1.
Sáng thứ bảy hôm đó, Thế Minh thức dậy sớm hơn những ngày đi làm. Hắn nằm yên một lúc, vài ý nghĩ vụn vặt chập chờn trong đầu, mắt dán vào chiếc radio-đồng hồ báo thức. Trong bóng tối của căn phòng chỉ có một điểm sáng nhỏ nhưng chắc chắn, là những con số của thời gian. Như mọi lần, hắn tỉnh giấc trước khi chiếc máy phát ra chương trình đài France Inter, 6 giờ 58, hai phút nhạc và tin thời tiết trước thời sự đầu ngày. Không biết có ngày nào hắn ngủ được đến tận giờ báo thức, với một giấc mơ đầy cả một đêm. Thường ngày, cái sôi sục của thời cuộc giúp hắn tìm lại nhịp sống. Hắn chờ được mời gọi bằng những tin tức quen thuộc: thanh lọc nhân chủng ở đâu đó, chiến tranh bộ lạc và thánh chiến, khủng bố và bắt giữ con tin, thiên tai bão lụt, tai nạn trên trời dưới đất, những thống kê lên xuống của nạn thất nghiệp và của thị trường chứng khoán, những vụ buôn lậu cướp của, những án mạng linh tinh… Nhưng hôm nay khác. Một ngày thứ bảy bắt đầu một tuần lễ. Hắn với tay tắt máy, không nhận âm vang của cuộc sống bên ngoài.
Thế Minh duỗi tay chân, lăn đi lăn lại, tìm cảm giác khi chỉ một mình trên chiếc giường rộng. Christine đã đi Montpellier với hai đứa con từ chiều hôm qua. Chiếc giường không còn hai địa phận riêng biệt cho hai sự hiện diện im lặng bên nhau. Không, không có gì đáng kể giữa hai vợ chồng. Chỉ giản dị, họ hiểu nhau quá rõ, không còn nhiều trao đổi. Buổi tối, khi ti-vi đã tắt và thằng Patrick con Nathalie đã lên giường, ai cũng phải ngủ sớm để lấy lại sức cho ngày hôm sau. Thỉnh thoảng, họ vẫn còn những cựa quậy trong người, hai thân thể vẫn còn biết chiều nhau. Nhưng làm gì cũng vừa vừa thôi, đừng quên tụi nhỏ ngủ phòng bên cạnh. Đời sống vợ chồng mỗi người một việc cho chuyện chung. Trăm thứ để lo cho con cái, tiền bạc làm sao tiết kiệm và đầu tư, nhà cửa phải sửa sang không ngừng, lúc nào cũng có thứ để mua để sắm… Chưa kể một vấn đề to lớn là cái tháng hè, đi xa hay đi gần, ra biển hay lên núi? Chỉ có một việc Thế Minh làm cho riêng mình, không nghĩ tới ai khác. Đó là cái thú ngồi viết truyện. Và hôm nay hắn bắt đầu một tuần lễ viết lách.
Ở Pháp, có những nhà chính trị Việt Nam xây dựng lại đất nước vào cuối tuần, và có Thế Minh làm văn chương khi vợ con vắng mặt. Hắn có một cái may. Christine dạy tiểu học, cùng ngày nghỉ với hai đứa con, gần 16 tuần một năm. Hắn làm nghề tin học trong một hãng nhỏ, không thể có hơn 5 tuần. Những khi hai vợ chồng không cùng nghỉ, Christine đưa tụi nhỏ đi xa, thường nhất là về nhà ông bà ngoại chúng ở Montpellier. Cô giáo này không thể hình dung một tuần lễ nghỉ mà không thay đổi chỗ sống. Ngừng làm việc là phải thoát ra cái thường nhật, rời căn nhà ở ngoại ô Paris, viễn du về một chân trời nào đó vừa túi tiền. Đó là khía cạnh lãng mạn của Christine. Mỗi lần như vậy, ở nhà, Thế Minh cũng ra đi, về một thế giới tưởng tượng. Nhịp độ sáng tác của hắn tùy thuộc vào lịch ngày nghỉ của vợ con.
Thế Minh bật đèn đầu giường. Sau đó là một loạt động tác thứ tự không bao giờ thay đổi. Ngày lao động, từ lúc xỏ chân vào dép đến lúc mở chiếc máy tính ở sở làm. Ngày phục vụ gia đình, từ lúc xỏ chân vào dép đến lúc cô nàng Nathalie chịu uống cho xong bát sữa. Những cử chỉ tự động, cả trăm triệu người cùng làm một mình, mỗi ngày khi bắt đầu lại cuộc sống. Một lỗ hổng trong thời gian.
Uống xong ly cà phê hắn mới ý thức được cái im lặng của ngày hôm nay. Trước hết là im lặng của cái ti-vi nhỏ trong bếp. Mọi khi vào giờ này giọng chuột giọng mèo đã oang oang khắp nhà. Không có phim hoạt họa thì hai đứa nhỏ không mở mắt, trễ giờ đi học. Ti-vi lớn và ti-vi nhỏ, hai nhân vật quan trọng trong gia đình này, những kẻ duy nhất lời nói không bao giờ bị cãi lại. Những đoạn quảng cáo thôi miên được thằng Patrick con Nathalie. Những thiên tình sử biết làm Christine lâng lâng. Chọn đài nào, băng video nào là lãnh vực tranh chấp thường trực giữa vợ con. Thế Minh chỉ được nhường vài trận đá bóng thực sự quan trọng. Mở ti-vi là hành động đầu tiên của vợ con khi về nhà. Tắt ti-vi là cái hết – The End – của một ngày.
Thế Minh kiểm điểm lại mọi thứ. Hắn là một con người có tổ chức. Đã nghĩ đến những món ăn nhanh cho cả tuần, những hộp đồ ăn làm sẵn của Fleury Michon, nhãn hiệu được xếp hạng nhất trong các tạp chí bảo vệ người tiêu thụ. Sáng tác không thể thiếu cà phê, rượu mạnh và thuốc lá. André Malraux không còn là nhà văn từ ngày, trên một con tem kỷ niệm, người ta xóa đi điếu thuốc trên môi ông. Máy tính không có vấn đề. Máy in đầy đủ giấy. Điện thoại đặt ở vị trí thu tin người gọi. Tuần lễ không có cuộc hẹn nào quan trọng. Thế Minh đã sẵn sàng. Để thoát khỏi những lo nghĩ thói quen hàng ngày, rời cái thực tế thỏa hiệp với người khác.
Hắn mở cửa sổ phòng bếp. Trời ở ngoài nhập nhằng chưa sáng hẳn. Hắn hít vào người cái lạnh lạnh của sáng sớm, nghĩ không khí vào giờ này chưa bị ô nhiễm. Những nhà hàng xóm còn im lặng. Hắn biết mọi người mắt đã thao láo từ lâu, nhưng cuối tuần ngủ dậy trễ là một hạnh phúc. Dù sao người ta cũng đã định như vậy, có khi còn là một vấn đề thể diện. Hắn đi một vòng trong nhà, bật đèn vài nơi, mở tất cả cửa sổ. Nhà hắn không lớn lắm, nhưng không thua kém bạn bè. Cũng đủ một mảnh vườn nhỏ để mùa hè nướng thịt ngoài trời tiếp khách khứa. Nhà hơi xa Paris, nhưng có người khen là không ở gần thứ dân rệp và lọ.
Trước khi đi xa, Christine luôn luôn dọn dẹp kỹ hơn mọi ngày. Nhà sạch bóng. Không còn bãi chiến trường của thằng Patrick, ngổn ngang những quái vật thời tiền sử và những vũ khí phi thuyền trước ngày tận thế. Không còn thiên nhiên của con Nathalie, nơi lăn lộn những loài thú lông xù và các cô thiếu nữ giòng họ Barbie. Đến quần áo đồ lót của Christine còn được vo viên vứt vào tủ đàng hoàng. Như vậy, người vợ đã làm đầy đủ bổn phận trước khi bỏ chồng một mình. Cũng là một nhắc nhở, cảm hứng của hắn có bừa bãi đến đâu đi nữa thì mọi sự phải trật tự ngăn nắp trở lại khi nàng về. Thế Minh thấy đúng ý mình. Sáng tác đòi hỏi một môi trường sạch sẽ. Tưởng tượng của hắn sẽ tha hồ bay bổng trong căn nhà không một hạt bụi, không một chi tiết chướng mắt.
Thế Minh có một ý muốn bất ngờ. Hắn đi lại dàn máy nhạc. Chuyện khó tin, dàn máy đã bị bỏ quên từ lâu. Cả nhiều năm, có lẽ từ lúc sinh con Nathalie 3 năm về trước. Thêm một nạn nhân của nền văn minh hình ảnh và sự tăng gia dân số trong nhà. âm nhạc không cần thiết trong cái ồn ào thường trực. âm nhạc không len lỏi vào được những đầu óc đã đầy lo nghĩ. Tay hắn hơi run khi cầm dĩa Quintette à cordes No. 2 của Brahms. Loay hoay một lúc hắn mới nhớ lại những nút bấm của dàn máy. Có gì lạ lùng hơn một cảm giác hồi hộp, gần như một lo âu. Hắn ngồi hẳn xuống đất.
Những nốt nhạc đầu tiên đến gần, hắn bình tĩnh lại, chúng vẫn vậy, trong trắng tinh nguyên, không một dấu vết thời gian, hắn mở to mắt, thấy rõ dần những giòng nhạc gọi nhau vào không gian, đuổi theo nhau, nhảy múa trong ánh sáng lờ mờ của căn phòng, tiếng vĩ cầm, tiếng alto, tiếng đại vĩ cầm, khi rộn rã một niềm vui, khi trầm lắng một thoáng buồn, nhạc có lúc thật gần, như hơi thở của ai chạm vào người, ấm áp nồng nàn, mong manh rồi lại dồn dập, nhạc có lúc bay xa, nghịch ngợm hay kiêu sa, hắn nhìn theo tiếc nuối. Thế Minh ngồi đó không biết bao lâu, những cảm xúc lẫn lộn tràn đầy cả một hư không. Không gian còn thấm mãi tiếng nhạc sau khi hắn đứng dậy tắt máy.
2.
Thế Minh viết truyện từ nhiều năm nay, nhưng không phải là một nhà văn. Thế Minh sẽ không trở thành một nhà văn. Hắn không cho ai đọc những gì mình viết, không gửi đăng các tạp chí hay báo, không tính ra sách. Như vậy làm sao có thể gọi hắn là nhà văn ? Không phải vì hắn sợ các nhà xuất bản tòa soạn từ chối những truyện của mình. Hắn không thiếu tự tin, còn nghĩ văn chương đầy rẫy những thứ tầm thường lẩm cẩm, những tiểu thuyết viết cho đủ số trang, những tác giả lấy khối lượng tác phẩm giành chỗ trong làng văn. Nhưng hắn đứng ngoài sinh hoạt sáng tác của người đồng hương. Khi viết, hắn không muốn chứng tỏ điều gì với thiên hạ, chẳng nghĩ tới ai, cũng không có gì để nói với người khác. Chuyện viết lách của hắn nằm ở chỗ khác.
Thế Minh có nói với vợ về việc làm của mình. Christine không biết tiếng Việt, không thể đọc. Nàng chỉ hỏi qua loa, tò mò vừa đủ về một sự kiện không ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Nàng hỏi ” Anh viết về gì ? ” Hắn trả lời ” Những chuyện vẩn vơ giải khuây đầu óc “. ƯØ thì có lần nàng lén lút đưa những trang giấy cho cô em hắn coi. Lần ấy, hắn mong mỏi một lời phê bình, một phản ứng nào đó. Một hôm Christine chỉ nói phớt ” Anh có đăng truyện ở đâu thì đừng để bạn bè mình biết ” Hắn hiểu vợ hơn cả chính mình, không coi đó là một lời chê trách hay cản trở. Cũng không hẳn là một sự thông cảm. Dù sao, Christine lo quá xa. Bạn bè Việt Nam của hắn không ít, nhưng đa số chỉ đọc nhiều lắm là 2 tiểu thuyết mỗi năm. Chẳng hạn, một bộ chưởng Tàu và cuốn sách đoạt giải Goncourt mới nhất, văn hóa Âu và Á như vậy đề huề.
Vẫn biết có người viết nhật ký tùy bút cất kín trong tủ. Một nhu cầu độc thoại để tìm hiểu chính mình. Nhiều khi người ta không thể làm khác, khi thấy đời mình quá hấp dẫn, cá nhân mình quá phong phú. Hắn khác. Không viết về mình, ngay cả về cái thực tế của mình. Cuộc sống của hắn, nghĩ cho cùng, đâu có gì cần ghi chép lại. Thế Minh viết những câu chuyện không có thật, của những con người do hắn tạo ra, trong một thế giới chỉ có hắn nhìn thấy.
Sáng tác là những lúc hắn cởi bỏ những bộ áo mặc thường ngày. Hắn không còn là một người chồng đầy đủ trách nhiệm và tham vọng, một người cha gương mẫu, một người con giữ hiếu, một đứa bạn biết xoay xở, một đồng nghiệp không nguy hiểm, một công dân tôn trọng trật tự xã hội. Hết những xét xử và chờ đợi của ai đó về mình. Con mắt thiên hạ không còn chi phối thái độ của hắn đối với những người khác và cuộc sống. Có thể cất đi cái hình ảnh của mình muốn đưa ra ngoài, nếu không nói đó là hình ảnh người khác đã chọn cho mình. Và những lúc đó hắn bước theo nỗi cô đơn, cái bóng liêu trai đã quyến rũ hắn ra ngoài cuộc chung sống với mọi người.
3.
Thế Minh ngồi vào bàn viết. Nắng đã làm trắng toát bức màn mỏng nơi cửa sổ. Hắn lấy ra những trang giấy của lần trước. Đọc thật kỹ, để vào lại không khí truyện đang viết, hâm nóng cảm hứng. Cần một cây viết mực để gọt dũa, chạm trổ lần cuối trước khi dùng máy tính.
Những dòng chữ từ từ theo nhau trình diện. Câu ngắn, câu dài, thẹn thò ái ngại. Coi chừng, hắn sẽ khó tính. Nhất định phải khó tính, viết không phải là chuyện đùa, không chấp nhận sự dễ dãi cẩu thả. Mặc kệ những câu chữ đã sửa đi sửa lại nhiều lần, còn phải lục lọi trong đó, tìm thêm chất văn. Thế Minh hài lòng phần nhập đoạn. Những câu mở đầu lúc nào cũng được nâng niu, chăm lo ân cần. Hắn dắt cây viết đi dọc theo những dòng chữ, bước xuống từng hàng. Lời văn có chỗ la đà trước một cảnh vật, có chỗ rùng mình vì một cảm xúc, có chỗ ấp úng trong một đối thoại. Đọc được một lúc hắn thấy một vài câu chật nhịp, quá ngắn hay dài lê thê. Cây viết bắt đầu ngứa ngáy, đòi tách rời chữ chỗ này, gom lại chữ chỗ kia. Hắn hạ một dấu chấm, xóa một dấu phẩy. Những câu văn thu vào, giãn ra. Hắn càng đọc càng chậm lại. Thứ tự một số câu cần thay đổi. Cây viết lùa cả một đàn chữ từ chỗ này qua chỗ khác. Rồi hắn bắt gặp một con từ không vừa ý. Cây viết khoanh tròn nó lại, đẩy ra khỏi hàng ngũ. Ở xa hơn, lại thấy những con từ khác cũng yếu kém như vậy. Hắn nhăn mặt. Cây viết tóm cổ cả lũ, đuổi chúng đi, thay thế chúng không thương tiếc. Nó tàn nhẫn, bội bạc. Hắn đi đi lại lại giữa đám chữ sợ sệt. Vấp phải một câu lủng củng, tối nghĩa. Cây viết xóa dài cả một xâu chữ. Lại đến những câu lai căng, con hoang của một ngoại ngữ. Bực bội cứ tăng dần. Hắn thúc dục cây viết. Nó không còn được do dự, phải chặt đến cùng, chém không nương tay. Vậy mà những câu xanh xao vàng vọt, nứt mẻ què quặt cứ hiện ra cả chùm. Cây viết cố kềm giữ cơn giận, nguệch ngoạc bên cạnh một đường mực run rẩy. Hắn chạy từ chỗ này qua chỗ khác, xô đẩy đứa này, lay chuyển đứa kia. Các hàng chữ ngả nghiêng xiêu vẹo. Một lúc sau, hắn sa lầy vào một đoạn lồi lõm, đầy gai ngạnh. Cây viết chẳng còn biết làm gì, rạch những đường hằn học trên cả đoạn văn. Nó vùng vẫy trong bất lực.
Khi hắn đứng dậy, những trang viết đã loang lổ mực. Câu chữ nhem nhuốc tội nghiệp. Mà chúng có tội tình gì về sự câm lặng của đống giấy?
4.
THẾ MINH Này cô Liên, bây giờ có chút im lặng, chúng mình ngồi trò chuyện chơi.
NÀNG. Em không phải là Liên. Em ở trong truyện Cánh đồng có quạ, anh viết đã lâu rồi. Chị Liên là truyện khác.
THẾ MINH. Ừ nhỉ… Tôi làm sao nhớ kỹ được từng nhân vật. Các cô các cậu chỉ đến không quá thời gian một câu chuyện. Rồi lại ra đi, bỏ tôi một mình.
NÀNG. Anh đừng vờ trách. Em đến em đi, tất cả tùy thuộc ở anh.
THẾ MINH. Tôi chỉ lầm tên cô. Chứ cô nói tựa, tôi nhớ lại ngay chuyện của cô. Kể cả một vài cảnh.
NÀNG. Từ hồi đó đến giờ anh đã có nhiều nhân vật nữ khác…
THẾ MINH. Nhưng tôi không quên khuôn mặt của cô. Cô đẹp không thể tưởng tượng được! Và cái thân thể gầy guộc. Ở đó tôi đã nhìn thấy tất cả mong manh của một người. Tôi còn giữ đến cả hương vị của cô.
NÀNG. Anh vẫn bệnh hoạn như hồi nào.
THẾ MINH. Cái hương vị gây mê sảng, cuốn hút người ta vào vực thẳm của khoái lạc…
NÀNG. Thôi ngừng! Yêu cầu anh xóa ngay câu vừa viết. Văn chương hạ cấp.
THẾ MINH. Những cái đẹp đó dễ nói hơn cái tính của cô. Cô bất ngờ. Khi khóc khi cười không ai đoán trước được. Ngòi bút của tôi nhiều lúc bối rối dao động. Cô phức tạp. Cô là cả một thế giới, khó hiểu cho một kẻ đứng nhìn từ ngoài như tôi.
NÀNG. Thật vậy hả anh?
THẾ MINH. Tôi hỏi cô một điều. Giữa hai chúng mình chẳng có gì để giấu giếm. Tôi muốn hỏi, trong nhân vật của cô, có gì là thật, có gì là tưởng tượng?
NÀNG. Khó nói lắm. Để em suy nghĩ một tí… Trong em không chỉ có một người anh đã thực sự gặp. Có nét của người này người kia. Thêm vào đó, hình như còn có một cái gì anh đi tìm. Biết đâu không là một chút tình người. Phải cám ơn anh, em khá hài lòng về em.
THẾ MINH. Không có chi. Chắc lúc đó tôi yêu đời nên dễ dãi.
NÀNG. Chỉ có một vấn đề. Trong truyện của anh, em hơi… không biết phải nói sao… em không tự cho mình là thế này thế nọ nhưng… có cảm tưởng không chừng có lúc em hơi buông thả quá đáng.
THẾ MINH. Cái đoạn cô thèm muốn thân thể người đàn ông ở gần?
NÀNG. Ai kể cho anh biết?!
THẾ MINH. Thì chính tôi viết mà…
NÀNG. Việc gì anh phải nói chuyện đó? Bộ anh phải cần cái dâm dục để câu độc giả?
THẾ MINH. Tôi không có độc giả. Tôi chỉ để cái tưởng tượng nó dẫn đi. Biết làm gì được khi nó lại đưa tôi đến gần sự thật về một người.
NÀNG. Con gái đàng hoàng, đàn bà bình thường không ai như vậy.
THẾ MINH.Nghĩ lại, thằng đàn ông đó có gì mà cô yêu đến thế? Tôi đã tả rõ. Nó không đẹp trai, ăn nói cộc lốc, địa vị xã hội cũng chẳng ra gì. Cô thật nhẹ dạ.
NÀNG. Không có anh thì làm sao có chuyện. Anh sắp đặt mọi thứ, cho nhân vật này gặp nhân vật kia. Vả lại, tình yêu không bao giờ là một chọn lựa. Dù sao đi nữa, những nhân vật của anh đều tầm thường như vậy. Không ai đáng phục, không ai đáng khinh. Người nào cũng có những tham lam, yếu hèn, ích kỷ, nhỏ nhen. Anh tương đối hóa những đức tính của họ. Thiện ác cứ lẫn lộn trong cùng một người. Anh bắt em sống một cuộc đời không biết có hạnh phúc hay không.
THẾ MINH. Tội nghiệp cho cô. Nhưng tài nghệ tôi giới hạn. Phải là nhà văn lớn mới tạo ra được một trần gian khá hơn, dễ sống hơn. Mới biết đào sâu qua các lớp vỏ tự thủ của cá nhân, đến được tận cùng cái đẹp của con người. Tác phẩm lúc đó đạt được sự thanh khiết của không tưởng. Những nhà văn xoàng như tôi phải bám víu vào hiện thực.
NÀNG. Văn chương phải làm cho cuộc sống đẹp lên, con người tốt hơn.
THẾ MINH. Người ta không bao giờ bàn cãi xong về trách nhiệm, vai trò xã hội của nhà văn. Càng nghe tôi càng rối trí, càng sợ hiểu sai. Đã có thời văn chương nhận được cả một sứ mệnh lịch sử vĩ đại: làm lại con người. Thời đó nhà văn có ba chọn lựa. Họ có thể làm kẻ giác ngộ, văn chương leo trèo trên những đỉnh cao của trí tuệ, sáng như bài giảng đạo, lôi cuốn như tờ truyền đơn. Họ có thể viết để đừng không viết, văn chương mờ ảo hư thực, ý tưởng đi ẩn núp để lại những trang giấy đầy im lặng. Và họ có thể ngừng viết, ý thức hệ không thể thiếu sót đến độ cần sự sáng tạo của nhà văn.
NÀNG. Cái gì anh cũng kéo về chuyện chính trị!
Im lặng.
THẾ MINH. Này, cô thử nhìn, không biết bây giờ là ban ngày hay ban đêm?
NÀNG. Yên tĩnh quá anh nhỉ. Lời nói chúng mình trở thành trơ trụi.
THẾ MINH. Tôi muốn được ngồi thật lâu với cô. Tôi có nhiều thì giờ lắm, đủ để nghe từng lời nói của cô.
Im lặng.
NÀNG. Anh, anh có biết em đang nghĩ gì không?
THẾ MINH. Cô nhìn bàu trời đăm đăm. Chắc cô đang muốn thay đổi màu trời.
NÀNG. Em nghĩ về một cuộc du hành. Du hành của một người đàn ông kỳ lạ.
THẾ MINH. Anh ta dẫn vợ con đi du lịch quê hương của mình.
NÀNG. Không, người đàn ông ấy chỉ có một mình. Hắn đi tìm một cái gì không ai biết. Thiên hạ đặt đầy nghi vấn về hắn.
THẾ MINH. Truyện trinh thám hay truyện gián điệp quốc tế?
NÀNG. Chuyện về một sự tìm kiếm. Một hành trình dài. Hắn đi rất nhiều, khắp nơi. Vào các thành phố, ra các cánh đồng, lên đồi lên núi, về đồng bằng, xuống thung lũng. Hắn đi qua những mùa mưa gió, đi đến những mùa nắng khô. Bước chân khi vội vàng hấp tấp, khi chậm chạp uể oải. Nhiều lúc mệt mỏi chán chường, nhưng ngừng nghỉ không lâu lại có gì đẩy đi tiếp.
THẾ MINH. Có lẽ hắn không biết dùng thì giờ để làm gì, lang thang không mục đích.
NÀNG. Lúc đầu người ta tưởng vậy. Nhưng rồi thấy hắn đi đến nơi nào cũng hỏi han đủ điều. Gặp ai cũng đặt những câu hỏi không đâu vào đâu. Những thắc mắc vô ích về những chuyện mông lung trên trời. Những thắc mắc ngây thơ về những điều đương nhiên đối với mọi người. Hắn còn thích ngồi lê đầu đường xó chợ nghe lỏm chuyện thiên hạ. Tai vểnh to để bắt cho bằng được những lời đồn đại to nhỏ, những tâm sự kín mở của người khác.
THẾ MINH. Rõ ràng người đàn ông này có một mưu đồ giấu kín.
NÀNG. Dĩ nhiên có người nghi hắn đi tìm của, toan tính một cách làm giàu. Ai cũng để ý thấy mắt hắn có những lúc sáng lên cái tham lam của kẻ đi tìm vàng, dò kiếm một kho tàng châu báu ở đâu đó.
THẾ MINH. Thời buổi này, với mạng lưới các xa lộ thông tin, của cải vật chất nằm ở đâu ai cũng biết. Mà đâu còn gì dư thừa cho một cá nhân lẻ loi. Hơn nữa, những kẻ tìm vàng ngày nay không còn đi xa, ngồi nhà chơi sổ số đánh lô-tô hiệu quả hơn nhiều.
NÀNG. Đúng thế. Nên nhiều kẻ khác cho là hắn đi kiếm một người. Vậy mà chẳng nghe hắn hỏi han về ai, nhắc tới tên người nào.
THẾ MINH. Tôi nghĩ anh chàng này đi tìm một người yêu. Nếu anh ta độc thân thì chỉ là một trai già đi lùng vợ.
NÀNG. Trên đường, hắn có gặp một vài người đàn bà. Phụ nữ thường tưởng tượng đủ thứ về một người đàn ông lãng tử. Và có ít nhiều ý muốn mang anh ta ra phủi bụi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi có những cô vừa đẹp vừa sang muốn giữ chân hắn lại, sẵn sàng làm cho hắn một tổ ấm để đậu. Hắn không chê, không coi thường. Hắn cũng biết cho tình cảm như ai, không ít hơn mọi người. Nhưng chỉ được một thời gian. Sau đó hắn lại từ giã, nói mình sẽ không quên, rồi lên đường không mang theo những giọt nước mắt.
THẾ MINH. Nếu vậy thì hắn đi tìm một sư phụ hay một thượng đế đội lốt người.
NÀNG. Những nhà phân tâm học còn nghĩ đến một người mẹ hay một người cha.
THẾ MINH. Hắn là con rơi?
NÀNG. Cha và mẹ ở đây là những biểu tượng, những khái niệm. Chứ hắn đầy đủ bố mẹ, không sinh ra trong một bắp rau cải.
THẾ MINH.. Chắc chắn gã đàn ông này thiếu tình thương. Tình thương của một người không đủ, nghĩa là gã đòi hỏi sự chú ý mến phục của một đám đông, một quần chúng. Danh vọng! Đó là cái hắn theo đuổi.
NÀNG. Theo em, ai muốn nổi tiếng trước hết phải tìm đến những chỗ đông người. Những nơi có sự hiện diện của các lãnh tụ, chính khách, minh tinh. Các dịp dạ tiệc đại hội, các khu chợ, nhà ga, bến xe đò. Hắn ngược lại, tránh xa những chốn tưng bừng náo nhiệt, chỉ chọn những quán hàng vắng
khách, những góc ngõ hẻo lánh. Người có tham vọng phải biết trình bày mình sao cho hấp dẫn, bán mình sao cho hơn hẳn mọi đối phương. Hắn thì không bao giờ chịu kể gì về mình. Đến ngày nào mới đạt được danh vọng nếu cứ khép kín, man dại như hắn?
THẾ MINH. Không ai đi tìm cô đơn. Thế thì còn gì nữa để tìm kiếm? Khó chịu thật! Tại sao không ai hỏi cho đến cùng? Phải bày mưu kế để hắn khai ra chứ!
NÀNG. Người ta đã tốn biết bao nhiêu là hũ rượu đồ nhậu cho hắn, chờ một vài lời tâm sự. Nào là nếp thang, đế, ngũ gia bì, rượu trộn máu rắn, rượu ngâm thằn lằn. Nào là thịt chó, thịt chuột đồng, óc khỉ, dái dê. Ăn uống no nê xong hắn chỉ nhe răng ra cười. Sự thật vẫn tối mù. Có lẽ chỉ có một
người hiểu hắn được một phần nào. Một nhà hiền triết cuộc đời đã bạc phơ, chuyên về những câu hỏi không có trả lời. Ông lão có lần ngồi trú mưa với hắn cả một buổi chiều, dưới gốc cây đa ở một cổng làng. Họ bận nhìn mưa, chỉ trao đổi với nhau vài câu vô nghĩa. Khi hắn ra đi, ông lão lẩm bẩm “ Không hiểu còn lại gì cho cái cậu này, nếu một ngày cuộc tìm kiếm của cậu ta chấm dứt. ” Đúng là gặp gỡ của hai ông gàn!
Im lặng.
THẾ MINH. Người đàn ông tự cho mình là ai mà kiêu ngạo đến thế?
NÀNG. Hắn tự nhận là nhà văn. May thay, không phải nhà văn nào cũng như hắn.
Kìa, cô có nghe thấy gì không, có, nhưng còn xa, em không nghe rõ, hình như là tiếng người, họ đi về phía mình, cô nói đúng, em nghĩ là nhiều người, bây giờ họ gần rồi, sao cứ nhao nhao lên, mạnh ai nấy nói, vậy còn ai nghe, cô có hiểu họ bàn về gì không, không, còn anh, cũng không, hả, anh nói gì, cô nói lớn lên, khiếp ồn ào quá anh ạ, hét chứ không phải nói, cái gì, hả, điếc cả tai mất thôi…
Tháng 6 năm 1997