Người Việt có nguồn gốc từ một tiến trình phát triển liên tục trong vùng phía Đông của châu Á, họ là hậu duệ của cộng đồng tộc Việt, cộng đồng tộc Việt là hậu duệ của văn hóa Đông Á, và văn hóa Đông Á có một nguồn gốc xa là cư dân Đông Nam Á di cư lên vào khoảng 12.000 năm trước. Bởi vậy, xét một cách toàn diện, thì nguồn gốc của người Việt hoàn toàn không bị tác động bởi tộc người Hoa Hạ. [1]
Nhưng trong khoảng 2000 năm gần đây, dưới những sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa lên văn hóa Việt, với dấu ấn lớn trong hầu hết các khía cạnh lớn của văn hóa: văn hóa tinh thần, tâm linh, trang phục, kiến trúc, chữ viết, cũng như những vấn đề chưa rõ ràng trong lịch sử Việt Nam, đã cùng góp phần giúp luồng quan điểm cho rằng người Việt đã bị đồng hóa xuất hiện. Theo đó, luồng quan điểm này cho rằng người Việt thực sự đã bị đồng hóa, hay nặng nề hơn, thì người Việt là một nhánh của người Hán tách ra và lập thành quốc gia riêng.
Nhưng như chúng tôi đã chứng minh, nguồn gốc của người Việt hoàn toàn không chịu sự tác động của người Hoa Hạ, tộc người này mới bắt đầu hình thành vào khoảng hơn 5000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền [2], xâm nhập vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà và đồng hóa cư dân ở đây để dần dần hình thành bản sắc dân tộc theo xu hướng hấp thụ, đồng hóa tất cả những tộc người bị họ cai trị. Bởi vậy, có thể nói rằng không những người Hoa Hạ không tác động tới nguồn gốc của người Việt, mà còn mang trong mình một phần di truyền của thành phần tổ tiên hình thành nên người Việt.
Những cơ sở nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc này cho chúng ta thấy một cái nhìn bao quát và rõ ràng hơn, từ đó làm nền tảng để nhận định về nguồn gốc dân tộc và cũng từ đó, đánh giá lại các vấn đề trong lịch sử của người Việt. Chúng tôi sẽ từng bước tìm hiểu các vấn đề liên quan tới sự đồng hóa và nguồn gốc dân tộc, chứng minh sự kế thừa về di truyền, khảo cổ, văn hóa của người Việt với văn hóa Đông Sơn và văn hóa tộc Việt, cũng như phản biện lại các luồng quan điểm suy diễn về nguồn gốc dân tộc dựa trên một số yếu tố chưa rõ ràng trong lịch sử Việt Nam từ các nghiên cứu khoa học và tra cứu tư liệu gốc từ các ghi chép lịch sử, để bạn đọc có thể thấy rõ được sự kế thừa văn hóa cổ của người Việt, chứng minh rằng người Việt hoàn toàn không bị đồng hóa như luồng quan điểm trên đã đề xuất.
Cơ sở tiếp cận: Khái niệm về đồng hóa dân tộc
Để xác định xem người Việt có bị đồng hóa hay không, thì đầu tiên, chúng ta cần xác định được khái niệm và các hình thức đồng hóa dân tộc. Về mặt định nghĩa, thì đồng hóa là sự áp đặt và chuyển hóa nền tảng văn hóa, ngôn ngữ của một dân tộc sang một nền văn hóa khác, khi bị đồng hóa, dân tộc bị đồng hóa có sự thay đổi về văn hóa, ngôn ngữ sang văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc chủ thể của sự đồng hóa. Đồng hóa dân tộc thường được thực hiện dưới hai hình thức: tự nhiên và cưỡng bức. Hình thức đồng hóa tự nhiên là một xu hướng trong lịch sử của loài người, với những nhóm dân cư chịu ảnh hưởng của một dân tộc, một nền văn hóa khác, lâu dần trở nên mất bản sắc.
Đồng hóa cưỡng bức được thực hiện khi một dân tộc thực hiện xâm lược, chiếm đóng và cai trị dân tộc khác, ép buộc dân tộc bị trị phải theo ngôn ngữ, phong tục, văn hóa của dân tộc cai trị, nhằm mục đích biến dân tộc bị trị thành một dân tộc mất bản sắc, mất đi ý thức dân tộc.
Quá trình đồng hóa bao gồm 3 yếu tố chính: đồng hóa về chủng tộc, đồng hóa văn hóa, và đồng hóa ngôn ngữ. Đây cũng là 3 hướng cơ bản để có thể xác định được một dân tộc có bị đồng hóa hay không. Đây cũng sẽ là hướng tiếp cận mà chúng tôi thực hiện trong bài viết này, nhằm làm rõ vấn đề sự kế thừa văn hóa Việt và từ đó xác định xem người Việt có bị đồng hóa hay không, nhằm phản biện lại giả thuyết cho rằng người Việt đã bị đồng hóa.
I. Người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn về mặt di truyền:
Các nghiên cứu di truyền là cơ sở cốt lõi để xác định về nguồn gốc dân tộc, xác định một dân tộc có bị đồng hóa hay không, nếu người Việt bị đồng hóa về mặt huyết thống, thì kết quả của sự đồng hóa đó sẽ quan sát được trong các nghiên cứu di truyền. Trong thực tế, thì người Việt vẫn kế thừa trọn vẹn về di truyền của văn hóa Đông Sơn, đây là nền văn hóa độc lập cuối cùng của tộc Việt trước khi mất đi sự tự chủ và rơi vào thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Văn hóa Đông Sơn cũng kế thừa từ văn hóa Phùng Nguyên và các văn hóa trong vùng Dương Tử. Dựa trên các nghiên cứu di truyền, có thể khẳng định rằng người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, những tác động di truyền của người Hoa ở bắc Đông Á với người Việt là không đáng kể.
Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 cho thấy người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, với sự khác biệt gen của mẫu văn hóa Đông Sơn và người Việt hiện đại là không thực sự đáng kể. [3]
Nghiên cứu của Liu et al. 2019 cho thấy người Việt kế thừa di truyền trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn. [3]
Phân tích thành phần chính từ nghiên cứu di truyền của Lipson et al. 2018 [4] cho thấy người Việt hiện đại là hậu duệ trực tiếp về mặt di truyền của văn hóa Đông Sơn, với các mẫu của người Việt tụ lại cùng một nhóm với các mẫu của văn hóa Đông Sơn.
Tổng quan về các mẫu cổ và các mẫu hiện đại trong nghiên cứu của Lipson et al. 2018. [4]
Nghiên cứu của Huang et al. 2020 [5] cũng cho thấy người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, với các mẫu di truyền cổ của văn hóa Đông Sơn là của người Việt hiện đại trùng lặp với nhau.
PCA cho thấy di truyền các mẫu của văn hóa Phùng Nguyên (Vietnam_N và Vietnam_LN_BA) gần với cư dân Nam Á ở Đông Nam Á và mẫu của văn hóa Đông Sơn (Vietnam_BA) gần với cư dân Nam Á và Tai-Kadai trong vùng nam Đông Á và Việt Nam. [5]
Như vậy thì các tất cả các nghiên cứu di truyền đều cho chúng ta thấy rằng người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn. Sự tác động di truyền của người Hoa Hạ đối với người Việt là không thực sự đáng kể. Người Việt ngày nay vẫn bảo tồn được nguồn di truyền của họ từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Vì vậy, người Việt hoàn toàn không bị đồng hóa về mặt huyết thống.
Các nghiên cứu khảo cổ cũng cho thấy văn hóa Đông Sơn là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đông Sơn được phát triển trên nền tảng của văn hóa Phùng Nguyên [6]. Từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới Đông Sơn, thì cộng đồng tộc Việt đã trải qua sự hòa huyết trong nội bộ cộng đồng tộc Việt, dẫn tới hiện trạng di truyền của văn hóa Đông Sơn và người Việt có sự khác biệt so với thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, nó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới việc các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt lại có di truyền gần nhau như vậy. [1]
II. Sự kế thừa ý thức Việt:
Ý thức Việt có thể nói là cốt lõi của người Việt, đó chính là ý thức dân tộc, bắt đầu xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử, tiếp tục được tộc Việt sử dụng và kế thừa trong khoảng 3000 năm trước khi thất bại trong những cuộc chiến chống xâm lược của các triều đại Sở – Tần – Hán. Ý thức Việt đã được người Việt giữ gìn và kế thừa trong xuyên suốt thời Bắc thuộc, sau đó đã nhanh chóng được khôi phục khi người Việt giành lại được độc lập cho vùng miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Đây cũng là cơ sở rất quan trọng cho thấy người Việt đã giữ ý thức văn hóa cổ đại mạnh mẽ như thế nào trước áp lực đồng hóa của người Hoa Hạ.
1. Nguồn gốc của tên gọi và ý thức Việt:
Tên gọi Việt, ý thức dân tộc và quốc gia của người Việt đã bắt đầu hình thành vào khoảng hơn 5000 năm trước trong vùng Dương Tử, với văn hóa Lương Chử, đây là văn hóa đầu tiên hình thành nên cộng đồng tộc Việt, mà trong đó, người Việt thuộc ngữ hệ Nam Á ngày nay đóng một vai trò rất quan trọng. Tên Việt được hình thành từ hình chiếc rìu, sau đó dần dần phát triển thành thủ lĩnh cầm rìu, về mặt ý nghĩa, tên Việt có nguồn gốc đại diện cho tộc người sử dụng rìu lễ khí, và nghĩa bóng là vượt qua như nghĩa mà chúng ta ngày nay vẫn sử dụng.
Trên một chiếc bình gốm của văn hóa Lương Chử, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 4 ký hiệu khắc trên thân của chiếc bình, tạo thành một câu hoàn chỉnh, thể hiện rõ ý thức về nguồn gốc và tổ chức quốc gia của cộng đồng tộc Việt. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đổng Sở Bình đã giải mã ý nghĩa các chữ này dựa trên sự so sánh về văn tự, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử, so sánh với các cách giải mã đã có trước đó của các học giả, ông đã giải mã các chữ này là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [7], các chữ này được viết và đọc theo thứ tự từ trái qua phải, theo như cách viết truyền thống của người Việt.
4 biểu tượng trên nồi gốm văn hóa Lương Chử được giải mã cho thấy ý thức Việt đã xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử. [7]
Hình ảnh thực tế chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday, dẫn]
Tên gọi Việt bắt nguồn từ hình ảnh chiếc rìu của văn hóa Lương Chử, tới thời kỳ văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng trung lưu Dương Tử, đã phát triển lên thành hình ảnh thủ lĩnh đội mũ lông chim cầm rìu, đây là đại diện cho ý thức Việt trong văn hóa Thạch Gia Hà.
Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu trên chum gốm văn hóa Thạch Gia Hà. [8]
Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu biểu trưng cho tên gọi Việt trong văn hóa Thạch Gia Hà tiếp tục được người Việt kế thừa trong văn hóa Đông Sơn, với hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu xuất hiện rất phổ biến trên các trống đồng Đông Sơn.
Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu và đội mũ lông chim tương tự như văn hóa Thạch Gia Hà xuất hiện rất phổ biến trên các trống đồng Đông Sơn. Hoa văn trên là ở trống đồng Ngọc Lũ. [9]
Tên Việt đã có một lịch sử rất lâu đời như vậy, là một ý thức quan trọng đối với người Việt, ý thức này được người Việt tiếp tục giữ gìn sau khi nền văn hóa Đông Sơn sụp đổ, người Việt rơi vào vòng lệ thuộc, phải sống dưới ách cai trị và đồng hóa của người Hán. Tên Việt sau đó đã được khôi phục trong thời Bắc thuộc, khi Triệu Quang Phục lên làm vua nước Vạn Xuân (554 – 571), ông đã lấy hiệu là Triệu Việt Vương, đây là một biểu trưng quan trọng cho ý thức Việt được lưu truyền âm thầm trong tâm thức của người Việt, vượt qua những giông tố bởi những chính sách đồng hóa, để tới khi giành lại được độc lập, Đinh Tiên Hoàng đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chính thức đưa tên gọi, ý thức dân tộc Việt trở lại trong dòng lịch sử dân tộc, với vị thế một quốc gia độc lập, thoát khỏi sự đô hộ trong suốt gần nghìn năm có lẻ của người Hán.
2. Ý thức dân tộc Việt trong lịch sử thời trung đại:
Ngay khi giành lại được độc lập, Đinh Tiên Hoàng đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt, thể hiện sự phục hưng của ý thức Việt. Trong suốt chiều lại lịch sử của thời trung đại, các ghi chép lịch sử, tên quốc hiệu đều cho thấy người Việt có sự đề cao ý thức Việt, điều này sẽ được chúng tôi tìm hiểu sâu hơn trong các phần sau đây.
a. Quốc hiệu của người Việt trong thời trung đại:
Trong thời kỳ trung đại, ngoại trừ một triều đại độc lập: nhà Hồ đặt tên nước Đại Ngu, và giai đoạn người Việt chìm trong bóng tối dưới sự xâm lược và đô hộ của nhà Minh, thì các triều đại đều tự nhận đất nước có chữ Việt, triều Đinh là Đại Cồ Việt, triều Lý-Trần là Đại Việt, gián đoạn 20 năm thời thuộc Minh, sau đó tiếp tục được sử dụng bởi các triều đại cho tới thời Tây Sơn.
Gia Long đã có ý định đổi tên nước thành Nam Việt, khi ấy người Việt đang phụ thuộc vào các triều đại Hoa Hạ về mặt chính trị, nên phải có sự đồng ý của nhà Thanh mới có chính danh, nhưng nhà Thanh không chấp thuận đề nghị của Gia Long, yêu cầu Gia Long phải đổi thành Việt Nam thì mới chấp thuận. Tên Việt Nam có từ thời này, nhưng trong thực tế, thì trong các ghi chép cổ của Việt Nam đã nhiều lần nhắc tới tên “Việt Nam” như quốc danh, có thể kể tới như tên sách Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc (thế kỷ XIV), trong tác phẩm Dư Địa Chí vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi cũng nhiều lần nhắc tới tên Việt Nam để chỉ đất Việt, cuối cùng là Trình tiên sinh quốc ngữ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”.
Minh Mạng sau đó đã xin nhà Thanh đổi sang tên Đại Nam, nhưng không được nhà Thanh chấp thuận, Minh Mạng đơn phương công bố quốc hiệu Đại Nam khi nhà Thanh suy yếu, trong thực tế, thì Đại Nam cũng chính là Đại Việt Nam. Khi này, nước Việt có song song hai cái tên chính thức: Việt Nam và Đại Nam hay Đại Việt Nam, đều có yếu tố Việt.
Sách Quốc sử di biên chép: “Tháng 3, ngày 2 (Mậu Tuất, 1838, Minh Mạng thứ 19), bắt đầu đổi quốc hiệu là Đại Nam. Tờ chiếu đại lược: … Vậy bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đổi quốc hiệu là Đại Nam, hoặc xưng là Đại Việt Nam cũng được.” [10]
Tựu chung, thì trong hầu hết chiều dài lịch sử, thì quốc hiệu của người Việt hầu như đều chứa tên Việt tự nhận của mình, thể hiện ý thức dân tộc và đất nước thống nhất, không giống như các triều đại Trung Hoa đặt tên quốc hiệu theo triều đại cai trị, hầu như không có tên gọi nào thể hiện ý thức dân tộc giống như người Việt trong tên đất nước của mình.
b. Tên gọi Việt trong các ghi chép lịch sử:
Rất nhiều tác phẩm lịch sử trong thời kỳ trung đại hoặc được đặt tên có chữ Việt trong tiêu đề, hoặc ghi chép nhiều về các khái niệm thể hiện ý thức Việt như “người Việt”, “giống Việt”, thể hiện không gian lịch sử từ thời Bắc thuộc tới thời trung đại.
Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư đã nhiều lần nhắc tới danh xưng “Việt”, có thể ví dụ như: “Viện có câu thề: “Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt”. Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy…”, “Nước Việt ta lại thuộc vào nhà Hán.” [11]
Đại Việt thông sử (1759) của Lê Quý Đôn chép: “Ta giải phóng hết những người Việt ta từng bị chúng ức hiếp phải theo, và thu được hơn trăm chiếc thuyền chiến, cùng rất nhiều khí giới đồ đạc. Quân dân vùng này thảy đều qui phụ quân ta.” [12]
Lam Sơn Thực Lục (1431) do Nguyễn Trãi soạn, được vua Lê Thái Tổ đề tựa chép: “Đất cát lại đất cát nước Nam! Nhân dân lại nhân dân giống Việt!” [13]
Việt Sử Tiêu Án (1775) của Ngô Thì Sĩ chép: “Nhân sĩ Hán đến nương nhờ, thì vui được chỗ ở yên, sứ thần nước Ngô mỗi lần đến, thì khéo thù phụng, cho nên bên trong thì được lòng người Việt, bên ngoài thì được vua Ngô tin yêu, có thể gọi là người khôn đấy.” [14]
Như vậy các ghi chép lịch sử cũng cho thấy về ý thức dân tộc, người Việt cũng tự nhận mình là Việt, giống như tên quốc gia, thì cả về ý thức dân tộc và ý thức quốc gia, người Việt đều sử dụng tên gọi Việt, cho thấy được vai trò rất quan trọng của ý thức này đối với người Việt.
III. Sự kế thừa văn hóa cổ ở người Việt:
Bên cạnh ý thức Việt, thì người Việt vẫn lưu truyền rất mạnh mẽ những đặc trưng văn hóa cổ đại của cộng đồng tộc Việt trong xuyên suốt thời Bắc thuộc, tự chủ cho tới ngày nay. Những đặc trưng này là những bằng chứng không thể phủ nhận chứng minh rằng người Việt không những không bị đồng hóa bởi người Hoa Hạ, mà còn bảo lưu những đặc trưng văn hóa quan trọng nhất của dân tộc trong thời kỳ còn độc lập.
1. Người Việt vẫn tiếp tục giữ gìn những đặc trưng văn hóa tộc Việt:
Các phong tục và đặc trưng văn hoá của cộng đồng tộc Việt trong thời kỳ tiền Hán thuộc được ghi chép lại khá rõ trong nhiều tài liệu lịch sử, văn hóa và cũng được các tài liệu khảo cổ hỗ trợ, các tài liệu này sẽ cho chúng ta thấy được sự kế thừa văn hóa tộc Việt của người Việt thông qua các đặc trưng văn hóa cơ bản nhất.
a. Triết lý âm dương:
Triết lý âm dương có đã xuất hiện từ rất lâu đời, xuất phát từ nền văn hóa tộc Việt, có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, với đồ hình âm dương sớm nhất được tìm thấy tại văn hóa Khuất Gia Lĩnh và kế thừa nó là Thạch Gia Hà, nằm trong vùng trung lưu Dương Tử, là nguồn gốc chính của người Việt, cũng chính là không gian diễn ra câu chuyện về Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ trong huyền sử của người Việt.
1-2: Hình âm dương trên dọi se chỉ văn hóa Khuất Gia Lĩnh. 3: Hình âm dương trên dọi se chỉ Thạch Gia Hà. [15][16][17]
Trong câu chuyện họ Hồng Bàng, chúng ta cũng thấy rất rõ yếu tố văn hóa Âm – Dương đã in dấu rất đậm trong văn hóa của người Việt.
“Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.” [18]
Đặc trưng văn hóa đó vẫn tiếp tục được người Việt kế thừa trong thời văn hóa Đông Sơn, với văn hóa vật Tổ kép: Tiên – Rồng, đại diện cho Âm và Dương. Hình ảnh chim Tiên xuất hiện trên hầu hết các trống đồng với tần xuất rất dày, bên cạnh đó là hình tượng Rồng được khắc trên những chiếc rìu đồng, và cả trống đồng. Cả hình tượng chim Tiên và Rồng đã được khắc trên trống đồng Phú Xuyên.
Hình tượng Rồng và chim Tiên được thể hiện trên trống đồng Phú Xuyên. [19]
Yếu tố văn hóa Âm Dương đó gắn vô cùng chặt chẽ vào nền văn hóa của người Việt, từ tâm thức tới thực tiễn, người Việt đều dựa trên sự cân bằng Âm – Dương, ít có sự thái quá và cực đoan.
Về những yếu tố nhân vật văn hóa, tâm linh, thì trong văn hóa của người Việt, các nhân vật luôn luôn có đôi: ông Đồng – bà Cốt, đồng Cô – đồng Cậu, đồng Đức Ông – đồng Đức Bà. Ở Trung Quốc, thần mai mối chỉ là một ông Tơ Hồng, vào Việt Nam, người Việt đã biến thành ông Tơ – bà Nguyệt, Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, chỉ có một ông, nhưng vào Việt Nam thì lại xuất hiện Phật Ông – Phật Bà (người Mường gọi là Bụt đực, Bụt cái).
Về đất nước, người Việt cũng luôn luôn sử dụng các cặp từ đối lập nhau: Đất – Nước, Núi – Nước, Non – Nước, Lửa – Nước.
Trong những câu nói, chúng ta cũng thường có sự song đôi, mang đặc trưng của tính âm dương: ăn không nói có, lá mặt lá trái, đầu xuôi đuôi lọt, tiếng bấc tiếng chì, dãi nắng dầm mưa, vui buồn sướng khổ, nói trước quên sau, đi ngang về tắt, vào luồn ra cúi, ngày đêm lặn-lội, một nắng hai sương, than dài thở vắn, đầu tắt mặt tối, cưa đứt đục suốt… [20]
Trong ẩm thực, người Việt cũng rất chú trọng yếu tố cân bằng âm dương: Gừng (dương) thường được dùng kèm với các thực phẩm có tính âm như bí đao, cả, cá, thịt vịt. Rau dăm có tính dương thường được sử dụng cùng với trứng lộ, nghiêu, hến có tính âm. Người Việt đặc biệt ưa thích cóc món ăn đang trong quá trình chuyển hóa âm dương như trứng lộn, nhộng, chim ra ràng, ong non, ve non, dế non, đuông dừa, giá đậu, cốm, măng, đó là sự hài hòa về âm dương. [21]
Nguyên tắc âm dương ở đây được biểu thị hài hoà theo hình thức phân loại thức ăn “Nóng” và “Lạnh”. Về lương thực thực phẩm, những loại mang tính “nóng” như khoai mì, ngô, rượu… những loại thuộc tính “lạnh” như đậu phụ, đậu nành, đậu chao… Đối với các loại rau dưa, rau có tính “nóng” là gừng, ớt, tỏi, cà rốt, rau thơm, loại rau có tính lạnh là rau dền, măng, dưa leo, cà chua… Tương tự, các loại hoa quả như nhãn, vải, nho…thuộc tính “nóng” và chuối, dứa… thuộc tính “lạnh”. Cũng vậy các loại thịt cá như: thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt bò, tôm, lươn… thuộc tính “nóng”, các loại thịt vịt, thịt thỏ, cá trèn, nghêu, ốc… thuộc tính “lạnh”. Trên cơ sở phân loại thực phẩm như vậy, người ta khuyên người có “máu nóng” dùng thức ăn “lạnh” và ngược lại. [22]
Còn rất nhiều bằng chứng khác chứng minh yếu tố âm dương đã thấm nhuần trong văn hóa và đời sống tinh thần của người Việt. Chính vì vậy, chúng ta có thể nói rằng Âm Dương là cốt lõi văn hóa của người Việt, người Việt luôn hướng về sự cân bằng, không cực đoan, đây là một sự kế thừa và phát triển liên tục từ truyền thống cổ xưa của dân tộc thời tiền Bắc thuộc.
b. Đạo thờ Trời:
Tôn giáo cổ xưa của người Việt trước khi Phật giáo xuất hiện, đó là tôn giáo thờ Trời, xem Trời như đấng tối cao, những chiếc trống đống của người Việt chính là đại diện cho tôn giáo thờ Trời đó. [23]
1. Trống đồng Sông Đà, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Pháp. [dẫn]; 2. Trống đồng Khai Hóa, hiện đang trưng bài tại Bảo tàng Dân tộc học Vienna, Áo. [dẫn]; 3, 4. Trống đồng Hoàng Hạ và trống đồng Ngọc Lũ, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Trời luôn ở vị trí trung tâm và xuất hiện trên tất cả các trống đồng Đông Sơn và hậu duệ của chúng, là cốt lõi văn hóa của người Việt. Các hình trên là trống đồng Kính Hoa và trống đồng Ngọc Lũ. [Nguồn: dẫn]
Trong các thần thoại của người Việt còn giữ được cho tới ngày nay [24], thì Trời cũng có vị trí tối cao, Trời tạo ra các vị Thần, vạn vật và con người.
Tuy người Việt không còn thờ Trời, nhưng trong tâm thức của họ, Trời vẫn là đấng tối cao, tạo ra vũ trụ, vạn vật và loài người, họ thường xuyên nhắc tới Trời trong các câu ca dao, các câu nói thường ngày của dân tộc mình.
Dù ai nói ngược nói xuôi,
Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng.
Xin chàng kinh sử học hành,
Để em cầy cấy cửi canh kịp người,
Mai sau xiêm áo thảnh thơi,
Ơn Trời lộc nước đời đời hiển vinh.
Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phước cho.
Nghiêng vai ngửa vái Ông Trời
Đương cơn hoạn nạn
Độ người trần gian.
Gẫm hay muôn sự tại Trời
Coi chừng:
Của Trời Trời lại lấy đi,
Giương hai mắt ếch làm chi được Trời. [25]
Còn rất nhiều câu ca dao mà người Việt nhắc tới Trời như đấng quyền lực tối cao, nhưng Trời cũng rất gần gũi với con người, chứ không xa cách như các vị Thánh, vị Thần của các tôn giáo khác, họ gọi Trời bằng Ông, khi hoạn nạn thì gọi Trời ơi, khi gặp phúc thì cho rằng: “nhờ Trời ban”. Mặc dù qua thời gian, người Việt chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo từ bên ngoài, nhưng Trời vẫn là tối cao trong tâm thức của người Việt, đa phần người Việt không theo tôn giáo nào, mà chỉ giữ đạo thờ tổ tiên, tôn thờ Trời-Phật.
c. Tục xăm mình:
Tục xăm mình của người Việt có nguồn gốc từ thời Hùng Vương, đây không chỉ là phong tục của riêng người Việt mà còn là phong tục chung của cộng đồng tộc Việt. Đây là phong tục có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh, bởi người Việt thường hay xăm mình hình Rồng lên thân, cùng với đó là đội mũ lông chim.
“Dân ở rừng núi xuống sông ngồi đánh đá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng: – Núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại. Bèn khiến lấy mực chạm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn thân của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.” [18]
Có nhiều tài liệu lịch sử chép về phong tục xăm mình của cộng đồng tộc Việt. Đầu tiên là ở vùng hạ lưu Dương Tử.
“Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn là dòng dõi vua Vũ, con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê để lo việc phụng thờ vua Vũ, xăm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp. [26]
Cho tới đảo Hải Nam, người Chu Nhai (Hải Nam) cũng có phong tục xăm mình như phong tục chung của tộc Việt: “… Nhìn ra xa thấy châu Chu Nhai… Nhân dân có khoảng hơn 10 vạn nhà…, xõa tóc, xăm mình, con gái phần nhiều tướng mạo đẹp, làn da trắng trẻo, tóc dài, tóc mai đẹp” [27]
Tới thời nhà Trần, người Việt vẫn tiếp tục duy trì tục xăm mình. Tục xăm mình tới thời vua Trần Anh Tông mới bỏ, từ đó tục xăm mình mới dần nên tiêu cực, được gắn với hình ảnh những người tù tội.
“Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc” [28]
d. Ăn trầu, sử dụng trầu trong các dịp lễ:
Trầu cau là một đặc trưng văn hóa rất quan trọng của người Việt, người Việt vẫn còn nói: “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trầu cau hiện diện trên mọi khía cạnh của văn hóa người Việt xưa, xuất hiện trong phong tục thờ cúng tổ tiên, các dịp giỗ chạp, đám cưới, và xuất hiện trong cả đời sống thường ngày.
Hình ảnh các bà các mẹ ăn trầu, têm trầu đã hết sức quen thuộc trong đời sống người Việt. [Nguồn: dẫn]
Có thể nói văn hóa trầu cau đã thấm rất sâu vào tâm hồn của người Việt. Tài liệu lịch sử cũng cho chúng ta thấy trầu cau đã xuất hiện trong đám cưới của người Việt từ rất sớm.
Thủy kinh chú sớ chép: “‘Hoàn vũ ký’ nói, theo phong tục Giao Châu, người đi hỏi vợ, trước tiên phải đưa hai mâm cau, khi nào nhà gái ăn hết mới thành thân.” [29]
Mâm trầu cau trong phong tục đám cưới của người Việt ngày nay.
Thời Đông Sơn, các tài liệu khảo cổ cũng đã tìm thấy lá trầu, quả cau được chôn theo các mộ. Đây cũng là bằng chứng rất rõ ràng chứng minh sự tồn tại của tục ăn trầu và giá trị của trầu cau trong văn hóa của người Việt xưa và nay. [30]
Phong tục ăn trầu còn dấu ấn sâu sắc cả ở tầng lớp hoàng tộc, tầng lớp chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán, với nhiều di vật liên quan tới việc ăn trầu qua các triều đại.
Bình vôi các triều đại Lý-Trần, Mạc, Nguyễn. [Nguồn: dẫn]
Các hiện vật tinh xảo liên quan tới văn hóa trầu cau của triều đại nhà Nguyễn. [Nguồn: dẫn]
e. Nhuộm răng:
Nhuộm răng cũng là một đặc trưng rất quan trọng của người Việt, phong tục này của người Việt được duy trì tới khoảng thời Pháp thuộc, cho tới ngày nay, chúng ta vẫn thấy nhiều cụ già có hàm răng được nhuộm đen bóng. Phong tục này được ghi lại trong sách Lĩnh Nam chích quái, truyện Bạch Trĩ.
“Chu Công hỏi rằng: – Người Giao Chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần, ngón chân cong, là tại làm sao?
Sứ giả thưa rằng: – Cắt tóc để tiện vào rừng; vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến; chân cong để tiện trèo cây, cày dao, đốt lửa, gieo lúa; đầu trần để khử nóng bức, ăn cau trầu để trừ ô uế và làm cho răng đen. [18]
Tài liệu khảo cổ cũng đã thể hiện đặc trưng văn hóa này. Trong các mộ thuyền, các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm thấy người Đông Sơn đều nhuộm răng đen. Năm 1999, Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL Vĩnh Phúc đã tìm thấy bộ di cốt tại di chỉ Đồng Đậu thuộc Yên Lạc, Vĩnh Phúc còn gần như nguyên vẹn, khoảng 3500 tuổi, có dấu vết của tục nhuộm răng đen. [31]
Phong tục nhuộm răng của người Việt trong thế kỷ trước.
Theo quan niệm thẩm mỹ xưa thì hàm răng đen được coi là chuẩn mực của cái đẹp không chỉ riêng đối với phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng vậy, tuy ở nam giới ít hơn. Do đó, vẻ đẹp của hàm răng đen đã dần được đưa vào ca dao, thi ca như một chuẩn mực về nét đẹp của phụ nữ Việt Nam:
Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say?
Được xếp thứ 4 trong 10 chuẩn mực đo nét duyên của người con gái:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua. [31]
Đây không chỉ là một phong tục đặc trưng văn hóa, mà còn có nhiều ý nghĩa về mặt sức khỏe răng miệng, việc nhuộm răng cùng với ăn trầu giúp răng chắc khỏe, ít bị các vấn đề về răng miệng, nhiều cụ già tới cuối đời hàm răng đen vẫn còn nguyên vẹn, không bị tổn thương chứng tỏ ý nghĩa quan trọng về sức khỏe bên cạnh ý nghĩa văn hóa trong tục nhuộm răng của người Việt.
f. Tục đi chân đất, búi tóc:
Búi tóc, đi chân trần cũng là một trong những đặc trưng văn hóa của người Việt, không chỉ người Việt mà còn là phong tục chung của cả tộc Việt.
Trong sách Tam Quốc Chí, phần Ngô chí có ghi lại: Thế kỷ III SCN, Thái thú Tiết Tông trong tờ sớ xin chọn Thứ sử Giao Châu đã miêu tả người Việt: “tóc búi, chân trần, áo chui đầu vạt trái”.” [32]
Người Chu Nhai (Hải Nam) cũng có phong tục đi chân đất: “Dân ở đây thích đi chân đất” [Hội Trinh chú: “Sơ học ký” dẫn “Chu Nhai truyện” nói: con trai con gái để xõa tóc, đi chân đất.] [33]
Người Quảng Tây cũng có phong tục búi tóc. Trong Tống sử, Quảng Nguyên Châu chép: “Người Man ở châu Quảng Nguyên là họ Nùng. Châu ấy ở đầu nguồn sông Úc Giang, tây nam Ung Châu, đất cheo leo hiểm trở, sản hoàng kim, đan sa, có rất nhiều bộ lạc tụ cư. Tục ở đó dân búi tóc cao, để vạt áo bên trái.” [34]
Hình ảnh người Việt búi tó ở thời cận đại.
Phong tục chung của tộc Việt là thích đi chân trần, đời sống họ gắn bó chặt chẽ với đồng ruộng, với nông nghiệp, xu hướng của văn hóa Việt cũng là thuần phác, giản dị, không màu mè, nên thường họ đi chân đất cho phù hợp với điều kiện sinh sống và lao động của mình.
Hình ảnh quý tộc người Việt đi chân đất trong bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ.
g. Bánh chưng bánh dày và triết lý trời tròn đất vuông:
Bánh Chưng, bánh Dày rất đỗi thân thuộc, gắn bó với người Việt trong nhiều giai đoạn lịch sử, chúng đã trở thành những đặc trưng văn hóa không thể phai mờ đối với người Việt, cho tới ngày nay, chúng vẫn là một thành phần không thể thiếu trong ngày Tết, được sử dụng để dâng lên gia tiên và thần thánh, cũng như là một món ăn được trân quý trong đời sống hằng ngày của người Việt. Nguồn gốc của bánh Chưng, bánh Dày cũng đã được ghi lại trong sách Lĩnh Nam chích quái, là sự sáng tạo của chàng Lang Liêu với sự hỗ trợ của thần nhân.
Bánh chưng và bánh dày của người Việt.
Bánh chưng bánh dày là một trong những kết tinh văn hóa của người Việt, với triết lý “trời tròn đất vuông” được chép lại trong truyện Lang Liêu, có nguồn gốc sớm nhất là từ ngọc bích hình tròn tế trời và ngọc tông hình vuông tế đất của văn hóa Lương Chử. Văn hóa tộc Việt thời Hùng Vương kế thừa quan niệm trời tròn đất vuông từ văn hóa Đông Á cổ đại.
Ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất thời văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn: 1, 2]
Câu chuyện này đã có những cơ sở từ khảo cổ học chứng minh tính thực tế của nó, với sự xuất hiện có thể từ rất sớm.
Nói đến bánh Chưng, bánh Dày cũng là nói đến việc sử dụng lúa nếp, theo tư liệu khảo cổ, muộn nhất là từ 3500 năm trước, lúa trồng (Oriza Sativa) có dạng hạt bầu (large form) giống lúa nếp dính (gloutinous rice) đã tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam. [35]
Hai ảnh bên trái là lúa hạt dài và lúa nếp hạt tròn khai quật được ở hang Xóm Trại (Hòa Bình). Ảnh còn lại là lúa nếp khai quật ở khu mộ táng Đông Sơn Động Xá (Hưng Yên) [35]
Bên cạnh đó khảo cổ còn tìm thấy một chiếc nồi đồng khai quật được ở Làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) có in dấu rất nhiều lá dong ở tình trạng lót nồi, đó là những hình lá dong nằm phẳng ở tư thế nguyên chiếc bao quanh đáy và cạnh nồi. Nhờ oxit đồng từ lớp gỉ của nồi mà chiếc lá được giữ nguyên trạng, thậm chí có màu xanh như những chiếc lá còn tươi. [35]
Vết in chiếc lá dong bên trong nồi đồng Đông Sơn (hình trái) và nguyên trạng phóng đại của nó (hình phải). [35]
2. Người Việt kế thừa văn hóa Đông Sơn:
Các dấu tích văn hóa, di vật các triều đại của người Việt cũng cho thấy rằng người Việt đã kế thừa văn hóa cổ, được thể hiện trong cả các di vật lẫn trong các hoa văn. Vấn đề kế thừa đã được chúng tôi chứng minh trong nhiều bài viết khác [36][37], ở đây, chúng tôi sẽ nêu một cách sơ lược những chi tiết quan trọng nhất để bạn đọc thấy được sự kế thừa.
a. Sự kế thừa trống đồng:
Trong thời kỳ Bắc thuộc cho tới thời tự chủ, thì người Việt vẫn giữ gìn và sử dụng trống đồng. Trong thời Bắc thuộc, thì dấu tích quan trọng nhất chứng minh cho sự tồn tại của trống đồng, đó chính là những mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy tại Luy Lâu, trị sở đô hộ của người Hán trong nhiều triều đại Bắc thuộc.
Các mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy tại Luy Lâu. [Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh, dẫn; Bảo tàng lịch sử quốc gia, dẫn]
Tới thời kỳ tự chủ, thì người Việt vẫn tiếp tục kế thừa và sử dụng trống đồng, chính là trống đồng loại II được tìm thấy rất nhiều ở Việt Nam. Trống loại II kế thừa chất liệu đúc, hoa văn của trống đồng Đông Sơn loại I. Trống được sử dụng trong các triều đại Lý – Trần, sau đó vẫn tiếp tục sử dụng cho tới thời nhà Lê. [38]
Chiếc trống đồng loại II bên cạnh chiếc trống đồng Đông Sơn loại I theo phân loại của Heger. [Nguồn: thư viện lưu trữ Viện Viễn Đông Bác cổ, dẫn]
b. Sự kế thừa qua hoa văn:
Đồ gốm giai đoạn Đại La cho thấy ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, với các viên gạch được khắc các vòng tròn đồng tâm, hình chữ S tiếp tuyến. [39]
Gạch được tìm thấy tại thành Đại La, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. [39]
Tại kinh đô Hoa Lư, vào thời nhà Đinh cũng đã tìm thấy nhiều cổ vật mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn, như mảnh gốm có bố cục trống đồng (hình 1), hoa văn chữ S tiếp tuyến (hình 2,3). [39]
Các mảnh gốm tìm thấy tại kinh đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. [39]
3. Kết luận:
Như vậy, thì tất cả các đặc trưng văn hóa quan trọng của văn hóa tộc Việt và văn hóa Đông Sơn vẫn được người Việt trong thời kỳ trung đại cho tới ngày nay giữ gìn và kế thừa. Từ những cơ sở này, chúng ta có thể kết luận rằng người Việt hoàn toàn không bị đồng hóa về mặt văn hóa.
IV. Người Việt không bị đồng hóa về ngôn ngữ:
Sự đồng hóa phổ biến và quan trọng nhất, đó là sự đồng hóa về mặt ngôn ngữ. Trong thực tế, thì người Việt vẫn kế thừa về ngôn ngữ của người Việt cổ. Người Việt ngày nay vẫn nói ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á, là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn và xa hơn là văn hóa Phùng Nguyên, đều là các văn hóa nói tiếng Nam Á. Những ảnh hưởng của tiếng Hán là có, nhưng không thay đổi nền tảng ngôn ngữ của người Việt như nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất trước đây.
Tiếng Việt thuộc hệ ngữ Nam Á (Austroasiatic), các nghiên cứu ngôn ngữ đã xác định cơ bản vấn đề này [40]. Mặc dù trải qua thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, nhưng người Việt vẫn tiếp tục giữ được tiếng nói của mình, bảo vệ được nền tảng ngôn ngữ của dân tộc được phát triển từ thời kỳ tiền Bắc thuộc. Tiếng Việt ngày nay cũng được tài liệu ngôn ngữ xác định là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn. [41]
Tiếng Việt tuy chịu ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc, có một lượng từ vựng nhất định từ mượn, nhưng lượng từ mượn không nhiều như các giả thuyết đã từng được đề xuất, như Cao Xuân Hạo cho rằng tiếng Việt mượn 70-80% tiếng Trung Quốc [42], Maspéro cho rằng có 50% từ vay mượn Trung Quốc trong tiếng Việt [43], còn Lê Xuân Thoại và Huỳnh Thanh Xuân cho rằng từ vay mượn Trung Quốc chiếm 60-70% từ vựng tiếng Việt. [44]. Các giả thuyết này chưa có sở khoa học và khảo sát kỹ lưỡng lượng từ mượn trong tiếng Việt.
Công trình của Viện nhân chủng và tiến hóa Max Planck được thực hiện năm 2009, công trình này tiến hành tìm từ gốc, từ vay mượn trong 1000-2000 từ vựng cốt lõi của 41 ngôn ngữ trên thế giới [45], trong đó phần tiếng Việt do Gs Mark J. Alves chủ trì, cho thấy trong 1477 từ tiếng Việt thường dùng chỉ có 28,1% là từ vay mượn trong đó 25,3% từ vay mượn Trung Quốc, 1,2% từ vay mượn Pháp, 0,5% từ vay mượn Proto-Tai, 0,3% từ vay mượn tiếng Anh. [46]
Học giả người Trung Quốc, Kỳ Quảng Mưu, trong luận án Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, dựa vào việc khảo sát vào cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên đã cho biết:
– Trong số 32.924 mục từ của Từ điển có 12.910 mục là từ Hán-Việt, tỷ lệ khoảng 39,2%.
– Trong số 12.910 mục từ Hán-Việt có 1.258 mục là từ đơn, chiếm tỉ lệ 9,7% và có 11.652 mục là từ phức, chiếm tỉ lệ là 90,3%.
– Trong số mục từ phức Hán-Việt, số lượng vay mượn nguyên khối là 9.093 từ, chiếm tỉ lệ khoảng 78% còn số lượng do người Việt tự tạo có 2.564 mục từ, chiếm tỉ lệ 22%.
Như vậy chúng ta có thể thấy được tiếng Việt mượn tiếng Hán chỉ khoảng 30%, tỉ lệ này không phải là quá nhiều. Các ngôn ngữ đều có sự giao thoa và vay mượn lẫn nhau. Các ngôn ngữ cũng có tỉ lệ từ vay mượn cao có thể kể đến như tiếng Anh với 41% từ vay mượn, Nhật Bản với 34,9% từ vay mượn, tiếng Thái với 26,1% từ vay mượn [45].
Dựa trên các cơ sở nghiên cứu trên, chúng ta có thể khẳng định được người Việt đã kế thừa ngôn ngữ của cư dân tộc Việt trong thời Đông Sơn, họ đã giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình qua thời Bắc thuộc, và phát triển từ gốc thời Bắc thuộc thành một ngôn ngữ giàu có hơn về từ vựng nhờ hấp thu lượng từ vựng gốc Hán và biến đổi cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Vì vậy, về ngôn ngữ, người Việt cũng không bị đồng hóa bởi tiếng Hán, những ảnh hưởng của tiếng Hán chỉ đơn thuần là từ vay mượn, được Việt hóa nhằm làm giàu thêm kho tàng từ vựng của người Việt, không thay đổi cốt lõi ngôn ngữ của tiếng Việt.
V. Vấn đề nguồn gốc các triều Lý – Trần và lịch sử người Việt thời trung đại:
Một số vấn đề trong lịch sử chưa rõ ràng thời trung đại của người Việt đã được một số nhà nghiên cứu sử dụng để suy diễn về nguồn gốc dân tộc Việt, đặc biệt là vấn đề nguồn gốc các triều đại Lý – Trần, hay việc có triều đại xưng “Hán nhân”, hoặc có người cho rằng các triều đại Việt xưng “trung quốc”, “trung hoa”. Chúng tôi sẽ thử tra cứu lại sách gốc để đánh giá và phản biện lại các quan điểm này, từ đó chấm dứt sự suy diễn về nguồn gốc dân tộc dựa trên các vấn đề này.
1. Nguồn gốc các triều Lý – Trần:
Về vấn đề nguồn gốc của triều Lý Trần, thì dựa trên một số ghi chép lịch sử, đã xuất hiện luồng quan điểm cho rằng đây là các triều đại có nguồn gốc từ phương Bắc, hay “gốc Trung Quốc”, dẫn tới một kết luận rất chủ quan về nguồn gốc dân tộc Việt: các triều đại Việt đều do người Trung Quốc lập nên và cai trị người bản địa. Chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về lịch sử của người Việt, để có thể thấy được nguồn gốc của các triều đại Lý – Trần, nền tảng văn hóa của các triều đại này, cũng như xác minh thông tin về các khái niệm được lấy làm cơ sở kết luận về “nguồn gốc Trung Quốc” của các triều đại đế vương Việt Nam.
a. Nguồn gốc triều Lý:
Suy đoán về việc triều Lý có nguồn gốc Mân bắt nguồn từ bức thư của Từ Bá Tường gửi cho vua Lý được chép trong sách “Lý Thường Kiệt: lịch sử ngoại giao và tông giao triều Lý” của Hoàng Xuân Hãn.
Sách Lý Thường Kiệt – lịch sử ngoại giao và tông giao triều Lý chép: “Vả hai năm trước, có người Tống tên Từ Bá Tường, quê châu Bạch, thuộc Quảng Tây, đã cho người thầm thông với vua Lý. Bá Tường nguyên đậu tiến sĩ, nhưng không được bổ làm quan. Y viết cho vua Lý (1073) nói rằng: “Tiên thế Đại vương vốn người đất Mân. Tôi nghe nói công khanh ở Giao Chỉ cũng nhiều người đất Mân. Bá Tường này, tài lược không kém người, nhưng không được trọng dụng ở Trung Quốc. Vậy xin giúp Đại vương.”” [47]
Đây là cơ sở cho những suy đoán về việc Lý Công Uẩn có nguồn gốc Mân, tuy đất Mân cũng là đất cũ của cộng đồng tộc Việt, nhưng việc Lý Công Uẩn có gốc Mân xét về thực tế thì hoàn toàn không có cơ sở. Như ghi chép ở trên, thì Từ Bá Tường nói rằng “tôi nghe nói công khanh ở Giao Chỉ cũng nhiều người đất Mân”, vậy thì việc ông cho rằng vua Lý gốc Mân cũng chỉ là “nghe nói” mà thôi. Tin đồn này có vẻ như đã có từ lâu, sau đó, trong An Nam chí lược, Lê Tắc có nhắc tới tin đồn này và xác minh rằng “không đúng”.
An Nam chí lược chép về Lý Công Uẩn: “Người Giao Châu (có kẻ bảo là người Phúc Kiến, không đúng), có tài thao lược, Lê Chí Trung dùng làm đại tướng, rất thân tín.” [48]
Như vậy thì thông tin Lý Công Uẩn gốc Mân mới chỉ dừng ở mức tin đồn, không có sử sách chính thức nào của người Việt xác minh vấn đề này. Các sách đều ghi chép ông là người Giao Châu. Xét về nguồn gốc triều Lý, thì còn là vấn đề nguồn gốc gia tộc của ông, đây cũng là một lỗ hổng để giả thuyết về Lý Công Uẩn gốc Mân hay cho rằng ông có gốc Trung Quốc có không gian tồn tại.
Đại Việt sử lược, sách đầu tiên và sớm nhất chép lại về Lý Công Uẩn, cho chúng ta thấy những thông tin rất rõ ràng và đơn giản: Thái Tổ gốc là ở Cổ Pháp, thuộc Bắc Giang, mẹ là người họ Phạm, ngoài ra thì không thấy thông tin gì thêm về nguồn gốc của ông.
Đại Việt sử lược chép: “Vua Thái Tổ tên húy là Uẩn, họ Nguyễn (tức họ Lý – ND) người ở Cổ Pháp thuộc Bắc Giang. Mẹ là người họ Phạm, sanh ra ngài vào ngày 17 tháng 2 năm thứ 5 niên hiệu Thái Bình (đời Đinh Tiên Hoàng, tức là năm Giáp Tuất – 974- ND)”. [49]
Sau đó, Đại Việt toàn thư lại chép thêm những thông tin có phần kỳ quái, dị đoan về nguồn gốc của Lý Công Uẩn, đi rất xa so với những gì mà sách Đại Việt sử lược đã chép lại.
Đại Việt sử ký toàn thư chép về nguồn gốc Lý Công Uẩn: “Họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 [974] thời Đinh.” [50]
Chúng tôi muốn đặt nghi vấn cho Ngô Sĩ Liên, soạn giả của Đại Việt toàn thư: ông đã dựa vào đâu để thêm chi tiết “mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa“? Những ghi chép sớm hơn trong Đại Việt sử lược đã cho thấy Lý Thái Tổ biết cha mình là ai, ông đã truy tôn cha là Hiển Khánh Vương.
Đại Việt sử lược chép: “Vua truy tôn cha là “Hiển Khánh Vương”, mẹ là “Minh Đức Thái Hâu”, sách lập vương hậu sáu người, lập con trưởng là Mã làm Thái tử, những người con trai còn lại đều phong tước hầu.” [49]
Vế trên nhắc về “truy tôn cha”, và sau đó là “mẹ”, thì đây rõ ràng là cha và mẹ đẻ của Lý Thái Tổ, không phải là cha nuôi như một số giả thuyết đã đề xuất, nếu là cha nuôi, thì sách chắc chắn đã ghi rõ.
Như vậy, về nguồn gốc triều Lý, thì ông là người Việt, có nguồn gốc tại vùng đồng bằng sông Hồng, cụ thể hơn là ở Cổ Pháp, hoàn toàn không đủ cơ sở để khẳng định ông gốc Mân hay gốc Trung Quốc, đây chỉ là một sự đồn đoán của người thời đó mà không có cơ sở nào từ các ghi chép lịch sử xác minh. Bên cạnh đó, thì Lý Thái Tổ cũng biết cha mình là ai, nên những ghi chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư về nguồn gốc Lý Công Uẩn là không có cơ sở.
b. Nguồn gốc triều Trần:
Đại Việt sử ký toàn thư chép về nguồn gốc triều Trần: “Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 triều Lý.” [50]
Trong ghi chép này, thì Đại Việt sử ký toàn thư chép về việc vua (Thái Tông) là người đất Mân, hay sách còn chú thêm: “có người nói là người Quế Lâm“, Quế Lâm thuộc Quảng Tây ngày nay, những ghi chép này khác với triều Lý, các chi tiết được chép lại khách quan hơn, nên đây là những thông tin có thể tin được.
Xét về thực tế lịch sử, thì cả hai vùng này đều là các vùng của cộng đồng tộc Việt trong lịch sử, trong vùng phía nam Dương Tử, vẫn còn nhiều dân tộc tách ra từ cộng đồng tộc Việt không chấp nhận sự đồng hóa của người Hán, lánh về các vùng xa xôi trung tâm để tránh sự cai trị và đồng hóa của các triều đình Hoa Hạ, cho nên hiện trạng ngày nay, chúng ta vẫn thấy được rất nhiều các dân tộc hiện vẫn còn là những dân tộc độc lập sinh sống trong vùng này. Nên nhà Trần có gốc Mân Việt hay Quế Lâm, thì cũng là cư dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt trong lịch sử.
Tổ tiên nhà Trần được ghi chép rằng làm nghề chài lưới, đây cũng là một cách thức tách khỏi sự cai trị và đồng hóa của người Hoa Hạ, bảo tồn ý thức về văn hóa, nguồn gốc, sau đó đã lánh về Việt Nam, để trở về với người những người gần gũi về nguồn gốc với mình. Vì vậy nên không thể cho rằng nhà Trần có gốc Mân Việt tức là người Việt đã bị đồng hóa thành người Hán, hay là người Trung Quốc, mà là những người gần gũi về nguồn gốc dân tộc, văn hóa với người Việt. Các ghi chép lịch sử đã cho thấy triều đình nhà Trần cũng mang những đặc trưng văn hóa rất sâu sắc của người Việt.
2. Văn hóa các triều Lý – Trần:
a. Trống đồng:
Điều đầu tiên, và cũng là quan trọng nhất, đó là các triều Lý – Trần cũng sử dụng trống đồng, đây là một cốt lõi văn hóa của người Việt. Việc kế thừa và sử dụng trống đồng đã cho thấy được vai trò của văn hóa Việt trong văn hóa các triều đại Lý Trần.
Trống đồng Bình Yên được tìm thấy tại Thanh Hóa đã được đúc cùng với hoa văn Rồng thời Lý. [51]
Trống đống có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam, kế thừa trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn như chúng tôi đã chứng minh ở bài viết khác [6]. Sự xuất hiện của trống đồng ở các vùng khác đơn thuần là sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, nó không có ý nghĩa phủ nhận sự kế thừa văn hóa cổ của thời Lý – Trần.
Bên cạnh đó, thì trống đồng cũng xuất hiện trong ghi chép lịch sử, khi sứ giả Trần Phu của nhà Nguyên đã chép về trống đồng trong chuyến đi sứ của mình tới Đại Việt.
金戈影裏丹心苦,
銅鼓聲中白髮生. [52]
“Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”
(“Thấy gươm sắt lóe sáng lòng đau khổ
Nghe tiếng trống đồng sợ bạc cả đầu”).
b. Phong tục xăm mình:
Thời Lý – Trần, các triều đại này cũng kế thừa phong tục xăm mình của tộc Việt, đây là một phong tục hoàn toàn không có trong văn hóa Hoa Hạ. Các dân tộc xăm mình trên thế giới cũng không ít, tuy nhiên để xét về bối cảnh lịch sử và sự kế thừa văn hóa, chúng ta cần nhìn nhận dựa trên phong tục cổ thời kỳ Hùng Vương, người Việt đã có phong tục xăm mình hình rồng, tới thời kỳ Lý – Trần, các triều đại vẫn tiếp tục kế thừa phong tục xăm mình hình rồng như thời kỳ cổ đại của người Việt, các dân tộc khác có tục xăm mình cũng không phủ nhận được sự kế thừa đó.
Đại Việt sử ký toàn thư chép về thời Anh Tông nhà Trần: “Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói: “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”; “Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa).Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là “thái long”.” [50]
Đại Việt sử lược chép vào thời Thánh Tông nhà Lý: “Cấm những người đầy tớ trong nhà thích (xăm) hình con rồng trên mình.” [49]
Đại Việt sử lược chép về thời Anh Tông nhà Lý: “Những nhà quyền thế không được tự tiện thu dùng các hạng người trong dân chúng. Các bậc vương hầu trong lúc đêm tối không được qua lại trong thành. Kẻ gia nô của bậc vương hầu không được xăm hình rồng ở nơi ngực.” [49]
Đại Việt sử ký toàn thư chép về thời Nhân Tông nhà Lý: “Cấm nô bọc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân như cấm quân cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô.” [50]
c. Phong tục ăn trầu:
Thời Lý – Trần, các triều đình này cũng có một phong tục rất quan trọng của người Việt trong văn hóa hoàng gia, đó là ăn trầu và sử dụng trầu cau!
Đại Việt sử ký toàn thư chép về giai đoạn chuyển giao giữa nhà Lý và nhà Trần: “Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh.” [50]
Đại Việt sử ký toàn thư, (Trần) Thái Tông hoàng đế chép: “Tháng 2, dời dựng điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu, gọi là điện Phong Thủy. Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón, đều dâng trầu cau và trà, nên tục gọi là điện Trà.” [50]
d. Phong tục đi chân trần:
Các vua, quan thời Lý, Trần cũng đi chân đất, đây là một đặc trưng phân biệt rất quan trọng giữa văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ. Người Hoa Hạ quan niệm rằng mũ áo, giày dép là biểu trưng cho sự văn minh, nhưng người Việt thì không như vậy, trong văn hóa người Việt thì đi chân trần là một phong tục quen thuộc từ thời cổ đại cho tới tận ngày nay. Nếu nhà Trần gốc Hoa Hạ, thì sẽ không bao giờ có chuyện họ lại đi chân đất theo đặc trưng của người Việt.
Chu Khứ Phi (Trung Quốc) trong sách “Lĩnh ngoại đại đáp” (1178) chép về phong tục thời Lý như sau: “Người nước ấy áo thâm, răng đen, búi tóc chuy kế, đi chân đất, sang hèn đều như vậy.” [53]
Chư Phiên Chí (năm 1225) của Triệu Nhữ Thích có bình luận rằng nam nữ Đại Việt đều đi chân đất. [53]
Hình ảnh trong tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cho thấy cả tầng lớp quý tộc, quan lại và binh lính của nhà Trần đều đi chân đất.
e. Kết luận:
Như vậy thì phong tục của các triều đại Lý – Trần mang những dấu ấn rất đậm nét của văn hóa Việt, đây vốn là những đặc trưng văn hóa mà người Hoa Hạ xem là của “man di”, nếu các triều đại này có nguồn gốc từ phương Bắc, thì những đặc trưng văn hóa này chắc chắn sẽ không xuất hiện trong các tầng lớp hoàng tộc của các triều Lý – Trần.
3. Sự công nhận thời Hùng Vương là gốc của mình của triều Lý – Trần:
Triều Trần cũng công nhận về thời kỳ Hùng Vương của người Việt, với những ghi chép về văn bia thời nhà Trần có ghi về đền thờ gốc là đài Kính Thiên được xây dựng từ thời Hùng Vương thứ 6, các vị vua nhà Lý, nhà Trần đã biết tới sự tích này, phong thần và cho tu sửa đền thần, ban tặng sắc phong.
Văn bia được tìm thấy tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, được khắc vào thời Trần, do Hàn lâm học sĩ Trương Hán Siêu soạn năm 1312 và được khắc lại vào đợt trùng tu năm 1816. Văn bia chép như sau: “石碑之立,以錄事跡,以徵功德云耳。 想初 天神王祠下,粵自雄王六世,朱鳶部雒將奉造乾巽向 敬天臺,每歲初春,恭行奉 天大禮。如有水旱災變,民間祈禱,輒靈應焉。逮夫先朝 順天七年春,帝省覽山川,拜封 當境城隍至明大王。厥後,歷代諸帝有修造 ○(6)神祠,有封贈 神敕。蕩蕩乎,巍巍乎,一等威靈矣 仰今 聖帝陛下,位儼九重,躬端萬化。為子孫長久之計,追思夙願,以顯神功 ○ 詔攽錢參百緡,特差修理。仰見工完,鳩集式示規程。此億萬年之功德也,有若是夫。且修文德以恢平治之功;以造神祠,以展敬誠之意。于以衍宗社無疆之福,乃編錄古今事跡詳勒于珉,以垂萬世。” [54] – “Bia đá được dựng lên là để ghi chép sự tích và phô trương công đức vậy. Nhớ xưa, ngôi đền thờ vị thiên thần giáng xuống nước Việt này [là] đài Kính Thiên do Lạc tướng bộ Chu Diên đời Hùng Vương thứ 6 vâng mệnh dựng lên (hướng Tây bắc – Đông nam), hàng năm vào đầu xuân tiến hành đại lễ tế trời, nếu như có nạn lụt, hạn hán hay hỏa hoạn, nhân dân đến cầu đảo là luôn luôn linh ứng. Vua triều trước năm Thuận Thiên thứ 7 (1017) đi thăm cảnh núi sông [đến đây] phong hiệu cho thần là “Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương”. Từ đó về sau, vua các triều đều có tu sửa đền thần và ban tặng sắc phong. Mênh mông thay, cao cả thay, uy linh bậc nhất vậy. Kính nay, thánh đế bệ hạ ngôi ở cửu trùng, chở che muôn vật, vì con cháu mà tính kế lâu dài, nhớ lời nguyền cũ mà làm rạng rỡ công lao của thần. Hạ chiếu ban 300 quan tiền, đặc sai tu sửa ngôi đền, tới khi mọi việc hoàn thành, thực là tụ tập đủ mọi qui thức. Qui mô này chính là công đức của ức vạn năm. Sở dĩ làm vậy chính là tu sửa văn đức để khôi phục cái công bình trị, xây dựng đền thần nhằm thể hiện cái ý kính thành. Nhờ đó mà kéo dài được cái phúc vô hạn của tông xã, cho nên ghi chép sự tích xưa nay khắc rõ ràng vào đá cứng để lưu truyền muôn đời.”. [55]
Những ghi chép này đã công nhận về sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương ở các triều đại Lý – Trần, nó cũng cho chúng ta thấy được một sự trân trọng đặc biệt với di sản từ thời Hùng Vương được truyền lại của các vị vua các triều Lý – Trần, nếu đây là các vị vua gốc Hoa Hạ, chắc chắn họ không phải nhọc công bảo tồn những di sản của dân tộc Việt như vậy.
4. Vấn đề “Hán nhân”, “Hán dân” và “trung quốc”, “trung hoa” trong các ghi chép lịch sử:
Có một số nhà nghiên cứu như Trần Trọng Dương [56] đã sử dụng khái niệm “Hán nhân”, “Hán dân”, “trung quốc”, “trung hoa” để xác định về nguồn gốc của người Việt với những lập luận rất mơ hồ và thiếu căn cứ. Các khái niệm này sẽ được chúng tôi tìm hiểu trong các ghi chép lịch sử của người Việt xem có thực là người Việt tự nhận mình là như vậy hay không.
Chúng tôi đã thử tìm hiểu trong các sách sử quan trọng nhất của người Việt như Đại Việt sử ký toàn thư (triều Lê), Đại Việt sử lược (triều Trần), thì đều không thấy các khái niệm “Hán nhân”, “Hán dân”, “trung quốc”, “trung hoa” được sử dụng để chỉ người Việt, các khái niệm “người Hán”, “Trung Quốc”, “Trung Hoa” luôn luôn được sử dụng để chỉ người phương Bắc và các quốc gia phương Bắc, hay chính Trung Quốc ngày nay. Như vậy, thì các triều đại Trần, Lê không sử dụng các khái niệm này để chỉ người Việt, chỉ duy nhất triều Nguyễn sử dụng các khái niệm “Hán nhân”, “Hán dân” để chỉ người Việt.
Trong số các tài liệu thời Nguyễn, thì các tài liệu của triều đại này như Đại Nam thực lục hay Quốc triều chánh biên toát yếu có chép về các khái niệm “Hán dân”, “Hán nhân”, tuy nhiên, thì triều Nguyễn chỉ là một giai đoạn ngắn và cũng là triều đại cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, không đại diện cho toàn bộ lịch sử của người Việt, bên cạnh đó, đây là triều đại mà văn hóa Việt suy yếu một cách nghiêm trọng, nhà Nguyễn đã học theo và chịu những ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Hoa Hạ, như việc bộ Hoàng Việt luật lệ được sao chép gần như y nguyên từ Đại Thanh luật lệ của nhà Thanh, Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh (hiện vật quan trọng nhất của văn hóa Hoa Hạ), cùng với nhiều hiện vật bằng ngọc, bằng đồng cũng học từ người Hoa Hạ, nên nhà Nguyễn đã học theo tư tưởng Hoa Di của người Hoa Hạ, tự nhận mình là người Hán với ý nghĩa là người văn minh. Cách gọi này cũng không có ý gì trong việc xác định nguồn gốc dân tộc, mà chỉ đơn thuần có ý nghĩa văn hóa mà thôi.
5. Về việc dẫn những tư liệu lịch sử Trung Quốc:
Trong các văn bản như Chiếu Dời Đô, Hịch Tướng Sĩ của các triều Lý – Trần, thì Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đã dẫn nhiều những chi tiết lịch sử của Trung Quốc, tuy nhiên, đây không phải là một cơ sở để suy diễn và kết luận về nguồn gốc dân tộc. Văn hóa Việt trong thời kỳ tự chủ, bên cạnh sự lưu truyền ý thức văn hóa cốt lõi của dân tộc, thì người Việt cũng đã chịu những ảnh hưởng của văn hóa Hoa Hạ thông qua những chính sách áp đặt, đồng hóa, trong đó có việc học các sách kinh điển của phương Bắc.
Các sách kinh điển, bao gồm cả lịch sử của phương Bắc được sử dụng để giáo dục cho các tầng lớp hoàng tộc, quan lại, việc này thì không chỉ có ở người Việt, mà còn có ở các nền văn hóa khác chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Triều Tiên, tầng lớp hoàng tộc, quý tộc của họ cũng học các sách kinh điển của Nho giáo, cũng học lịch sử Trung Hoa, vậy nên nếu tra trong các ghi chép lịch sử hay các tài liệu của họ, chúng ta có lẽ cũng sẽ thấy các chi tiết lịch sử Trung Hoa được nhắc tới.
Vì vậy, đây hoàn toàn không phải là một cơ sở để xác định, nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc. Đơn thuần nó chỉ là một sự ảnh hưởng của văn hóa Hoa Hạ tới văn hóa Việt, là một điều tất yếu khi văn hóa Trung Hoa đã có một quá trình dài ảnh hưởng thông qua sự cưỡng bức (với các chính sách đồng hóa) và sự tiếp nhận tự nhiên của người Việt sau đó, với sự phát triển vượt trội của nền văn hóa này so với văn hóa Việt nói riêng, hay văn hóa trong vùng Đông Á nói chung, thì việc học hỏi là cần thiết và cũng không thể tránh khỏi trong thực tế lịch sử của thời kỳ đó.
6. Vấn đề Cao Biền xây thành Đại La và xây dựng nhà cửa:
Việc Cao Biền xây thành Đại La, hay cho làm nhà cửa từ ghi chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư đã làm cơ sở cho một số người cho rằng Cao Biền đã cho người Hán Hoa Nam xuống miền Bắc Việt Nam, xây dựng nhà cửa trong thành Đại La cho di dân từ miền Bắc xuống. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ dẫn trực tiếp các ghi chép lịch sử, phân tích những yếu tố phi lý mà giả thuyết này đã đề xuất.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Cao Biền giữ phủ xưng vương, đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước (khoảng 6,6 km vuông), thân thành cao trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp các nữ tường nhỏ trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc, lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống 6 sở, cừ nước 3 sở, đường bộ 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước; cao 1 trượng 5 thước; chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian.” [50]
Như vậy thì Cao Biền đã xây dựng La Thành, với diện tích khoảng 6,6km vuông theo cách tính hiện đại, trong ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, thì Cao Biền đã “cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian”. Con số 40 vạn gian, nếu tính mỗi nhà có khoảng 4 gian, thì 40 vạn gian là khoảng 10 vạn nhà, mỗi gia đình có khoảng 4-6 người, tính trung bình là 5 người một hộ, thì 40 vạn gian là khoảng hơn 50 vạn nhân khẩu! 50 vạn nhân khẩu trong một diện tích hơn 6,6km vuông! Không cần là một nhà nghiên cứu cũng có thể thấy được sự phi lý trong con số này. Dân số toàn bộ Việt Nam thời tự chủ cũng chỉ khoảng 3-4 triệu người. Dân số Hà Nội tới thời Pháp thuộc (1918) cũng chỉ là 7 vạn người. Chưa kể tới việc Cao Biền lấy nhân công, kinh tế ở đâu để xây dựng nên 40 vạn gian nhà? Đây là một con số xây dựng nên cả một quốc gia, chứ không còn là một kinh thành đơn thuần nữa. Vì vậy, những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư về Cao Biền “làm nhà cửa hơn 40 vạn gian” chắc chắn không có cơ sở tin cậy. Sự kiện Cao Biền xây thành Đại La và xây dựng nhà cửa cũng đã được Đại Việt sử lược chép lại, với con số thực tế hơn nhiều so với Đại Việt sử ký toàn thư.
Đại Việt sử lược chép: “Cao Biền đắp La Thành chu vi dài 1980 trượng linh năm thước, cao 2 trượng 6 thước. Chân thành rộng 2 trượng 6 thước. Bốn thành có nữ tường cao 5 thước 5 tấc. Địch lâu 55 sở. Môn lâu 5 cái. Ủng môn (cửa tò vò) 6 cái. Ngòi nước 3 cái. Đường bộ (?) 34 đường lại đắp chu vi dài 2125 trượng 8 thước, cao một trượng 5 thước. Chân đê rộng 3 trượng xây cất nhà cửa hơn 5000 căn.” [49]
Đại Việt sử lược cũng ghi diện tích thành Đại La tương tự với Đại Việt sử ký toàn thư, cũng khoảng 6,6km vuông. Sách ghi con số nhà cửa được xây dựng là 5000 căn, nhưng khi chúng tôi tra sách gốc thì sách lại chép là gian 間 giống như Đại Việt sử ký toàn thư, vậy có nghĩa đây là 5000 gian, trung bình một nhà có 4 gian và 5 người một nhà, thì 5000 gian là khoảng hơn 6000 người, đây là một con số thực tế hơn nhiều so với Đại Việt sử ký toàn thư.
Việc Cao Biền xây dựng thành Đại La cũng không có ý nghĩa gì trong việc tìm hiểu về nguồn gốc người Việt. Trị sở đô hộ của các triều đại Hoa Hạ vẫn thường được xây mới, củng cố qua các giai đoạn, nên việc xây thành Đại La cũng là một sự kiện bình thường trong bối cảnh lịch sử thời Bắc thuộc, đặc biệt là sau khi Đại La bị tàn phá bởi Nam Chiếu, nên không thể cho rằng Cao Biền cho xây thành Đại La để đón di dân từ Hoa Nam xuống. Bên cạnh đó, thì các ghi chép lịch sử cũng hoàn toàn không nhắc về một cuộc di cư lớn nào của người Hán Hoa Nam xuống vùng miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn này hay bất kỳ giai đoạn nào trong xuyên suốt lịch sử, nên không đủ cơ sở để cho rằng có một cuộc di cư của cư dân Hoa Nam xuống Việt Nam. Việc Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La, không nhất thiết là kế thừa Cao Biền, và nó cũng không có ý nghĩa kết luận Lý Công Uẩn là gốc Hoa Hạ. Đơn giản, khu vực thành Đại La được xây là nơi có địa thế tốt nhất để xây dựng kinh đô, Lý Công Uẩn nhận thấy điều đó, và chỉ nhắc tới sự kiện Cao Biền xây thành Đại La trong Chiếu Dời Đô như một cách tiếp cận, lấy đó làm cớ hỗ trợ cho việc dời đô của mình mà thôi.
VI. Kết luận:
Qua sự khảo sát toàn diện của chúng tôi, thì trong tất cả các khía cạnh để xác định sự đồng hóa: huyết thống, ngôn ngữ, văn hóa, thì người Việt đều kế thừa trọn vẹn những di sản cổ đại của dân tộc mình. Về huyết thống, người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn. Về ngôn ngữ, người Việt ngày nay vẫn là một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á như thời kỳ văn hóa Đông Sơn và Phùng Nguyên. Về văn hóa, người Việt vẫn tiếp tục giữ gìn và kế thừa rất mạnh mẽ những đặc trưng văn hóa tộc Việt, cũng như tiếp tục kế thừa những di sản của văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ Bắc thuộc và trong thời kỳ tự chủ. Vì vậy, những lập luận cho rằng người Việt đã bị đồng hóa là hoàn toàn không có cơ sở.
Bên cạnh đó, những suy diễn về nguồn gốc dân tộc thông qua nguồn gốc các triều đại Lý Trần, hoặc sự suy diễn các chi tiết nhầm lẫn và chưa rõ ràng trong lịch sử của người Việt cũng đã được chúng tôi làm rõ thông qua việc tìm hiểu trực tiếp từ các ghi chép lịch sử của người Việt. Tất cả các vấn đề được sử dụng để kết luận về nguồn gốc của người Việt đều là sự suy diễn sai lệch các ghi chép lịch sử, cũng như không có cơ sở thực tế chứng minh từ các nghiên cứu khoa học về di truyền, khảo cổ.
Chúng tôi hy vọng rằng, từ việc xác định nguồn gốc dân tộc, xác minh các ghi chép lịch sử một cách khách quan và khoa học mà chúng tôi đã thực hiện, người Việt sẽ nhận diện được chính xác nguồn gốc dân tộc mình, từ đó tỉnh táo hơn trước những luồng thông tin phủ nhận về nguồn gốc dân tộc, hầu như không có tư tưởng, giả thuyết phủ nhận nào là có mục đích tốt, trong thực tế, thì những tư tưởng, giả thuyết phủ nhận đã có những ảnh hưởng rất sâu rộng, nếu không tự trang bị cho mình phương pháp tiếp cận cơ bản dựa trên tinh thần khoa học, chúng ta sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những luồng tư tưởng như vậy, từ đó có những hiểu nhầm nguy hại về nguồn gốc và lịch sử của dân tộc mình.
Tranh minh họa: Thảo My – Trí Nhàn.
Tài liệu tham khảo:
[1] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/
[2] Lang Linh (2021), Tìm hiểu về nguồn gốc của tộc người Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/11/23/575-tim-hieu-ve-nguon-goc-cua-toc-nguoi-hoa-ha/
[3] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[4] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92
[5] Huang, X., Xia, Z., Bin, X., He, G., Guo, J., Lin, C., Yin, L., Zhao, J., Ma, Z., Ma, F., Li, Y., Hu, R., Wei, L., & Wang, C. (2020). Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese. bioRxiv.
[6] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/
[7] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.
[8] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.
[9] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
[10] Phạm Thúc Trực, Quốc sử di biên, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, tr.337, Hà Nội, 2009.
[11] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ – Kỷ thuộc Đông Hán, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 22.
[12] Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, Quyển I – Đế Kỷ Đệ Nhất, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội – Hà Nội, 1978, tr. 12.
[13] Nguyễn Trãi (biên soạn), Lê Lợi (đề tựa), Lam Sơn Thực Lục, Tân Việt xuất bản, 1956.
[14] Ngô Thì Sỹ, Việt Sử Tiêu Án, Ngoại thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Văn Sử xuất bản. 1991.
[15] Jean M Green (1993). Unraveling the Enigma of the bi: The Spindle Whorl as the Model of the Ritual Disk. Asian Perspectives:105-24/
[16] Chu Điềm 关喜艳、周恬 Quang Hỉ Diễn. Tiến bộ mới trong khu khảo cổ thứ tư của khu vực Khuất Gia Lĩnh ở Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Một số di tích quan trọng đã được phát hiện. 湖北荆门屈家岭遗址第四次考古取得新进展 一批重要遗物被发掘: Nhân dân hàng ngày (Trung Quốc); 2004.; 3.
[17] Trương Bằng Xuyên 张朋川 (2005). Đồ gốm vẽ Trung Quốc 中国彩陶图谱: NXB Di sản văn hóa 文物出版社.
[18] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[19] Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh. Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam. Nxb: Viện Bảo Tàng Lịch Sử VN (1974).
[20] Đỗ Quang Vinh, Tiếng Việt với triết lý âm dương và đạo sống Thái Hòa, trích trong Tiếng Việt Tuyệt Vời (tái bản lần thứ 2).
[21] Nguyễn Thủy Ngân, Tinh hoa âm dương ngũ hành trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, Tạp chí Sức khỏe cộng đồng, số 3, ngày 20/5/2020.
[22] ThS. Hoàng Thị Tố Nga, Triết lý âm dương và ảnh hưởng của nó trong đời sống văn hoá của dân tộc Việt Nam.
http://phatgiaobaclieu.com/triet-ly-am-duong-va-anh-huong-cua-no-trong-doi-song-van-hoa-dan-toc-viet/
[23] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia
[24] Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Thị Huế: Kho tàng thần thoại Việt Nam. Nxb. Văn hóa – Thông tin, H, 1995.
[25] Hoàng Trọng Miên, Việt Nam văn học toàn thư Tập I, Văn chương truyền khẩu, thần thoại, Quốc Hoa xuất bản tại Sài Gòn, 1959.
[26] Sử Ký Tư Mã Thiên, Việt Vương Câu Tiễn thế gia, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn học (2003).
[27] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Quyển XXXVI, trang 394, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005.
[28] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển VI, Kỷ nhà Trần, Anh Tông Hoàng Đế. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1993).
[29] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Quyển XXXVII, trang 425, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005.
[30] Phạm Quốc Quân, Truyện trầu cau -Từ truyền thuyết đến chứng tích vật chất, Bảo tàng lịch sử quốc gia.
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/15779/truyen-trau-cau-tu-truyen-thuyet-djen-chung-tich-vat-chat.html
[31] Nguyễn Thị Đoan Trang, Tục nhuộm răng đen của người Việt, Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2019/08/13/408-tim-hieu-ve-tuc-nhuom-rang-cua-nguoi-viet-xua/
[32] Trần Thọ. Tam quốc chí – Quyển 53.
http://www.guoxue.com/shibu/24shi/sangzz/sgzz_053.htm.
[33] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Quyển XXXVI, trang 392, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005.
[34] Tống Sử, Quảng Nguyên Châu, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).
[35] Nguyễn Việt, Từ một phát hiện mới về lá bánh trưng thời Lang Liêu.
http://www.drnguyenviet.com/?id=6&cat=1&cid=102
[36] Lang Linh (2020), Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/
[37] Lang Linh (2021), Người Việt và sự kế thừa văn hóa tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/05/06/531-nguoi-viet-va-su-ke-thua-van-hoa-toc-viet/
[38] Trình Năng Chung, Nguyễn Giang Hải, Văn hóa Đông Sơn 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
http://tapchikhxh.vass.gov.vn/van-hoa-dong-son-10-the-ky-dau-cong-nguyen–n50125.html
[39] Trần Anh Dũng, Giá trị của di sản văn hóa Đông Sơn qua đồ gốm từ thế kỷ I đến thế kỷ 10.
http://baotanglichsu.vn/DataFiles/2020/10/News/thong%20bao%20khoa%20hoc/Tran%20Anh%20Dung%20-%20Gia%20tri%20cua%20di%20san%20van%20hoa%20Dong%20Son….pdf
[40] Haudricourt, A. (2017). The place of Vietnamese in Austroasiatic.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-01631477/document
[41] Ferlus, Michel. (2009). A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00932218v3/document
[42] Cao Xuân Hạo, Suy nghĩ về dịch thuật.
https://bmnn.hunre.edu.vn/suy-nghi-ve-dich-thuat-cao-xuan-hao.html
[43] Maspero, Henri. 1912. Études sur la phonétique historique de la langue Annamite: Les initiales. Bulletin de l’École Françoise d’Extrême-Orient 12:1–127.
[44] Đoàn Mạnh Toàn, Lê Hồng Chào. 2019 Phương pháp học từ vựng tiếng Hán hiện đại dựa vào mối liên hệ về ngữ âm, ngữ nghĩa với từ Hán Việt. Tạp chí khoa học – Đại học Đồng Nai. Số 13-2019.
[45] Haspelmath, M., & Tadmor, U. (Eds.). 2009. Loanwords in the World’s Languages. Berlin, Boston: De Gruyter Mouton. doi: https://doi.org/10.1515/9783110218442
[46] Alves, M. J. 2009. ” Chapter 24. Loanwords in Vietnamese”. In Loanwords in the World’s Languages. Berlin, Boston: De Gruyter Mouton. doi: https://doi.org/10.1515/9783110218442.617
Tải xuống: https://drive.google.com/file/d/1CQJ4zgRcLFArHKpBIecS-75V_t0utV2P/view
[47] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (2014).
[48] Lê Tắc, An Nam chí lược. Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam (dịch). Nhà xuất bản viện đại học Huế (1961).
[49] Khuyết danh, Đại Việt sử lược. Nguyễn Gia Tường (dịch). Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh (2993).
[50] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993.
[51] Thu Trang, Dấu tích thời Lý trên đất Thanh Hóa qua những cổ vật.
https://vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/chuyen-muc-khac/990-nam-danh-xung-thanh-hoa/dau-tich-thoi-ly-tren-dat-thanh-hoa-qua-nhung-co-vat.html
[52] Hai bài thơ sứ giả Giao Châu, bản gốc trên ctext: https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=956475
[53] France Indochin, Tục đi chân trần của người An Nam.
https://www.facebook.com/216549342616068/posts/545969883007344/
[54] Thích Minh Tín, Giới thiệu văn bia đời Trần xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội. Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120); tr. 71-76.
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2294&Catid=723
[55] Nguyễn Kim Oanh, Về một tấm bia mang niên hiệu đời Trần.
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=737&Catid=541
[56] Trần Trọng Dương (2019), Nguồn gốc người Việt: Một lược sử tư tưởng
https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Nguon-goc-nguoi-Viet-Mot-luoc-su-tu-tuong-18523
[57] Cao Xuân Dục (soạn giả), Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu. Nhóm nghiên cứu sử địa Việt Nam xuất bản (1972).