Có những người rõ ràng kém ở lĩnh vực nào đó nhưng thường rất tự tin là họ biết tất cả. Đã bao giờ bạn từng hỏi tại sao họ lại đánh giá quá cao bản thân như vậy?
Thực tế đây không phải một hiện tượng xa lạ. Nhà văn William Shakespeare từng nói:
“Kẻ ngu dốt nghĩ mình thông thái, nhưng người thông thái biết mình ngu dốt”.
Ngày nay, hiện tượng này được gọi là một thiên kiến nhận thức ảo giác về sự vượt trội (illusionary superiority), hay nói vui là “ảo tưởng sức mạnh”.
Năm 1999, nhà tâm lý học David Dunning và trợ lý Justin Kruger đã tiến hành thí nghiệm kiểm chứng giả thuyết của họ về hiện tượng này. Sau đó họ đã tạo ra khái niệm mới, đó chính là hiệu ứng Dunning-Kruger ( Dunning-Kruger Effect).
Thí nghiệm hiệu ứng Dunning-Kruger
Dunning và Kruger đã tiến hành thí nghiệm trên một nhóm sinh viên trong một số lĩnh vực: năng lực viết đúng ngữ pháp, khả năng tư duy logic và khiếu hài hước.
Sau khi có được kết quả bài kiểm tra, họ yêu cầu các sinh viên này tự đánh giá kết quả của mình. Và đây là điều kỳ lạ mà Dunning cùng Kruger phát hiện.
Họ nhận thấy những sinh viên có năng lực kém hơn thường có khuynh hướng đánh giá quá cao kết quả của mình, mặc dù điểm số của họ lại ở nhóm thấp nhất.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là những sinh viên có điểm số cao lại tự đánh giá thấp hơn kết quả của mình.
Vì sao người năng lực kém hơn lại tự tin hơn?
Hiệu ứng Dunning-Kruger không chỉ xảy ra trong lĩnh vực học tập mà mọi lĩnh vực và tình huống khác. Bạn có thể thấy nó mọi nơi, chẳng hạn như:
- Các công ty, tổ chức thuê những người tự tin nhất trong buổi phỏng vấn, nhưng kết quả họ lại là những người có năng lực kém nhất.
- Người nổi tiếng nghĩ mình thông minh vì sự quan tâm của công chúng, còn những nhà khoa học có các phát hiện tầm cỡ thay đổi thế giới lại không nhận được sự quan tâm của truyền thông.
- Người bạn thường khoe lái xe giỏi hay chơi cờ hay của bạn thường lại là người có kỹ năng kém nhất.
Tại sao lại như vậy?
Người có kỹ năng kém nhất thường đánh giá quá cao năng lực của mình, vì họ không nhận thức được những kiến thức mình không biết nhiều như thế nào.
Nói cách khác, người kém cỏi tin rằng mình biết mọi thứ trong lĩnh vực đó và do đó họ quá tự tin vì nó.
“Hiểu biết thực sự là biết được mức độ ngu dốt của mình.”
Mặt khác, những người có năng lực lại nhận thức được kiến thức trong lĩnh vực đó bao la và phức tạp như thế nào. Họ biết có nhiều điều mình chưa biết, do đó họ thường đánh giá thấp năng lực và khả năng trong lĩnh vực cụ thể.
Trái ngược với những người có năng lực, người năng lực kém còn không biết học hỏi từ những nhận xét để tiến bộ. Bởi vì họ tin rằng mình đã biết hết mọi thứ.
Làm thế nào để khắc phục hiệu ứng Dunning-Kruger
Thực tế, hiệu ứng Dunning-Kruger là một thiên kiến nhận thức tác động tiêu cực đến xã hội từ mức độ cá nhân cho đến tổ chức.
Người có năng lực kém thường có vị trí cao ở các tổ chức vì họ tự tin hơn, trong khi người có thực tại lại bị chôn vùi cho nghi ngờ chính mình.
“Một trong những điều đau đớn nhất trong thời đại của chúng ta là những người cảm thấy cương quyết lại ngu dốt, còn những người có hiểu biết và trí tưởng tượng lại đầy nghi ngờ và thiếu quyết đoán.” – Bertrand Russell nói.
Dưới đây là một số phương pháp để khắc phục vấn đề này.
Sử dụng càng nhiều tiêu chuẩn đo lường càng tốt
Khi thuê một nhân viên mới hay tìm kiếm một đối tác kinh doanh (thậm chí bắt đầu một mối quan hệ mới), hãy đánh giá ứng viên bằng nhiều tiêu chuẩn đo lường khác nhau.
Đừng chỉ dựa vào lời nói của người đó. Hãy thử ứng viên với những nhiệm vụ thực tế và tự mình đánh giá.
Đánh giá bản thân bằng cách nhìn lại
Thay vì đánh giá những gì mình thể hiện qua việc xem xét nội tâm, hãy nhìn lại vào chính cuộc đời mình. Kỹ thuật này sẽ có ích cho cả những người quá tự tin và những người nghi ngờ chính mình.
Việc nhìn lại quá khứ giúp bạn đánh giá đúng bản thân so với những việc mình làm được trong quá khứ.
Tìm một người chỉ ra cho bạn những điều bạn chưa biết
Trong thí nghiệm của Dunning, những sinh viên năng lực kém đã cải thiện chính xác kết quả của mình sau khi được gia sư hướng dẫn về những kỹ năng họ còn thiếu.
Do đó bất kể bạn đang làm trong lĩnh vực nào, nên có một người dẫn đường để chỉ cho bạn những điều bạn chưa học được.
Sự phức tạp của tâm lý con người
Càng học điều gì chúng ta lại càng biết ít hơn về nó.
Đây là một nghịch lý thú vị mà chỉ những người thực sự đào sâu tìm tòi kiến thức mới được trải qua.
Ngược lại, những người chỉ tìm hiểu hời hợt trên bề mặt sẽ không bao giờ biết họ phải học thêm bao nhiêu.
Học, học nữa, học mãi. Sự học không bao giờ có điểm kết thúc. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, việc học hỏi và thực hành không nên tập trung vào kết quả cuối cùng, mà hãy tập trung vào quá trình.
(Theo Dean Yeong)