Xin nhắc rằng trong lúc đang in quyển sử của chúng tôi thì có tin giấy sắp lên giá, nên hai biện pháp được thi hành ngay:
I) Xén bớt, để in cho xong trước khi giá giấy nhảy vọt.
II) In sách quá dày sẽ bán không được, phải làm cho nó mỏng lại.
Thành thử về chủ trương Việt = Rìu, chúng tôi chỉ chừa lại có hai cái hình, chữ Việt đời Thương, đối chiếu với cái rìu Quốc Oai.
Sách nầy là sách ngôn ngữ thì chứng tích ngôn ngữ bị loại ra khỏi quyển sử, được cho nằm vào đây thật là phải chỗ.
Có thể nói là hầu hết đồng bào Thượng đều gọi cái rìu là cái Việt. Còn tại sao riêng Việt Nam lại sáng tác ra tiếng Rìu thì chúng ta sẽ thử giải thích.
Xin nhắc rằng trong quyển sử, chúng tôi chủ trương rằng danh xưng Việt không phải là danh tự xưng. Ta tự xưng là Lai, bị Tàu phiên âm sai là Lạc.
Việt chỉ là danh xưng mà Tàu đặt ra để gọi ta vì ta có một loại vũ khí rất độc đáo. Đó là cái rìu mà ta gọi là cái việt.
Bạn Nguyễn Mạnh Côn phê bình chúng tôi, cho rằng chúng tôi chỉ suy luận mà không có chứng minh gì hết.
Có chứ. Sao lại không có chứng minh. Và riêng về trường hợp Việt = Rìu chúng tôi đã đưa ra hai cái hình, chữ việt nguyên thủy và cái rìu Quốc Oai. Tuy ít, nhưng vẫn có. Nhưng ở các điểm sử lớn, như về tiền sử học và đối chiếu sọ thì có nhiều.
Và đây là chứng minh bằng ngôn ngữ:
Khách trọ, nhơn chứng là người Mường, gọi ta là dân
YIT: Mường
Cái rìu = YÊIK: Núp, Kâyông
Cái rìu = VÊIK: XI Tiêng
Cái rìu = YƠS: Mạ
Cái rìu = VOK: Mạ (phụ chi)
Cái rìu = VOK: Sơ Đăng
Quan Thoại gọi ta là = YUE
Thế thì vào đời nhà Thương, danh từ VIỆT của chủng ta là một cái gì hơi giống giống với bảy danh từ trên đây, không còn nghi ngờ gì nữa cả, nên đời Thương mới viết chữ Việt giống hệt lưỡi rìu Quốc Oai.
Về sau, lâu lắm, nhiều ngàn năm sau, sau cả thời Đông Sơn, chủng Việt mới phát minh ra một món khác có công dụng y hệt như cái việt, nhưng hình dáng lại khác. Công dụng đó là làm vũ khí và dụng cụ.
Cái món đó, hiện nay người Cao Miên và đồng bào Thượng còn giữ nguyên, còn Chàm và Việt đã biến khác, nhưng Việt biến khác mà cũng đặt tên khác, còn Chàm thì giữ tên cũ.
Hình dáng của món ấy, nếu ai không có đi Cao Nguyên, thì thấy được ở Cao Miên:
Việt Nam: Rào
Chàm: Mra
Mạ: Jal
Cao Miên: Chà (gạc)
Danh từ Rào của Việt Nam, hiện chỉ còn dấu vết trong ca dao tục ngữ xưa:
Thợ rào có cái đe, ông Nghè có bút
Câu trên phải ra đời từ đời nhà Lý về sau, chớ không thể trước đời nhà Lý, vì trước đời nhà Lý chưa có ông Nghè.
Thợ rào tức là thợ chế tạo món Rào và Rào sẽ đẻ ra RÌU, chỉ cái Việt thời cổ, và đẻ ra RÈN chỉ cái việc chế tạo dụng cụ bằng sắt, thép.
RÀO lại đẻ ra RỰA, vì sau đó ta sửa đổi hình dáng cái rào, nó khác cái rào cũ chút xíu, và đó là cái rựa ngày nay. Nhưng rựa chỉ còn là dụng cụ chớ hết là vũ khí như Rào.
Người Chàm cũng làm y hệt như ta, về hình dáng của món đồ nhưng cứ giữ danh từ MRA cổ.
Thế thì cho tới đời Lý mà chủng Mã Lai, riêng trong lãnh thổ Việt Nam, vẫn cứ còn giống nhau, vào thời đó, và giống nhau đến ngày nay nữa, trừ ta ra vì ta đã biến RÀO thành RỰA