Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Căn cước

Gã xi nhan, tấp xe vào gần lề, phóng lên vỉa hè, khóa xe lại, ngồi xuống chiếc ghế nhựa con con, gọi một cốc trà đá. Những buổi tối buồn chán trong căn phòng, khi những cuốn sách không đủ sức xua đi cảm giác chán nản đang dâng lên chật kín trong lòng, gã lại lôi xe, đi một vòng loanh quanh. Đêm, đường phố vắng hơn, ánh đèn vàng vọt, nhợt nhạt như bờ môi cô gái. Đón cốc trà đá luễnh loãng từ tay bà bán hàng, luễnh loãng như lòng người giữa phố phường. Gã châm thuốc, rít mạnh một hơi, khói thuốc men theo cuống họng, chầm chậm luồn vào phổi, vào từng tế bào máu, gã thấy ấm áp hơn. Hút gần hết điếu thuốc, gã nhấp môi một ngụm nước loãng tuệch, hơi lành lạnh, hơi chan chát. Vứt tàn thuốc xuống vỉa hè, lấy chân di mạnh. Tàn thuốc bẹp dí dưới chân. Gã thở dài, nhấp thêm một ngụm.

Bên cạnh, mấy tay thanh niên choai choai ngồi nói chuyện ầm ĩ, khoe khoang đủ thứ, bàn từ chuyện chính trị, sao Hỏa tới người mẫu, hoa hậu. Gã bỏ dở cốc nước, trả tiền, đứng lên lấy xe đi tiếp. Gã không biết phải đi đâu, thành phố bé tí mà sao giờ rộng lớn thế? Gã không có bạn bè, không có người thân cũng chẳng có người tình để tìm đến khi chùn chân mỏi gối. Tất cả gia tài của gã là chính gã, một gã sứt mẻ, chuệch choạng giữa đời, không biết mình là ai, mình đi đâu, mình tìm gì. Gã là ai?

Gã từng nghĩ, gã sinh ra trên đời này với mục đích gì, những đứa trẻ sinh ra trên đời này với mục đích gì? Liệu có bao nhiêu đứa trẻ mong muốn được sinh ra? Chúng có mặt trên đời này vì ý muốn hoặc ngoài ý muốn của cha mẹ chúng. Như gã đây, gã hiện hữu ở đây do một phút lỗi lầm hay hạnh phúc thăng hoa? Gã không biết. Gã chưa bao giờ được biết nguyên do. Có đôi khi gã gán cái lý do ấy cho một đấng toàn năng vĩ đại nào đó, đại để như Chúa muốn gã có mặt ở trên đời, vậy là gã ở đây, trong hình hài méo mó, vừa rỗng không vừa đầy lèn nỗi tuyệt vọng.

Nhưng giả dụ giải quyết được vấn đề vì sao gã được sinh ra, thế mục đích, mục đích của đời gã là gì? Gã loay hoay kiếm tìm, nhưng vô vọng. Thứ duy nhất gã biết, đó là gã đang hướng đến cái chết. Cái chết có một hấp lực vô hình, hút gã về phía ấy. Gã không từ chối suy nghĩ mình sẽ chết. Nhưng gã không muốn lao ra đường, nằm giữa đường ray hay nhảy từ trên lầu cao xuống. Gã ghét sự bẩn thỉu, nhoe nhoét. Gã ước mơ một cái chết đẹp, một cái chết bừng lên như một bông hoa, rồi lụi tàn. Có khi gã khao khát, tại sao gã không được tan ra, rùng mình một cái, gã biến thành đám bọt biển, tan theo từng con sóng, hay chỉ một cái lắc mình gã biến thành đám sương mù cuốn theo cơn gió. Những sự chấm dứt mới đẹp làm sao, cái đẹp tinh khiết và tuyệt đối!

Gã khẽ rùng mình bởi tiếng quạ kêu. Thành phố sao lại có quạ? Gã ghét con vật đen thui và bẩn thỉu ấy. Có thể chỉ là ảo ảnh. Khi còn nhỏ, gã và những đứa trẻ trèo lên núi cao, khi thấy những con diều hâu bay liệng trên đầu trong buổi chiều đông se sắt lạnh và u ám, những đứa trẻ nhảy lên, hò reo và ném đá lên trời. Gã dạy chúng những bài đồng dao, để chúng hát váng lên giữa buổi trưa hè hay đêm tối, phá vỡ sự im lìm ngưng đọng của làng quê. Gã không phải thủ lĩnh, mà chỉ là một thứ gì đại loại như vậy. Vì gã không thường tham gia chơi với bọn trẻ. Gã phải làm việc. Nhưng đôi khi, gã có thể đi cùng bọn chúng, dạy chúng những trò đùa tàn ác hay những bài dồng dao loanh quanh và thường vô nghĩa.

Gã hỉnh mũi, hít căng lồng ngực một thứ hương kì lạ, thứ hương trong trẻo và thanh khiết trong đêm. Sự bí ẩn bị màn đêm giăng phủ, màu sắc, âm thanh và cả mùi hương bỗng nhòe mờ, gã không nhận rõ được, không phân biệt được. Nhưng có hề gì, mùi hương vẫn đủ cho gã thưởng thức, ánh sáng vẫn đủ soi chiếu nỗi tuyệt vọng trong lòng gã, thế là đủ.

Gã đi như thế, tới gần sáng thì về, thực ra gã không muốn, nhưng gã phải về, đi vậy là đủ rồi, một đêm không nên dài quá.

Ngày bé, gã sống cùng một người đàn bà câm, người đàn bà gã gọi là mẹ. Nhà gã nằm trên rẻo đất bạc màu, gần ngọn đồi cũng khô cằn, bạc màu y như thế, đi thêm một quãng ngắn là tới con sông nhỏ, nước sông màu vỏ hến. Trước nhà là hai cây xoài, một cây bưởi oặt èo, mỗi năm cho vài ba quả, thứ quả còi cọc, vừa chua vừa đắng. Phía sau vườn là hàng rào rau ngót, mấy luống khoai lang, vài khóm dọc mùng, giàn đậu ván.

Gã đã luôn tin người đàn bà câm ấy là mẹ của mình, người mẹ duy nhất, và gã cũng không thể thắc mắc rằng bố gã là ai. Người đàn bà câm như cái bóng nhạt nhòa, mệt mỏi. Người đàn bà chăm gã bằng tâm hồn nguội lạnh, thờ ơ.

Phải đến một đêm năm mười ba tuổi, một giấc mơ đầy thứ màu sắc sặc sỡ đan vào nhau làm gã bàng hoàng tỉnh giấc trong căn nhà cũ kĩ. Gã thấy ươn ướt, dinh dính, sờ xuống phía dưới, lần đầu tiên trong đời, gã rùng mình, mùi tanh tanh nồng nồng trong đêm đen đặc. Gã khẽ cựa mình, tính dậy thay chiếc quần khác. Nhưng đúng lúc ấy, gã thấy tiếng động loạt soạt, gã giật bắn mình, ngỡ có trộm, quên mất chiếc quần ướt át phía dưới, gã rón rén đi lại, khẽ đẩy tấm liếp ngăn gian buồng ra, he hé mắt nhìn.

Mẹ gã, người đàn bà câm đang ngồi trước ba nén hương chập chờn cháy, sụt sùi khóc, khe khẽ gọi tên một người. Gã bàng hoàng. Mẹ gã không câm. Người đàn bà ấy có thể nói. Gã nhận ra suốt mười ba năm qua, gã sống ở đây nhưng gã không thuộc về nơi đây, chưa từng dù chỉ một ngày, gã không hiểu bất cứ chuyện gì. Gã đứng đó, nhìn người đàn bà rất lâu, rồi rón rén trở lại giường nằm, mặc kệ cảm giác khó chịu nơi đũng quần. Lần đầu tiên gã tự hỏi: Gã là ai?

Sau đêm đó, gã đã trở thành người lớn, không phải chỉ vì minh chứng ướt nhờn nơi đũng quần, mà còn vì gã bỗng trở nên rất thính ngủ, chỉ một tiếng động trong đêm, một tiếng diêm quẹt thật khẽ, một tiếng nghẹn ngào nuốt vào trong cũng khiến gã thức giấc. Gã nằm trên chiếc giường kê sát cửa sổ, mùa hè gã vẫn thường mở cửa sổ cho gió đồng lùa vào, bóng cây chấp chới xa xa như đám ma hời. Gã nhìn đám bóng cây in hình kì dị, nghe từng tiếng trở mình của mẹ gã phía buồng bên. Gã tự hỏi, bố gã là ai? Mẹ gã không câm, nhưng sao mười ba năm qua chưa từng nói với gã một lời? Mà người này có thực là mẹ gã không?

Gã tìm cách giải đáp, nhưng vô vọng, mẹ gã vẫn lặng im và nhợt nhạt như một cái bóng ngày nắng yếu. Gã không biết đi đâu để tìm câu trả lời. Dần dà, gã nuốt những câu hỏi vào trong, những dấu hỏi mang hình móc câu vướng nghẹn nơi cổ họng, rứt ra từng miếng thịt, máu chảy, tanh nồng. Nhưng tất cả vẫn chẳng có gì ngoài sự lặng im. Căn nhà của gã im lìm trong những cơn gió buồn thảm thổi, trong tiếng lá cây xào xạc và văng vẳng tiếng cuốc não nùng.

Gã về nhà, tiếng cánh cửa kéo han gỉ rít lên, bên hàng xóm vẳng tới tiếng lục bục chửi thề. Gã dắt xe vào nhà, bật điện, nhìn đồng hồ, hơn ba giờ sáng. Giờ yên tĩnh nhất của thành phố này, khi mà những kẻ chơi đêm đã vãn, người buổi sáng còn chưa dậy. Gã thở dài, kéo cánh cửa đóng lại, tiếng chửi lại vẳng đâu đây.

Gã ngồi giữa căn phòng, bóng xiêu vẹo trên bức tường loang lổ cũ. Châm một điếu thuốc, hơi khói làm gã thấy dễ chịu hơn. Gã thích mùi khói. Ngày còn bé, những buổi đốt đồng, gã thích đứng nhìn cột khói tỏa lên trời, hít căng đầy cơ thể nhỏ thó thứ mùi cay cay, nồng thơm của rơm rạ, như thể hồn cốt ruộng đồng tỏa trong mùi khói ấy, thấm vào gã. Thành phố chỉ rặt một thứ khói bụi xăng dầu, nhiều khi gã thèm một mùi khói rạ khói rơm đến điên cuồng. Gã vò mấy cái lá cây đốt trong chiếc chậu nhôm nhỏ giữa phòng, lòng buồn rưng rức, khói cay mắt, cay hồn.

Gã vục mặt vào nước lạnh cho tỉnh táo hơn, cũng để xua đi mùi khói đồng quanh quất đâu đây. Rồi gã nằm vật xuống giường, nhìn vết loang như vệt máu khô trên trần nhà, từ từ chìm vào giấc ngủ.
Đêm trước ngày gã rời làng quê lên thành phố, con bé Cam thổn thức trong lòng gã, vết máu đỏ tươi rồi khô bầm trên đám lá. Gã ôm con bé, hai đứa ngồi dưới chân quả đồi trụi lơ, lặng im để sương đêm thấm ướt vai áo. Dường như có một linh cảm rất đàn bà, rất con người, con bé Cam biết rằng gã sẽ chẳng trở về tìm nó nữa. Nó cắn răng không khóc, gục đầu vào vai gã, thu lượm vẻn vẹn chút hơi ấm của người tình, không một lời hứa hẹn. Gã đi, con bé Cam đứng trong vườn nhà nó, bên gốc cây me trĩu quả. Nó nhìn gã, ánh mắt cũng trĩu trịt nỗi buồn. Từ đó đến nay gã chưa về lại nhà, chưa gặp lại người tình đầu tiên và duy nhất của gã. Đó cũng là đêm đầu tiên và duy nhất gã gần gũi với một người đàn bà.

Gã trở lại chuyến này không báo trước, cũng không rõ nguyên do, nhưng có thể chính vệt loang như vết máu bầm trên trần nhà nhắc gã trở về, có thể đúng thế, có thể không, chính gã cũng không rõ.

Gã đứng trước căn nhà tông tốc hở, đã bao lâu rồi không có hơi ấm con người trong căn nhà tồi tàn cũ nát này? Gã đẩy cánh cửa ọp ẹp đã long bản lề khép hờ ra, mọi thứ phủ bụi bỗng sáng bừng lên, cuốn gã về những năm tháng thơ ấu. Những năm tháng nỗi buồn cũng còn nhỏ như gã, chưa chật cứng trong hồn và khiến gã nghẹt thở như bây giờ. Gã chạm tay vào chiếc bàn uống nước bằng đá, chiếc giường mẹ gã – người đàn bà câm – vẫn đêm đêm ngồi khóc. Gã ngước nhìn lên bàn thờ tàn hương vun đầy, vương vãi, chân nhang xiêu vẹo tứ phương. Gã kéo tấm liếp rách nát qua một bên, bước vào căn buồng của mình, căn buồng vẻn vẹn cái giường và chiếc hòm đựng quần áo. Chiếc hòm trống không, há hoác đợi chờ. Gã mở cánh cửa sổ trước đây được sơn màu xanh giờ là màu mốc loanh lổ ra. Ngồi xuống giường, gã nhìn những bóng cây chập chờn xa gần. Bỗng như gã ngửi thấy mùi hương khói thoang thoảng đâu đây, như nghe thấy tiếng nghẹn ngào rất khẽ, tiếng gọi tên thì thầm ngay vách bên.

Gã đứng trước mộ người đàn bà câm, người đàn bà gã luôn gọi là mẹ ngày xưa. Thắp ba nén hương, khói bốc lên cay sè khóe mắt. Gã quỳ gối, thì thầm gọi tên mẹ gã, y như trước đây mẹ gã ngồi trước ba nén hương và thì thầm gọi tên một người khác. Gã muốn hỏi mẹ gã: Gã là ai? Bố gã là ai? Mẹ gã là ai? Nấm mồ im lìm dưới đám cỏ phơ phất, im lìm như bao nhiêu năm vẫn thế. Người đàn bà cả một đời lặng câm trước gã, không cách nào bước vào, không cách nào thấu hiểu. Thứ duy nhất người đàn bà để lại là dấu hỏi lặng câm móc vào tim gan gã.

Gã cần mẫn nhổ sạch đám cỏ trên mộ, thay nước trong, đào một cái hố nhỏ và trồng cạnh bên một cây xoài, thứ xoài người ta nói cho ra trái ngọt. Xoài nhà gã là giống xoài quả bé tòng teo, khi non thì vừa chua vừa chát, lúc chín rồi còn đặc một vị chua đến ghê răng. Gã thắp thêm ba nén hương, mùi hương thơm vấn vít xung quanh gã, xung quanh ngôi mộ, quanh cả mấy lá xoài vừa trồng xuống. Lần đầu tiên trong đời gã thấy gần mẹ mình đến thế. Gã dang tay ôm lấy nấm mồ, gã thầm thì: “Mẹ, con là ai?”

Đến khi bóng chiều sập xuống, buổi chiều mùa đông hanh lạnh buồn tê tái, đàn quạ trên cao bay vòng kêu oang oác gã mới đứng dậy, phủi đất trên người, cầm túi và chiếc cuốc con đã han gỉ ra về.
Đêm đó gã nằm ngủ trên chiếc giường ngày xưa, đắp trên mình chiếc áo khoác. Nhưng gã không ngủ được, gã nhìn bóng cây chập chờn ngoài cửa sổ, nhìn cánh cửa bị gió đẩy đưa kêu lên lẹt kẹt. Gã ngồi dậy, rút một điếu thuốc hút cho ấm người. Rồi như trong cơn mộng du, gã lần ra phía phòng ngoài trong bóng đêm tối đặc. Gã châm ba que hương, cắm lên bàn thờ rồi ngồi sụp xuống đất nơi ngày xưa gã từng nhìn thấy mẹ ngồi. Gã lầm rầm những câu vô nghĩa, hoặc có chăng sẽ có nghĩa với người đã chết rồi.

Gã trở dậy khi trời sáng rõ, thứ ánh sáng xanh xao và buồn tẻ của một ngày mùa đông. Lục tìm trong túi mấy chiếc bánh, chai nước, gã trệu trạo nhai, được nửa chừng gã bỏ dở, gã không muốn ăn. Giờ này Cam ở đâu? Con bé Cam gầy gò tựa vào vai gã run rẩy ngày ấy giờ ở phương trời nào? Gã nửa muốn đi tìm Cam, nửa muốn lãng quên mối tình đầu dang dở ấy.

Nhưng gã không phải mất công, con bé Cam ngày ấy đã tự tới tìm gã. Nó, giờ đây vẫn gầy gò, nhưng bàn tay đã xương xẩu chứ không còn mảnh dẻ như xưa rón rén bước vào chỗ gốc cây bưởi chua. Hôm qua, vô tình nó nhìn thấy cửa mở, thấy tiếng động, nó biết gã đã về. Sáng nay nó đi sang, tay vân vê vạt áo như cô gái quê thẹn thùng lần đầu hò hẹn cùng người yêu. Gã bước ra, nhìn nó xanh xao như hòa vào thân cây bưởi. Gã đến bên nó, cùng ngồi xuống gốc cây. Nó bứt một chiếc lá bưởi, hương bưởi thơm thơm. Nó nhìn xuống chiếc lá bị vần vò dưới mấy ngón tay, hỏi gã về bao giờ. Gã nói về hôm qua. Nó lại hỏi gã về làm gì. Gã về làm gì? Làm gì? Làm sao gã biết được gã trở về đây để làm gì. Nhưng dù sao vẫn còn một nơi để cho gã “trở về”, vẫn còn một con bé Cam nào đó rụt rè sang tìm gã.

Con bé Cam giờ đã là mẹ của ba đứa con nheo nhóc. Bố lũ trẻ đã bỏ đi đâu đó, thật xa, cái Cam dẫn đàn con về nhà mẹ đẻ, căn nhà vẹo xiêu che chở một nhúm người xơ xác và thầm lặng. Gã nhìn cái Cam, nhìn dáng ngồi se sẽ như sợ đau đám đất, nhìn nó cúi đầu, mắt dán chặt vào chiếc lá bưởi nát. Gã muốn thở dài, nhưng cái gì chặn ngang, tức nghẹn nơi lồng ngực. Tiếng trẻ con khóc văng vẳng đâu đây, cái Cam cuống lên, vội chạy về nhà. Còn mình gã ngồi dưới gốc cây bưởi vừa chua vừa đắng. Thứ đất làng này cằn khô, cây cối cằn khô, đến con người cũng khô cằn hay sao?

Buổi tối, chẳng có đèn đóm gì, gã ngồi ngoài hiên châm thuốc hút, nghe cái lạnh rít như ai nghiến răng lên cánh cửa đã bung bản lề. Gã hút hết điếu này đến điếu khác, những đốm lửa bập bùng như lân tinh giữa xóm làng vắng vẻ. Một bóng người liêu xiêu hiện ra nơi đầu ngõ, là cái Cam. Cái Cam mang cho gã một cặp lồng gồm ít cơm, ít rau dưa và mấy con cá khô nướng, dăm hạt lạc rang. Lần đầu tiên ăn cơm người tình nấu, một người tình giờ đã có ba đứa con. Gã không biết nên khen ngon hay nghẹn ngào không nuốt nổi. Nhưng dù sao gã cũng ăn hết chỗ cơm cái Cam mang sang. Nó thu dọn cặp lồng, ngồi rón rén bên bậu hiên. Nó nhìn gã hút thuốc. Gã hỏi nó đi ra bờ sông không? Nó gật.

Con sông vắng hoe, tối om, gió thổi hơi nước lên khiến cái Cam khẽ rùng mình vì lạnh. Mấy đám cây bụi ven sông lúp xúp như bóng người cúi lom khom. Gã không nắm tay, không ôm, cũng không hôn nó. Gã để nó nằm lên một bụi cỏ như nhiều năm về trước. Cái Cam ngoan ngoãn nằm xuống, tự mình cởi cúc áo, nó cắn răng, thi thoảng rên lên khe khẽ. Xong việc, gã ôm nó, nó run bần bật, dựa người vào vai gã tìm chút hơi ấm. Gã nhìn dòng sông đen ngòm như miệng con quái vật.

Rồi gã buông cái Cam ra, trần truồng, gã đứng trên bờ đê, ngước nhìn lên bầu trời, chỉ có một vì sao sắc lạnh như ánh mắt người đàn bà thầm lặng, ánh mắt không bao giờ nói với gã điều gì. Gã đưa hai tay ôm ngực, rên lên “Tôi là ai?” rồi nhảy ùm xuống dòng nước lạnh như miệng con thủy quái.

Cái Cam mặc áo, trở về nhà, lần thứ hai, và là lần cuối cùng, nó cúi gằm mặt bước đi trong đêm tối!

Việc xử phạt gian lận thi cử thời xưa

Các triều đại xưa kia thông qua khoa cử để tìm chọn nhân tài cho đất nước. Rất nhiều các bậc danh nhân hiền tài đều xuất thân từ các...

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của...

Nguồn gốc của những cây đèn đồng Đông Sơn

Đầu thế kỷ trước, nhà khảo cổ học Thụy Điển O.Janse phát hiện ra cây đèn đồng hình người ở Thanh Hóa vào năm 1935, rồi sau đó 24 năm,...

Có tu dưỡng đạo đức mới có thể bao dung, nhường nhịn

Người xưa có câu: “Hữu dung nãi đại, vô dục tắc cương” (Có lòng bao dung nên mới to lớn, không có nhiều dục vọng nên mới giữ mình cương...

Nhìn ảnh Sài Gòn xưa mà lòng rưng rưng

Không ít người nhìn những bức ảnh xưa về Sài Gòn mà rưng rưng nước mắt…​ Học sinh ăn bò bía trên đường phố Sài Gòn những năm 1950. Quyển...

Đời sống của người An Nam đầu thế kỷ 20 qua một bộ tranh thú vị

Mặc dù là một album nhỏ chỉ với 10 bức tranh nhưng với cách tiếp cận thú vị bằng hình ảnh, bộ sưu tập đã góp phần làm phong phú,...

Giang hồ Sài Gòn Xưa – Kỳ 7/10 – Ở tù chung với Điền Khắc Kim

Tôi ở tù chung với Điền Khắc Kim tại chuồng cọp khu C trại 7, Côn Đảo, một thời gian ngắn khoảng đầu đầu năm 1974. Tôi bị giam ở...

Ngày xưa thân ái

Vào mấy năm cuối Đại Học, mỗi kỳ hè tôi thường buộc mình phải đọc một tác giả, khi thì Doãn Quốc Sỹ, khi Lê Tất Điều... Hè trước năm...

Dung người được báo

Vua Trang Vương nước Sở cho các quan uống rượu. Trời đã tối, đang lúc rượu say, đèn nến bỗng bị gió tắt cả. Trong lúc ấy, có một viên...

Tô Hiến Thành – Vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng

Những người yêu lịch sử Việt Nam hẳn khó quên được chuyện Tô Hiến Thành cương quyết tiến cử người có tài năng, đức độ gánh việc nước thay mình...

Tác giả bài hát “Tháng Sáu Trời Mưa” là ai?

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm là tác giả của nhiều tình khúc bất hủ ở hải ngoại như Tháng Sáu Trời Mưa, Lời Tình Buồn, Trả Lại Thoáng Mây Bay,...

Nghịch cảnh của người thầy

Lớp học buổi tối từ bảy đến mười giờ. Người học thường là công chức, quân nhân hoặc học sinh muốn học thêm. Thành phần hỗn tạp. Trình độ cao...

Exit mobile version