Sau hàng chục thế kỷ bị Tàu đô hộ, dân Việt luôn giữ được độc lập tự cường nhờ đã tin cẩn chắc chắn ở ý chí kiên dũng của mình và cũng nhờ tin tưởng lạc quan ở thần thánh đã ban phúc độ trì. Người Việt thờ thần thiên nhiên, linh khí núi sông, anh hùng truyền thuyết. Thói thường đến độ Tết nhất thì mọi nhà lau dọn bàn thờ, cúng bái tổ tiên, nhớ ơn ông bà đồng thời cảm ơn Trời Phật đã phù hộ gia đình. Một phần lớn còn đi đến chùa chiền đình miểu cầu tài, cầu lộc, cầu nguyện sức khỏe bình an. Đồng thời với đời sống kinh tế mở mang, tình hình kinh doanh thúc dục, nhiều người còn đi lễ với một niềm tin để “vay vốn tạ diễn” xem chùa miếu như là một nhà băng, có vay, có trả, không mất mát gì !
Một phần do ảnh hưởng Phật giáo, Lão giáo, một phẩn ngay trong bản chất tín ngưỡng đồng bóng dân gian, các vị thần được thờ chủ yếu là các thần nữ. Đối với người Việt, Phật Bà Quan Âm là vị thần thân mật, sâu kín, gần gũi nhất và cũng là vị được tôn trọng hơn ai hết, tương đương với Thiên Hậu Nương Nương của người Hoa. Thứ đến là các Thánh Mẫu, Liễu Hạnh, Thiên Hậu, Linh Sơn (Bà Đen), Thiên Y A Na (Ponagar), Lâm Cung (Đạo Mẫu),… các Bà Chúa, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Chúa Tuyết, Bà chúa Kho, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ,…Nói đến các Bà Chúa, có ba Bà điển hình ở ba miền : Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh ngoài Bắc, Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc trong Nam và Bà Chúa Ngọc ở xứ Huế miền Trung.
Trong số các địa điểm tâm linh phong phú miền Bắc, đền Bà Chúa Kho là có tiếng nhất về mặt linh thiêng hiệu nghiệm. Ở đây vay vốn không chỉ định số tiền, không trả tiền lãi, không ký giấy tờ, không có giao hẹn thời hạn phải trả. Tuy nhiên cũng có người tự nguyện vay 1,2,5,… năm, vay 1 trả 3, trả 10,…cốt yếu là phải giữ lời hứa trở lại trả nợ. Mặc dầu vậy, không phải ai cũng có thể vay mượn được. Điều kiện là người kinh doanh phải biết sắp xếp lễ lạt, cách cúng khấn mới mong Bà Chúa rù lòng thương cho vay. Và sau nầy trong năm khi làm ăn đồi dào, khá giả thì phải trở lại dùng tiền vàng mà tạ diễn. Chuyện vay trả phải hiểu như là một nghi thức tâm linh chứ không phải có thật như trong đời sống. Không phải sắm nhiều lễ vật, mâm cao cổ đầy thì tất nhiên thành công. Điều kiện là thành tâm cúng bái, vay mượn để làm ăn chứ không nhắm mục đích làm giàu. Từ hơn một thế kỷ nay, thương nhân các vùng lân cận, xa xôi như Hà Nội, Hải Phòng, hằng năm đua nhau về khấn lễ cầu xin ở đền. Gần đây, vài cánh đồng cạnh bên được sửa sang để làm bãi đậu xe. Khi người Pháp dưới thời đô hộ, trong ý định xây một nhà máy giấy lớn bao trùm toàn bộ quả núi, muốn phá bỏ ngôi đền thì bị dân chúng địa phương quyết liệt phản dối. Còn có chuyện đáng lưu ý là trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, máy bay địch dội bom tàn phá miền Bắc, lên Đáp Câu, Cầu Phao cạnh đền, phá hoại nhiểu xóm tỉnh Bắc Ninh, cày xới tan nát núi Kho, san phẳng làng Cổ Mễ không xa. Thế mà, lạ lùng thay, không có một quả bom nào trúng vào đền mặc dầu bộ đội có đặt pháo 67 ly trên núi Kho ngay sau đền để bảo vệ Đáp Cầu.
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng núi Kho, khu Cố Mễ, thành phố Bắc Ninh. Đền thuộc một khu di tích lịch sử có giá trị gồm có đình, chùa và đền. Chùa Cổ Mễ được xây từ thế kỷ XI, được trùng tu thế kỷ XIX theo kiểu chữ T chạm trổ công phu. Trong chùa còn có ba pho tượng đá phong cách điêu khắc thời Mạc. Đình Cổ Mễ thuộc kiểu chữ nhật, năm gian, hai vì, thờ những anh hùng Trương Hống, Trương Hát dưới trướng Triệu Quang Phục thế kỷ VII. Ngay sau đền, một đường hầm lùi vào chân núi, xuyên qua lòng núi, dẫn ra phía sông Cầu tức sông Như Nguyệt, đến một cửa hầm che kín khó phát hiện.Theo các bô lão, đường hầm đầu tiên do bà Chúa xây dựng. Cửa hầm trên bờ sông là một bến cảng tập trung và điều động binh bị, quân chủng ra các địa điểm lân cận, một căn cứ bí mật lợi thế, dễ thủ khó công. Cũng như núi Dinh, Thị Cầu, núi Kho là một vị trí chiến lược đặc sắc kiểm soát con đường nối liền Lạng Sơn qua Sông Cầu với Thăng Long. Những nhà bình chú chiến tranh có thể tưởng tượng quân nhà Lý bí mật từ bến cảng sang bên kia sông Cầu tập kích quân Tàu rồi xuôi dòng rút lui về Thị Cầu. Địa thế còn thuận lợi hơn khi thấy trước đền có một đầm nước rộng, có thể dùng thuyển nhẹ vào tận chân núi hoặc chèo qua hồ Thủy (nay bị bồi lấp) để về thành cổ Bắc Ninh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi đóng quân của đoàn cầu phà quân đội nên giả thuyết thủy binh nhà Lý đã đóng đồn ở đây rất có sức thuyết phục.
Bà Chúa Kho tuy xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quá Cảm trong vùng lại có nhan sắc hơn người. Tương truyền bà được tuyển vào cung triều Lý, có người tin bà làm hoàng hậu, nhưng bà sớm xin về làng khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp. Khi triều đình huy động nhân dân vào cuộc kháng chiến chống quân Tống dưới quyền lãnh đạo của thái úy Đại Viêt Lý Thường Kiệt, người đã nói Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của nó, bà ra tay tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông coi kho lương thực đặt tại núi Kho trước và sau cuộc chiến thắng Như Nguyệt. Trong lúc đang làm việc từ thiện phát lương cứu đỡ dân làng, bà bị giặc giết ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc có chiếu phong bà là Phúc Thần. Người dân nhớ ơn lập đền thờ ngay địa điểm kho lương thực ghi công ơn bà đã chăm lo ấm no cho dân. Cảm kích lòng bao dung, triều đình ghi nhận công lao của bà, ra sắc phong đền thờ là “Chủ khổ linh từ” tức là Đền thiêng thờ bà Chúa Kho. Tuy nhiên, một số các nhà nghiên cúu công bố các công trình khào cổ, khẳng định, không giống như các đền Hà Nội, Hà Tĩnh, Nam Định, đền Bà Chúa kho ở Bắc Ninh không thờ một thần mẫu trông nom kho lương thực của triều đình. Người ta cũng không biết rõ tên tuổi của bà. Dù sao, một phần vì chiến tranh, một phần do phong trào bài trừ tín ngưỡng dân gian nên như nhiều chùa miếu khác, đền Bà Chúa Kho bị bỏ quên đổ nát cho đến cuối thế kỷ XVIII mới được trùng tu nhỏ gọn bên cánh tả chùa Tiên sơn. Ngày nay, đền, chùa đều gồm có sân, hậu cung, hai dải vũ, tòa tiền tế, …tạo thành một tổng thể thống nhất, uy nghi.
Những năm gần đây thấy như du khách mất dần phép tắc ở chùa, miếu, tôn trọng nơi lễ bái, cúng thờ. Ở đền Bà Chúa Kho tôi được dự kiến cảnh xô đẩy, dậm chân để mang vào bàn thờ lễ vật, mâm cổ. Không có chút trật tự xếp hàng ra vào. Tôi còn nhớ những năm đầu Cách Mạng, nhiều tấm bích chương có hình vẽ đẹp đề cao lề lối nầy thường tình bên phương trời Tây, hơn một nửa thế kỷ sau sự đâu còn đấy, thấy như văn minh không có một bước tiến dù nhỏ. Nhiểu bản thông cáo cảnh báo du khách đừng thuê người khấn thuê, thấy ra những người nầy còn len lòi, chen chúc, ồn ào hơn du khách. Đồ lễ bái không có luật lệ nhất định nhưng du khách thường cần biết phân biệt bàn thờ Thánh Mẫu, Cô Cậu, Thành Hoàng, Thư Điền đề dâng cúng đồ lễ chay (phẩm, oản, trà, hương,…) hay đồ lễ mặn (thịt gà, thịt lợn, chả giò,…), đồ lễ trang sức (lược, gương,…trong túi đẹp, xinh), nhưng phài tránh đồ lễ sống (trứng, muối, gạo, chanh, ớt,… cũng như lươn, ốc, cua,…). Về cách hạ lễ thì khi dâng, khấn xong du khách nên nhường chỗ ít nhất một tuần nhang rồi mới trở lại thêm một tuần nhang khác. Sau đó, du khách vái trước mỗi bàn thờ rồi mới hạ sớ đem ra nơi hóa vàng. Xong, du khách tiếp tục hạ lễ, từ bàn ngoài đến bàn trong nhưng phài để lại những đồ lễ như gương, lược, … Đền chùa là nơi thờ tự linh thiêng thì du khách phải ăn mặc tươm tất, không lòe loẹt màu sắc, không áo dài tha thướt dễ vướng víu, có khi bốc cháy, phải có cử chỉ nhã nhặn, hành vi lễ độ,…Và sau cùng một diểm quan trọng là coi chừng bọn móc túi dễ hành động nơi đông người chen chúc. Tôi còn nhớ hôm chúng tôi đi lễ đền, một cô bạn giáo sư chịu khó đi kèm nhà tôi để bảo vệ, rút cuộc chính cô ta bị rạch túi cầm tay, may không mất mát nhiểu. Một cậu trẻ đợi tôi len lỏi chụp hình xa các bạn hũu, bảo tôi đưa chiếc máy ảnh Canon để cậu ta chụp giùm tôi : nó khờ khạo tưởng trong đám đông chen chúc tôi khó lòng rượt bắt nó… Bọn gian lận nầy không cần cầu khấn vay trả Bà Chúa Kho vẫn tự do làm ăn khá giả !
*
* *
Đối chiếu với đền Bà Chúa Kho trọng thể miền Bắc, miếu Bà Chúa Xứ dưới chân núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang cũng là một di tích nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Công trình kiến trúc toàn thiện tôn nghiêm nầy hằng năm thu hút hàng triệu khách du lịch hành hương lại tham quan chiêm bái. Truyện xưa kể cuối thế kỷ XIX quân Xiêm thường sang quấy nhiễu, cướp bóc nước ta. Dân chúng quanh vùng mỗi lần phải bồng bế nhau chạy lên núi lánh nạn. Tương truyền có lần lên đến đỉnh núi Sam thì bọn giặc bắt gặp tượng Bà. Hì hục cậy ra, lấy giây buộc lại, chúng dùng đòn khiêng tượng xuống núi mong đem về nước. Nhưng khiêng được một đoạn thì tượng quá nặng để khiêng xa hơn. Một tên giặc tức giận đập vào cốt tượng làm gãy cánh tay trái, tức khắc bị Bà trừng phạt. Sau đó một thời gian, Bà hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, hứa sẽ phù hộ ban ân mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chống đỡ giặc cướp, bảo vệ dịch bệnh. Dân làng liền kiếm cách “thỉnh” tượng xuống núi xây miếu cúng thờ, nhưng mấy chục trai tráng ráng sức cố gắng không sao lay chuyển nổi. Khi họ vừa chịu bó tay thì một bà lên đồng cho biết chỉ cẩn 9 cô gái đồng trinh. Quả thật dân làng nghe theo lời Bà dạy, 9 cô gái kia nhẹ nhàng khiêng tượng xuống núi. Nhưng đến chân núi thì không khiêng xa hơn được nữa. Dân làng hiểu là Bà muốn an vị nơi đây nên xây dựng miếu thờ tại chỗ.
Toàn bộ tượng Bà có dáng vóc tuy không rõ ràng một người đàn ông tràn đầy sức sống, bộ ngực căng nở, chiếc bụng béo phệ. Cao chừng 1m25, tượng được tạc liền một thớt đá cùng loại với đế tượng dày chừng 10cm. Bà ngồi chân trái co lại xếp bằng, mũi bàn chân giáp chân mặt, chân mặt buông thõng chống bàn chân xuồng mặt bệ, trong loại tư thế thư thái đế vương rajalilasana. Tay trái chống nạnh, bàn tay xoải xuống mặt bệ, tay mặt thả tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối mặt. Trên cánh tay để trấn có một vòng đai giống một vòng đeo tay, trên ngực một vòng đai giống như một vòng kiềng, trước ngực một hình mảnh trăng lưỡi liểm. Ở bắp cánh tay gần bả vai sát nách có một vòng đai giống một chiếc vòng đeo tay. Ở cổ một vòng đai hình vòng kiềng, hình lưỡi liềm ngay trước ngực. Toàn thể trang phục chỉ có một chiếc khố. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán tượng được tạc vào thế kỷ VI, phong cách thần Shiva ở các nước Ấn giáo Ấn Độ, Campuchia. Năm 1989, một đoàn ngoại giao Ấn Độ đến thăm miếu Bà Chúa Xứ, rất ngạc nhiên khi được gặp tượng thần Shiva ở nơi nầy. Theo nhà văn miệt vườn Sơn Nam, tượng là của người Khơ Me để quên lâu đời trên núi Sam, người Việt đem về tô sơn, cho mặc áo lụa, đeo giây chuyển, Việt hóa thành Bà Chúa Xứ là vị thần có nhiểu quyền thế trong khu vực. Cuộc biến đổi nầy cũng thấy ở tháp Po Nagar tại Nha Trang. Tương truyền lúc ban đầu miếu xây dựng đơn sơ bằng tre gỗ, sau mới sửa lại bằng gạch hồ ô dước, mái lợp ngói âm dương. Sách xưa viết dưới triểu Minh Mạng, vào thời Thoại Ngọc Hầu trấn giữ biên giới Tây Nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Trong lúc ông đi dẹp giặc thì bà chánh thất phu nhân Châu Thị Tế thường đến cầu khấn Bà phù hộ chồng đánh thắng. Ðể tạ ơn Bà, bà phu nhân cho xây cất lại ngôi miếu thành khang trang hơn. Năm 1972, miều được xây lại, đồ sộ, lộng lẫy theo đồ án của hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng nhưng bị dở dang. Đến năm 1995, ban Quản trị lăng miếu núi Sam tiếp tục hoàn tất thành miếu ngày nay..
Sư tích Bà Chúa Xứ được huyền thoại gắn liền với huyền sử vương quốc Phù Nam. Nguồn gốc vương quốc bắt đầu từ một vị hoàng tử Ấn Độ hay Ba Tư khôi ngô tên Hỗn Điền (Kaundinia), rời bỏ hoàng thành triều nội, dẫn một đoàn cả trăm tùy tùng vượt đại dương nhắm hướng mặt trời, đạt đến miền đất lạ. Để cảm ơn đồng thời dánh dấu sự chiếm đóng mảnh đất đã đón nhận mình, hoàng tử cho khiêng tượng đá trên thuyền đặt lên bờ : nhân dân tin tưởng đó là tượng Bà Chúa Xứ sau nầy. Câu hỏi là tại sao hoàng tử đem theo một vật nặng thế nầy trong chuyến vượt đại dương xa xăm ? Tại chỗ, hoàng tử gặp một nữ vương xinh đẹp tên Liễu Điệp (Lưu Yi), tâm đầu ý hợp, cùng nàng lãng mạng kết hôn và thành lập vương quốc Phù Nam, thủ đô Lò Gò, cách xa thị xã Châu Đốc ngày nay khoảng 30km về phía tây nam. Phù Nam trở thành vương quốc cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á, phát triển rực rỡ trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ III đến thế kỷ VI. Chú tâm mua bán, bành trướng lãnh thổ nhưng coi nhẹ sản xuất, vương quốc rơi vào tình trạng chia rẻ, phân tán quyền lực để sau 13 đời vua, yếu dần và suy vong vào thế kỷ VII. Về pho tượng, có giả thuyết cho là một sản phẩm Phù Nam. Nhà khảo cố học người Pháp Louis Malleret, trong thời gian khai quật ở gò Óc Eo (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) trong những năm 1942-1944, phát hiện cùng với các bạn đồng nghiệp Việt ở đất Phù Nam một nền văn hóa cổ Óc Eo rực rỡ phát triển giữa những thế kỷ I và VII (**). Ông đánh giá ngôi tượng bằng sa thạch giá trị nghệ thuật cao, thuộc loại nam thần trong tư thề nghỉ ngơi, vương giả.
Thế nhưng, vào khoảng thập niên 1980, các nhà địa chất học cho biết không tìm ra sa thạch ỡ vùng Bảy Núi (Thất Sơn) cũng như ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vậy là tượng không phải chạm khắc tại chỗ ! Tuy nhiên, cũng vào thời điểm ấy, các nhà khảo cổ lại phát hiện ở lưng chừng núi Sam ở cao độ 100m một bệ đá sa thạch hình vuông, mỗi cạnh 1,60m, dày 0,30m, giữa có lỗ vuông mỗi cạnh 0,34m để gắn tượng, chứng minh hiện tượng ngược lại. Một câu hỏi khác tất nhiên được đặt ra là làm sao người cổ đại không máy móc tân tiến có khả năng đưa lên núi vừa tượng vừa bệ nặng hằng tấn như vây ? Ngang đây ra đời một giả thuyết mới đưa lùi nguồn gốc pho tượng vài ngàn năm. Theo những nhà nghiên cứu địa lý, phần lớn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới được hình thành cách đây khoảng 8.000 năm. Do những biến đổi địa chất, mực nước biển đã hạ xuống vào cuối thời kỳ trầm tích Pleistocen, để lộ ra vùng đồng bằng rộng lớn nằm hai bên sông Cửu Long. Cho đến cách đây khoảng 5.500, mực nước biển dâng cao làm ngập hầu hết vùng đất này. Rồi vào khoảng cách đây 5.000 năm, mực nước biển lại hạ thấp và ổn định cho tới ngày này, làm hình thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ. Chính ớ trong thời buổi nước biển lên xuống nầy (5.000 năm) mà tượng và bệ đá được ông hoàng tử Hỗn Điền hoang tưởng đem lại núi Sam : khi nước biển rút thấp tượng và bệ mới ló ra ở lưng chừng núi. Thuyết có một điểm yếu : hình tượng Phật giáo cũng như Ấn giáo phải đợi đến thời đại Gandhara đầu Công nguyên mới thành hình qua ảnh hưởng mỹ thuật Hy Lạp. Chuyện cổ tích 9 cô gái đồng trinh khiêng dễ dàng pho tượng xuống núi cũng không được nhiểu người tin. Họ giải thích là vì nặng cân không khiêng được thì chỉ có thể đẩy lăn tượng xuống dốc, tương đối ít cần năng lực hơn, nhưng cũng vì lối chuyển ít tế nhị nầy mà tượng bị gãy mất một tay !
Bố cục kiểu chữ Quốc, tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút như mũi thuyền. Trên tầng cao, các tượng thần đẹp đẽ, khỏe mạnh dang tay đỡ đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa chạm trổ tinh vi mở ra những liễn đối, hoành phi lộng lẫy, những hoa văn đậm nét nghệ thuật. Chánh điện gồm có hai phần. Tượng Bà Chúa Xứ đặt trên bệ cao ở phần sau, hai bên có hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh. Bên mặt tượng, một linga bằng đá đặt trên một hương án là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng, một yoni bằng gỗ cùng đặt trên một hương án là bàn thờ Cô. Phần ngoài là bàn thờ Hội đồng, sát hai bên có tượng chim phượng, xa hơn là hai bàn thờ Tiền hiền khai khẩn bên trái và Hậu hiền khai cơ bên mặt. Ngay lối vào chánh điện có câu đối thể hiện quyền lực thiêng liêng của Bà trong việc ban phúc, bảo vệ nhân dân. Bất chấp nguồn gốc ngôi tượng, ngày nay khách thập phương ngày càng đông. Theo số liệu của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch An Giang thì từ khoảng 1 triệu năm 1990 nay lên quá 2,5 triệu năm 2007. Số tiền hỷ cúng tại miếu mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng, đóng góp vào những dự án giao thông, trường học, trạm cấp nước cho dân làng Vĩnh Tế,… Năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được chính thức công nhận là lễ hội quốc gia. Năm 2008, lễ hội được tổ chức với tên gọi Tuần lễ quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Lễ hội chính thức khai mạc vào tối ngày 25-05 tại Trung tâm thương mại núi Sam với khoảng một vạn khách tham dự trong và ngoài nước. Nhân dịp này, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tiến hành nghi thức trao giấy xác nhận và cúp lưu niệm kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam” cho đại diện Ban quản trị lăng miếu núi Sam.
Hằng năm, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 23 đến 27-04 âm lịch. Khách đến dự lễ còn tham gia các trò vui, hát bội, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân đánh cờ,…Nghi lễ gơm có những lễ chính :
– Lễ “Tắm Bà” như tên gọi là tắm tượng hay lau rửa. Sau khi các vị bô lão đốt sáng hai ngọn nến, niệm hương, dâng rượu và trà, 9 cô gái trẻ vén màn, cởi mũ, khăn, đai, để lộ toàn thân rồi nhúng khăn vào chậu nước thơm, vắt ráo lau tượng nhiểu lần. Họ còn còn xịt nước hoa khắp tượng trước khi chọn bộ đồ mới, sạch mặc lại như cũ, tất cả trong thời gian khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đó khách tự do chiêm bái, dâng hương, xin lộc. Nước tắm được đem hòa trong hai thùng lớn phân phát cho du khách trẩy hội.
– Lễ “Thỉnh sắc” do các vị bô lão sang Sơn lăng làm lễ niệm hương rồi rước ba bài vị Thoại Ngọc Hầu, bà vợ chánh Châu Thị Tế và bà vợ thứ Trương Thị Miệt trên một chiếc kiệu sơn son thép vàng gọi là long đình. Dẫn đầu có đội múa lân và học tò cầm cờ phướn đi hầu. Còn có bài vị thứ tư mang tên Hội đồng ghi công lao các quân đã phụng sự Thoại Ngọc Hầu.
– Lễ “Túc yết” là lễ cầu xin. Trong phần đầu nghi thức cúng tế, lễ vật dâng cúng gồm có một con heo trắng, một dĩa huyêt heo kèm tho nhúm lông nhỏ, một mâm trái cây, trẩu cau, gạo muối. Sau ba hồi chiêng trống, nhạc lễ nổi lên là lúc lễ dâng hương dâng trà bắt đầu trước khi ông chánh tế đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc. Trong phần sau xây chầu, sau khi ông chánh tế cầu xin mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh,…xây chầu bắt đầu với ba hồi trống lệnh, chiêng trống rầm vang trước cuộc biểu diễn hát bội.
– Lễ “Chánh tế” tổ chức một ngày khác, nghi lễ giồng “Túc yết”.
– Lễ “Hồi sắc” là lề rước các bài vị về Sơn lăng.
Miếu Bà chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam được nhà nước xếp hạng. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng, thời đại chống giặc ngoại xâm. Và miếu Bà vẫn thật sự là điểm đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhất. Ở miểu Bà có treo hai câu liễn đối :
Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thi
Xiêm khả kính, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường.
Tạm dịch:
Xin thì được, ban thì linh, báo trong giấc mông
(Người) Xiêm sợ hãi, (Người) Hoa kính mộ, ý tứ khôn lường.
Nhà văn Sơn Nam đã từng viết “Vị trí miếu Bà bên núi Sam hội đủ sông rộng, đồi núi trập trùng, vùng biên giới…Người hành hương cảm thấy được thỏa mãn về tâm thần, hòa mình vào sơn hà xã tắc, khí thiêng sông núi”. Tuy nhiên, và là chuyện đáng buồn, ngày nay hằng năm đến ngày Vía Bà Chúa Xứ, lượng xe và người cứ tăng dần, giá xe đò lên cao, vào miểu chen lấn vất vả, cảnh quan miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc không khác gì tình trạng đền Bà Chúa Kho ngoài Bắc Ninh !
*
* *
Ở miển Trung, nữ thần của người Chăm Poh Yang Inư Nagar gọi tắt Poh Nagar (hay Po Ino Nogor) tức Bà Thiên Y A Na được Việt hóa thành Thánh Mẫu Chúa Ngọc. Ðược vừa người Chăm vừa cư dân Việt thờ phụng, nhà Nguyễn xếp Bà vào bậc thượng đẳng thần. Theo truyền thuyết, Po Nagar do bọt nước biển và ánh mây trời sinh ra ngoài biển khơi và đưa vào bến sông Yjatran (tức là Cù Giang hay sông cái Nha Trang) ở Kauthara (tức là Cù Huân). Tương tự cuộc hiện thân các vị thần quan trọng khác với đủ phép lạ, sấm trời và gió hương nổi dậy báo tin Bà giàng thế, tức thì nước trên nguồn dồn lại thành sông đổ xuống đón mừng, núi cũng nghiêng mình kính cẩn đón rước. Khi Bà bước lên bờ, cây cối cong xuống tỏ lòng thần phục, chim muông bay đến chầu hai bên đường, hoa cỏ xinh tươi nở hoa điểm hương mỗi bước chân Bà. Đến lượt Bà dùng phép cho hiện ra cung điện nguy nga, trầm hương ngập trời cùng lúa bắp đậu nếp…Một Bà cao tay như vậy ắt có nhiểu chồng. Trong số 97 ông nơi hậu cung, người có uy quyền hơn cả là Po Yan Ano. Tuy nhiều chồng, Bà chỉ có 38 cô con gái, sau đều thành thần nhưng chỉ có ba được truyền quyền phép : Po Nogar Dara, Rarai Anaih (tôn thờ ở vùng Phan Rang) và Po Bia Tikuk (vùng Phan Thiết). Riêng Bà Po Nagar thì được tôn thờ ở Nha Trang.
Tại đây, một văn bia của cụ Phan Thanh Giản đề ngày 05 tháng 5 năm Tự Đức thứ 9 (1857) Việt hóa sự tích Thiên Y A Na tóm tắt như sau. Xưa kia tại núi Đại An (nay là Đại Điền) có hai vợ chồng tiều phu già không có con, trồng rẩy dưa. Dưa thường bị hái trộm, hai ông bà rình bắt được kẻ hái là một cô gái nhỏ xinh xắn mồ côi đem về nuôi. Họ không dè cô gái là một tiên nữ giáng trần. Hôm nhớ cảnh tiên xưa, cô lấy cây đá làm thành hòn non bộ. Bị cha nuôi quở mắng, cô trốn vào một khúc gỗ kỳ nam trôi dạt đưa cô đến bờ biển Trung Hoa. Mùi hương khúc gỗ lan tỏa khắp nơi nhưng không ai nhấc lên nổi, chỉ có vị thái tử làm được và mang về cung. Đêm đến có người ẩn hiện từ khúc gỗ, Thái tử rình bắt được cô gái xinh đẹp. Cô tự xưng mình là Thiên Y A Na. Hôm sau, Thái tứ tâu với vua cha cho phép cưới nàng làm vợ. Bà sinh ra một trai và một gái đặt tên Trí và Quí. Ít lâu sau, nhớ cảnh cũ người xưa, Bà cùng hai con nhập vào khúc gỗ trở về cố quốc. Bà xây đắp mổ mả cho cha mẹ nuôi đã mất, sửa sang nhà cửa thờ cúng. Bà còn đem những gì học được ở quê chồng như phép tắc, lễ nghi ra dạy cho người dân Đại An cùng những việc cày cấy, kéo sợi, dệt vải để dân quê biết cách mưu sinh. Một thời gian sau, một con chim hạc từ trên mây cao bay xuống rước Bà và hai con về cõi tiên. Nhớ công ơn Bà, nhân dân địa phương xây tháp, tạc tượng phụng thờ. Từ khi vợ con bỏ đi, Thái tử đến Đại An tìm kiếm, sai bộ hạ tra khảo người dân ngỡ họ cố tình che dấu. Oan ức, đau đớn, dân chúng thắp hương cúng vái kêu cứu Bà. Tức khắc, một cuộc cuồng phong nối dậy, cát bay đá lượn, toàn bộ quân Thái tử bị cát vùi thây, thuyền bè bị đá ném chìm đắm…
Ở Huế, Thánh Mẫu Thiên Y A Na hóa thân thành người mẹ xứ sở trong tâm thức người dân. Bà giáng trần ở điện Hòn Chén, còn gọi điện Huệ Nam, ở thượng nguồn sông Hương, đoạn chảy qua địa phận xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vua Ðồng Khánh đã ví toàn cảnh thiên nhiên ở đây như hình thế một con sư tử đang nằm thò đầu xuống sông uống nước. Hằng năm, xuân thu nhị kỳ, vào dịp Xuân tế (tháng ba), Thu Tế (tháng bảy), “tháng bảy vía cha, tháng ba vía mẹ”, người dân khắp vùng nô nức đi dự lễ hội điện Hòn Chén, tri ân người cha sông núi. Tham gia đông nhất là những người theo tín ngưỡng hay ở trong vòng Thiên Tiên Thánh giáo. Tín ngưỡng nầy ở Huế phát xuất từ sự gắn kết của Hội Sơn Nam vói ngôi điện Huệ Nam. Hội Sơn Nam hội tụ những người dân Nam Định di cư vào Huế từ thuở tiền Nguyễn. Họ theo tín ngưỡng thờ Mẫu kết hợp với việc thờ Đạo giáo đã thoái hóa, vui mừng tiếp nhận một di tích tôn giáo độc đáo, nữ thần Po Nagar bản địa hóa thành Thiên Y A Na ở ngôi đền Ngọc Trản Sơn Tự trên núi Ngọc Trản. Có tên xưa Hương Uyển Sơn, Ngọc Trản được xem như chiếc chén ngọc vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Tương truyền vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Tên trước của Hòn Chén là Hoàn Chén có nghĩa “trả lại chén ngọc”. Sau ngày lên ngôi năm 1802, vua Gia Long tấn phong Bà là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Năm 1885, sau khi lên ngôi kế vị vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh đã cho tu sửa điện, “hạ mình” xưng đồ đệ Bà Thiên Y A Na. Theo truyền thuyết, chính Bà đã cho mẹ hoàng tử là bà Kiến Thái Vương biết trước ngày đăng quang và ngày tạ thế của vua sau ba năm. Tin tưởng ở Bà Chúa linh nghiệm, sau khi xây lại điện khang trang, vua đổi tên điện thành Huệ Nam điện (có nghĩa ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam) để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Sách Đại Nam thực lục còn chép: Khi còn ẩn náu vua thường chơi xem núi ở đây. Mỗi khi đến cầu khẩn, phần nhiều có ứng nghiệm nên nay vua phê bảo Điện Ngọc Trản thực là núi Tiên Nữ, linh sơn sáng đẹp muôn đời. Điện ấy nhờ được linh khí đắc nhất, cứu người độ đời, giúp cho phúc lợi hàng muôn, giúp dân giữ nước. Vậy cho đổi điện ấy làm Huệ Nam điện để biểu hiện ơn nước một phần trong muôn phần.
gười theo đạo Thiên Tiên Thánh giáo ở Huế thờ Tam Phủ. Theo họ, thế giới có ba cõi là Thượng thiên, Thượng ngàn và Thủy phủ. Mỗi cõi như thế do một vị Thánh Mẫu cầm đầu, đó là Mẫu Trung Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thủy Phủ. Dưới mỗi Mẫu lại có các Thánh bà hầu hạ mà người ta thường gọi là các Đức Chầu. Dưới quyền Mẫu còn có năm vị Quan Lớn từ Đệ Ngũ tới Ðệ Nhất, 10 ông Hoàng, 12 Tiên cô, các cậu Quận và những vong linh chết non (sút sảo, tảo vong) hiển linh thường được gọi là các cô Bé hay các Cậu. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn thờ cả Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Quan Công, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lẫn Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo đại vương. Không kinh điển, không luật lệ chính thức, sinh hoạt của tín đồ mang tính chất tự phát, tự túc, tự nguyện. Vài người hay vài chục người họp lại thành “phố”, kiêng cử một số thực phẩm như thịt chó, thịt trâu, bồ câu, cá chép, cứ đến mồng một, ngày 14, rằm, 30 âm lịch thì đến một am miếu nhất định cùng nhau dâng lễ, cúng cầu, hầu giá. Lễ hội của họ còn gọi Lễ Vía Mẹ nhằm vào hai dịp Xuân tế, Thu tế, đại hội hầu bóng lớn nhất ở Huế, phần quan trọng nhất là lễ rước Thánh Mẫu xuống bằng. Bằng là hai chiếc đò ghép lại với nhau, liên kết qua những tấm ván lọt nằm ngang tạo nên một mặt bằng rộng rãi. Trước bằng, bản đề tên am, tên phổ, chẳng hạn: Kim Đồng Tiên Nữ, Thiên Thai Thuỷ Cảnh, Đài Minh Cảnh, Linh Sơn Điện, Linh Dược Ðiện, Tân Ðức Ðiện, Hoằng Hoá Ðiện, Sòng Sơn Vọng Từ… Tất cả đều ngược dòng Hương để cùng tới điểm hẹn linh thiêng. Đi đầu mở đường đoàn rước là thuyền đơn của giám sát Thượng Ngàn, tiếp sau là bằng rước Mẫu Thượng Ngàn và rước Quan Thánh dẹp đường cho bằng của Thánh Mẫu và Hội đồng (Công đồng). Theo sau bằng Thánh Mẫu là bằng của Mẫu thuỷ Cung và các vị thần đi phò Thiên Ya Na. Trên đường từ Huế tới điện Hòn Chén, đoàn rước dừng lại ở chùa Thiên Mụ để cúng Mẫu. Vào dịp này, trên sông Hương xuất hiện hàng chục chiếc bằng nối đua nhau trải thành một đoàn dài phấp phới cờ xúy hoành tráng đúng là lễ hội.
Sau khi đã đến điện Huệ Nam, những tín đồ và du khách tham gia các nghi thức chính của lễ hội, quan trọng nhất là lễ rước sắc Thánh Mẫu Thiên Y A Na từ Minh Kính Đài ở điện Huệ Nam lên đình làng Hải Cát bằng đường thuỷ. Suốt đêm sau lễ rước, trên hàng chục bằng án lẫn châu án đỗ dài trước bến đình làng, các ông đồng bà cốt đồng loạt lên đồng. Đó là hình thức Hầu âm, tức hầu không có đàn hát (chầu văn) và Hầu chìm, tức chỉ ngồi nhập đồng, không được nhảy múa. Mỗi cấp bậc của giá đồng có một điệu chầu văn khác nhau. Tuy nhiên, muốn “đủ lễ”, con đồng phải thực hiện 9 giá đồng cơ bản và tùy hoàn cảnh còn phải thực hiện 12 giá đồng phụ. Ðến sáng mai đoàn rước lại rước Mẫu hồi loan trở về điện Huệ Nam. Ngoài giá trị phục vụ tín ngưỡng tâm linh, điện còn là một thắng cảnh nổi tiếng ở Huế. Đây là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian, giữa lễ hội và đồng bóng, giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan. Đây còn là nơi trang trí mỹ thuật đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ XIX. Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ ngôi đền không rộng, gồm điện thờ chính là Minh Kính Ðài nằm ở giữa, mặt hướng ra sông; bên phải là Nhà Quan Cư, Trinh Cát Viên, Chùa Thánh; bên trái là Dinh Ngũ Vị Thánh Bà, bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban, tức ông Hổ, Am Ngoại Cảnh. Minh Kính Đài là một công trình kiến trúc tiêu biểu lấy hình ảnh con phụng để trang trí. Trên các nóc nhà, hình phụng được thể hiện bằng nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo. Dưới bờ sông, cuối đường bên trái là Am Thủy Phủ. Trên mặt bằng kiến trúc ấy, còn có một số bệ thờ và am nhỏ khác nằm rải rác đó đây, như Am Cô Ngọc Lan, Am Trung Thiên…Tiếp đó là Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo. Trong Lễ hội điện Huệ Nam, Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo tọa lạc tại đường Chi Lăng, Phường Phú Hậu, Thành phố Huế, chính là địa điểm tổ chức lễ rước Thánh Mẫu xuống những chiếc bằng trên sông Hương
Việc thờ cúng Thiên Y A Na có nhiều yếu tố tương tự tục thờ Mẫu ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, có xen lẫn với hiện tượng cầu đồng, hát chầu văn…và đối với người bình dân, ít ai nghĩ đây là một vị thần có nguồn gốc Cham Pa. Hơn nữa có người tin Bà Mẹ Xứ Sở Po Nagar còn từ nữ thần Báo Tồn đạo Bà la môn Ấn Độ Uma mà ra. Trước khi được nhà Nguyễn phong vào bậc thượng đẳng thần đồng nhất Chúa Ngọc Thánh phi, Bà được người dân tôn thành Ngung Man nương là nữ thần phù hộ người đi khai hoang. Khi lập xong một ấp, người dân di cư xây dựng một ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu nên trong Nam, như ở Tiền Giang, vô số miếu đã mọc lên ở Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo… Bà Đen ở Tây Ninh, Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, Bà Chúa Ngọc nương nương, hay Bà Hồng, cô Hồng nói chung ở Nam Bộ phải chăng là sự nối tiếp Thiên Y A Na ở miền Trung. Bằng cớ là tục thờ Bà với nhị vị công tử, gọi là cậu Tài (truyền thuyết là Tri), cậu Quí (nói trại là cậu Chài, cậu Quý), so với giai thoại thì hai con Bà đều thuộc nam giới. Trong truyện dân gian, giữa người Việt và người Chăm có những điểm giống nhau về chủ đề, cấu trúc, hình tượng và ý nghĩa, mà truyện bà Thiên Y A Na là một ví dụ. Đó là kết quả của sự giao lưu, trao đổi, bồi đắp và hòa hợp văn hóa của hai dân tộc.
Ghi chú
(*) ảnh internet và chup tại chỗ : đền Bà Chúa Kho (1995), miếu Bà Chúa Xứ (1998), điện Bà Chúa Ngọc (1998), sao từ dương bản.
(**) Võ Quang Yến, Theo dõi cuộc khảo cứu văn hóa Óc Eo, Diễn Đàn Forum 29.08.2013
Đọc thêm
-Tam Kiệt, Đầu Xuân đi vay Bà Chúa Kho, ViệtBáo vn, 08.02.2006
-Lương Hàn Mai, Đền Phủ – nơi tôn thờ bà chúa Kho thời Trần, Bắc Giang, 10.05.2012
-Phương Lam, Đền Bà Chúa Kho đã giảm khấn thuê, lễ mướn, Bắc Giang, 10.3.2015
-Vohinh.tu (Hoàng Dũng), Truyền Thuyết và Huyền Thoại về Bà Chúa Xứ Châu Đốc-An Giang, 11.03.2013
-Chi Mai-Bình Nguyên, Bí ẩn tượng Bà Chúa Xứ: Tượng đàn ông hay đàn bà? VTC News 24.06.2013
– Bảo Trị, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, LongAn online, 11.06.2015
-Trần Văn Toàn, Le temple Huệ Nam à Huế, B.S.E.I. XLIV, n°3 et 4, 1969
-Phạm Đức Thành Dũng, Ðiện Hòn Chén, Trung tâm Báo tồn Cố đô Huế, 29.07.2014
-Nguyễn Văn Toàn, Thiên Tiên Thánh giáo :Tín ngưỡng độc đáo của người Huế, Đơi sống pháp luật, 10.04.2014 ; Huế : Thiên Tiên Thánh Giáo (sơ lược), Giao Blog, 23.04.2015
-Hoàng Thị Kim Trinh, Điện Hòn Chén: Lễ hội truyền thống tâm linh của người dân Huế, Trung tâm học liệu Huế