Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Sài Gòn vẫn âm thầm sống

Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, mối tơ duyên giữa tôi và Sài Gòn bắt đầu từ khi nào? Từ cái Tết đầu tiên tôi theo ba mẹ vô Sài Gòn ăn Tết với gia đình bên nội, hay từ thuở ba tôi còn là một thiếu niên thường xuyên trốn học đi xem phim ở rạp Văn Cầm, Phú Nhuận. Hay xa xăm hơn nữa, từ năm 1941, khi chàng trai trẻ – là ông nội tôi – lặn lội từ Quảng Bình vô Sài Gòn làm cậu chạy việc cho các bà phước ở dòng tu kín sau Nhà Bưu điện Thành phố, ít lâu sau lại trở thành anh bồi của một gia đình người Pháp trên đường Catinat với mức lương 40 đồng bạc Đông Dương?

Dù thế nào, tôi với Sài Gòn hẳn đã có duyên, trước khi tôi về làm dâu một gia đình miền Nam lâu đời.

Nhưng có một điều lạ lùng, đó là càng ngày tôi lại càng cảm thấy mình không phải là “người Sài Gòn”.

Đó là một cảm giác hơi khó lý giải, bởi đối với tôi, khái niệm “người Sài Gòn” không hề được đóng trong một cái khung nhỏ hẹp nào. Không cần bạn phải sinh ra ở Sài Gòn, chỉ cần bạn cảm thấy mình là người Sài Gòn thì bạn chính là người Sài Gòn. Thế thôi!

Vậy thì tại sao sau nhiều năm sống trong lòng thành phố mà tôi vẫn chưa cảm thấy Sài Gòn thuộc về mình, và ngược lại?

Đó là vì càng tiếp xúc với những thế hệ tiếp nối từng sinh ra, lớn lên và thậm chí chưa bao giờ bứt mình khỏi mảnh đất này trong suốt vài thế hệ thì tôi lại càng nhận ra rằng cái chất Sài Gòn của người Sài Gòn không dễ nắm bắt như những từ ngữ mà tôi thỉnh thoảng vẫn đọc đâu đó.

Có lẽ chính vì vậy mà nhiều năm qua tôi vẫn luôn tự hỏi: Cuối cùng thì linh hồn Sài Gòn nằm ở đâu? Vẻ đẹp của vùng đất này? Cái tinh thần cốt lõi của người Sài Gòn nằm ở đâu? Ở lối sống đô thị phóng khoáng của những năm trước 1975 hay vẻ lịch lãm duyên dáng vẫn còn đọng lại trong những hồi tưởng về thời thuộc địa? Hay chính là lối sống vội vã náo nhiệt và luôn biến đổi của thời hiện tại?

Người Sài Gòn không chỉ là những người đã ra đi, hay trở về, mà còn là những người ở lại và chưa bao giờ rời xa.

Người Sài Gòn, không chỉ là giới thượng lưu thường xuất hiện quanh những đoạn đường sang trọng khu quận Nhứt, mà còn là phần đông bình dân sống trong những con hẻm nhỏ ở Đa Kao, Thị Nghè, Phú Nhuận hay Chợ Lớn…

Người Sài Gòn, không chỉ là các nghệ sĩ nổi danh thong dong tụ tập trong quán cà phê thời thượng, bàn chuyện thi văn nhạc họa, hay những cô gái xinh đẹp dạo phố trong tà áo lụa, mà còn là những con người không xuất hiện trước đám đông, chỉ lặng lẽ âm thầm dâng tặng đời mình cho thành phố này qua mấy thế kỷ thăng trầm.

Người Sài Gòn không cống hiến tài năng hay công sức của mình cho thành phố như một lý tưởng. Họ cống hiến một cách tình cờ vì đã làm việc tất phải làm đến nơi đến chốn.

Người Sài Gòn, họ không màng thổ lộ cho ai hay mình yêu sâu đậm ra sao và nhớ da diết thành phố của mình như thế nào.

Người Sài Gòn, không để ý đến việc bạn viết “Sài Gòn” hay “Saigon”, cũng không quan tâm bạn nói giọng miền nào, miễn hiểu nhau là được.

Người Sài Gòn không nhất thiết bắt bạn phải gọi đường phố theo tên mới hay cũ, miễn sao tìm thấy nhà là được. Bởi với họ, chẳng có gì phải cực đoan.

Với những người Sài Gòn mà tôi biết, nếu có điều gì cực đoan thì đó chính là nghĩa khí. Đất Sài Gòn ưa chuộng những con người đàng hoàng và có nghĩa khí. Có nghĩa khí là sống làm sao để những người mà mình xem trọng không coi thường mình. Có nghĩa khí là dám nói dám làm. Dám làm dám chịu.

Càng hiểu sâu về một Sài Gòn không nằm trên bề mặt của những bảng tên đường hay nhà hàng quán xá thì tôi càng thấy Sài Gòn giống một kim tự tháp, nếu đứng từ xa bạn chỉ nhìn thấy cái chóp nhọn, phần cao nhất nhưng có diện tích nhỏ nhất. Chỉ khi đến thật gần, thậm chí bước vào bên trong, bạn mới nhận ra phần chân đế của nó rộng lớn chừng nào. Nếu chúng ta nhìn Sài Gòn và chỉ thấy đỉnh cao lấp lánh ở ngay trước mắt, nghĩa là ta còn chưa đến đủ gần.

Giống như phần chìm của một tảng băng, chính cuộc sống lặng lẽ trong dân gian lại chứa đựng cái chất Sài Gòn đậm đặc nhất. Bắt nguồn từ tấm linh hồn của đất Gia Định thuở xa xưa, nó vẫn đang âm thầm chảy như một mạch nguồn mạnh mẽ của đời sống Sài Gòn hôm nay, dù không dễ vẽ nên hình hài và cũng không mấy ai nhận thấy.

TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI SÀI GÒN. DÙ GIỮA TÔI VÀ SÀI GÒN CÓ MỘT MỐI TƠ DUYÊN.
TÔI KHÔNG HIỂU HẾT SÀI GÒN. DÙ TÔI ĐÃ SỐNG VỚI SÀI GÒN RẤT NHIỀU NĂM THÁNG.

Chính vì lẽ đó mà tôi luôn muốn lắng nghe, lắng nghe, những câu chuyện đời thường của phố. Kể cả khi tôi biết rằng, thực ra thì Sài Gòn có nói gì đâu, chỉ có tôi – một người từ nơi khác đến – mới thường gán cho Sài Gòn những cái nhãn “thế này” hay “thế nọ”.

Sài Gòn có nói gì đâu. Vài thế kỷ đã trôi qua trên mảnh đất này, và Sài Gòn vẫn âm thầm sống.

ĐẶNG NGUYỄN ĐÔNG VY

Trần Mộng Tú, nhà thơ Việt đầu tiên vào sách giáo khoa Trung học Mỹ

Nếu quý vị mở cuốn sách giáo khoa dạy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, quý vị sẽ thấy một bài thơ của một...

Nhạc sỹ Thông Đạt và khát vọng hòa bình để “Hoa cài mái tóc”

Nỗi nhớ hậu phương, nhớ người thương của chinh nhân đặc biệt là của người lính ở vùng chiến tuyến đã được nhiều tác phẩm đề cập. Những ca khúc...

Tự điển tiếng Việt Đổi Đời – Kỳ 1 – Từ Vần A-C

Đôi Lời Phi Lộ: Bất cứ một dân tộc nào nếu đã hình thành một nền văn học, đều có hai loại văn chương bác học và văn chương bình...

60 tấm ảnh màu thể hiện sự phồn hoa của Sài Gòn thập niên 1960-1970

Sài Gòn có một thời là chốn phồn hoa đô hội, sôi động bậc nhất của khu vực. Những hình ảnh về Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông của...

Chào em những ngày cuối đông

Này em, trời lạnh rồi đó. Buổi sáng thức dậy anh bỗng nhớ về em, nhiều hơn một chút. Chỉ còn vỏn vẹn mười lăm ngày nữa là kết thúc...

Dạ Lữ Viện Sài Gòn – Chợ Lớn

Tôi quen vài người bạn lớn tuổi, thỉnh thoảng đem những địa danh trên đất Sài Gòn ra nói chuyện chơi cho vui. Nào là Ngã Ba Chú Ía, Ngã...

Phong tục ăn uống của người An Nam

Đối với du khách muốn hiểu người An Nam từ trong căn nhà của họ, không gì thú vị hơn là quan sát họ trong khi ăn và nghiên cứu...

Những hình ảnh quý hiếm về lớp học ngày xưa

Thời xưa, bậc tiểu học ở miền Nam gồm 5 khối lớp, được gọi là lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì và lớp Nhất (bây giờ là lớp...

Vua Bảo Đại làm lễ tế đàn Nam Giao ở Huế năm 1933

Lế tế đàn Nam Giao là lễ tế trời đất vào mùa xuân, nghi lễ cung đình quan trọng bậc nhất triều Nguyễn vì chỉ nhà vua mới có quyền...

Có thực mới vực được đạo là gì? Hiểu thế nào cho đúng?

Tục ngữ, thành ngữ Việt Nam có một số câu không phải dễ dàng, để có thể hiểu hết được ý nghĩa thực sự của nó. Do một số biến...

Công trường xây dựng lăng Khải Định một thế kỷ trước

Lăng Khải Định được khởi công từ năm 1920 và 11 năm sau mới hoàn tất. Vua Khải Định mất năm 1925, khi nơi an nghỉ của ông còn dang...

Tư tưởng ‘nam tôn nữ ti’ có hàm nghĩa chân chính là gì?

Nói đến “nam tôn nữ ti”, rất nhiều người cho rằng đây là Khổng Tử có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cho rằng thân phận của người nam thì...

Exit mobile version