Câu thành ngữ này không quá xa lạ, có lẽ tất cả chúng ta đều đã từng được nghe. “Có tật giật mình” nghĩa là bản thân sẽ cảm thấy chột dạ khi có ai đó nói về mình vì mình đã từng làm điều sai trái. Thật ra có khi người ta không phải nói mình, nhưng tự mình thấy có lỗi rồi mình “giật mình”. Đã nói đừng làm chuyện sai rồi mà. Lỡ làm một lần mà mãi mãi cũng không xóa sạch được, mà người ta đâu biết, lâu lâu lại đem vết thương của mình ra xâu xé một lần. Vậy ra, cứ sống lương thiện là không phải lo nữa.
Bên cạnh đó, “Có tật giật mình” là một kiểu vừa phòng vệ vừa tấn công ở nơi cái tôi. Ví dụ, khi một người thấy ai đó nói một điều gì đó giông giống với việc sai trái mình đã làm, thì lập tức hiểu ngay là mình đang có nguy cơ bị tấn công, nên phải phòng vệ.
Người ta có nhiều cách “giật mình” khác nhau. Có người sau phút “giật mình” chợt tỉnh táo và hối hận, lại có người “giật mình” để rồi thấy bị đe dọa. Nếu giật mình mà biết hối cải thì người đó còn lương tâm, còn biết phân biệt đúng sai và có thể trở về chính đạo. Còn nếu giật mình để tấn công lại hay phòng vệ sâu hơn, thì đó đích thị là tiếng nói và sức mạnh của cái tôi.
Sống tốt thì không phải giật mình
Ông bà ta bảo “Có tật giật mình”, vậy ra mình không có tật thì không phải giật mình. Vậy chỉ cần sống thiện, sống tốt thì tâm hồn sẽ được thanh thản. Thật ra, chúng ta làm một việc sai trái dù vô tình hay cố ý cũng đã gọi là sai. Từ đó, cuộc sống lúc nào cũng bị giày xé giữa thiện và ác.
Chúng ta muốn lương tâm mình không ray rứt bình yên trong tâm hồn lẫn thân xác thì hãy cố gắng sống thiện và làm điều tốt. Muốn đừng bị “giật mình” và dằn vặt, muốn sống một đời vui vẻ hãy chăm chỉ làm thiện và nghĩ thiện. Bình yên xuất phát từ trong tâm hồn của mình mà ra.