Thông thường, người Hoa ở Việt Nam được gọi là người Việt gốc Hoa để tránh trường hợp gây tranh cãi về thuật ngữ và thái độ kỳ thị.
Vào khoảng năm 1679, quân Mãn-Thanh từ biên cương tràn vào và lật đổ triều đình nhà Minh.
Khi đó, quan tổng binh của tỉnh Quảng-Đông là Trần-thượng-Xuyên và quan tổng binh của tỉnh Quảng-Tây là Dương-ngạn-Địch đã dẫn theo 2 phó tướng của bọn họ, cộng thêm gia-quyến cùng tùy tùng, để kết làm một đoàn khoảng 3000 người chạy sang nước Việt xin quy phục.
Bọn họ chạy theo đường biển để cập cảng nước Việt trên 3 chiếc tàu lớn (và khoảng 50 thuyền nhỏ phục vụ cho chiến đấu).
Từ Ba Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Tiên; từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam.
Còn có cách giải thích khác: Người Việt thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả) anh Ba (con thứ)… Vì lý do đó mà người Tàu thường lễ phép gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em (anh Ba). Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vậy.