Các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước, có thể trở thành những con người ngay thẳng, chính trực, tài giỏi không? Khi mà chính người lớn chúng ta còn chưa thấu hiểu về giáo dục…
Một học sinh lớp 2 bị xe ôtô đâm gãy chân. Trong xe có chở 2 cô giáo, một người là hiệu trưởng. Học sinh thành thực kể rằng thấy cô hiệu trưởng trong xe ôtô đâm mình. Cô hiệu trưởng lấy việc phát phiếu thăm dò toàn trường để chạy tội và cho rằng:
- 100% giáo viên xác nhận không có xe ô tô vào trường trong thời điểm học sinh gãy chân.
- 100% cán bộ nhà trường xác nhận như trên.
- 100% học sinh xác nhận như trên.
Nhưng rồi nhiều giáo viên lại phản ánh rằng chưa từng nhận được phiếu thăm dò. Khi vụ việc vỡ lở, người ta mới đau lòng nhận ra rằng đã có những người lớn nói dối…
Nhưng đó chỉ là một trường hợp tiêu biểu mà thôi! Liệu chúng ta có thể giáo dục học sinh nói thật trong khi chúng ta đang nói dối?
Chúng ta nói dối từ chuyện đãng trí trong sinh hoạt thường ngày, đến chuyện thiếu sót trong công việc; Chúng ta nói dối từ những lời hứa đối với con trẻ, đến những lời bảo đảm trong làm ăn buôn bán; Chúng ta dễ dàng phản bội lời hẹn ước lứa đôi để ngoại tình, để ly hôn; Chúng ta nói dối về những gì chúng ta đã đạt được, về những “thành tích” của chúng ta; Chúng ta nói dối về những thảm họa môi sinh, những cá chim trắng; Và đôi khi chúng ta cũng không còn dám hứa, vì biết rằng chúng ta sẽ không thể thực hiện được điều ngay chính ấy…
Chúng ta dạy các em đừng tranh cãi với nhau, trong khi chúng ta không làm vậy; Chúng ta dạy các em phải biết tôn trọng người khác, trong khi chúng ta không làm vậy; Chúng ta dạy các em phải biết sửa sai, trong khi chúng ta không làm vậy; Chúng ta dạy các em phải biết chia sẻ, trong khi chúng ta không làm vậy; Chúng ta dạy các em phải biết trân trọng sinh mệnh, trong khi chúng ta không làm vậy…
Nhưng xin độc giả đừng quá bi quan, vì dưới đây xin được chia sẻ câu chuyện của một người hiệu trưởng khác:
Thầy nằm viện nguy kịch, nhưng không quên dặn dò các em đừng đến vì đường xa, bệnh viện chật.
Các em vẫn đến – cầm theo phong bì: “Thưa thầy, đi thăm người bệnh mà chúng em không biết thầy thích ăn gì, nên chúng em nhờ cô là thầy thích gì thì cô mua cho thầy giùm chúng em”.
Thầy nhận, thầy nói các em đừng đến nữa. Các em lại đến…
Các em gấp hạc giấy tặng thầy với ước vọng: “Mỗi con hạc thầy sống thêm được một ngày”. Hơn 3000 học sinh, vậy là thầy sống thêm 10 năm nữa…
Thầy thầm để tất cả phong bì vào cùng một chỗ, được 150 triệu.
May mắn phục hồi, thầy ra viện, lập một quỹ Tình thương, góp thêm cả tiền của mình. Giờ cái quỹ ấy để giúp nhà giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đã được khoảng 300 triệu.
Cũng chính người thầy trong câu chuyện ấy đã tặng cho độc giả Trí Thức VN một chữ “Chân” nhân dịp năm mới Đinh Dậu. Và chúng ta hãy cùng nuôi hy vọng rằng, một ngày kia, chữ “Chân” sẽ thực sự hồi sinh trong lòng những người con đất Việt.
Quang Minh