Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

“Pré” và “proto” là gì và khác nhau như thế nào?

Trên Kiến thức ngày nay, số 191, khi phân tích danh từ “prénom”, ông có giải thích rằng “pré” là trước. Vậy còn “proto” là gì? Có đồng nghĩa với “pré” hay không? Mỗi cái nên được dịch thế nào cho đúng?

Pré là một tiền tố tiếng Pháp bắt nguồn từ tiếng La Tinh prae, có nghĩa là trước, còn proto thì lại bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp prôtos, có nghĩa là thứ nhất, là đầu tiên. Dictionnaire des racines scientifiques của André Cailleux và J.Komorn (Paris, 1961) đã ghi ngắn gọn mà rành mạch như sau:

Pré, devant, avant”.

Proto, premier”.

Mặc dù đầu tiên là trước nhưng trước thì lại không nhất thiết là đầu tiên. Vậy không thể lẫn lộn pré với proto được, nhất là khi dùng các yếu tố này để đặt (hoặc dịch) thuật ngữ khoa học, là những từ ngữ mà tính đơn nghĩa và tính minh xác là những yêu cầu trọng yếu.

Pré vẫn được dịch thành “trước” đối với những từ thông thường như: préaviser là báo trước, préchauffer là nung trước, prédire là đoán trước, préfixer là định trước, v.v.. Nhưng đối với thuật ngữ, đặc biệt là những từ có tính chất phân kỳ về mặt thời gian, thì nó được dịch là “tiền”, như: préchrétien là tiền Cơ Đốc, préceltique là tiền Celtic, préaryen là tiền Aryen, préromain là tiền La Mã, v.v.. Tiền là một yếu tố Hán Việt. Sự lạm dụng yếu tố “thuần Việt” ở đây có khi sẽ làm cho nội dung của phần đối dịch trở nên mơ hồ. Chẳng hạn Từ điển Pháp Việt của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam do Lê Khả Kế làm tổng biên tập (Agence de Coopération Culturelle et Technique, 1981) đã dịch thuật ngữ địa chất học préglaciaire là “trước sông băng”. Một cách dịch như thế sẽ dễ gây ấn tượng rằng đó là lời tức cảnh của một thi sĩ trước cảnh tượng thiên nhiên kỳ vĩ mà… giá buốt. Préglaciaire thực ra là tiền băng hà. Đó là còn chưa kể đến việc có khi chỉ vì thấy có pré– mà vội diễn thành “trước” nên đã dịch sai hẳn. Chẳng hạn, cũng quyển từ điển song ngữ đó chẳng những đã dịch préalpin là “trước núi An-pơ (Alpes)” mà còn cẩn thận ghi chú rằng đó là một thuật ngữ địa chất học nữa. Tiếc rằng đối với người Pháp thì préalpin chỉ đơn giản có nghĩa là “thuộc về dãy núi Préalpes” mà thôi. (Nouveau Petit Larousse en couleurs 1969 đã cho: “préalpin. Relatif aux Préalpes”, còn Petit Larousse illustré 1992 thì cho: “préalpin. Des Préalpes“).

Còn proto thì thường được dịch thành sơ hoặc nguyên (thuỷ), thí dụ: prototype là nguyên mẫu, protozoaire là động vật nguyên sinh, protoplanète là sơ hành tinh, protohistoire là sơ sử v.v..

Vậy hai từ tố préproto không thể thay thế cho nhau được. Xin so sánh ba từ sau đây: histoire là sử, protohistoire là sơ sử còn préhistoire thì lại là tiền sử. Préhistoire chưa phải là protohistoireprotohistoire thì cũng chưa phải là histoire. Vậy pré (tiền) và proto (nguyên, sơ) rất khác nhau. Tiếc rằng trong việc nghiên cứu lịch sử của tiếng Việt, người ta đã không chú ý đến sự phân biệt này, do đó mà đã có cách gọi và cách dịch hoàn toàn không thoả đáng. Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương, chẳng hạn, đã cung cấp cho độc giả cái đẳng thức sau đây: “Tiền Việt-Mường = protovietmuong”(Xem “Về ngôn ngữ Tiền Việt-Mường, Dân tộc học, số 1, 1978, tr. 65.) Nhiều tác giả khác cũng đã làm như thế.

Thực ra, protovietmuong là sơ Việt-Mường (Việt Mường nguyên sơ) còn prévietmuong thì mới là tiền Việt Mường. Trong ngữ tộc học và lịch sử ngôn ngữ thì hai cách gọi “préX”, tức tiền X và “protoX”, tức sơ X (X là ký hiệu cho tên của một ngôn ngữ nhất định) hoàn toàn khác nhau: ngôn ngữ protoX (sơ X) là chính ngôn ngữ X ở giai đoạn sớm nhất mà người ta có thể biết được hoặc tái lập được còn ngôn ngữ préX (tiền X) thì lại là một ngôn ngữ phi X đã bị chính X thay thế. Vậy theo cách hiểu chung và đúng đắn trên đây thì ngôn ngữ tiền Việt Mường sẽ là một ngôn ngữ phi Việt Mường. Đây tất nhiên không phải là ngôn ngữ mà các tác giả trên muốn nói đến vì cái họ muốn nói đến thì lại là một ngôn ngữ Việt Mường ở giai đoạn sớm mà người ta đang ra sức hình dung lại. Vậy phải gọi đó là tiếng sơ Việt Mường chứ không thể là tiền Việt Mường được. Nếu bảo rằng tiền là một hình vị tiếng Việt mà giới Việt ngữ học Việt Nam đã nhất trí lựa chọn ước riêng của mình để dịch hình vị proto – ta làm theo quy theo cách của ta – thì khi gặp hình vị pré, họ sẽ dịch bằng cái gì, chẳng hạn khi gặp phải cùng một lúc, ba cách diễn đạt sau đây của tiếng Pháp: indo-européen, préindo-européenprotoindo-européen? Indo-européen tất nhiên là Ấn Âu, protoindo-européen sẽ là tiền  n  u (theo cách dịch của họ); vậy còn préindo-européen là gì?

Cách gọi đã thấy trên đây rõ ràng là một cách gọi không ổn. Tiếc rằng nó đã từng được nêu lên trên diễn đàn quốc tế mà không biết có ai có phản ứng gì hay không, chẳng hạn trong báo cáo của Phạm Đức Dương tại Hội nghị IV giữa các nước xã hội chủ nghĩa về ngôn ngữ phương Đông, nhan đề “Vấn đề proto – Việt Mường trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại”(Xem Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Hà Nội, 1986, tr. 285-297.) Giới ngữ học các nước xã hội chủ nghĩa có lẽ cũng nhất trí rằng khi nghiên cứu riêng về tiếng Việt thì proto có nghĩa là “tiền” chăng?

Tìm hiểu Bát quái đồ và 8 bộ phận trên cơ thể con người

Bát quái là 8 quẻ được sử dụng trong vũ trụ học Đạo giáo, đại diện cho các yếu tố cơ bản của vũ trụ, được xem như là một chuỗi tám khái...

Châu về Hợp Phố nghĩa là gì?

"Châu về Hợp Phố" hay "Châu về Hiệp Phố". Ý nói trùng phùng gặp gỡ, đoàn tụ lại. Thường được dùng hàm ý chỉ “những cái quý giá không mất...

Hai tấm bia đá cổ đặc biệt bên sông Ngự Hà ở Huế

Nội dung của hai tấm bia đá cổ bên sông Ngự Hà cho thấy sự quan tâm sâu sắc của vua Minh Mạng đến đời sống của cư dân trong...

Nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn

Lê Trọng Nguyễn (1926-2004) là một nhạc sĩ nổi tiếng, với ca khúc Nắng Chiều. Ông sinh ngày 1/5/1925 tại Điện Bàn tỉnh Quảng nam. Cha mất sớm, mẹ ông...

Nhắc lại cuộc đời cố tổng thống VNCH Trần Văn Hương

“Tôi xin hứa với anh em trong quân đội là ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may,...

Cư tang là gì ?

Thời xưa, dẫu làm quan đến chức gì, theo phép nước, hễ cha mẹ mất đều phải về cư tang 3 năm trừ trường hợp đang bận việc quân nơi...

Loạt ảnh thú vị về đời sống ở Sài Gòn năm 1961

Cùng xem loạt ảnh đặc sắc về Sài Gòn năm 1961 do người Mỹ thực hiện, mới đây được một nhà sưu tầm rao bán trên trang mạng mua bán...

Sách dạy làm giàu – Sự nguy hiểm của liệu pháp tự kỷ ám thị

Nhưng những sách ấy là dạy người ta như thế. Nó ru ngủ con người trong giấc mộng sang giàu, khao khát đến mức quên cả bản thân mình hao...

Tam Quốc Diễn Nghĩa – truyện anh hùng thời cổ Trung Quốc

” Tam quốc diễn nghĩa” được viết ra trong bối cảnh nào? Tam quốc diễn nghĩa ra đời vào cuối thế kỷ 14 Công Nguyên, đến nay đã có hơn...

Mả Ông Tướng – Đi tìm danh tính của Ông Tướng

Đi trên Quốc lộ 1 từ bắc vào nam, khi đến trụ km 1513 thuộc tổ dân phố Trà Long 2, phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh sẽ gặp...

Nghề xe kéo

Xe kéo xuất hiện lần đầu tại Hà Nội năm 1883, do ông Toàn Quyền Đệ Nhất Bonnal cho phép đem từ bên Nhật qua. Gần 15 năm sau, Sài...

Quá tam ba bận hay Quá tang ba bận?

Có khá nhiều người muốn tìm lời giải đáp chuẩn xác nhất cho câu thành ngữ. Quá tam ba bận nghĩa là gì? Vì thực tế, câu thành ngữ này...

Exit mobile version