Châu Thành 州成 vốn là một danh ngữ chính phụ của tiếng Hán mà thành 成 là trung tâm, còn định ngữ là châu 州. Vậy châu thành là thành của một châu. Đây là nghĩa chính thức và chính xác của hai tiếng châu thành trong Hán ngữ. Chẳng hạn, nếu vào mạng http://twbbs.hehagame.com và tra mục “Đế vương hệ thống quận thành cập châu thành liệt biểu” thì ta sẽ được biết tên 14 thành của 14 châu, như: Thái Nguyên 太原 là thành của Tinh Châu 并州; Nghiệp Thành 業成, của Dực Châu 翼州; Nam Hải 南海, của Giao Châu 交州; Tương Dương 襄陽, của Kinh Châu Âu 荊州, v.v… Nhưng vào đến tiếng Việt thì, vì ta làm theo cách của ta, nên không biết tự bao giờ, châu thành đã mang một cái nghĩa khái quát hơn, đặc biệt là trong tiếng Việt miền Nam. Đó là “thành- thị”, là “nơi phồn hoa đô hội”, là lỵ sở, v.v.., như đã được giảng một cách đại đồng tiểu dị trong nhiều quyển từ điển:
Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập (Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1951): “thành thị”.
Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị (Nxb. Thời Thế, Sài Gòn, 1952): “khu đất đã lập thành phố phường, có dân cư đông đúc, thịnh-vượng”.
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970): “Thành thị, khu vực chính một xứ hay một tỉnh, nơi người đầu xứ hay tỉnh trưởng ở cai trị, thường dân cư đồng đúc, mua bán thịnh vượng”
Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1971) “khu đất đã lập thành phố phường, có dân cư đông đúc: Ở đây gió bụi châu thành, Mộng vàng một giấc tan tình phần sơn”.
Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994): “thành phố; thuộc phạm vi thành phố. Châu Thành Sài Gòn”.
Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (in lần thứ 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009): “1. Vùng đất bao xung quanh, ở cạnh thành phố, thị xã, là đơn vị hành chính cấp huyện. 2. Vùng phụ cận, vùng ven thuộc phạm vi thành phố, thị xã. 3. Chỉ vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn trước kia.”
Theo thiên nghiên cứu “Địa danh Châu Thành” của Nguyễn Thanh Lợi (http://vn.360plus.yahoo.com,3-10-2009) thì “châu thành” xuất hiện muộn nhất cũng là vào năm 1859, khi Pháp đánh chiếm Gia Định, với câu ca dao:
Giặc Lang-sa đánh tới Châu Thành,
Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng không đành bỏ em.
Sau khi chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây, ngày 5-6-1867, thực dân Pháp ra nghị định chia 6 tỉnh Nam Kỳ làm 24 hạt tham biện (arrondissement) mà lỵ sở được gọi là “châu thành”, có chức năng như một “trung tâm hành chính”. Các hạt của Nam Kỳ lúc này bao gồm:
– Tỉnh Sài Gòn có: châu thành Sài Gòn, châu thành ( Lớn, châu thành Cần Giuộc (Phước Lộc), châu thành Gò Công, châu thành Bình Lập (Tân An), châu thành Tây Ninh, châu thành Trảng Bàng (Quang Hóa). and Bur
– Tỉnh Mỹ Tho: châu thành Mỹ Tho, châu thành Chợ Gạo (Kiến Hòa), châu thành Cần Lố (Kiến Phong), châu thành
Cai Lậy (Kiến Đăng).
– Tỉnh Biên Hòa; châu thành Biên Hòa, cháu thành Bà Rịa, châu thành Thủ Dầu Một (Bình An), châu thành Long Thành, châu thành Thủ Đức (Ngãi An).
– Tỉnh Vĩnh Long: châu thành Vĩnh Long, châu thành Trà Vinh, châu thành Bến Tre.
-Tỉnh Châu Đốc: châu thành Châu Đốc, châu thành Sa Đéc, châu thành Sóc Trăng.
– Tỉnh Hà Tiên: châu thành Hà Tiên, châu thành Rạch Giá.
Bắt đầu từ năm 1912, địa danh Châu Thành lần lượt chính thức được thực dân Pháp dùng để đặt tên cho nhiều đơn vị hành chính cấp quận ở Nam Kỳ: Mỹ Tho (22-3-1912), Cần Thơ (1913), Sa Đéc (1-4-1916), Sóc Trăng (30-8-1916), Vĩnh Long (19-12-1917), Long Xuyên (1917), Trà Vinh (1917), Châu Đốc (19-5-1919), Rạch Giá (20-5-1920), Tần An (14-2-1922), Hà Tiên (29-5-1924), Thủ Dầu Một (30-7- 1926), Bến Tre (1-1-1927), Biên Hòa (1-1-1928), Tây (1942), Bà Rịa (12-6-1943), Tần Bình (19-9-1944).
Ngày 2-4-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập quận Châu Thành tỉnh Gò Công. Sau 30-4-1975, ta thành lập huyện Châu Thành Đông, huyện Châu Thành Tây, tỉnh Cửu Long, và huyện Châu Thành tỉnh Minh Hải.
Do những biến đổi về thời cuộc, địa danh, địa giới hành chính qua các thời kỳ, nên ngày nay những quận Châu Thành của các tỉnh sau đây (ghi theo tên cũ) không còn tồn tại nữa: Bà Rịa, Biên Hòa, Cần Thơ, Gò Công, Hà Tiên, Tân Bình, Thủ Dầu Một, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
Theo thống kê đến năm 2009, địa danh Châu Thành vẫn còn được dùng để đặt tên cho 10 đơn vị hành chính cấp huyện của 9 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang (huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A), Kiên Giang, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh.
Ngoài ra, ở cấp thị trấn, hiện ta có 3 địa danh Châu Thành: thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh).
Trên đây là tóm tắt con đường trở thành địa danh của danh từ chung châu thành, theo đó ta có thể thấy được sở dĩ đã hoặc đang có nhiều địa danh Châu Thành trong Nam Kỳ/ Nam Bộ là do tập quán của thực dân Pháp lấy danh từ này làm địa danh cho một đơn vị cấp quận của một số tỉnh Nam Kỳ, bắt đầu từ năm 1912.