Chữ phiêu trong phiêu bạc không có nghĩa là thổi
Giảng nghĩa chữ phiêu trong phiêu bạc, một tác giả đã viết: “Phiêu bạc 飃泊 là từ Hán – Việt. Chữ phiêu viết với bộ 風 (phong) có nghĩa là thổi như trong Kinh thi có nói 風其飃汝 (phong kỳ phiêu nhữ: Gió thổi mây (sic) bay); chữ bạc viết với bộ 氵 (thủy) có nghĩa là ghé vào bến, đỗ thuyền vào bờ nghỉ ở bất cứ nơi đâu, tùy ý muốn. Theo nghĩa của từng chữ ấy, thì phiêu bạc có nghĩa là đi lang thang, nay đây mai đó, thường bằng thuyền, không định ở hẳn chỗ nào, tiện đâu thì ghé bến ở đó”.
Trong lời giảng trên đây, vì quá lệ thuộc vào tự dạng của chữ phiêu 飃, là thuộc bộ phong 風 (= gió), nên tác giả đã giảng sai hẳn nghĩa của chữ này trong tổ hợp động từ đẳng lập phiêu bạc. Nghĩa của nó ở đây là “nổi, trôi, trôi nổi, trôi giạt, v.v..” chứ không phải là “thổi”. Mà chữ phiêu 飃 (phong 風 bên trái, phiếu 票 bên phải) do tác giả này đưa ra, tuy cũng thuộc bộ phong ) nhưng lại không thông dụng, vì thông dụng hơn thì lại là chữ 飄 (phiếu 票 bên trái, phong 風 bên phải). Chữ phiêu 飄 bộ phong 風này thông chuyển với chữ phiêu 漂 bộ thủy 氵theo hai nghĩa: 1. thổi; 2. nổi, trôi. Vì thế cho nên tùy theo văn cảnh mà một trong hai chữ này phải có nghĩa là “thổi” dù có thuộc bộ thủy 氵 hoặc “trôi, nổi” dù có thuộc bộ phong 風. Ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy cùng một chữ của câu thơ trong thiên “Thác hề” 籜兮,phần “Trịnh phong” 鄭風 của Kinh thi mà tác giả này ghi bằng chữ phiêu 飄 bộ phong 風 (trong câu Phong kỳ phiêu nhữ ), thì Vương Lực đã theo một bản khắc in khác mà ghi bằng chữ phiêu 漂 bộ thủy 氵 trong Vương Lực cổ Hán ngữ tự điển (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2002): 風其飃汝 (ở đây 女 dùng như 汝). Không những ghi như thế ở mục phiêu 漂 bộ thủy 氵(tr.623) mà ở mục phiêu 飄, bộ phong 風 (tr.1657), khi thảo luận về đồng nguyên tự, Vương Lực cũng ghi: 風其漂女, với chữ phiêu 漂 bộ thủy .
Cổ đại Hán ngữ từ điển của Cổ đại Hán ngữ từ điển Biên tả tổ (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1998), Từ hải (bản cũ), Từ hải (bản tu đính 1989), Từ nguyên (bản cũ), Từ nguyên (bản tu đính 1988), Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur, v.v.., cũng đều dùng chữ phiêu 漂 bộ thủy này cho câu thơ trên đây của Kinh thi. Thuộc bộ thủy hẳn hoi đấy nhưng chữ phiêu 漂 ở đây lại có nghĩa là “thổi”. Ngược lại, dù có viết theo bộ phong 風 thì chữ phiêu 漂 trong phiêu bạc 飄泊cũng dứt khoát chỉ có thể có nghĩa là “nổi”, “trôi” mà thôi. Có “nổi trôi” ở trên nước thì mới có thể có chuyện “ghé vào bến, đỗ thuyền vào bờ nghỉ ở bất cứ nơi đâu, tùy ý muốn”, như chính tác giả đó đã viết chứ nếu bị “thổi” bay ở trên không như chiếc lá khô (thác 蘀) kia thì làm sao “ghé vào bến”, “đỗ vào bờ” ? Đương đại Hán ngữ từ điển của nhóm Lý Quốc Viêm (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2001), Từ hải (bản cũ), Từ hải (bản tu đính 1989), Từ nguyên (bản cũ), Từ nguyên (bản tu đính 1988), Mathews’ Chinese – English Dictionary, Vương Vân Ngũ đại từ điển, v.v.., cũng đều dùng chữ phiêu 漂 bộ thủy 氵 này cho ngữ động từ phiêu bạc 飄泊, chứ không dùng chữ 飃 như tác giả kia đã đưa ra.
Tóm lại, chữ phiêu trong phiêu bạc có nghĩa là “trôi”, “giạt”, v.v.., chứ không phải là “thổi” như tác giả kia đã trả lời cho độc giả.
Các và của trong cách dịch nhan đề một cuốn sách
Ngày 26-10-2009, cuốn Fidel y Raul, mis hermanos. La historia secreta của Juanita Castro, em gái Lãnh tụ Cuba Fidel Castro, viết với sự cộng tác của nữ phóng viên Maria Antonieta Collins, người Mexico, do Santillana xuất bản, đã đồng loạt phát hành tại Mỹ, Mexico, Tây Ban Nha và Colombia. Cuốn sách kể lại quá trình cộng tác của Juanita với CIA để chống lại công cuộc cách mạng của hai người anh. Chúng tôi đã có bài giới thiệu quyển sách này trên chuyên đề An ninh thế giới số 905 (31-10-2009) và đã dịch nhan đề của nó thành Fidel và Raul, anh tôi. Câu chuyện bí mật. Ngày hôm sau, chúng tôi nhận được một cú điện thoại, cho biết rằng BBC Tiếng Việt ngày 27-10-2009 đã dịch nhan đề cuốn sách thành Fidel và Raul, các anh của tôi. Bí mật lịch sử, nghe sát hơn. Giọng nói trong điện thoại còn phân tích rõ anh tôi thì không sát bằng các anh của tôi: vì đây là hai người nên phải dùng các và phải dùng của mới nói rõ được ý liên thuộc. Rồi chữ historia, chắc là tương đương với tiếng Anh history, phải là “lịch sử” chứ sao lại là “câu chuyện”.
Thật là thú vị khi được người mà mình không biết diện mạo và danh tính gọi điện thoại đến để nhận xét về chữ nghĩa của mình. Lúc đó, vì đang bận công việc khẩn trương nên chúng tôi đã hẹn với vị khách là sẽ trao đổi kỹ trên một kỳ Đương thời sắp tới.
Thực ra, so với cách dịch của BBC thì cách dịch của chúng tôi tiết kiệm được đến hai âm tiết, đồng thời là hai tử, mà hoàn toàn không làm sai lệch hoặc mất đi tí ti nào ý nghĩa của nguyên văn. Người đối thoại qua điện thoại nói rằng phải dùng các vì đây là hai người, nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể thì tiếng Việt lại tuyệt nhiên không cần đến các mà câu văn vẫn hoàn toàn rõ nghĩa. Chẳng những thế mà nó còn Việt Nam hơn là với sự có mặt của các nữa. Chẳng hạn, để thuật lại sự hoan hô của khán giả đối với một màn trình diễn, ta chỉ cần viết “Khán giả vỗ tay rần rần” chứ đâu cần phải “Các khán giả vỗ tay rần rần”. Chỉ tay về phía những thiếu niên đang nô đùa cách mình khoảng chục bước, một cô giáo giới thiệu với bạn: “Học sinh của mình đấy!”. Thế đã là đủ chứ cần gì phải nói: “Các học sinh của mình đấy!” Trở lại với trường hợp đang bàn, ta biết rằng ở đây, cụm từ Fidel và Raul nêu tên hai người: Fidel Castro, cựu Chủ tịch và Raul Castro, đương kim Chủ tịch, của nước Cộng hòa Cuba. Trong điều kiện đó, đồng vị ngữ (apposition) anh tôi đi liền ngay phía sau, không thể chỉ riêng Fidel hay Raul, mà chỉ cả hai người, Fidel và Raul. Bất cứ ai nắm vững tinh thần của tiếng Việt đều phải hiểu như thế. Mà đã như thế thì tại sao lại phải dùng thêm các cho rườm rà, rắc rối?
Bây giờ xin nói đến từ của. Người đối thoại kia nói rằng phải dùng của mới nói rõ được ý liên thuộc. Nào phải như thế. Từ xửa từ xưa, về quan hệ thân tộc, người Việt Nam vẫn nói một cách hoàn bình thường: ông tôi, bà tôi, chồng tôi, vợ tôi, anh tôi, chị tôi, em tôi, v.v… Nói chung, trong phần lớn các trường hợp thì trung tâm của danh ngữ (ông, bà, chồng, vợ, v.v..) chỉ nói về một người; nhưng trong thực tế thì nó vẫn có thể nói về nhiều người. Một người có thể chỉ về phía bàn tiệc bên cạnh mà giới thiệu với bạn mình; – Ba người ngồi cạnh nhau giữa cô gái mặc áo dài màu xanh và cô mặc áo hở ngực đều là em tôi cả đấy. Hoàn toàn bình thường. Và rất Việt Nam.
Đến như historia mà cho rằng có nghĩa là lịch sử trong ngữ cảnh đang xét thì rõ ràng là cần phải xem lại kiến thức về tiếng Tây Ban Nha. Trong thứ tiếng này, historia tương ứng với cả history (lịch sử) lẫn story (câu chuyện) của tiếng Anh. Rất nhiều nguồn trên mạng chẳng đã dịch historia ở đây là story đó sao? BBC vẫn có thể sai như thường chứ nó đâu có hoàn hảo trên từng cây số.
Nguồn gốc của xẩm trong hát xẩm
Từ điển tiếng Việt của Vietlex (TĐTV) do Hoàng Phê chủ biên giảng hát xẩm là “lối hát của người mù đi hát rong, gồm nhiều giọng và thường có đệm nhị, hồ, phách” còn xẩm thì được quyển từ điển này giảng là “người mù chuyên đi hát rong”. Vậy, trong hát xẩm, tên của lối hát, thì xẩm là tiếng chỉ người hành nghề, người thực hiện lối hát đó. Nhưng đâu là nguồn gốc của chính cái từ xẩm này? Một số người cho rằng xẩm là một từ đã “mất gia phả”, thậm chí có người còn nghĩ rằng nó “có gia phả” đâu mà mất? Thực ra thì nó có gia phả đấy! Và cứ liệu của ta còn đi ngược lên đến tận giữa thế kỷ XVII nữa là đăng khác. Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt – Bồ – La) của Alexandre de Rhodes (Roma, 1651) đối dịch xẩm là cego (tiếng Bồ), caecus (tiếng La), nghĩa là “đui, mù”. Chẳng phải đây chính là cái nghĩa đã cho trong TĐTV hay sao? Nhưng “đui, mù” cũng chưa phải là nghĩa gốc của xẩm; nghĩa gốc này có thể được tìm thấy trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của (ĐNQ TV) qua mục từ: “Xẩm. Cháng váng, chóng mặt Xây xẩm. Cháng váng, chóng mặt – Xẩm mắt.
Tối mắt, lòa con mắt – Trời xẩm Xẩm trời. Trời áng mây, không có nắng, không có sáng; trời gần tối.” Mục từ này cho phép ta khẳng định rằng xẩm trong xẩm mắt và xẩm trong xẩm tối thực ra chỉ là một. Đồng thời, đây thực chất cũng chỉ là một biến thể ngữ âm và chính tả của sấm, như đã được chứng minh trong TĐTV. Quyển từ điển này ghi nhận: “Xẩm. tính từ. Xem sẩm. Còn sẩm thì được ghi chú là “tính từ” và được giảng là “[khoảng thời gian] bắt đầu tối, không còn trông rõ mọi vật nữa”. Cái nghĩa này của sẩm trong TĐTV chẳng qua chỉ là một với nghĩa của xẩm trong Trời xẩm/Xẩm trời, đã cho trong ĐNQ TV mà thôi. Vậy, ở đây, xẩm và sẩm chỉ là hai biến thể ngữ âm và chính tả. Có điều là giữa hai đơn vị, đã xuất hiện một sự phân công: xẩm đặc dụng cho nét nghĩa “đui, mù” còn sẩm thì đặc dụng cho nét nghĩa “tối, mờ”, ít nhất cũng là trong tiếng Việt toàn dân (chứ riêng ở trong Nam, chẳng hạn, thì xẩm vẫn hiện dụng với nghĩa của sẩm trong TĐTV).
Tóm lại, bước đường phát triển ngữ nghĩa của xẩm từ “tối” đến nghĩa đang bàn có thể được hình dung như sau: 1, tối, mờ > 2. tối mắt, mờ mắt > khó nhìn thấy > không nhìn thấy ≥ mù, đui > (có chuyển đổi từ loại) người mù.
Nguồn gốc của chèo trong hát chèo
Ý Chúng tôi tán thành ý kiến của Từ điển văn học bộ mới (Nxb. Thế Giới, 2004) về nguồn gốc của từ chèo trong hát chèo: “Tính chất hài hước, trào phúng cũng là một đặc điểm nổi bật (của chèo – AC). Do vậy có ý kiến cho từ chèo là do trào đọc chệch ra” (tr.247).
Vì nội dung thuộc về văn học nên quyển từ điển này không chứng minh mối quan hệ ngữ âm giữa hai từ đó, còn chúng tôi thì xin chứng minh như sau: Về phụ âm đầu ch- – tr- thì chèo ~ trào cũng giống như: – chè – trà 茶, – chém – trảm 斬, – chén – trản 盞- (che) chắn – trấn 鎮, (ngự), – (ăn) chay – trai 齋, (giới), chênh (vênh) ~ tranh 崢 (vanh), chếch – trắc 仄, chìm – trầm 沈, v.v… Còn về vấn -eo ~ -ao thì chèo ~ trào cũng giống như: – (hùm) beo ~ báo豹,一 keo (sơn) ~ (a) giao 膠, – khéo ~ xảo (< khảo) 丂, – (năm) Mẹo ~ (năm) Mão 卯, v.v… Mối quan hệ ngữ âm giữa chèo ~ trào là điều chắc chắn, trong đó chèo là âm xưa còn trào là âm nay. Tuy ở trong chèo, ta vẫn có thể mục kích nhiều đoạn, nhiều cảnh lâm ly, bi đát nhưng sự châm chọc, sự “khều móc”, sự đả kích, sự pha trò, v.v…, là yếu tố không thể thiếu được. Vậy, nói hơi quá một chút, thì phi trào bất thành chèo. Vì thế nên chúng tôi cho rằng chèo chính là điệp thức của trào.