Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Tây Du Ký và 4 bài học về thói khoe khoang kiêu ngạo

Trương Triều thời nhà Thanh từng viết trong “U Mộng Ảnh” rằng Tây Du Ký là một cuốn ngộ thư, một cuốn kỳ thư. Bề ngoài là kể về hành trình Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, gặp đủ loại yêu ma quỷ quái, nhưng biểu hiện của từng nhân vật trong các sự kiện lại diễn giải một cách thú vị về kiếp nhân sinh. Mỗi nhân vật, từng kiếp nạn trong cuốn sách này đều bao hàm trí huệ xử thế. Chẳng hạn có 4 bài học về thói khoe khoang kiêu ngạo như sau.

(Tranh minh họa qua Sohu.com)

Không khoe khoang tiền bạc

Trên chặng đường đi qua thiền viện Quan Âm, Đường Tăng được Kim Trì trưởng lão khoản đãi. Kim Trì trưởng lão thấy dung mạo của Đường Tăng bất phàm, lại đến từ đại quốc, nên cho rằng Đường Tăng chắc chắn mang theo bảo vật kỳ lạ bên mình.

Đường Tăng rất đỗi khiêm nhường, chưa nói tới việc có bảo vật hay không, dẫu có thực, ắt cũng không mang ra khoe mẽ.

Nhưng Tôn Ngộ Không thì khác, “con khỉ” không chỉ thích khoe khoang mà còn rất hay ngứa ngáy, sinh sự. Thấy Kim Trì trưởng lão cao ngạo khoe “bộ sưu tập” áo cà sa, trong tâm Ngộ Không bất giác nổi giận, xúi giục Đường Tăng mang áo cà sa mà Phật Tổ ban tặng ra. Đường Tăng nghe vậy, vội lắc đầu nói: “Đồ đệ, chớ so tiền tài với người khác. Ta và ngươi thân cô ở bên ngoài, chỉ e sẽ phạm sai lầm.”

Đường Tăng khuyên can, nhưng Ngộ Không không đồng tình, chỉ nghĩ đến chuyện mang áo cà sa đến trước mặt Kim Trì trưởng lão khoe khoang mà thôi. Kết quả khiến lòng tham của Kim Trì trưởng lão trỗi dậy, tìm cách hãm hại, nhằm tước đoạt báu vật. Thậm chí cuối cùng việc này còn chiêu mời yêu quái gấu đen, vô tình sinh ra rất nhiều phiền toái.

Trong “Tăng Quảng Hiền Văn” có câu: “Người chẳng rời khỏi đồ vật, tiền tài chẳng lộ ra ngoài”.

Khoe khoang tiền tài, ngoài việc khơi dậy sự đố kỵ và oán hận của người khác ra, chẳng có ích chi. Một tâm hồn giàu có không cần khoa trương, khoe mẽ.

Trong “Thế Thuyết Tân Ngữ” kể rằng:

Thạch Sùng, người thời Tây Tấn, sinh thời rất thích “khoe giàu”. Một lần nọ, Thạch Sùng và quốc cữu Vương Khải đọ giàu với nhau. Vương Khải lệnh cho người hầu dùng nước đường rửa nồi, rửa bát. Thạch Dùng lại sai nô bộc đốt nến thay củi nấu cơm. Nhà Vương Khải dùng đất sét vàng sơn tường, nhà Thạch Sùng lại dùng hoa tiêu sơn tường…

Thạch Sùng giàu có hơn người, thường cao hơn Vương Khải một bậc. Dẫu ông ta giành thắng lợi trong việc“khoe giàu” này, nhưng lại bị để mắt đến. Sau này, Triệu Vương Tư Mã Luân lên nắm quyền. Tôn Tú, thân tín của nhà vua thèm khát gia sản của Thạch Sùng, bèn vu cho Thạch Sùng tội mưu phản. Cuối cùng, toàn bộ gia tài của Thạch Sùng bị tịch thu, cả nhà đều bị xử trảm, rơi vào cảnh bi thảm tiền tài và mạng người đều mất.

Vì để thỏa mãn hư vinh nhất thời, khoe khoang, tự cho mình là giàu có, chính là sự vô tri lớn nhất. Khoe mẽ tiền tài, chẳng thể giành được niềm tôn kính thật sự của người khác, chỉ có thể bộc lộ sự cằn cỗi về tinh thần mà thôi.

Không khoe khoang tài năng

Tôn Ngộ Không chăm chỉ cần mẫn từ lúc theo học Tổ sư Bồ Đề. Rất mau chóng, Ngộ Không đã học được cân đẩu vân và 72 phép biến hóa.

Một lần nọ, các sư huynh sư đệ xúi giục Ngộ Không triển hiện thần thông trước mặt mọi người. Ngộ Không vốn là kẻ hiếu sự, lại được các sư huynh, sư đệ xúi giục, bèn cưỡi mây cưỡi gió, thiên biến vạn hóa trước mặt mọi người.

Sau khi tổ sư Bồ Đề biết chuyện, đã trách mắng Ngộ Không rằng: “Con khỉ này, ngươi khoe khoang bản sự gì vậy? Nếu ngươi thấy người khác có, chẳng lẽ lại không đòi hỏi họ? Người khác thấy ngươi có, ắt sẽ cầu xin. Nếu ngươi sợ gặp họa thì sẽ phải truyền cho y. Nếu không truyền cho y, ắt sẽ gặp họa, thì tính mệnh của ngươi sao có thể bảo toàn?”

Bị sư phụ quở trách, Ngộ Không liên tục xin lỗi, nhưng lại nhớ trước quên sau. Sau này, khi đại náo thiên cung, Tôn Ngộ Không lại khoe khoang tài năng của mình. Không ngờ cuối cùng con khỉ lại hại chính mình, bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn.

Trong “Thái Căn Đàm” có câu: “Chim ưng đứng như đang ngủ, hổ đi như đang ốm, lại là thủ đoạn chúng vồ mồi, cắn xé con mồi. Cho nên người quân tử thông minh sẽ không để lộ tài năng, tài hoa không tỏ rõ, mới có sức mạnh vô song.”

Kẻ mạnh chân chính xưa nay không hề hiển lộ tài năng, họ chỉ âm thầm tích lũy sức mạnh. Một người dẫu ưu tú hơn người, cũng phải biết thức thời, khiêm tốn.

Thời Chiến Quốc, Tần Vũ Vương dũng mãnh hơn người, hùng tâm tráng chí, là một nhân vật văn võ khiêm toàn. Dưới sự thống trị của ông, nước Tần liên minh với nước Tấn, chế áp nước Sở, công phá nước Hàn, bình định nước Thục, quốc lực dâng cao. Nhưng một vị vua anh minh như vậy, lại mất mạng chỉ vì khoe khoang tài năng.

Một lần nọ, Tần Vũ Vương cùng Mãnh Thuyết, vệ sĩ của mình thi nâng đỉnh tại Chu Vương Cung thành Lạc Dương. Vì muốn thể hiện sức mạnh của bản thân, Tần Vũ Vương không nghe lời can gián, không để tâm đến sức chịu đựng của mình mà nâng đỉnh. Kết quả ông mệt tới mức hai mắt chảy máu, xương cốt, kinh lạc đứt gẫy, đến tối thì tắt thở mà chết. Năm đó, ông mới 23 tuổi, cũng là độ tuổi tài năng nở rộ, tiền đồ thênh thang.

“Chu Dịch” có lời rằng: “Quân tử tàng khí ư thân, ti thời nhi động”, nghĩa là người quân tử ẩn tàng tài năng trác việt, chờ thời mà động.

Năng lực hơn người cố nhiên là điều đáng tự hào. Nhưng nếu khoe mẽ không tiết chế, ắt sẽ tự chuốc lấy họa diệt vong. Không vạch trần sở đoản của người, chẳng khoe khoang sở trường của mình. Khi bạn khoe mẽ tài năng trước mặt người khác, cũng chính là lúc nhân phẩm đã bị hạ thấp.

Không khoe khoang trí tuệ

Trên đường thỉnh kinh, Sa Ngộ Tĩnh để lại cho chúng ta ấn tượng về một người ít nói, thật thà, chất phác. Nhưng thực tế, tâm tư của ông rất nhanh nhậy, am hiểu nhân tình thế thái. Chỉ là Ngộ Tĩnh không bao giờ khoe khoang sự thông minh của bản thân.

Trong hồi “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, khi Đường Tăng trừng phạt Tôn Ngộ Không, Sa Ngộ Tĩnh không hề hé răng, nói nửa lời cầu xin. Khi Ngộ Không bị đuổi đi, ông cũng không một lời níu giữ. Suốt quá trình đó, mọi chuyện như thể chẳng liên quan đến mình. Sau này khi khiêu khích yêu quái Hoàng Bào, Sa Ngộ Tĩnh bị bắt. Trư Bát Giới bất lực, đành mặt dày tới thỉnh cầu Tôn Ngộ Không.

Khi Tôn Ngộ Không chất vấn Sa Ngộ Tĩnh vì sao không cầu xin sư phụ giúp mình, Sa Ngộ Tĩnh không nhiều lời biện giải, chỉ điềm đạm nói vài từ: “Quân tử không truy cứu chuyện cũ”. Chỉ một câu nói ngắn ngủi vừa có thể khiến Tôn Ngộ Không nguôi giận, vừa thể hiện ra sự hổ thẹn của bản thân, vậy là mâu thuẫn giữa 2 người lập tức tiêu tan.

Chính vì Sa Ngộ Tĩnh không khoe khoang, nên rất được Đường Tăng yêu mến và tín nhiệm.

“Thái Căn Đàm” có câu: “Khôn khéo giả như ngu dốt, thông minh giả như đần độn, thanh cao giả như ô trọc, muốn tiến thì phải thoái.”

Người thông minh rất giỏi ẩn mình. Nếu một người luôn thể hiện sự khôn ngoan, cuối cùng ắt chẳng thể làm nên đại sự.

Vậy nên mới nói “Đại trí nhược ngu”, bậc đại trí ngu ngơ như kẻ ngốc, có đại tài mà như vụng về, dốt nát. Người thông minh luôn thức thời, biết giả như kẻ hồ đồ.

Không khoe khoang công trạng

Khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, 10 vạn thiên binh cũng không cản nổi. Sau này Quan Thế Âm Bồ Tát tiến cử Nhị Lang Thần với Ngọc Hoàng. Nhị Lang Thần không phụ sự kỳ vọng của mọi người, đã bắt được Tôn Ngộ Không nhờ sự giúp sức của Thái Thượng Lão Quân.

Khi Ngọc Hoàng hạ chiếu ban thưởng, Nhị Lang Thần lại không có chút cậy công mà cao ngạo. Ngược lại, ông nói đó là nhờ Quan Âm Bồ Tát cùng Thái Thượng Lão Quân, lại chia phần thưởng của mình cho các thuộc hạ. Sau khi hành lễ với Ngọc Hoàng, Nhị Lang Thần quay về Quán Giang Khẩu ẩn cư.

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Có nạn mình gánh trước, có công nhượng người hưởng, đây mới là cái gốc của sự nghiệp.” Có công lao phải học cách chia sẻ, có khó khăn phải là người đầu tiên đứng ra giải quyết.

Người có tầng thứ càng thấp, càng không chịu buông bỏ chút lợi ích cá nhân. Người có tầng thứ càng cao, lại càng muốn phó xuất và san sẻ. Kết quả người biết chia sẻ thường là người đắc được nhiều hơn.

“Lão Tử” có câu: “Sinh nhi bất hữu, công thành nhi bất cư”, phó xuất nỗ lực mà không tự khen, có công lao mà chẳng kiêu ngạo. Đây mới là phẩm chất cần có của mỗi người. Công lao cái thế chẳng thể chống chọi hai chữ “kiêu căng”, trí tuệ tuyệt đỉnh, chẳng nằm ngoài hai chữ “ẩn tàng”. Có thành tựu mà không khoe khoang, có công lao lại nguyện san sẻ, người như vậy ắt có tiền đồ thênh thang.

Quỷ Cốc Tử nói: “Đạo của bậc thánh nhân, nằm ở tàng và ẩn”. Tổ sư Bồ Đề cũng từng cảnh báo Ngộ Không rằng: “Thành danh nhờ những ngày khốn khó, bại sự đa phần bởi khi đắc ý”. Con người sống trên đời, hư vinh là cái ác minh hiển, khiêm nhường mới là cái thiện ẩn tàng.

Khoe khoang quá mức chẳng qua chỉ là biểu hiện của sự trống rỗng, chỉ khi ẩn tàng không khoe khoang mới có thể bền lâu.

Lịch sử Tây Ninh qua góc nhìn sử liệu

Kể từ khi địa danh Tây Ninh chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp phủ vào năm 1836, đến nay Tây Ninh vừa tròn 180 tuổi. Bến xe...

Vũ Nghĩa Chi – Từ cậu bé cõng em học lỏm trở thành vị trạng nguyên trung nghĩa

Đây là một vị trạng nguyên trung nghĩa, là trung thần tử tiết của nhà Lê. Tên tuổi và danh tiếng của ông đã được người đời truyền tụng, và...

Lột trần Việt ngữ – Kỳ 9/25 – Về loại từ Cái và Con

Khi học ngôn ngữ của các dân tộc gốc Mã Lai, chúng tôi có nhận thấy một điều Kỳ dị này là trừ ngôn ngữ Việt Nam ra, còn thì...

Nguồn gốc du nhập cây cà phê vào Việt Nam

Cây cà phê đầu tiên được người Pháp mang đến Việt Nam vào năm 1857, từ các đồn điền nhất nhì Đông Dương này, cây cà phê đã có những...

Muốn học sinh có nhân cách tốt, cần bỏ đánh giá hạnh kiểm

Ở Việt Nam có một nghịch lý thú vị. Suốt 12 năm học và 4 năm đại học nhà trường, giáo viên luôn chú ý, chăm sóc tận tình chuyện...

Có một Hà Nội trầm lặng và cô đọng…

Có ai đó nói rằng, Hà Nội bây giờ xô bồ, ồn ào và náo nhiệt quá. Nhưng có lẽ, còn một Hà Nội rất khác, trầm lắng, cô đọng,...

Nghề làm hương ở Bắc Kỳ xưa

Thắp hương là một phong tục đẹp được lưu truyền từ bao đời nay. Hương được thắp nhiều vào dịp Tết và những dịp quan trọng khác như lễ động...

Tảo tần có nghĩa là gì?

Thực ra, câu thành ngữ chính xác phải là "buôn tảo bán tần" (Hoặc "buôn tần bán tảo").  Ca dao xưa có câu: "Cô Hai buôn tảo bán tần Cô...

Phong thuỷ – Phần 1/10 – Phương pháp hoá giải một số “bệnh” phong thuỷ nhà ở

Các yếu tố ảnh hưởng sức khoẻ Trước hết khi chọn mua một căn nhà, người ta thường chú ý sức gió mà ngôi nhà mình định mua như thế...

Thất Phúc Thần – 7 vị thần may mắn của Nhật Bản

Nhật Bản có nhiều vị thần ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân nước này, trong đó có Thất phúc thần tượng trưng cho sự may mắn...

Trương Vĩnh Ký – Người giữ lửa cho tiếng nói Nam Kỳ

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt và đi vào lòng dân chúng nhiều nhứt trong số hàng trăm tác phẩm của nhà văn nầy....

Sơ lược về chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn

Theo lịch sử, triều Nguyễn có 9 đời chúa và 13 đời vua. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là vị chúa Nguyễn đầu tiên đặt nền móng cho vương triều Nguyễn...

Exit mobile version