Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Búa trong “chợ búa” vẫn là bà con với “phố” [铺]

Chữ “búa” trong “chợ búa” đã giải thích trên “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức ngày nay dạo nào, gần đây đã được chủ blog “PN-Hiệp” bàn lại trên cơ sở hai đoạn văn ngắn của Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ do Tạ Quang Phát dịch và Nxb Văn hóa Thông tin in lại năm 1995.

Bài “Tra từ sách (3)”, nói về từ “búa”, của Ngọc Hiệp Phạm được đưa lên blog “PN-Hiệp” vào lúc 16 giờ 46 phút thứ Năm ngày 11 tháng 7 năm 2013. Tác giả đã căn cứ vào hai đoạn (Đ) ngắn của Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ để bàn thêm về chữ “búa” trong “chợ búa”. Sau đây là Đ1, mà Ngọc Hiệp Phạm đã dẫn từ q,1, tr.178:

“Bài Kinh Khê sớ của người nhà Minh chép: Chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là bộ(1) .

Nước Nam ta có nhiều tên như thế: Đông bộ, Đại Thông bộ.”

Ngay dưới Đ1 này, ông Tạ Quang Phát cho cước chú về chữ “bộ”:

“(1) Do đó, chữ búa trong danh từ chợ búa vốn do chữ bộ chuyển ra.”

Liền sau Đ1 là Đ2, dẫn từ q.3, tr.259:

“Tỉnh Quảng Đông có hoa ngư bộ, tức là chợ bán cá con (chợ nhóm ở bên bờ sông gọi là bộ 步), sáu bảy mươi chỗ. Hoa ngư là cá con. Mối lợi về bán cá con bằng với mối lợi về làm ruộng trồng lúa.

Làng Cửu Giang có ao cá giống”.

Ngọc Hiệp Phạm cho rằng “đọc trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn (…) những gì viết trong sách (tại Đ1 và Đ2 – AC) cũng rất thuyết phục, khi tôi đã tra thêm một vài quyển sách khác”. Còn chúng tôi thì xin nói ngay và nói thẳng rằng khảo chứng là một công việc không đơn giản và dễ dàng vì nó đòi hỏi những nguyên tắc khoa học chặt chẽ. Trọng điểm của chúng tôi trong bài này là chứng minh rằng “hoa ngư bộ, tức là chợ bán cá con” không phải là một lời giảng thật sát.

Nhưng trước nhất, xin nói về việc dùng từ của dịch giả Tạ Quang Phát. Chữ “bài” trong danh ngữ “bài Kinh Khê sớ” của ông ở Đ1 là một chữ hoàn toàn không thích hợp vì Kinh Khê sớ là cả một tác phẩm du ký (sẽ nói thêm bên dưới) chứ không phải là “bài”. Có lẽ dịch giả hiểu nhầm “sớ” ở đây là lời tâu lên vua hoặc bài văn đọc trong khi cúng bái nên mới gọi nó là “bài”. Rồi lời cước chú của ông cũng thiếu cân nhắc khi ông chỉ dựa vào cách hiểu chữ “bộ” của Lê Quý Đôn mà đã vội vã khẳng định rằng “do đó, chữ búa trong danh từ chợ búa vốn do chữ bộ chuyển ra”. Cũng xin nói thêm về một chỗ sai rất quan trọng nữa trong lời dịch của Tạ Quang Phát ở đoạn “Tỉnh Quảng Đông có hoa ngư bộ, tức là chợ bán cá con (…). Hoa ngư là cá con”. Xin thưa rằng “cá con” trong tiếng Quảng Đông không phải là “hoa ngư”, mà là “ngư hoa” [魚花], như sẽ thấy rõ thêm ở bên dưới.

Blogger Ngọc Hiệp Phạm có đưa ảnh chụp chữ [步] đọc Nôm là “bộ” trong “đi bộ” và “bụa” trong “góa bụa” để tạo thế “song hành” cho việc đọc “bộ” [步], là “chợ”, thành “búa” trong “chợ búa”. Xin thưa rằng tuyệt đối không cần biết “búa” do “bộ” [步] mà ra, người ta vẫn cứ lấy “bộ” để ghi “bụa” vì những âm Hán Việt khác còn lại là “bạ”, “bị”, “bệ” đều rất xa “bụa” so với “bộ”! Chỉ có “bộ” [步] mới là giải pháp duy nhất mà thôi, không  cần biết nó có phải là nguyên từ(?) của “búa” trong “chợ búa” hay không.

Bây giờ xin nói về Lê Quý Đôn. Kinh Khê sớ là một tác phẩm du ký của Vương Trĩ Đăng (1535-1612) đời Minh. Ông tự là Bách Cốc], hiệu là Ngọc Già Sơn Nhân, người Trường Châu (nay là Tô Châu), là học sinh Quốc Tử Giám, mười tuổi đã làm thơ, giỏi thư pháp. Tác phẩm có: Ngô tao tập, Ngô quận đan thanh chí, Nam Hữu Đường thi tập, Tôn sinh trai tập. Kinh Khê sớ là một tác phẩm du ký mang tính địa chí, gồm 2 quyển, viết vào năm Vạn Lịch thứ 11 (1583) khi Vương Trĩ Đăng đi thăm thị trấn Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô. Nay chỉ còn một quyển. Căn cứ vào quyển còn lại, có thể biết rằng Kinh Khê sớ ghi chép về sông núi, chùa miếu, nhân vật, cây cỏ, v.v…, của địa phương. Ngay cả quyển còn lại, ở bên Tàu cũng khó tìm nên ta cần cân nhắc xem Lê Quý Đôn đã được đọc Kinh Khê sớ trong hoàn cảnh nào hay ông cũng chỉ nghe người ta thuật lại mà thôi. Điều chắc chắn mà ta có thể căn cứ vào Đ1 để khẳng định là, tại đoạn ngắn ngủi này, Lê Quý Đôn chỉ thuật lại chứ dứt khoát không hề dẫn nguyên văn của Vương Trĩ Đăng. Cho nên cái mệnh đề “chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là bộ” có phải thật là do Vương Trĩ Đăng viết trong Kinh Khê sớ hay chỉ là ngôn từ trần thuật của Lê Quý Đôn cũng còn là việc phải tiếp tục khảo chứng. Nhưng đây không phải là điểm chính yếu của bài này.

Điểm chính yếu mà chúng tôi thật sự muốn nhấn mạnh là: Nếu muốn thực sự đi sâu vào từ nguyên thì ta không thể chỉ hài lòng với chữ “bộ” [步] mà Ngọc Hiệp Phạm đã căn cứ vào danh ngữ “ngư hoa bộ” trong Vân đài loại ngữ để biện luận. Về nguồn gốc sâu xa thì “bộ” [步] là đồng nguyên tự (chữ cùng gốc) của “phố” [浦], như Vương Lực đã chứng minh và khẳng định trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.176). Nghĩa gốc sâu xa của hai chữ này là “bờ sông”, “bến nước”, như Vương Lưc đã chứng minh bằng nhiều nguồn thư tịch xưa có uy tín. Thuyết văn giải tự giảng “phố” là “tân” [濱], “bờ sông”. Quảng nhã (Thích khâu), giảng “phố” là “nhai” [厓], “bờ nước”. Chữ “phố” trong câu “Suất bỉ Hoài phố” của bài “Thường vũ” trong Kinh Thi (Đại nhã) được giảng là “nhai dã” [涯也], “bờ nước vậy”. Chiến quốc sách (Tần sách, tứ) có câu “Hoàn vi Việt Vương cầm ư tam giang chi phố” mà chữ “phố” được giảng là “nhai dã” [厓也], “bờ nước vậy”. Sở từ, Cửu ca, bài “Tương quân” có câu “Vọng Sầm Dương hề cực phố”; chữ “phố” được chú là “thủy nhai dã” [水涯也], “bờ nước vậy”. Lã Thị xuân thu, thiên “Bản vị”, có câu “ Giang phố chi quất”; chữ “phố” được giảng là “tân dã” [濱也], “bờ sông vậy”. “Tư Mã Tương Như truyện, thượng” trong Hán thư có câu “Hành hồ châu ứ chi phố”; chữ “phố” được Nhan Sư Cổ chú là “thủy nhai dã” [水涯也], “bờ nước vậy”. “Tư huyền phú” của Trương Hành trong Văn tuyển có câu “Chiêu Lạc phố chi mật phi”; chữ “phố” được chú là “nhai dã” [涯也], “bờ sông vậy”. Trở lên chúng tôi đã thuật lại những nguồn thư tịch mà Vương Lực đã nêu để chứng minh cho nghĩa “bờ sông, bến nước” của chữ “phố” [浦]. Với nghĩa này, chữ “bộ” [步] ít được dùng hơn nhưng cũng được Vương Lực chứng minh như sau:

Thuật dị ký của Nhậm Phỏng (giảng) “Thủy tế vị chi bộ” [水際謂之步], “bờ nước gọi là “bộ”. Xét “bộ” [步] là biến thể ngữ âm của “phố” [浦]; về sau nghĩa của (hai) chữ có khác nhau chút ít. Thiết Lô bộ chí của Liễu Tông Nguyên (giảng) “Bờ sông, nơi có thể buộc thuyền để lên xuống gọi là “bộ”. Chữ (này) cũng viết thành [埠]”.

Cứ như trên thì “phố” [浦] (P1), “bộ” [步] (B) và “phụ” [埠, có khi cũng viết 阜] (P2), là ba chữ có liên quan với nhau hoặc về nguồn gốc (giữa P1 và B) hoặc trong việc sử dụng văn tự (giữa B và P2) cho nên một sự khảo chứng nghiêm túc và chặt chẽ không thể bỏ qua hiện tượng này. Trong mối quan hệ giữa P1 với B thì cái nghĩa “chợ, nơi giao dịch” không hề tồn tại. Trong mục từ “bộ” [步], mà Ngọc Hiệp Phạm chụp ở từ điển để đưa vào bài của mình, nó cũng không hề được kể đến (vì không hề tồn tại). Còn trong mối quan hệ giữa B với P2 thì “chợ, nơi giao dịch”, một cái nghĩa của P2, có thể bị gán cho B nhưng, về nguyên tắc, khi B dùng thay cho P2 thì nó cũng chỉ có nghĩa là “đình thuyền đích mã đầu” [停船的碼头], “bến thuyền (đậu)”, như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993, tr.605, cột 2, nghĩa 10). Tại đây, quyển từ điển này đã ghi nhận:

“Trong Thuật dị ký, quyển hạ, Nhậm Phỏng (người) đời Lương (Nam triều) viết: “Qua Bộ” nằm ở đất Ngô (Giang Tô), người Ngô bán dưa ở ven sông, nên lấy dưa (qua) làm tên vậy. Tại Ngô Giang, còn có Ngư Bộ, Quy Bộ; đất Tương có Linh Phi Bộ. Nhậm Phỏng xét: Đất Ngô, đất Sở gọi “phố” (P1) là “bộ” (B). Là do nói sai ấy chứ”.

Trong đoạn trên thì “Qua Bộ” là “Bến Dưa”, “Ngư Bộ” là “Bến Cá”, “Quy Bộ” là “Bến Rùa”, “Linh Phi Bộ” là “Bến Linh Phi” chứ đó đâu phải là : “chợ bán dưa”, “chợ bán cá”, “chợ bán rùa” và “chợ bán linh phi(!)”. Thành phố Hồ Chí Minh có Bến Củi ở Q.8, do việc bán củi mà có tên; Bến Cừ ở Q. Phú Nhuận, do việc bán cừ (và các loại vật liệu xây dựng khác) mà có tên; Bến Nọc ở H. Hóc Môn, do việc bán nọc (cọc) mà có tên; Bến Phân, nối Q. Gò Vắp với Q. 12, do việc bán phân tằm mà có tên; v.v… Nhưng bến là bến mà chợ là chợ chứ ta dứt khoát không thể vì lý do ở bến có mua bán mà đổi bến thành chợ. Vì lý do này mà chúng tôi muốn dịch “Ngư bộ” là “bến Cá” và “ngư hoa bộ” là “bến Cá con”.

Huống chi Quảng Đông tân ngữ của Khuất Đại Quân, q.22, mục “Lân ngữ”, tiểu mục “Ngư hoa, có chi tiết cho phép chúng tôi nghi ngờ cách dịch và cách giảng của Lê Quý Đôn. Tiểu mục này có đoạn nói đến hai khái niệm “ngư hoa hộ” và “ngư hoa bộ” như sau:

“Nam Hải hữu Cửu Giang thôn, kỳ nhân đa dĩ lao ngư hoa vi nghiệp, viết ngư hoa hộ (…) Ngư hoa chi bộ phàm sổ thập, bộ giai hữu hướng, ngư hoa hộ thừa chi, tuế nạp vu triều”.

[南海有九江村,其人多以捞魚花為業,曰魚花戶 (…)魚花之步凡數十,步皆有餉,魚花戶承之,歲納于朝],

nghĩa là:

“Nam Hải có thôn Cửu Giang, dân ở đây phần lớn lấy việc vớt bắt cá con làm nghề (sinh nhai), gọi là “hộ [kinh doanh] cá con” (…) Bến cá con có đến vài chục, [người phụ trách] bến đều có lương, các hộ [kinh doanh] cá con đóng góp, hàng năm nộp cho triều đình”.

Với đoạn trích dẫn trên đây thì “ngư hoa bộ” không thể là “chợ bán cá con” được. Đây cũng là thêm một lý do khiến chúng tôi không tính đến chữ “bộ” [步] khi truy tầm từ nguyên của “búa” trong “chợ búa” mà vẫn giữ nguyên lời khẳng định trên Kiến thức Ngày nay năm xưa.

Thủy Xá và Hỏa Xá – 2 nước chư hầu của nhà Nguyễn

Nói đến nước Thủy Xá (水 舍) và Hỏa Xá (火 舍) chắc không mấy ai biết hai nước này ở đâu, đời sống văn hóa thế nào và có...

Tiếng hát Duy Khánh giữa Saigon

Sài Gòn có những đêm thật lạ. Gió về khuya mỗi lúc càng lạnh. Đường phố vắng dần. Sài Gòn có những người rất trẻ ngồi gần lại với nhau...

Ngũ Vị Hương

Các đầu bếp cũng như các bà nội trợ Việt Nam không ai không biết ngũ vị hương. Đó là một loại bột tổng hợp của năm (05) loại hương...

Thân Bá Phức-Thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương Yên Thế

I. MỘT SĨ PHU LÃO LUYỆN CỦA PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG Thân Bá Phức (1822-1898), sinh trưởng trong một gia đình hào phú, thuộc hạng danh gia vọng tộc của...

Trường học của thầy tôi trong xóm nhỏ

Ở trong một xóm cuối làng, dân cư lơ thơ, nhà ở xen với những đám ruộng thổ, một nếp nhà tranh đôi khi ở trong rừng mía rậm, ấy...

Nghĩa Cần Vương (P2)

NĂM 1887 Sang năm Đinh Hợi (1887), nghĩa Cần Vương còn có người hưởng ứng ở nhiều nơi nhưng thế kém trước nhiều lắm. Ở Bắc kỳ “giặc” Bãi Sậy...

Cửu Huyền Thất Tổ là gì? bao gồm những ai?

Cửu Huyền Thất Tổ (chữ Hán: 九玄七祖) là cụm từ thường xuất hiện trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, với ý nghĩa bao gồm các vị ông bà tổ...

Thế nào là “Xui nguyên giục bị” ?

“Xui nguyên giục bị” có nghĩa là để chỉ hành vi xúi bẩy người này, kích động người kia, làm cho hai bên vốn đã mâu thuẫn lại càng mâu...

“Cứu khổ” và “cứu khổn”

Báo Tuổi trẻ ngày 8/10/2012 có bài viết nhan đề “Khát vọng cứu khổ phò nguy” của Hồng Hạnh. Sau đó, trên Tuổi trẻ ngày 15/10/2012, bạn đọc Vạn Lý...

Hà Nội thập niên 1950 qua những bức ảnh khó quên

Chợ Đồng Xuân những ngày giáp Tết, khu phố của người Hoa, dịch vụ xem phim thùng lưu động… là loạt ảnh khiến nhiều người xúc động về Hà Nội...

Ca khúc “Tuổi Hồng Thơ Ngây” và tác giả khuyết danh

Những giai điệu quen thuộc của bài hát “Tuổi hồng thơ ngây” một thời đã làm xốn xang bao trái tim yêu âm nhạc, đặc biệt là giới học sinh...

Sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc

Tôi vốn là người làm nghề nghiên cứu văn học.Trong cái nghề thuộc loại công tác tư tưởng này, những năm trước 1975, tôi chỉ được phép đọc các sách...

Exit mobile version