Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

ĐÀ trong ĐẬM ĐÀ nghĩa là gì?

Mục “Tiếng Việt” trên báo Văn nghệ số 31 (2945), thứ Bảy 30-7-2016, có đăng bài “Đậm đà” của một tác giả ký tên là Từ Nguyên (tr.19). Cho biết ý kiến về bài này, đặc biệt là về mặt từ nguyên?

Trước nhất, xin nói rằng đây là một bài bình giảng ngắn chứ không phải một bài trực tiếp nói về từ nguyên còn chỗ có đụng đến từ nguyên của nó thì lại không đúng. Từ Nguyên viết:

“Còn ‘đà’ với hai lớp nghĩa chính (vì ‘đà’ còn có nghĩa là ‘màu đỏ’ – ‘áo đà’: áo màu đỏ): vật cứng ở dưới đỡ vật cứng khác cho chắc hoặc cho vật cứng khác trượt lên trên; và sức vươn lên theo hướng nhất định (theo Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2011, tr.442), thì trong cách kết hợp với ‘đậm’ (đứng sau, không bao giờ đứng trước) ‘đà’ cũng có hai lớp nghĩa – 1/ đỡ và cho đậm trượt trên nó trong một phạm vi nhất định, vượt quá sẽ không còn tác dụng; và 2/ từ đó tạo nên sức thuyết phục và hấp dẫn, cũng trong phạm vi đó, trở thành ‘đặc sản’ (các món ẩm thực) hoặc ‘đặc sắc’ (vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người, vẻ đẹp trong giao tiếp ứng xử, vẻ đẹp của các tác phẩm văn học và nghệ thuật, kể cả thời trang và thể thao), khiến khó quên và kích thích sự tiếp xúc để thưởng ngoạn”.

Trước đoạn này, ngay câu đầu tiên, Từ Nguyên đã khẳng định: “tiếng đôi ‘đậm đà’ (cũng có nơi dùng ‘đặm đà’), là một từ thuần Việt”. Chúng tôi xin nói ngay rằng danh từ “đà”, mà nghĩa đã được tác giả lấy ở Từ điển tiếng Việt của NXB Đà Nẵng 2011 là một từ Việt gốc Hán hiển nhiên, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [柁], mà âm Hán Việt hữu quan cũng là … “đà” vì thiết âm của nó là “đường hà thiết” [唐何切], như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993). “Đường hà”, nói lái lại là “ĐÀ hường”. Vậy âm Hán Việt của chữ [柁] là “đà”, không thể chối cãi vào đâu được. Ta có thể vào Hanosoft 3.0 mà gõ “đà” thì sẽ thấy chữ [柁]. Từ điển Hán – Việt của Viện Ngôn ngữ học (VKHXHVN) do Phan Văn Các chủ biên cũng phiên

[柁] là “đà” và đối dịch là xà nhà, xà ngang. Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh (Nxb Trẻ, 1999) cũng phiên và dịch y chang. Còn Từ điển tiếng Việt của Nxb Đà Nẵng 2011 mà Từ Nguyên đã dẫn thì lại giảng nghĩa của từ “đà” một cách không minh xác. Cứ như lời giảng đó thì đá táng, tức những khối đá vuông hay tròn, thường dày trên dưới 10cm, dùng để kê chân cột gỗ, cũng là “đà”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng rõ và đúng hơn. “Đà’ là “xà ngang (thường vuông hay bản) để chịu sức nặng đè xuống”; còn nghĩa rộng là “cây tròn dài lót dưới vật nặng để kéo lăn cho nhẹ”.

Nhưng dù cho lời giảng có như thế nào thì “đà” trong “đậm đà” cũng không phải là cái vật mà từ điển của NXB Đà Nẵng hay của Lê Văn Đức đã nói đến. Lý do là nếu quan niệm “đậm đà” là một cấu trúc “tính từ + danh từ” như Từ Nguyên đã phân tích thì sự tương thích ngữ nghĩa ở đây sẽ rất… chệch choạc. Đó là ta còn chưa nói đến chuyện Từ Nguyên hoàn toàn sai về ngữ pháp và ngữ nghĩa khi khẳng định rằng “đà” có hai lớp nghĩa chính là “màu đỏ” và “vật cứng…”. Với “lớp” nghĩa trước (đỏ) thì “đà” là tính từ còn với “lớp” nghĩa sau (vật cứng …) thì đó là danh từ nên việc chơi “2 trong 1” (“đà” vừa là tính từ vừa là danh từ) ở đây là chuyện tuyệt đối không được phép. Nếu cứ phớt lờ, thậm chí chà đạp lên quy tắc ngôn ngữ thì sự bình giảng rất ít có giá trị, nếu không nói là không có.

Vậy thì rốt cuộc, “đà” trong “đậm đà” thuộc từ loại nào và có nghĩa là gì? Xin thưa, đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [大], mà âm Hán Việt hiện hành là “đại”, có nghĩa là to, lớn. Ngay cả nhiều người không thạo chữ Hán cũng có thể biết đây là chữ “đại”. Nhưng chắc cũng ít có người để ý rằng chữ này còn có âm “đạ/đà” nữa. Quảng vận và Tập vận (đều ở phần “Khứ thanh, Cá đệ tam thập bát”) đã cho thiết âm của nó là: “đường tá thiết” [唐佐切], tức là ĐẠ, cùng âm với chữ [馱] (mà Quảng vận lại viết

[馬+犬] thay vì [馬+大] như Tập vận và đa số từ điển tiếng Hán hiện hành). Cả Quảng vận (Vận hạ bình, Ca đệ thất) lẫn Tập vận (Bình thanh tam, Qua đệ bát) còn cho âm của chữ “đạ” [馱] này là ĐÀ nữa: “Đường hà thiết” [唐何切]. Nếu ta lại chú ý thêm [馱] là một chữ hình thanh mà thanh phù là [大] thì ta cũng nên thấy thêm rằng hai chữ [馱] và [大] tất đã có lúc đồng âm. Mà [馱] đọc thành ĐÀ thì ĐÀ tất cũng là âm của [大]. Còn “đạ” [大] cũng đọc thành “đà” thì cũng giống như “đại” có biến thể ngữ âm là “đài” trong “dây đài” là dây lớn đối với “dây tiếu” là dây nhỏ của đàn nguyệt. Thực ra thì trong lĩnh vực Hán Việt, hiện tượng “đại/đài ↔ đạ/đà” không phải là trường hợp duy nhất vì về mối quan hệ AI ↔ A, ta còn có:

“dã” [野] ↔ “dại” trong ‘cỏ dại”;

“ma” [摩,磨] trong “ma sát” ↔ “mài” trong “mài giũa”;

“nga” [蛾] trong “nga mi” ↔ “ngài” trong “mày ngài”;

“nhai” [涯] trong “hải giác thiên nhai” cũng đọc thành “nha”.

Vậy thì “đà” trong “đậm đà” có nghĩa là gì? Trước nhất, xin nói về nghĩa của từ “đậm”. Đây không phải là một từ chuyên chỉ về màu sắc, như có thể có người lầm tưởng. Có lẽ vì cũng nghĩ như vậy nên Tầm Nguyên mới cho rằng, đi chung với nó, “đà” còn có nghĩa hiếm là “màu đỏ”. Trong các cấu trúc như: đậm người, đậm nét, đậm hương, mực đậm, rét đậm, thua đậm, sâu đậm, tô đậm, v.v…, thì cái nét nghĩa khái quát nhất của “đậm” là “đạt đến mức độ cao của một tính chất hoặc một sự việc nhất định”. Còn “đà” thì có nghĩa là gì? Như đã nói, đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [大]. Ngoài những nghĩa quen thuộc, thông thường từng biết, nó cũng có nghĩa giống như “đậm”, là “đạt đến mức độ cao của một tính chất hoặc một sự việc nhất định”, như: – “đại cát”, “đại hảo” là rất tốt; – “đại hồng” là đỏ sẫm; – “thiên dĩ kinh đại bạch liễu” là trời đã sáng bạch rồi; – “đại xuất huyết” là chảy rất nhiều máu; – “đại công (vô tư)” là chí công (vô tư); – “đại hàn” là rét đậm (một trong 24 tiết của năm); v.v…

Vì cùng một trường nghĩa như đã phân tích ở trên nên “đà” cặp kè với “đậm” thành cấu trúc đẳng lập “đậm đà” âu cũng là chuyện thường tình.

Hàng không dân dụng & phi cảng Tân Sơn Nhứt

Sân bay Tân Sơn Nhứt (hiện nay gọi là Tân Sơn Nhất) được xây dựng từ năm 1914 và phát triển dần cho đến đầu thập niên 1950 đã là...

Giai thoại về các nhân vật Nam Kỳ Lục Tỉnh (Phần 5)

Phần 5: Hóc Môn, Bà Điểm Với 18 Thôn Vườn Trầu Địa danh Hóc Môn, cho tới nay vẫn còn nhiều ý kiến giải nghĩa khác nhau.Theo cách hiểu thông thường, người...

Cuộc Sống Của Người Dân Miền Nam Thời Kỳ Trước Và Sau Thuộc Địa Pháp – (Phần 2/Kết)

Hình dạng người Đàng trong thường không to lớn. Mắt nhỏ, mũi tẹt, mặt mũi trông buồn thảm, nước da đen sạm hơn người Tàu. Theo Poivre, ngước da đen...

Sự thật rùng mình về ‘đặc sản’ thịt thú rừng

Khi soi vào các tiêu chí của một “đặc sản”, thịt thú rừng chẳng qua chỉ là một nhóm thực phẩm lạ miệng chưa qua kiểm dịch với nhiều nguy...

Lại chuyện “gác mái” trong câu thơ “Gác mái ngư ông về viễn phố”

Trả lời câu hỏi “Gác mái lúc nào?”, trên Kiến thức ngày nay, số 214, ông có khẳng định rằng: “Trong thực tế, chẳng làm gì có chuyện gác mái...

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực...

Chùm mòi món ngon niềm nhớ

Sài Gòn trái cây ngoại nhập chẳng thiếu thứ gì, vậy mà thứ mình nhớ và ăn ngon lành lại là những cây trái từ miền núi rừng kia. Ngày...

Thổ Ngữ Của Tiếng Huế

Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ...

Lịch sử đế chế La Mã

Lịch sử La Mã bắt đầu từ 1 ngôi làng nhỏ (có sách nói là gồm 7 ngọn đồi) ở trung tâm Italy, sau đó phát triển thành thủ phủ,...

Thời xưa người miền Tây mặc gì?

Trong thời gian Nguyễn Hoàng trấn thủ tại Thuận Hóa, trang phục của người dân ở đây cũng giống như ngoài Bắc nhưng càng tiến về phương Nam, trang phục...

Nỗi đau của tranh lụa Việt Nam

Tranh sơn dầu, sơn mài đã và đang áp đảo tranh lụa trên thị trường tranh Việt Nam trong suốt nhiều năm. Thực tế đó khiến nhiều người đặt câu...

Đạo Trời qua Mèo và Chuột

Mèo với Chuột là hai con vật mà những ai sống ở nhà quê, không ai mà không biết. Tôi nói ở nhà quê là vì Việt tộc có nền...

Exit mobile version