Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Một chút Sài Gòn trong lòng Hamburg

Hamburg là thành phố châu Âu đầu tiên tôi ghé thăm, cũng đã hơn mười hai năm rồi, và đã bị choáng ngợp bởi sự hiện đại của nó. Năm đấy, trời cuối thu, bà cụ đã đưa tôi qua những con phố ngập lá vàng… Thành phố Hamburg chiều thứ bảy yên tĩnh và tuyệt đẹp! Năm nay, bà cụ chống gậy đưa tôi về ngoại ô Hamburg uống cà phê, nhìn cối xay gió.

Anh bạn người Đức cứ nhất định tôi phải đi tham quan Hamburg cho mở tầm mắt, đừng lãng phí thời gian khi đến thành phố công nghiệp hùng hậu nhất nhì châu Âu này. Tôi ghé Hamburg hai mươi bốn tiếng, chỉ muốn đến nhà thăm mẹ cậu ta một chút, rồi quay về khách sạn, ngày mai bay tiếp. Dự định là thế. Tôi uể oải với những gì hiện đại, và với Hamburg lại càng uể oải hơn.

Bà cụ chống gậy đón tôi ở phi trường. Bất ngờ và cảm động! Bà bảo cô con gái, Pat, lái xe đến Bardowick, ngoại ô Hamburg, uống cà phê, ăn bánh ngọt và nhìn cối xay gió. Tôi lại bất ngờ, sao cụ già người Đức này lại bắt được ý thích của tôi thế nhỉ, khác xa với thằng con của bà, người thay đổi smartphone, laptop, tablet… xoành xoạch. Chúng tôi giao du đã hơn mười lăm năm nay…

Cối xay gió ở Bardowick thuộc loại cổ lỗ sĩ, năm ngoái (2013) nó vừa tròn 200 tuổi.

Khoảng  ba mươi phút lái xe từ phi trường đến Bardowick. Dọc đường không thấy nhà cao tầng, không tiếng còi xe, chỉ có cánh đồng lúa mì, ngựa bò gặm cỏ và những ngôi nhà gạch đỏ biệt lập rải rác… Tôi e gió lạnh, nói bà vào hẳn trong quán, nhưng bà muốn ngồi ngoài sân uống cà phê nhìn cối xay gió.

Cối xay gió thì có gì lạ đâu, phát minh lâu đời rồi, châu Âu nước nào chả có. Biến năng lượng gió thành dạng năng lượng khác. Sức gió đỡ sức người. Thời xưa dùng gió để chạy máy xay bột, bơm nước, tưới tiêu… Thời nay biến gió thành điện, xài cho tiện.

Cối xay gió ở Bardowick thuộc loại cổ lỗ sỹ. Năm ngoái nó vừa happy birthday hai trăm tuổi, hiện nay vẫn còn hoạt động. Cối xay gió xay bột lúa mì bán cho cư dân quanh vùng và bán ngay cho quán cà phê này để làm bánh. Bánh ngọt ở đây nổi tiếng, nhiều khách nơi xa cũng tìm đến, bà cụ bảo thế. Tôi không hảo ngọt, nhưng cũng nuốt hết một lát bánh, đủ để không ăn nổi bữa tối.

Khu ngoại ô này có lẽ như một cư xá, tôi đoán thế. Nhà cửa cách nhau năm mươi, bảy mươi mét, đường phố đầy hoa lá, xa xa là nóc chuông nhà thờ… Kiến trúc tuy khác biệt nhau, nhưng cao thấp không hỗn độn, màu sắc không lòe loẹt. Tôi hỏi, nhà ở đây giá bao nhiêu? Chừng hai trăm đến ba trăm ngàn euro, Pat trả lời. À, dân thường ở, nhà đẹp thế mà rẻ hơn biệt thự ở khu thượng lưu Phú Mỹ Hưng.

Bà cụ trầm ngâm nhớ lại Hamburg đã một thời bị tàn phá vì chiến tranh. Vâng, điều này tôi biết. Hamburg là thành phố cảng và công nghiệp nặng, đóng tàu, kể cả tàu ngầm, lọc dầu… Trong thế chiến thứ hai, Hamburg là mục tiêu oanh kích lai rai của đồng minh; cao điểm là chiến dịch không kích Gomorrah(*) tháng 7 năm 1943, kéo dài tám ngày bảy đêm. Không lực Mỹ (USAAF) ban ngày, không lực Anh (RAF) ban đêm, thay nhau oanh kích Hamburg. Hơn bốn mươi ngàn người chết, gần một triệu người di tản khỏi thành phố, nhiều quận hạt (boroughs) của Hamburg như Hammerbrook, Billbrook trở thành bình địa.

Sau cuộc chiến, người dân Hamburg thuộc thế hệ bà cụ, hoặc già hơn, đã phải cật lực xây dựng lại thành phố từ con số không; chỉ làm việc và làm việc, chứ không biết hưởng thụ. Quận Hammerbrook hoang tàn xưa kia, nay đã trở thành trung tâm thương mại. GDP của thành phố gần hai triệu dân này khoảng 95 tỉ euro (năm 2011), xấp xỉ với GDP của đất nước Việt Nam 88 triệu dân.

Thế hệ baby booming sinh ra sau chiến tranh và các thế hệ kế tiếp hưởng thụ những thành quả lao động cật lực này. Hamburg vẫn tiếp tục phát triển, được xem là một trong những thành phố công nghiệp hàng đầu của châu Âu. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay, ngay cả anh bạn trẻ người Đức của tôi thuộc lứa tuổi trung niên, sinh ra và lớn lên ở Hamburg, mấy ai còn hiểu được chiến tranh, thấm thía được giá trị của cuộc sống và tồn tại. Những nhà văn Đức của một thời lưu đày như Thomas Mann, E.M. Remarque… đã chìm vào quên lãng.

Sài Gòn của tôi cũng thế, mà không được như thế. Sài Gòn cũng là thành phố cảng, là trung tâm công nghiệp, thương nghiệp một thời của miền Nam (mà chắc là của cả nước và khu vực). Sau chiến tranh, Sài Gòn may mắn hầu như còn nguyên vẹn. Bốn mươi năm sau, Sài Gòn là thành phố gia công, cả nước cũng thế. Kim ngạch xuất khẩu xài ké thành tích của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hơn 20% kim ngạch xuất tùy thuộc vào một công ty điện tử, trong nước chỉ cung cấp được bao bì, in ấn và lao động cho họ. Hàng da giày, may mặc xuất khẩu, nhưng chỉ toàn là nguyên liệu nhập.

Đã có thời tôi cũng hào hứng tham quan các nước công nghiệp phát triển Singapore, Hàn Quốc… và vài nước châu Âu. Ngưỡng mộ và học hỏi từ họ cũng nhiều. Thầm nghĩ, Việt Nam đi sau sẽ rút được kinh nghiệm từ nước đi trước, mặc dù còn khuya mới đuổi kịp họ, nhưng ít ra cũng rút ngắn khoảng cách coi sao cho được.

Hy vọng và kiên nhẫn rồi cũng đến lúc cạn kiệt. Sài Gòn tăng trưởng mà hình như không chịu phát triển. Sài Gòn tự hào có nhiều nhà cao tầng, bên cạnh nhiều nhà ổ chuột, nhiều người bán vé số và công nhân lương tháng 150 usd. Có nhiều lý do để giải thích cho Sài Gòn không chịu phát triển như Hamburg, Hàn Quốc, Nhật Bản… dù điểm xuất phát của họ sau chiến tranh có khi còn tệ hơn. Lý do nào cũng hợp lý, nhưng yếu tố con người có lẽ là chủ yếu. Một khi giáo dục xem con người là phương tiện, thì mơ mộng phát triển chỉ là lạc quan tếu.

Hamburg là thành phố châu Âu đầu tiên tôi ghé thăm, cũng đã hơn mười hai năm rồi, và đã bị choáng ngợp bởi sự hiện đại của nó. Năm đấy, trời cuối thu, bà cụ đã đưa tôi qua những con phố ngập lá vàng… Thành phố Hamburg chiều thứ bảy yên tĩnh và tuyệt đẹp! Năm nay, bà cụ chống gậy đưa tôi về ngoại ô Hamburg uống cà phê, nhìn cối xay gió.

Thời gian trôi qua… Xã hội nào cũng thay đổi và đi lên, nhưng cũng có xã hội khư khư ôm lấy quá khứ. Trông người ngẫm ta. Ngắm nhìn một Hamburg công nghiệp hiện đại làm gì nữa cho thêm buồn!

Hamburg mùa này ngày dài đêm ngắn, tiết trời se lạnh như Đà Lạt. Tôi nghĩ đến đời người và cối xay gió. Thời gian chẳng chờ đợi ai… Nửa đêm về sáng, khi viết những dòng này từ Hamburg, tôi chợt thấy nhớ và thương Sài Gòn lận đận, nơi tôi sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời mình. Người ta cứ tiến, còn mình như đứng yên; người bán buôn những hứa hẹn hoa mỹ, nhưng rất nhiều người vẫn nuôi hy vọng đổi đời qua những tấm vé số.

Đêm Hamburg mưa nhẹ. Sài Gòn giờ này trời sáng tỏ rồi, nhưng chắc Sài Gòn sẽ không mưa buổi sáng đâu, phải thế không?

———
(*) Theo Kinh Thánh, Gomorrah và Sodom là những thành phố ăn chơi, tội lỗi, khiến Thượng đế nổi giận và thiêu hủy. Liên quân Anh – Mỹ lấy sự tích này đặt tên cho chiến dịch không kích Hamburg là Operation Gomorrah.

Bolero Và Người Việt

Trước đây khi tôi nghe những chương trình tin tức và bình luận về âm nhạc trong nước trên radio, lúc ấy vào khoảng cuối những năm 2000, người ta...

Ảnh tư liệu quý về trường học ở xứ Nam Kỳ một thế kỷ trước

Cùng xem loạt ảnh tư liệu hiếm có về hàng chục trường học ở miền Nam một thế kỷ trước, được in trong ấn phẩm Các trường học ở Nam...

Sài Gòn năm 1968 – 1969 qua 100 bức ảnh của Brian Wickham (Phần 1)

Sau biến cố Mậu Thân 1968, an ninh ở Sài Gòn được thắt chặt. Hàng rào thép gai và các điểm kiểm soát quân sự mọc lên ở nhiều nơi....

Ngắm nhan sắc Hoàng hậu Nam Phương qua ảnh

Hoàng hậu Nam Phương (1914 – 1963) tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là vị hoàng hậu cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Lúc sinh...

Tản Ðà – Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939)

Tản Ðà là biệt hiệu (tên ghép của núi Tản và sông Ðà), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1888 lại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh...

Các chi tiết trên mái công trình kiến trúc phương Đông

1. Tích (脊): là đường bờ mái, các mặt của mái giao nhau tạo thành đường thẳng (hoặc cong) gọi là “tích”.  Có ba loại tích: Chính tích (正脊): Bờ...

Phong Tục Tết Của Người Dân Miền Nam Xưa

Nguyên Đán là ngày Tết truyền thống thiêng liêng và trọng đại của dân tộc; vì thế để đón chào một năm mới, người dân khắp nơi đều chuẩn bị...

Giữ vẹn lời thề, không thay lòng đổi dạ

Từ quan điểm về hôn nhân của một người, có thể nhìn ra thành tựu đạo đức của người ấy. Thời xưa, nam nữ một khi đã kết hôn, nhất...

Giai thoại về Ông Đỏ, Ông Đen

Tượng Ông Đỏ và Ông Đen ở chùa Nhạn Sơn được người Chăm tạo tác từ thế kỷ 13. Xung quanh hai pho tượng có một giai thoại lịch sử...

Một thời đại học

Mươi năm trước có dịp đi qua chốn cũ thì vật đổi sao dời (Hương Lộ 14 nay là đường Lũy Bán Bích), không còn thấy nhà máy đâu nữa....

Thế lực các chú trong Nam kỳ

[Người Tàu sang Nam kỳ từ bao giờ? – Quốc triều ta ngày trước chiêu tập dân Tàu và xử trí họ khôn khéo là thế nào? Người Minh hương.] ...

Bàn về nghệ thuật diễn xuất sân khấu

Khái niệm Nghệ thuật diễn xuất, hay nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật biểu diễn… được dùng chỉ một nghệ thuật vốn tồn tại bằng phương thức “diễn” trên sàn...

Exit mobile version