Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Đốt Vàng Mã Tại Hoa Kỳ

Đám lưu dân Việt hầu như ở khắp địa cầu đã tỏ ra có một cá tính mạnh: đó là đặc tính cưu mang “quê hương” trong lòng thuộc bất kỳ lãnh vực nào. Đối thủ cạnh tranh với họ trên đặc tính này, phải nói là đám Hoa Kiều. Nói chí tình, trong thành phần lưu dân Việt cũng đã có một tỉ số không nhỏ là dân Việt gốc Hoa.

Hai chữ ”Quê Hương” đã hàm chứa thói ăn, nết ở và những góc kín tâm tư văn hóa. Nói đến ăn thì là phở, chả giò, bì cuốn, rau rấp cá, rau răm, trái khổ qua, lá mơ lông thậm chí cho đến dầu cà cuống, mắm cá Châu Đốc, nước mắm Phú Quốc, … toàn là những thứ lạ lẫm đã vắng bóng tại Hoa kỳ cách đây ngoài 30 năm. Còn về thói ở, nơi “không khí Việt“ là những khoảnh vườn ”quê hương bỏ túi” trồng lỉnh kỉnh xô bồ đủ loại rau thơm, cách chọn hướng cửa và bầy biện nội thất theo phong thủy cho đến cái nết lè phè tới trễ cùng cái trịnh trọng của những lời giới thiệu rổn rảng qua máy phóng thanh hay cảnh hai họ lũ lượt đi ”chào bàn” trong những tiệc cưới…

Cuối tuần vừa rồi, đầy ắp trong đầu với bao nhiêu kiến thức tư liệu về cổ tục Cúng Rằm Tháng Bảy, tôi đi vào một siêu thị Á Đông ở Houston. Thu hút sự chú ý trước hết là ở gian hàng gần cửa vào, bầy bán một rừng tượng! Ta thấy vài bức tượng Chúa Giê-su và Đức Mẹ bằng gỗ hay plastic đứng khắc khổ cô đơn trong một đám đông chen chúc với những tượng Phật Thích Ca, Quan Âm bằng sành sứ chạy chỉ thiếp vàng lòe lọet, tượng Di Lặc bụng phệ cười toe toét, tượng Quan Công cầm thanh long đao, tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ, Ông Địa râu quớt, tượng Tài Thần Triệu Huyền Đàn cầm xâu tiền chào đón, tượng Lý Thiết Quài chống nạng v.v… Những tượng này có thể là những tượng thờ hay để bày biện trang hoàng nội thất bên cạnh những lộc bình sứ Giang Tây. Gian hàng tượng này đã tiêu biểu bộ mặt phiến diện về niềm tín ngưỡng của khách hàng đi chợ với một thiểu số theo Thiên Chúa và đa số theo Phật (nói chung là Phật giáo nhưng thực sự đã pha trộn khá nhiều Đạo giáo với sự tin tưởng những phiếm thần linh tinh liên quan mật thiết đến sự khấn cầu bình an và phúc lợi).

Nhưng lý thú hơn, xin mời bạn theo tôi quá bộ vào một góc tương đối khuất mắt nhất trong siêu thị: Đây mới chính là nơi hé lộ cho ta về những góc kín tín ngưỡng ly kỳ còn rơi rớt trong đầu óc của đám lưu dân Việt. Dưới tấm bảng lớn treo ở trần nhà kẻ những chữ “Bàn Thờ, Nhang đèn, Đồ cúng”, mắt chúng ta bị lóa bởi một bàn rộng bày la liệt những món phụng tự như đỉnh trầm, chân đèn mạ vàng. Ta thấy ở đây cũng có một hai trang thờ Phật theo Tiểu thừa có hình rồng vàng uốn khúc lấp lánh nhập cảnh từ Thái Lan để bán cho lưu dân Lèo và Căm bốt. Nhưng ta cần quan sát kỹ hơn vài trang thờ sơn đỏ chót lấm tấm tráng kim buôn từ Hương Cảng qua cho lưu dân Việt gốc Hoa thờ những giòng chữ Hán sau:

Thổ Long sinh bạch ngọc
Ngũ phương Ngũ Thổ Long thần
Tiền hậu Địa Chủ Tài Thần
Địa khả xuất hoàng kim
(Rồng Đất sinh Ngọc trắng,
Năm hướng tọa Năm Rồng,
Trước sau Thổ Thần Của
Đất đẻ lắm hoàng kim!)

[Bàn thờ này là một đặc thù tín ngưỡng dân gian của dân Trung Hoa với những vị phiếm thần của Đạo giáo như Thổ Địa, Thổ Công, Tài Thần… Người Tàu quan niệm là vàng bạc kim khí chứa trong lòng đất như cách viết chữ Kim phải gồm chữ Thổ bên trong. Do đó, tục thờ Thổ Địa Long Thần rất phổ biến nên hầu như tất cả tiệm buôn Việt cũng Hoa trên toàn thế giới đều dọn bàn thờ này ở lối vào cửa chính. Đồ cúng có thể rất đơn sơ với nải chuối, trái táo vào ngày thường hay thịnh soạn vào ngày Vía Thần. Những tiệm uốn tóc và tiệm Neo, tiệm ăn, tiệm Phở Việt, cho bàn thờ Thổ này là điều không thể thiếu được dù rằng có khách Mỹ, Mễ ra vô]

Về nhang hương, theo ngày xưa thì kể nhiều loại: nhưng ở Mỹ chúng ta chỉ thấy có nhang nén, nhang vòng gói trong những bao bì tươm tất. Một điểm đặc biệt là chúng ta thấy có bán loại ”Nhang không khói” giá không rẻ $4.99/ một bao, để đáp ứng với nhu cầu cúng vái ở Mỹ vì thắp nhang trong nhà bít bùng không ngộp thở và không bốc khói ám trần nhà! (Loại nhang không khói đề nhãn hiệu sau: Quan Âm vô yên đàn hương với câu đối chữ Hán sau: Vạn sự như ý gia gia vượng Tài nguyên quảng tiến vạn phương lai (Muôn điều thỏa mãn, nhà nhà khá Của cải dồi dào, bốn hướng vô!)

Loại nhang này tuy không khói, nhưng có cái bất tiện khác là kết thành cọng tro trắng, rớt vung vãi trên xôi chè cúng). Ngoài ra, tôi còn thấy bán những bịch tro trắng mịn dùng đề đựng trong bát để cắm nhang để nhãn hiệu Trung Sơn Linh Bạch Nha Khôi (Tro trắng ngà từ núi thiêng bên Tàu) Người Việt bên nhà thường dùng tro bếp hay dùng gạo để cắm nhang, nhưng ai cấm mấy ông Hoa thương có sáng kiến bày để hốt bạc!

Chuyện cúng vái với trang thờ và hương đăng quả chúc thì tương đối còn quen thuộc với cộng đồng Việt vì tục lệ hôn tang hay cúng giỗ ông bà khó có thể một sớm một chiều biến mất trong đám người lớn tuổi bình dân. Duy có điều sau làm tôi ngạc nhiên nhất là Tục lệ Đốt Mã và Cúng Vàng Bạc vẫn theo bước chân lưu lạc của người tỵ nạn Việt len lỏi vào vùng đất văn minh bậc nhất hoàn cầu là Mỹ quốc. Điều này biểu thị qua những món hàng còn bày bán khá nhiều trong những siêu thị Á Đông. Ánh sáng của văn minh khoa học chưa đủ mạnh để xua đuổi hình ảnh của những linh hồn quá vãng đang sống trong một thế giới siêu hình gọi là cõi Âm nhưng vẫn liên lạc mật thiết với những người đang sống trong chốn Dương gian. Vì quan niệm “Sự tử như sự sinh” và “Dương gian Âm phủ đồng nhất lý” nên hồn người chết vẫn có những nhu cầu như kẻ còn sống như tiền bạc, nhà cửa, thực phẩm v.v… Quan niệm về chữ Hiếu và ý thức Gia đình rất mạnh trong Khổng giáo, nên người ta còn sống không muốn cho ông bà cha mẹ nơi cõi siêu hình trở thành những cô hồn đói rét nên có tục cúng Thất tuần khi mới tạ thế, và đốt mã vào các ngày giỗ (tối thiểu là giỗ đầu và giỗ hết) và ngày Rằm Tháng Bảy.

Cái vụ đốt mã lớn nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là trong đám tang của Vua Khải Định băng hà vào ngày 25 tháng 11, năm 1925, người ta đã làm nguyên cả ngôi điện Kiến Trung bằng giấy thật lớn và bao nhiêu thứ ngự dụng khác như ngự liễn, long xa, tàn kiệu, v.v… để đốt theo vua. Ở Phố Hàng Mã tại Hà Nội, trong giai đoạn Cởi trói Mở cửa, đã nhiều gia đình cán bộ làm ăn phe phẩy đặt làm đủ thứ đồ mã đốt cho người chết như nhà lầu, xe hơi Dream, xe Honda, xe đạp, đồng hồ và nhất là Mỹ kim v.v…

Còn ở Hoa Kỳ, trong siêu thị HongKong ở Houston, tôi đã chụp được nhiều món đồ mã lý thú phản ảnh những món đồ thượng phẩm sang trọng hiện đại:
_ về bất động sản thì đủ loại nhà: phố trệt, phố lầu, biệt thự (Cẩn thận còn thêm Garage với xe hơi, Anh Bảy Chà gác cổng, Ả xẩm giữ trẻ)

_ về áo quần thì có sơ mi hiệu Polo kèm cà vạt lụa hoa hòe, giầy Adidas, giầy dép phụ nữ.

_ gia dụng linh tinh thì có nữ trang vòng xuyến vàng, bút máy, đồng hồ, mắt kiến và chiếc điện thọai cầm tay và quan trọng nhất là những xấp giấy Mỹ kim.

[Riêng về tờ Mỹ kim màu xanh lục, kích thước giống thực, tôi thấy ghi là tờ Hell Bank Note (Minh Thông Ngân Hàng) trị giá Ten thousand Dollars (Nhất Vạn Nguyên) có hình Diêm Vương in ở giữa. Giá tiền một xấp Mười ngàn Mỹ Kim chỉ 49 cents thôi, đừng nghĩ là rẻ, cộng chung với bao thứ hàng mã áo quần, nhà cửa khác cho mỗi kỳ cúng cũng lên đến cả trăm dollars tiền thật.]

Thành phần khách hàng còn thiết tha chuyện cúng vái hình như đa số là các bà lớn tuổi Việt chính cống cũng như Việt gốc Hoa. Phụ nữ thường sống theo tập tục cảm tính chứ không theo lý trí suy luận như phái nam nên các bà là thành trì cố thủ trong mặt trận bảo toàn cổ tục. Bên cạnh sự cúng kiếng đốt mã cho những linh hồn cha mẹ thân nhân quá vãng, các bà Việt còn khẩn cầu những thần linh khác. Họ đã “nhập cảnh” vào cảnh giới Hoa Kỳ những vị phiếm thần như Thổ Địa, Táo Quân, Thần Tài, Bà Bổn Mạng linh tinh… Chuyện này biểu hiện qua phong tục đốt giấy vàng bạc đang bày bán trên kệ hàng của siêu thị Á Đông mà tôi ghi chép như sau:

1) Giấy Ngũ sắc (Xanh, Đỏ, Vàng, Đen, Trắng) tượng trưng cho những thần linh theo Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa , Thổ) quảng phiếm bàng bạc trong bốn phương tám hướng của đất trời. Người đốt giấy Ngũ sắc tin tuởng rằng những thần linh vũ trụ sẽ đóng vai trò của những “Quí Nhân Chỉ dẫn”,”Quí nhân đắc lực”, ”Quí nhân phù trì” như những chữ Hán ghi chép trên đó.

2) Cúng Thần Tài người ta cũng đốt giấy tương tực với giấy Ngũ sắc gọi là Thất Thái sắc chỉ (Giấy 7 màu)

3) Giấy cúng Thổ địa Cửa (Bái môn khẩu thần) với câu chữ Hán khấn cầu là Quả thị niên cao đa phúc đức, Duy tòng tâm chính tập trình tường, đại ý là: Thành quả, sống lâu nhiều phúc đức; Gìn giữ lòng ngay gặp vận may.

4) Giấy cúng Bách giải để cúng cầu tai qua nạn khỏi với giòng chữ Thiên giải tứ phúc trình tường (Cầu Trời giải trừ tai ách và ban sự tốt lành)

5) Giấy Bái tống Táo Quân: cúng đưa ông Táo

6) Giấy Bái Đại Tuế: Cúng vào năm tuổi khỏi tai ương với lời cầu: Thần linh tì hữu, Phật quang phổ chiếu (Thần linh phù hộ, ánh Phật chiếu soi)

7) Giấy Áo Bà Bổn Mạng cầu cho sung túc tháng ngày (Nhật Nguyệt Phong), đặc biệt trong bịch áo cúng Bà có vẽ hình xe hơi, TV, máy speaker, cell phone, đồng hồ, dollars…

8) Giấy Cúng Tổ tiên với câu: Ưu chất sản phẩm phụng mục ân Tổ công Tông đức / Trực tài quí liệu tồn tâm vi Tử hiếu Tôn hiền. (Cúng thượng phẩm biết ơn công đức Tổ Tông, Tiêu bạc vàng tỏ lòng hiếu hiền con cháu)

9) Giấy cúng Quan Công với câu ca tụng là Trung Nghĩa vô dư địa, Xuân Thu bất lão thiên (Trung Nghĩa dư đầy khắp chốn, Danh thơm vang dậy ngàn thu)

10) Giấy cúng Phật Quan Âm

11) Giấy Vãng Sanh

12) Giấy Cúng Giao Thừa

13) Giấy cúng ngoài trời

Tất cả những mặt hàng kể trên đều ghi rõ là từ Hương Cảng hay Product of The People s Republic of China! Tục đốt mã phát xuất tự bên Tàu, ngày xưa vua chúa dùng lụa và ngọc để cúng tế. Đến đời nhà Đường, vua thấy phí phạn mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào. Đến đời Ngũ Đại lại chế thêm ra áo và mũ giấy mã để cúng quỉ thần. Ngày Rằm Trung Nguyên theo sách Phật là ngày xá tội vong nhân, nghĩa là những hồn ma dưới âm phủ được tha tội một ngày như sự tích Vu Lan Bồn, nên nhiều nhà đã mua vàng bạc cùng đốt mã và làm chay cho linh hồn gia tiên vào ngày này. Dân Việt ta chịu sự Bắc thuộc trong cả ngàn năm, nên đã tiêm nhiễm sâu đậm bao nhiêu tập tục văn hóa của Trung Hoa, mãi đến bây giờ là đầu thế kỷ 21, tuy lưu vong nơi đất khách vẫn chưa gột rửa hết. Vạn nhất nếu có sự thay đổi thì chỉ cải biên về hình thức, ví dụ như thay vì đốt giấy tiền, giấy vàng, giấy bạc thì nay đốt Hell Bank Dollars, ngày xưa đốt mã ngựa xe, tế nhuyễn thì nay đốt xe hơi, TV, đồng hồ, cell phone, bút máy… Còn về mặt tinh thần, chuyện cúng cấp cho những vong linh vẫn dai dẳng ấp ủ trong những góc kín tâm tư còn nặng nề dĩ vãng, không biết đến thế hệ nào mới chấm dứt đây.

Phan Thanh Giản – Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Kỳ

1. Vùng đất Lục tỉnh (Nam Kỳ) được chính thức khai khẩn kể từ khi chúa Nguyễn sai Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược...

Giấc mơ nước Mỹ – Hàng rào hoa

Năm 1620, con tàu Mayflower từ cảng Plymouth nước Anh băng ngang Đại Tây Dương cập bến mới, tức nước Mỹ bây giờ. Tàu chở 102 người đi tìm tự...

Những bức ảnh hiếm hoi về Sài Gòn năm 1972

Chợ Phú Nhuận, hội quán Quảng Triệu, tượng đài An Dương Vương… là những địa danh xuất hiện trong loạt ảnh Sài Gòn năm 1972 của cựu binh Mỹ Dick...

Tem phiếu thời bao cấp – còn chút gì để nhớ

‘Phiếu thực phẩm’, ‘Tem vải’, ‘Phiếu bồi dưỡng người đẻ’… là kỷ niệm khó quên về thời bao cấp, thời mà nhiều mặt hàng thiết yếu của cuộc sống được...

Những ngộ nhận về Áo Dài Việt Xưa & Nay

Họa sĩ Cát Tường có phải là cha đẻ ra chiếc áo dài hiện đại? Năm 2006, sau khi đọc trong Thế Kỷ 21 (số 201 & 202) loạt bài...

Ghi thực về đại lễ Nam Giao

Ngày 9 tháng Hai theo lịch An Nam, ký giả nhận ủy thác vào kinh đô Huế kính xem đại lễ tế Giao cùng chủ bút Phạm [Quỳnh] nên đã...

Chuyện hồn ma phá án – Chạy đâu thoát khỏi số Trời?

Kẻ sát nhân đã cao chạy xa bay, cứ ngỡ “trời không biết, quỷ không hay”, nào ngờ chạy đâu cũng không thoát khỏi số trời. Vào thời nhà Đường...

Ảnh cổ Việt Nam và tư liệu – Phần 15

Những bức ảnh Việt Nam xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời quý vị cùng xem....

Lăng mộ đại điền chủ Hàm Huỳnh Kỳ

Lăng mộ đại điền chủ Hàm Huỳnh Kỳ là một công trình kiến trúc độc đáo hội tụ bản sắc văn hóa của cả 4 dân tộc hiện diện ở...

Hình hài của quảng cáo Việt Nam trước 1975

Hãy cùng ngược dòng thời gian và tìm hiểu trước năm 1975, hình hài của quảng cáo Việt Nam trông ra sao. Thời kỳ Pháp thuộc (1884 – 1945) Dưới...

Gọi là bánh hay là mứt đều được !

Nói đến bánh mứt Huế là nói đến cả kho tàng văn hóa ẩm thực ở đất Cố đô. Có quá nhiều loại bánh mứt được chế biến từ bàn...

Tội phạm ấu dâm xưa bị xử như thế nào?

Gần đây, dư luận không khỏi bức xúc trước những vụ hiếp dâm đi đến giết người và nạn xâm hại tình dục trẻ nhỏ (ngày nay gọi là nạn...

Exit mobile version