Năm 1943 giáo sư Dương Quảng Hàm cho xuất bản cuốn Việt nam Văn Học Sử Yếu, trong đó có trích dẫn bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan. Và kể từ đó bài thơ nầy được phổ biến rộng rãi trong chương trình bậc trung hoc và được làm mẫu mực thể thơ Đường luật trong các sách giáo khoa nước ta. Hầu hết các tác giả soạn sách văn học VN đều có trích dẫn bài nầy. Nguyên văn bài đó như sau:
Qua Đèo Ngang
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Sau một thời gian có một số học giả cho rằng giáo sư đã viết sai chữ “chợ” trong câu “Lác đác bên sông, chợ mấy nhà” của bà Huyện Thanh Quan. Đáng lẽ ra phải là chữ “rợ mấy nhà” Các vị đó cho là ở vùng núi rừng hoang vu miệt đó làm gì có chợ, chợ thì phải nhà cửa cao lớn dân cư đông đúc. Nơi đây có vài căn nhà tranh lá xiêu vẹo của dân tộc thiểu số thôi. Dùng chữ “rợ”để chỉ đồng bào Thượng đó, mới chính xác. Và kể từ đó rất nhiều bạn đọc đã nghe theo vì cho là có lý.
Tôi không nghĩ vậy. Trước hết là bài này của bà Huyện Thanh Quan sáng tác mang đầy tính ước lệ theo khuôn phép nho gia. Các thi nhân cổ đều ảnh hưởng nền văn học Trung Hoa. Khi họ sáng tác thi ca đều bắt nguồn từ điển cố Trung Hoa cổ. Chúng ta thử đọc lại từ Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc… sẽ thấy rất rõ. Đừng nói chi xa, tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương “Hòn Vọng Phu” ngày nay vẫn còn nhắc đến các địa danh và các chuyện bên Tàu. Hưống chi bà Huyện Thanh Quan sống trọn vẹn trong cái nền văn học cổ xưa đó.
Chữ “chợ mấy nhà” này tôi thấy gốc gác nó từ bức họa nổi tiếng của Tống Địch trong Tiêu Tương Bát Cảnh. Đây là một đề tài quen thuộc trong văn học cổ. Hai con sông Tiêu, sông Tương hợp lưu ở huyện Linh Lăng tỉnh Hồ Nam Trung Quốc nên gọi chung là Tiêu Tương. Dọc bờ sông có rất nhiều cảnh đẹp. :
瀟 湘 夜 雨 Tiêu Tương dạ vũ (Đêm mưa ở Tiêu Tương).
洞 庭 秋 月Động Đình thu nguyệt (Trăng thu trên hồ Động Đình).
山 市 晴 嵐Sơn thị tình lam (Chợ núi lúc trời quang).
江 天 暮 雪Giang thiên mộ tuyết (Tuyết rơi trên sông buổi chiều).
遠 浦 歸 帆Viễn phố quy phàm (Thuyền buồm trở về từ bến xa).
煙 寺 晚 鍾Yên tự văn chung (Tiếng chuông chiều trong chùa đầy mây khói).
漁 村 夕 照Ngư thôn tịch chiếu (Ráng chiều rọi vào thôn chài).
平 沙 落 雁Bình sa lạc nhạn (Chim nhạn đáp xuống bãi cát phẳng).
Phần lớn các thi nhân cổ khi tả cảnh đều lấy Tiêu Tương Bát Cảnh nầy làm mẫu mực. Cũng vậy câu “Chợ mấy nhà” bà Huyện có xuất xứ từ cảnh ” Sơn Thị Tình Lam” của Tống Địch, có nghĩa là “chợ phố núi vào lúc trời trong”.
Đó là cái dư âm của nền văn học Trung Hoa trong thơ văn cổ. Chỉ có vậy thôi, bàn cao xa quá có khi không đúng..
Thực tế cũng không mấy khi thấy người dân tộc thiểu số “rợ” làm nhà ven sông.