Nói và cười là nhu cầu tự nhiên của con người, của mỗi dân tộc. Dân tộc nào cũng thích cười vui, cũng xem nói năng (ngôn luận) là điều quan trọng, không chỉ hết sức cần thiết mà còn quan tâm phát triển thành một nghệ thuật (đặc biệt là nghệ thuật nói trước công chúng). Nhưng phải đâu dân tộc nào cũng có cách nói, kiểu cười như nhau? Đã khác thì với dân tộc Việt Nam nói chung, người Việt ở Nam Bộ nói riêng, hẳn phải có cái bản sắc độc đáo của nó. Bản sắc văn hóa ấy cực kỳ phong phú và đa dạng.
Chúng ta đều biết, đất Nam Bộ cò bay mỏi cánh, cảnh quan sông nước hữu tình, khoáng đạt, gần như nơi nào cũng được thiên nhiên ưu đãi… Để có được một vùng đất “trên cơm dưới cá”, con người ở đây “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới chinh phục được thiên nhiên, và đã hy sinh biết bao xương máu trong việc chống lại sự áp bức từ mọi phía, mới ổn định cuộc sống như hôm nay. Họ nói ít, làm nhiều, ghét quanh co, không “vòng vo tam quốc”, cũng chẳng thích nói chuyện trên trời dưới đất, kiểu “truyện phong thần”, mà nghĩ sao nói vậy.
“Nói”, đối với dân tộc Việt Nam nói chung, người Việt ở Nam Bộ nói riêng, phải đâu chỉ là một cách dùng lời lẽ để kể lể, truyền đạt mà với họ, nói là cả một nghệ thuật – nghệ thuật biểu tỏ. Qua đó, người ta có thể biết rõ được tâm ý với điều kiện kẻ trực tiếp đối diện/đối thoại nhứt thiết phải là người được sinh ra và lớn lên ngay trong môi trường sinh hoạt của cộng đồng. Bởi vì, nếu là người nước ngoài, cho dù “sành tiếng Việt hơn cả người Việt” cũng không tài gì lĩnh hội được một cách trọn vẹn cái tâm ý cực kỳ sâu xa của họ.
Đúng thật như thế, bởi thường thì khi nghe ai nói điều gì, cho dù sâu sắc, người ta chỉ cần phân tích để nắm bắt được cái ý của câu nói ấy là đã quá đủ, nhưng với người Nam Bộ thì không hề đơn giản như thế. Họ có những cách nói mà người ngoài cuộc khi mới nghe qua, tưởng chừng như rất bình thường nhưng sự thật là vô cùng “bí hiểm”. Chúng ta còn nhớ, khi ông Trần Văn Thành (Đạo Lành, ở An Giang) chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp, ông và những người trong đạo truyền rao rằng: “Đời sắp tới rồi, anh em hãy ráng lo tu hành, làm việc nghĩa”. Bọn Pháp nghe, tưởng mấy ông đạo tung tin nhảm là trời sắp sập, rủ nhau đi tu, làm lành, làm phước. Họ có dè đâu đời tới là đã đến lúc mọi người phải đứng lên tiêu diệt bọn xâm lược (để đổi đời); lo tu hành là thiết thực thực hành ân đất nước – một trong bốn ân lớn mà người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương phải đền đáp; làm việc nghĩa là đánh Pháp cứu dân, cứu nước. Chính vì không hiểu cách “nói ý hiểu tứ” (không phải nói “tiếng lóng”) của người Nam Bộ nên cuộc khởi nghĩa Bãi Thưa đã nổ ra trên diện rộng, gây thanh thế lớn một thời!
Người Nam Bộ hãy còn nhiều cách nói rất riêng, chẳng hạn như “nói đánh đầu” (không phải “nói ngược”), thí dụ: khi nghe ai đó nói “Sao không ăn hết đi!” hay “Roi nè, đánh cho nó chết luôn đi!” thì đừng có mà tưởng! Phải hiểu trái lại hoàn toàn mới đúng.
Một cách nói khác, rất thân mật, chẳng hạn khi ông nhà giàu nọ (điền chủ, bá hộ…) chỉ vào một người nghèo hèn, giới thiệu: “Anh Út đây là bạn của tôi” thì đừng vội hiểu anh Út ấy là bạn bè, mà đó là người giúp việc (làm mướn) cho ông ta.
Dưới đây là những cách nói phổ biến của người Việt Nam Bộ – tất nhiên chưa đầy đủ, cần được bổ sung thêm. Tạm phân loại (sự sắp xếp “loại” chỉ theo ý nghĩa một cách tương đối):
* Nói với âm giọng khó nghe
Gồm: nói đớt, nói đả đớt, nói đớt đác, nói ngọng, nói ngọng nghịu, nói lịu, nói bặp bẹ, nói lắp (nói cà lăm), nói lắp bắp, nói là cà lặp cặp (nói quýnh), nói quọt quẹt (bé mới biết nói), nói võ vẽ (bặp bẹ năm ba tiếng), nói bi bô (nói tương đối rành, luôn mồm), nói ú ớ, nói ấm ớ (ấm a ấm ớ), nói ấp úng, nói bệu bạo, nói nhếu nháo, nói lằm bằm, nói lắp vắp, nói láp dáp, nói lách chách, nói lăng líu, nói lúng búng, nói phều phào (vì đã rụng hết răng), nói thều thào (khi rất mệt hoặc gần “trút hơi”), nói tức tưởi (vừa khóc vừa nói), nói nhừa nhựa, nói giọng thổ (ồ ề, ồm ồm), nói cà hụt cà hử (vừa nói vừa thở – nói không kịp thở), nói lí nhí, nói thầm, nói cà mà cập mập, nói tía lia, nói sằn sặt (nói giọng như gây gổ)…
* Nói, đòi hỏi người nghe phải có “trình độ nghe”
Gồm: nói gần hiểu xa, nói gần nói xa, nói ý hiểu tứ, nói tiếng lóng, nói trại, nói tránh, nói trổng, nói bóng (nói bóng gió), nói ngược, nói lửng, nói cao sâu, nói cao xa, nói lẩy, nói mé mé, nói mẹo, nói phớt, nói đánh đầu, nói thiên cơ, nói chữ (dốt mà hay nói chữ), nói úp mở, nói lái…
* Nói xạo, bậy, không đúng, không thật
Gồm: nói dối, nói láo, nói gạt, nói ngoa, nói bừa, nói hươu nói vượn, nói ma ma phần phật (ma ma phật phật), nói mép, nói lẻo mép, nói phét, nói vô phép vô tắc, nói nhảm, nói láp, nói xàm, nói ba trợn (nói khùng, nói điên), nói khùng khịu, nói xằng, nói bậy, nói truyện phong thần, nói giọng đạo đức, nói ẩu, nói sảng, nói láng cháng, nói bá xàm, nói bá láp, nói ba xí ba tú, nói bốc đồng, nói bông lông, nói bâng quơ (vu vơ), nói càn, nói ba hoa, nói thêm (dư, thừa), nói vu khống, nói chảnh, nói lông bông, nói lẽ, nói xấu, nói lần khân, nói trây (hay nói lầy – nói chuyện dơ dáy, tục tĩu không lịch sự), nói khơi khơi, nói xỏ mé, nói môi miếng (nói theo người cho xong chớ không phải thật lòng), nói ngập ngừng (có ý dối gian), nói phỉnh (nói khéo nhưng không thật, gạt người khác), nói phỏng, nói Quảng nói Tiều, nói phóng chừng, nói áng chừng, nói xiên nói xéo, nói quàng xiên, nói quấy, nói sống sượng (không dè dặt, thiếu lễ độ), nói tào lao, nói tầm phào, nói tục, nói tửng tửng, nói túng, nói thách, nói thày lay, nói thêm nói bớt, nói vô nói ra, nói xa nói gần, nói thêu dệt, nói tay đôi, nói ví dụ, nói vị (bênh vực một bên), nói vính cướng (xấc láo, mích lòng), nói xẵng, nói xấc, nói trớ, nói đâm lao, nói phóng phóng, nói quá, nói quàng nói xiên, nói chạy tội, nói quấy, nói quá, nói phách, nói khua môi múa mỏ, nói mò, nói nam trên, nói vu khống, nói chụp mũ, nói ngược ngạo, nói yếu (không dám khẳng định), nói ba phải, nói gian, nói dị đoan, nói ngụy biện, nói đại nói càn, nói không sợ đứt lưỡi, nói một đàng làm một nẻo (lời nói không giá trị, nói mà hành vi không đi đôi với lời nói đó)…
* Nói chọc tức
Gồm: nói xóc, nói xóc óc, nói móc, nói đâm bản họng, nói móc họng, nói xóc hông, nói tức, nói xiên nói xéo, nói xỏ, nói xâm, nói chận họng, nói chọc, nói chua, nói chướng, nói mích lòng, nói mỉa (nói mỉa mai), nói ngược (ngạo), nói nghịch (ý), nói trả treo, nói cạnh khía (khía cạnh), nói chận đầu, nói thấu cáy, nói ngạo, nói cướp (cướp lời người khác đang nói), nói giọng ta đây, nói dằn nói thúc…
* Nói thẳng, đúng
Gồm: nói thật (nói thiệt), nói thiệt bụng (nghĩ sao nói vậy), nói thiệt tình, nói không đầu không đuôi, nói chí miêng, nói cho ngay, nói một một hai hai (nói chính xác và không nuốt lời), nói trước mặt (không nói lén), nói tách bạch, nói toạc móng heo, nói huỵch toẹt, nói thẳng thắn, nói trắng, nói vói, nói kể, nói có ngằn có ngữ, nói ăn chắc, nói như đinh đóng cột, nói ba mặt một lời, nói có trời (làm chứng), nói như để (nói như đinh đóng cột, không thay đổi)…
* Nói tránh né
Gồm: nói gần nói xa, nói lảng (nói đánh trống lảng – giả bộ không quan tâm đặng nói sang chuyện khác), nói lấp, nói nhắn (nói gởi), nói trớ (nói tránh qua chuyện khác vì kịp nhận ra lời mình mới nói là sai, hoặc có đụng chạm với người khác), nói trớ trêu, nói gièm, nói cữ (kiêng), nói chạy tội, nói đon nói ren, nói gièm, nói lẻo lự, nói sa đề (lỡ lời)…
* Nói giọng “điệu” (điệu hạnh), cầu cao
Gồm: nói hỗn, nói leo, nói lối, nói phét, nói trên đầu trên cổ, nói dằn mặt, nói gác, nói phách, nói lớn lối, nói khích, nói giọng người lớn (kẻ cả), nói giọng cha, nói hơn, nói khéo, nói mắc, nói mắc mỏ, nói xài xể, nói thách đố, nói trịch thượng, nói trận thượng, nói lỗi phải, nói xảnh xẹ, nói xóc óc, nói ngặt, nói khổ (cho người ta), nói khích, nói khích tướng, nói gio giảnh, nói cầu cao, nói cao gác, nói mỹ nói xược, nói tước, nói cho đã miệng, nói láu cá, nói môi miếng, nói sửa giọng, nói tiếng quyển tiếng kèn, nói lỗi nói phải, nói mắc nói rẻ, nói hàm hồ…
* Nói giỡn
Gồm: nói khôi hài, nói khào, nói hóm hỉnh, nói pha lửng (nửa chơi nửa thiệt), nói lái, nói tiếu lâm, nói trật dọc, nói giễu, nói đùa, nói vui, nói cà rỡn, nói biếm, nói bỡn, nói dí dỏm, nói giỡn chơi, nói giả ngộ, nói chuyện hổng có, nói Tề Thiên, nói nam trên, nói chuyện trời đất, nói thất cười…
* Nói theo, nói cho qua chuyện
Gồm: nói ăn trớt, nói bướng, nói cầm chừng, nói đẩy đưa, nói lần vách, nói lần lựa, nói bắt mò, nói mò (bói), nói trót lọt, nói vuốt, nói vuốt đuôi lươn, nói phăng, nói suông (nói mà không làm; một ý khác: chỉ nói suông chứ không thấy có kèm quà, tiền), nói xuôi, nói như nước đổ lá môn, nói đỡ, nói nịnh, nói cho qua tang lề, nói đùn đưa, nói ầu ơ ví dầu, nói không chừng không đổi, nói châm chước…
* Nói đay nghiến, trách móc, hăm doạ, hồ đồ
Gồm: nói thấp nói cao, nói cố, nói cố mạng, nói cứng, nói doạ, nói đổng đổng, nói gay gắt, nói hàm hồ, nói hành nói tỏi, nói khó, nói mát, nói mắc (lời lẽ khúc mắc để vạch lỗi người khác, không nương – mắc mỏ), nói miệt (miệt thị người khác), nói năng, nói nặng nói nhẹ, nói thắc mắc (châm chính, xeo nạy; moi ra những điều vụn vặt để trách móc, phàn nàn), nói bốp chát, nói hùng hổ, nói tạt vô mặt, nói đe nẹt, nói cay đắng, nói nặng, nói vọng ngữ, nói lớn lối, nói phạm thượng, nói lộng ngôn, nói phần phải, nói bắc cầu, nói lấy được…
* Nói mà như không nói, khó tin
Gồm: nói nghe rồi bỏ, nói hổng phải nói, nói qua nói lại, nói lưỡng ước (nói hàng hai, nói nước đôi – không lập trường dứt khoát), nói thọp thẹp (không kín miệng, không nên nói cũng nói), nói trớt lớt, nói trớt quớt, nói một đàng làm một nẻo, nói trời hay trời nói đất hay đất, nói chuyện hồi nẳm, nói chuyện thời bà Cố Hỷ, nói chuyện thời ông Gia Long còn ỉa cứt su, nói nước đổ là môn, nói nước đổ đầu vịt, nói như đờn gảy tai trâu…
* Nói dở, cộc, không lịch sự
Gồm: nói dại, nói lãng (lãng nhách, lãng xẹt), nói như bửa củi, nói như dùi đục, nói xán xả, nói cà tròn cà tròn (không có đường ra), nói cộc lốc, nói cộc cằn, nói cụt ngủn, nói tào lao (tào lao bắc sế), nói lệu ệu, nói lải nhải, nói không chấm phết, nói không đầu không đuôi, nói hớ, nói bất nhất, nói ba thắt ba dót, nói miệng tài (hay tày – hứa suông, chớ không bỏ công, bỏ tiền vô như đã nói, hứa), nói nhát gừng, nói pha chè (Tây ta lẫn lộn), nói phang ngang, nói sa đà, nói sang đàng, nói xô bồ, nói xộ, nói lạc đề, nói lung, nói không có đường ra, nói xấu (người khác), nói lén (vu khống, hạ uy tín), nói sau lưng, nói tầm ruồng, nói tầm vấy tầm vá (nói léo quéo một hồi sanh chuyện), nói trống (có thể bị bắt lỗi), nói trổng (vu vơ), nói vặc một (cự lại từng câu một cách vô phép), nói vô duyên, nói vô lý, nói vụn vặt, nói xen, nói xía, nói xỉa tiền bể (không ai mượn nói cũng xía vào, vô duyên), nói xon xỏn, nói xông xổng, nói xượt (cải bướng)… nói câu mâu, nói lấy được, nói lấy nói để, nói trả treo, nói đỡ mắc cỡ, nói tướt (nói ăn cơm hớt), nói vạt một vạt hai…
* Nói liền miệng, dài dòng, khoác lác, ồn ào
Gồm: nói chót chét (nói tót tét), nói dai, nói dài, nói dỏm, nói dan ca, nói gãy lưỡi, nói khô nước miếng, nói rát cuống họng, nói bô bô, nói líu lo, nói liến, nói lịu, nói lý quốc, nói lý sự, nói leo lẻo, nói huớt, nói hớt (ăn cơm hớt), nói léo nhéo (nhiều the thé điếc tai), nói khoe, nói lố, nói lúng túng (loanh quanh không dứt khoát, không kết luận được), nói lung tung, nói nhây, nói cù nhây cù nhằng, nói quá (nghe mệt), nói quanh, nói tía lia, nói chằng rây, nói cà kê, nói có ca có kệ, nói lòng dòng, nói vòng vo Tam quốc, nói cái miệng không làm da non, nói ồn ào, nói lấy le, nói già hàm (cố biện bạch, bất kể đúng sai), nói lảng (nói không nhằm chuyện), nói hồ lốn, nói líu lo, nói lần đân, nói trời trăng mây nước…
* Nói hay, nói miệng tài
Gồm: nói khéo, nói miệng (nói ứng khẩu), nói hỡi hỡi, nói phải quấy, nói bắt bí, nói chí miêng, nói rào đón, nói rót rót, nói thao thao bất tuyệt, nói rước, nói thá nói ví (nói phải trái), nói trúng phóc, nói xuôi theo, nói bào chuốt…
* Nói nhỏ, to, chậm, lẹ, làm giọng lanh, thêm bớt
Gồm: nói lẻo lự, nói thì thầm, nói thì thào, nói thỏ thẻ, nói phụ nhỉ, nói thủ thỉ, nói ong óng, nói vang vang, nói oang oang, nói to nói nhỏ (có ý gì đây?), nói xụi lơ, nói mủ mỉ (như con gái), nói vẹt, nói nhừa nhựa, nói ra rả, nói rốp rốp, nói như bẻ cây, nói rù rì, nói lầm bầm, nói một mình (không cần ai nghe), nói sa sả (nói mãi cả ngày không ngớt), nói ríu (nói thúc hai tiếng thành một: ông ấy => ổng, năm xưa => nẳm…), nói to tiếng, nói tươm tướp, nói tía lia, nói vanh vách, nói rót rót, nói vấp (không trôi chảy), nói giả lả, nói giả tỉ (thí tỉ), nói giác đác (phân tích phải quấy, nên hư để xoa dịu sự nóng giận của người khác), nói chèo đai, nói chuyện chiều mơi, nói gộp, nói tắt, nói tóm, nói thêm, nói thừa, …
* Nói văn hoa, dễ nghe
Gồm: nói chuốt ngót, nói cầu kỳ, nói bắt vần, nói bóng bẩy, nói chữ, nói tiểu thuyết, nói hùng biện, nói lưu loát, nói thơ, nói truyện, nói ngọt, nói thao thao, nói như rót mật vào tai, nói thỏ thẻ, nói thủ thỉ…
* Nói liều, nhiều chuyện
Gồm: nói chày nói cối, nói cố, nói cố mạng, nói thí mạng cùi, nói đại (nói đại nói càn), nói thí (không suy nghĩ chín chắn), nói tưới (hay nói tưới xượi, nói tứ sự), nói tưới hột sen, nói xấp nhập, nói tứng ứng, nói vãi chài, nói vô nói ra, nói nhắn nói gởi, nói phách chó, nói miệng bằng tay tay bằng miệng, nói vẽ viên…
Có thể nói trong “nghìn lẻ một” cách nói được kể ra, chí ít cũng có khoảng 40% cách nói lên trạng thái biểu tỏ, phần còn lại là những cách nói khác khi cùng biểu đạt một ý hướng, một nội dung nhưng không phải trùng, thừa mà nó được sử dụng phù hợp đối với từng hoàn cảnh nhất định. Nó thể hiện rất rõ nét sự phong phú của ngôn ngữ, cũng là bản sắc văn hóa dân tộc của một vùng, miền. Thật vậy, về phương diện “nói”, người Nam Bộ không mấy văn hoa, thậm chí mộc mạc, ngập ngừng (không suông câu vì phải “câu giờ” để lựa lời) nhưng lại rất văn hóa, bởi với họ, ngoài nói tếu cho vui (như “Nhứt chị sui nhì đuôi lươn”, “Một trăm đám cưới không bằng hàm dưới con cá trê (ý: công dụng tuyệt vời của… hàm râu)”, “Trưa trưa thấy đói thèm cơm, Thấy đùi em vợ tưởng tôm kho tàu”…), bao giờ họ cũng nói “có ngằn có ngữ”. Ở một số trường hợp người Nam Bộ có cách nói riêng, rất riêng, dường như không nơi nào có được, thí dụ như những loại gia súc màu trắng thì: trâu cò, ngựa bạch, gà bông (sắc lông trắng như bông – còn lông có bông lấm tấm thì gọi gà nổ) …; nói con vật màu đen thì mèo mun, ngựa ô, chó mực v.v. chứ không bao giờ nhập nhằng, đại khái. Lại có cách nói cường điệu, phóng đại kiểu bác Ba Phi (đã được tôn vinh nghệ nhân dân gian về… nói!).
Đó là những cách nói rất đặc trưng, rất ấn tượng.
Người Nam Bộ rất chán những người “nói hổng duyên hổng dùng”, “ăn đàng sóng nói đàng gió” nhất là “có nói không, không nói có”, hoặc lý luận vòng vo, mà phải “đâu ra đó”. Họ rất xem trọng lời nói, đã nói thì nhớ, không nuốt lời. Chính vì thế mà trong quan hệ dân sự người ta xem lời nói như lời thề, nói rồi thì “như đinh đóng cột”, “một là một hai là hai”, “không vặn nài bẻ ống” nên không cần phải làm văn tự, giao kèo. Đặc biệt trong hôn nhân, vì là việc hệ trọng ảnh hưởng cả đời của một con người nên người ta còn tổ chức “lễ nói” – “đám nói”!