Không cần đến câu “khi yêu trái ấu cũng tròn”, cũng thấy giọng nói của người dân xứ lạnh sao dễ thương ấm áp vô cùng, đặc biệt là cách phát âm của những người gốc Huế đã sinh sống lâu năm tại Dalat. Nhẹ hơn giọng của những người “Huế rặt”, âm hưởng ngả về giọng Nam nhiều hơn nên … dễ nghe, nên lẽ dĩ nhiên dễ hiểu hơn, dễ “thân nhau” hơn.
Tôi của hơn 40 năm về trước vẫn thường đi lên đi xuống cái thành phố mù sương ấy ít nhất mỗi tháng một lần. Thuở ấy tôi mê Dalat với những căn nhà đầy hoa rực rỡ, những ngọn đồi thoai thoải mầu xanh và mê… cả người Dalat.
Chúng tôi vẫn thường lui tới quán cà-phê H.S. ở giữa con dốc đường Minh Mạng. Làm sao quên được những buổi chiều ngồi với nhau nhâm nhi ly trà cúc, rù rì to nhỏ đủ mọi thứ chuyện trên đời? và hình ảnh ông chủ Q.H. với cái khăn foulard đỏm đáng quanh cổ, tay thọc túi quần, nách kẹp tờ báo, đứng trước cửa tiệm bập bập ống pipe? Làm sao quên được những buổi tối đi dạo loanh quanh khu Hòa Bình rồi sà vào mấy hàng xe đẩy ăn tô miến gà cho ấm bụng hoặc nhấm nháp những ly chè đầy ắp tình bạn ngọt ngào?
Dalat của thời sinh viên bay nhảy quả thật vẫn làm mềm lòng mỗi khi nhớ lại.
Giờ đây, tôi đi lang thang qua những con đường cũ mà cảm thấy xa lạ. Suýt nữa đi lạc vì còn mải nghếch mắt nhìn những thay đổi. Không chỉ tên đường đã đổi, mà những căn nhà bé bé xinh xinh cũng chẳng còn, thay vào đó là những tòa nhà nhiều tầng chiếm gần hết hai bên đường. Buồn.
Cà-phê H.S. cũng không còn, thay vào đó là một văn phòng du lịch. Tôi đi lên đi xuống con dốc đường Minh Mạng hàng chục lần, ngơ ngác, ngẩn ngơ.
Cà-phê Tùng ư? vẫn còn đấy, và khung cảnh vẫn thế. Nhưng có lẽ không khí không còn mời gọi tôi nữa. Ngồi đấy lâu làm gì, thêm buồn.
Có hôm đi ngang qua khu nhà ngày xưa của B., tôi thấy rõ ràng tim đập mạnh, vì chợt nhớ đến những buổi tối B. đưa tôi đến phòng trà (quên mất tên) nơi có ban nhạc chơi khá hay và B. giữ tay trống. Phòng trà bỏ túi này không thể so sánh với quán Hầm Gió trên đường Võ Tánh ở Saigon cuối những năm 60 thỉnh thoảng có nhiều ca sĩ thứ thiệt đến trình diễn. Nhưng không khí tại đây ấm cúng hơn, thân mật hơn và các giọng ca tuy không điêu luyện nhưng hát hò hết mình, sôi nổi, hâm nóng cả gian phòng bé nhỏ và khán thính giả.
Ngày ấy chưa có phong trào mời khách lên sân khấu hát như bây giờ, nên các ca sĩ vườn “chạy sô” và ban nhạc phải gồng suốt chương trình từ A đến Z. Những bản nhạc được yêu cầu phần lớn là nhạc Mỹ và Tây, ví dụ như Aline, Capri c’est fini, Unchained melody, Smoke Gets In Your Eyes, .v.v… là những bản nhạc ca tụng tình yêu mà giới trẻ khắp nơi trên thế giới say mê, không riêng gì giới trẻ của Saigon. Là những bản được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu của đài Phát Thanh Quân Đội trước 75, với xướng ngôn viên là cô Mỹ Linh (còn có tên là Hồng Phương Lan).
Sở trường của B. là drummer nên công tâm mà nói, giọng ca chỉ xoàng xoàng thôi nhưng dư sức làm chân tay tôi rũ riệt khi nghe B. hát bài And I Love Her của Beatles, phụ họa là ánh mắt nhìn chăm chăm về phía tôi… đang ngồi chết lịm!
Với thời gian, mọi sự đều thay đổi, cả lãnh vực văn nghệ của Dalat cũng đã thay đổi. Ca nhạc tại phòng trà Dương Tùng mà tôi được thưởng thức mới đây cũng thế. Phòng trà trở thành “Hát cho nhau nghe”. Ông chủ quán làm MC, chốc chốc lại kiêm luôn vai ca sĩ và nhạc sĩ. Khách cũng được mời lên hát. Khách hầu hết là những người đứng tuổi. Những bản nhạc từ thuở nào chợt nghe lại, thấy xốn xang trong lòng. Hát đâu cần hay, nhưng hát cả nỗi lòng, người ta cảm thấy gần nhau. Gần nhau về ký ức…
Người bạn ở Đà Lạt kể: “Chủ quán là dân Bắc kỳ 54 gặp thiếu nữ Bắc kỳ 75 ở chợ Bến Thành. Họ kéo nhau lên Đà Lạt mướn nhà rông, mở quán làm văn nghệ hát hò. Chủ quán chết cái tên “Phương nhà rông” là vậy. Duyên nợ văn nghệ với Đà Lạt hơn 20 năm, quán dời hết chỗ này đến chỗ nọ như dân du mục, nhưng “nhà rông” vẫn còn bám vào tên ông chủ, “Phương nhà rông”. Bây giờ quán đậu lại cuối đường Nguyễn Công Trứ.
Đà lạt bây giờ nóng và nắng. Cuối tháng Năm lẽ ra có những cơn mưa lớn và dai dẳng, người bạn bảo vậy. Nhưng có lẽ để chiều lòng tôi, trong gần một tuần lễ tôi trở lại xứ ngàn hoa, ông giời chỉ thỉnh thoảng lắc rắc mưa bụi. Con đường quanh bờ hồ vẫn đẹp nhưng sao cứ thấy có cái gì đó thất vọng trong tôi; có phải vì những công trình kiến trúc đồ sộ thi nhau khoe bóng ven hồ, đuổi dần sự thơ mộng mộc mạc của thiên nhiên?
Giọng người Dalat gốc cũng trở nên hiếm hoi. Lại cũng buồn. Khí hậu mát lạnh cũng không còn; tuy không đến nỗi đổ mồ hôi mồ kê nhễ nhại như ở Saigon nhưng vẫn có thể ăn mặc phong phanh, kể cả khi mặt trời đã lặn.
Sự quen thuộc còn chăng là trong một vài buổi chiều tắt nắng được nhìn thấy sương mù giăng mắc trên những nóc nhà, ngọn cây. Lạ một điều, đứng trên balcon của nhà người bạn và phóng tầm mắt nhìn xa xa, thấp thoáng sau rặng thông của ngọn đồi là trường Couvent des Oiseaux năm nào, bỗng dưng như tìm lại được vẻ đẹp quyến rũ rất Dalat, một chút Dalat thuở xưa.
Cho dù thay đổi hay vẫn thế, gì thì gì, tôi vẫn yêu Dalat.
Tôi mượn một đoạn văn trên blog của người bạn nói về cà phê Dương Tùng để kết thúc bài viết: Quán nhỏ, nên ấm, bài trí cổ điển. Ai lên Đà Lạt, thấy mình chưa già thì nên tới đó, mà thấy mình đã già cũng nên tới đó luôn. Tới để thành ca sĩ (ruộng), chẳng lẽ “một đời dấu kín, đến khi xuôi tay còn thấy ngậm ngùi” hay sao?