Nước mắm thường được dùng như loại gia vị không thể thiếu từ tẩm ướp cho đến nêm nếm. Tuy nhiên nước mắm lại có những quy tắc riêng để làm nổi bật nguyên liệu chính, bạn đã biết những sai lầm chúng ta thường gặp là gì không?
Cách dùng nước mắm trong các món ăn
Với món thịt luộc, cá hấp nên dùng nước mắm nguyên chất để chấm, không pha loãng, chỉ cho thêm ớt hoặc hạt tiêu, chanh hay tắc.
Trong các món canh, nên nêm nước mắm sau cùng rồi bắc ra ngay. Nếu bạn nêm nước mắm và để sôi lâu trên bếp thì món ăn sẽ mất ngon do hương vị nước mắm bị biến đổi.
Với những món kho như thịt, cá, chỉ cần ướp nguyên liệu với đường, hành tiêu và một ít muối. Khi thịt, cá gần mềm thì mới thêm nước mắm vào rồi tắt bếp.
Không sử dụng mắm để ướp thịt
Có đến 90% các chị em thường mắc phải sai lầm này khi sử dụng nước mắm. Nước mắm sẽ làm thịt bị cứng và khô hơn so với khi sử dụng muối, đường để ướp.
Nước mắm nên được cho vào trong quá trình nấu. Bạn chỉ nên nêm nước mắm trước khi tắt bếp khoảng 1 phút để nguyên liệu món ăn không bị át đi hương vị đặc trưng và giữ được hàm lượng dinh dưỡng trong nước mắm.
Không nên đun nước mắm quá lâu
Với những món canh, rim hoặc kho, bạn nên cho mắm vào khi gần tắt bếp rồi bắc ra luôn. Nếu cho nước mắm ngay từ đầu thì mùi mắm sẽ không còn giữ nguyên nếu bị đun lâu. Đồng thời những vitamin có trong nước mắm sẽ bốc hơi hết nếu bị đun quá lâu.
Không dùng nước mắm cho trẻ dưới một tuổi
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo, trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn nước mắm. Lý do bởi độ mặn trong nước mắm không tốt cho thận đang còn khá non nớt của trẻ. Ngay cả những sản phẩm có chất điều vị khác như mỳ chính, hạt nêm cũng không tốt cho sức khỏe của trẻ dưới 1 tuổi.
Trong nước mắm có chứa hàm lượng muối rất cao, vì vậy người bệnh thận, xương khớp, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch nên hạn chế sử dụng nước mắm hoặc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ bạn nhé!