Học ăn, học nói, học gói, học mở là câu tục ngữ nói về những điều cơ bản trong cuộc sống. Mà con người ta phải học để có được cách ăn ở, giao tiếp. Cách đối nhân xử thế sao cho lịch sự, tế nhị, văn minh.
– Học ăn: học những phép lịch sự trong ăn uống.
– Học nói: học nói những điều hay, lẽ phải.
– Học gói: học cách tiết kiệm, giữ gìn, không lãng phí.
– Học mở: học tính rộng lượng, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
– Học gói, học mở: cũng có ý nghĩa là học để biết cách làm cái gì trước, cái gì sau. cách sắp xếp công việc, có gói rồi mới đến mở. Trong cuộc sống phải biết trước biết sau, chỉ chung sự khéo léo trong công việc, cách đối nhân xử thế cuộc sống hàng ngày.
Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam có một truyện vui nhiều ý nghĩa. Truyện kể, một ông khách đột ngột thăm nhà bạn vào lúc đúng bữa. Vị khách đi đường xa hết tiền lộ phí, lại đói bụng. Chủ nhà cũng thuộc diện nghèo khó không đủ điều kiện tiếp đãi đầy đủ, chỉ tiện mời bữa ăn. Khách ăn không đủ no, muốn ăn tiếp lại ngại không biết nồi cơm gia chủ có còn không. Nên rất tế nhị đưa bát (chén) về phía chủ. nói vui: “Nhà tôi năm ngoái có cây ổi ra trái to bằng cái bát này”.
Chủ nhà cũng rất tế nhị đưa cái nồi hết sạch cơm cho khách xem và nói: “Năm ngoái nhà tôi có cây cam, trái to bằng cái nồi”. Cả khách và chủ đều vui vẻ chấp nhận sự đạm bạc thiếu thốn của mình.
Ăn là vấn đề tồn tại phát triển. Học ăn cũng là học cách tồn tại và phát triển. Người ta học ăn để biết và thấu hiểu 3 vấn đề: Vì sao ăn, ăn gì và ăn như thế nào? Vì sao ăn? Không chỉ là câu hỏi tiềm thức của bản năng. Đó còn là câu hỏi của lý trí, tình cảm. Ăn vì đói, vì thói quen đến bữa, vì giao tế. Vì người khác là chuyện bình thường. Ăn để khám phá ẩm thực, để thưởng thức cái ngon cái đẹp. Cũng là điều hợp lẽ tự nhiên.
Nhưng nếu ăn vì sự tham lam như một loài ếch Nam Mỹ. Hay bầy đàn châu chấu thì không còn là chuyện bình thường nữa. Vấn đề thứ hai là ăn cái gì? Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm để biết đồ ăn nào sạch, đồ ăn nào bẩn, cái ăn được, cái không thể ăn. Vấn đề thứ ba là ăn như thế nào? Vấn đề này xem ra đơn giản nhưng lại rất nhiều phức tạp và phong phú. Không chỉ là vấn đề ăn nhanh, ăn chậm hay lịch lãm tinh tế trong khi ăn. Tình cảm và thái độ sống góp phần quyết định trong việc ăn như thế nào. Nhìn người khác để ăn. Ăn vừa đủ, ăn có văn hóa có lẽ là những yêu cầu cơ bản trong vấn đề ăn như thế nào.
Việc học nói cũng gần giống như chuyện học ăn. Nói là bản năng của con người. Học nói cũng thuộc về bản năng. Trong cuộc sống, người ta phải thường xuyên đối diện với 3 vấn đề: vì sao nói, nói điều gì và nói như thế nào?
Như trên đã trình bày, nói thuộc về bản năng là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc nói nhất thiết phải học. Tính xã hội là một thuộc tính của con người. Vấn đề “vì sao nói” không chỉ có trong tiềm thức mà luôn tồn tại trong lý trí, tình cảm. Trong đời sống thường ngày, trong công việc, nói vì mình, vì người khác, vì cộng đồng xã hội là điều bình thường. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề này là đạo đức và trách nhiệm sống. Nếu vì tình người, vì trách nhiệm xã hội, vì cái đẹp, người ta sẽ tìm được và giải mã vấn đề nói cái gì. Kẻ ích kỷ, vụ lợi, gian xảo sẽ nói những gì có lợi cho mình, bất chấp sự tổn hại hay tổn thương tới người khác.
Ở vấn đề “nói như thế nào”, thiết nghĩ thuộc về tri thức, kỹ năng. Mục đích chính của việc nói là thuyết phục. Cái “tâm” của người nói luôn là một nền tảng, cơ sở cho sức thuyết phục. Cái “tâm” ấy cũng rất cần đến sự hỗ trợ của tri thức, kỹ năng. Tri thức cần phải được chọn lọc theo yêu cầu phù hợp, hiệu quả. Kỹ năng truyền tải cần phải sinh động, phong phú. Thực tế cho thấy, kỹ năng nói luôn có được những ưu thế trong các cuộc tranh luận, trong giao tiếp và công việc hàng ngày.
Nói tiếp về việc “học gói, học mở”, theo cách nghĩ của người viết. Tổ tiên cha ông ta không chia, tách chuyện gói, mở. Có gói ắt phải có mở, âu cũng là một lẽ thường tình trong đời sống. Hoàn toàn không phải tiện miệng nói theo vần, việc “học gói, học mở” được xếp ngang với việc học ăn, học nói. Vấn đề không phải chỉ dừng lại ở chuyện gói, mở hàng hóa bình thường. Phạm trù “gói”, “mở” rất sâu rộng, bao hàm hầu hết các vấn đề trong đời sống, công việc; Là một vấn đề triết học sâu sắc luôn tồn tại trong đời sống con người. Đời sống xã hội, vũ trụ vô hạn. Đời sống mỗi con người có hạn.
Trong vô hạn có hữu hạn. Việc học gói, học mở chính là học cách nhận biết cái hữu hạn trong vô hạn, cái vô hạn trong hữu hạn. Nói một cách nôm na, trong đời sống con người, đời sống xã hội, chúng ta luôn phải đối mặt tới những vấn đề “quên đi”, “nhớ lại”, “đóng vào”, “mở ra”. Sự phức tạp trong đời sống tình cảm, trong xã hội luôn cần có những giải pháp để hóa giải. Hóa giải các mâu thuẫn, xung đột để tồn tại, để phát triển.
Cổ nhân nhắc người đời sau phải “học gói, học mở” để khép lại cái này, mở ra cái kia; để cuộc sống tinh thần mỗi người, cuộc sống xã hội ổn định. Việc “học gói, học mở” chính là để mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn. Để việc làm có hiệu quả hơn, để mỗi người sống vui vẻ hơn.
Đôi lời bàn luận nôm na. Mong được bạn đọc chia sẻ