Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Công nghiệp Tiên Chúa Nguyễn Hoàng

Nguyễn Hoàng, tục danh là chúa Tiên, theo cách giải thích của sử thần Nguyễn Khoa Chiêm là do đương thời rất trọng đạo giáo tu tiên của Lão Tử, cũng là vị chúa khởi nghiệp của Nguyễn triều. Ông chủ trương kiến lập quyền vương đối trọng với họ Trịnh phía Bắc, đề xuất táo bạo đường lối tam tiến, đặt một cột mốc quan trọng trong quá trình mở cõi của dân tộc.

Từ chủ kiến biến thành hiện thực là một chuỗi thử thách liên tục hơn nửa đời người, trải dài từ nửa sau thế kỷ XVI vắt qua hơn một thập niên đầu của thế kỷ kế theo. Thời thế tạo anh hùng. Cục diện chính trị đã thúc bách hành động tiến bước về Nam của người anh hùng Nguyễn Hoàng: năm 1611 lập phủ Phú Yên, nối dài lãnh thổ thêm hơn 1 vĩ độ, làm bàn đạp chắc chắn cho hướng đi của lịch sử thời trung đại Việt Nam.

Dựng nước, giữ nước và mở cõi nhất thống trong cùng tiến trình hơn 3000 năm của dân tộc. Nguyễn Hoàng hoàn toàn xứng đáng được vinh danh người anh hùng bên cạnh các tên tuổi lẫy lừng trên một chặng đường nhiều thách thức nghiệt ngã nhưng đầy kiêu hãnh và mặc nhiên trường tồn ấy

Nguyễn Hoàng xuất thân dòng dõi đại công thần, cha là Hưng Quốc công Nguyễn Kim, người có công đầu trong sự nghiệp trung hưng triều Lê. Ông ra làm quan với tước Hạ Khê hầu, từng chém chết tướng giặc Trịnh Chí, được vua Lê Trang Tông “yên uỷ khen rằng: thực là cha hổ sinh con hổ!” [1], sau vua Lê Trung Tông phong đến Đoan Quận công. Bị Thái sư Trịnh Kiểm dồn ép nghi kỵ, Nguyễn Hoàng tìm cách thoát thân bằng sợi dây tình cảm gia đình qua bà chị Ngọc Bảo, cũng là vợ cả của họ Trịnh: xin cho vào trấn đất Thuận Hoá. Quyết định lựa chọn duy nhất này của họ Nguyễn đã tạo nên một cục diện chính trị độc đáo và mở ra tiền lệ hiếm hoi trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Những thành công ban đầu.

Thực vậy, bóng dáng của một vị chân chúa tương lai đã hiện ra qua lời tâu thâm sâu đầy ẩn ý của Thái sư Trịnh Kiểm với vua Lê Anh Tông khi bàn về kế sách chống Mạc. Năm Mậu Ngọ (1558) tháng 10, chầu vua ở nơi hành tại, Thái sư dâng biểu: “Xứ Thuận Hoá là một kho tinh binh trong thiên hạ, buổi đầu, quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp, cũng đã dùng dân xứ ấy để diệt giặc Ngô [Minh]. Xứ ấy, địa thế hiểm trở, dân khí cương cường, lại có nhiều nguồn lợi trên rừng dưới biển, là vùng trọng yếu, không xứ nào hơn. Gần đây, quan quân kinh lược hàng mấy chục năm mới lấy được. Vậy nên hết sức bảo vệ, để làm một bức bình phong vững chắc… Hạ thần xét thấy con trai thứ của Chiêu Huân Tĩnh công là Nguyễn Hoàng, là một người trầm tĩnh cương nghị, lại có mưu lược, đối với quân sĩ có độ lượng khoan dung giản dị. Vậy xin bổ ông làm trấn thủ, để trị an nơi biên thuỳ và chống giặc ở miền Bắc kéo vào; và lại cùng với Trấn Quận công ở xứ Quảng Nam, cùng làm thế cứu viện lẫn nhau. Hết thảy các việc to nhỏ ở địa phương ấy, xin đều để ông được tuỳ nghi định đoạt; lại xin uỷ cho ông thu các sắc thuế, nộp về triều đình đúng kỳ hạn, để thêm vào sự chi tiêu trong nước. Như vậy thì một vùng Ô Châu, khỏi phải để ý lo tới, hạ thần sẽ khỏi phải phân tâm, mà chỉ dốc hết ý chí về việc Đông chinh: bắt đầu kinh lý xứ Sơn Nam và xứ Sơn Tây, rồi thứ đến khôi phục kinh đô cũ [Đông Đô], tiễu trừ thoán nghịch. Nghiệp trung hưng có thể sớm thành công” [2].

Việc trấn giữ xứ Thuận Hoá của Nguyễn Hoàng thành công trên cả sự mong đợi của triều đình, bên trong thì “vỗ về chăn dắt quân và dân, thu dùng những người hào kiệt; giảm sưu nhẹ thuế; lòng người mến phục. Thời bấy giờ gọi là chúa Tiên” [3], bên ngoài ngăn chặn quân Mạc xâm nhập, “cùng với trấn thủ Quảng Nam Trấn Quốc công (Bùi Tá Hán) cứu giúp lẫn nhau” [4]. Với uy tín đang lên, trong lần ra chầu vua Lê tại Thanh Hoa, Nguyễn Hoàng tiếp tục được Trịnh Kiểm, lúc này đã là Thượng tướng Thái Quốc công, dâng biểu xin cho “đi các xứ Thuận Hoá và Quảng Nam, thống suất binh tượng, thuyền bè và trấn thủ để cõi phiên trấn được vững mạnh” [5]. Trọng trách mới này càng làm nổi bật vai trò đảm lược của ông trên cương vị Tổng trấn tướng quân, nhất là nhằm lúc Trịnh Kiểm qua đời, “trong nhà lục đục, hai xứ Thanh Hoá và Nghệ An đều lay động, duy hai xứ Thuận Quảng vẫn yên lặng” [4]. Càng vượt trội khi so ông với người đồng chức – đồng liêu từng trấn quản Quảng Namtrước đó mà lúc này đang giữ Nghệ An trong tình hình quân Mạc đột nhập giữa năm 1571: “Viên thổ tướng là Nguyên Quận công Nguyễn Bá Quýnh, vừa nghe tin quân giặc kéo đến, đã vội vàng chạy trốn trước. Xứ Thuận Hoá và xứ Quảng Nam cũng dao động. Nhưng viên tướng trấn thủ hai xứ này là Nguyễn Hoàng, sẵn có danh vọng uy tín, lại nhiều mưu lược quyền biến, khống chế trong hạt bằng quân luật nghiêm khắc, có viên bộ tướng nào định hàng giặc ông đều bắt giết hết. Bởi thế quân họ Mạc không thể phạm tới hai xứ này” [2].

Tính cách kiên quyết cùng với quân lệnh nghiêm minh đã giúp cho đội quân dưới trướng của Nguyễn Hoàng dũng mãnh đánh bại đối thủ. Ngay cả quyền uy tối thượng của triều đình như Trịnh Kiểm cũng phải kiêng nể ông ở phẩm chất này, như lời của chính các sử gia Lê – Trịnh chép lại: “viên phó tướng trung cơ là Bút Xuyên hầu thấy Thượng tướng [Trịnh Kiểm] bị ốm, ngầm chứa mưu gian, việc bị phát giác, bỏ trốn, nhưng bị đuổi theo bắt về. Thượng tướng định tha tội, Hoàng cố can, mới giết” [5]. Không chỉ nắm binh quyền trong tay, Nguyễn Hoàng còn sở hữu những mưu lược hết sức khôn khéo. Nhờ vậy, vào năm 1572, “Tướng trấn giữ xứ Hải Dương là nguỵ Lập Quận công, đem thuỷ quân gồm hơn bảy mươi chiến thuyền, dùng nguỵ Tiên Quận công [Trịnh Cối] làm hướng đạo, do đường biển vào đánh cướp xứ Thuận Hoá và xứ Quảng Nam, thổ dân nhiều người ra hàng. Viên trấn thủ là Nguyễn Hoàng, bày kế đánh lừa Lập Quận công tới, rồi chém y ngay giữa sông, quân họ Mạc liền tan vỡ, theo đường biển chạy trở về, đều bị chết đuối… Từ đấy, quân họ Mạc không dám nhòm ngó tới hai xứ Thuận Quảng” [2]. Ngay sang năm sau (1573), vua Lê Trang Tông sai người đến Thuận Hoá phong Đoan Quận công làm Thái phó.

Cùng thời gian này, vùng biên viễn phía Nam thuộc phủ Hoài Nhơn thường xuyên bị các toán dân binh Chàm quấy nhiễu, có khi là những chiến dịch quân sự quy mô mà căn cứ xuất phát từ Thành Hồ án ngữ trên bờ Bắc sông Đà Diễn của vương quốc Champa. Để ổn định tình hình một cách căn bản, năm 1578 Nguyễn Hoàng cử Thiên Vũ vệ đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh đem binh chinh phạt, “đánh lấy được Hồ Thành… thăng làm quan trấn An Biên huyện Tuy Viễn” [6], bảo vệ lãnh thổ nơi địa đầu.

Nhận xét về chính sách trị nhậm của Nguyễn Hoàng, sử gia Lê Quế Đường của Lê – Trịnh Đàng Ngoài một thế kỷ sau còn tấm tắc: “chính sự khoan hoà, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp” [4].

Trải nghiệm trên đất Bắc.

Sau khi nhà Mạc bỏ chạy lên Cao Bằng, vua Lê thu hồi được Đông Đô, năm Quý Tỵ (1593) tháng 5, Nguyễn Hoàng “đích thân đem tướng sĩ, voi ngựa, thuyền ghe về Kinh lạy chào, đem sổ sách về binh lương, tiền, lụa, vàng bạc, châu báu, kho tàng của hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam dâng nộp” [5], được phong “làm Tả đô đốc ở Trung quân đô đốc phủ, giữ công việc trong phủ, hàm Thái uý, tước Đoan Quốc công, Tổng đốc tướng sĩ bản doanh, thống lãnh quân thuỷ ở các xứ Nam đạo và 300 chiếc thuyền cả lớn lẫn nhỏ” [3], tiến đánh và dẹp yên giặc biển.

Lê Quý Đôn cho biết: “Bấy giờ Đoan Quận công đã 69 tuổi rồi” mà vẫn tiên phong “đánh đảng giặc ở Sơn Nam và Hải Dương, miền Bắc thì đánh Thái Nguyên, miền Tây thì đánh Tuyên Quang” [4]. Công trạng đánh bắt được tướng Mạc là Thuỷ Quận công ở Thuỷ Đường (Hải Dương) được ghi nhận vào năm 1598 [2], nghĩa là lúc này Nguyễn Hoàng đã 74 tuổi. Rõ ràng Nguyễn Hoàng còn vượt hẳn danh tướng Mã Viện thường được lưu truyền trong cổ sử Trung Hoa. Trước đó ông cũng từng hai lần cùng với vua Lê Thế Tông lên tận trấn Nam Quan hội khám với quan binh nhà Minh vào tháng 2 năm Bính Thân (1596) và tháng 4 năm Đinh Dậu (1597) về các thể thức bang giao, tuy lần sau có đưa lại kết quả song ông tỏ ra bất bình trước thái độ cao ngạo của đám sứ thần Minh triều [2].

Tuy nhiên, những thành tích mang tính chất trọng trách nhà binh trên đây không làm ông quá khích, bởi cảnh tranh đoạt chém giết tương tàn, dân tình đói khổ xiêu tán, mất mùa dịch bệnh khắp nơi. Ngay cả danh tướng của họ Mạc là Ngọc Liễn cũng viết thư khuyên Mạc vương, lúc này đang lưu quân trên đất nhà Minh rằng “Dân ta vô tội mà khiến phải chịu nạn binh đao, ai nỡ lòng nào… Khi hai con hổ cùng tranh nhau, tất nhiên có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân của đối phương tới đây, chúng ta nên tránh đi, cẩn thận chớ có đánh nhau với họ, cốt phải phòng thủ cẩn thận làm chính, lại chớ nên mời người Minh vào nước ta, để cho dân phải lầm than, đó là cái tội không có gì lớn hơn” [2]. Chứng kiến tận mắt thái độ phách lối của bọn sứ thần Minh triều cũng như hành vi hạ mình cầu lợi của quan quân Lê – Trịnh qua việc cầu phong, vị Tổng đốc thuỷ quân Nam đạo trên đất Bắc càng ý thức sâu sắc hơn giá trị tự chủ, tự cường của vùng đất Thuận Quảng dưới uy quyền của một viên Tổng trấn. Bởi thế, một quyết định sáng suốt lập tức được mật hoá thành công lệnh chuyển giao cho thuộc chức tại địa giới phía Nam ngay đầu năm 1597: “Báo cho Lương Văn Chánh là Phù Nghĩa hầu đã có công tòng quân lâu ngày, được quyền coi sóc trấn An Biên, huyện Tuy Viễn, đốc thúc số lưu dân ở xã Bà Thê và các phường thôn khách hộ theo làm nhiệm vụ, dẫn đem theo những hộ dân mới tới các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Nông, trên từ vùng sơn cước, dưới thì đến cửa biển, cùng nhau lập nhà cửa, khai phá đất hoang hoá thành ruộng vườn, trải qua ba vụ thì nộp thuế như lệ. Nếu sinh việc sách nhiễu nhân dân mà bị phát giác sẽ phải chịu tội” [7]. Thói tệ nhũng nhiễu của bọn liêu quan thường ngày càn rỡ khiến ông đặc biệt cảnh giác, càng chứng tỏ trọng trách to lớn của việc đang làm. Nguyễn Hoàng mưu tính một cơ nghiệp ổn định lâu dài nơi mặt Nam đất nước.

Năm Canh Tý (1600), nhận thấy đã ở quá lâu trên đất triều đình mà ngờ rằng bị họ Trịnh giam chân kiềm chế, lấy cớ rằng vì “có công to, Trịnh Tùng thấy thế mang lòng ghen ghét” [3], nhân lúc các tướng nhà Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản, Nguyễn Hoàng “giả thác là xin quân đuổi đánh, phóng hoả đốt hết doanh trại rồi xuống thuyền trốn về Quảng Nam” [2]. Trong lúc đó Trịnh Tùng sợ ông chiếm lấy Thanh Hoá nên vội vàng đưa vua Lê chạy về Tây Đô để giữ đất bản bộ. Mưu mô khống chế Nguyễn Hoàng suốt 8 năm dài ở Đông Đô lộ rõ ngay sau đó, như ghi chép của chính sử Lê – Trịnh lời Bình An vương Trịnh Tùng nói với tướng sĩ: “Đoan Quốc công trấn thủ Thuận Quảng hơn 30 năm, vốn được lòng quân dân, nay trốn về trấn cũ, như cá về biển cả, chim về rừng sâu, không thể khống chế được nữa. Thiên hạ đương có biến, kinh sư không yên, ta phải bỏ mặc xứ Thuận Quảng không ngó tới, chỉ lo về phía Đông. Ông ta là công thần cũ, lại là người chí thân với ta, hãy viết thư khuyên bảo ông ta nếu ông ta chịu nghe, không có mưu đồ khác, thì việc lớn có thể xong được” [2].

Sự bất lực đầu tiên này của họ Trịnh đã phải trả giá bằng hàng loạt thất bại kế tiếp hơn một thế kỷ rưỡi sau, mà cận kề là 13 năm còn lại dưới thời Tiên chúa.

Mở cõi tiến về Nam.

Đúng như nhận định của sử thần Lê Quý Đôn: “Đoan Quốc công trấn thủ hai xứ [Thuận Hoá và Quảng Nam] đến đấy đã 40 năm rồi, đó là họ Nguyễn bắt đầu chuyên giữ đất ấy” [4], sau khi thoát khỏi sự kiềm chế của Trịnh Tùng, Nguyễn Hoàng đã xúc tiến và đẩy nhanh tiến trình phân lập trên vùng đất phía Nam của chính quyền Lê – Trịnh. Có thể chính việc “Tùng tự lập làm đô nguyên soái tổng quốc chính, thượng phụ Bình Yên [An] vương”, được “ban thêm cho ngọc toản, tiết mao và hoàng việt [tượng trưng đặc quyền vua chúa – NLG]… được mở phủ chúa, đặt quan thuộc”, “đời đời tập phong tước vương” [3] vào giữa năm Kỷ Hợi (1599) đã cảnh tỉnh Nguyễn Hoàng về địa vị tàn tạ của vua Lê và hối thúc ông tạo ra quyền vương đối trọng.

Bề ngoài, Nguyễn Hoàng vẫn tỏ ra khéo léo trong ứng xử với thế lực phía Bắc, tương kế tựu kế như một phương lược bang giao: “Vua Lê sai Thiêm đô Ngự sử là Lê Nghĩa Trạch đem sắc đến phủ dụ, vẫn sai ở lại trấn thủ, hàng năm nộp thuế má. Trịnh Tùng cũng gởi kèm thư, khuyên giữ việc thuế cống. Chúa [Nguyễn Hoàng] hậu đãi sứ giả và sai sứ đi tạ ơn vua Lê; lại gởi thư cho Trịnh Tùng hẹn kết nghĩa thông gia” [1]. Tuy nhiên, ông kiên quyết không ra Đông Đô lần nữa, mặc dù quan quân họ Trịnh muốn mượn danh nghĩa vua Lê xuống chiếu triệu hồi, thậm chí đề xuất việc đem binh chinh phạt như tờ khải của Tả thị lang bộ Hộ Lê Bật Tứ năm Canh Tuất (1610): “Bậc vương giả coi cả nước là một nhà, bên giường nằm, lẽ nào để cho kẻ khác nằm ngáy? Nay các xứ Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Nam, Thuận Hoá vốn là bờ cõi của Tiên vương, thế mà lâu năm chứa tệ, để mặc cho họ ngoan ngạnh. Nếu không xử trí, sợ thành mối lo sau này. Nay thánh thượng gắng chí anh hùng, trăm trận trăm thắng mà lấy được cả thiên hạ. Tướng tá đông như mây vần, quân sĩ dũng mãnh, kỹ thuật tinh nhuệ. Ngựa uống thì nước sông cạn, mài dao thì đá núi lở, thuyền chiến nghìn chiếc, voi khoẻ hàng trăm. Quân tinh nhuệ trong nước đều họp cả ở Kinh sư mà nuông giặc không đánh, thế là nuôi hổ để mối lo về sau vậy… Kính xin quyết đoán thi hành. Cơ nghiệp ức vạn năm vô cùng của nước nhà là do ở đấy” [5]. Biết thế, song vì phải lo chật vật đối phó với đám tàn quân nhà Mạc quấy phá liên tục ở phía Bắc nên Trịnh Tùng đành để yên cho họ Nguyễn phương Nam. Thời gian đang tích cực thúc đẩy cục diện phân quyền.

Ngoài một loạt các hạng mục hạ tầng cơ sở gấp rút xây dựng như cho dời dinh phủ, đặt kho tàng, trùng tu chùa chiền làm chỗ dựa tín ngưỡng tâm linh, Nguyễn Hoàng tập trung toàn bộ nổ lực vào hai việc chính: ổn định bộ máy chính quyền và mở mang cương thổ. Năm 1602, sau chuyến kinh lý vào đến Quảng Nam, nhận ra vị trí yết hầu của miền Thuận Quảng, ông liền dựng dinh và cho hoàng tử kế vị tương lai Nguyễn Phúc Nguyên trấn nhậm, đồng thời cắt đặt và nới rộng các địa giới hành chính xứ này, làm đầu cầu vững chắc cho bước chiến lược tiếp theo. Cuộc tiếp xúc và hậu đãi viên cận chức Trần Đức Hoà đang quản lĩnh phủ Hoài Nhơn cũng như việc lân quốc Champa cùng lúc cho sứ thần sang thông hiếu [1] sau suốt thời gian dài hàng thế kỷ tuyệt giao với người Việt không phải ngẫu nhiên mà hoàn toàn chủ ý. Thế lực vượt trội của Thuận Quảng so với đối thủ Champa trên đà suy yếu cho phép Nguyễn Hoàng làm việc phải làm: “Bấy giờ [1611] quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa [Nguyễn Hoàng] sai Chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được [đất ấy], bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm Lưu thủ đất ấy” [1]. Đó là phủ Phú Yên.

Không thể đòi hỏi hay tiếc nuối gì thêm đối với vị tiền nhân mà sự nghiệp dày hơn phân nửa cuộc đời, thọ 89 tuổi với 56 năm trấn giữ yên ổn mặt Nam, khuất phục Champa mở mang đất đai, chưa kể công trạng phò Lê bình Mạc trên xứ Bắc. Còn hơn thế nữa, lời của ông trước lúc lâm chung tối trọng và quý báu như một phương cách giữ nước – mở cõi cho con cháu họ Nguyễn cũng như hậu thế: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang [Hoành sơn] và sông Gianh [Linh giang] hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển sẵn cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta” [1]. Nguyễn Hoàng trở thành vị chúa khởi nghiệp của họ Nguyễn.

Như vậy, sau những thời cơ và do dự chưa đến lúc chín muồi, phải hơn 30 năm từ lúc Lương Văn Chánh “tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Hồ Thành” năm 1578, người Việt mới thực sự xác lập chủ quyền trên một vùng đất ẩn chứa nhiều nghi vấn cũng như mang đậm dấu ấn của lịch sử. Nguyễn Hoàng đã chủ động nắm bắt và hoàn thành trọng trách mà thời cuộc đặt ra, dựng lên một đầu cầu vững chãi để liên tục lắp nối nhiều nhịp cầu trên bước đường đi tới của dân tộc tiếp hơn một thế kỷ sau.

Hậu thế đã trân trọng ghi nhận và vinh danh công lao vị Tiên chúa Nguyễn Hoàng cùng danh xưng phủ Phú Yên: đất mới mở thời Nguyễn [8].

Tài liệu trích dẫn.

[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, NXB Sử học, HN, tr.30, 41, 42-43, 44.
[2] Lê Quý Đôn (1978), Đại Việt thông sử, tập III, NXB Khoa học xã hội, HN, tr.305-306, 320, 321, 368-369, 371, 373, 375, 376.
[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, NXB Giáo dục, HN, tr.138, 201, 222, 227.
[4] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, NXB Văn hoá – Thông tin, HN, tr.57, 61, 62-63.
[5] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, NXB Khoa học xã hội, tr.139, 184, 214.
[6] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 1, NXB Thuận Hoá, Huế, tr.89.
[7] UBND tỉnh Phú Yên (2003), Địa chí Phú Yên, NXB Chính trị Quốc gia, tr.154.
[8] Đào Duy Anh (2006), Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Văn học, tr.213.

Nhớ về Xóm Chùa – Tân Định

Tôi được sinh ra tại nhà bảo sanh Chung Nam Quế trên đường Trần Quang Khải và lớn lên trong khu xóm nhỏ cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh nay là...

Chuyện “Hồn Trương Ba da hàng thịt” trong tâm thức người Việt

Nhiều nhà nghiên cứu văn học hiện nay cho rằng Hồn Trương Ba, da hàng thịt là câu chuyện không mấy tiêu biểu cho thể loại cổ tích, nếu đặt...

Những công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn thập niên 1920

Cùng ngắm những công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn thập niên 1920 qua các hình ảnh do người Pháp lưu giữ. Trụ sở Hiến Binh Thuộc địa...

Tìm lại biên giới cổ của nước Việt: bằng cổ sử, triết học, di tích và hệ thống ADN

Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả Việt-Nam bài diễn văn của Giáo-sư Trần Đại-Sỹ đọc trong dịp khai giảng niên khóa 1991-1992 tại Viện Pháp-Á (Institut Franco-Asiatique viết tắt...

Từ “Bến Xuân“ tới “Cô Láng Giềng“

Trong dòng nhạc tiền chiến, 2 ca khúc Bến xuân (của Văn Cao) và Cô láng giềng (của Hoàng Quý) chẳng có chút liên hệ. Tuy nhiên, hẳn ít ai...

Thái Hiền – Tiếng hát ấp ủ những mộng lành

Người ta lắng nghe Thái Hiền vì cô không hẳn đang trình diễn mà là đang kể chuyện, kể giản đơn nhưng tinh tế, không kiểu cách mà là những...

Nghịch lý thay khi xã hội càng phát triển, con người càng cảm thấy cô đơn

Ai cũng vậy, vào lúc này hay lúc khác, sẽ có thời điểm cảm thấy cô đơn đến cùng cực. Nghịch lý ở chỗ xã hội càng phát triển, con...

Quang Trung Hoàng Đế – Nhân vật lịch sử hiếm có

Việt Nam là một quốc gia có quá khứ thuộc địa lâu dài: 11 thế kỷ Bắc thuộc và 01 thế kỷ Tây thuộc. Năm 1527 Mạc Đăng Dung soán...

Chữ CEE trên các trạm biến áp ở Sài Gòn nghĩa là gì?

Trên các con đường như Pasteur, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương Nếu, bạn thường xuyên bắt gặp những trạm biến áp theo kiến trúc Pháp cổ. Những trạm biến áp...

Lịch sử ra đời của nhà ống

Tại sao nhà ở Việt Nam quá hẹp? Đây dường như là một câu hỏi phổ biến của du khách khi đến Việt Nam, đặc biệt là ở các thành...

Tiếng lóng và ngôn ngữ chợ búa trong tiếng Việt

Tiếng lóng (slang) là ngôn ngữ của các băng đảng, lưu manh côn đồ, cờ bạc, đĩ điếm, hoặc bọn du thủ du thực nói chuyện với nhau để không...

Nghĩa của “vóc” trong “ăn vóc học hay”

Trên Hồn Việt số 65 (tháng 12/2012), ông Nguyễn Quảng Tuân có trả lời độc giả Ba Bụt (Cao Lãnh, Đồng Tháp) về câu “Ăn vóc học hay”. Thực ra...

Exit mobile version