Cách đây đã rất xa đối với trẻ con chúng tôi ngày ấy nhưng cũng liệt kê vào “ một thời đáng nhớ” nhất của những ai đã từng trải qua, cuộc sống thiếu thốn đủ điều. Cái nghèo vương vào từng làng quê triền miên từ năm này qua năm khác. Nhà cửa toàn nhà tranh vách đất. Gia đình nào khá giả lắm cũng được ngôi nhà ngói ba gian, bếp tranh vách đất hoặc bếp ngói có cái nhà khói nhô lên như chuồng chim bồ câu.

Hằn in trong trí nhớ chúng tôi là những công việc thời nay dễ gì bắt gặp. Đó là những lần rủ nhau đi mót ngô, mót khoai, mót lúa. Sự vô tư, hồn nhiên của bọn trẻ chúng tôi với công việc như thế tựa điều diệu kì đi vào thơ, vào nhạc, vào những bài văn gợi hình ảnh làng quê nghèo đẹp đẽ biết nhường nào!

Thời gian xưa trôi mau bất chợt ùa về trong kí ức tuổi thơ làm nao nao lòng xốn xang, xao xuyến đến ngỡ ngàng thế hệ chúng tôi. Ôi! Cảnh làm ăn tập thể của bà con làng quê tôi mới đó đã là ngày xửa ngày xưa rồi. Người dân nông thôn ngày ấy làm gì cũng chấm công lấy điểm. Cày cấy dưới ruộng sâu, trên đồng cạn biết bao nhiêu kể cho xiết cứ “chấm công lấy điểm”. Đào mương thủy lợi, đắp đường đi, gác nước cống kênh tiêu bao nhiêu ngày mưa dầm, gió bấc“ chấm công lấy điểm”. Những công việc liên quan đến tập thể dù nhiều hay ít đều ”chấm công lấy điểm”. Sau mỗi vụ thu hoạch thì cứ cộng điểm lại để chia phần rồi phân phát bằng bao nhiêu tạ lúa, tạ khoai. Cứ thế năm này qua năm khác mà vui biết bao nhiêu còn hơn so với thời nay ấm no, đủ đầy nhưng trẻ con chẳng đỡ đần được gì người lớn.

Nâng bát cơm ngày Tết, ngẫm thương người nông dân

Âm vang từ tiếng kẻng làng không sao quên của một thời xưa ấy. Vọng tiếng kẻng “ keng… keng..” mỗi sớm mai vang lên từ đầu làng đến cuối thôn là tập trung ra đồng làm việc. Công việc được cắt cử đến từng đội sản xuất để làm ăn. Ai ai cũng chăm làm quên đi sự mệt nhọc, miễn sao công việc hoàn thành trước tiến độ là có thưởng vài cân muối với một túi mì chính A ji no mo to cũng là “ vui như pháo nổ”.

Kẻng vang lên lần thứ hai trong ngày là tan buổi làm trưa ngoài đồng xa, đồng gần. Đang thiu thiu say giấc ngủ mà nghe tiếng keng ngân dài là công việc buổi chiều bắt đầu. Mọi người, mọi vật ra đồng làm việc. Dù mùa nào trong năm, bận bịu nhất là dịp cấy trồng, cấy lúa đêm trăng, tát ánh trăng vàng bằng gầu sòng. Mặc áo tơi bằng rơm, rạ cấy lúa mùa đông và vụ thu hoạch lúa. Tiếng kẻng như thôi thúc người dân quê tôi xây cuộc sống mới với niềm vui dâng tràn về mùa vàng bội thu. Âm thanh thấm vào kí ức trẻ thơ tựa nét quê giản dị, chứa đựng cả một trời mơ ước. Xen lẫn những tháng năm cơ cực mà rất đỗi mến thương.

Còn tiếng kẻng dồn dập liên tục kéo dài là báo động cháy nhà và đoạn đê con sông Chu sắp vỡ. Trẻ con chúng tôi nghe báo hiệu ấy mà sợ sệt, mặt đứa nào cũng lo lắng. Phải gió không biết thế nào mà cứ xảy ra ban đêm. Người lớn đi hết còn mỗi mình trẻ con trong nhà. Đứa nào đứa nấy sợ không dám bước chân xuống đất, im thin thít như thóc trong bồ. Mùa mưa bão tầm khoảng tháng 8 âm lịch. Mưa đổ xuống thật khủng khiếp kèm theo giông lốc, có khi chúng tôi thấy cả vòi rồng xa xa khoảng phía đông gần núi Đọ, núi Con Voi. Những đợt mưa kéo dài tới hai hoặc ba ngày thì đê sông Chu quê tôi có nguy cơ bị đe dọa. Những điếm canh lúc nào cũng đông đúc người gác trực. Tiếng kẻng báo động khắp thôn vang lên loạn xị làm xáo trộn sinh hoạt. Thanh niên trai, gái tụ tập trước sân kho, đình làng chuẩn bị cứu đê. May thay, mưa ngớt. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Tất cả vẫn trong tư thế “ sẵn sàng” chiến đấu với thiên tai. Lũ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về. Nước sông dâng cao gần sát mặt đê. Làng quê tôi sợ đê vỡ ở đâu đó, nhà nào cũng chuẩn bị đồ đạc, gánh gồng chuẩn bị đi sơ tán. Chúng tôi ngơ ngác không hiểu tại sao lại gặp cơ nan này. Nỗi lo sợ thấp thỏm của người lớn về cảnh sơ tán, cảnh mất mùa sắp diễn ra là thời gian … nghiệt ngã nhất do thiên nhiên gây ra làm cho chúng tôi nhớ mãi trong đời.

Làng quê tôi thời đó xa dần… xa dần. Ảnh hình thân thương đó kể lại cho thế hệ hôm nay có lẽ chúng chẳng hình dung ra được. Chúng ngồi nghe, há miệng ngạc nhiên rồi phá lên tràng cười dài không ngớt. Đôi lúc đang làm việc gì đó, bọn trẻ hôm nay nhìn chúng tôi rồi cười như nắc nẻ đến chảy nước mắt. Tôi hiểu rằng, ngày nay không còn cảnh tượng như thế nữa để cho chúng phải hú hồn, hú vía khi chuyện ngày xưa làng quê mình như thế đấy!