cứu những ảnh hưởng của Nho giáo trong Bộ Luật Hồng Đức không những giúp ta lý giải một cách sâu sắc nhiều lĩnh vực pháp luật, chế định pháp luật, qui phạm pháp luật mà còn góp phần quan trọng để bổ sung những cơ sở lý luận cần thiết đối với quá trình xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Luận ngữ (1950), Nxb Trí Đức Tòng Thơ, Sài Gòn, tr.36.
[2] Luận ngữ (1950), Sđd, tr.167.
[3] Vũ Văn Mẫu (1975), Cổ luật Việt nam và Tư pháp sử diễn giảng, Sài gòn, tr.5
[4] Phạm Đăng Hùng, Lê Công Lai (1996), Lịch sử triết học Phương Đông, Nxb Giao thông vận tải, Hà nội, tr.35
[5] Du Vinh Căn (2001), Tổng quan tư tưởng pháp luật Nho gia, Nhà xuất bản nhân dân Quảng Tây, tr.405.
[6] Nguyễn Hùng Hậu (2003), Đặc điểm của Nho Việt. Tạp chí triết học số 3(142)/2003, tr.42