Lễ phục và trang phục truyền thống của mỗi dân tộc luôn được hình thành sau một quá trình lịch sử lâu dài; và bao giờ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc về phong tục, lễ nghi, văn hóa bản địa. Ngoài ra các yếu tố thẩm mỹ dựa theo nhân dáng cũng như đức tính đặc thù của dân tộc đó cũng phải được tôn trọng. Các nguyên tắc này gần như bất biến và được truyền nối, kế thừa qua các triều đại và thời đại.
Ở nước ta, sự kế tiếp truyền nối trải dài từ thời Đinh, Lê, Lý lập quốc, được thể hiện cho đến triều Nguyễn, trước khi nó bị chặn đứng bởi nền văn hóa ngoại lai do thực dân Tây phương áp đặt lên chúng ta từ cuối thế kỷ 19. Trang phục và chữ viết theo lối Tây phương quả có nhiều thuận tiện. Nhưng người Nhật vẫn được cả thế giới kính nể vì những tiến bộ về kinh tế, khoa học, song song với văn hóa truyền thống của họ, mà họ đâu có cần mẫu tự La Tinh. Và người Nhật rất tự hào với lễ phục truyền thống nghìn năm tuổi rất rườm rà, nhưng được cả thế giới kính phục, hâm mộ của mình.
Trước nay cũng đã có nhiều dự định sáng tạo ra lễ phục, hay ít nhất là trang phục phổ thông, trên thế giới. Tỷ dụ như áo đại cán của Trung Quốc, hay áo Nehru ở Ấn Độ. Nhưng chúng thường chỉ xuất hiện thoảng qua rồi đi vào thất sủng vì không hợp với hồn dân tộc hay thẩm mỹ.
Ngoài ra cũng có trường hợp muốn tạo ra trang phục tổng hợp cho các dân tộc, nhưng chưa thấy trường hợp nào đạt kết quả. Điển hình là nỗ lực của Hoàng hậu “Sissi” Elizabeth (1854-1898) của Áo. Từ năm 1867, Elizabeth được phong làm nữ vương của Hungary, Bohemia và Croatia. Bà thật sự yêu mến các dân tộc này, và muốn hòa đồng với tất cả bằng cách tạo ra một trang phục chung có đủ tinh thần của cả bốn nước, để tiện cho các dịp lễ trong toàn thể Đế quốc Áo-Hung. Nhưng chuyện không thành vì trang phục truyền thống của các nước đó đều khác biệt rõ nét. Và các dân tộc này rất hãnh diện với nền văn hóa riêng của họ, vì thế nếu áp đặt sẽ dễ gây hận thù, nguy hiểm. Dự định của Nữ hoàng Sissi kéo dài được mấy năm rồi đành phải bỏ lửng.
Trước đó Người Mãn Thanh cũng không thành công trong công việc dung hòa quần áo Hán, Mãn. Và ở Việt Nam thì sau bao năm Vua Minh Mạng vẫn không khiến được dân đàng Ngoài ăn mặc theo lối đàng Trong, và các triều vua Nguyễn sau đành bỏ qua việc này. Để cho đến mấy mươi năm trước đây phụ nữ Bắc bộ vẫn còn thung dung với “quần không đáy” và áo tứ thân.
Việc cố gắng thay đổi quan niệm trang phục truyền thống lâu đời của một dân tộc thường không đạt kết quả. Lấy thí dụ ở áo dài Việt Nam. Từ thời Pháp thuộc cho đến nay đã có không biết bao nhiêu người cố gắng thay đổi cái áo dài phụ nữ, nhưng phần nhiều vì không hiểu các quy tắc về tâm hồn Việt, cũng như thiếu quan tâm về vấn đề nhân dáng, mỹ thuật mà đã không thành công. Các cụ ta ngày xưa luôn tôn trọng tính kín đáo của phụ nữ Việt, và các cụ cũng hiểu rất rõ về các ưu và khuyết điểm trong nhân dáng của người mình. Theo phong cách sống kín đáo cho nên tóc luôn che dấu trong khăn và cổ phải che kín đấy, nhưng các cụ biến khăn cuộn tóc thành nhỏ gọn để khoe gáy, trong khi cổ áo rất thấp và ôm cổ. Như thế để cho cái cổ thường không cao của phụ nữ Việt trông cao và thanh tú hơn khi mặc áo dài. Cách cắt tay áo và vai, ngực ôm trong khi eo và tà buông thả của áo dài cổ truyền cũng để cho người phụ nữ già trẻ, béo gầy hay cao thấp khi mặc vào trông cũng đều trang nhã. Một người to bụng nhưng vì không hiểu biết mà muốn mặc áo dài bó chặt eo thì thật phản cảm, mất thẩm mỹ.
Cũng vì lý do này mà dù cố gắng nhiều, nhưng các đại phu nhân họ Tống của thời Dân Quốc đầu thập niên 1920 bên Trung Hoa cũng không thành công trong việc quảng bá áo xường xám của họ lâu dài vào lịch sử trang phục Trung Quốc. Chân phụ nữ Trung Hoa phần lớn không thon dài đủ để được khoe ra như thế. Trong khi cổ của họ cũng không cao đủ để chịu đựng cái cổ áo cao, cứng ngắc đó. Áo xường xám vì thế chưa bao giờ được giới sành điệu trên thế giới để ý, và luôn bị cho là một phiên bản không thành công từ áo dài Việt Nam.
Lễ phục của các nước Đồng văn (dùng chữ Hán, trọng Khổng giáo, như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Việt) ngày xưa đều lấy gốc từ các quy định trong sách lễ Trung Hoa cổ. Các loại trang phục này được phân loại theo cách cắt của cổ áo. Theo cách phân loại này thì ngày xưa nước ta có ba dạng lễ phục: giao lĩnh, trực lĩnh và bàn lĩnh. Tất cả các áo lễ đều được gọi chung là áo rộng vì được may rất rộng; với tay áo to, dài quá khổ.
1. Giao lĩnh, hay đối lĩnh, có cổ cắt vạt chéo cài sang bên phải. Đây là lễ phục trang trọng nhất trong các lễ phục cổ truyền, được mặc trong các lễ tế. Cao cấp hơn cả của loại này là áo cổn ở trong cung, may bằng đoạn thất thể rất quý hiếm, thường được vua, quan mặc trong lễ tế Giao. Trong triều còn loại giao lĩnh gọi là phổ phục, hay bổ phục, là loại áo giao lĩnh may bằng vải mầu lam đơn sắc mặc trong những lễ thường triều hay các buổi tập dượt cho các kỳ đại tế. Khi mặc phổ phục phải đeo bổ tử (tức là khuôn vải hình vuông trên có thêu các hình tượng ấn định cấp bậc người đeo) ở trước ngực và sau lưng.
Ngoài hương phố thì loại lễ phục này được gọi đơn giản là áo giao lĩnh, áo thụng, và được mặc ở các lễ tế đình, miếu. Áo may rất rộng, xẻ bên hông. Áo này trong dân gian thường được may bằng vải dệt bằng sợi bông, gai, tơ tầm đơn sắc mầu lam các loại. Tay áo giao lĩnh cắt thụng, lúc buông xuống dài bằng gấu áo. Khi mặc giao lĩnh để tế Giao thì vua quan đội mũ miện. Lúc mặc phổ phục trong các lễ thường triều của triều đình thì quan văn đội mũ Xuân Thu và quan võ đội mũ Hổ Đầu. Trong các lễ thường hay ngoài dân gian thì người ta đội mũ đuôi én. Các nước Đồng văn trọng Khổng giáo ở Á châu như Trung Quốc, Nhật, Hàn và Việt Nam đều có áo này. Không có chứng tích phụ nữ mặc lễ phục giao lĩnh dưới thời Nguyễn. Hiện nay trong nhiều lễ tế đình ở các làng, xã, nam giới Việt vẫn mặc loại lễ phục này.
2. Trực lĩnh, tức là áo có vạt xẻ dọc và cài khuy ở giữa thân trước. Lễ phục trực lĩnh trong cung thời Nguyễn dành riêng cho các bà và gọi là áo mệnh phụ hay áo tràng. Áo này không được vua quan, nam phái trong triều đình Việt Nam xử dụng.
Trong khi đó các nam đạo sỹ Lão giáo bên Trung Quốc lại có mặc áo được may y hệt như áo mệnh phụ của phụ nữ Việt. Áo nhật bình của các sư sãi trong nước cũng thuộc dạng trực lĩnh. Lễ phục trực lĩnh cũng may rộng, xẻ bên, và có tay cắt thụng dài bằng gấu. Áo được xẻ vạt bên hông. Áo trực lĩnh phổ thông nhất ngoài dân gian nước ta là áo dài tứ thân của phụ nữ miền quê Bắc bộ, nhưng áo này không thuộc chủng loại lễ phục. Phụ nữ trong cung vấn khăn vành dây khi mặc áo mệnh phụ.
3. Bàn lĩnh, tức áo cắt cổ tròn, vạt cài sang phải. Ở trong cung áo này được cả nam lẫn nữ phái xử dụng dưới dạng long, phượng, và mãng bào; cho lần lượt vua, hậu phi, và các vương công, quan lại mặc trong đại lễ. Các áo bào này được may bằng gấm thất thể hay ngũ thể quý hiếm. Áo rất rộng, xẻ bên. Tay cắt thụng dài bằng gấu áo. Áo được mặc trong các lễ đại triều, triều yến. Khi mặc triều phục bàn lĩnh người ta đội các loại mão bình thiên, bình đính, phốc đầu, nữ quan tùy trường hợp.
Nhưng lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ngày xưa của người Việt, cả ở trong cung lẫn ngoài phố, là bàn lĩnh có cổ đứng (cổ xây), gọi là áo Tấc. Áo cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy phải như áo dài. Áo rộng đi đôi với khăn vấn cho cả nam lẫn nữ, và sau này được thay bằng khăn xếp cho nam giới. Áo Tấc rất thông dụng, được mặc trong các lễ yết miếu, từ đường, việc hỷ, cũng như các việc thăm viếng quan trọng.
Áo dài năm thân, tức bì bào, với cổ đứng cũng thuộc dạng bàn lĩnh. Gọi là năm thân, hay năm tà, vì áo được gép bằng 5 mảnh vải. Mỗi thân trước, sau gồm 2 mảnh nối lại với nhau dọc giữa thân, gọi là nối sống. Thêm vào đó là tà phụ bên phải trong vạt trước cho kín đáo. Phải cắt như thế vì khổ vải ngày xưa rất hẹp. Sau này vải Tây phương nhập vào với khổ rộng cho nên hai thân trước, sau không phải nối sống, và áo dài trở thành 3 thân như ngày nay.
Áo dài năm thân cũng được kể là lễ phục, vì được mặc vào bên trong tất cả các loại áo bào kể trên khi làm lễ. Thường xuyên suốt trong các buổi lễ người ta mặc áo dài, và chỉ khoác áo bào vào khi hành lễ. Hành lễ xong lại cởi áo bào ra và chỉ mặc áo dài. Trong các tiếp tân, lễ lạc, người nước ta mặc áo dài. Vào các dịp tiếp tân trọng đại trong triều đình thời cuối Nguyễn, người ta đeo thêm các huân, huy chương, hay bội tinh với giải đeo (sash), lên áo dài, theo như lệ mặc áo frock thời cổ bên Âu châu. Ở ngoài phố, khi có khách đến thăm bất ngờ thì chủ nhà cũng chỉ khoác vội lên người cái áo dài là xong.
Cả nam lẫn nữ giới đều vấn khăn khi mặc áo tấc và áo dài. Từ đầu thế kỷ 20 đàn ông Việt thay khăn vấn bằng khăn xếp đóng sẵn.
Các áo lễ mùa thu, đông (từ tháng 10 đến tháng 02 âm lịch) được may bằng các loại vải dầy như gấm, đoạn. Từ tháng 02 đến tháng 10, tức xuân, hạ, thì may bằng vải mỏng như sa, the với lớp may lót bằng các loại vải mộc như bông, gai cho mát. Áo lễ dài hơn áo dài bên trong khoảng 2 cm, cho cả nam lẫn nữ.
Ngoài ra còn một chi tiết rất quan trọng trong quy định về lễ, triều phục ngày xưa, là khi mặc áo trong các đại lễ thì không được để lộ cho thấy quần. Đây là để thể hiện tính kín đáo của ông cha mình. Cho nên trong các loại áo bào phải có cái xiêm may kín hai sườn mặc bên trong áo bào để che quần. Nếu trong khi hành lễ mà bị lộ quần thì vua sẽ bị các ngự sử, và quan thì bị đô sát, hặc tội. Ở các triều lễ, người ta mặc 2 lớp áo dài xẻ bên ra ngoài quần, kế đó là cái xiêm mở phía trước và ngoài cùng là áo bào xẻ bên. Điều này dĩ nhiên nay đã không còn, nhưng các nhà làm phim nên biết khi muốn dựng phim tài liệu cổ trang cho chính xác.
Áo tấc (bàn lĩnh) với cổ đứng và áo dài là 2 loại lễ phục đặc trưng Việt. Không nước nào khác trên thế giới có hai loại trang phục này ngoài nước ta. Tiếc rằng ngày nay cả áo dài lẫn khăn xếp nam phái ở nước ta thường bị nữ hóa để trở nên lòe loẹt, thõng thượt, mất hết sự trang trọng và vẻ nam tính.