“Gửi trứng cho ác”, “Giao trứng cho ác” hay “Trao trứng cho ác” là một thành ngữ rất quen thuộc đối với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng nghĩa của nó.
Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: “Gửi trứng cho ác: Ví việc làm dại dột, nguy hiểm, gửi gắm cho người không tốt cái mà chính kẻ đó đang muốn chiếm đoạt”. Chính vì định nghĩa như vậy nên đã có quan điểm cho rằng “ác” ở đây là cùng một chữ với “ác” trong “độc ác”, “kẻ ác”, và “Gửi trứng cho ác” là “Gửi trứng cho kẻ ác”. Tuy nhiên hiểu như vậy là rất vô lý, vì kẻ ác thường cần tiền, cần tình, cần danh chứ mấy ai cần… trứng!
Thực tế, “ác” ở đây chính là để chỉ con quạ. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức có giảng: “Ác: con quạ. Ác tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa”. Chính vì vậy mới có một giống quạ được gọi là “ác là”. Tại Trung Hoa người ta dùng hình tượng con quạ ba chân làm biểu tượng cho mặt trời có lẽ vì vậy mới có những từ như “ác tà” (xế chiều) trong “Trải bao thỏ lặn ác tà”, “ác vàng” (mặt trời vàng chói lúc gần chiều) trong “Ác vàng đã khoác non đoài”…
Trở lại câu “Gửi trứng cho ác”, trang Sachhayonline có giải thích: “…quạ thì ai cũng biết là một loài chim ăn thịt sống… Quạ lại còn lần mò ăn trộm trứng trong tổ chim khi chim mẹ rời tổ… Đối với chim, trứng là ruột thịt, là giọt máu truyền đời… Thế mà, đem trứng, vật báu cần bảo vệ nâng niu kia để gửi cho quạ, một kẻ chuyên ăn trộm trứng và đang cần chiếm đoạt để làm thức ăn hơn ai hết thì thật là dại dột và nguy hiểm biết bao?”.
Cách giải thích này đã làm rõ hơn định nghĩa của từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên.