Kiến thức ngày nay, số 231 có bài “U em” (tr. 22, 23) làm tôi rất cảm động. Xin được chia sẻ với tác giả một cách chân thành và sâu sắc về “một chút Hà Nội xưa”. Nhưng tôi cũng xin nêu một ý kiến để quý báo xem xét. Ở cuối bài (tr. 23) có chú thích số 2: “Đốc”: có nghĩa là “đốc học” (thầy giáo).
Theo tôi được biết thì ở miền Bắc, chữ “đốc” cũng có nghĩa là bác sĩ nữa, còn ở miền Nam, bác sĩ cũng gọi là “quan thầy” (trước đây nội tôi thường dùng). Riêng chữ “đốc học” mà giải nghĩa là thầy giáo thì tôi e rằng chưa sát. Nhưng riêng ở địa phương tôi, có hai ông Đốc. Một vị là ông Đốc Hợi, thời cha tôi còn đi học, ông là ông Đốc (chức vụ lớn nhất ở trường tiểu học); một vị nữa là ông Đốc Giáp, người có chức vụ lớn nhất ở trường Nam tiểu học Gò Công, vào những năm tôi học lớp Nhứt và lớp Tiếp liên. Đó là hai vị sau cùng được gọi là Đốc ở quê tôi mà tôi được biết. Ông Đốc Hợi và ông Đốc Giáp nay đều đã qua đời.
Vậy “đốc học” theo thiển ý là hiệu trưởng thì đúng hơn.
Liên quan đến từ đốc, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967) đã cho như sau:
“Đốc:
– 1. Hiệu trưởng một trường học (cũ)
– 2. Giáo sư trung học (cũ)
– 3. Y sĩ và thú y sĩ (cũ)”.
Còn Từ điển tiếng Việt 1992 do Hoàng Phê chủ biên thì cho như sau:
“Đốc 1. Đề đốc (gọi tắt).
Đốc 2. Đốc học (gọi tắt).
Đốc 3. (cũ; khẩu ngữ. Đốc tờ (gọi tắt)).
Phối hợp các nghĩa đã cho trên đây lại thì chúng ta có:
Đốc 1, liên quan đến ngành giáo dục, chỉ: a. hiệu trưởng một trường học; b. giáo sư (nay thì gọi là giáo viên) trung học.
Đốc 2, liên quan đến ngành y tế, chỉ: a. bác sĩ (nói chung); b. Y sĩ và thú y sĩ.
Đốc 3, liên quan đến ngành quân sự, chỉ đề đốc.
Vậy nghĩa đã chú trong bài của tác giả Đặng Anh Đào là một nghĩa có thật; chỉ có cách diễn đạt là có phần mơ hồ vì “thầy giáo” thì có thể chỉ là giáo viên tiểu học.
Nhân ý kiến của bạn, chúng tôi cũng xin nêu hai nhận xét liên quan đến bài “U em”.
1. Động từ cù đã được chú thích như sau: “Trong Nam gọi là thọc lét” (trang 23. chth. 1). Viết “lét” thì không đúng vì đúng ra phải là léc (nghĩa là với [k] cuối chứ không phải [t]), đúng như đã ghi trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (tập 1, tr. 150); Dictionnaire annamite-français của J. F. M. Génibrel (2e éd., p. 130), Tự điển Việt-Nam phổ thông của Đào Văn Tập (tr. 591), Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức (quyển thượng, tr. 309. Tr. 229, cột 1, ghi “lét” có lẽ là do lỗi ấn loát), Từ điển tiếng Việt 1992 (tr. 117), Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (tr. 535). Cá biệt như Tự-điển Việt-Nam của Ban tu thư Khai Trí hoặc Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên thì ghi “lét” có lẽ vì cho rằng đây là một yếu tố của phương ngữ Nam Bộ mà Nam Bộ thì đã lẫn lộn [t] cuối thành [k] cho nên muốn tầm nguyên thì phải viết “lét”. Lập luận như thế là sai vì léc là một hình vị gốc Khmer, mượn ở danh từ kliêk có nghĩa là cái nách (chọc léc = chọc nách). Xin nói rõ thêm rằng khẩu ngữ Nam Bộ còn nói chọc (thọc) cà léc nữa và cà léc tất nhiên không phải gì khác hơn là hình thức phiên âm của kliêk. Vậy nếu muốn “phục nguyên” thì vẫn cứ phải viết léc, đúng như đã viết tại dòng 12, trang 20, Kiến thức ngày nay, số 233, bài “Người về soi bóng mình” của BS. Đỗ Hồng Ngọc.
2. Ở cuối bài, có câu: “Mỗi lần tàu hoả đi qua Thái Bình, tôi nhìn qua cửa sổ: một vùng đồng lúa đơn điệu”. Chi tiết này không xác thực. Trong thời gian ở miền Bắc (1955 – 1975), chúng tôi đã ở Thái Bình gần 9 năm mà không hề thấy có đường xe lửa chạy qua bất cứ nơi nào của tỉnh này. Hay là ở thời tác giả còn thơ ấu thì có chăng? Cũng vô lý vì tàu Thanh, tàu Nghệ (xe lửa Hà Nội – Thanh Hoá, xe lửa Hà Nội – Nghệ An) chỉ chạy ở phía hữu ngạn sông Hồng còn tỉnh Thái Bình thì lại nằm bên tả ngạn. Mỗi lần muốn đi Hà Nội bằng tàu hoả, chúng tôi phải đi một chặng xe ca (xe đò) Thái Bình – Nam Định qua phà Tân Đệ, rồi mới đáp tàu từ Thanh Hoá ra mà đi từ ga Nam Định về đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội) là ga cuối cùng. Vậy làm sao tàu hoả có thể đi qua Thái Bình được vì ngay cả tàu hoả Hà Nội – Hải Phòng cũng chỉ chạy qua Hải Hưng (nay đã chia lại thành Hưng Yên và Hải Dương) mà thôi. Ý kiến này cũng được ông Đặng Hương (P. 13 N4 T28, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) – một cộng tác viên cao tuổi của Kiến thức ngày nay chia sẻ. Ông Đặng Hương viết: “Tôi vốn là dân Thái Bình, gắn bó với quê hương từ nhỏ, có thể khẳng định chưa bao giờ đường xe lửa chạy qua Thái Bình”.