Dẫn nhập:
Rất ngay tình, năm cùng tháng tận thu vén bài vở trong kho chữ. Tình cờ gặp bản thảo viết đã lâu có hơi hướng đốt lò hương cũ cho một thời đã qua và đang chìm vào quên lãng. Đọc lại, thấy những góp nhặt sỏi đá trong văn bài như những dữ kiện, niên lịch và giai thoại sao khó nhai quá thể: Vì bài viết bỏ quên cả một thời gian dài nên không nhớ tầm chương trích cú ở đâu với những tam sao thất bản. Ấy là chưa kể như duyên nghiệp theo ngòi bút đẩy đưa những giai thoại về… chó gì mà nhiều đến thế.
Thế nên chuyện cụ Nguyễn Du (1765-1820) đỗ Tam trường và ăn thịt chó từ đời Hậu Lê không dám mang vào bài tản bút qua bài Đường thi có tên Hành lạc từ:
(bản dịch của cụ Lê Thước)
Vì vậy, thêm một lần đắp chữ vá câu qua hai ba tác giả khác nữa. Chẳng phải là… ăn thịt chó,… chó chết, hay… cãi nhau như chó. Nói cho ngay, gà què ăn quẩn cối xay không ngoài chuyện một quan là sáu trăm đồng, chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi. Và làm như chữ nghĩa với ba vòng dây xích bước còn vương lôi kéo trở về một thời lều chõng xa xưa với ao nghiên ruộng chữ để… đập cổ kính ra tìm lấy bóng.
Từ thời Đông Hán, người Tàu truyền bá Hán học sang nước ta. Lối dạy bấy giờ, trước là dạy chữ nghĩa cho một số người làm lại thuộc cho các quan Tàu. Sau là dạy dân ta làm lễ cưới vợ, gả chồng theo văn hóa Tàu. Sử không chép rõ, chỉ nói có dạy “Thi thư, lễ nghĩa”. Theo tác giả Chu Thiên (Bút nghiên) và Trần Trọng Kim (Nho giáo) thì ở bên Tàu, khoa cử có từ thời Hán Vũ Đế, vua ra bài sách cho những người ứng thì bình giải. Sau đó họ mở trường dạy chữ Hán ở nước ta quy củ hơn, học sinh thi đỗ có bằng “Mậu tài” và “Hiếu liêm”. Có mậu tài và hiếu liêm, một số người được làm quan trên đất Tàu như Đổng Trọng Thư, Trương Trọng, Lý Tiến, Lý Cầm. Đến đời nhà Tùy, khoa cử mới được tổ chức quy mô, nhưng nhà Đường hạn chế số sĩ tử nước ta sang thi khoa tiến sĩ là 8 người, thi khoa Minh kinh không quá 10 người.
Theo Đại Việt toàn thư, người Việt ta là Khương Công Phụng, người đỗ tiến sĩ đầu tiên vào thời nhà Đường.
***
Đời Lý (1009-1225)
Sau 1200 năm Bắc thuộc, đã có nhiều người biết chữ Nho, khoảng thời gian này đạo Khổng du nhập vào nước ta. Nhưng mãi đến năm 1070, Lý Thánh Tông mới lập Văn miếu thờ Khổng tử. Ngược về năm 1007, Lê Đại Hành cho người sang Tàu thỉnh Cửu kinh, và Đại tạng, chữ Hán mới thực sự phổ cập với đạo Nho ở nước ta. Vì vậy đời nhà Lý, Phật giáo được coi như quốc giáo, các nho sinh đều đã được thụ giáo trước ở các chùa do sư dạy. Lý Thánh Tông mất năm 1072. Tân vương Lý Nhân Tông còn nhỏ, bà Ỷ Lan (xem phụ đính *) nhiếp chính. Năm 1075, bắt chước nhà Đường, bà ra lệnh mở kỳ thi Minh kinh bác học (giảng giải kinh sách) còn gọi là khoa Tam trường (thi Đại khoa gồm ba kỳ) để kén chọn nhân tài. Đây là kỳ thi mở đầu nền khoa cử ở nước ta, trong phép thi cử dùng cả tam giáo: Nho, Lão, Phật.
Lê Văn Thịnh, người Bắc Ninh, đỗ đầu trong kỳ thi này.
Ngay năm sau 1076, trường Quốc tử giám được thiết lập, bổ những ngươi văn học vào dạy Tứ thư, Ngũ kinh (2) đào tạo nho sĩ. Sĩ tử là con của vua quan nên sĩ số chẳng là bao. Tuy nhiên có thể nói Quốc tử giám (3) hay Văn miếu là đại học tiên khởi của nước ta, và chỉ khi nào cần nhân tài mới mở khoa thi. Năm 1152, Lý Anh Tông mở kỳ thi Điện thí, thi ngay trong sân điện của vua, sau này gọi là thi Đình.
***
Đời Trần (1225-1400)
Thời này được chia làm hai thời kỳ: Nho giáo và Tống nho. Mặc dù đời Trần sùng bái Phật giáo, Lão giáo nhưng vẫn phát triển Nho giáo như đời Lý. Năm 1232, Trần Thái Tông cho mở kỳ thi Thái học sinh mà sau này gọi là tiến sĩ với giới hạn tiến sĩ chỉ có 3 cấp là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp tiến sĩ. Năm 1247, cũng khoa thi Thái học sinh danh hiệu của 3 người đỗ cao nhất (tam khôi) được đổi lại là Trạng nguyên, Bảng nhãn (như Bảng nhãn là Lê Văn Hưu tác giả bộ Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia đầu tiên của nước ta), Thám hoa và còn lại là tiến sĩ.
Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử ta là Nguyễn Hiền, người Hà Đông.
Chu văn An (1292-1370) đỗ Thái học sinh đời Trần Minh Tông, sau được bổ làm Tư nghiệp quốc tử giám để dạy thái tử Vượng tức vua Trần Hiển Tông và các con đại thần. Từ năm 1252, những học trò nghèo nhập học cùng với con quan vào học Quốc tử giám. Phép thi được định rõ ràng, đời Trần Thuận Tông, chỉ có hai khóa thi là thi Hương tổ chức ở các vùng để lấy cử nhân và thi Hội để lấy tiến sĩ.
Thi Hương cũng như thi Hội phải thi qua 3 trường. Trường nhất: thi kinh nghĩa. Trường nhì: thi một bài thơ thất ngôn, và một bài phú tám vần. Trường ba: thi văn sách. Lệ khoa cử ngày xưa được thay đổi theo thời, học trò thi Hương đậu hạng thứ là tú tài, đậu ưu và bình là cử nhân. Đời Trần Anh Tông quy định lại, thi Hương phải qua 4 trường. Ai đỗ cả 4 trường được gọi là cử nhân.
Đậu cử nhân mới được thi Hội. Thi Hội đậu được mới vào thi Đình để phân chia cấp bậc tiến sĩ. Trần Duệ Tông mở khoa thi tiến sĩ, học vị tiến sĩ bắt đầu có từ năm này. Thi Đình được tổ chức tại hành cung Thiên Trường (phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Thứ bậc như sau: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ (Hoàng giáp). Đệ tam giáp đồng tiến sĩ (Tiến sĩ).
Thi Hương
(Trích Báo oán của Nguyễn Tuân)
Sớm tinh mơ các quan làm lễ tiến trường tại khu trường thi Nam Ðịnh khoa Mậu Ngọ (4). Hai chiếc lọng vàng phủ xuống lá cờ và tấm biển cỏ chữ “phụng chỉ” “khâm sai” và bốn chiếc lọng xanh ghé sát thấp tịt xuống đầu bạc của các ông đại khoa. Càng tiến gần lại trường, quan đang tế cáo trời đất vua thần thánh và xuýt xoa khai xong tên, tuổi, quê, quán. Ngài khấn: “… Báo oản giả, tiên nhập, báo ân giả, thứ nhập…”
Có lẽ đoạn khấn này là khoản chú trọng nhất của lễ tam sinh và đã được quỷ và thần chứng giám. Người lính tuần mặc áo nẹp đỏ vừa được lệnh đổ chén rượu cúng xuống tàn lửa đống vàng đang hóa dở thì những đầu ngọn cỏ may im lìm nơi bãi trường thi đều rung lên u hiển thổi thốc mãi vào bãi trường, nghe lào xào như có tiếng người chen chúc và chạy vào choán chỗ. Trời sáng tỏ đã từ lâu. Cái hàng rào sĩ tử có đủ các hạng tuổi từ đầu xanh mặt trắng cho đến chòm tóc bạc. Ông Đầu Xứ Em lách mình qua rồi, nhưng lều chõng còn vướng mắc nên lỗ thủng ấy chưa kịp hàn kín…Ông Ðầu Xứ (5) Em dựng lều, dọn chỗ ngồi thi giữa sự dằn dỗi của trời đất. Mưa to gió lộng trên một trường thi. Sĩ tử khắp bốn vi giáp ất tả hữu, co ro trong lều dột, thật là coi tính mệnh mình không bằng một quyển thi chỉ luôn luôn muốn những chuyện tì ố. Chốc chốc cái loa đồng ngoài cửa trường lại kêu inh ỏi gọi ai có thùng gỗ thì cho đem vào trường bán cho học trò kê quyển viết và độn thêm lên chõng ngồi.
Cái bản giáp bài viết xong lâu rồi mà quái lạ, hễ cứ động đặt ngòi bút lên mặt quyển là ông Đầu Xứ Em lại thấy đau bụng, đau quằn quại tựa chứng hoắc loạn cứ như dùi vào từng miếng tì vị. Giữa hai cơn đau bụng, từ khu nhà thập đạo, vẳng về lều ông những tiếng kêu nài: “Lạy các quan, còn chỉ có một khoa thi này, xin các quan thương cho anh em đổi quyển. Trời mưa ướt lắm, anh em có muốn như thế làm gì…” Thấy ở một vài lều chung quanh có khói lửa và tàn vàng bay ra, ông Đầu Xứ Em sực nhớ đến đinh vàng cất trong tráp, bèn lấy ra gỡ từng tờ một, xếp ngay ở đầu mép chõng, tay châm mồi lửa bùi nhùi. Gió thổi vào đống lửa vàng hóa bùng bùng, lửa kêu vù vù, vụt bùng lên và tiếng cười lanh lảnh trở nên the thé, rồi nấc lên mãi. Ông Ðầu Xứ Em cảm thấy bãi trường là thừa lạnh lẽo. Trường thi âm u và không quạnh. Gió thổi bay quyển thi xuống làn cỏ dầm nước. Ông Đầu Xứ Em gắng nhoài người ra, muốn vớ lấy quyển bị gió thổi bốc khỏi mặt tráp. Nhưng ông hụt tay, chỉ đủ giữ mình khỏi ngã…
Năm 1261, Trần Thánh Tông lập phân khoa y khoa gọi là Thái y. Sau đó tiếp tục 17 khoa thi nữa theo định kỳ. Vì vậy, Nho giáo đời Trần được xem là toàn thịnh. Tùy theo từng triều đại, đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, Hội, Đình gọi là Tam nguyên. Theo Lược khảo về khoa cử Việt Nam của Trần Văn Giáp, Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội 1941: Sau 845 năm, khởi thủy từ năm Ất Mão 1075 đến năm Kỷ Mùi 1919 có 185 khoa thi với 2998 vị đại khoa thì chỉ có 5 vị đỗ Tam nguyên đó là Đào sĩ Tích đời Trần Duệ Tông. Lê Quý Đôn thời Lê Trung Hưng. Trần Bích San triều Tự Đức. Nguyễn Khuyến cũng triều Tự Đức. Vũ Phạm Hàm triều Thành Thái.
Đời Trần có Mạc Đĩnh Chi (1280-1350), người Hải Dương, đỗ Trạng nguyên năm 1304 đời Trần Anh Tông, vua thấy xấu xí có ý chê, ông làm bài phú Ngọc tĩnh liên khiến vua khâm phục và cử đi sứ hai lần. Lần đầu tới ải Nam Quan trễ, ải quan ra câu đối để thử tài: “Quá quan trì, quan quan bế, thỉnh quá khách quá quan”. Mạc Đĩnh Chi đối lại: “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”. Đến kinh đô, vua Tàu thử tài qua bài văn tế công chúa Tàu vừa… chết, Mạc Đĩnh Chi khóc công chúa Tàu: “Y (ôi)! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết…”. Vua Tàu khen ngợi phong Lưỡng quốc trạng nguyên. Sau Trạng được cử đi sứ lần thứ hai, bị giữ lại… dịch kinh thư. Sau thêm Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân, cũng bị giữ 10 năm dịch thư kinh.
Nhưng cuối đời Trần thì Tống nho truyền sang nước ta. Tống nho là gì? Nguyên bên Tàu, Tần Thủy Hoàng dựa vào học thuyết của phái Pháp gia để cai trị, ra lệnh tiêu hủy hết sách vở của Nho giáo. Khi Hán Cao Tổ lên, cho thu thập lại các bộ Tứ thư, Ngũ kinh. Và phục hưng Nho giáo một cách độc tôn. Ứng thi phải theo sách nho giáo đời Tống soạn ra, như Tam tự kinh là quyển sách do Vương Ứng Lâm đời nhà Tống viết để dạy trẻ con học vỡ lòng chữ Hán. Mỗi câu có ba chữ. Tứ thư Ngũ kinh thu hẹp lại một thứ “tôn quân” để dễ bề cai trị. Sau khi nhà Trần bị suy, nhà Minh đem Tống nho cưỡng nhập vào nước ta.
Với chữ nho Ta và Tàu, không thể không nhắc đến giai thoại Vương Bột qua bài Đằng vương các tự: Chuyện là con của Cao Tông đời Sơ Đường, được cha phong là Đằng vương, nên xây một cái gác bên bến Tầm Dương để bằng hữu ngâm thơ tác phú. Vương Bột lúc ấy mới 15 hay 16 tuổi đến và thành danh với hai câu: “Lạc hà dữ cô lộ tề phi – Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. Vậy mà có người chê là Vương Bột còn dốt nhưng không chỉ dốt ở đâu? Năm 29 tuổi, họ Vương đi thăm cha là Thái Sử ở Giao Chỉ và bị đắm thuyền chết ở xã Thổ Thành, Nghệ An.
Mỗi lần mưa gió lại hiện lên, níu áo văn nhân sĩ tử qua lại, ai oán hỏi thơ mình dốt ở chỗ nào xin chỉ giáo. Dân làng lập đàn cúng tế cũng không xong, sau phải nhờ đến Hồ Tôn Thốc người Hưng Yên, thi đỗ trạng nguyên thời Hậu Trần đời Trần Nghệ Tông. Ông làm quan đến chức Thẩm hình viện sử và là tác giả hai bộ Việt sử cương mục và Việt Nam thế chí. Khi nhà Hồ diệt nhà Trần, ông từ quan ngao du sơn thủy.
Hồ Tôn Thốc vào miếu thờ Vương Bột để cầu an cho trăm họ và thắp hương khấn Vương Bột tự Tử An, rằng cái tên như vận vào người nên “chết” vẫn chẳng… ”an” thân: Vì rằng hai câu ấy chẳng hẳn là sai, nhưng nhà ngươi còn dốt thật, đã bao năm có tiếng là Tứ kiệt của Sơ Đường mà chẳng nhận ra điều ấy ư: Vậy thì mỗi câu bớt đi một chữ, như “tề phi” là cùng bay thì không cần chữ “dữ” nghĩa là… “với”. Câu thứ nhì vì rằng “nhất sắc” tức một màu thì không cần chữ “cộng” là… “cùng” nữa.
**
Đời Hồ (1400-1407)
Chữ Nôm được Hồ Quý Ly là người đầu tiên đem ra dùng để dịch kinh sách Minh đạo từ thế kỷ thứ 14. Sách bàn về các nhân vật và kinh điển đạo Nho, chê các danh nho đời Đường, đời Tống chỉ biết chắp nhặt văn chương, học rộng mà viển vông. Sách dâng lên Trần Nghệ Tông và được khen nhưng bị học quan ở Quốc tử giám chống đối. Năm 1935, ông dịch Vô dật trong Kinh thi dạy vua. Năm 1396 dịch sách Thi nghĩa bằng chữ Nôm (giảng nghĩa Kinh thi). Mãi đến đời Mạc Hậu Hợp 1565 chữ Nôm mới dùng lần đầu trong một khoa thi tiến sĩ. Hồ Quý Ly thay đổi một chút là ai đỗ kỳ thi Hương, năm sau vào bộ Lễ thi lại, nếu đỗ mới được bổ đi làm quan. Sau đó mới được dự kỳ thi Hội. Hồ Hán Thương thêm phân khoa toán pháp với phép cửu chương tính.
Minh sử chép rằng niên hiệu Vĩnh Lạc, Minh Thành Tổ ra lệnh lùng bắt những cử nhân Giao Chỉ giữ chức tri huyện hay tri phủ mang về. Ngoài ra còn bắt ta cống nộp sư sải và hoạn quan. Năm 1405, nhà Minh mưu đồ xâm lăng, sai bọn hoạn quan người Việt được mang về Tàu làm quan từ trước như Nguyễn Toán, Từ Cá, Ngô Tín đi sứ, dò xét địa hình nước ta. Bọn này dặn họ hàng hễ quân Minh tràn sang thì dựng cờ biên rõ là thân thuộc của nội quan nào thì sẽ thoát nạn. Hồ Hán Thương biết chuyện sai giết hết thân thuộc bọn này. Tuy nhiên, những người bị tiến cống cho Tàu không phải toàn bọn bán nước lập công mà còn có những người có biệt tài như Trần Vũ và Nguyễn An.
Giữa năm 1407, toàn bộ gia tộc họ Hồ, từ Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đến con cháu đều bị bắt sống và giải về đế đô Kim Lăng (Nam kinh). Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận năm 1407 ngài Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo súng thần công để chống lại quân Minh xâm lược. Theo tài liệu của Tôn Lai Thần (Sun Laichen): Theo lệnh vua Minh, Hồ Nguyên Trừng chế tạo vũ khí như hỏa súng, đoạn tiễn, thần tiễn, thuốc súng cho Binh trượng cục (Cục chế tạo vũ khí) và được thăng chức Thượng thư bộ Công (tương đương bộ trưởng ngày nay).
Thành công nhất của ông là chế ra khẩu đại pháo có tên là “An Nam thần công”. 73 tuổi, Hồ Nguyên Trừng mất. Theo Minh sử cảo, triều Minh khi tế thần súng An Nam thần công cũng thường cúng tế Hồ Nguyên Trừng. Lăng mộ ông hiện ở vùng núi phía tây Bắc Kinh, sườn núi Ngọc Đài, thôn Nam An Hà. Ngoài ra ông còn viết Nam Ông mộng lục lấy bút hiệu Nam Ông (ông già nước Nam). Ở lời nói đầu, Hồ Nguyên Trừng bảo: “Trong xóm mười nhà thể nào cũng có người tín nghĩa như Khổng Tử, huống hồ nhân vật nước Nam không kể hết”. Trong đó có Nguyễn An.
Nguyễn An bị nhà Minh bắt về Tàu cùng với Hồ Nguyên Trừng. Theo Hoàng Minh thông ký thì Nguyễn An trải 5 đời vua Minh (Thái Tông, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông). Ông là người trông coi việc tu tạo thành Bắc Kinh 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, v…v… Sách Thủy đông ký của Diệp Thịnh đời Minh ghi rằng: “Nguyễn An còn gọi là Á Lưu, người Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc..”. Ông có tên trong sách Minh sử luận tùng ở thư viện Bắc Kinh ngày nay.
Đời Hồ và Lê có Nguyễn Trãi (1389-1442) đỗ Thái học sinh. Sau khi giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, ông viết Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta và cũng là tác giả nhiều thơ văn Hán Nôm hiện còn lưu truyền. (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư của Lý Thường Kiệt thuộc đời Trần là bản tuyên ngôn thứ nhất).
***
Đời Lê (1428-1527)
Khi Lê Lợi thu hồi độc lập xong cho tái lập lại thi cử theo Tống nho để bảo vệ ngôi vua. Nho giáo đánh bật Phật và Lão giáo ra khỏi trường thi. Thi cử hạn hẹp trong vài quyển sách, xa rời thực tế, theo lề lối Tống nho. Và kéo dài trong 300 năm trị vì của nhà Lê qua đến đời Nguyễn thêm 150 năm nữa kể từ đời Gia Long.
Lê Thánh Tông lập ra hội “Tao đàn nhị thập bát tú”, vua làm nguyên soái với 28 vị tiến sĩ cùng nhau làm thơ Hán và Nôm để ngâm vịnh. Đồng thời vua cũng làm chủ khảo các kỳ thi Đình, đặt ra lệ xướng danh, vinh quy bái tổ. Sau khi đăng khoa xướng danh được cờ quạt võng lọng do vua ban cho để vinh quy. Tiếp đến là bảng vàng bia đá, Năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia khắc tên các tiến sĩ ở trường Quốc tử giám. Tổng cộng có 82 bia đá có 1323 tên tiến sĩ đặt ở hai bên tả vu, hữu vu.
Đời Lê mở mang việc học, lập thêm những trường Quốc tử giám ở các châu, phủ, huyện (trong dân gian gọi là Văn miếu như ở Hưng Yên). Năm 1429, cho phép các quan từ hàng Tứ phẩm trở xuống, các ẩn sĩ thông kinh sử, các võ tướng thi Hội. Quan văn thi kinh sử, quan võ thi võ kinh. Đời Lê, thi Hương 4 năm như đời Trần Anh Tông, ai đỗ cả 4 trường được gọi là hương cống, đỗ 3 trường gọi là sinh đồ.
Thi Đình thời Lê Trung Hưng
(Trích Nghi thức thi Đình trong Lịch triều hiến chương khoa mục chí của Phan Huy Chú)
Sáng sớm hôm ấy, Thượng-thiết-ty đặt ngai vua ở giữa điện Kính-thiên, đặt hương án và bàn ở trước ngự tọa của chúa ở bên tả ngự tọa của vua. Thừa-dụ-cục đặt bàn ở hai bên tả hữu sân rồng, để quyển thi, bút và nghiên mực ở trên bàn. Các quan Ðề-điệu, Tri-cống-cử, Giám-thí chia nhau đứng ở hai bên các bàn để quyển thi. Nhân viên hai vệ Cẩm-y, Kim-ngô bày lều thi và quyển thi ở hai bên sân rồng. Một viên Lễ quan (dùng quan Lễ bộ), một viên Tuyên-chế-sách (dùng quan Ðông-các) đứng ở bên tả sân rồng (hướng về bên hữu), một viên Nghi-chế-ty đứng ở bên hữu sân rồng (hướng về bên tả), hai viên Tuần-xước (lâm thời được sai) đứng ở hai bên tả hữu sân rồng (hướng về phía bắc). Quân lính các ty vệ cắm cờ xí theo nghi thức.
Hồi trống nghiêm đầu, các đại thần văn võ tiến vào chầu, ai nấy đều mang phẩm phục đứng sắp hàng ở ngoài cửa Ðoan-môn. Hồi trống nghiêm thứ hai, rước ngự giá vua đến điện Kính-thiên, rước chúa ngự lên điện (hơi về phía đông). Tự-ban (giữ việc bầy ban, xướng lễ khi thiết triều) dẫn các đại thần đầu ban và các quan văn võ vào đứng hầu ở hai bên sân rồng. Hai viên Tự-ban dẫn các sĩ nhân vào đứng ở cuối ban về bên hữu sân rồng (hướng về phía bắc). Vua đội mũ xung thiên, mặc áo bào vàng, đai ngọc, lên ngồi ngự tọa. Chúa đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, lên ngồi ngự tọa. Vút roi (ra hiệu phải yên lặng). Cáp-môn xướng: ”Bài ban! Ban tề! Cúc cung bái (5 lạy, 3 vái)! Hưng! Bình thân!”. Các quan chia ban đứng hầu. Lễ quan vào giữa ngự đạo quỳ xuống. Hai viên Tự-ban dẫn các sĩ nhân vào giữa ngự đạo, đứng sắp hàng hai bên. Xướng: ”Quỵ!”. Các sĩ nhân đều quỳ. Lễ quan tâu rằng những sĩ nhân trúng thức kỳ thi Hội này là bao nhiêu người, tên là gì, vâng vào Ðiện thí. Tâu xong lui ra đứng chỗ cũ. Tự-ban xướng: ”Khấu đầu (cúi đầu vái)!”. Các quan Ðề-điệu, Tri-cống-cử, Giám-thí đưa quyển thi, bút, nghiên cho sĩ nhân xong, lại lui ra đứng chỗ cũ. Quan Tuyên-chế đến giữa ngự đạo quỳ tâu: ”Tấu truyền chế”. Rồi phủ phục, vẫn quỳ. Quan Tư-lễ-giám đem tờ chế sách giao cho quan Tuyên-chế, viên này nhận lấy chế sách rồi đứng dậy, lui ra đứng tựa về phía đông sân rồng. Ðọc xong quan Tuyên-chế lại đem chế sách đến giữa ngự đạo quỳ xuống dâng lại cho quan Tư-lễ-giám nhận lấy, rồi cho quan Tuyên-chế lui ra đứng chỗ cũ. Quan Tuần-xước dẫn các sĩ nhân ra ngồi ở lều thi. Nghi-chế-ty đến giữa ngự đạo quỳ tâu: ”Lễ tất”. Lại vút roi. Vua về cung. Chúa về nội phủ. Các đại thần văn võ đều lần lượt lui ra. Ðến buổi chiều bọn quan Ðề-điệu đưa các quyển thi cho quan Ðộc quyển làm việc.
Ao nghiên ruộng bút với… thịt chó không ai ngoài Trạng nguyên Nguyễn Đăng Hạo người Hậu Duệ, Bắc Ninh. Ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ khoa Bính Tuất 1646, đời Lê Chân Tông. Năm Kỷ Mùi, vua nhà Thanh thấy sao văn khúc giáng ở phía Nam, cho sứ thần sang nước ta tìm nhân tài và gặp ông. Vua Tàu cho vế đối: Lão khuyển lạc mao do hướng đình tiền phệ nguyệt (chó già rụng lông, còn đứng trước sân, thấy trăng lên là sủa). Ông thấy họ chê mình hiểu biết kém cỏi, bèn đối lại: Tiểu oa đoản cảnh mạn cư tỉnh để quan thiên (ếch con ngắn cổ, dám ngồi đáy giếng, mà xem xét cả trời). Vua Tàu khâm phục phong là Lưỡng quốc trạng nguyên và phán: “Địa linh nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo”.
Năm 1659, ông được bổ làm Đông các đại học sĩ, nhưng làm quan 3 năm bị bãi chức vì cương trực nên không được trọng dụng. Ông lấy ngao du sơn thủy làm cái thú tiêu dao, vòng kiềm tỏa không ngoài “rượu Hòang Mơ, cờ Mộ Trạch” và… thịt cầy.
Một ngày ông gặp đạo sĩ núi Lan Kha và xin tu tiên, đạo sĩ trả lời: “Tu tiên có ba thứ phải ghét, năm thứ phải kiêng, trong những thứ ấy có thịt cầy”. Ông gật đầu và chống gậy theo đạo sĩ lên núi học đạo, gần trưa qua một cái chợ, mùi thịt cầy trong quán bay ra sực nức. Ông thèm rỏ rãi, bèn xin đạo sĩ cho một bữa chót cho… chót đời trước khi thành tiên. Ăn xong lau mặt thì ông thấy đạo sĩ và chợ búa đều biến mất. Như Lưu Nguyễn lạc thiên thai về lại chốn trần ai, thì ra đây chính là chợ Cầu Lim làng Nội Duệ, chỉ cách núi Lan Kha non dặm đường mà thôi…”
Nếu như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân, cùng bị giữ ở Tàu dịch thư kinh mươi năm. Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn An bị lưu xứ ở Tàu đến suốt đời. Với giai thoại thì chẳng thể thiếu vắng Thám hoa Giang Văn Minh, người xã Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây được cử đi sứ. Minh Tự Tông ra câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” có ý nhắc đến Mã Viện dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Thám hoa Giang văn Minh không chần chừ, khẳng khái đối: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”. Vua Minh biết ý ông dẫn việc Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên ở sông Bạch Đằng để đối lại. Bất chấp luật lệ bang giao, Minh Tự Tông thét bọn đao phủ trói ông lại, gắn trám đường vào miệng và mắt rồi cho người mổ bụng xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Hôm đó nhằm ngày Mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Tính ra, ông mới 58 tuổi. Hòng uy hiếp dân Đại Việt, Minh Tự Tông còn cho ướp xác ông bằng bột thuỷ ngân và cho sứ bộ ta đem thi hài ông về nước.
Những vụ án nổi tiếng ở trường thi:
Mặc dù luật lệ trường thi rất nghiêm ngặt như thí sinh bị cấm suốt đời không được thi, khảo quan bị đi đày, hay tử hình. Nhưng chuyện gian lận không thể tránh khỏi như theo Vũ trung tùy bút, vì bị quan trường thù ghét nên Ngô Thì Sĩ bị đánh hỏng oan. Đại Nam thực lục ghi, chủ khảo Nguyễn Tú trường thi Nghệ An vì tráo quyển bị án tử hình. Sách Cương Mục viết Ngô Sách Tuân làm giám thị, giúp con bạn đưa quyển cho khảo quan bị xử giảo.
Nổi tiếng nhất là vụ án Tam nguyên Lê Quý Đôn: Khoa thi Hội 1775, Lê Quý Đôn làm chánh chủ khảo nói với học trò giỏi của mình là Đinh Thì Trung đổi quyển cho con mình Lê Quý Kiệt. Kết quả Lê Quý Kiệt đỗ thủ khoa. Khoa ấy vua Lê chúa Trịnh đánh cuộc, vua Lê cho là thủ khoa sẽ về tay Kiệt vì là con Lê Quý Đôn tất học giỏi. Chúa Trịnh vì đã biết Đinh Thì Trung nên đánh cuộc Trung sẽ đỗ đầu và định bụng hễ đỗ đầu là trọng dụng ngay. Chúa Trịnh thua cuộc, không chịu, duyệt lại văn bài, khám phá ra vụ đổi quyển. Đinh Thì Trung tố cáo Lê Quý Đôn. Vì Lê Quý Đôn làm quan to, Trịnh Sâm bỏ qua không phạt và Đinh Thì Trung bị đi đày ở An Quảng.
Thêm một vụ khác nổi danh không kém với “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”: Năm 1841, Cao Bá Quát (6) làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, sửa bài hộ cho 24 quyển phạm trường quy. Nguyễn Văn Siêu (7) làm phân khảo lấy đỗ cho cháu của bạn mặc dù đã bị đánh hỏng. Mọi việc bị giám sát Hồ Trọng Tuấn đàn hạch: Cao Bá Quát bị tội tử hình. Thiệu Trị cho là Quát không gian lận mà chỉ muốn cứu vớt thí sinh có tài lỡ phạm trường quy, giảm án “giảo giam hậu” (đợi xử giảo, chết toàn thây, không bị chặt đầu). Sau lại đổi qua “xuất dương hiệu lực” cho theo phái đoàn đi Tân Gia Ba. Riêng Nguyễn Văn Siêu bị phạt đánh trượng và đi đày một thời gian.
Giai thoại làng nho toàn tập ghi chép những chuyện như sau:
Khóa thi 1825, có Đốc học Hồ Trọng Điển trường thi Nam Định cho học trò đi thi mặc giả làm người hầu vào lều khảo thí của ông. Khóa thi 1831 có Đề điệu Nguyễn Thọ Xuân trường thi Nghệ An cho hai thị nữ mặc giả lính hầu đem vào trường. Khoa thi 1840, Nguyễn Công Trứ làm chủ khảo trường thi Nam Định đem ả đào vào trường thi. Những việc trên bị phát giác, như chúa Trịnh không nỡ bắt tội nên ỉm đi.
Về người Việt và thi cử dưới mắt người ngoại quốc thế kỷ 17:
Giáo sĩ Baldinotti để lại bút tích vào năm 1626: “Người Việt tính tình ôn hòa, ít nóng nẩy. Nhưng ưa ganh tị, hay khoác lác. Họ nghèo nhưng khinh bỉ ngành giao thương. Họ không thích đi đây đi đó. không tin lời những người đi xa thấy cao học rộng. Họ hay tự cao tự đại cho rằng Việt Nam mình là nhất. Họ hiếu học chẳng phải vì ham hiểu biết mà chỉ vì muốn đạt mục đích ra làm quan”.
Một người Hòa Lan mẹ là người Bắc sinh ở “Ca-cho” (Kẻ Chợ tức Thăng Long) tên Samuel Baron. Trong cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen S. Baron nhận xét về người Việt ở thế kỷ 17: “Tính tình hiền hậu nhưng hèn yếu, ưa khoác lác, hiếu học nhưng chỉ để ra làm quan…“.
***
Đời Mạc (1527-1592) và Lê Trịnh (1600-1788)
Việc thi cử trong đời Mạc không có gì thay đổi nhiều. Chữ Nôm được Hồ Quý Ly là người đầu tiên đem ra dùng để dịch kinh sách từ thế kỷ thứ 14, mãi đến đời Mạc Hậu Hợp 1565 mới dùng chữ Nôm lần đầu trong một khoa thi tiến sĩ với đề mục kỳ đệ tứ phải là một bài phú Nôm.
Lề lối khoa trường đời Hậu Lê vẫn là Tam trường, thi Hương do địa phương tổ chức, đỗ cả 3 hay 4 kỳ gọi là Cử nhân hay Hương cống, Sinh đồ. Nếu đỗ 1 kỳ được gọi là Tú tài. Sau này gọi là tú đơn, tú kép (đỗ 2 khoa tú tài), tú mền (đỗ 3 khoa tú tài), tú đùn hay tú đụp (đỗ 4 khoa tú tài). Đỗ tú tài được làm Huấn đạo, Giáo thụ ở phủ, huyện. Đỗ thi Hương gọi là Hương cống được bổ làm Tri phủ, Tri huyện. Cống sĩ đã đỗ thi Hội vào cung vua thi Đình. Nếu đỗ là tiến sĩ mà trong dân gian gọi là ông Nghè.
Tên này bắt nguồn sau khi đỗ, các tiến sĩ đứng dưới hành lang ngoài sân đình dẫn đến Đại Cung Môn đợi vào chầu vua ban thưởng. Mà mái hiên của hành lang tiếng địa phương người miền Trung gọi là “nghè”.
Đời Mạc và Hậu Lê vì thiếu tiền nên đặt lệ đi thi phải đóng tiền chi phí chấm thi. Vì vậy trường thi là chỗ mua bán, quan trường thông đồng. Nhà Mạc có tranh Đông Hồ…
Từ thầy đồ dạy ở trường làng đến Quốc tử giám vì thần phục văn hóa Tàu nên quanh đi quẩn lại chỉ có sách Nhất thiên tự (sách 1000 chữ), Tam thiên tự (sách 3000 chữ), v…v…đến Tứ thư Ngũ kinh. Tam nguyên Lê Quý Đôn (1726-1784) thâu tóm cái học của nhà Nho trong câu: “Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi”, nghĩa là chỉ cần học thuộc lòng 1000 bài thơ, 100 bài phú và 50 bài văn sách là đủ thi đỗ”.
Mặc dù nhà Mạc chỉ kéo dài 65 năm nhưng theo Đại Nam nhất thống chí chép một vị nữ trạng nguyên có một không hai của nước ta tên Nguyễn Thị Duệ, người Hải Dương. Bà theo cha lên Cao Bằng, đất của họ Mạc. Bà là người tuyệt sắc, lại rất thông minh, 10 tuổi đã biết làm văn bài. Ông thân bà tiếc tài con gái, cho cải nam trang đi học. Năm 17 tuổi, Mạc Kính Cung mở khoa thi Bính Thìn 1616, trong khi thầy dậy học bà đỗ thứ hai, bà lại đỗ thủ khoa. Tự xét về văn tài mình, bà viết: “Nữ nhi dù đặng cỏ thi – Ắt là tay thiếp kém gì trạng nguyên”. Bà mất, dân làng làm tượng thờ bà, có bức hoành đề: “Giáp khoa tiên chiếm Cao Bằng bảng – Đại bút do truyền Bát cổ bi”.
***
Đời Nguyễn Tây Sơn (1788-1802)
Quang Trung muốn gây dựng một nền quốc học nên chú trọng vào chữ Nôm. Trong các khoa thi, đề ra bằng chữ Nôm và thí sinh phải làm bằng bài chữ Nôm. Chữ Nôm được Hồ Quý Ly là người đầu tiên đem ra dùng để dịch kinh sách từ thế kỷ thứ 14, mãi đến đời Mạc Hậu Hợp 1565 mới dùng lần đầu trong một khoa thi tiến sĩ. Và phải đến đời Quang Trung mới dùng chữ Nôm trong khoa thi Hương ở Nghệ An mà Nguyễn Thiếp tức La Sơn phu tử là chánh chủ khảo. Việc dùng chữ Nôm đang dang dở nửa chừng vì ngài mất quá sớm nhưng nhờ vậy mà sau này chữ Nôm có tư thế và khởi sáng trong văn học nước ta.
Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép:
Ngô Thì Nhậm cầm đầu phái bộ đi sứ sang Tàu, lúc đến sứ quán thấy hàng chữ đề An Nam di sứ công quán (Công quán của sứ bộ xứ man di An Nam). Ông không vào và nói: “Ta không phải đại diện cho xứ man di nên không vào sứ quán này”. Quan nhà Thanh nói chữa rằng đối với Trung Hoa thì tất cả đều là man di, mọi rợ hết. Ngô Thì Nhậm cười rằng: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Phải chăng qúy quốc là mọi rợ hay sao mà lại tiếp xúc với nhiều nước mọi rợ khác?”. Quan nhà Thanh phải sửa cái biển thành Nam quốc sứ quan công quán. Lúc đó Ngô Thì Nhậm mới chịu dẫn phái đoàn ngoại giao của nước ta vào.
Cũng với giai thoại đi sứ, trong Đề Từ của sách Bắc sứ thông lục, Lê Quý Đôn kể chuyện chính ông đi sứ năm 1760:
“Ta tới Nam Quan, liền gặp quan Tuần Kiêm đưa thơ thách họa. Dọc đường gặp các quan liêu đặt những câu hỏi hóc búa, họ bắt bẻ tranh luận như là kẻ địch. Vậy mới biết lòng người khác nhau. Lấy văn tự làm quen nhau thì người bốn bể đều là anh em cả. Vả chăng nếu mình rụt rè, ít nói năng thì bị người ta khinh bạc, mà dùng tiếng Di Ngôn Di Sứ (lời mọi, sứ mọi) mà chỉ chúng ta.
Chính vấn đề các viên chức Thanh ở quan ải vẫn luôn luôn dùng tiếng Di (mọi) để trỏ người mình, kể cả sứ thần, là một điều mỗi lúc sứ ta sang, đều phải tranh biện phản đối và đòi cải cách. Sứ bộ gửi tờ trình cho viên Tuần phủ Quảng Tây xin thôi dùng chữ Di. Đại ý tờ trình như sau: “Trong các công văn và khi tiếp đón sứ thần mọi nơi đều gọi hai tiếng An Nam. Thế mà ngày chúng tôi đến cửa quan ải, quan đạo chỉ hô: Di quan, Di mục, làm chúng tôi hổ thẹn rất sâu”. Ấy vậy mà tờ khái này viết ngày 13 tháng Chạp năm Tân Mão 1761. Sứ bộ tưởng trước Tết sẽ về đến nhà, nhưng phải đợi gần một tháng, quan Thanh mới chịu mở cửa quan ải. Đến khi tới Nam Ninh, Yết quan Đạo Đài, giữa đám đông người mà vẫn dùng chữ “Di”. Sứ thần xin theo lệ đời Ủng Chính thứ 9 (173l) giới thiệu các sứ thần bằng chức danh. Viên Bố Chánh biện luận một cách khôn khéo rồi cũng nhận lời. Tôi làm tờ trình của sứ bộ gửi về chúa Trịnh Doanh. Tờ trình nầy rất quí, vì được làm bằng tiếng Nôm, có lẽ để người Thanh không đọc được, nếu chúng tò mò”.
***
Đời Nguyễn (1802-1945)
Gia Long bỏ chữ Nôm trong thi cử và trở về với Tống nho như đời nhà Lê. Vua cho mở trường Quốc tử giám ở Huế và các vị khoa mục thời Hậu Lê được gọi vào giảng dậy. Năm 1807 cho mở khoa thi Hương đầu tiên và phép thi cũng giống như thời Hậu Lê. Theo Dương Quảng Hàm, qua Việt Nam văn học sử yếu:
Đời Hậu Lê thi Hương lấy tú tài và cử nhân. Đời Gia Long vẫn giữ như vậy và chỉ đổi tên: thi Hương trúng cả 3 trường được gọi là Sinh đồ (ông Đồ), đỗ cả 4 trường gọi là Hương cống (ông Cống). Đời Minh Mạng đổi lại là tú tài, cử nhân như đời Hậu Lê.
Mãi năm 1822, Minh Mạng mới mở khoa thi Hội, thi Đình. Thi Hương 3 năm một lần thì thi Hội cũng thế, vì thi Hội bao giờ cũng diễn ra ngay năm sau có thi Hương. Đỗ thi Hội mới được thi Đình sau đó một tháng cùng năm. Thi Hội ở trường thi có lều và nằm trên chiếu thi, người đỗ thi Hội có bảng yết (gọi là Trúng cách). Thi Đình ở trong cung điện và ngồi trên bàn thi, người đỗ thi Đình có lễ xướng danh (lễ Truyền lô). Thi Đình, Minh Mạng bỏ Trạng nguyên, lấy 2 người đỗ đầu là Bảng nhãn và Thám hoa.
Minh Mạng gần gũi với văn hóa Tây phương hơn qua chuyện Michel Đức là con đầu lòng của Jean Baptiste Chaigneau, tức Chúa Tầu Long, một trong hai người ở lại làm quan lâu dài với Gia Long sau khi giúp vua thắng nhà Tây Sơn. Chaigneau đã “vâng mệnh” Gia Long cưới vợ Việt. Là con quan nhất phẩm, thường được ra vào nơi cung cấm nên người sau có nhiều chi tiết do Michel Đức viết trong cuốn Souvenirs de Huế, như:
Nhiều lần Michel Đức được Minh Mạng vời vào cung để hỏi chuyện nước Pháp và nhờ dịch những chữ ghi trên mấy bức họa vẽ cảnh nước Pháp. Trước hết, Michel Đức phải đọc to lên, sau dịch từng chữ, cuối cùng mới dịch nghĩa toàn câu. Để Michel Đức khỏi nhẩy những chữ khó, Minh Mạng chỉ từng chữ một. Mỗi khi dịch xong, viên quan ngồi cạnh phải ghi ngay lại bằng chữ Hán. Gặp chữ tên người hay tên tỉnh không dịch được, viên quan lúng túng thì chính Minh Mạng chỉ cho nên dùng chữ gì?.
Cũng trong cuốn Souvenirs de Huế Michel Đức Chaigneau viết: “Người Việt ở thế kỷ 19 tài giỏi thì cũng có đấy. Nhưng hay khoe khoang, khoác lác, lại… ở bẩn!!!”.
Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), người Cần Thơ, Minh Mạng thứ 16, đỗ thủ khoa thi Hương năm 28 tuổi tại trường thi Gia Định nên được gọi là Thủ khoa Nghĩa. Ông hay uống rượu và làm thơ Hán Nôm, trong lúc nhàn đàm với các quan, cầm tập thơ Đường thi tam bách thủ đọc bài Nhân gian tứ hỷ để bình văn luận nghĩa:
Nghĩa thơ thì một trong tứ khoái của con người là hạn lâu gặp mưa rào, xa quê gặp bạn cũ, đêm động phòng hoa chúc, bảng vàng đề tên. Mọi người gật gù tấm tắc khen, nhưng Thủ Khoa Nghĩa lắc đầu vì chỉ thường thôi. Nếu thêm mỗi câu đầu hai chữ:
Bùi Hữu Nghĩa dẫn giải: mười năm nắng hạn mới gặp mưa rào, ngàn dặm xa quê lại gặp bạn cũ, nhà sư có được đêm động phòng hoa chúc, và học trò dốt đi thi thấy bảng vàng đề tên” thì chẳng…khoái hơn lắm ru.
Khoa cử đời Nguyễn kỳ thị Bắc Nam, năm 1825, sĩ tử Thừa Thiên, Quảng Nam không một ai đỗ. Minh Mạng sai Lục bộ lấy thêm Cao Xuân Dục ở Thừa Thiên lúc này chỉ là Hương cống. Ông này sau là chánh chủ khảo trường thi Nam Định, Tú Xương là sĩ tử khoa thi Hương năm ấy và làm bài thơ vịnh ông có câu:
Năm 1826 thi Hội, sĩ tử trên 200 người, quan trường lấy đỗ 9, Minh Mạng bảo 9 người đỗ đều là người Bắc là sao thế? Nên cho người Thừa Thiên để cổ lễ sĩ phong mới phải? Thế là quan trường lấy thêm Phan Thanh Giản.
Kể từ khoa 1829 Minh Mạng định lệ sĩ tử ứng thí phải khai tên họ, lý lịch ông cha ba đời trên mặt quyển. Những ai có ông cha ba đời làm nghề xướng ca, hay can trộm cắp hoặc làm giặc đều không được đi thi (làm quan với nhà Tây Sơn hay với nhà Lê cũng bị coi là làm giặc mặc dù nhà Nguyễn áp dụng thi cử của nhà Lê). Năm 1831, tại trường thi Thừa Thiên, Lê Đức Quang, Phạm Huy có cha làm quan đời Nguyễn mà ghi lầm là làm quan với nhà Lê đều bị xóa tên trên bảng cử nhân. Làng Tức Mặc (sau là Xuân Trường) thuộc Nam Định, quê hương của các vua nhà Trần, bị cấm học văn để giữ tinh thần… thượng võ. Năm 1828, khi văn bài sĩ tử miền Bắc sút kém, Minh Mạng bảo chánh chủ khảo Bắc thành: “Bắc Hà vốn là nơi văn vật, hóa ra chỉ là hư danh!”. Năm 1834, gần đến khoa thi hai trường Nam Định và Hà Nội, vua lại ra dụ: “Mỗi trường không được lấy quá 50 tú tài”. Trong khi 4 trường Thừa Thiên, Nghệ An, Bình Định, Thanh Hóa sĩ số chuẩn định là 100. Ngoài ra còn biệt lệ khác cho phép một số tú tài được thi Hội: Tôn sinh (người trong hoàng tộc), ấm sinh (con quan). Huấn đạo, Gíao thụ (những người có tú tài được bổ vào chức vụ này ở phủ, huyện).
Nhà Nguyễn có tất cả 8 trường thi, sau rút lại còn 5 là: Gia Định, Thừa Thiên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Nam (Năm 1886 thời Đồng Khánh hai trương thi Hà Nội (8) và Nam Định (9) nhập làm một. Vì trường thi Hà Nội bị Pháp đóng cửa năm 1882, khoa thi cuối cùng là khoa Kỷ Mão (1879). Khoa thi hương cuối cùng của trường thi Nam Định năm Ất Mão1915. Thời Đồng Khánh, thi hương cứ 1 cử nhân lấy 3 tú tài. Thời Thành Thái, thi Hương bỏ “kinh nghĩa” (giảng giải kinh sách), thơ phú, chỉ giữ văn sách (bàn phép trị nước) và luận. Thêm Quốc ngữ, địa lý, cách tri, toán pháp. Thời Duy Tân, thi Hương thêm phần Pháp văn.
Nguyễn Khuyến (1835-1910) người làng Yên Đổ, Hà Nam. Năm 1864, đỗ Giải nguyên trường Hà Nội, năm 1871 đổ Hội nguyên và Đình nguyên, tức là Tam nguyên. Vì vậy mọi người gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Ông có câu đối viếng Tú Xương:
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
Tú Xương (1870-1907) lận đận với thi cử, ông làm bài thơ Phận hẩm duyên ôi:
Năm 1903, Tú Xương đổi chữ lót “Tế Xương” ra “Cao Xương” nhưng vẫn hỏng.
Mà chó thật, vì từ câu “Đỗ suốt hai trường hỏng một tôi” cho thấy Tú Xương hỏng ngay từ trường hai vì nhầm chữ “Kiện” với chữ “Tiệp” vì cái nạn trường quy. Nhờ câu thơ trong bài Buồn vì hỏng thi: “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy!”, câu này cho thấy ít nhất khoa thứ 8, gần nửa đời người cho thi cử ở trường thi Nam Định, có đất Vị Xuyên quê ông, Tú Xương lại phạm trường quy một lần nữa, mà khoa thứ tám này là khoa Bính Ngọ (1906). Năm sau ông mất (1907).
Tam nguyên Trần Bích San (1838-1877) cũng người Nam Định. Năm 1864 ông đỗ Giải nguyên trường Nam Định lúc 26 tuổi. Năm sau, 1865 vào kinh thi đỗ luôn Hội nguyên và Đình nguyên. Đỗ đầu ba kỳ thi liên tiếp nên có học vị Tam nguyên, vua Tự Đức ban tên hiệu cho ông là Hy Tăng để so sánh với Vương Tăng đời nhà Tống bên Tàu. Ông đảm nhiệm Lễ bộ sự vụ, sau được bổ làm Tuần phủ Hà Nội.
Trong chức vụ trên ông thường có dịp giao thiệp với người Pháp. Có lần Phó thủy sư Đô đốc Dupré ghé thăm xã giao ông. Dupré dắt theo một con chó. Chủ khách vừa an tọa thì con chó nhảy lên nằm trên ghế đối diện. Ông cho đó là dụng ý của Dupré muốn bỉ mặt mình nên phủi áo đứng dậy không tiếp Dupré nữa và sai lính đánh chết con chó. Năm 1877 có cuộc đấu xảo ở Ba Lê, Tự Đức ngỏ ý muốn cử một phái đoàn ngoại giao sang Pháp để tỏ tình hữu nghị. Dupré ưng thuận nhưng yêu cầu cử Trần Bích San làm chánh sứ. Vua Tự Đức triệu ông vào kinh để trao sứ mạng. Vì e rằng Dupré sẽ trả thù làm nhục lây đến quốc thể mà lệnh vua không thể trái, ông nuốt giấy bản tự vẫn. Thi hài ông được đưa về làng Vị Xuyên mai táng, lúc đó ông mới 39 tuổi.
Đời Tự Đức 1852, vẫn giữ 4 trường cho thi Hội, nhưng thi Hương rút lại còn 3 trường. Tự Đức tuyển những người khỏe mạnh ở phủ, huyện vào triều làm võ sinh và mở khoa thi Võ tiến sĩ. Vua là một thi nhân còn là một nhà học giả uyên thâm hơn cả các quan văn đã từng khoa trường xuất thân, trước mặt các quần thần, một lần vua nói: “Trẫm bất ứng thí, nhược ứng thí, tất trúng trạng nguyên”. Bởi thế, vua cùng hai Bảng nhãn, hai Thám hoa, mỗi người làm một bài luận phú rồi rọc phách nhờ vua Tàu lập một ban giám khảo chấm giùm. Khi ống quyển trả lại, bài của Tự Đức có chữ son phê: “Bài này tỏ ra tác giả là một người học rộng, khí phách không phải là một người thường, nhưng lại là môt người… không có tài chi mấy”. Và Tự Đức đứng… đội bảng.
Ao nghiên ruộng chữ với mỗi sách mỗi giai thoại khác nhau như thời Tự Đức có Ông Ích Khiêm người Quảng Nam. Vốn dòng dõi người Cao nguyên, trước họ Ong, đến đời Tự Đức thi đỗ cử nhân, vua cho đổi thành họ Ông. Tự Đức mất, triều chính rối loạn, vua kế vị còn nhỏ, Tường Thuyết chuyên quyền, văn thần võ tướng chỉ là một lũ cầu an không ai lo đến việc nước. Ông bực dọc bèn đặt ra một tiệc mời khắp mặt đại thần tới dự. Các món ăn đều là… thịt chó. Lúc vào tiệc, nhiều người không ăn được thịt chó, ngập ngừng hỏi món ăn khác, ông trả lời: “Bẩm, bữa cơm hôm nay toàn chó cả thôi”. Cơm xong, các quan gọi nước, mãi không thấy người nhà đưa lên vì ông đã dặn trước đừng đưa nên ai nấy đều khô cổ vì rượu. Một lúc sau, người nhà mang nước lên ông mắng: “Lũ chúng bay chỉ biết đứa lớn đứa nhỏ ngồi ăn hại, còn thì không biết việc nước… chó gì cả”. Các quan đều tím mặt.
Với tam sao thất bản, giai thoại khác do Ông Ích Khiêm kể:
Một lần tại nơi Cao Bá Quát làm việc ở bộ Lễ, Quát chứng kiến một vụ cãi cọ giữa hai vị quan đồng sự, mới đầu hai người đấu khẩu nhau về một vụ gì đó, rồi sau tức giận quá đi đến ẩu đả. Bộ Lễ tâu lên vua để phân xử. Vua bắt lính dẫn cả hai bên và nhân chứng là Cao Bá Quát để xét hỏi. Từ xưa Quát vẫn ghét những quan đồng sự ở bộ, nên nhân dịp được vua truyền gọi đến làm chứng, Quát làm tờ khai sau đây, cốt để “chửi xỏ” tất cả bọn quan lại cùng làm việc ở bộ. Tờ khai bằng chữ nho như sau:
Tiền thần bất tri
Hậu thần bất tri
Trung gian thần tri
Đản kiến:
Thượng bàn hô cẩu!
Hạ bàn hô cẩu!
Thượng hạ giai cẩu.
Lưỡng tương đấu ẩu
Thần gián bất đắc
Thần kiến thế nguy
Thần hoảng thần tẩu.
Nghĩa là: “Trước ra sao, sau thế nào, thần không được biết. Thần đến lúc nửa chừng thấy bàn trên hô: “Chó!”, bàn dưới cũng hô: “Chó!” Trên dưới đều là… chó. Rồi hai bên đánh nhau. Thần can không được. Thần thấy nguy, thần sợ thần chạy”.
Tự Đức đọc tới câu: “Thượng hạ giai cẩu”, biết Quát lợi dụng lời khai gọi tất cả là… chó, nhưng vì lời khai đúng sự thực nên không làm gì được phải cho Quát ra về.
Thi Đình thời Nguyễn
(trích Lều Chõng của Ngô Tất Tố)
Bây giờ đến giờ làm văn, cống sĩ ai về chỗ nấy. Các quan văn võ đều phải ra hết ngoài viện Ðãi lậu. Trong điện, tả vu cũng như hữu vu, mỗi bên có một tên lính đóng cửa đứng canh sân điện có viên tuần la và viên tuần sát đi lại tuần phòng, ở ngoài hai cửa túc môn thì có hai trăm biền binh của quan thị nội thống chế phái đến canh giữ.
Vân Hạc mới giở tập đầu bài đã thấy hoảng hồn. Làm sao mà nó dài thế ? Mười tờ giấy đặc, lỳ lịt những chữ là chữ. Coi qua một lượt thì thấy nửa trên hỏi về ý nghĩa các kinh truyện, tử sử của Tầu, nửa dưới hỏi về công việc hiện thời của nước nhà, tất cả đến gần trăm câu hỏi. Chàng liền gấp lại và chỉ để hở mấy dòng ở đầu cho lúc trông đến khỏi nóng ruột. Viết xong ba chữ “đối thần văn” và mấy câu chúc tụng nhà vua mà người ta gọi là đoạn “tụng thánh” chàng mới nhìn vào dòng chữ để hở ở đầu bài, rồi theo thứ tự từ trên xuống dưới lần lượt giả nhời từng câu hỏi một.
Cũng may, văn sách thi đình chỉ cần ý kiến, không cần văn chương mẹo luật như văn sách thi hương, thi hội, và quyển văn lại được viết thảo không cần phải viết chân phương, cho nên vừa nghĩ vừa viết cũng không lâu lắm. Chừng đến nửa buổi chàng đã trả lời được hai phần ba đầu bài. Vân Hạc viết lia viết lịa từ bấy giờ cho đến gần trưa, quyển văn đã hết già nửa, chàng suy nghĩ ba, bốn phút gì đó rồi lại cắm cổ mà viết. Quá trưa, bài làm đã xong chừng ba phần tư, vua lại ban đồ ăn nước uống, chàng và các cống sĩ lại phải ra sân quỳ nhận, rồi lại tạ ân năm lễ.
Trời nhá nhem tối, chàng viết vừa xong, các cống sĩ cũng đều xong cả, ai nấy đem quyển ra nộp cho quan tuần la. Bấy giờ biền binh ngoài cửa túc môn lại ngỏ cánh cửa cho các cống sĩ đi ra. Rồi quan giám thí đại thần và tất cả các viên quan khác đều phải trở lại trong điện. Ông thu quyển nhận quyển của ông tuần la giao lại, ông ấn quyển đóng dấu “Luân tài thịnh điển” vào các cuối quyển, ông di phong xếp quyển vào rương và dán niêm phong, rồi giao cho ông thu trưởng canh giữ. Các ông ấy đều phải ngủ ở triều phòng để ngày mai chầu chực nhà vua chấm văn.
Vân Hạc và các cống sĩ ra khỏi cửa điện thì trời tối mịt.
Thêm một giai thoại vào đời Tự Đức:
Kỳ Đồng vốn tên là Nguyễn Văn Cẩm, người Hưng Yên. Sinh cuối đời Tự Đức, thiên tư rất là đĩnh ngộ. Lúc bé, thân phụ là một nhà nho uyên bác bắt đầu dạy sách Tam tự kinh. Lên mười, Ngũ kinh, Tứ thư đều thông, vì ông chỉ trông qua là nhớ, mỗi ngày học đến trăm trang sách. Năm ấy, nhân có kỳ hạch ở tỉnh Hưng Yên, để năm sau thi Hương ở trường Nam Định. Khi các quan tỉnh và huấn đạo, giáo thụ, hội đồng ở Văn miếu, thấy ông còn nhỏ mà đã đi thi đều lấy làm lạ, cho gọi đến để ra câu đối:
“Khổng môn truyền đạo chư hiền, Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử”. Câu ra, khó và lắt léo; dùng ba chữ Tử, mà trong tên Tử tư chữ Tử ở trên. Còn tên Nhan tử, Mạnh tử hai chữ Tử đều ở dưới. Ông đối: “Chu thất khai cơ liệt thánh, Thái vương, Vương quý, Văn vương”. Ông đối được hay, là có ba chữ Vương, Vương quý chữ Vương ở trên. Còn Thái vương, Văn vương, chữ Vương ở dưới.
Hồi ấy, nước ta trọng văn học, các quan thấy ông còn ít tuổi mà đã có kỳ tài, bèn làm sớ trong đó biên cả hai câu đối dâng về kinh. Tự Đức, xem thấy bèn sắc cho hai chữ Kỳ Đồng. Vì có chữ vua cho nên mọi người gọi ông là Kỳ Đồng.
Cách mấy năm sau, Pháp chiếm Bắc kỳ đặt cuộc bảo hộ. Ông lập đạo quân kéo lên khôi phục tỉnh thành. Người Pháp bắt ông, sau cho sang Pháp học. Học mấy năm thi đỗ Tú tài.
Ông Kỳ Đồng là người thi đỗ Tú tài Pháp trước nhất ở nước ta.
Về nước năm 1897, đời Thành Thái, ông lên Yên Thế liên lạc với Đề Thám. Pháp có ý lo ngại nên bắt ông đi đầy ở Tahiti. Ông lập gia đình với người bản xứ, theo nhà văn Nguyễn Tuân, sau thành bạn của họa sĩ Gauguin. Ông mất năm 1928 tại Tahiti.
Vị tam nguyên thứ năm là Vũ Phạm Hàm, người Hà Đông, đỗ Giải nguyên, Hội nguyên và Đình nguyên đời Thành Thái. Lý do là ông nổi tiếng có trí nhớ dai, nhưng không thấy ông để lại một tác phẩm nào cả về chữ Hán lẫn chữ Nôm ngoài…một số câu đối.
***
Sau Thành Thái, Duy Tân là Khải Định, vua nổi tiếng là giỏi chữ Hán và chữ Nôm, dưới đày là một câu đối trên rặt Nôm, dưới ròng Hán của vua:
“Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoanh ra dáng rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng”.
“Quốc gia lịch tứ thiên dư, do truyền nhân vật, như Tô như Duật, như Phật Tử Quân, như Trần Quốc Tuấn, như Phạm Công thượng tướng quân, như Bạch Vân phu tử, như ngự sử Lê Cảnh Tuân, như công thần Nguyễn Công Trứ, tài chi tuấn thời chi tuế, thế chi ư, khí nhưng nhiên phủ, thần long đắc vũ tiện vân đằng”.
Thời Khải Định, Huỳnh Thúc Kháng phê bình lối học Tống nho: “Mình nhận với học khoa cử cùng lối học Tống nho là lối học tầm chương Khổng Mạnh. Chính là chỗ hỏng, chỗ dở của người Tàu mà minh bắt chước”. Phan Chu Trinh xuất thân nho học, đỗ tiến sĩ, trong Văn tế sống các sĩ tử viết thêm: “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc”. Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo cho biết thêm “Triều Tiên bỏ thi cử theo Trung Hoa từ năm Giáp Ngọ 1894. Trung Hoa cũng bỏ khoa cử từ năm Canh Tý 1900. Đó là một việc nhơ nhớp duy chỉ nước ta còn có mà thôi”. Và tiếp: “Người ta mửa ra thì mình nuốt vào, mở miệng ra chỉ biết chi, hồ, dã, giả mà thôi”.
Báo trước cho sự cáo chung của nền khoa cử Nho học là nghị định ngày 21/12/1917 của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut về việc cho ban hành Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông dương. Và phải đợi đến chấm dứt Chiến tranh đệ nhất thế chiến, nhà Nguyễn mới… ”chấm dứt” kỳ thi Hương cuối cùng tại trường thi Nam Định vào năm 1915 và Nghệ An, Bình Định năm 1918. Và phải chờ đến khi Albert Sarraut ra lệnh đình chỉ khoa cử Tống Nho bằng vào khoa thi Hội. Ngày 01/3 năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4, ngày 01/4/1919 triều đình Huế mở khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức dưới triều nhà Nguyễn và cũng là khoa thi cuối cùng của nền khoa cử nước ta.
Như vậy, kể từ khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) dưới đời Lý Nhân Tông đến khoa thi năm Kỷ Mùi (1919) dưới đời Nguyễn Bửu Đảo Khải Định, lịch sử nền khoa cử sau ngót 900 năm tồn tại đã có tất cả 188 khoa thi (đại khoa), lấy đỗ được 2898 vị, trong đó có 46 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn, 76 Thám hoa, 2462 Tiến sĩ và 266 Phó bảng.
Khải Định hạ chiếu chính thống hóa văn tự An Nam và ban cho tên mới là Quốc ngữ vào năm 1918. Bước sang một khúc quanh khác khởi đầu từ năm 1914, nhà nho Thương thư Lệ thần Trần Trọng Kim (1882-1953) viết những tác phẩm Việt Nam sử lược I & II (1928), Nho giáo I & II (1930), Đường thi (1944), với… 4000 năm văn hiến.
***
Năm cùng tháng tận, theo bước chân đi cụ cuồng chữ Cao Bá Quát… nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ (10). Thôi thì năm hết Tết đến, thơ thơ thẩn thẩn học mót cụ cuồng chữ Cao Chu Thần với… nhai văn nhá chữ buồn ta, con giun còn biết đâu là cao sâu! (11) Bèn đốt lò hương cũ cảo mực đề văn với ao nghiên ruộng chữ tam sao thất bản cũng không ngoài… xếp tàn y lại để dành hơi.
Nguồn: Võ Thu Tịnh, Trần Bích San,
Nguyễn Thị Chân Quỳnh..
Phụ chú:
1- Trích thơ Cao Bá Nhạ (con Cao Bá Đạt, anh em sinh đôi với Cao Bá Quát):
Thú thôn ở ao nghiên ruộng chữ
Màu giang sơn cơm áo sử kinh
2 – Tứ thư gồm có Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học và Trung Dung. Ngũ Kinh gồm Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch và Kinh Xuân Thu.
3 – Khởi đầu có tên là Văn thánh miếu, dựng tháng 8 năm Canh Tuất 1070 đời Lý Thánh Tông, phía tây nam thành Thăng Long, thờ Khổng Tử và Chu Công tại chính điện, thêm Tứ phối là Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư va Mạnh tử. Lúc đầu dậy con vua, sau mở khoa thi tam trường, cho quan viên, văn chức vào học nên được gọi là Quốc tử giám, trong số những học quan đứng đầu là Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An. Gia Long mở trường Quốc tử giám ở xã Yên Ninh, phía tây thành nội Huế, chính điện thờ Khổng Tử, hai bên là thần vị Tứ phối, phía đông và tây thờ Thập nhị triết, trước sân là tả vu và hữu vu, thờ Thất thập nhị hiền, phía nam là khu dựng bia tiến sĩ triều Nguyễn.
4 – Nguyễn Tuân đã nhầm lẫn ở hai khoa thi Hương: Khoa thi Ất Mão (1915) là khoa thi cuối cùng ở miền Bắc. Còn Khoa thi Mâu Ngọ (1918) là khoa thi cuối ở miền Trung.
5 – Muốn thi Hương phải qua một kỳ thi Hạch được quan Đốc học ở tỉnh tổ chức mỗi năm một lần. Ai đỗ mới được thi Hương và gọi là khóa sinh, nhiêu sinh. Từ đó dân gian mới gọi là “anh nhiêu, anh khóa. Ai đỗ đầu kỳ thi Hạch được gọi là “Đầu Xứ”.
6 – Triều đình có thể lấy thêm người này bớt người kia hay thay đổi thứ bậc. Cao Bá Quát (1808-1854).đồ Á nguyên trường thi Hà Nội 1831, bị bộ Lễ xếp xuống cuối bảng.
7 – Chữ đẹp được tăng điểm, chữ xấu có thể bị đánh hỏng như trường hợp Nguyễn Văn Siêu người Hà Nội (1796-1872). Thi Hương đỗ đầu, bị xếp xuống hàng thứ hai. Thi Hội khóa đỗ tiến sĩ bị xếp xuống hàng phó bảng chỉ vì chữ “như gà bới”. Tự Đức trêu: “Thần đâu mà chữ xấu như ma – Lem lọ cho người ngó chẳng ra – Nếu phải họa bù trừ quỷ tặc – Khôn thiêng thì hãy hộ Hoàng gia”. (Theo Giai thoại Thăng Long).
8 – Sĩ tử trường thi Hà Nội gồm các tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng.
9 – Sĩ tử trương thi Nam Định gồm các tỉnh: Nam Định, Hải Dương và Quảng Yên.
10 – Thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng là hay chữ. Được biết ông Siêu dạy học ở Hà Nội, ông Quát từ Bắc Ninh sang Hà Nội đến trường của ông Siêu dạy để nghe giảng bài. Ông Quát tới nơi, đứng cửa sổ dòm vào, thấy một ông đồ khoảng 25, 26 tuổi, ngồi trên một cái chõng cũ siêu vẹo, học trò thì ngồi lê la dưới đất, chứng tỏ là một lớp học nghèo. Thầy đồ Siêu nhìn thấy một anh chàng trẻ tuổi chừng mười lăm, mười sáu, thơ thẩn đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, thầy đồ hỏi: “Anh đi đâu mà đứng ở đây?”. Ông Quát trả lời: “Tôi là học trò đi qua trường thấy thầy giảng văn muốn xin thầy cho vào nhập học”. Ông Siêu muốn thử tài học của Quát, bèn nói: “Nếu thật anh là học trò, thì anh đối thử vế đối này”:
– Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két.
(Ông thầy ngồi trên chõng, (chõng kêu) cót két, két cót, cót cót két két).
Ông Quát đối lại:
– Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ.
(Trò nhỏ vào sân trường, (đi) thẩn thơ, thơ thẩn, thẩn thẩn thơ thơ.
Nguyễn Văn Siêu nghe vế đối tài tình rất phục, mời vào trong ngồi, hỏi tên tuổi và lai lịch mới biết là Cao bá Quát ở Bắc Ninh, là người mà ông đã nghe tiếng đồn là “cuồng chữ”. Về sau cả hai trở thành đôi bạn thân thiết mặc dầu tuổi tác chênh lệch, rồi hai ông nổi tiếng khắp nơi, được người đời khen tặng là “Thần Siêu thánh Quát”.
11 – Thơ Cao Bá Quát khi đi Tân Gia Ba 1843: ”Nhai văn nhá chữ buồn ta – Con giun còn biết đâu là cao sâu! – Tân-gia từ biệt con tầu – Mới hay vũ trụ một bầu bao la”.
Phụ đính:
(*) Năm 1702 vua Lý Thánh Tông mất, con trai Ỷ Lan là thái tử Càn Đức lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông mới 6 tuổi, do đó cần có Thái hậu Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính. Năm 1705, triều đình (dưới sự đóng góp của Thái hậu Ỷ Lan) cho mở khoa thi tam trường để lấy người văn học ra làm quan. Đây là kỳ thi đầu tiên ở nước ta chọn được hơn 10 người mà thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Ngay năm sau, 1706 triều đình lập Quốc tử giám, được xem là đại học đầu tiên của nước nhà. Nền Nho học bắt đầu từ đó.
Trong giai đoạn này, vua Lý Nhân Tông chỉ độ 10 tuổi, Lý Đạo Thành lo việc nội chính, Lý Thường Kiệt lo việc ngoại chính, trên thì có Thái hậu Ỷ Lan lo việc triều chính.
Năm 1096, bà cho tu bổ lại chùa Khai Quốc (tức Trấn Quốc sau này) và dựng chùa:
chùa Giạm (Quế Võ, Bắc Ninh), chùa Một Mái (Quốc Oai, Sơn Tây), chùa Phật Tích (Tiên Sơn, Bắc Ninh), chùa Bảo Ân (Nông Sơn, Thanh Hóa), chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội). Bà mất năm 70 tuổi, bà được thờ tại chùa Linh Nhân Từ Phúc Tự mà dân gian gọi là chùa Bà Tấm.
Sách Thiền Uyển Tập Anh có bài kệ của bà luận về “sắc, không” :
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc? Không? Thôi mặc cả
Mới thấu được chân tông
(Lê Phước – Thái hậu Ỷ Lan)