Hiệu buôn
Vào hiệu buôn, dù gặp chủ hay người bán hàng quen, chúng ta cũng không nên nói chuyện quá lâu vì làm ngăn trở việc buôn bán của họ, nhất là vào những ‘giờ cao điểm’. Nếu cần nói chuyện, chúng ta nên tới nhà hay vào lúc vắng khách thì hơn.
Mặc dù mua hàng của họ chúng ta vẫn phải trả tiền, nhưng chúng ta cũng nên nhã nhặn nói lời cảm ơn khi nhận món hàng người bán trao cho.
Trường hợp người vất vả tìm món đồ cho chúng ta mà rốt cuộc lại không có, chúng ta nên nhã nhặn nói với họ : tôi làm phiền ông (phiền bà, phiền cô) quá.
Nếu món hàng quá đắt, không vừa túi tiền chúng ta định mua, nên khéo léo xin lỗi : tôi không định mua với giá đó.
Nếu là người bán hàng, chúng ta nên lịch sự, giữ nụ cười trên môi chiều khách hàng, vì khách hàng là…thượng đế. Sẵn sàng giúp đỡ, tìm hàng cho khách mà không tỏ vẻ kiêu kỳ hay chán nản. Không nóng nảy, cau có, trái lại cần bình tĩnh dù trong lúc có rất đông khách. Nên tránh kiểu nói thách quá giá, vì làm cho khách hàng phải bận tâm trả lên trả xuống.
Tiệm Ăn
Nên từ tốn đợi người hầu bàn chỉ cho chúng ta, tuy nhiên chúng ta cũng có quyền chọn một bàn trống chúng ta thích. Nếu thiếu ghế, nên báo cho người hầu bàn họ đưa ghế lại, chứ đừng tự tiện đi nhắc ghế ở một bàn khác.
Nếu chúng ta mời một người bạn đi ăn, thì nên nhường cho họ chọn món ăn. Nếu người đó từ chối, chúng ta mới đứng ra chọn thức ăn.
Nếu mời một người ăn, trong lúc trả tiền, nên đến quầy trả một cách kín đáo để khác khỏi bận tâm vì món tiền chúng ta bỏ ra để tết đãi họ. Dù có bị tính bằng giá ‘cắt cổ’, cũng nên giữ thái độ thản nhiên, đừng tỏ ra bất mãn khó chịu.
Tiền ‘boa’ hay tiền phụ trội cho người hầu bàn, ở Việt Nam chưa có qui định nào cả. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể cho một số tiền nhỏ bằng cách đưa trực tiếp cho họ hoặc để lại trên bàn ăn lúc ra về.
Rạp Hát
Khi mua vé, nên tôn trọng quyền ưu tiên của người đến trước, chứ đừng chen lấn.
Khi vào rạp, nếu phải đi qua người khác để vào ghế của mình, chúng ta hơi cúi người và nếu chẳng may sơ ý làm phiền họ, thì phải xin lỗi.
Gặp những đoạn hay, chúng ta có thể vỗ tay cổ võ, không nên huýt sáo, la hét vì đó là những cử chỉ thiếu lịch sự.
Không được ghếch chân lên ghế người ngồi phía trước, vừa khó coi lại vừa bất lịch sự.
Tránh việc phê bình to tiếng ,vì chưa chắc quan điểm nghệ thuật của chúng ta đã đúng và phù hợp với quan điểm của người khác.
Lúc ra về, nên đi thong thả, đừng hối hả chen lấn người khác.
Tóm Lược
– Hiệu Buôn
Là người mua, chúng ta không nên nói chuyện quá lâu trong cửa tiệm. Cám ơn khi nhận hàng. Khi người bán vất vả tìm hàng mà không có, chúng ta nên nói : phiền (ông, bà, cô…) quá. Khi hàng quá mắc, không hợp túi tiền, chúng ta nên nói : xin lỗi, tối không định mua với giá ấy.
Là người bán, chúng ta nên niềm nở, giữ nụ cười trên môi, không nóng nảy, cau có, trái lại sẵn sàng giúp đỡ, tìm hàng cho khách. Không nên nói thách với giá quá cao.
– Tiệm Ăn
Khi vào tiệm ăn, nên đợi người hầu chỉ bàn, nhưng chúng ta cũng có thể chọn một bàn trống. Nếu thiếu ghế nên bảo người hầu đưa lại, chứ đừng tự tiện nhắc ghế ở một bàn khác.
Khi mời một người khác đi ăn, nên để cho họ chọn món ăn. Lúc trả tiền, nên trả một cách kín đáo ở quầy để người khách khoải nghĩ ngợi.
– Rạp Hát
Khi mua vé phải ưu tiên cho người đến trước.
Khi vào rạp, lúc đi qua người khác, nên cúi mình một chút, nếu sơ ý làm phiền họ thì phải xin lỗi.
Gặp những chỗ hay, có thể vỗ tay tán thưởng nhưng không huýt sáo, la hét và ghếch chân lên ghế trên.
Khi ra về nên thong thả và đừng chen lấn.