Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

So sánh nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến với thơ Tú Xương

Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến và thơ Tú Xương

Mỗi một nhà thơ nói chung, nhà thơ trào phúng nói riêng cần phải tạo cho mình một cách thể hiện, một giọng điệu riêng tùy tính sáng tạo và sự phát hiện vấn đề, nhìn nhận hiện tượng của từng thi nhân. Vì vậy, khi đặt Nguyễn Khuyến bên cạnh các nhà thơ trào phúng khác mới thấy hết được cái hay của nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến. Còn ông Tú Vị Xuyên – Tú Xương – sống và sáng tác gần  thời với cụ Tam Nguyên Yên Đổ, dù rằng Nguyễn Khuyến lớn hơn Tú Xương đến 35 tuổi và mất sau 2 năm.

Do đó, phần nào trong thơ hai người ắt phải có điểm giống nhau và hẳn nhiên phải có những nét đặc sắc riêng. Sinh ra và lớn lên khi đất nước đã “sang nhượng” cho thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến và Tú Xương nhận rõ cái xã hội xô bồ, hỗn tạp, lẫn lộn muôn vạn thứ. Nhập vào không dám, quay đi không nỡ cho nên cứ đứng để nhìn, để phát hiện ra điều ngố, kẽ hở mà cười cợt, chế giễu đôi khi lên đến mức đả kích, châm biếm, phê phán xã hội ấy.

Những lời tự trào

Trước hết, ở Nguyễn Khuyến và Tú Xương, chúng ta đều bắt gặp cái cười nhẹ nhàng, hóm hỉnh rõ ràng của người quân tử. Cái cười đó đầu tiên hướng về mình. Giọng thơ tự trào của Nguyễn Khuyến:

Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng.

(Tự trào)

Giọng thơ tự trào của Tú Xương cũng thế:

Chẳng phải quan mà chẳng phải dân,
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần.

(Tự trào)

Hai câu mở đầu của bài “Tự trào” cho thấy nét hóm hỉnh của Nguyễn Khuyến nổi bật hẳn lên bằng những từ miêu tả: gầy, béo, làng nhàng…Với Tú Xương, hình ảnh được miêu tả hơi khái quát và chua chát nên không hóm hỉnh lắm. Đến hai câu cuối, Nguyễn Khuyến tự nghĩ về mình, tự nghĩ về công danh mình có mà không giúp ích gì cho nước:

Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ!
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.

Còn Tú xương thì tự hỏi:

Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ?
Lâu để mà xem cuộc chuyển dần.

Tú Xương sống để xem thời cuộc chứ ông không trách mình như Nguyễn Khuyến.

Đối tượng trào phúng

Một người sống ở nông thôn, một người gắn bó thành thị, vì vậy đối tượng của cái cười không bao giờ đồng nhất. Nguyễn Khuyến cười nhiều về bọn quan lại, tiến sĩ, ông nghè, ông cống:

Anh mừng cho chú đỗ ông nghè (Mừng ông nghè mới đỗ)

hay:

Chú huyện Thanh Liêm khéo giở trò (Bồ tiên thi).

Đó là bọn “phụ mẫu chi dân” mà lại không lo cuộc sống nhân dân, không lo cho giang sơn xã tắc, chỉ sao “cốt túi mình cho nặng chặt”. Tú Xương cũng cười về bọn quan lại, ông nghè, ông cống:

Chữ “y”, chữ “chiểu” không phê đến
Ông chỉ phê ngay một chữ tiền

(Đùa ông Phủ)

Song, ông cười về bọn chức tước Tây nhiều hơn như ông cò, ông thông, phán, kí, nghị viên… và biết bao nhiêu chuyện xung quanh việc thi cử. Vì sống ở thành thị, Tú Xương tiếp xúc với nhiều “người mới” nên đối tượng trào phúng của ông khá nhiều. Còn Nguyễn Khuyến, ông chỉ chuyên chú vào bọn trụ cột nước nhà để cười, để giễu thì cũng phải lắm chứ!?

Xét cụ thể, chúng ta xem thái độ phê phán quan trường, biểu hiện một mặt lý tưởng thẩm mỹ của nhà thơ Yên Đổ có điểm khác ông Tú Vị Xuyên không?

Vịnh ông Tiến sĩ giấy, Tú Xương chỉ viết:

Ông đỗ khoa nào, ở xứ nào?
Cũng đòi hoa hốt, cũng trâm bào.
Mỗi năm mỗi tết trung thu đến,
Tôi gặp ông nhưng chẳng muốn chào.

Tôi không công nhận anh vì anh có đỗ ở đâu đâu. Cái đòn bẩy hất nhào đối tượng – xét kỹ ra – chỉ có điểm tựa là cái “Tôi” tác giả. Cũng là Vịnh Tiến sĩ giấy, Nguyễn khuyến viết hóm hỉnh, sâu cay hơn và cũng khái quát hơn:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi.

Sự mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức: tiến sĩ giấy (hình thức thật) nhưng nội dung giả (thật nhưng làm bằng giấy) đã làm bật ra tiếng cười, một tiếng cười to rõ.

Hay trong bài “Hát tuồng”, Tú Xương tả anh hát tuồng:

Nào có ra chi lũ hát tuồng,
Cũng hò, cũng hát, cũng y uông.
Dẫu rằng dối được đàn con trẻ,
Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn.

Tú Xương mới chỉ đề cập đến cái mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức của đối tượng và nặng về khía cạnh đạo lý. Còn Nguyễn Khuyến làm bài “Lời vợ anh phường chèo”:

Vua chèo còn chẳng ra gì,
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề.

Nguyễn Khuyến đã đặt cái cá thể đáng cười trong cả cái tổng thể đáng cười để nhấn mạnh, mở rộng mức độ đáng cười ấy. Hay nói cách khác, từ một cá thể đáng cười, Nguyễn Khuyến nâng lên, bóc trần cả một tổng thể đáng cười đó chính là cả cái triều đình phong kiến bù nhìn kia.

Tuy nhiên, tiếng cười Nguyễn Khuyến rất  thâm thúy, tình lý, không hiểm hóc, chua cay, độc địa như tiếng cười ông Tú Vị Xuyên. Tiếng cười Tú Xương xấc xược như đánh thẳng vào đối tượng trào phúng:

Sơ khảo trường Nam bác cử Nhu,
Thật là vừa dốt lại vừa ngu.

(Ông cử Nhu).

hay:

Hỏi mãi mới ra thằng bán sắt,
Mũi nó gồ gồ, trán nó giô.

(Giễu ông đồ bổn ở phố hàng sắt).

Khác hẳn với cái mạnh bạo đó, Nguyễn Khuyến lại rất thâm trầm:

Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi.

(Vịnh Tiến sĩ giấy II)

Hình thức nghệ thuật

Cũng như Nguyễn Khuyến, đa số các bài thơ trào phúng của Tú Xương được viết theo thể Đường luật thất ngôn bát cú hay tứ tuyệt (mặc dù cũng có các thể: phú, lục bát, hát nói…); ngôn ngữ thơ bình dị (dù có dùng vài tiếng nôm na của bọn vô học: thầy đồ, thầy đạc, dạy học dạy hành, trọc truếch; hoặc dùng những chữ ngoại quốc: cống hỷ, mét xì, xanh căng…); giọng thơ phóng khoáng, tự nhiên như lời nói thường ngày:

Hà Nam danh giá nhất ông Cò ( Ông Cò)

hay:

Ông về đốc học đã bao lâu? (Chế ông đốc học)

Vì lý do về ngôn ngữ thơ trên nên suy đến cùng ngôn ngữ trào phúng của Tú Xương có lẽ kém bình dị, gần gũi với nhân dân như ngôn ngữ trào phúng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.

Về cách ngắt nhịp, ông Tú cũng thường ngắt 4 – 3, giống lối ngắt của Nguyễn Khuyến:

Năm nay ắt hẳn/ gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi/ lọ phải cầu.

(Năm mới chúc nhau).

Tóm lại, so với nghệ thuật trào phúng của Tú Xương – người mà Nguyễn Khuyến gián tiếp giới thiệu cái khía cạnh văn tài trào phúng trong câu khen ngợi: “kế dư chi hậu kỳ Xương hồ” (tạm dịch: nối nghiệp ta sau này có Trần Tế Xương) – chúng ta càng thấy nghệ thuật trào phúng Nguyễn Khuyến càng có nhiều cái hay, mới lạ mà không phải nhà thơ trào phúng nào cũng có được./.

**********

Tài liệu tham khảo:

– Nguyễn Khuyến tác phẩm – Nguyễn Văn Huyền (Sưu tầm – Biên dịch – Giới thiệu) – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984;

– Các nhà thơ cổ điển Việt Nam ( tập 2 ) – Xuân Diệu – Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1987;

– Thơ ca trào phúng Việt Nam – Bùi Quang Huy ( Biên soạn ) – Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996

Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc

Gần một thế kỷ xâm lược Việt Nam, người Pháp từ chỗ còn lúng túng đã xây dựng được một nền giáo dục khá hoàn thiện. Năm 1858, Pháp nổ...

Những hình ảnh khó quên về đời thường ở Sài Gòn năm 1970

Cùng xem những hình ảnh rất sống động về Sài Gòn năm 1970 được ghi lại qua ống kính của cựu binh Mỹ tên Mark. Ảnh: Smugmug.com. Chợ Bến Thành,...

Chuyện đời của cầu Bình Lợi xưa

Thuở nhỏ tôi vẫn nghe vài câu chuyện về cầu Bình Lợi. Những câu chuyện đó không vui, toàn là chuyện tự vẫn vì thất tình, mang nợ ba`i bạc...

Trận thủy chiến Thị Nại 1801

Trận Thị Nại 1801, là trận thủy chiến dữ dội nhất, trận thư hùng quyết định, đáng được gọi là "Võ công đệ nhất" trong thời trung hưng của nhà...

Họa tiết chim phụng của người An Nam

Hình trên cho một ý tưởng về các phẩm chất của một chim phụng, bức hình này được thể hiện ít nhiều hoàn hảo trên tấm bình phong của các...

Chính danh định luận:  Hàn Mặc Tử hay  Hàn Mạc Tử?

Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử? Trả lời tường tận câu hỏi này, chẳng phải… giản đơn.Song le, với những ai quan tâm nghiên cứu thân thế và sự...

Tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Lĩnh Nam

Xuất phát từ những vấn đề chung về vùng Lĩnh Nam Trung Hoa và tín ngưỡng thờ mẫu, bài viết bàn về quá trình hình thành và phát triển của...

Đền thờ An Dương Vương – Đền thiêng giữa thành Cổ Loa

Tương truyền, đền thờ An Dương Vương ở thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) được xây trên nền nội cung của kinh đô Âu Lạc ngày trước. Trong khuôn...

Hàng không dân dụng & phi cảng Tân Sơn Nhứt

Sân bay Tân Sơn Nhứt (hiện nay gọi là Tân Sơn Nhất) được xây dựng từ năm 1914 và phát triển dần cho đến đầu thập niên 1950 đã là...

Cuộc vây hãm thành Vienna

Khi người Ottoman âm mưu xâm chiếm Đế quốc La Mã Thần thánh vào năm 1683, người ta đã lo sợ mọi chuyện sẽ lặp lại hình ảnh của 230...

Cái Yếm

Cái yếm rất thô sơ, thô sơ nhưng lại rất thơ mộng làm nguồn cảm hứng cho thi văn lãng mạn và trữ tình tạo nên sắc thái văn hóa...

Vì sao lại nói là “ngàn thu”?

Từ “ngàn thu” ở đây vốn bắt nguồn từ “thiên thu” trong tiếng Hán (“thiên” (千) nghĩa là “một ngàn”). Ở đây, mùa thu được dùng để tượng trưng cho...

Exit mobile version