Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Chuồn chuồn ngô cắn rốn

Tương tư hoa gạo quê nhà
Tự dưng áo đỏ làm ta giật mình

Một ngày cuối tuần trời hom hom, đất đơ đơ, ông bắc ghế ngồi ở vườn, sau tách cà phê tới bình trà. Giữa trà và cà phê là khói thuốc lá. Bất giác nhìn lên khỏang không, mây đùn lên ngang ngang một mầu xám chì tẻ ngắt, đất trời trùng hẳn xuống, gió thổi mây xoắn tít. Gió như bước chân mùa thu khẽ tới, hoa lá cụm lại thủ thỉ lời chia tay với nỗi nhớ nhung. Lòng ông cũng xoắn xúyt những nỗi lao xao khó hiểu mà ông chả biết diễn nghĩa ra sao, ông chỉ biết đang bơi trong một ngày trống vắng. Vậy thôi.
Vậy mà bất chợt đảo mắt qua hàng rào bên kia, ông bắt gặp bà hàng xóm sửa soạn tưới cây, bà đặt lên giàn bầu bí cái máy hát xách tay. Giọng khào khào như mèo vật đống rơm của Khánh Ly vang vọng trong khoảng không nháo nhác chuỗi nhạc Trầm Tử Thiêng “nghe tiếng…chim cười, ăn…bát cơm tươi”. Quái lạ. Ông thượt người ra vì chả hiểu…”cơm tươi” với…”chim cười” là giống giuộc gì thì bỗng điện thọai te te như dế kêu. Bên kia đầu dây tiếng bà bác nhà quê đặc đang cười khanh khách. Ấy là bà bác Bắc kỳ hai nút mới theo con cháu vào Nam, bà đang óc ách điện thọai đường dài cho ông. Giọng bà ròn tan: Này thằng…phò, con nhà Nụ nó viết thư hỏi thăm mày còn nhớ con chuồn chuồn ngô cắn rốn không hở.

Hở hang gì đây với “phò” nữa. Cái đầu ông lại rối tinh thêm…với cái tên Nụ. Qua lời bà bác khơi dậy một mảng ký ức của cái tuổi ấu thời còn rơi rớt lại trong ông. Ngay bây giờ đang nhấp nhổm ơi ới rủ nhau hiện về…với con bé mò cua bắt tép ngày nào. Đã từ lâu nằm tịt trong ký ức, nay đang ngọ nguậy như con rạm con cáy.

Nói cho ngay, ông đang mầy mò trở về nơi cất giữ tuổi thơ….

Ông đong đưa cùng những ngày tháng qua mau với: “nó”. Gọ gạy thì còn ai trồng khoai đất này…nó là chính là ông của những ngày còn bé tẹo, bé tẻo tèo teo:

“…bu nó buôn đầu chợ bán cuối sông nên gửi nó cho bà bác. Thế nhưng nếu có hồi tưởng lại qua một, hai dấu ấn sâu đậm nhất ở quê ngọai, rõ ra vẫn là cái Nụ bé lũn chũn tắm mưa với nó ở cái sân gạch vô. Chuyện là cái Nụ đuổi nó, chạy tới bể nước mưa thì nó vồ ếch một cái bạch, trán u to bằng quả nhót để nhớ đời. Nếu trời không mưa rủ nhau tắm truồng, hai đứa chạy chân trần đuổi bắt chuồn chuồn ngòai vườn…”.

Ngồi không, ông bèn râm ran chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng kẻ trộm bắt mày đi tu…Chẳng khó khăn mấy, chú bị ông rình rình nhón gọn cái đuôi. Nếu nhúm được chú chuồn chuồn ngô hay chuồn chuồn voi, ông nhét vào đít nó khúc que nhang ngắn cũn cho chúng đi…tu luôn. Như ông lúc này vậy, ngày nào cũng…tu hai ba chai.

“…bất chợt bắt gặp chú chuồn chuồn kim chúm chím đỏ chúi đầu trên cụm hoa mười giờ, chả khó khăn lắm, chú bị nó nhón gọn cái đuôi. Vậy mà đưa cho cái Nụ, cái Nụ lại ngúng nguẩy: Chuồn chuồn..ớt..ớt…cơ. Lát sau cả hai lẵng nhẵng chạy về hiên nhà, bà bác trẻ đang phơi nắng bắt chấy rận. Bà mắng yêu: Gớm hai đứa phải gió phải giăng này lại giận nhau rồi phỏng. Đang vui vẻ vậy đấy, hốt nhiên bà nhỏm đậy, cất tiếng như hát “Cha năm đời mười đời bố cụ nhà mày nhá, mày lấy thuổng mày đào, mày lấy dao mày cạo, mày bỏ thỏm vào nồi, mày đun sôi sùng sục, mày múc ra mâm, mày ăn ngấm ngầm, mày khen khoai nhà bà ngọt nhá”.

Nhá nhem một hồi xong, bà đứng hai tay chống nạnh, mặt phừng phừng. Rồi cũng đột nhiên bà quên ngay chuyện trộm đào khoai vườn nhà bà tối hôm qua, nuốt vội câu chửi giữa chừng vào họng. Bà chùi tay vào áo, rồi như mọi bữa, bà dắt hai đứa xuống chái bếp nướng khoai. Vừa ăn hai đứa vừa nhấp nhổm nhóng mắt về phía cuối rặng duối. Gần là một mảng nước ao bèo. Xa hơn nữa là cái gò đất thấp tũn. Bà lại dặn hờ: Cha bố hai đứa mày, lớn lên rồi hẵng hay…Này, bà cấm chỉ ra bờ ao ấy nhá…nhá.

Ông thừ người ra đắm chìm một mảng dĩ vãng quê ngọai thấp thóang qua bụi tre, ruộng đồng, mảnh vườn, bờ ao, khói bếp ngoằn ngòeo trên mái rạ. Thế nhưng đậm đà nhất vẫn là củ khoai lang thơm điếc mũi, bắp ngô nướng ngai ngái mùi khói rơm…

“…chén xong mấy củ khoai no kềnh bụng, cả hai ù té chạy như ma đuổi qua gò mả làng. Ngay bên kia ngõ. Để…ỉa đồng. Xong, cái Nụ lấy lá chùi đít, vớ ngay cái lá han có lông, lè lưỡi kêu ngứa. Còn nó dòm xuống có tiếng vo ve, ngồi lâu sợ muỗi cắn đít. Nó chỉ chực chạy về nhà, gác chân như chó đái giắt lên cái bờ bệ gạch đánh chịn, cọ đi cọ lại, chả như cái lá han ngưa ngứa, mà râm rỉ tê tê sướng khóai củ tỉ…”

Ông bập bập điếu thuốc thở ra vì một ngày bị thầy cái Nụ bắt gặp, ông là hàng xóm láng gừng, láng tỏi bà bác có gương mặt đần và tẻ, mắt lờ đờ như mắt cá ươn, với nghề phụ cơm rượu là họan lợn. Đi đâu đầu cũng quấn khăn đầu rìu, quần sắn móng lợn, vai khoác cái bị cói có con dao nghề, cuộn giây gai, cái bình vôi để dịt vết thương.

“…một lần bất ngờ thầy cái Nụ thấy hai đứa đang ngồi bó gối chồm hổm, chống tay như con gọng vó. Vừa châu đầu chằm chằm dòm nhau, vừa cong đít rặn bở hơi tai. Thầy cái Nụ cầm cán cuốc dứ dứ: Tiên sư chúng mày, có về không thì bảo. Tao phang cho mỗi đứa một gậy bây giờ. Thế là hai đứa vén quần chạy te tái…” .

Lúc này nghĩ lại ông tiếc hùi hụi cái thú thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng… “đánh chịn”. Phúc bẩy mươi đời, cho đến tuổi này ông không bị trĩ rọm, trĩ lươn là may. Được thể ông vắt qua chuyện quê nhà, không ra gò mả thì tắm ao làng, Theo như bà bác nhà quê đặc thì ao rộng lắm, nước trong veo, mặt nước dập dờn bèo Nhật Bản. Ban ngày kín nước về ăn, đêm hôm là nơi trai gái tình tự. Dân làng vớt cá ở sông mang về thả vào ao làng, cá li ti bằng đầu tăm, thế mà họ quen mắt biết con nào là đực hay cái, cá chép hay cá mè, đòng đong, cân cấn thì chả ai nuôi. Cứ vào cuối năm là tát ao bằng gầu chia cá cho cả làng. Cận tết, cũng bờ ao ấy, họ mổ lợn mổ trâu bên cái cầu ao, lợn bị chọc tiết kêu í éc nghe vui đáo để. Năm nào cũng vậy, chả bao giờ thiếu vắng thầy cái Nụ với con dao bầu nhọn hoắt. Ít lâu sau nghe lóang thoáng Việt Minh về đến mấy làng dưới chân núi. Lính ở đồn Tây trên núi Đèo được dịp thổi kèn tò te tí te đổ xuống càn quét. Từ đấy thầy cái Nụ lúc ẩn lúc hiện như ma chơi. Cũng từ đó, đêm đêm ông làm quen với tiếng súng ì ùng ở xa, và xa hơn hơn nữa là tiếng ì ục của súng “cà nông”.

Hồi nhớ đến cái ao, ông tậm tịt tiếp:

“…vì thầy cái Nụ ít khi có nhà, hai đứa lân la ra ao làng nhiều hơn. Khi không tư dưng nó biết bơi, lội xuống ao là cứ nổi lềnh bềnh, còn cái Nụ thì dát nước. Thế là nó nhón con chuồn chuồn ngô, bắt cái Nụ cởi trần ra…Nhìn con chuồn chuồn hai con mắt lồi ra to gần bằng hạt đậu, hàm răng nhe ra như răng cải mả, mặt mũi cái Nụ xanh lè. Đến khi nó đè ngửa cái Nụ ra, vạch áo, tụt quần, rồi dí con chuồn chuồn cho ngọam cái rốn, cái Nụ hét tóang lên như cha chết mẹ chết. Chả hiểu có phải vì con chuồn chuồn cắn rốn không, ít lâu sau cái Nụ biết bơi thật, lại lổm ngổm bơi chó nữa mới tài, nó vặn óc nghĩ chẳng ra. Chỉ có giời mới hiểu…”.

Ông cũng nặn óc nghĩ không ra ông và cái Nụ ngày đó cứ dính chặt vào nhau như chuồn chuồn khi vui thì đậu khi buồn thì bay từ thuở nào. Được mấy nả, ông được cắp sách đến trường làng, học nát xương lòi tỉ. Còn cái Nụ bị ở nhà nấu bếp thổi cơm, mò cua bắt tép như ông hòai cố nhân, hoài cố quận vừa rồi. Ấy là chưa kể nhà neo người, cái Nụ còn theo thầy nó đi cầy đi cấy, cái Nụ làm tuốt tuột. Rõ ra rau nào sâu ấy, ba đời úp mặt vào đít bò, đít trâu còn nghiệp ngão gì nữa, không ngòai là trông đít trâu làm thước ngắm, đi sớm về khuya như…trâu bò. Hít thêm một hơi thuốc, cho đến lúc này, ông hiểu mang máng là dân làng đông như nêm cối, nên phải bán mặt cho đất, bám lưng cho trời, năng nhặt chặt bị, vào tháng ba, ngày tám ăn đong ăn vay. Sống không nhúc nhắc như cái Nụ có mà toi. Ông nghĩ vậy và vẩn vơ tiếp với một nhớ hai quên…

“…vào những ngày nghỉ, nó chộn rộn theo cái Nụ đi xúc cua. Cái Nụ ranh như ma, khè đưa chiếc rổ xảo xuống dưới đám bèo, rung mạnh đám bèo rồi gạt chúng qua một bện. Những chú cua cáy đang ẩn náu trong đám bèo, giật mình rơi xuống rổ…Hoặc giả buổi sáng thấy trời hâm hâm, cái Nụ dẩu mồm nói với nó: Tao đóan oi thế này, chiều cũng chột giời. Sao cái Nụ hóng giời mà biết, nó cũng chịu. Ngay sau đấy cái Nụ bổ nháo đi rang cám thật thơm, trộn thật nhuyễn cho vào cái ống bơ nhỏ bằng thiếc. Đến trưa, mang theo mấy chiếc vó làm bằng vải màn, khẽ đặt chiếc vó xuống, ném vào đó một viên cám nhỏ, đặt hết năm, sáu cái vó vải màn là lúc quay lại để cất vó. Nó phụ nhặt sạch cánh bèo, rơm rác lẫn với tôm tép lên. Lớ ngớ thế nào đạp đổ bốn cái que vó bị cái Nụ mắng như vặt thịt,: Mày rõ đỏang…”

Đốt thêm một điếu thuôc, nhìn khói huyền bay lên cây, cái đầu ông lại đểnh đoảng với chuyện khác…Chả là ngày ấy cái Nụ răng ngô nếp, da bánh mật, thân tròn lẳn như con cá trắm, đẹp nước đái chan canh. Mấy bà kháo nhau nước đái chan canh là vậy, vì đái đẻ thì cái lúc còn bé, ông vẫn vểnh dái đái vào bát cho mấy bà uống để tránh hậu sản, nước đái vàng, bọt nổi phềnh như bong bóng mưa rào. Mấy bà chan canh đổ mẻ là uống như nước chè tươi ấy thôi. Cùng lớn lên theo cái Nụ, nào ông có phải thằng sứt môi lòi rốn gì cho cam, chân cẳng dài như cây sào, học năm nào lên lớp năm ấy. Vậy mà ông vẫn bị cái Nụ nỏ mồm chê ỏng chê eo: Mày rõ tồ. Đứa nào cám hấp mới lấy phải mày. Tồ như ông cũng biết đấy là…không tưởng, để rồi sau đấy ông nghe lóm đựợc chuyện…hư không của người lớn. Chuyện là bà bác ông vuốt quết trầu bám mép hỏi lỡm u cái Nụ bền hiên hè: Ừ nhẩy….Con bé nhà bà trông hay đáo để, tôi đặt cọc đấy nhá. Cũng phải nhúc nhắc thôi bà ấy ạ…U cái Nụ têm một miếng trầu, miệng táo tác: Ối dào, cái con ranh con nhà tôi ý à. Trông vậy, chả báu gì sất. Cháu bà vớ được có mà…hốc. Rồi hai bà cười khục khục với nhau.

“…theo thời gian hai đứa lớn phổng phao quá đỗi, cuối hè nó ngu ngơ ra bờ ao xem cái Nụ giặt giũ. Bỗng cả hai thấy có hai con chuồn chuồn đang “bấu” nhau. Cái Nụ sai nó: Mày có giỏi bắt cho tao đi. Nó nhắm chừng cành sung nhô ra ngòai mặt nước, đang loay hoay không biết cách nào để leo lên vì thân cây sung quả xanh non dầy như rận bám dái trâu. Vừa lúc ở đầu cầu ao, cái Nụ chổng mông ngồi chồm hổm. Mới dợm đứng lên để đập cái chiếu dài ngoằng ngoẵng thì dẵm phải con cóc cụ da sần sùi. Cái Nụ hét lên một tiếng và ngã xuống ao nghe cái “tõm” như…sung rụng. Như ếch vồ hoa mướp, nó cắm đầu ào xuống để đú đỡn như cái ngày…con chuồn chuồn ngô cắn rốn trước kia. Rồi thì hai đứa ướt như chuột lột, và nó thấy cồm cộm trong áo đẫm nước dính da phồng ra hai quả ổi như chọc vào mắt nó. Nó đang lòi tói mắt ra nom dòm thì cái Nụ quay đi, buông thõng một câu chẳng đâu và đâu: Thằng nỡm. Thế thôi…”

Đến trần ai khoai củ này ông thả hồn theo mây khói: Sau đấy cả hai lóp ngóp leo lên bờ, đuổi nhau ven ao chạy như giặc. Trời sui đất khiến ngã đè lên nhau, lăn qua lăn lại, đến độ cái cúc áo cái Nụ tuột ra. Lần đầu tiên trong đời, ông mới thấy một mảng thịt trắng nhỡn, rõ ra trắng hếu, lại cứng như mo nang. Lúc ấy ông mới xốn xang thế nào là nhễ nhại. Mãi về sau này ông mới học được chữ nghĩa ướt át ấy khi ông lấy vợ.

“…hai đứa hồn nhiên vần nhau một hồi, người ngợm cái Nụ nhếch nhác, tong tả, cười rúch rích như chuột cắn lúa trong đêm. Vừa lúc nó ôm eo ếch cái Nụ kéo xuống nước để dìm…cho sặc gạch. Số ruồi, thầy u cái Nụ lù lù vác xác đến. Thầy cái Nụ không quần sắn móng lợn, đầu quấn khăn đầu rìu nữa mà nó nhớ như in là quần áo nâu, bụng dắt khẩu súng lục cán gỗ. Thầy cái Nụ mồm há hốc như cá ngộp nắng nặc mùi rượu, mắt như mắt lợn luộc dòm da thịt cái Nụ nhễ nhại trắng như ếch lột. Chẳng nói chẳng rằng, ông ấy giằng cái Nụ ra, kéo thốc về. Còn u cái Nụ vả nó một cái vêu mặt, xách nó về nhà bà bác và chao chát băm bổ: Thằng quỷ ranh láo cốc nhà bà nứt mắt mà đã gớm. Mươi ngày sau nó được tống tiễn xuống cảng Phòng. Năm 54, nó đeo tầu há mồm vào Nam với thầy bu nó và biệt tăm biệt tích cái Nụ từ dạo ấy…”

Âm vọng từ sáng đến giờ vẫn còn tịt tịt trong ông với nỗi chết không rời qua giọng bà bác như đâm thủng vào tai ông: Này thằng…phò, con nhà Nụ nó viết thư hỏi thăm mày còn nhớ dạo ấy…. Tiếp đến, làm như có thần giao cách cảm, bà lẫn đẫn chuyện năm xửa năm xưa: Mấy tháng sau bu nó bắt gặp nó đang nhai rau ráu sung non ngòai bờ ao. Lẽ nào?. Bu nó tụt quần nó ngang rốn. Cái rốn hơi sưng sưng như quả sung già. Bu nó hốc miệng ngó sững, chả lẽ sung mọc từ lỗ nẻ chui ra… Bỗng bà bác ông chửi té tát: Mẹ cha con chết tiệt này, dạo này người ngợm nó cứ nhẫy ra. Ấy vậy mà cái thứ lúa ngắn ngày ấy, số khổ như chó. Và bà câm như thóc ngâm, gặng hỏi, bà khong khảy: Nhào! Số nó khổ vì dạo đó mày còn bé nên không biết đấy thôi, bố nó mất sớm, sống cùng với mẹ và bố ghẻ. Gặp cái nhà ông bố ghẻ thiến chó, thiến lợn chẳng ra gì mới đổ nợ . Bà ngẫm ngợi một nhát và tiếp: Về thì biết..Nó đang đợi mày đấy.

Lúc ấy, ông nghe không ra vì đang lóng chóng là bằng cái tuổi ấy, ông là thằng ăn xó mó niêu vì trước sau chỉ là chuyện ấm ớ trẻ con, ngớ ngẩn quê mùa. Liêu xiêu thêm một chút nữa ông thở ra, và ho khan rằng dám “gió đưa cành trúc sau hè, dỡn chơi chút xiu ai dè có con” lắm ạ với ai biết đó là đâu. Đang thẫn thờ như gà rù giữa buổi đồng vắng, ông nghe như đâu đây hết tiếng gà trống “ó, ó, o o o, …o, …o “, đến tiếng gà mái “cục cục, … cục cục”. Buồn rười rượi như cơm nguội chiều đông, ông nhìn xuôi xả qua hàng rào bên kia. Ông ngộ ra người mình xa xứ ai nấy cũng khuân cố hương theo qua giàn mướp, giàn bí. Bà hàng xóm đang đi vào với bộ quần áo hoa cà, bóng bà qua nắng hanh, như ẩn như hiện. Ẩn hiện đếm trên đầu ngón tay, cái Nụ thuở nào giờ này cũng ngang ngang tuổi bà hàng xóm kia thì phải. Ông như rúc vào mây, nôn nả với những dĩ vãng xa quệt vào nhau. Cũng khá lâu, mặc dù là buổi sáng, ông thấy bầu trời nhá nhem, thoắt đổi thành mầu hoa mướp, hoa bí mênh mang, rười rượi, trễ tràng.

Nhìn thửa vườn rau bà hàng xóm đã nhàm mắt, thế nhưng hôm nay ông thấy bồi hồi khôn tả. Ông quay quắt nỗi nhớ nhà trong khói thuốc với bát tép rang khế với chiếc nồi đất còn vương tàn rơm cùng một hình bóng với nước chẩy qua cầu…Đang lạc hoa lưu thủy đến đây, đằng góc vườn có tiếng ì ộp ếch nhái kêu. Đang lèo hèo trong hoang vắng, ông ngửa mặt lên trời và nhủ thầm trời sắp mưa lắm ạ. Bụng dạ ông lèo héo như bầu đứt dây, thôi thì hãy củng quẳng đi vào nhà, Lững thững bước vào phòng khách, ghé kệ đồ cổ. Ông bâng quơ cầm con chuồn chuồn bằng thiếc mạ đồng xanh đã cũ sì, cũ mốc mà ông đã thửa nó ngày mới chân ướt chân ráo tới đây. Cớ sự gì ông mua nó, ông cũng chẳng nhớ nữa. Để rồi trong chuyến về thăm quê nhà vào khỏang giữa năm, trong đám hành lý bừa bộn của ông có con chuồn chuồn ngô làm quà cho cái Nụ ngày xưa cùng một thóang đi về…

***

Xe qua Hải Dương, leo lên núi Đèo, nhìn trên đỉnh núi, dấu tích bức tường đá đồn lính Tây thuở trước vẫn còn đấy. Ngay cả chiếc thập tự giá mầu trắng đúc bằng bê tông cao cả chục thước. Nhưng nay nhìn kỹ ông không hình dung được đồn lính Tây ngày ấy ra sao. Qua mớ ký ức lấp lửng, ông đóan chừng xe đổ dốc quẹo phải, ông sẽ gặp lại con sông và cái cầu Cống ngày nào. Rồi quẹo trái ở ngã ba gốc cây gạo, dọc theo con đường mòn là về đến làng Trạo Hà quê ngọai ông. Xe vừa xuống dưới chân núi ông đã nhìn thấy cây gạo bên sông, cây gạo cổ thụ thô ráp còn đó, vẫn um tùm xum xuê như một mảng mây trời. Vậy mà giờ này vào tháng năm, cây gạo vẫn chửa ra hoa. Gần đây qua sách báo, ông học được rằng giữa tháng ba và tháng năm, hoa nở rõ ra một mầu đỏ bầm, vãi bông trắng xóa. Nói cho đúng ra họ hàng hang hốc của cây này là cây bông gòn. Đất quê với cây đa cây đề đầy ma quái thì cây gạo cũng quái chẳng kém, vì nó được làm…quan tài cho dân cùng đinh trong thôn làng,

Ngay ngã ba có một quán nước, ông nói với bác tài ghé đây để hỏi thăm nhà…người xưa. Xuống xe, trước khi bước vào quán, ông nhìn xuống cây gạo bên sông. Cũng theo bà bác nhà quê đặc kể lại thì dân làng cứa vỏ cây lấy nhựa để dịn vết thương, nay những vết cắt ấy còn sần sùi loang lổ ở thân cây. Ông đứng ngẩn ngơ với con sông có bên đục, bên trong, bên bồi, bên lở. Sông cứ miệt mài lở bên này bồi bên kia. Ông đang lắng nghe hồn sông vọng lên đang kể chuyện, rằng muốn đổi dòng phải đợi ba trăm năm. Ngay như dòng sông Gianh vơi chiều dầy của lịch sử cũng bằng những năm tháng ấy. Sông rộng quá, sông chẩy từ thuở khai thiên lập địa, đã chứng kiến, đã chuyên chở bao số phận của người, của đất trời. Nước vẫn miên man trôi qua, và tiếp tục trôi đi cùng những tiếng ì oạp của nước sông hoà lẫn tiếng í ối của người về từ trăm năm. Ông vẫn đứng đấy dọ dẫm tìm kiếm. Ông thẫn thờ với cái cảm hoài ở giữa dòng lẩn khuất một giải phân cách tự nghìn xưa, và chơ vơ còn lại chỉ là cây gạo hoa đỏ bên sông. Ông như cây gạo mang vết sẹo lặng ngắm một cuộc đổi đời…

Thẩn thơ bước vào quán, quán làng nhàng cũng đầy đủ bánh kẹo như các hàng quán khác bên đường và chẳng thiếu bia hơi. Đảo mắt một vòng, ông bắt gặp một bà tướng tá đỏng đảnh mà ông nhẩm chừng là chủ quán. Xắm nắm đứng bên cạnh là một cô gái ở cái tuổi lỡ xuân thì nhưng trông cũng ngọt nước đáo để. Cô ta một tay áp cái điện thoại tay cầm sát tai, miệng chí cha chí chát, tay vung vẩy vào khỏang không như phân bua này kia. Ông vừa mở mồm nhe răng hỏi thăm đường tới nhà …”bà Nụ”.

Thế là ông tối tăm mắt mũi lại với một bà béo nậy: Ối giời ơi thằng phò đấy à! Làng nước ơi, cháu bà cả Sứt về đây này. Rồi bà béo như bò nậy tiếp: Tiên sư cha mày! Biệt tăm biệt tích, tao tưởng mày chết dí ở bên Tây rồi chứ. Sau những tiếng reo như xé lụa vào trưa hè, bà vồn vã hỏi han như tát nước vào mặt: Hà, hà, thằng phò dạo này già giặn gớm rồi đấy nhá?. Bà xuống giọng gần gũi: Vợ con đến đâu rồi hở? Làm ăn ở bên ấy có căng không?. Bà giớn giác đập đập vào vai ông: Thế mày có…”hốc” không?.

Còn ông, ông lật bật thấy rõ vì chả hiểu “phò” là khỉ mốc gì và cứ ngỡ là “hốc” là…”ăn”. Mà hốc gì cơ chứ, dòm quanh quẩn chẳng thấy hương khói nồi bún ốc, bún riêu đâu cả. Lúc này, cô con gái quần áo “si-đa” như hiểu “liên hệ” giữa ông Việt kiều và bà mẹ. Cái điện thọai vẫn không chịu…”cách ly” với cái tai, cô chõ mồm vào: Mẹ cháu hỏi ông đi đường có…hốc hác không. Quay sang bà Nụ, cô miệng chúm chím: Mẹ cháu ai cũng phò, tao phò, mày phò, nó phò”. Bà vồ đét lên đùi một cái và đốp cô con: Ơ…Mả mẹ cái con phò này hóng chuyện hay nhể. Này, tao đưa thằng phò này về thăm thằng phò già bố mày. Liệu hồn mà về sớm lo cơm nước….

Bà le te dẫn ông qua bên kia con hương lộ để vê làng, lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu, ông theo bà về lại con đường mòn mà bà bác vẫn dẫn ông đi lễ nhà thờ. Ông bồi hồi hồi tưởng lại tiếng chuông của ông bõ nhà xứ mà từ tấm bé ông chưa hề thấy mặt. Cứ tầm tầm sáng bõ kéo chuông báo hiệu bổn đạo đi lễ. Mùa đông dưới mưa phùn gió bấc, ông nắm tay bà bác men theo bờ ruộng màđi, gió thổi rì rào hoà lẫn tiếng nước ruộng ì ọp vỗ vào bờ, vừa đi vừa ngủ gật, lại tối trời như hũ nút nên hụt chân ngã lạch bạch. Ấy vậy mà đánh vật với quả chuông chưa bao giờ bõ sai giờ, đã bao nhiêu năm tháng như vậy. Như trưa bõ kéo hồi chuông nguyện. Tối bõ kéo hồi chuông tắt lửa đọc kinh trước khi đi ngủ. Ông ngán ngẩm nhất hồi chuông này vì phải ngồi xếp bằng dưới chiếu và lại díu mắt ngủ gà ngủ gật nữa. Thế nhưng ám ảnh ông nhất là hồi chuông báo tử của bõ. Tiếng chuông quê mùa vụng dại cứ vang vọng điểm một hồi dài với ba tiếng một. Rồi bỏ lửng. Buông rơi. Từng tiếng. Từng tiếng một. Tiếng “boong” dài ra. Rồi buông rơi rớt xuống. Rồi bỏ lửng rớt xuống tan lõang để rồi mất hút. Tan lõang như tiếng sáo diều bảng lảng trong một ngày tàn.

Tiếng chuông cầu hồn của ông bõ cứ nhập vào ông mãi. Mãi cho đến lúc này.

Lạ thung lạ thổ, ông quay quắt nhìn quanh để tìm lại cảnh cũ. Đi qua cánh đồng ngày nào tiếng sáo diều tan loãng trong một ngày tàn như hồi chuông triêu mộ đưa đẩy ông về những ngày tháng cũ, những ngày mới lớn gặp cái Nụ, cũng là bà đây…

Cứ trời mưa là bọn trẻ con tụi ông quần đùi, áo cộc, nón mê, mỗi đứa một cái chai chạy ra đồng vồ châu chấu…Trời mưa châu chấu bị ướt cánh nên không bay xa được. Mùa này cũng đúng mùa tình ái của châu chấu nên cô nào cũng cõng thằng chồng trên lưng nên càng dễ tóm hơn. Nói vậy thôi chứ các cô chấu cũng tinh quái lắm. Không bay được xa thì các cô cứ cõng chồng như thế mà nhao xuống nước, ngụp lặn và tìm chỗ kín để ẩn mình. Nhưng cũng chỉ quẩn quanh mấy gốc rạ hay bờ bụi ấy thôi nên thể nào thi cũng nhón được. Cứ đầy chai hoặc tan mưa thì về, ông nút kín chai châu chấu để vào xó trong bếp rồi nổi lửa để “làm lông” châu chấu. Đun một nồi nước sôi lên, mở nút chai châu chấu ra, xóc mạnh cho châu chấu rơi vào nồi nước sôi. Khi châu chấu đã chết cả thì đổ ra rổ vặt cánh, vặt chân. Làm “lông” xong thì cho châu chấu vào nồi hay chảo tra mắm muối rang lên. Khi cạn thái thêm mấy cái lá chanh rồi rưới thêm một thìa mỡ lợn. Mùi châu chấu rang sẽ dậy lên ngay nghe điếc mũi. Món châu chấu rang cũng là một món ăn ngon. Nó vừa giòn, vừa bùi, vừa thơm, vừa ngậy. Người làng ông gọi nôm nó là “tôm bay”. Chỉ cần cơm chan nước rau muống luộc và ăn kèm với châu chấu rang thì cũng khó mà biết chán, biết no,….no đến căng rốn lòi củ tỉ.

Bà đây là cái Nụ thưở ấy đã dậy ông rang châu chấu với cái chảo gang như rang cua cáy, tôm tép. Giờ đây đi bên bà Nụ, thế nhưng “cô châu chấu” năm xưa đã xa khuất. Thế nên không có ghẻ chẳng phải né ruồi, vì vậy ông cứ lúi cúi đi một khúc nữa, thấp thóang nhấp nhô đàng kia là làng ông, làng phình ra, đồng co lại. Làng cũ của ông đây sao? Ông ngẫn ngẫn với những nhà cao tầng mọc như mấy cái hộp diêm dựng đứng. Không có cổng tre làng, trong im ỉm cũng chẳng còn cây đa rợp bóng, chõng nước chè xanh. Cây đa, hàng nước đầu làng đã chìm sâu vào quá vãng. Giờ lạc lõng là quán bia hơi bên hương lộ vừa rồi. Quán bia hơi. Đầu ông lại chao đảo với cô con gái của bà Nụ, cô có dáng dấp mờ nhân ảnh như ông đã gặp từ thuở tám kiếp nào rồi. Hốt nhiên bà quay sang ông, ăn nói có hơi bồ bã môt chút và bà báng bổ phân trần: Ở cái đất này tao cứ thô mà quất, có đéo gì mà phải giữ kẽ, họ hàng hang hốc cho tới hàng xóm láng tỏi, già trẻ, trên dưới, tao cứ gọi bằng phò hết.

Vừa đi, bà vừa lõ mồm kể chuyện…”đời cô Lựu” cho ông nghe:

Nói đến chuyện thằng phò già nhà tao nhiều chuyện thối lắm mày ạ. Hồi tao 13, 14 tuổi, ngực mông tao…hơi bị hòanh tráng như mày biết đấy. Rồi tao bị thằng phò già đè ngửa ra…cưỡi ngựa xem hoa. Chín tháng mười ngày tao phọt ra cái con phò gái người ngợm gầy như con cá mắm mà mày gặp hồi nãy ấy. Thằng phò già nhà tao lại là thương binh gộc từ thời chống Pháp chống Mỹ, hồi lão ấy là phục viên, chân tươi chân héo với ba cọc tem phiếu ít ỏi chẳng bõ nhét răng Tao phải bương bả đi khuya về sớm như thờn bơn. Trong khi lão ngày cứ nhòm ba cái huân chương mà no phỏng. Thấy cảnh nhà túng quẩn, tao khuân cái của nợ dũng sĩ hạng nhất bằng vàng ra chợ bán.

Bà cười tõm một cái:

Bữa ấy tao mới sáng mắt ra, thì ra tấm huân chương ấy mạ vàng, không bõ nhét răng. Đám phe phẩy ngòai chợ bảo tao mang về đem treo chuồng gà cho cáo nó sợ .

Tiếp đến là phe phẩy tiếp:

Ở bền đấy, mày có nghe câu vè này không?.

Rồi bà đọc vanh vách như đọc thần chú:

Tiền là tiên là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của bà già, là cha của hy vọng, là ô lọng của quan chức, là cán cân của công lý. Ôi tiền hết ý. Hơi một tí cũng tiền.

Nghe cũng hay hay, ông hỏi:

Đời bà cũng “linh tinh” nhỉ.

Bà cười tóet:

Linh tinh mẹ gì, năm 13, 14 tuổi tao đã có mối tình đầu, mày muốn biết là ai không?.

Không đợi ông trả lời, bỗng bà đổi…”khâu chuyện”:

Ấy đấy, cái con phò gái nhà tao lớn tổ chảng ra đấy vẫn chửa có thằng mả mẹ nào ra hồn để góp gạo thổi cơm chung.

Bà quay sang ông:

Ở bên mày, có thằng phò nào sạch sẽ mày làm mối cho nó một quả. Tiêu chuẩn tao phải kiếu trước là đừng có…phò phạch.

Ông lại được phen ớ ra, bèn hỏi:

Phò phạch là sao?.

Thế là bà láo nhào như chào mào ăm dom:

Thằng phò chết tiệt này chạy trời không khỏi nắng đúng là cơm nhà quà vợ.

Và bà cười tít:

Là cơm nhà, ra đường lại khợp…phở tiếp chứ sao.

***

Đấm vào tai ông hai chữ “khợp phở”, ông lại được thể đồng bái quê mùa trong những ngày mùa vụ như thế bữa cơm quê lại càng đạm bạc. Không như nhà cái Nụ với mớ rau tập tàng, nhà bà bác ông có được bát canh cua đã là ngon rồi. Còn không, lại rau muống luộc chấm mắm cáy để chả thể quên chuyện đi bắt cáy. Cái giống giuộc này thường sống trong các ruộng cói hay bãi cỏ hoang. Giống cáy rất nhát, các cụ ta xưa nói cấm chả sai bao giờ với “nhát như cáy ngày” ấy mà. Cáy mu mầu nâu và hai cái càng đỏ chót như hai quả ớt chín. Ông lấy cành tre, cột giây, đầu buộc mồi là cái kèn tằm hay con sâu khoai nước. Và thấy con cáy thập thò ngòai cửa hang là nhử nhử, cáy ham mồi dơ càng kẹp là không muốn nhả, thế nhưng chả được bao nhiêu. Vì hơi thấy động là chúng chen chúc nhau chạy cho xa. Chú lực điền bắt cáy biết vậy nên chỉ cần đào một cái hố to bằng cái rổ nhưng sâu sâu xuống để đón chúng và bắt đuợc cả giỏ. Về bà bác giã ra, trộn muối, bột giã, thính và riềng, rồi hạ thổ lấy khí âm, khí dương, ít tuần sau có món mắm cáy thơm inh.

Vào đến làng, ông men từng bước trên lối đi giống như con ngõ hẹp. Nhà cửa san sát, không có chút bóng xanh của hàng duối hay hàng rào dâm bụt. Cũng những con đường làng khúc khủyu này, nghe kể lại, ngày mới dựng làng lập đình xưa kia lầy lội ngập móng chân trâu, đầy lá tre khô. Sau được lát bằng gạch vồ sát khít khịt, những viên gạch nghiêng ken sít đều tăm tắp. Ấy là tiền nộp cheo cả trăm viên cho làng vào buổi nên vợ nên chồng của những lứa đôi mới lấy nhau. Đời này qua đời khác, năm này qua năm nọ, những đọan đường lát gạch cứ dài thêm mãi. Dài như những tình duyên nối tiếp của trai gái trong làng, nối tiếp cho dòng giống sinh tồn. Nay được trải bê tông thô kệch, đã đè lấp, xóa tan quá khứ mơ hồ dòng họ của những thằng Đực, cái Mận. Hay tổ tiên của những anh nhiêu, anh khóa võng lọng vinh quy bái tổ qua con đường sống trâu thuở xưa ấy, những người muôn năm cũ đã đi vào một thời vắng bóng.

Ở một con ngõ quanh co kia, còn lại là những bức tường bệch bạc từ nhiều chục năm qua. Chẳng hề sơn phết lại, lớp vôi khô queo như muốn bở ra từng lớp gạch đỏ, gột hết cát bụi như đưa ông về thuở ban sơ. Chính những hoang tàn nhỏ nhoi ấy là sợi dây liên hệ mỏng manh với thời gian xa cách. Đứng trên thẻo đất này, rơi rớt lại những hàng dậu sơ sài, bao quanh là bờ cây duối còi cọc. Những mái nhà lợp rạ xác xơ, vách bùn tàn tạ, u buồn, dường như vẫn nằm mơ ngủ cả trăm năm…

Rẽ qua một khúc quặt khác, những căn nhà mà lúc nãy thóang xa như mấy hộp diêm nhấp nhô. Bây giờ đứng ngay đây, đập vào mắt ông như mấy cái hộp “các-tông” sau khi dọn nhà bị vất đi, nằm chồng chất lên nhau, cái vuông, cái chữ nhật lỏng chỏng với cái cao, cái thấp. Những mái chẩy chọc ngang trời là cái cột “ăng ten” như đài “ra đa”. Ngán ngẩm hơn nữa là qua ao làng, ao bị cơi nới lấn làm nhà hết hai phần ba, nay là ao tù nước xanh rêu nhớp nhúa, đám bèo Nhật Bản cũng xác xơ. Cái cầu ao chẳng còn nữa. Bất giác ông định lụng bụng giã ơn cái cọc cầu ao, nửa đêm gà gáy có tao có mày…nhưng ông chột dạ vì có tình thì rình trong bụi, vô tình lúi cúi mà đi. Đi thêm một nhát nữa, trong một thoáng đi về, ông không nghe tiếng í éc của lợn bị chọc tiết ở cầu ao mà chỉ nghe tiếng ịt ịt của lợn mẹ, tiếng in ỉn của lợn con đòi ăn cám “áo tơi”. Với cái tên cám “áo tơi” thì ở ao làng ông xưa kia có một thứ rong dùng nấu cám rất sánh và lợn rất ham ăn. Làng ông gọi cây rong đó với cái tên đồng bái quê mùa ấy. Trong cái im ả, im ắng, ông còn nghe được mùi inh ỉnh thum thủm thối của nước đọng ao tù, thêm một lần, ông để hồn lang thang tìm những dấu ấn qua những con chuồn chuồn của cái thuở ấu thời chuồn chuồn bay thấp thời mưa, bay cao thời nắng, bay vừa thời râm. Ông râm ran vậy đấy nhưng rặt chả thấy đâu.

Dòm mấy cái sì líp, sú chiêng phất phơ trên mái bằng, làm trai cứ nước hai mà nói. Và ông nói bàm bố là cứ như cờ đuôi nheo hội làng ấỵ Đang giang giang chuyện với cứ thủng thẳng nhát gừng và ngẫu hứng thôi thì bà lơn tơn hỏi thăm gia đạo ông.

Bà hỏi như chửi, ra thể chửi người vắng như mắng người chết:

Chuyện đéo gì chả là chuyện, tao nghe hơi nồi chõ chuyện vợ mày bỏ mày tếch lên bàn thờ ngồi để mày ăn mặn nằm chay. Cơm no ấm cật cũng giậm giật như nhau cả, tao biết mày kỳ tình ngủ thế mẹ nào được? Mày vừa ngả lưng, bên mày nhà vách bột. Nghe hàng xóm chúng nó vừa thở phì phò hùynh hụych thịt nhau ở bên kia, có mà bố cái lủng lẳng của mày cũng phải tỉnh giấc ngo ngoe….

Dậu đổ bìm leo, bà bắt qua chuyện thuyền sắp ra của biển của bà:

Thằng bói mù ngòai chợ dậy tao, tao phải sống cảnh sinh ly tử biệt mới nên người. Phải đi xa, phải lấy chồng xa mới nên nghiệp ngão. Mà biết lấy ai, gặp thứ phò phạch nữa thì tao thà đốt ba ông đầu rau sấy cái bướm cho khô còn sướng hơn. Mà bên mày có lạnh lắm không, thằng phò?

Ông dắng dỏi lạnh rằng lạnh chả lạnh nhắm chỉ teo “bu di” thôi. Nghe thế bà cáu “mổ” lại ngay, mổ đến bét con mắt:

Dễ thường mày cứ nằm chay mãi chẳc? Mà thôi tao đéo thèm trò chuyện với mày nữa, mà chả trò chuyện thì mồm nó mốc mày ơi. Thằng phò này chẳng hiểu mẹ gì sất, chuyện với nhà mày tức…”lờ” anh ách, khê cả bướm tao!

Được mấy nả, qua giấc hương quan mơ luống mẫn canh dài, ông lại gà cỏ trở mỏ về rừng quay quả với rau muống luộc chấm mắm cáy với cái ao làng, với “con cò đậu cọc cầu ao, ăn sung sung chát ăn đào đào chua, ngày ngày ra đứng cổng chùa, trông về Hà Nội thấy vua đúc tiền”. Sung chát nhưng bỏ vào mồm mà nhai thì cứ ròn gau gáu nên ông lang thang như thành hoàng làng khó với rau muống rau muống đỏ người làng ông chê nó cứng và chát. Thế nên làng ông hầu như nhà nào cũng cấy một bạt rau muống trắng. Giống rau muống ưa nhất là khoản “tro đái”, nhà nào nhà nấy cũng có một thúng tro bếp để đi tiểu tiện vào. Mà không có mây sao có mưa, chả là ông đái vào bát cho đàn bà đẻ đã quen thói, thế là ông cứ vạch dái cầu vồng vào thúng tro. Đến khi thúng tro bếp thấm đẫm nước giải thì đem ra bón cho bạt rau muống. Chỉ vài hôm sau bạt rau muống sẽ xanh tha9’m thiết. Nếu lại gặp một trận mưa rào thì ngọn sẽ kéo ra tua tủa và non mỡ màng. Thứ rau muống này mà hái về luộc chín tới rồi chấm với mắm cáy

là ba bát cơm đi bay, no kễnh no kềnh.

***

Về đến nhà, bà bơ bải đi vào, bỏ lửng ông giữa vườn. Chả như khi xưa, nhà bà khi rày năm gian nhà gỗ xoan, những cột xoan dựng đứng trên hóp đá như cái cối đá. Trông mấy cái hóp đá cũng nặng nề, ộ ệ như đàn bà chửa gần đến tháng đẻ. Đứng giữa vườn, có thể vì đẻ đái hoặc già đái tật sao ấy, ông mò vào bếp tìm…thúng tro. Ông dòm thấy cối giã cua, cối xay bột, vại cà chum tương mốc meo như những món đồ cổ. Ba viên gạch hình tượng cho ba ông đầu rau vẫn yên vị và cũng chẳng thể thiếu cái chạn bát tre đứng trên bốn bát ăn cơm có nước. Bước qua căn chái, nhìn vào ông thấy gầu sòng, nong, nia, sàng, sẩy treo trên vách cũng y phận.

Bỗng có tiếng bà gọi ơ ới: Vào đây gặp thằng chồng phò già của tao.

Lần mò lên nhà ngang, chẳng kịp nhìn cái bàn thờ đầy bụi bặm thì ông trố mắt ra thấy…Ông thấy…một cụ già, nằm co ro, lưng uốn cong như con tôm càng, mặt ngỏanh vào bức vách. Bà Nụ cầm cái gậy chống trời của cụ khua khua cụ dậy như thể để chào khách. Cụ nặng nhọc trở mình ra ngoai. Khuôn mặt cụ như vô hồn đến phẳng lỳ, diễn tả cho có văn sách thì cụ có gương mặt đần và tẻ, mắt lờ đờ như mắt cá ươn. Cụ như đang dóng tai lên nghe ngóng âm vọng của thời gian đà mất. Tưởng rằng đã tan lõang vào khỏang không lâu lắm rồi. Tưởng như không bao giờ gặp lại. Bỏ lửng. Buông rơi. Ấy là tiếng chuông báo tử của ông bõ nhà xứ. Lạy Chúa tôi, khôn ngoan quỷ quyệt chết lao chết tù, lủ khủ lù khù chết già chết rỗi mà đang sắp về với nước Chúa…

Lạy Chúa tôi…Thằng phò già chồng bà là…

Là…ông họan lợn, bố ghẻ của cái Nụ ngày nào năm xưa…

***

Về đến nhà trong một ngày cuối tuần, nắng khơi khơi, mây khan khan. Vẫn như mọi lần ông bắc ghế ngồi ở vườn và cũng chẳng thể thiếu bao thuốc lá, tách cà phê và bình trà. Bất giác đảo qua hàng rào, ông lại bắt gặp bà hàng xóm lướt mướt móc cái máy trên dàn bí. Dòng nhạc Giọt mưa trên đá bồng bềnh giữa khỏang không trống trải: Người tự trăm năm về khơi tình động – Người tự trăm năm về khơi tình động – Ta chạy vòng vòng ta chạy mòn hơi – Nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời.

Ông hí hóay đặt bút xuống bằng vào một truyện tình như…tình gác chân mây.

Cầm tập bản thảo dày đặc như ruồi bu thế này, ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối thì tất cả cảm hứng, ông vay mượn hai câu thơ tương tư hoa gạo quê nhà, tự dưng áo đỏ làm ta giật mình của ai đó. Là người di tản buồn, ông gửi gấm những khắc khỏai qua dòng sông Bến Hải với cầu Hiền Lương, chẳng lẽ phải mất ba trăm năm sau sông mới đổi dòng. Ông dựa dẫm hình ảnh cây gạo bên sông cùng những vết cắt sần sùi u lên như cái sẹo còn đó. Ông chẳng biết cây gạo quê nhà khi nào rộ hoa…trắng hay đỏ.

Để trong ông có thêm một vết thương mới…

Mang về lại con chuồn chuồn thiếc mạ đồng to bằng ngón tay trỏ, ông đặt nó trên bàn. Ông lật ngửa nó chổng bốn vó tênh hênh lên trời. Với cuộc đổi đời, ông cứ nhập nhằng con chuồn chuồn ngô với con chuồn chuồn ớt. Mà nếu chữ nghĩa ông có vặn vẹo con chuồn chuồn ớt lột xác thành con chuồn chuồn kim mầu đỏ cũng chả sao. Bí ngô bí khoai một lúc, cái đầu ông cứ loáy nhoáy thế này thế kia với sông xưa rày đã lên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai, và âm ỉ cùng tiếng ai gọi đò.

Buồn tình vắng gió chiều hôm, bốc cái điện thọai tay cầm ông gọi đường dài cho bà bác nhà quê đặc đang ở Sài Gòn để kể chuyện người tự trăm năm về khơi tình động. Giọng bà khào khào: Mày…mày…nói gì nhẩy. Rồi bà lon xon: Mày…mày…về thăm…

Bà chẳng buồn tìm hiểu thâm căn cố đế những gửi gấm trời trăng mây nước của riêng ông hay ngẫm chuyện nhân sinh qua ông bõ nhà xứ với hồi chuông báo tử cùng cây gạo bên sông với con chuồn chuồn ngô…cắn rốn.

Bỗng không bà chửi tóang lên :

– Mày ngu như lợn. Thằng phò…

Làm như điếc đặc không nghe gì sất…Nom dòm lên trời xanh mây tím nắng vàng, ông khắc khoải đi tìm chuồn chuồn đi đón cơn mưa với chuồn chuồn bay thấp thời mưa, bay cao thời nắng, bay vừa thời râm. Bất chợt trong ông có tiếng ì ộp của ếch nhái vườn nhà đang gọi tình thì phải. Ông chắc mẩm thế nào ngày mai cũng giột giời.

Viết xong 2008, viết lại 2015

Nguồn: Bài viết được vay mượn từ một tác giả
ở Đông Âu và phò là tiếng lóng miền Bắc để chỉ
những cô gái thả rong làm cái nghề mà đàn ông
con trai phải thở phì…phò. Và từ truyện ngắn
“Thuyền mủng” của tác giả Đỗ Đình Tuân.

Cuba nghèo vì Fidel Castro hay vì Mỹ?

Để đánh giá một cách khách quan di sản của Castro, sự phát triển của Cuba và những cải cách ngày nay, chúng ta không thể vờ như sự phong...

Mơ xa lại nghĩ gần, đời mấy kẻ tri âm

Làm thơ, đọc thơ tôi thường "hơi bị" chủ quan về đức tin lẫn đức tính thơ của mình. Càng đáng được ăn gậy của Tổ bởi tôi chưa thấm...

Thành ngữ “Ăn ốc nói mò”

Ăn ốc nói mò là thành ngữ để chỉ hành động nói năng không có căn cứ. Mới nghe qua dường như có thể giải thích thành ngữ này nhờ...

Họa sĩ Duy Liêm – người vẽ bìa tờ nhạc trước 1975

Trước năm 1975, các hình bìa tờ nhạc được trang trí bằng các hình vẽ hoặc hình người mẫu, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Đối với các bìa nhạc...

Hai tấm bia đá cổ đặc biệt bên sông Ngự Hà ở Huế

Nội dung của hai tấm bia đá cổ bên sông Ngự Hà cho thấy sự quan tâm sâu sắc của vua Minh Mạng đến đời sống của cư dân trong...

Khoa Cử Việt Nam – Phần 2: Thi Đình – Chương bốn: Khảo quan

Vì các sử gia thường dùng từ "thi Hội" bao gồm cả thi Ðình nên rất khó phân biệt khảo quan thi Hội với khảo quan thi Ðình. Dưới đây...

50 logo của các thương hiệu nổi tiếng ngày ấy và bây giờ

Tất cả mọi thứ đều thay đổi theo thời gian và những doanh nghiệp cũng không ngoại lệ. Ngoài cải tiến chất lượng sản phẩm, ngay cả logo của các...

Công trạng của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, đôi điều suy ngẫm

Kể từ những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, ở nhiều góc độ khác nhau, Vương triều Nguyễn từng bị phê phán gay gắt và thời kỳ...

Ký Ức Về Truyền Hình Ngày Trước

Trong những phương tiện giải trí, tôi nhớ nhất là chiếc TV hiệu Sharp 14 inch trắng đen mà ba tôi mua hồi trước Tết Mậu Thân để anh em...

“Cửu Long Giang” – Ai đã đặt tên cho dòng sông nầy?

Diện mạo Cửu Long Giang Sông Cửu Long, mà quốc tế gọi là sông Mekong, là con sông lớn vào hàng thứ 7 của châu Á, hàng thứ 12 của...

Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc

Từ khi triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Thân (1884) với Chính phủ Pháp nước ta bước vào thời kỳ mà các sử gia gọi là Thời kỳ...

Nguồn gốc của món Bò Bía

Hồi nhỏ, nghe người ta rao món bò bía, tui thèm chảy nước miếng. Ngày đó khoái ăn thịt bò nhưng thịt bò mắc mỏ lại nghe rao bò bía...

Exit mobile version