Nhân chuyện “Gành – Ghềnh” trên Năng lượng Mới số 508, tôi xin hỏi bổ sung ý của ông An Chi về /anh/-/inh/-/ênh/, một hiện tượng khá thú vị về âm đọc của chữ 溋. Chữ này đọc âm Hán Việt là /doanh/, có âm nôm là /duềnh/ hoặc /dềnh/. Hình như văn Quan Đệ Tam có câu: “Trịnh giang biên dềnh/duềnh ngân lai láng Đôi vầng hồng soi rạng nam minh”. Và địa danh chữ “ghềnh” cũng nhiều lắm mà.
Địa danh mang thành tố “Ghềnh” có nhiều hay không thì chúng tôi hy vọng bạn Lương Kiên Trinh sẽ cho dẫn chứng nhưng dù có nhiều đến đâu thì nó cũng không trực tiếp liên quan đến chuyện “Gành” mà chúng tôi đã bàn trên Năng lượng Mới số 508 vì chữ này thì lại thuộc về phạm trù địa danh ở Nam Bộ (mà chúng tôi sẽ nhắc lại ở phần dưới).
Bạn Lương Kiên Trinh đưa ra chữ [溋] và khẳng định rằng “chữ này (ý bạn là chỉ một chữ này thôi – AC) đọc âm Hán Việt là ‘doanh’, có âm nôm là ‘duềnh’ hoặc ‘dềnh’.” Thực ra, ở đây, ta có hai chữ [溋] khác nhau. Với hai âm “dềnh” và “duềnh” thì [溋] là một chữ Nôm còn với âm “doanh” thì nó lại là một chữ Hán. Với tính cách là một chữ Hán thì chữ [溋] bộ “thủy” này là chữ có sau và đồng dụng với chữ có trước nó là chữ [盈] thuộc bộ mãnh [皿], mà âm Hán Việt thông dụng hiện hành là “doanh” nhưng âm Hán Việt thư tịch chính tông thì lại là “dành” vì thiết âm của nó trong Quảng vận (đầu thế kỷ XI) là [以成切] “dĩ thành thiết” ( = D[ĩ] + [th]ÀNH). Vậy, về ngữ âm, ở đây ta có “doanh < dành” và “dành > doanh” [溋] có nghĩa là: đầy đủ; đầy tràn; dư thừa. Đây chính là chữ dành mà ta có thể thấy được trong các ngữ vị từ quen thuộc để dành, dành dụm (nghĩa là để dư ra phòng khi cần đến).
Cứ như chúng tôi đã khẳng định thì “dành” hiển nhiên là một từ Hán Việt thường dùng. “Dành” có một điệp thức hậu kỳ là “dềnh”, với nghĩa là dâng lên cao rồi tràn ra và nghĩa phái sinh là phình ra, nở ra như có thể thấy trong “dềnh dàng”. Vậy “dành” là âm Hán Việt gốc, chính thống còn “dềnh” là âm Hán Việt Việt hóa của chữ Hán [溋] do bạn Lương Kiên Trinh đưa ra. Chữ Hán này được dùng làm Nôm để ghi từ “duềnh” trong câu “Trịnh giang biên duềnh ngân lai láng” của bài “Quan đệ tam” do bạn Lương Kiên Trinh đưa ra. Chữ này mặc nhiên bị cho là phi Hán Việt và được Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên giảng là “dòng nước tự nhiên”.
Thực ra thì “duềnh” còn có một nghĩa “rộng” hơn nghĩa và đây lại là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [瀛] mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “doanh” nhưng âm Hán Việt thư tịch chính thống của nó cũng là “dành” vì trong Quảng vận thì nó thuộc tiểu vận do chữ [盈] đứng làm đầu vận, nghĩa là ba chữ [盈], [溋] và [瀛] đồng âm với nhau. Vậy âm gốc của chữ [瀛] cũng là “dành”, sau đó nó được thêm âm đệm [w] vào để trở thành một âm tiết tròn môi hóa là “doành”. Chỉ sau khi biến thành “doành” rồi thì nó mới có điệp thức hậu kỳ là “duềnh” vì, như đã nói trên Năng lượng Mới số 508, trong mối quan hệ ANH ↔ INH ↔ ÊNH thì chính ANH mới > (INH >) ÊNH. Và cũng chỉ sau khi trở thành một âm tiết tròn môi hoá thì “doành” mới chuyển từ thanh điệu 2 sang thanh điệu 1 để trở thành “doanh” mà làm âm Hán Việt hiện hành cho chữ [瀛], có nghĩa gốc là biển cả.
Chúng tôi muốn kể thêm một yếu tố Hán Việt khác cũng có âm hiện hành là “doanh”. Đó là chữ [籯] vốn cũng đọc là “dành” vì nó cùng một tiểu vận với chữ [盈] mà thiết âm là “dĩ thành thiết” trong Quảng vận. “Dành” [籯] có nghĩa là giỏ lớn đan bằng tre và đây là một yếu tố Hán Việt chính tông đang đảm nhiệm vai trò của một từ độc lập, tự do trong tiếng Việt hiện đại, mà từ điển Vietlex giảng là “đồ đựng đan khít bằng tre nứa, đáy phẳng, thành cao”, nhưng lại viết với GI- thành “giành”. Nếu ta theo nguyên tắc là chính tả của các yếu tô Hán Việt phải được ghi đúng với các âm vị gốc, đặc biệt là phụ âm đầu, thì chữ “giành” này phải bị cách cái mạng thành dành.
Thí dụ này và những thí dụ trên cộng với nhiều trường hợp mà chúng tôi từng nói đến ở những chỗ khác chẳng những cho phép mà còn đòi hỏi ta phải triệt để bác bỏ cái kiểu phân loại các yếu tố Việt gốc Hán do Vương Lực đặt ra, mà tiếc thay, hầu như tất cả các nhà Việt ngữ học người Việt Nam đều nói theo, kể cả Nguyễn Tài Cẩn.
Bây giờ xin trở lại với chuyện Cầu Gành bị đổi tên thành “Cầu Ghềnh”. Xin nhắc lại rằng trong quan hệ từ nguyên thì ANH là bậc ông bà, INH là bậc cha chú còn ÊNH chỉ thuộc hàng con cháu mà thôi. Và đây là chuyện địa danh mà trong lĩnh vực địa danh thì từ ngữ không thể được xử lý y hệt như trong ngôn ngữ thông thường. Ta không thể lấy biến thể ngữ âm của miền này mà thay thế cho yếu tố tương ứng của miền khác.
“Bình Quới” là một địa danh liên quan đến hoạt đông vui chơi và ẩm thực tại TP HCM hiện nay nhưng ta không thể sỗ sàng bỏ tên cúng cơm của nó để gọi nó là “Bình Quý”. Huyện Hóc Môn, TP HCM hiện nay có xã “Thới Tam Thôn” và xã “Tân Thới Nhì”; ta cũng không thể sỗ sàng cải tên hai xã đó thành “Thái Tam Thôn” và “Tân Thái Nhì”. TP HCM có quận “Bình Thạnh”; không biết có nhà báo nào nổi hứng mà gọi nó là quận “Bình Thịnh” hay không? Chúng tôi nghĩ là không. Thế mà tên cha sanh mẹ đẻ của người ta là Cầu Gành thì họ lại nhất loạt gọi là “Cầu Ghềnh” mà không thấy ngượng mồm lẹo lưỡi.
Trang “R.I.P cụ Gành!” trên Facebook đã nêu nhiều nguồn thư tịch cho thấy tên của chiếc cầu được nói đến xưa nay vẫn là Cầu Gành: Địa phương chí tỉnh Biên Hòa, Địa chí Đồng Nai (Tập 1 – Tổng quan), 55 năm Thành phố Biên Hoà (1930-1985), Biên – Hòa sử – lược toàn – biên, Lịch sử và văn hóa Cù lao Phố, Việt Nam – Đồng Nai trăm năm nhìn lại, Bên dòng sông Phố (thơ), Chuyện một người lính khố đỏ (Phạm Khải Tri) và Lược sử Cù lao Phố. Thư tịch, sử liệu rành rành như thế. Thế mà… Chuyện này trực tiếp liên quan đến trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Nai và trên hết là Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai. Có lẽ nào các vị cứ bình chân như vại mà để cho báo chí biến Cụ Gành thành Cu Ghềnh? Xin có thơ:
Thằng Ghềnh hất cẳng ông Gành;
Thật là xấc xược mà các ngành đành ngó lơ…