Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Tướng cướp Bảy Viễn – Tổng trấn Sài Gòn xưa

Là  3 lần vượt ngục trước khi quy hàng Pháp để leo đến chức Tổng trấn Sài Gòn và là em kết nghĩa của vua Bảo Đại.

Trong giới giang hồ Sài Gòn xưa, cậu Hai Miêng, Đại Cathay, Huỳnh Tỳ… được nhiều người nhắc đến nhưng người thành công nhất về địa vị, sự giàu có là Bảy Viễn. Dần thoát khỏi việc cướp bóc, đâm chém, Bảy Viễn vươn lên thành người nắm quyền lực một vùng rộng lớn, dùng tiền kiếm được để “buôn vua”, thăng tiến trong sự nghiệp.

Lê Văn Viễn (1904 – 1972) tức Bảy Viễn, nguyên là người cầm đầu một băng đảng xã hội đen, là tướng cướp lừng danh trước năm 1945, về sau tham gia tổ chức Lực lượng vũ trang kháng chiến chống Pháp của Việt Minh, rồi ly khai trở về hợp tác với chính phủ Quốc gia Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại làm Quốc trưởng và được phong Thiếu tướng Quân đội Quốc gia Việt Nam. Ông cũng là thủ lĩnh của Lực lượng Bình Xuyên kiêm Tổng trấn Sài Gòn-Chợ Lớn.

Trong cuốn Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng, khi trưởng thành, Bảy Viễn là tướng cướp nổi đình nổi đám khiến giới doanh nhân, tiệm vàng không chỉ ở Sài Gòn mà cả Nam Bộ khiếp sợ. Năm 1936, Viễn cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố, lấy được 6.000 đồng (tương đương với 600 tấn gạo). Sau đó bị bắt và kết án 12 năm ở Côn Đảo.

Ngục Côn Đảo nổi tiếng canh gác nghiêm ngặt, lại cách đất liền 120 hải lý nên việc vượt ngục khó như lên trời. Nhờ võ nghệ cao, Bảy Viễn thường xuyên ra mặt bảo vệ tù nhân khi bị đánh đập nên rất được nể phục.

Thân thế

Bảy Viễn sinh năm Giáp Thìn 1904 tại làng Phong Đước, tổng Tân Phong Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, Liên bang Đông Dương (Nay là xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đình điền chủ trung lưu gốc Hoa (Cha người Trung Quốc, mẹ người Việt). Thân phụ là Lê Văn Dậu, người Triều Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), một điền chủ Hoa kiều và cũng là một đàn anh giang hồ nhóm Nghĩa Hòa (Triều Châu) thuộc Thiên Địa hội, mang tinh thần Phản Thanh phục Minh, nên Bảy Viễn có máu giang hồ từ nhỏ. Tuy là tay anh chị giang hồ nhưng cụ Dậu rất được nể trọng vì bản tánh cương trực, trung thực, lương thiện và công bằng. Cụ Dậu rất trọng danh dự nên hết lòng bảo vệ quyền lợi phe nhóm và em út cũng như luôn giúp đỡ bà con làng xóm và những người khốn khó. Và do là một trong những đàn anh có tiếng của nhóm Nghĩa Hòa ở Chợ Lớn, nên cụ cũng thường đứng ra làm trung gian hòa giải mâu thuẫn xung đột giữa các băng nhóm. Bảy Viễn lúc nhỏ ương ngạnh, hung bạo và khó bảo nên thường bị cụ Dậu rầy la và dạy dỗ nghiêm khắc, tánh giang hồ hảo hán của cụ Dậu có ảnh hưởng rất lớn đến Viễn. Vì là tay giang hồ nghĩa hiệp, trọng tình bạn và tình anh em nên Bảy Viễn luôn được bạn bè, đàn em cũng như các đại phú gốc Hoa ở Chợ Lớn kính nể.

Tuy sinh ra trong gia đình điền chủ khá giả, lúc nhỏ sống đầm ấm sung túc và được học hành đàng hoàng, nhưng Viễn ham chơi nên chỉ học hết Tiểu học trường làng, và sau vì cảm thấy thiệt thòi một cách bất công trong việc chia gia tài nên Viễn bỏ nhà đi bụi, tự lực cánh sinh rồi học võ ở nhiều nơi nên ông rất giỏi võ và rất có máu mặt trong việc đánh đấm giành địa bàn.

Về hình thể, Bảy Viễn cao 1m70, dáng to vạm vỡ, trên khắp cơ thể đều có hình xăm, cả một con Rồng lớn chiếm trọn tấm lưng, đầu Rồng trên cổ, đuôi Rồng tận hậu môn, hai vai xăm hình Đầm trần truồng, trên dương vật xăm chữ Tàu và ngay trên quy đầu xăm hình đầu Rắn, ngoài ra còn có vết sẹo dài 6cm trên cánh tay trái (Nguyên là hình xăm đã bị Viễn lấy dao tự rạch lên để xóa bỏ vết xăm). Tuy xăm cùng mình và là dân anh chị nhưng Bảy Viễn rất chú trọng cách ăn mặc, luôn ăn vận chỉnh tề, từ quân phục đến thường phục đều vừa vặn với thân hình lực lưỡng, cao và cân đối nên ông trông lúc nào cũng lịch lãm và uy nghiêm. Về diện mạo, Bảy Viễn khuôn mặt chữ điền, lông mày rậm, tóc cứng và dày, đen nhánh, được húi cua kiểu nhà binh, môi dày, mũi cao và thẳng, đặc biệt là cặp mắt sáng rực dữ dằn mang tướng mạo của một kẻ đàn anh, nên tuy dân giang hồ nhưng Bảy Viễn rất điển trai và phong độ, mang phong thái của một vị tướng lĩnh thực thụ.


Sòng bạc Đại thế giới trên đường Trần Hưng Đạo của Bảy Viễn.

Tuổi trẻ

Ngày 14 tháng 2 năm 1921, Bảy Viễn vào tù lần đầu với bản án 20 ngày tù giam khi mới 17 tuổi do phạm tội trộm xe đạp (Thời bấy giờ, xe đạp là tài sản có giá trị rất lớn, và thật ra chiếc xe đạp ấy vốn của gia đình Viễn, nhưng vì bà mẹ đem cho một người bà con mà ông không biết, khi phát hiện chiếc xe đang nằm ở nhà người ta thì ông mang về, nên bị hàm oan, cũng có thể đây là lý do khiến Viễn bị thiệt thòi trong vụ chia gia tài, nguyên nhân dẫn đến việc bỏ nhà đi bụi).

Trước năm 1945, Bảy Viễn là tay giang hồ tướng cướp khét tiếng làm điên đảo giới nhà giàu và các chủ tiệm vàng cũng như ngành an ninh của chính quyền Thuộc địa khắp Sài Gòn-Chợ Lớn, khiến người Pháp phải ráo riết truy bắt. Trong tác phẩm “Bảo Đại, hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam”, tác giả Daniel Grandclément còn miêu tả rằng “Bảy Viễn là một đầu sỏ lưu manh thực thụ, từng cầm đầu mafia Chợ Lớn. Trưởng thành từ cuộc sống đường phố và trở thành thủ lĩnh nhờ sức mạnh võ biền, Viễn đánh nhau rất liều lĩnh để xưng hùng xưng bá, là tướng cướp nhưng nổi danh chỉ đánh vào bọn nhà giàu”.

Ban đầu Bảy Viễn nổi danh là tay anh chị chợ Bình Đông, chuyên bảo kê các trường đá gà và thu tiền xâu từ các sòng bạc, Viễn còn có cả một băng đảng do mình cầm đầu chuyên “bảo kê” cho các hãng xe đò chạy tuyến Sài Gòn-Biên Hòa và Vũng Tàu. Sau đó Bảy Viễn mở rộng địa bàn hoạt động, vào trung tâm thành phố Chợ Lớn làm bảo kê cho các tay xì thẩu.

Ngày 31 tháng 5 năm 1927, Bảy Viễn bị phạt giam 2 tháng tù về tội hành hung gây thương tích (Lúc ấy Viễn đang làm cho một ông chủ sòng bạc người Tàu, nhưng vì mâu thuẫn mà “nện” tên chủ một trận). Bảy Viễn tiếp tục các hoạt động của mình ngay khi được trả tự do, và nhờ công việc làm ăn phát đạt, Viễn dần mua cổ phần trong hai nhà hàng, một công ty Taxi, một quán rượu đêm và tài trợ cho một mạng lưới các nhà máy chưng cất rượu bí mật.

Ngày 12 tháng 9 năm 1935, một chiếc xe đò chở khách đi Phan Thiết bị năm người mang súng ngắn chặn lại khi băng ngang Rừng Lá, hai thương gia giàu có người Tàu bị cướp số tiền 6.000 đồng, một trong số họ, Lin Fung Ha, nhận diện ra đuợc Bảy Viễn qua ảnh chụp. Ngày 20 tháng 6 năm 1936, Bảy Viễn bị bắt tại nhà của một ả tình nhân trên đường “Rue de Louvain” ở Sài Gòn (Nay là đường Đề Thám, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Khi bị bắt, Viễn không có vũ khí trong người, nhưng lục soát trong nhà thì cảnh sát tịch thu được một khẩu súng Sauer của Đức kiểu năm 1930, cỡ nòng 7.65 mm với 32 viên đạn. Có thuyết khác thì cho rằng trong một vụ cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố, Viễn lấy được 6.000 đồng (Tương đương với 600 tấn gạo), nhưng sau đó không lâu thì bị bắt. Ngày 28 tháng 8, Bảy Viễn bị kêu án 12 năm tù và đày đi Côn Đảo về tội tổ chức băng đảng và tàng trữ vũ khí bất hợp pháp. Tuy nhiên, đến năm 1940, Viễn vượt ngục thành công về đất liền. Trong khoảng thời gian ngồi khám lần đầu này, Bảy Viễn đã hạ được một tay trùm du đãng gốc Khmer để trở thành ông vua du đãng mới, rồi còn quyến rũ và dan díu với cô vợ của một tên Thầy chú (Cai ngục), cô này rất mê Viễn nên sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ ông.

Năm 1941, Bảy Viễn bị bắt cùng Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), một người bạn mới quen trong vụ tổ chức cướp xưởng mộc Bình Triệu. Mười Trí cũng là dân giang hồ, giỏi võ, vì bất mãn xã hội mà lập nên một nhóm cướp gây chấn động cả Sài Gòn-Chợ Lớn, vì vậy cả hai có duyên gặp và kết thân. Tòa án tuyên phạt Bảy Viễn 12 năm khổ sai cộng thêm 8 năm còn thiếu trước đây thành 20 năm. Sau đó Bảy Viễn lại vượt ngục thành công nhưng máu “phiêu lưu” vẫn âm ỉ nên Viễn và Mười Trí lại tổ chức đi cướp lần nữa, rồi lại bị bắt đày ra Côn Đảo lần thứ 3. Đến năm 1945, sau khoảng thời gian chuẩn bị chu đáo nhưng dài hơi vì vợ chồng Thầy chú đã được triệu hồi về đất liền, Bảy Viễn và Mười Trí cùng vài người bạn thân lại tổ chức vượt ngục thành công lần cuối cùng (Có tài liệu nói Bảy Viễn được người Nhật thả ra sau khi đảo chính người Pháp thành công để tính kế lâu dài). Lịch sử nhà tù Côn Đảo chỉ khoảng 10 cuộc vượt ngục thành công mà Bảy Viễn đã chiếm đến 3.

Bốt canh trại lính của quân Bình Xuyên do Bảy Viễn làm thủ lĩnh.

Tham gia kháng chiến

Tháng 8 năm 1945, vừa vượt ngục trở về cũng là lúc nổ ra Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Được một số nhân vật trong Xứ ủy Nam Kỳ móc nối, Bảy Viễn cùng Mười Trí tập hợp lực lượng du đãng tại Sài Gòn hợp tác với Trần Văn Giàu tham gia Kháng chiến chống Pháp. Bộ đội Lê Văn Viễn xây dựng thành Chi đội 9 do Lê Văn Viễn làm Chi đội trưởng và thuộc Liên khu Bình Xuyên, sở chỉ huy đặt tại Vườn Thơm (Bình Chánh) và do Ba Dương (Tức Dương Văn Dương) làm Tổng chỉ huy.

Chi đội 9 của Bảy Viễn còn được gọi là “Bộ đội Phú Thọ” hoặc “Bộ đội Bảy Viễn”, dù vậy, đơn vị của Bảy Viễn tuy tuân thủ chỉ thị quân sự của cấp trên nhưng lại từ chối tiếp nhận những chính trị viên do cấp trên cử xuống. Tháng 10 cùng năm, Bảy Viễn đưa đơn vị rời Vườn Thơm rút về mật khu Rừng Sác. Cuối tháng 11, ông được Ủy ban Hành chính lâm thời cử làm Tư lệnh tối cao các Lực lượng Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn kiêm Chỉ huy trưởng khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Trong khoảng thời gian gần 3 năm trước khi về thành, Bảy Viễn đã chỉ huy Bộ đội Bình Xuyên đánh nhiều trận quyết liệt và gây nhiều thiệt hại cho Quân đội Pháp.

Ngày 20 tháng 2 năm 1946, Tổng chỉ huy Ba Dương hy sinh trong một trận chống càn của Pháp ở Bến Tre, khi chỉ huy một bộ phận quân Bình Xuyên vượt sông Soài Rạp từ Rừng Sác về cứu nguy cho mặt trận An Hóa-Giao Hòa. Sau khi Ba Dương hy sinh, Bảy Viễn vận động để nắm chức Tư lệnh Bình Xuyên nhưng một số cán bộ Chỉ huy trưởng các chi đội Bình Xuyên không tán thành.

Ngày 12 tháng 4 năm 1946, tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nam Bộ ký quyết định phong Năm Hà (Tức Dương Văn Hà, em cùng cha khác mẹ với Dương Văn Dương) làm Tư lệnh lực lượng Bình Xuyên thay cho Ba Dương. Tháng 7 cùng năm, Nguyễn Bình ký quyết định phong Bảy Viễn làm Khu bộ phó Chiến khu 7 với ý định tách Viễn ra khỏi vị trí trực tiếp chỉ huy Lực lượng Bình Xuyên và để ông không từ bỏ kháng chiến về hợp tác với Pháp và Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Trung tuần tháng 12 cuối năm, Bảy Viễn chính thức giữ chức Khu bộ phó Chiến khu 7, đồng thời cũng trong tháng này Đại úy Savani (Thuộc Phòng nhì Pháp, một cơ quan tình báo quốc phòng hải ngoại của Pháp) cho cài người vào Chi đội 9 bí mật tiếp xúc với Bảy Viễn nhằm mục đích lập Chiến khu Quốc gia Rừng Sác. Các tay nội gián mà Phòng Nhì cài vào gồm 4 người: Anh em Lại Văn Sang – Lại Hữu Tài với vai trò cố vấn thân cận, luôn theo sát Bảy Viễn; Lâm Ngọc Đường – nhân viên Phòng Nhì cùng Maurice Thiên – tay tư sản khá giả và cũng là nhân viên Phòng Nhì hoạt động dưới danh nghĩa người hỗ trợ tài chính.

Đầu năm 1948, Bảy Viễn đồng ý đi Đồng Tháp theo lời mời của Nguyễn Bình để tham gia một cuộc họp quan trọng do Nguyễn Bình chủ trì với mục đích phong Viễn chức Khu trưởng Khu 7, đồng thời giải quyết những mâu thuẫn đang tồn tại giữa Bộ đội Bình Xuyên của Bảy Viễn và Bộ đội Nguyễn Bình. Tại cuộc họp, Bảy Viễn đã trả lời rắn chắc và đanh thép các chất vấn của Nguyễn Bình về những mâu thuẫn nội bộ và tỏ ý nghi ngờ, lưỡng lự trong việc nhận chức Khu trưởng Khu 7 mà trước đó Viễn cho rằng người xứng đáng nhận chức này hơn phải là Huỳnh Văn Nghệ vì theo Viễn chiến công của Bộ đội Tám Nghệ vượt xa những chiến công của Bộ đội Bảy Viễn. Sau vì Bảy Viễn từ chối chức Khu trưởng Khu 7 và tỏ vẻ bất hợp tác nên Nguyễn Bình quyết định giải tán các đơn vị Bình Xuyên, phiên chế thành các đơn vị Vệ quốc Đoàn để phá tan âm mưu chia rẽ các Lực lượng kháng chiến và Việt Minh của Phòng nhì Pháp, mặc cho nhiều lãnh đạo chủ chốt bên phía Bình Xuyên phản đối quyết định này (Bao gồm cả Mười Trí, một trong những thủ lĩnh). Bảy Viễn phản đối quyết liệt đồng thời tố cáo Nguyễn Bình muốn thiết lập chế độ Đảng trị và củng cố uy quyền cá nhân nên đã sát hại Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ và hai lần ám sát Viễn nhưng bất thành. Bảy Viễn nói với Nguyễn Bình:

“Chúng tôi không hài lòng về cung cách đồng chí đối xử với chúng tôi. Bình Xuyên đã chiến đấu từ trước khi đồng chí vào tới Nam Bộ, đồng chí không hề đề nghị giúp đỡ gì chúng tôi, mà đồng chí chỉ hạ lịnh bắt chúng tôi phải thi hành. Chúng tôi đã đánh giặc suốt 30 tháng qua và đã có hơn ba trăm anh em hy sinh. Suốt trong ba năm chiến đấu đó, chúng tôi không hề nhận được của Việt Minh và Hà Nội một hột gạo, một con cá khô, một khẩu súng, một viên đạn. Những đoàn công-voa từ Bắc vào, đi ngang qua vùng của chúng tôi, đã được chúng tôi bảo vệ để vận chuyển mọi thứ đến đơn vị của các đồng chí an toàn. Cả những khi các đồng chí bị Tây truy kích, chúng tôi cũng hậu tập giải vây và ngăn cản để các đồng chí rút lui êm…
Chúng tôi nghĩ rằng các chánh trị viên không có gì để dạy dỗ chúng tôi. Chúng tôi đã ý thức cầm súng chiến đấu vì nền độc lập của Tổ quốc, và để đòi tự do. Chúng tôi không chiến đấu cho một chế độ Đảng trị, hay để củng cố uy quyền lãnh đạo đã nhẫn tâm tàn sát đồng đội một cách tàn độc hơn là đối với quân thù…”

Bảy Viễn chất vấn Nguyễn Bình vì sao giết Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ thì được Nguyễn Bình trả lời:

Đó là kẻ lúc nào cũng mưu tính diệt Cộng Sản và cá nhân tôi, cho nên phải tiêu diệt.”

Bảy Viễn từ chối chức Khu trưởng Khu 7 và không còn muốn hợp tác với Việt Minh. Trên đường từ Đồng Tháp về Rừng Sác, Bảy Viễn và đoàn tùy tùng bị Trung đoàn 306 của Nguyễn Bình phục kích trong đêm nhưng vì đã đề phòng và chống trả quyết liệt nên Bảy Viễn thoát khỏi vòng vây

Về thành

Đại tá Lê Văn Viễn (Khoảng năm 1948-1949)

Tuy cũng phản đối quyết định giải tán các đơn vị Lực lượng Bình Xuyên, nhưng Mười Trí vẫn trung thành ở lại quân kháng chiến Việt Minh. Rạng sáng ngày 27 tháng 5 năm 1948, sau khi Bảy Viễn âm thầm rút quân rời chiến khu Đồng Tháp đã được Mười Trí mời đến Tổng hành dinh đồng thời cũng là nhà của ông ở Đông Thành (Chi đội 4) tá túc, nhằm thuyết phục Viễn quyết định kỹ trước khi quá muộn. Đêm ấy, bà vợ Mười Trí đãi hai anh em bữa cơm thịnh soạn. Mười Trí vì tình bạn, tình anh em từng cùng nhau vào sinh ra tử, từ đi cướp, vô tù đến chiến đấu trên mặt trận, đã khuyên Bảy Viễn nên suy nghĩ thấu đáo và nhất là nên ở lại vì “còn nước còn tát”, nếu xảy ra chuyện thì Mười Trí sẽ đứng ra bảo lãnh bất kể hậu quả. Cảm động, Viễn tuy vẫn chưa phục, nhưng hứa hẹn sẽ suy nghĩ kỹ.

Cùng đêm, khi Bảy Viễn đang say giấc, Mười Trí cho gọi thuộc cấp đến, ra lệnh thông báo rằng các lực lượng Bình Xuyên khác ai ở đâu thì ở yên đấy, không được tự ý rời đi khi không có lệnh của ông, nhằm làm giảm tối đa thiệt hại cho quân đội Việt Minh.

Bảy Viễn trước khi đọc diễn văn, tháng 7 năm 1948

Sáng hôm sau, khi cùng nhau dùng bữa cơm gia đình thân tình cuối cùng, Bảy Viễn thông báo đã suy nghĩ kỹ, Viễn quyết định ra đi, trở về Sài Gòn vì không thể sống chung với những người mà ông xem là bất công và xảo quyệt. Mười Trí đã tiên liệu trước, nên dù rất thất vọng về Bảy Viễn và về sự bất lực của mình, vẫn đồng ý tiễn Viễn đi một đoạn dài đến tận xã Hưng Long (Bình Chánh), kể từ đó, cả hai thuộc hai chiến tuyến khác nhau. Mười Trí có làm một bài thơ cảm động về hoàn cảnh này. Điều đặc biệt, bài thơ vẫn được lưu truyền đến nay, gần thị trấn Cái Tàu Hạ, nhiều cụ cao niên vẫn còn nhớ bài thơ ly biệt của Mười Trí.

Vào lúc 13 giờ trưa ngày 12 tháng 6 năm 1948, qua sự trung gian móc nối của Đại úy Savani Trưởng phòng nhì Pháp cùng Thiếu úy Cistisni, Bảy Viễn và người cố vấn Lại Hữu Tài của ông đến một địa điểm cách đồn An Phú khoảng 2 cây số thuộc quận Cần Giuộc họp với 2 sĩ quan Pháp bàn việc trở về hợp tác với Chính phủ Quốc gia. Ngày 13 tháng 6, Bảy Viễn mở cuộc hành quân tái chiếm Rừng Sác nhưng bất thành vì tướng Nguyễn Bình đã đánh chiếm vào ngày 19 tháng 5 trước đó và đã cho củng cố chiến khu này rất chặt chẽ.

Bảy Viễn đọc diễn văn, tháng 7 năm 1948

Ngày 17 tháng 6, Bảy Viễn tuyên bố Lực lượng Bình Xuyên trở về hợp tác với Chính phủ Quốc gia, cùng mang theo 280 vũ khí đủ loại đặt bản doanh tại số 31 Đại lộ Gaudot (Nay là đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi về hợp tác với Pháp và Chính phủ Quốc gia, ngày 1 tháng 8 cùng năm Bảy Viễn được Tướng Pierre Boyer de Latour gắn lon Đại tá và thuộc quyền Tổng trấn Nam Phần.

Sau khi Bảy Viễn về thành, phần lớn Lực lượng Bình Xuyên được tổ chức lại và phiên chế thành các Vệ quốc đoàn, bộ phận còn lại do Viễn chỉ huy ly khai Việt Minh để tham gia chính quyền Quốc gia Việt Nam đã trở thành lực lượng Bình Xuyên được biết đến nhiều nhất vào thập niên 1950. Nhóm Bình Xuyên ly khai còn là một lực lượng quân sự bổ sung nằm trong khối Liên hiệp Pháp dưới danh xưng “Công an xung phong”, nắm quyền kiểm soát toàn vùng Sài Gòn-Chợ Lớn.

Bảy Viễn đứng bên bờ kênh Tàu Hủ gần Tổng hành dinh, ở phía sau cách không xa là cầu chữ Y

Năm 1949, Bảy Viễn cho xây Tổng hành dinh phía bên kia cầu chữ Y (Hướng quận 8 ngày nay, vị trí sát dạ cầu, bị phá hủy sau khi tướng Dương Văn Minh đánh bại quân Bình Xuyên). Viễn cũng là người bảo trợ cho ngôi chùa Bảo Quốc ở gần đấy (Bảo Quốc tự, nay cải danh là chùa Linh Phước, tọa lạc tại số 139 đường Dạ Nam, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo báo Người Lao Động thì Bảy Viễn sở hữu một ngôi biệt thự sang trọng ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, tọa lạc tại số 10 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay là trụ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, Bảy Viễn còn sở hữu không ít dinh thự trong Chợ Lớn, một trong số đó tọa lạc sát bên hý trường Đại Thế Giới (Nay là tòa nhà số 20 đường Ngô Quyền, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).

Bảy Viễn và Quốc trưởng Bảo Đại gặp nhau lần đầu năm 1949 tại Sài Gòn, sau đó cả hai nhanh chóng kết thân với nhau, nhờ vậy mà Bảy Viễn được Bảo Đại phong “Nam Tước” của Hoàng gia và nhận làm em nuôi dù Bảo Đại nhỏ tuổi hơn Viễn nhiều. Thời đó, người ta cho đấy là vinh hạnh lớn của Bảy Viễn, khi một tướng cướp võ biền gốc giang hồ lại được một cựu Hoàng đế nhận làm em nuôi và kết giao, nhưng ai cũng biết, Bảo Đại tiêu tiền như nước, không bao giờ là đủ khi đồng lương Pháp trả không là gì so với cuộc sống Đế vương của ông ta, còn Viễn đã trở thành một đại tư sản nhờ việc kinh doanh các sòng bạc lớn, Bảo Đại vì tiền, Bảy Viễn vì quyền. Kể từ đó, Lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn cũng trở thành một trong những lực lượng bảo vệ Quốc trưởng Bảo Đại, tình bạn giữa Bảy Viễn và cựu Hoàng đế ngày càng thân thiết. Viễn thường lên Đà Lạt nghỉ mát và thăm Bảo Đại, những dịp gặp nhau, cả hai thường cùng đi săn, câu cá hoặc đánh bạc.

Ngày 1 tháng 1 năm 1951, bằng thế lực của mình, “Cọp Rừng Sác” Bảy Viễn đấu thầu thành công và thâu tóm sòng bạc Đại Thế Giới (Casino grand Monde) ở Chợ Lớn vốn thuộc hàng lớn nhất nhì Châu Á hoặc có lẽ toàn Thế giới lúc bấy giờ mà trước đó thuộc quyền quản lý của Lâm Giống, trùm cờ bạc Ma Cao. Theo hồ sơ về tỷ phú Hoa kiều Lý Long Thân do Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa lập, hiện lưu trữ tại Cục lưu trữ Việt Nam, thì Lý để cầu thân Bảy Viễn đã bỏ số tiền hơn 4 triệu Franc để tổ chức tiệc chiêu đãi Bảy Viễn và thuộc cấp tại hý trường Đại Thế Giới. Sau đó Lý còn đề nghị Bảy Viễn đứng ra thầu lại sòng bạc Đại Thế Giới dưới sự hỗ trợ tài chính của chính mình với giá 500 nghìn đồng Đông Dương/ngày. Được tỷ phú Hoa kiều hỗ trợ và nhất là được Quốc trưởng Bảo Đại bảo trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nên Bảy Viễn dễ dàng trúng thầu khai thác “sới bạc” Đại Thế Giới, đó cũng là mong muốn của Bảy Viễn vì nắm được Đại Thế Giới là nắm được Chợ Lớn, thành phố Trung Hoa giàu có của Việt Nam vừa rộng lớn vừa nhộn nhịp bậc nhất Thế giới, nhiều khả năng thịnh vượng hơn cả Khu phố Tàu ở San Francisco của Hoa Kỳ . Viễn còn trúng thầu sòng bạc Kim Chung (Casino Cloche d’Or), tại khu vực ngày nay là khu chợ Dân Sinh sát cạnh trung tâm thành phố Sài Gòn, đồng thời làm ngơ cho khu mại dâm Bình Khang công khai hoạt động. Có tài liệu còn cho thấy Bảy Viễn móc nối với tên trùm Franchini người đảo Corse (Pháp) – cũng là chủ sở hữu đương thời của Khách sạn Continental – để buôn thuốc phiện và ma túy từ Tam giác Vàng qua Việt Nam rồi tới Âu-Mỹ. Theo các tài liệu trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thì Lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn còn tham gia vào rất nhiều các ngành kinh doanh và khai thác khắp Nam Kỳ (Đơn cử như việc Bảy Viễn đứng ra mở sơn tràng khai thác gỗ ở khu vực Sài Gòn-Vũng Tàu cũng như nhiều công trường khác trên cao nguyên, rồi thu thuế, thiết lập các đoàn vận tải, thiết lập các công ty xe đò từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây và Vũng Tàu), nhưng Lực lượng Bình Xuyên do ông chỉ huy vẫn là một đơn vị độc lập, vừa là quân đội vừa là tổ chức xã hội đen khét tiếng.

Bảy Viễn trong cuộc phỏng vấn tại tư dinh năm 1953

Cả nhà văn Daniel Grandclément và Đại úy Jean Pouget (Sau này là Thiếu tá kiêm sĩ quan tùy tùng của Đại tướng Pháp Henri Navarre, Bảy Viễn từng đụng độ Jean Pouget mấy trận ác liệt trước khi về thành) đều cho rằng khu vực Chợ Lớn khá phức tạp và không tướng lĩnh lẫn quan chức Pháp nào có thể khiến tình hình yên ổn cho đến khi Bảy Viễn quay về vì thời thanh niên Viễn từng làm mưa làm gió ở Chợ Lớn nên rất am tường địa bàn này. Vốn là người Hoa nên Bảy Viễn rất trọng chữ tín, luôn sòng phẳng trong việc kinh doanh và cũng nhờ tiếng tăm Lực lượng Bình Xuyên mà chỉ trong thời gian ngắn sau khi về thành, Viễn đã dàn xếp ổn thỏa với các bang nhóm người Hoa giúp mang lại an ninh trật tự, ngay cả các chủ sòng bạc và các tay xì thẩu người Tàu sừng sỏ nhất cũng không dám bàn cãi dây dưa với đại diện của 3 nghìn tay anh chị quen chém giết được võ trang tận răng. Chợ Lớn còn là khu vực kinh tế trọng yếu của thủ đô Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam, kết nối với Nam Kỳ Lục tỉnh cũng như vựa lúa của toàn cõi Việt Nam lẫn Đông Nam Á, và vì Bảy Viễn từng theo Việt Minh vào bưng kháng chiến, hiểu rõ lối đánh và tư duy giao tranh của Việt Minh, với sự hiểu biết ấy và mong muốn tiêu diệt quân Nguyễn Bình ở Sài Gòn đã giúp Viễn tiêu diệt quân Cộng sản trong một thời gian rất ngắn. Sau khi Bảy Viễn nắm được Đại Thế Giới vào năm 1951 thì cả người Pháp lẫn Bảo Đại đều tin tưởng giao cho Viễn toàn quyền kiểm soát Sài Gòn-Chợ Lớn với hy vọng rằng ông sẽ quét sạch các cơ sở hạ tầng và kinh tài của Cộng sản Việt Minh khỏi thành phố, đặc biệt là ở Chợ Lớn vì đây vốn là khu vực kinh tế trọng yếu của thủ đô Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam, nên Viễn vừa cai quản để giữ an ninh trật tự vừa trông chừng không để Việt Minh thâm nhập quấy phá hòng kiếm tiền hưởng lợi nhằm phát triển lực lượng. Bảy Viễn chính thức trở thành ông chủ Chợ Lớn.

Năm 1951, Lực lượng Bình Xuyên giải tỏa thành công con lộ 15 Sài Gòn-Vũng Tàu. Ngày 22 tháng 4 năm 1952, Quốc trưởng Bảo Đại phong Bảy Viễn lên cấp Thiếu tướng (Major-général) Quân đội Quốc gia và bổ nhiệm vào chức vụ Tổng trấn Sài Gòn-Chợ Lớn kiêm nhiệm vụ trông coi ngành Cảnh sát-Công an, nên sau đó Bảy Viễn giao chức Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành cho thuộc cấp Lại Văn Sang (Anh ruột Lại Hữu Tài, cố vấn của Bảy Viễn).

Trong khoảng thời gian vàng son khi nắm trong tay quyền lực to lớn, vừa là tướng quân đội, vừa nắm toàn quyền ngành an ninh nhưng đồng thời cũng thao túng nhiều hoạt động kinh doanh cùng thế giới ngầm tội phạm, Bảy Viễn trở thành một trong những ông trùm mafia giàu có và quyền lực nhất Đông Dương, thậm chí toàn cõi Đông Nam Á. Bảy Viễn xứng danh là “Bố già” của Việt Nam không thua gì các “Bố già” trùm mafia nổi danh của Ý và Mỹ. Trong giới giang hồ miền Nam trước năm 1975 thì Bảy Viễn là người thành công nhất về quyền lực, sự giàu sang cũng như đạt đến đỉnh cao danh vọng.

Ngày 4 tháng 10 năm 1954, Bảy Viễn cùng tướng Nguyễn Văn Hinh và tướng Nguyễn Văn Xuân vào Dinh Độc Lập để hội đàm cùng tân Thủ tướng Ngô Đình Diệm, nhưng rồi từ chối lời mời của vị Thủ tướng về việc sáp nhập Lực lượng Bình Xuyên vào Quân đội Quốc gia. Ngoài việc cả 3 vị tướng lĩnh chỉ yêu cầu được giữ một số bộ ít ỏi đại diện cho những đoàn thể của mình, thì Bảy Viễn cùng tướng Hinh và tướng Xuân còn yêu cầu được tham chính và đưa ra yêu sách cải tổ toàn diện cùng lập Nội các mới, nên sau đó Diệm cương quyết từ chối không cho Bảy Viễn tham gia chính phủ, vì theo ý của Bảo Đại, ông cựu Hoàng đế này muốn Viễn nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bảo Đại thậm chí còn muốn đưa Bảy Viễn lên làm Thủ tướng trong trường hợp loại bỏ Ngô Đình Diệm khi mâu thuẫn giữa Diệm và ông cựu Hoàng lên đến đỉnh điểm.

Bảy Viễn (Thứ 2 từ trái sang) trò chuyện với tướng Hinh (Thứ 2 từ phải sang) trong một cuộc gặp

Bình Xuyên và các giáo phái khác như Cao Đài, Hòa Hảo muốn giữ nguyên lực lượng riêng của mình với lý do quân đội họ có lối đánh riêng, nếu sáp nhập vào Quân đội Quốc gia, e là sẽ mất đi hiệu năng chiến đấu. Nhưng vì Diệm không nhượng bộ, nên cả Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo và một số lực lượng khác đã cùng họp bàn ra quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia vào ngày 4 tháng 3 năm 1955 với chủ tịch là Hộ pháp Phạm Công Tắc và phó chủ tịch là Bảy Viễn nhằm chống đối chính phủ mà Thủ tướng Diệm điều hành thay Quốc trưởng Bảo Đại đang công du ở Pháp. Ngoài ra, Thủ tướng Diệm vốn là người Công giáo trọng tiết hạnh muốn dẹp bỏ các tệ nạn xã hội cũng như cắt đứt các nguồn thu nhập khổng lồ của Bảy Viễn nên đã ra lệnh đóng cửa Đại Thế Giới, Kim Chung cùng các sòng bạc khác do Bình Xuyên điều hành và giải tán khu mại dâm Bình Khang khiến Bảy Viễn tức điên người và tình hình ngày càng gay cấn.

Bị trấn áp và lưu vong

Bảy Viễn (Ngoài cùng bên phải) cùng tướng Hinh và tướng Xuân hội đàm Thủ tướng Diệm tại Dinh Độc Lập

Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia gửi tối hậu thư buộc chính phủ phải có danh sách Nội các mới trước ngày 26 tháng 3 năm 1955, nhưng vì Nội các Ngô Đình Diệm không chịu nhượng bộ nên ngày 28 tháng 3 quân Bình Xuyên đã mở cuộc tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập, sang tháng 4 thì tấn công thành Cộng Hòa. Ban đầu quân đội Bình Xuyên giành được không ít lợi thế, nhưng sau đó bị các đơn vị Nhảy dù Quân đội Quốc gia do Trung tá Đỗ Cao Trí chỉ huy sau năm ngày đã nhanh chóng áp đảo và đánh bật ra khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn. Quân đội Quốc gia phản công, đáng kể nhất là lực lượng người Nùng thiện chiến của Ngô Đình Diệm đã đánh sang tận Tổng hành dinh của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn và rút về mật khu Rừng Sác, hai bên sau đó vẫn giằng co suốt nhiều tháng trời. Thủ tướng Diệm quyết định đặt Bảy Viễn và các thuộc cấp là Lại Văn Sang và Lại Hữu Tài ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 21 tháng 5, Bảy Viễn và các thuộc cấp bị truy tố trước Tòa án Quân sự về các tội danh phá hoại và phản quốc. Ngày 21 tháng 9, Thủ tướng Diệm tổ chức Chiến dịch Hoàng Diệu (1955) do Đại tá Dương Văn Minh chỉ huy để truy kích tàn quân Bình Xuyên đang cố thủ tại mật khu Rừng Sác. Bảy Viễn may mắn được Pháp giúp giải thoát và đưa sang Pháp bằng phi cơ, kể từ đây Viễn bắt đầu cuộc sống lưu vong.

Các lãnh đạo giáo phái, từ trái sang phải, Bảy Viễn (Bình Xuyên), Phạm Công Tắc (Cao Đài) và Năm Lửa (Hòa Hảo), ảnh từ video clip

Ngày 13 tháng 1 năm 1956, Bảy Viễn và các thuộc cấp (Đã lưu vong) bị Tòa án Quân sự tuyên án tử hình khiếm diện về tội danh phá hoại và phản quốc, tước binh quyền và tịch thu tài sản.

Sau khi lưu vong, dù sống nơi xứ người, Bảy Viễn vẫn luôn dõi theo tình hình chiến sự ở Việt Nam. Theo các tài liệu và thư từ còn lưu giữ được bảo tồn ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hiện nay, thì sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ, từ năm 1964 đến năm 1970, Bảy Viễn liên tục gửi nhiều bức thư cho chính quyền mới ở Nam Việt Nam, phần lớn mang nội dung rằng Viễn xin được cùng gia đình hồi hương, trở về Việt Nam để sinh sống như những công dân bình thường, và cam đoan không can hệ đến chuyện quốc sự, nhưng nếu chính quyền có thiện ý mời ông làm cố vấn tiếp tục đối kháng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, thì dù có tuổi cao sức yếu, Viễn vẫn vui lòng góp sức. Tuy nhiên, những bức thư với lời lẽ trang trọng này lại không được đón nhận, và Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa thậm chí còn xếp xó vào kho lưu trữ tư liệu dưới dạng văn bản mật. Ngoài thư từ, có hẳn một công văn của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa đề cập đến vấn đề lo ngại việc ông Lê Văn Viễn giữa các năm 1965 và 1968 đã thực hiện những chuyến du lịch đến các quốc gia láng giềng lân cận như Thái Lan và Campuchia, nhưng thực chất là đến tham dự các cuộc họp của các nhóm chính trị lưu vong ở hải ngoại.

Bảy Viễn có năm người vợ cùng nhiều con cái, tất cả đều được ông đón sang Pháp. Các con của Bảy Viễn đều đỗ đạt thành tài và có địa vị khá trong xã hội Pháp. Con cháu, hậu duệ Bảy Viễn vẫn ở Pháp. Những năm tháng lưu vong, nhờ vào khối tài sản khổng lồ trong các ngân hàng mà Bảy Viễn sống thoải mái cùng gia đình trong một ngôi biệt thự ở ngoại ô Paris. Năm 1972, ông từ trần tại Paris, Pháp, hưởng thọ 68 tuổi.

Chuyện ngoài lề

Năm 1972, tin cựu Thiếu tướng Lê Văn Viễn qua đời được đăng báo ở cả Pháp, Mỹ và Nam Việt Nam. Ngay sau đó, Hồ Hữu Tường – chính trị gia, nhà văn và nhà báo từng ủng hộ và hợp tác với Lực lượng Bình Xuyên – nhận lời một tòa soạn viết bài báo ngắn về Bảy Viễn mà trong đó ông Tường khiêm nhường khen ngợi cá tính Viễn. Hồ Hữu Tường viết rằng Bảy Viễn là người nghĩa hiệp, anh hùng trọng anh hùng nên dù mâu thuẫn gay gắt với tướng Nguyễn Bình đến mức tuyệt giao nhưng Viễn vẫn không thù oán gì cá nhân tướng Bình, và vào năm 1951, khi nghe tin Nguyễn Bình bị quân Pháp phục kích giết chết, Bảy Viễn không tỏ vẻ vui mừng gì mà chỉ ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Là tay giang hồ tánh tình cương trực thẳng thắn nên vào những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, lực lượng của Bảy Viễn từ một nhóm nhỏ vô danh dần được biết đến và mở rộng quy mô, chiêu mộ được rất nhiều thanh niên ái quốc mà trong đó phần lớn là giới du đãng vốn là thành phần luôn bị xã hội kỳ thị xa lánh. Ưu điểm là vậy nhưng Hồ nhân sĩ cũng cho rằng vì chỉ có những ưu điểm trên nên đó đồng thời cũng là khuyết điểm dẫn đến thất bại của Bảy Viễn.

Bảy Viễn thích nuôi một số loài thú dữ. Ở trong Tổng hành dinh sát cầu chữ Y, Bảy Viễn nuôi một con Hổ cái nhốt trong chuồng sắt và nuôi Báo xích trên cũi gỗ, những khi nhàn rỗi thì ông có thể vuốt râu Hùm xoa đầu Beo. Ngoài ra Viễn còn nuôi Cá Sấu thả ở trong ao ngoài sân vườn cùng nuôi rất nhiều loài chim và thú quý hiếm khác. Có một giai thoại do ông Hồ Hữu Tường thuật lại rằng Bảy Viễn quý loài Hổ đến mức trong một lần đi săn, đang lúc rình mồi thì một con Hổ từ đâu nhảy ra chồm lên vồ trúng các ngón chân của Viễn tạo nên vết thương khá sâu. Bảy Viễn tuy ngồi xổm và bị tấn công bất ngờ nhưng vẫn không lung lay hay trượt ngã, và với khẩu súng săn trong tay, nếu bắn một phát thì Hổ sẽ chết ngay, nhưng vì thương tình mà Viễn chỉ quát lớn một tiếng để Hổ hoảng sợ bỏ chạy.

Từng tồn tại tin đồn rằng Bảy Viễn còn rất nhiều kho báu như tiền và vàng ở miền Nam Việt Nam, nên sau khi đánh bại quân Bình Xuyên năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm dưới sự điều hành của cố vấn Ngô Đình Nhu đã truy tìm tịch thu, nhiều khả năng điều này đã dẫn đến cái chết của Thiếu tá Lê Paul – con trai trưởng 27 tuổi của Bảy Viễn. Theo tác phẩm “Bảy Viễn – Thủ lĩnh Bình Xuyên” của nhà văn Nguyên Hùng cũng như một bài báo mạng, thì trong cuộc chiến cuối năm 1955, Bảy Viễn cùng các thuộc cấp thân tín như Lại Hữu Tài, Lại Văn Sang, Tư Hiển cùng con là Lê Paul đã mạo hiểm thoát ra khỏi Rừng Sác, tới quốc lộ 15, mượn xe chạy thoát ra Vũng Tàu, nơi có đông quân Pháp trú đóng để chờ tàu chở về nước, tuy nhiên Lê Paul đã không thể chạy thoát theo cha được và bị bắt khi đang loay hoay tìm đường thoát thân. Để chuộc lại con trai, Bảy Viễn cố gắng thương lượng với Ngô Đình Nhu về việc bàn giao tiền bạc gửi trong các Ngân hàng nhưng bất thành nên Lê Paul bị giam giữ đến tháng 4 năm 1956 thị bị tử hình. Phần lớn dư luận ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 cho rằng kho tàng Bảy Viễn sau năm 1955 đã bị các tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tẩu tán một phần, phần còn lại giao cho chính quyền Nam Việt Nam, nhưng sau này nhờ vào các bài báo và bài viết của một vài Ký giả và Luật sư nên cũng có dư luận cho rằng tất cả số kho báu ấy đã được quân đội Việt Nam Cộng hòa tường trình và bàn giao minh bạch cho chính phủ, sang năm 1956 thì Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định sử dụng số kho báu ấy (Bao gồm vàng và tiền mặt) để xây dựng và thành lập Cô nhi viện Quốc gia. 

Theo một nguồn khả tín, cố nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan lúc nhỏ từng là con nuôi Bảy Viễn. Vào những năm đầu thập niên 1950, danh ca Cô Năm Cần Thơ trong làng cổ nhạc Nam Bộ từng được Thiếu tướng Lê Văn Viễn cho mở quán rượu ca cổ nhạc tên “Quán Họa Mi” trong khuôn viên hý trường Đại Thế Giới ở Chợ Lớn. Cố nghệ sĩ cải lương Ba Xây (Người gốc Hoa) cũng từng là thông dịch viên tiếng Hoa cho Bảy Viễn (Có thể Bảy Viễn chỉ biết tiếng Triều Châu và chút ít tiếng Quảng Đông, nên cần có thông dịch viên kề cận khi giao hảo với các đại phú gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn, hay từ Hồng Kông mới đến)

Nguồn gốc của từ “Cù Lao”

“Cù lao” là một khái niệm địa lý dùng để chỉ phần đất nổi lên ở giữa sông, rất quen thuộc với người dân vùng sông nước. Vậy từ này...

Chuyện về nghề thầy bói ở Sài Gòn trước 1975

Trước năm 1975 đội ngũ thầy bói hành nghề ở Sài Gòn rất đông đảo. Từ thầy bói gốc me, góc chợ, lăng, miếu, đình, chùa, khách sạn… cho tới...

Sài Gòn và Giai Cấp trong xã hội năm xưa

Nguồn gốc danh từ Saigon phát sanh khi người Pháp đặt chân lên mảnh đất miền Nam Việt Nam, được phiên âm theo tiếng Quảng Đông đọc là SICUNG, tiếng...

Gánh xiếc đầu tiên của xứ Nam Kỳ

Nhìn lại lịch sử của ngành xiếc Việt Nam, có thể thấy gánh xiếc Cirque Jeune Annam (Tân Nam Việt) của ông Andre Thận ở Sa Đéc là một trong...

8 điển tích nổi tiếng trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa

Tam Quốc Diễn Nghĩa được đánh giá là tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Trung Quốc. Khi được học về tác phẩm này chúng ta thường hình dung...

Hò bài thai – thú chơi đầu xuân của người Huế xưa

Hò bài thai thường được chơi trong các phiên chợ Tết ngày trước ở Huế. Đây là cuộc chơi dựa theo những lá bài của bộ bài tới. Bộ bài...

“Đồi thông hai mộ” ở Hồ Than Thở – Hồ Sương Mai và 2 câu chuyện tình bất diệt

Ngày nay, khi đưa du khách đến Đà Lạt tham quan danh thắng Đồi Thông Hai Mộ bên hồ Than Thở, thì các hướng dẫn viên du lịch sẽ kể...

Tại sao cảnh sát nước ngoài thường chạm vào phía sau xe ô tô của người bị yêu cầu dừng lại?

Một video lan truyền trên TikTok đã cho thấy rất nhiều cảnh sát nước ngoài luôn đặt tay vào phía sau xe ô tô của người được yêu cầu dừng...

Nguồn gốc câu thành ngữ “Diệp Công hiếu long”

“Tam sao thất bản”, điều này đặc biệt đúng đối với câu thành ngữ “Diệp Công hiếu long”. Ngày nay, “Diệp Công hiếu long” là một câu thành ngữ dùng...

Chuyện về Công tử Bạc Liêu – Kỳ 6 – Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn Bắt bồ báo giới là khôn trật đời Giới báo chí trước đây đã có cảm tình với các đại điền chủ...

Lịch sử kinh rạch ở Sài Gòn – Chợ Lớn và nỗi lo úng ngập

Sài Gòn ban đầu là tên gọi khu đất thuộc Quận 5 hiện nay.Năm 1778, quân Tây Sơn lấy cớ người Hoa trợ giúp cho Nguyễn Ánh nên đã tàn...

Trương Phúc Giáo và sự mở tỉnh Hà Tiên vào năm 1811

Về lịch sử lỵ sở Hà Tiên, ta có nhiều chi tiết nên chú ý. Trước hết miền Hà Tiên là miền Chân Lạp, tức là Cao Miên bây giờ....

Exit mobile version